BÁO CÁO CÔNG TÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2024 BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG

Nội dung

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG
 

Số: 098/BC-BVHTƯ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


                    Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2023
BÁO CÁO
Công tác hoạt động Phật sự năm 2023
và phương hướng hoạt động năm 2024

Kính gửi: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính báo cáo hoạt động công tác hoạt động Phật sự năm 2023 và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2024 của Ban Văn hóa Trung ương như sau:
I. Báo cáo công tác Phật sự năm 2023:
1. Tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu xuân, để triển khai các hoạt động Phật sự trọng tâm trong năm 2023 tại Văn phòng Thường trực (Chùa Yên Phú - Hà Nội) vào ngày 08 tháng 02 năm 2023. Tổ chức phiên họp triển khai công tác chuẩn bị Lễ ra mắt, trao quyết định nhân sự và chuỗi sự kiện của Ban Văn hóa Trung ương ngày 11 tháng 3, tại Văn phòng Thường trực (Chùa Pháp Hoa, Quận 3, Tp. HCM). Họp kiểm tra, rà soát công tác tổ chức vào các ngày 22 tháng 3 và 13 tháng 4 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
2. Tham gia tổ chức triển lãm thư pháp nghệ thuật, ẩm thực chay tại Lễ hội Quan Âm Ngũ Hành sơn – Đà Nẵng năm 2023. Tham gia tổ chức Lễ hội Chùa Hương – Hà Nội, Lễ hội Quan Âm – Bạc Liêu, Lễ hội Quan Âm Nam Hải – Nghệ An,… với chuỗi hoạt động sôi nổi, phong phú và hấp dẫn, thu hút hàng vạn người tham dự, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và trang nghiêm, trọng thị.
3. Thực hiện Chương 12 của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027: “… xây dựng nền văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc. Đưa kết quả của bốn đề án văn hóa Phật giáo vào thực tiễn xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.”. Kể từ sau Đại hội đến nay; Ban Văn hóa Trung ương đã chủ động, chủ trì phối hợp với các Ban viện, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội, lan tỏa phát huy kết quả đề án: “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo” đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt, đến tất cả Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước đảm bảo tính thống nhất về pháp phục, tụng niệm; nhằm biến Nghị quyết thành hiện thực, đưa Nghị quyết vào thực tiễn đời sống sinh hoạt của Tăng Ni, Phật giáo đồ. Cụ thể:
- Ngày 08 tháng 3 năm 2023, tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Đà Nẵng.
- Ngày 09 tháng 3 năm 2023, đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu.
 - Ngày 11 tháng 3 năm 2023, đã tổ chức lễ ký kết với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An.
- Ngày 25 tháng 4 năm 2023, tại chùa Vĩnh Nghiêm (số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Q3, Tp. Hồ Chí Minh) đã tổ chức Lễ Ký kết hợp tác ghi nhớ với Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN.
- Ngày 13 tháng 7 năm 2023, tại Chùa Diệc (Số 49 Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã ký kết với 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
- Ngày 16 tháng 7 năm 2023, tại chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) đã ký kết với 03 đơn vị: Bảo tàng lịch sử quốc gia; Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện bảo tồn Di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Ngày 17 tháng 7 năm 2023, tại chùa Từ Đàm (Số 01 Sư Liễu Quán, thành phố Huế) đã ký kết với 4 tỉnh Trung Trung Bộ: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
- Ngày 27 tháng 7 năm 2023, tại Tòng lâm Vạn Thiện (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) ký kết với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận.
- Ngày 19 tháng 8 năm 2023, tại Tổ đình Kim Liên – chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) tổ chức tập huấn Đề án Pháp phục và ký kết hợp tác với 11 Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành phía Bắc: Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và thành phố Hải Phòng.
- Ngày 03 tháng 11 năm 2023, tại Tổ đình Bửu Quang (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) ký kết với hệ phái Nam tông Kinh.
- Ngày 06 tháng 11 năm 2023, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) ký kết với hệ phái Khất sĩ.
- Ngày 04 tháng 11 năm 2023, tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) tổ chức tập huấn về đề án Pháp phục và ký kết với 10 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh các tỉnh, thành phía Nam: Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Cùng ngày, tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (Cần Thơ) đã ký kết với hệ phái Nam tông Khmer.
- Ngày 07 tháng 11 năm 2023, khảo sát đặt trụ kinh Chuyển pháp luân tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Cùng ngày đã tổ chức Triển khai, trao đổi tập huấn về Pháp phục, Kiến trúc và Di sản Phật giáo khu vực Trung Bộ, với Ban trị sự Phật giáo các tỉnh thành: Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Đà Nẵng; Quảng Ngãi; Quảng Bình; Quảng Trị tại chùa Từ Đàm, số 1, Sư Liễu Quán, phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Ngày 01 tháng 12 năm 2023, tại chùa Sùng Ân (số 56 đường 21 tháng 8, phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang Tháp Chàm) đã tổ chức ký kết với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận.
Như vậy tính đến nay, đã ký kết hợp tác lan tỏa 04 đề án với 41 đơn vị. Trong đó có: 34 Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; 01 Phân Ban và 02 Viện, 03 hệ phái và Bảo tàng lịch sử quốc gia.
4. Tổ chức buổi tập huấn đề án Pháp phục Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, cho đại diện Ban Trị sự các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Tháp triển khai thí điểm tập huấn đầu tiên vào ngày 20 tháng 3 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó giúp mọi người tiếp cận được Đề án một cách thống nhất và phối hợp với các Ban Trị sự các tỉnh, thành để kiểm soát và lan tỏa đề án được thành công viên mãn. Triển khai tại Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Cần Thơ, Bình Thuận cho các nhà may pháp phục Phật giáo do Ban Trị sự các tỉnh, thành phố cử đi tập huấn đạt kết quả khả quan và kỳ vọng.
5. Tổ chức Lễ công bố quyết định và ra mắt nhân sự nhiệm kỳ IX (2022 – 2027) tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội) vào ngày 14 tháng 4 năm 2023; đồng thời trao quyết định chuẩn y nhân sự khối Thư ký, Văn phòng và 10 Phân ban, gồm:
  • Phân ban Di sản Văn hóa Phật giáo;
  • Phân ban Kiến trúc kiến thiết công trình Phật giáo;
  • Phân ban Ngôn ngữ Phật giáo;
  • Phân ban Pháp phục Phật giáo;
  • Phân ban Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Mỹ thuật Phật giáo;
  • Phân ban Điện ảnh, Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn văn hóa Phật giáo;
  • Phân ban Sự kiện – Triển lãm văn hóa Phật giáo;
  • Phân ban Hợp tác và phát triển văn hóa Phật giáo;
  • Phân ban Bảo trợ phát triển văn hóa Phật giáo;
  • Phân ban Công nghệ và Thông tin văn hóa Phật giáo.
Đặc biệt, tại buổi lễ Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã đánh giá cao Ban Văn hóa Trung ương nhiệm kỳ IX đã cơ cấu nhiều thành viên là nhân tố tích cực, gồm những nhà nghiên cứu, học giả, thiện tri thức có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. Với đội ngũ nhân sự có năng lực cao của Ban, đây là một tín hiệu đáng mừng để kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới, thành tựu được nhiều kết quả tốt đẹp và cao hơn nhiệm kỳ trước. Hòa thượng cũng chỉ đạo Ban Văn hóa Trung ương tiếp nối thành công của 2 đề án Ngôn ngữ và Pháp phục, nỗ lực hoàn thành 2 đề án còn lại là Kiến trúc và Di sản; hoàn thiện bản kinh “Chuyển Pháp Luân” với 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Pali và Anh ngữ, sau đó tôn trí bản kinh được khắc trên trụ kinh Chuyển Pháp Luân tại 4 Học viện Phật giáo Việt Nam và Vườn Nai (Ấn Độ); thành lập Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại ba miền (Chùa Yên Phú – Hà Nội; Chùa Hội Khánh – Bình Dương; Tu viện Khánh An – Thành phố Hồ Chí Minh; Quan Âm Phật Đài – Bạc Liêu) và Khu vực Tây Nguyên; hoàn thành bản thảo cuốn sách “Lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam”…
6. Tổ chức Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh khái quát về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với những nội dung tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo từng vùng miền, hệ phái Phật giáo Việt Nam như: không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng kiến trúc; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo trong bối cảnh đương đại về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo, phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
7. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”. Qua đó, đã lắng nghe nhiều ý kiến từ Chư Tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, di sản văn hoá, các nhà quản lý về tín ngưỡng tôn giáo, nhằm định hướng bảo tồn kiến trúc Phật giáo truyền thống và phát huy hơn nữa kiến trúc Phật giáo trong tương lai thông qua những nguyên tắc, hay có những quy chuẩn trong kiến trúc Phật giáo, vừa bảo đảm tính thống nhất của tư tưởng Phật giáo, lại vừa đảm bảo tính đa dạng hệ phái, vùng miền,… Hội thảo đã tập hợp được gần 70 bài tham luận, tập trung vào các nội dung: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay: đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng, miền và thực trạng, định hướng, giải pháp và đề xuất, kiến nghị đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà quản lý tôn giáo, di sản về tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới công trình Phật giáo hiện nay.
8. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Văn hóa Phật giáo Việt Nam cho thành viên Ban Văn hóa Trung ương, thành viên các Phân Ban trực thuộc. Phổ biến Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Văn hóa Trung ương nhiệm kỳ IX gồm 8 chương 33 điều; Hướng dẫn và khuyến khích Tăng Ni, Phật tử sống và hành động đúng Chính pháp, loại trừ các hình thức cổ hủ, mê tín dị đoan, xa lạ với tinh thần Từ bi, Trí tuệ và nhân văn của Đạo Phật; hợp tác với các đoàn thể, cơ quan để góp phần cùng toàn dân xây dựng nền văn hóa dân tộc nhân văn, văn minh, tiến bộ; Quảng bá văn hóa Phật giáo Việt Nam tới Phật tử, đồng bào nhân dân các dân tộc và công chúng trong, ngoài nước. Thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể, để Phật sự được phát triển hài hòa trên tinh thần đoàn kết và hòa hợp của các Phân ban.
9. Tổ chức cho các thành viên Ban Văn hóa Trung ương đi thăm quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng đá quý của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, khai trương Nhà hàng Chay, ẩm thực đường phố và các hoạt động dã ngoại trong chuỗi sự kiện của Ban Văn hóa Trung ương tổ chức tại Hà Nội.
10. Giao lưu, động viên thăm hỏi, chúc mừng các hệ phái Phật giáo, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, Học viện Phật giáo Nam Tông Kherme. Tham dự Lễ ra mắt các Ban, Viện Trung ương; tham gia Lễ động thổ xây dựng công trình Phật giáo quy mô, các Lễ giỗ Tổ - Húy nhật các bậc Tôn túc kỳ cựu danh Tăng,…
11. Tổ chức hoằng pháp văn hóa tại hải ngoại nhân dịp Đại lễ Phật đản và khánh thành các chùa Việt ở Cộng hòa Liên Bang Đức, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ và Pháp, Lào,….
12. Tọa đàm, nghiên cứu khoa học kiến trúc Phật giáo, kiến trúc của các hệ phái, vùng miền; xây dựng bộ quy chuẩn của các công trình, tìm hiểu tiến tới ứng dụng kĩ thuật mới trong công tác bảo tồn, phát triển kiến trúc và mỹ thuật, xây dựng công trình Phật giáo phù hợp tính đương đại và truyền thống.
13. Xây dựng kế hoạch điều tra, thiết kế và thẩm định các loại hình di tích, di sản Phật giáo trong Giáo hội. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Phật giáo,… nghiên cứu chuyên sâu về di sản Phật giáo.
14. Tổ chức họp tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa, các chuyến điền dã khảo sát; ban hành quyết định phê chuẩn và triển khai Quy chế làm việc, chương trình toàn khóa của các Phân Ban trực thuộc.
15. Ấn hành 100.000 quyển khóa tụng thống nhất, lan tỏa đến Tăng Ni – Phật tử cả nước và kiều bào ở hải ngoại: “mặc áo đồng phục, tụng kinh đồng thanh”. Áp dụng quy chuẩn, ngôn ngữ chữ viết theo Hiến pháp quy định.
16. Ban hành bộ quy chuẩn, nhận diện Đại lễ Phật đản, Vu lan toàn quốc: Maket, băng zon biểu ngữ, mẫu thư mời, trang trí họa tiết, hoa văn,… phục vụ Đại lễ Phật đản, mùa Vu lan báo hiếu được Tăng Ni, Phật tử đồng tình hưởng ứng và đánh giá cao mẫu mã, hình thức.
17. Tham gia giảng dạy về chủ đề: Định hướng đặc trưng Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại các lớp tập huấn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, ngày 27/6 và tỉnh Bạc Liêu, ngày 28/6, Ninh Bình 19/8, Bình Thuận 27/7, Cần Thơ ngày 04/11, Ninh Thuận ngày 01/12.
18. Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên: kinh Chuyển Pháp Luân tại Chùa Yên Phú, Hà Nội.
Ngày 09 tháng 10 năm 2023, Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Quyết định số 802/QĐ-HĐTS, phê duyệt Trụ kinh Chuyển Pháp luân. Tính đến nay, đã cơ bản hoàn thành 03/4 đề án lớn của Giáo hội giao phó.
19. Phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình tổ chức chuỗi sự kiện Văn hóa thắp sáng Tri ân mùa Vu lan và Tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch Đức đệ nhất Pháp chủ, Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận tại Tổ Đình Kim Liên (Chùa Đồng Đắc) từ ngày 18-20/8/2023, với chuỗi sự kiện dâng hương dâng hoa tri ân các bậc Tiền nhân khai cơ lập ấp vùng Kim Sơn, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thuyết giảng tứ trọng ân và quy y Tam Bảo, khánh thành lầu Quan Âm, hoa đăng cầu nguyện Quốc thái Dân an, các nghi lễ cổ truyền,... nhằm lan tỏa giá trị nhân văn của đạo Phật và truyền thống, đạo lý Dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”.
- Phối hợp với tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, tổ chức chương trình “Thắp sáng tri ân mùa Vu Lan năm 2023” tại trụ sở Tập đoàn, số 5, Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên lễ hội Văn hóa Phật giáo được tổ chức ngoài cơ sở Tôn giáo, đã để lại ấn tượng và ý nghĩa tích cực đối với các đối tượng tham dự, đặc biệt là giới Doanh nhân đối với Phật giáo.
20. Tích cực phối hợp và tham mưu cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu hoàn thiện Quy hoạch Khu Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tây Nam Bộ tại Quan Âm Phật Đài và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng Quy hoạch Khu Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tây Nguyên tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, thúc tiến việc xin mở rộng đất Chùa Yên Phú để Quy hoạch Khu Trung tâm Văn hoá Phật giáo khu vực Bắc bộ tại Chùa Yên Phú, khảo cứu và phát huy các giá trị của Trung tâm Văn hóa Liễu Quán – Huế trong đời sống người dân cố đô.
21. Phối hợp với Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam ham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội thảo: khảo sát, điền dã thực địa, nghiên cứu, viết bài cho hội thảo khoa học, dự kiến vào quý 1 năm 2024 và đề xuất bảo tồn, tôn tạo Phật học Viện Đồng Dương tại Quảng Nam.
22. Phối hợp với Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam tổ chức triển lãm các sản phẩm truyền thống mang biểu tượng Phật giáo, nhằm lan toả biểu tượng và tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo đến với cộng đồng tại Vĩnh Phúc.
II. Phương hướng hoạt động Phật sự năm 2024:
  1. Tiếp tục thực hiện sâu rộng Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX: “…nhằm xây dựng nền văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đưa kết quả 4 đề án văn hoá Phật giáo vào thực tiễn xây dựng hệ giá trị Văn hoá Phật giáo Việt Nam…”.
  2. Tiếp tục phối hợp với các Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, các hệ phái Phật giáo và các tổ chức xã hội ký kết và lan toả kết quả nghiên cứu của các đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, Trụ kinh Chuyển Pháp Luân, Biểu tượng kiến trúc chung đã được Hội đồng Trị sự đã phê chuẩn và triển khai xây dựng bộ quy chuẩn về Kiến trúc và Di sản trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng tại các tỉnh/thành, 4 Học viện Phật giáo và tự viện của các hệ phái.
  3. Biên tập sách giới thiệu về đề án ngôn ngữ và pháp phục đã được Hội đồng Trị sự phê chuẩn bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt, làm tặng phẩm trong Đại lễ Vesak năm 2025, nhằm giới thiệu nét đặc trưng về nghi lễ và pháp phục thống nhất của Phật giáo Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
  4. Phối hợp với các tổ chức xã hội, các nhạc sĩ tổ chức cuộc thi Sáng tác ca khúc Phật giáo về Vesak để lựa chọn bài hát chung trong Đại lễ Vesak 2025 sắp tới, đồng thời làm giàu kho tàng âm nhạc của Phật giáo Việt Nam.
  5. Đệ trình Hội đồng Trị sự thẩm định, phê chuẩn và lan tỏa hai bộ nhận diện về Phật đản và Vu lan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  6. Tổ chức triển khai thực hiện đề án Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam, khu vực Tây Nam bộ ở Quán Âm Phật Đài tại tỉnh Bạc Liêu đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cho phép.
  7. Tiếp tục xây dựng và đề nghị Hội đồng Trị sự phê duyệt đề án và quy hoạch Trung tâm Văn hoá Phật giáo Phật giáo Việt Nam các khu vực nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá Phật giáo Việt Nam.
  8. Biên tập và sáng tác cuốn sách “Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Phật giáo thời Trần ở Việt Nam hiện nay”.
  9. Phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức sáng tác và biểu diễn các ca khúc, nhạc phẩm, các thước phim truyền tải những giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức và lối sống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, góp phần đem đạo vào đời, làm sáng đạo trong đời.
  10. Tham mưu cho Hội đồng Trị sự phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và các tổ chức xã hội đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Phật học viện Đồng Dương” tại Quảng Nam.
  11. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức trọng thể, thành kính, an toàn và tiết kiệm các Lễ hội: Cầu an đầu xuân, lễ hội truyền thống, lễ hội Phật Đản/Phật Thành đạo, lễ hội Vu Lan,…
  12. Tiếp tục sưu tầm và sáng tác các mẫu hoành phi, câu đối bằng tiếng Việt, in thành sách để lan toả và ứng dụng trong các ngôi tự viện.
  13. Phối hợp với Ban Trị sự tỉnh Nghệ An tổ chức công diễn ra mắt những ca khúc và nhạc phẩm Phật giáo Việt Nam tại Chùa Đại Tuệ, trong dịp lễ hội Khai bút đầu xuân năm Giáp Thìn.
  14. Phối hợp với Ban Trị sự tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ hội Thắp sáng tri ân mùa Vu Lan năm 2024 tại Quán Âm Phật Đài tỉnh Bạc Liêu.
  15. Phối hợp với các ban viện của Giáo hội và các tổ chức xã hội xây dựng mô hình kinh tế: “Lấy văn hóa lan toả văn hóa”, tạo nguồn cân đối thu chi cho các hoạt động Phật sự, thường xuyên của Ban.
  16. Tổ chức chuyến hành hương về đất Phật (tứ động tâm) tại Ấn Độ vào quý I năm 2024, tìm hiểu cội nguồn Đạo Phật và tham dự lễ cắt băng khánh thành ngôi tịnh liêu tri ân và lưu danh Đức đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận (1897-1993) theo lời mời của Hoà thượng Thích Huyền Diệu trụ trì An Nam Phật Quốc Tự - tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.
  17. Phối hợp với các tổ chức xã hội số hoá 3D - 100 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu giá trị đặc trưng về kiến trúc và di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam đến cộng đồng trong và ngoài nước.
  18. Tăng cường ứng dụng công nghệ điện tử trong công tác thông tin và hội họp, nhằm phát huy hiệu quả công tác truyền thông về những giá trị văn hoá Phật giáo Việt đến với quảng đại quần chúng và công tác điều hành Phật sự.
  19. Duy trì chế độ hội họp, thông tin liên lạc và công tác Phật sự chuyên đề. Thực hiện các hoạt động khác theo sự phân công của Hội đồng Trị sự.
Trên đây là những hoạt động Phật sự năm 2023 và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2024 của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xem xét, đánh giá.
Trân trọng cảm ơn!
Nơi nhận: TM. BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG
TRƯỞNG BAN
- Như kính gửi (để b/c);
- Lưu VT.
 
  Hòa thượng Thích Thọ Lạc

 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây