67. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TĂNG SỰ HIỆN NAY THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Số kí hiệu HT. Thích Thanh Tân Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TĂNG SỰ HIỆN NAY
THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP
 
HT. Thích Thanh Tân
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng
 
THAM LUAN 67 copy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch: ............................................
Kính thưa: .............................................
Kính thưa Đại hội!
Như chúng ta cũng đã biết, vì lòng từ bi, lòng thương tưởng chúng sinh như con đỏ quá thâm trọng mà Thái tử Tất Đạ Đa đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh và nhung gấm xa hoa, lấy tuyết sương làm màn, lấy cỏ hoa làm chiếu, dấn thân vào rừng sâu núi thẳm, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, chỉ với một lý tưởng cao thượng, một mục đích tối hậu là tìm ra một con đường giải thoát giác ngộ để cứu khổ chúng sinh.
Nhiều năm ròng rã như thế, không một nghịch cảnh, một gian lao nào có thể làm chùn bước chân Người con anh tuấn của thành Ca Tỳ La Vệ nước Ấn Độ. Và rồi, sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định dưới gốc cây Tất-bát-la và đêm cuối cùng, khi sao mai vừa ló dạng, Ngài hoát nhiên đại ngộ, ánh đạo vàng bừng hiện, Thái tử Tất Đạt Đa đã thành Phật, bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, Thế Tôn, thầy của trời và người cha lành của vạn loại chúng sinh.
Chúng ta có thể nói rằng: những đặc điểm của Phật giáo, lịch sử truyền bá của đạo Phật và chính đời sống tự thân trải nghiệm, chứng ngộ của Đức Phật, tóm tắt lại chỉ muốn dạy cho chúng ta một chân lý vĩnh hằng rằng: “Hãy bỏ tất cả, để mà được tất cả”. Với ý nghĩa đó, một triết gia thông thái đã phát biểu rằng: “Khi Tôi nằm xuống những gì tôi dùng thì đã mất, những gì tôi để lại thì người khác dùng. Tôi chỉ đem theo được những gì tôi đã cho”. Vậy thì, chúng ta tự nhận mình là trưởng tử, mang dòng họ Thích, nhận lãnh sứ mệnh cao cả hoằngng truyền ánh sáng chính pháp, vì lợi ích cho cả nhân loại và chúng sinh, nỡ nào lại để cho ngũ dục nhấn chìm, như tử thi trôi sông! Và chúng ta đâu đến nỗi để cho vô minh che lấp, cho si mê khát ái dẫn lối để mà ôm tất cả, để rồi mất tất cả”.
Với tấm lòng đại từ đại bi, với lý tưởng cứu khổ độ sanh, nên sau khi giác ngộ quả vị tối thượng, vô thượng chính đẳng chính giác, Đức Phật rời khỏi cây bồ đề để đến Vườn Nai, gặp nhóm bạn của ngài Kiều Trần Như, vốn là bạn đồng hành cùng tu khổ hạnh với Đức Phật trước đó, bài pháp đầu tiên về lý Duyên Sinh Khởi và Tứ Thánh Đế, Bát Chính Đạo.
Sau khi nghe bài pháp, nhóm thầy Kiều Trần Như bừng ngộ và đều chứng thánh quả A La Hán. Bài pháp này được gọi là Chuyển Pháp Luân, khởi nguyên của ánh sáng chính pháp bắt đầu lưu lộ trong khắp cõi nhân gian. Vậy là Phật đã thành, Pháp đã được giảng và Tăng đã được lập. Ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng tôn quý nhất đã hình thành, để làm nơi quy ngưỡng nương tựa cho cuộc đời.
Đặc biệt là những lời dạy của Đức Phật luôn luôn phù hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ, mọi hoàn cảnh và điều kiện sống của chúng sinh. Bởi khởi đi từ một con người mà thành Phật, vì vậy Phật giáo có từ con người, của con người và cho con người là trên tất cả. Phật giáo hay lời dạy của Đức Phật luôn luôn và bao giờ cũng đúng với sự thật của mọi sự vật. Mặt trăng có thể nóng lên, mặt trời có thể làm cho nguội đi, nhưng lời dạy của Đức Phật không bao giờ thay đổi giữa muôn trùng đổi thay. Rõ ràng chính pháp Phật giáo thật thậm thâm vi diệu, mà mỗi câu kinh, mỗi lời huấn thị đều có công năng hóa giải bao nỗi khổ niềm đau, có năng lực đưa con người đến giác ngộ giải thoát triệt để. Đó cũng là lý do mà đời đời xưng tụng đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo của chân lý, của sự thật, của trí tuệ.
Vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại, chính pháp cần được truyền bá rộng rãi trên tinh thần vô ngã vị tha. Đức Phật khuyến khích chư vị Tỳ Kheo khẩn cấp hãy lên đường truyền đăng tục diệm để báo Phật ân đức, vì lợi ích chúng sinh và đây cũng là lý do khẩn thiết và duy nhất mà Tăng đoàn đầu tiên được thành lập.
Vì mục đích tự lợi và tự tha, vì hạnh phúc và an lạc cho đời. Vì vậy, giáo đoàn Tỳ kheo không thể tách rời xã hội và cuộc sống chung quanh họ, nếu Tăng đoàn sống biệt lập không có sự cộng hưởng, sự liên hệ với cộng đồng xã hội, thì sự có mặt của Tăng đoàn trở nên vô nghĩa. Vì thế người ta cũng sẽ tự hỏi Đức Phật đã tạo ra Tăng đoàn nhằm mục đích gì, nếu như tập thể ấy tách rời khỏi môi trường xã hội bao quanh họ.
Ba mục đích chính yếu mà Đức Phật thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ngay sau ngày Ngài thành đạo và tuyên thuyết bài pháp đầu tiên. Đó là:
1. Tăng đoàn là tập thể gương mẫu để cho người đời noi theo, là đoàn thể đẹp cùng đi trên con đường giải thoát làm an lạc cho cuộc đời. Tập thể gương mẫu ấy phải đáp ứng một cách trung thực những lý tưởng Phật giáo, điển hình như từ bi trí tuệ, vô ngã vị tha, độ lượng khoan dung. Vì Đức Phật cũng tự hiểu là những người bình thường thì không đủ sức để thực hiện một cách lý tưởng trọn vẹn như thế, nên Ngài đã cố gắng chỉ cho chúng ta trông thấy trước mặt một tập thể đang xả thân vì lý tưởng cao đẹp ấy. Chính vì lý do đó mà Tăng đoàn mới đã được thành lập và Đức Phật đã quy định và hướng dẫn những thành viên của Tăng đoàn bằng một hệ thống quy định gọi là Luật tạng.
2. Mục đích thứ hai của Đức Phật khi thành lập Tăng đoàn là muốn xây dựng một tập thể tinh hoa và trình độ trí tuệ ưu tú, đủ năng lực hướng dẫn người thế tục một cách vững chắc . Chính vì mục đích này mà Đức Phật cấm không cho các thầy Tỳ kheo cất giữ tài sản, của cải riêng tư, vì sự tư hữu chiếm giữ của cải là một trong những chướng ngại lớn nhất, cản trở sự tự do của từ bi và trí tuệ. Sống đạo hạnh giản đơn và “Tam thường bất túc là phẩm hạnh và lý tưởng của mỗi thành viên Tăng đoàn.
3. Mục đích thứ 3 của Đức Phật khi thành lập Tăng đoàn là muốn tạo dựng một tập thể mà các thành viên phải xả thân để phục vụ lợi ích cho con người là tối thượng và ngoài nhiệm vụ cao cả ấy ra thì không quan tâm đến bất cứ một thứ gì khác: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”.
Chính vì lý do quan trọng cốt yếu này mà Tăng đoàn phải thực hiện đời sống phạm hạnh và thanh tịnh, không như vậy thì thua người thế tục, làm sao làm thầy hướng dẫn cho họ.
Kính thưa Đại hội!
Phật giáo xuất hiện trong lịch sử của nhân loại gần ba ngàn năm cho đến nay, vẫn trên đà phát triển, nhất là tại các nước Âu và Mỹ. Hầu hết các nhà khoa học và giới thông thái trên thế giới đều nhận định rằng: Phật giáo là một gia tài tinh thần giàu có nhất của nhân loại từ xưa đến nay, Tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng lấy tinh thần từ bi và khoan dung của Phật giáo để giải quyết những vấn đề toàn cầu mà loài người mong đợi.
Nhìn lại những chặng đường đi qua, Phật giáo đã khẳng định rõ nét cái chỗ đứng và con đường dấn thân và phục vụ chúng sinh của mình. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đi ngược lại sứ mệnh cứu khổ ban vui của đạo Phật. Mỗi khi nói đến Tăng đoàn Phật giáo người ta nghĩ đến ngay đến hai đặc tính tiêu biểu đó là Thanh Tịnh và Đoàn kết Hòa hợp. Nhờ sự thống nhiếp của Giới Luật mà hai tính chất này tồn tại trong Tăng đoàn làm cho Phật giáo trường tồn và thăng hoa trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại.
Ở đây chỉ giới hạn về Phật giáo Việt Nam mà thôi, hơn hai ngàn năm qua, Phật giáo Việt Nam được xem là biểu tượng cao đẹp của Văn hóa Dân tộc. Trong vô số đóng góp của Tăng đoàn Việt Nam phải nói đến năng lực hàng đầu của Giới luật, vì ngoài Giới luật không có một hàng rào nào có thể bảo hộ cho Tăng đoàn. Hòa hợp và Thanh tịnh của Tăng đoàn là quan trọng hàng đầu trong việc làm trong sáng cái nhìn khách quan của người thế tục và cộng đồng Dân tộc . Chư vị Quốc Sư và Thiền Sư điều thể hiện nếp sống gương mẫu Giới luật tinh nghiêm, lại sống trong tinh thần và thái độ vô trụ, vô trước, vô chấp, không những là thạch trụ chốn tùng lâm mà còn là tích trượng chống đỡ cho Dân tộc hùng uy trước nội thù và ngoại xâm, đưa Dân tộc đến chỗ Độc Lập, Tự Chủ và đưa Phật giáo đến chỗ huy hoàng xán lạn.
Nhờ sống trong giới luật niêm mật mà các thánh Tăng Việt Nam cũng đã thể hiện uy đức tâm linh: “Đạo cao long hổ phục, Đức trọng quỷ thần kinh”. Điển hình là mỗi lời nói của thiền sư Vạn Hạnh như một lời sấm truyền. Vậy thì dù cho sống ở quốc độ nào, xứ sở nào và thời đại nào đi chăng nữa, thì hai đặc tính Thanh tịnh và Hòa hợp tạo nên khí chất và phẩm hạnh của người xuất gia nói chung và Tăng đoàn nói riêng. Mất hai đặc phẩm cốt thiết quan trọng hàng đầu này thì chỉ là một tổ chức ô hợp là kẻ tặc trú không hơn không kém, chỉ biết lạm xưng để lợi danh và lợi dưỡng , mà quên hết lý tưởng cao thượng của buổi ban sơ vào đạo. Với con mắt thông tuệ của chư Phật và chư Tổ, điều phá giới phạm trai của Tăng đoàn cũng đã được cảnh báo từ lâu.
- Trong kinh Đại Bảo Tích - Phẩm Pháp Hội Ma Ha Ca Diếp đã khuyến cáo: “Này Ca Diếp! Đời vị lai năm trăm năm sau, có hàng tương tợ Tỳ kheo, y phục hình mạo giống tương tợ Tỳ kheo, mà giới luật chẳng tương tợ trí tuệ chẳng tương tự”.
- Còn trong kinh Ma Ha Ma Gia lại nói: “...Từ đó về sau, lần lần hàng xuất gia phá hủy giới luật, hoặc rượu hoặc thịt, hoặc sát sanh, hoặc đem bán đồ vật của Tam Bảo, hoặc có vợ con, nếu có con trai thì cho làm Tăng, con gái thì cho làm  Ni, chỉ còn số ít biết duy trì phạm hạnh...”.
- Lại nữa trong kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật dạy rằng: “Về sau khi Giới luật bị coi thường, nơi cõi ngũ trược này tà đạo và mê tín nổi lên rất mạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc của ma vào làm sa môn để phá rối đạo pháp của ta”. (Trích trong Phật Học tinh yếu, tập 2, trang 203, HT. Thích Thiền Tâm)
Với thực trạng Tăng đoàn Việt Nam và giới Tăng Ni trẻ hiện nay, thế thì làm sao? Rõ ràng là câu hỏi đầy bức xúc và hết sức nhức nhối đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Khởi đi từ thực tế và hồi chuông báo động về thực trạng đời sống của Tăng đoàn hiện nay, nhất là đời sống thác loạn, mất phẩm hạnh của bộ phận nhỏ Tăng Ni trẻ đang phơi bày hàng ngày, phần nào làm thoái thất niềm tin nơi quần chúng, làm kẻ thức giả chê cười. Vậy thách thức gì và đâu là giải pháp để củng cố, chế ngự và chấn chỉnh hiện tình nếp sống Tăng đoàn. Vì sự tồn vong của Phật giáo nước nhà, trách nhiệm chung là của người con Phật vốn thương đạo và yêu đời nhưng trách nhiệm cao cả vẫn đòi hỏi trước tiên là các lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.
Kính thưa Đại hội!
Cổ đức rất thâm thúy khi dạy rằng: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (Phẩm chất quý hơn số lượng). Rõ ràng một đoàn thể, một tổ chức mà quá đông thì trở nên hỗn tạp, mất trật tự và khó kiểm soát. Tăng Ni trẻ xuất gia quá đông, đi tu như một phong trào đua đòi mà không phải vì lý tưởng cao đẹp. Vào ở chùa quá dễ dàng, thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ và vị thầy tâm linh. Thả nổi vào chùa, sống lâu ra lão làng, tu lâu ắt hẳn lên sư cụ, trong cái mê tình: tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng, hơn chi cây tầm gửi bám vào thân cây cổ thụ, sự tiến bộ hay sa đọa của bất cứ một người xuất gia nào không chỉ mang lại hậu quả cho riêng ai mà nó còn quan hệ đến cả sự hưng thịnh hay suy bại đối với Phật pháp. Vậy nên không thể thả nổi, lơ là hay vô trách nhiệm thờ ơ với hàng xuất gia trẻ tuổi.
 Đức Phật từng dạy rằng: “…thà làm một tên đồ tể gây nghiệp sát hại, chứ không thể thu nhận đệ tử xuất gia mà không biết giáo dục, khiến cho chính pháp vì thế mà sớm bị diệt vong”. Thế nên quên gì thì quên, nhưng không thể quên một ngày mà không giáo dục Tăng Ni.
Người xưa đã rất thâm thúy khi chủ trương rằng: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Bằng cấp và học vị thế gian quá nhiều. Người xuất gia không thể xem bằng cấp là cứu kính, nó chỉ là tùy duyên và phương tiện mà thôi. Người tu sĩ Phật giáo thời nào cũng cần tu và học song hành. Nếu Tăng Ni đua đòi học cho có bằng cấp mà thiếu tu, thô tháo, không có uy nghi tế hạnh, không biết Tàm và Quý, thì đã thua người đời và bị đời cười chê. Câu nói dân gian rất đơn giản mà vô cùng ý nghĩa rằng: “Điệu đi đôi với hạnh, tu đi đôi với hành”. Hạnh là uy, đức hạnh, tất cả do gìn giữ giới luật mà có. Không gìn giữ giới luật thì chỉ là giả tướng thể hiện cái thô lậu, phàm tục mà thôi. Theo khách quan thì đạo đức và văn hóa ứng xử của một số Tăng Ni trẻ hiện nay đang có biểu hiện xuống cấp trầm trọng. “Không nên thắc mắc vì sao người ta không cung kính mình, mà phải hỏi lại chính mình, xem mình có gì xứng đáng để được mọi người cung kính”. (Thiền sư Thích Khai Chứng - Trung Quốc)
Còn Đại Sư Từ Hàn lại cho rằng: Phải biết mình là Tăng xứng đáng chưa, chứ đừng tham là “Bảo”. Ngài dạy thêm rằng: “Đặc trưng của người xuất gia là không nhất thiết ở chỗ học vấn cao hay thấp, dĩ nhiên học vấn là quan trọng, nhưng thật ra đối với thân phận người xuất gia điều quan trọng nhất là có hay không có phẩm chất đạo đức của kẻ xuất gia, phong cách mẫu mực của nhà tu hành, và lòng từ bi dám hy sinh tất cả vì hạnh phúc cho quần sinh”. Đức Phật dạy: “Cái gì có hình tướng sẽ bị hoại diệt, cái gì không bị hoại diệt thì không có hình tướng”. Thế gian chỉ nể trọng chư vị như pháp tu hành, giữ gìn giới luật. Đạo phong và Học phong song toàn tỏa sáng phẩm chất như Sa môn đúng nghĩa.
Kính thưa Đại hội!
Thực trạng là đời sống của một số đông Tăng Ni trẻ hiện nay có nguy cơ đánh mất niềm tin nơi người Phật tử tại gia. Nền tảng của đạo đức xã hội đang  xuống cấp đáng báo động, giáo dục không nên nặng lý thuyết mà thiếu thực hành. Hàng năm, hàng trăm sinh viên ra trường không kiếm nổi một việc làm, phung phí biết bao tiền của của cha mẹ, tiêu tốn nhiều thời gian. Mang bằng cấp ra để khoe khoang, vì danh, vì lợi mà thiếu phẩm hạnh, như đãy đựng sách, không ích gì cho đạo, chẳng lợi lạc chi cho đời. Thực trạng là ngoài đời chỉ học mà thiếu thực hành còn trong đạo học mà thiếu tu.
Chúng ta biết rằng, cốt tủy của giáo dục Phật giáo là trí tuệ (duy tuệ thị nghiệp), xa hơn nữa là trí vô sư, đã bị thực trạng của nền giáo dục hiện tại phá vở để thay thế bằng trí thức. Chúng ta chưa vội mừng khi Phật giáo Việt Nam có đến 4 Học Viện, hơn 30 trường Trung Cấp và Cao Đẳng. Đáng mừng chăng là nơi đó có đào tạo ra những vị Bồ Tát, những vị Như Lai sứ giả, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi và hạnh phúc riêng tư, để phục vụ cho đời, làm vẻ vang cho đạo.
Học để làm Bồ Tát và làm Phật, chứ không phải để làm thầy đời,Vì vậy, các tu sĩ Phật giáo đang đảm nhận sứ mệnh giáo dục Tăng Ni phải nói đi đôi với làm, hãy nêu cao phẩm hạnh thân giáo, hãy trao truyền câu châm ngôn: “Làm những gì ta dạy, chứ không dạy những gì ta đã nói”, luôn nêu cao mục đích “Ai dạy, dạy ai, dạy gì và dạy như thế nào?”, đây là một vấn đề trăn trở, là một chiến lược cần thiết phải xây dựng. Là Tăng Ni, những sứ giả của Như Lai, tất cả phải noi gương sáng của Ngài. Vì cuộc đời Đức Phật là một tấm gương hiện thực sống động và tuyệt tác về giáo dục, là nguồn cảm hứng của mọi phương pháp giáo dục trong lịch sử của nhân loại từ xưa đến nay.
Kính thưa Đại hội!
Chúng tôi vừa mạo muội trình bày về sự thách thức cũng như thực trạng của một số Tăng Ni hiện nay. Bức tranh ấy rõ ràng chưa làm chúng ta an lòng, tự mãn. Biết bệnh mới cho thuốc, vậy đâu là giải pháp thực tế, thực dụng để chấn chỉnh sách tấn đời sống Tăng đoàn nhất là Tăng Ni trẻ hiện nay. Sau đây chúng tôi xin được gợi ý đóng góp một giải pháp trong việc quản lý Tăng sự trong giai đoạn hiện nay. Trong tâm nguyện Truyền đăng Tục diệm, báo Phật ân đức, xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam huy hoàng, xán lạn cho bây giờ và mai sau, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
1) “Giáo bất nghiêm sư chi đọa” nên cẩn trọng và sâu sắc chọn người xuất gia trẻ tuổi, quy củ thiền môn lỏng lẻo, không nghiêm, ảnh hưởng xấu đến tâm hồn tuổi trẻ, chú điệu ở chùa ít nhất phải 5 năm trở lên, bắt buộc phải thuộc hai thời công phu sáng chiều và phải thuộc ít nhất hai cuốn luật tiểu, thế học phải trên lớp 10 mới cho thọ Sa di.
2) Không nên mở giới đàn tràn lan, Giáo hội các tỉnh thành ít nhất trên 5 năm mới mở một giới đàn. Những người khiếm khuyết về nhân thân, thiếu đạo đức uy nghi không nên cho thụ đại giới.
3) Cần xây dựng Tăng xá nội trú cho Tăng Ni tại các Học Viện, Trường Cao Đẳng và Trung Cấp Phật học tại các tỉnh.
4) “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”, không nên cho lập am thất riêng tư, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên. “Quân tử thận ư kỳ độc”, thiếu nội chứng, thiếu bản lĩnh và nội lực mà tự tung tự tác muốn riêng tư thì chỉ dẫn đến đắm chìm trong tài sắc, lợi dưỡng mà thôi.
5) Giáo hội, Ban Tăng sự cần phân bổ điều chuyển Tăng Ni sau khi học xong Trung cấp Phật học hay Học Viện đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới để làm Phật sự.
6) “Ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền”, không nên bổ nhiệm Tăng Ni mới học xong Trung cấp hay Học viện đi làm trụ trì, chưa có thời gian trải nghiệm và uy nghi tế hạnh còn kém, dễ sa ngã, làm mất uy tín cho Giáo hội.
7) Tăng Ni sau khi học xong Trung cấp Cao đẳng hay Học viện phải trở về địa phương, chịu sự điều động quản lý của Thầy Tổ, Ban Tăng sự và Ban Tri sự sở tại.
8) Cần mở những trung tâm an sinh xã hội, đào tạo về y tế giáo dục cho Tăng Ni để Tăng Ni có tay nghề, dấn thân vào đời mà phục vụ theo tinh thần Tứ Nhiếp Pháp và Ngũ Minh của Phật giáo từ ngàn xưa.
9) Các Ban Trị sự Phật giáo nên tạo môi trường cho Tăng Ni trẻ sau khi học xong các cấp học có cơ hội làm việc đào tạo lớp kế thừa cho tương lai.
10) Ba tháng an cư kết hạ, các trường Phật học nên nghỉ học, bắt buộc Tăng Ni phải an cư tại trụ xứ hay trường hạ.
11) Ít nhất hai năm một lần, Ban Tăng sự Trung Ương nên tổ chức Đại hội một lần về thực trạng của Tăng Ni để có đối sách chấn chỉnh kịp thời.
12) Ban Tăng Sự Trung Ương nên tạo một kênh truyền thông hay một diễn đàn để Tăng Ni có cơ hội chia sẻ trao đổi kinh nghiệm công tác Phật sự.
Dù thời đại có văn minh tiến bộ, khoa học và công nghệ thông tin có phát triển đến cỡ nào thì cũng từ con người và do con người. Con người là tất cả, tất cả được tạo ra bởi con người và thời đại nào, xưa hay nay thì giới luật là hơi thở, là sự sống của các thành viên và Tăng đoàn Phật giáo: “Giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp suy tàn”. Chúng ta nghĩ thế nào khi nhìn thấy một Tăng hay Ni thô tháo, không có uy nghi tế hạnh, không có tàm quý, lăng xăng vào chốn quyền quý, giữa chợ đời danh lợi tài sắc. Không ai phá hoại Phật giáo có hiệu quả bằng hình ảnh một Tăng Ni coi thường và phá hoại giới luật Phật chế. “Sư tử trùng trung, thực sư tử nhục” là lời cảnh báo không bao giờ thừa. Chúng ta hãy “Tri hành hợp nhất” vì uy tín của Giáo hội, vì thanh danh của Tăng đoàn và vì sự tồn vong của Chính pháp.
Trên đây là những giải pháp nhỏ mà chúng tôi nêu ra, mong Đại hội lắng nghe để thực hiện. Kính chúc đại hội thành công tốt đẹp!

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây