41. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ TRONG ĐOÀN KẾT THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ
TRONG ĐOÀN KẾT THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai
THAM LUAN 41 copy

Tất cả mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống và vì vậy, đều cần được tôn trọng và bảo vệ. Đức Phật giáo hóa cho hàng đệ tử về Ngũ giới cấm, một trong số đó là vấn đề cấm sát sinh. Ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sự sống muôn loài, thì giới cấm sát sinh trong đạo Phật cũng giúp việc giải quyết vấn đề môi trường, đó là bởi vì việc sát sinh nhằm phục vụ các nhu cầu của con người sẽ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Những người sống bằng việc khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên biển, những người cấy trồng, sản xuất nông nghiệp... nếu chỉ khai thác tự nhiên bằng cách tận thu và tận diệt mà không để những tài nguyên đó có thời gian tái tạo sẽ làm kiệt quệ tài nguyên, khoáng sản. Đó là chưa kể việc khai thác những tài nguyên khó tái tạo được như than, dầu mỏ… sẽ làm cho các vấn đề môi trường thêm nghiêm trọng. Với trí tuệ của bậc toàn giác, Đức Phật đã chỉ ra chân lí của sự sống, rằng mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại. Sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Chân lý đó của Đức Phật hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh tồn tự nhiên. Trong chuỗi tự nhiên đó, loài này là nguồn sống của loài kia và vì vậy, nếu một mắt xích trong chuỗi đó bị cắt đứt sẽ làm đảo lộn, thay đổi và dẫn đến tiêu vong. Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nghiệp báo và Nhân quả, Phật giáo đã xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức như từ bi, bất sát, tạo nghiệp thiện… rất có ý nghĩa trong ứng xử “thiện” với thế giới tự nhiên, với môi trường. Các chuẩn mực tu học và thực hành của Phật giáo đối với môi trường tự nhiên rất gần với các chuẩn mực đạo đức môi trường và đáp ứng yêu cầu xây dựng ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của đạo đức môi trường hiện nay. Đồng hành cùng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các sở, ban ngành về bảo vệ môi trường. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Tăng Ni, Phật tử Phật giáo tỉnh Lào Cai luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường xuyên suốt trong các hoạt động Phật sự của mình.  Tăng Ni, Phật tử Lào Cai nhận thức được rằng, sự hình thành và phát triển của con người cũng là sự kết hợp nhân duyên của điều kiện tự nhiên, xã hội, tâm lý, sinh lý. Đó là sự kết hợp của các yếu tố vật chất (tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Khí) và các yếu tố tinh thần (Thọ, Tưởng, Hành,Thức). Do vậy, từ góc độ tự nhiên, con người và giới tự nhiên vốn có mối quan hệ hữu cơ, bền chặt. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống của con người. Khi môi trường bị phá hoại thì sự sống của con người cũng bị tổn thương, bị đe dọa. Địa bàn tỉnh Lào Cai với diện tích chủ yếu là rừng núi, sông suối,... luôn phải đối diện với tình trạng cháy rừng, lũ lụt, sạt lở...; cộng với tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển kéo theo tình trạng rác thải đô thị, ô nhiễm đất và không khí ở các khu công nghiệp; sông Hồng cùng các hệ thống sông suối, ao hồ đang cạn kiệt về nguồn thủy sản thiên nhiên mà lý do chính là bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng ta phải sống dựa vào thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên để tồn tại ở ngay chính tỉnh Lào Cai. Giáo lý nhà Phật cũng khuyên con người phải sống từ bi, tránh Tham, Sân, Si, không tạo nghiệp ác, dưỡng nghiệp thiện, tránh sát sinh, tức là phải sống thân thiện với môi trường. “Giới không sát là giới thứ nhất trong Ngũ giới và Thập thiện. Đề ra giới cấm sát sinh, Đức Phật đang giáo hóa để hàng đệ tử của mình thực thi giáo lý từ bi nhưng cũng là trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can thiệp vào thiên nhiên để thỏa mãn mục đích của mình, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính con người”. Vì vậy chư Tăng Ni trong các tự viện, chùa trong tỉnh thường xuyên tổ chức cho Phật tử dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh như dọn rác, nhổ cỏ, trồng cây, trồng hoa..... Để mọi giá trị đạo đức Phật giáo đến được người dân nói chung và Phật tử nói riêng, Phật giáo tỉnh Lào Cai luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, hoằng pháp, nâng cao chất lượng để mọi ý hay lời đẹp của Đức Phật được các hàng đệ tử thấu hiểu mà hành theo, đồng thời mọi kinh nghiệm cuộc sống cũng được lồng ghép vào các buổi thuyết giảng hay tuyên truyền cả hình thức truyền thống (truyền miệng, sách, báo…) lẫn hình thức hiện đại (internet Facebook, Zalo...). Hàng đệ tử Phật thể nghiệm giáo pháp Phật dạy, không tham lam, không làm những việc gây tác hại đến vạn vật qua cách sống thiểu dục tri túc. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi ích cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hoại môi sinh, không khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, để thế hệ kế tiếp có thể tiếp tục được hưởng của cải thiên nhiên, chứ không để con em mình phải hứng chịu những tai họa khủng khiếp “thiên nhiên nổi giận” như lũ lụt, cháy rừng.... Thông qua những giáo lý đó, Tăng Ni Phật giáo tỉnh Lào Cai cũng tổ chức những buổi thuyết giảng, hay phát hành những bài văn, bài báo rộng rãi để tín đồ hiểu biết và nâng cao sự nhận thức của mình. Ví dụ như:
- Khuyến khích nhân dân Phật tử tiết kiệm điện, nước của chùa, gia đình và nơi công cộng, tiết kiệm mọi lúc mọi nơi. Khuyến khích mọi người sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tắt bớt điện vào giờ cao điểm, hưởng ứng giờ trái đất...
- Các chùa như Tân Bảo, Cam Lộ, Thiên Trúc, Liên Hoa, Thiền viện Đại Giác Sapa  đều chú trọng kiến tạo những không gian xanh, thanh tịnh ở những nơi thờ tự. Chính cảnh quan thanh lịch, “non nước hữu tình” của các tự viện đang trở thành khu văn hóa tâm linh góp phần tích cực gắn kết con người với môi trường thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung trong cộng đồng.
- Đối với rác thải: hạn chế sử dụng túi nilon. Phân loại rác, tái sử dụng các chai nhựa để trông cây, trồng hoa....không vứt rác bừa bãi, thụ dọn rác sau khi sử dụng và bỏ rác đúng nơi quy định.
- Đối với cây xanh: không bẻ cành, ngắt hoa, dẫm lên cỏ, giữ gìn bảo vệ cây xanh nơi công cộng....
- Hàng tháng các chùa có các nghi lễ thả chim, cá, ốc.....phóng sinh ở sông Hồng. Theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh ký kết các biên bản hợp tác với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Nông nghiệp tỉnh về Tái tạo nguồn thủy sản ở các sông hồ và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
- Thông qua các buổi giảng pháp, Tăng Ni đều tuyên truyền cho đông đảo phật tử cùng nhân dân hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ý thức bảo vệ môi trường sống tại thôn xóm, bản làng, khu phố và gia đình mình...
Bằng tình thương nhân loại, bằng lòng từ của đệ tử Phật, ở đây không chỉ là tình thương cá nhân, hay theo một lí thuyết nào mang tính cực đoan kiêng kị của tôn giáo, mà xuất phát từ lòng từ bi, bình đẳng, bởi nhà Phật khẳng định rằng Phật và chúng sinh đều đồng một thể tính, đều có khả năng giác ngộ như nhau. Khi chúng ta nhận thức chính xác mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, tôn trọng quy luật phát triển của thiên nhiên thì chúng ta mới có thể cùng chung sống hòa bình với thiên nhiên. Sự nhận thức ấy mỗi tu sĩ, ngoài việc tu tập cho bản thân, còn hướng dẫn tín đồ của mình phải yêu thương và gìn giữ môi trường xung quanh. Những chùa có đạo tràng tu tập thì trách nhiệm của Tăng Ni là phải truyền dạy những bài pháp nói đến tâm thương yêu, sống biết đủ và luôn tỉnh thức trong mọi hành động của mình, để mình biết đó là hành động thiện, truyền đạt những lời Phật dạy đến cho tín đồ, để nâng cao sự nhận thức về cuộc sống, về hành động, để từ đó, vấn đề Bảo vệ môi trường hoàn thiện hơn, thực tế hơn trong đời sống hàng ngày.
Thế giới và Việt Nam nói chung, trong đó có tỉnh Lào Cai nói riêng đang đứng trước  nhiều khó khăn tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, hệ sinh thái  môi trường. Nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, mỗi Tăng Ni, Phật tử sinh sống trên mảnh đất Lào Cai cần phải hiểu rõ hơn bản chất của giáo lí Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất.
Tiếng nói đạo đức về môi trường của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào Cai sẽ góp phần lay chuyển tâm thức của quần chúng tín đồ Phật giáo theo hướng tích cực, phù hợp với đạo đức môi trường trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Song cũng cần phải có sự kết hợp giữa các giải pháp chế tài về mặt nhà nước, giải pháp khoa học kỹ thuật với nguyên tắc đạo đức Phật giáo thì mới có thể nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường thành hành vi đạo đức cụ thể của mọi người dân. Đồng thời, việc phát huy hơn nữa khả năng dự báo và ngăn chặn xâm phạm môi trường bằng các giải pháp khoa học kỹ thuật và hệ thống hành lang pháp lý sẽ giúp cho mọi công dân tự giác thực hiện đạo đức môi trường như một việc thiện cho bản thân và cho cộng đồng. Có thể thấy, Phật giáo Việt Nam có truyền thống gắn bó, đồng hành, chia sẻ nhiều mặt với dân tộc, tham gia cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác, bảo vệ và giám sát bảo vệ môi trường. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử tại Lào Cai là những nhân tố tích cực khi sống “thân thiện với môi trường”. Lối sống đó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đất nước và phù hợp với tinh thần của đạo đức môi trường hiện đại./.
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây