61. ỨNG DỤNG THÁI ĐỘ VÔ NGÃ TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI
Nội dung
ỨNG DỤNG THÁI ĐỘ VÔ NGÃ TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long
Kính bạch…!
Kính thưa…!
Hôm nay, nhân ngày Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, đại diện tiếng nói của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Vĩnh Long, chúng con xin góp ít lời tham luận vào sự phát triển tốt đẹp và bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua đề tài: “Ứng dụng thái độ Vô Ngã trong công tác lãnh đạo Giáo hội”.
Kính thưa liệt quý vị!
Dù trong vai trò nào của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng phải bắt đầu từ việc “làm người con Phật” (quy y Tam Bảo), tu học theo lối sống đúng đắn lương thiện hữu ích cho đời (Bát chính đạo), quan trọng nhất là thực hành sống Tinh tấn, Chính niệm, Tỉnh giác, để bản thân có được hạnh phúc thật sự và phụng sự chúng sinh. Thực hành những điều đó, cũng tức là sử dụng thái độ Sáng suốt, Định tĩnh, Trong lành để ứng đối, với mọi người, hoàn cảnh. Và chúng con gọi thái độ đó là thái độ Vô Ngã.
Vậy, người có thái độ Vô Ngã được biểu hiện như thế nào? Điều này được thể hiện qua các nhận thức sau:
1. Nhận thức và hành vi đúng đắn, phù hợp với Bát chính đạo, ứng xử với mọi người có sự tôn trọng nhất định, biết xả kỷ vị tha, không tham lam ích kỷ cá nhân, tự tư tự lợi.
2. Không thấy bản thân có cái Tôi đặc thù, đặc biệt khác lạ với cái Tôi của tha nhân và vạn loại, bình đẳng không chênh lệch. Người ấy hiểu rằng, Tôi và mọi người được cấu thành bởi Năm uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành và thức). Thân tâm 05 uẩn này chỉ là Duyên khởi (do duyên mà sinh tồn, do duyên mà diệt vong). Vì thế, người ấy tự biết thương mến, quý trọng mọi người và vạn loại, biểu hiện đủ các đức tính từ bi, bình đẳng, bác ái, nhân hậu.
3. Không lấy ý tứ riêng tư sự chấp ngã của mình mà đè ép lên tha nhân. Từ đó biết lắng nghe, biết sinh hoạt nhóm, biết làm việc tập thể, tinh tấn sống khép mình trong tổ chức, tuân thủ những quy tắc của Thanh quy, Nội quy, Hiến chương, Pháp luật và trọn vẹn đời sống lục hòa trong Tăng đoàn.
Trên là ba biểu hiện cơ bản của người sống Đạo, biểu hiện của người có thái độ Vô ngã ứng dụng trong cuộc sống thường nhật. Để ứng dụng thái độ Vô ngã này vào vai trò người lãnh đạo Giáo hội, trước hết bản thân mỗi người cố gắng hoàn thiện mình là một “Phật tử” đúng nghĩa, sau đó cần tránh những tiêu cực không đáng có trong việc hiểu chưa chuẩn xác định nghĩa về Lãnh đạo.
4. Lãnh đạo không phải là một cái ghế (để tranh nhau ngồi), bởi lãnh đạo giữ vị trí đích thực phải là người có năng lực có ảnh hưởng tốt với những người khác bằng đạo đức, trí tuệ cá nhân của mình. Mặc dù ý nghĩa lãnh đạo là người đứng đầu, dẫn đầu, dẫn dắt tổ chức hoàn thành mục tiêu chung đề ra. Như vậy, mỗi chúng ta ai cũng có thể là một lãnh đạo khi có năng lực làm chủ tâm mình, tránh được những trạng thái tâm tham lam ích kỷ… của chính mình.
5. Lãnh đạo khác với Ông chủ, Tây phương gần đây định nghĩa, lãnh đạo là chúng ta làm, chúng ta bàn, chúng ta hãy…; còn Ông chủ là: hãy làm cho Tôi cái này, hãy làm cho Tôi cái kia, hãy làm theo ý Tôi muốn, Tôi quyết định thế này, Tôi quyết định thế kia…
6. Lãnh đạo là một nghề phải học, điều đó nói lên rằng, ai có đủ tố chất lãnh đạo thì mới nên làm lãnh đạo, nghề lãnh đạo như bao nghề khác, nghệ tinh thì thân vinh. Chọn sai nghề sẽ thất bại, gây nhiều áp lực cho bản thân, rồi hành hạ người khác, cố gắng ngồi để chứng tỏ quyền uy lại càng thất bại hơn, trong khi có nhiều việc quan trọng, phù hợp với chính mình hơn, giúp thành công hơn trong cuộc sống, lợi ích nhiều người hơn là nghề lãnh đạo.
Tóm lại, công tác lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một công tác bình thường như bao công tác khác, là Tăng sai, là cơ hội để phụng sự. Lãnh đạo nếu được xem như một nghề phải học, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, vì nó không phải là mục tiêu để phấn đấu đạt được khi xét mình không có tố chất đó.
Chúng ta sống bằng tâm trong sáng, định tĩnh, trong lành, thái độ Vô ngã soi chiếu, sẽ giúp chúng ta nhận định và hành động mọi thứ đúng bản chất của nó.
Ví dụ: Công tác tuyển chọn nhân sự, sẽ tránh được việc chỉ chọn người thân, mà không chọn người tài; chỉ chọn người thương [vô dụng], mà không chọn người ghét [có khả năng làm được việc];
Khi Tăng sai làm lãnh đạo, bản thân biết rõ mình ở đâu, cần phải rèn luyện thêm cái gì để lãnh đạo tốt hơn, biểu hiện được chất Phật trong điều hành và vì tha nhân mà hành động, sẽ tránh được những bệnh hoạn như: Bệnh tự ti, thấy mình kém cỏi dẫn đến ganh ghét người giỏi hơn mình thay vì mời hợp tác phụng sự; Bệnh tự tôn, thấy mình giỏi nhất không ai bằng, dẫn đến độc đoán, độc tài, phí phạm trí tuệ tập thể; Bệnh quan liêu, hống hách, cậy quyền ỷ thế, bệnh này không xuất hiện với vị này, mà chỉ xuất hiện với những vị thiếu tài thiếu đức, do “bị” người thân lãnh đạo cố chọn mà ra….
Bài viết đến đây xin khép lại, chúng con xin tri ân chư Tôn đức đã cho hậu bối chúng con cơ hội được phát biểu suy tư nhận định của mình, góp thêm vài viên gạch xây dựng ngôi nhà Phật pháp ngày càng xương minh, giúp cho Giáo hội ngày càng tốt đẹp và bền vững hơn nữa. Trong bài viết nếu có điều gì “hiểu nhầm mạo phạm”, chúng con xin sám hối và thành kính niệm ân chư tôn đức đã lắng nghe. Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 với chủ đề: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” thành công tốt đẹp.
Trân trọng./.
File đính kèm