57. MỞ RA TRIỂN VỌNG LIÊN KẾT SỨC MẠNH CỦA PHẬT GIÁO TRONG KHU VỰC ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CHO PHẬT GIÁO BẮC MIỀN TRUNG TRONG TƯƠNG LAI

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hoá
Ngày ban hành 21/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

MỞ RA TRIỂN VỌNG LIÊN KẾT SỨC MẠNH CỦA PHẬT GIÁO
 TRONG KHU VỰC ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
CHO PHẬT GIÁO BẮC MIỀN TRUNG TRONG TƯƠNG LAI
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hoá
THAM LUAN 57 copy

I. NHẬN ĐỊNH CHUNG
Trong bài tham luận này đề cập đến Phật giáo khu vực, chính là Phật giáo vùng xứ Thanh Nghệ Tĩnh, gồm ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An Hà Tĩnh. Đặc điểm của Phật giáo vùng đất xứ Thanh Nghệ Tĩnh là vùng đất mà Phật giáo đang trong đà khôi phục phát triển, vùng đất mà Ban trị sự Phật giáo do chư Tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương đều ở Hà Nội kiêm nhiệm hoặc làm y chỉ sư cho Ban trị sự Phật giáo.
Phật giáo vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh đều có cùng đặc điểm là số lượng tự viện được khôi phục lại chưa nhiều so với số lượng đã bị mất đi, số lượng Tăng Ni chưa đông, số lượng tín đồ chưa lớn. Ngoại trừ tỉnh Thanh Hoá, còn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều huyện cho đến nay vẫn chưa thành lập được Ban Trị sự Phật giáo và chưa có chùa được xây dựng. Những đặc điểm này cũng chính là cơ sở để thúc đẩy sự liên kết của Phật giáo trong vùng nhằm mục tiêu nâng cao triển vọng hợp tác phát triển của Phật giáo vùng Thanh Nghệ Tĩnh thuộc ba tỉnh Bắc miền Trung.
II. NỀN TẢNG CHO TRIỂN VỌNG HỢP TÁC
Từ những chương trình hợp tác khởi đầu tạo đà xây dựng, dần đến sự hợp tác phát triển toàn diện. Trong mục tiêu hợp tác phát triển dài hạn sẽ chọn ra các chương trình hợp tác chính nhằm thực hiện trong mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Lấy chương trình hợp tác ngắn hạn để tạo tiền đề cho mối quan hệ hợp tác trung hạn và dài hạn, chính là cánh cửa và cũng là nền tảng phát triển hợp tác cho cả Phật giáo Bắc miền Trung.
1. Hợp tác tổ chức các đại giới đàn và củng cố nền tảng giới luật tăng đoàn.
Phật giáo ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh hợp tác để xây dựng với định kỳ thời gian lần lượt đăng cai tổ chức đại giới đàn, để tập hợp được nhân lực, vật lực và tài lực nhằm kiến tạo thành công được các đại giới đàn lớn về quy mô tổ chức, hoàn bị về nội dung chương trình, và khắc sâu được dấu ấn trong lòng các giới tử và quần chúng tín đồ Phật tử, để tạo nên được giới thể viên mãn, nhằm giúp cho các giới tử được đắc giới vẹn toàn. Đồng thời cũng tổ chức được các đàn truyền Thập thiện giới và Bồ Tát giới cho hàng Phật tử tại gia, tạo nên được tiếng vang và xây dựng được nền tảng cho tăng đoàn và hàng ngũ Phật tử của vùng Bắc miền Trung.
Từ nơi sự tập hợp nhân lực, vật lực, tài lực và chọn được những địa điểm tổ chức thích hợp, để mở ra các chương trình bồi dưỡng về Luật học cho chư Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện trong ba tỉnh, nhằm không ngừng thăng hoa tăng đoàn Phật giáo Bắc miền Trung, trên phương diện củng cố Bồ Đề tâm, viên dung giới thể, giới hạnh của Thích tử Thiền môn vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh. Đây được xem như là nền tảng hợp tác của Ban Tăng sự ba tỉnh Bắc miền Trung.
2. Hình thành cơ sở giáo dục Phật giáo cấp vùng của khu vực Bắc miền Trung
Bồi dưỡng đào tạo tăng tài là Phật sự cấp thiết và trọng đại của Phật giáo các tỉnh. Nhưng hình thành được các cơ sở giáo dục hoàn bị cả về phần cứng và phần mềm là việc mà không phải Phật giáo của một tỉnh có thể làm được trọn vẹn. Giáo dục và đào tạo tăng đoàn có đầy đủ về đạo hạnh, với chí nguyện lợi tha, cùng giới hạnh lẫn tri thức Phật học và năng lực hoằng pháp, quản trị tự viện, chính là việc xây nền đắp móng cho một tương lai phát triển vững vàng. Đặc biệt là hun đúc thành “cái chất” của hàng ngũ xuất gia vùng Thanh Nghệ Tĩnh, chính là điều rất quan trọng và phải được ưu tiên để thực hiện.
Từ cơ sở đào tạo và chương trình giáo dục chất lượng, nhất là đội ngũ giáo thọ, nội dung giáo trình, và chương trình đào tạo, nhằm kiện toàn cả giới học và thế học, sẽ xây dựng nên được một đội ngũ các nhà truyền giáo với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, để phát triển Phật giáo đạt đến tầm cao trong xã hội hiện đại, nhất là trong vùng đất ba tỉnh Bắc miền Trung.
Kết hợp nguồn tăng tài của đội ngũ giáo thọ, nguồn vật lực, tài lực của quần chúng tín đồ, cùng sức mạnh của tăng đoàn để xây dựng lên các cơ sở Giáo dục Phật giáo nội trú, với chương trình giáo dục hoàn chỉnh cả ba cấp: từ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng Phật học chuyên khoa, dành để đào tạo cho Tăng Ni vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Từ mục tiêu giáo dục đã đặt ra, để quyết định việc đặt các cơ sở giáo dục từ sơ cấp đến cao đẳng, cấp nào đặt ở tỉnh nào, để kết hợp được trọn vẹn và nâng cao được hiệu quả của nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, nhằm hoàn thành được mục tiêu giáo dục chung cho cả vùng.
Nhờ kết hợp nguồn lực sức mạnh của Phật giáo cả vùng, mà có thể thực hiện được các chương trình giáo dục Phật học toàn diện cho hàng ngũ cư sĩ Phật tử trong vùng, để tạo nên tiền đề phát triển vững chắc của Phật giáo toàn vùng Bắc miền Trung. Cũng từ các cơ sở hoàn thiện đã được xây dựng sẽ dễ dàng hình thành và thực hiện các chương trình bồi dưỡng về nghiệp vụ hành chính, nghiệp vụ quản trị cơ sở tự viện, dành cho đội ngũ Tăng Ni trụ trì của ba tỉnh.
3. Nâng cao chất lượng tầm vóc quy mô của các chương trình tu học dành cho hàng ngũ cư sĩ Phật tử tại gia.
Khi đã có được cơ sở và nhân lực từ sự kết hợp sẽ mở ra các khoá tu, các hoạt động, và các chương trình tu học chuyên sâu dành cho hàng ngũ Phật tử tại gia, như tổ chức các chương trình Phật thất dài ngày, các khoá tu Phật pháp mùa Đông, mùa Hè dành cho những Phật tử trung niên lớn tuổi trong ba tỉnh, nhằm nâng cao về chất lượng tu tập của những Phật tử lớn tuổi.
Cũng từ đó hình thành các khoá tu Thiền định kỳ, dài ngày và vào các ngày cuối tuần cho các Thiền sinh, là các đối tượng trong tầng lớp trẻ và đội ngũ tri thức cho đến cả các cán bộ, công nhân viên chức trong toàn vùng, nhằm thúc đẩy sự vận động “an tâm, an thân, an gia”, và tinh thần “tâm an vạn sự an”, cũng đã đến lúc phải kiện toàn và nâng cao chất lượng hơn nữa của các khoá tu Mùa Hè, và mở thêm các khoá tu Mùa Đông, các khoá tu vào dịp nghỉ lễ dành cho đội ngũ thanh thiếu niên của ba tỉnh. Do có được sức mạnh từ nguồn nhân lực, vật lực, và tài lực nên sẽ kiện toàn và nâng cao được chất lượng về hình thức và quy mô tổ chức của các khoá tu học Phật pháp, huân bồi đức dục, dành cho tầng lớp thanh thiếu niên đang sống trong xã hội vật chất đủ đầy hiện nay. Từ kết quả có được từ các khoá tu Phật pháp dành cho thanh thiếu niên được tổ chức với chất lượng tốt, sẽ góp phần nâng cao nền tảng đạo đức căn bản cho những mầm non của tương lai, phát triển được thiện căn của tầng lớp “chủ nhân ông” của đất nước và Phật giáo trong tương lai.
4. Hướng đến hoằng pháp của cả vùng Thanh Nghệ Tĩnh ở tương lai
Ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, số lượng Tăng Ni chưa nhiều, nên đội ngũ giảng sư của ba tỉnh còn rất mỏng, sẽ rất khó để thúc đẩy và phát triển các chương trình thuyết giảng định kỳ tại các tự viện trong ba tỉnh và khó hơn nữa để tổ chức được việc thuyết giảng ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng chưa xây dựng được chùa.
Nhu cầu hợp tác để xây dựng một giảng sư đoàn vững mạnh cho toàn vùng nhằm đáp ứng được việc giảng dạy tại các trường hạ của ba tỉnh trong những mùa an cư kiết hạ hàng năm, và giảng pháp cho các ngày đại lễ, cho các chương trình tu tập định kỳ, và các giảng đường lớn trong thành phố, cũng như tại các vùng vùng sâu, vùng xa, vùng cao trong ba tỉnh, là việc cần phải thực hiện và cần phải làm ngay. Có được sự kết hợp này để ba tỉnh có thể lần lượt, liên tục tổ chức các hội nghị hoằng pháp, các lớp bồi dưỡng giảng sư, các hội thi thuyết giảng dành cho giảng sư và đội ngũ hoằng pháp viên cư sĩ. Kết hợp tổ chức các chương trình vừa là các khoá tu cùng với các lớp bồi dưỡng hoằng pháp viên, nhằm giúp cho các hoằng pháp viên có năng lực để hiện thân thuyết giảng, truyền bá chính pháp vào các nơi, các điểm, các vùng trong ba tỉnh mà chư Tăng Ni chưa có đủ duyên để thực hiện. Sự kết hợp, hợp tác, học tập lẫn nhau trong vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh, sẽ giúp cho ngành Hoằng pháp của ba tỉnh đạt được sự kiện toàn và phát triển. Sự chia sẻ để khắc phục khó khăn nhờ vào sự tương trợ của cả vùng, phá vỡ rào cản thuộc tính địa phương để nhắm đến mục tiêu phát triển toàn diện ngành Hoằng pháp trong vùng, cần bắt nguồn từ sự hợp tác, kết hợp của bây giờ và hôm nay, mà triển vọng sẽ đến liền từ sau đó.
5. Giữ gìn bản sắc Phật giáo của toàn vùng để tô bồi cho văn hoá, kiến trúc, và nghi lễ Phật giáo vùng Thanh Nghệ Tĩnh
Vùng đất Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vốn có tiếng là vùng đất hiếu học trong cả nước, do vậy nền tảng văn hoá học thuật, kiến trúc, lễ nghi của vùng đất này, vốn hẳn có đủ những đặc điểm ưu tú của nó. Phật giáo là lực lượng giữ gìn bản sắc đậm đà của vùng đất vốn linh thiêng đầy hào kiệt và lịch sử hào hùng, lại cần phải kết hợp chặt chẽ hơn để thực hiện vai trò then chốt ấy của Phật giáo đối với xã hội và với vùng đất địa linh.
Nhờ kết hợp được tâm lực, trí lực, và nhân lực của toàn vùng mới có thể tiến hành được các công trình nghiên cứu và giữ gìn được văn hoá Phật giáo, lưu giữ và phát huy được di sản văn hoá Phật giáo trong nền học thuật của nước nhà. Phục hồi và xây dựng lại được kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá Phật giáo Bắc miền Trung. Giữ gìn và phục hồi được các kiến trúc mang đậm nét văn hoá của đất Thanh Nghệ Tĩnh, sẽ góp phần nâng cao giá trị và thúc đẩy ngành du lịch của ba tỉnh lên một tầm cao nữa.
Nghi lễ Phật giáo vùng đất Bắc miền Trung nhờ có sự kết hợp sẽ được tiến hành nghiên cứu, bảo tồn và lưu truyền bằng các chương trình hội thảo học thuật, các chương trình bồi dưỡng giảng dạy về nghi lễ, dành cho các Tăng Ni và cư sĩ Phật tử, thông qua các chương trình hoạt động, các lễ hội, pháp hội và các cơ sở đào tạo giáo dục Phật giáo, để bảo tồn bản sắc văn hoá Phật giáo của vùng Bắc miền Trung.
Văn hoá, kiến trúc và nghi lễ Phật giáo vùng Thanh Nghệ Tĩnh cũng nhờ vào sự kết hợp, hợp tác sẽ được tiến hành nghiên cứu, để bảo tồn và phát triển nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Phật giáo của một vùng trong tổng thể văn hoá Phật giáo đa dạng của cả nước. Thống nhất được nghi lễ, giữ gìn được bản sắc nghi lễ Phật giáo cũng sẽ giúp bài trừ được sự pha tạp làm ảnh hưởng không tốt trong sự nghiệp truyền bá phát triển chính pháp của Phật giáo Việt Nam trong xã hội hiện đại và trong cả tương lai.
6. Từ thiện phúc lợi xã hội Phật giáo sẽ phát triển tạo phúc ấm cho con người dải đất Bắc miền Trung từ sức mạnh của sự hợp tác kết hợp.
Miền Trung nói chung và vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh nói riêng là nơi chịu nhiều thiên tai từ gió bão, lũ lụt, hạn hán của cả nước. Đặc điểm và thành quả nổi bật đi vào lòng xã hội nhiều nhất của đạo Phật hiện nay chính là hoạt động từ thiện. Một hướng đi mới cho công tác từ thiện xã hội của Phật giáo vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh từ sự kết hợp hợp tác sức mạnh của Phật giáo ba tỉnh để nâng tầm hoạt động, nâng sức ảnh hưởng, và đạt thành kết quả to lớn thiết thực hơn nữa trong tương lai.
Vận động và xây dựng nguồn quỹ ứng phó thiên tai dành cho ba tỉnh của Phật giáo nhằm hỗ tương giúp đỡ khi gặp phải thiên tai xảy ra. Từ nguồn lực có được của sự kết hợp sẽ xây dựng các chương trình bồi dưỡng ứng phó với thiên tai lũ lụt của đội ngũ thiện nguyện viên Phật giáo trong hoạt động từ thiện. Tận dụng các cơ sở giáo dục được hình thành từ sự kết hợp hợp tác để thực hiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm giúp cho đội ngũ Tăng Ni thực hiện được việc xây dựng các Tuệ Tĩnh đường, các chẩn y viện, nhằm phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ y tế cộng đồng, giải quyết được vấn nạn “do bệnh mà nghèo” trong xã hội, tiến tới việc thành lập các phòng khám đa khoa, hoặc các bệnh viên với quy mô nhỏ và vừa của Phật giáo.
Thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở tự viện cũng đồng thời là các trung tâm tị nạn và tránh lũ dành cho từng khu vực, từng địa phương để kịp thời ứng phó và cứu giúp quần chúng nhân dân trong phương châm “Ba tại chỗ” về việc cứu nạn và phòng chống thiên tai của cả nước.
Kêu gọi lực lượng Ni giới của vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh dấn thân thành lập các cô nhi viện để nuôi dưỡng các trẻ em nghèo mồ côi, trẻ khuyết tật, thành lập các Nhà trẻ, trường Mầm non Phật giáo để thực hiện và đảm nhận các chương trình giáo dục Mầm non. Vận động hàng ngũ Tăng Ni trẻ dấn thân xây dựng và điều hành các viện dưỡng lão nhằm đáp ứng cho nhu cầu của xã hội hiện đại, cũng từ đó nâng cao được địa vị và sức ảnh hưởng của hàng ngũ tăng già trong lòng xã hội đương đại.
Kết hợp nguồn lực của các doanh nhân Phật tử để xây dựng và vận hành các trường Cao đẳng nghề chuyên môn trong khu vực, để kết hợp công tác đào tạo giữa nhà trường và các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nhằm nâng cao nguồn nhân lực lao động tại địa phương, để thúc đẩy và giữ vững sự phát triển bền vững của kinh tế trong khu vực. Kết hợp được nguồn lực trí tuệ và sức mạnh của Phật giáo trong khu vực để đưa đạo Phật vào trong đời sống hiện đại thông qua y tế, giáo dục, văn hoá, và từ thiện, phải được xem là phương hướng phát triển và hợp tác trên phương diện từ thiện, phúc lợi xã hội Phật giáo của vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh trong nhiệm kỳ mới và trong cả tương lai.
III. KẾT LUẬN
Tinh thần vô ngã vị tha là chất liệu cho sự hợp tác toàn diện của Phật giáo trong khu vực, nhằm thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện của Phật giáo cả nước. Có thể xây dựng sự hợp tác có hiệu quả của Phật giáo Thanh Nghệ Tĩnh làm tiền đề để mở rộng và thúc đẩy sự phát triển hợp tác của các vùng, các miền, các khu vực Phật giáo trong cả nước, nhằm hướng đến một mục tiêu phát triển toàn diện của Phật giáo Việt Nam.
Ước vọng về sự kết hợp hợp tác để phát triển từ Phật giáo xứ Thanh sẽ là tiếng chuông và lời mời gọi sự chung tay, chung sức, chung lòng, của Phật giáo các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung, để cùng đồng nguyện, đồng hành với Phật giáo xứ Thanh cho một tiền đồ phát triển của Phật giáo khu vực Thanh Nghệ Tĩnh. Sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, tịnh hoá nhân quần, thúc đẩy sự thăng hoa của một xã hội đậm đà bản sắc và truyền thống nhân nghĩa của Việt Nam trong tương lai cần sự hợp tác và phát triển của Phật giáo của từng vùng, từng địa phương để thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện của Phật giáo cả nước, khẳng định vai trò và vị thế của Phật giáo trong lòng xã hội, lòng dân tộc, và trong tiền đồ phát triển bền vững của đất nước Việt Nam./.
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây