55. VAI TRÒ HOẰNG PHÁP CHO THANH THIẾU NIÊN HIỆN NAY

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

VAI TRÒ HOẰNG PHÁP
CHO THANH THIẾU NIÊN HIỆN NAY
 
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình
THAM LUAN 55 copy

1. Đặt vấn đề
Phật giáo là một trong những tôn giáo có sớm nhất trong lịch sử nhân loại được tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, Giáo lý đạo Phật đã hòa nhập trong mọi lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội... của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm nay. Với tinh thần “Hộ quốc - An dân”, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử đất nước, góp phần không nhỏ vào việc duy trì và phát triển văn hóa, giáo dục đời sống. Trong bối cảnh hiện nay, thời đại văn minh hội nhập kinh tế quốc tế, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, nhất là công nghệ 4.0, 5.0 phát triển vượt bậc đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng nâng cao, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các em được tiếp cận công nghệ từ rất sớm, nên việc giữ gìn những truyền thống tốt đẹp dần dần bị xem nhẹ. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc đang đặt ra nhiều thách thức cần được quan tâm. Thấy được điều đó là cần thiết, những năm gần đây các chùa, các đạo tràng trong cả nước đã quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động cho thanh thiếu niên sinh hoạt, vui chơi tu tập theo giáo lý Phật giáo. Giúp các em có lối sống, tư duy lành mạnh, giải tỏa các áp lực của cuộc sống và học tập. Để những phong trào này phát triển rộng hơn, việc Hoằng pháp với giới trẻ cần phải được Phật giáo quan tâm, có phương pháp tổ chức thống nhất, cụ thể với Thanh thiếu niên, giúp các em vượt qua các chướng ngại, nhận thức được trọng trách của mình với xã hội và cuộc sống.
Thanh thiếu niên là mầm non, là những chủ nhân tương lai của đất nước và là thế hệ trẻ sẽ kế tục sự nghiệp dân tộc là những người sẽ gánh vác vận mệnh của đất nước, thậm chí cả thế giới. Do đó công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Yêu cầu Hoằng pháp phải có những bước đi và sự chuẩn bị đổi mới phù hợp cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay, là nhiệm vụ khó khăn đầy thách thức, không chỉ bởi sự hạn chế tự thân của ngành hoằng pháp, mà còn đến từ xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng với nhiều xu hướng văn hóa đa dạng, phong phú và tâm linh khác nhau[1].
2. Thực trạng thanh thiếu niên hiện nay.
2.1. Nguyên nhân.
 Có thể nói, trong thời đại mới hiện nay – thời đại văn minh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, văn hóa được nâng cao, nhất là công nghệ thông tin phát tiển vượt bậc, đáng mừng là thanh thiếu niên có trình độ học vấn cao, có hiểu biết đa dạng, phong phú, nhất là khoa học, kĩ thuật… quan niệm phong kiến đã được xóa bỏ, nhu cầu khẳng định bản thân vai trò cá nhân được đề cao, tạo cơ hội cho tuổi trẻ có điều kiện sáng tạo và phát triển.  Xã hội phát triển càng nhanh chóng thì nhân cách của giới trẻ ngày càng thay đổi, ý thức và suy nghĩ của giới trẻ bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp văn hóa đạo đức của giới trẻ hiện nay. Có nhiều ý kiến cho rằng do gia đình, nhà trường và xã hội. Trong thực tế có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải nguyên nhân nào cũng tại gia đình, nhà trường và xã hội không quan tâm giáo dục, bất kỳ lỗi lầm nào cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa của nó.
Nhận thức giá trị văn hóa đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, đa số coi trọng vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy tiêu cực. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay, chạy theo lối sống hưởng thụ, hướng ngoại, sa đọa… mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức là nền tảng cơ bản của con người.
Thanh thiếu niên thời nay đang rất yếu về mặt tinh thần, tâm lý dễ bị kích động: dễ buồn, dễ vui, nông nổi, dễ bị sa ngã bởi nhiều cám dỗ. Xã hội thì có quá nhiều kích động không hạn chế được. Chính vì vậy phải truyền bá giáo lý Phật pháp, tư tưởng văn hóa, đạo đức, lành mạnh trong tâm thức của giới trẻ để họ đứng vững trước sự tấn công của cám dỗ, dục vọng. Thanh thiếu niên nếu có lý tưởng, có huấn luyện thì có khả năng kiểm soát, tự chủ cao hơn giới trẻ không có lý tưởng.
2.2. Thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường.
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người càng chạy theo cuộc sống vật chất và chịu sự chi phối của công việc, khiến cho thời gian bên nhau không còn nhiều. Các bạn trẻ không còn nhiều thời gian được quây quần bên gia đình, người thân  mà thay vào đó là những bữa cơm thiếu sự hiện diện của cha mẹ, anh chị em. Bố mẹ thời nay bận lo công việc, sáng sớm đi cơ quan, công ty, tối muộn mới tan việc về nhà lại bận với công việc gia đình, hoặc bận lướt facbook, zalo, online các trang mạng xã hội… ít có thời gian dành cho con cái, không lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của con em mình, điều con trẻ cần là sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và sự chỉ dạy của bố mẹ Không những vậy phần nhiều lại là sự áp đặt, yêu cầu, ra lệnh con phải thế này thế kia, so sánh con mình với con người ta trở thành trào lưu “con người ta” ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ cuộc sống của các bạn trẻ.  Các bạn nhỏ đi học về chỉ quanh quẩn bên bài vở và làm bạn với smatphone. Có những bạn nhỏ ước được một ngày chơi đùa bên bố mẹ, bên người thân mà điều đó cũng trở nên xa xỉ.
Bên cạnh đó, việc học tập ở trường cũng trở thành một áp lực lớn đối với thanh thiếu niên, thời gian học trên lớp kín lịch, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối đi học thêm, bài tập về nhà, các bạn trẻ không còn thời gian bên gia đình, vui chơi hay quan tâm tới các việc khác, mặc dù có học xong thì các bạn trẻ lại lao vào game online, hay các trang mạng xã hội. Chính vì nguyên nhân đó dẫn tới tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, các bạn trẻ sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn, hay cướp đoạt sinh mạng của bạn bè mình chỉ bằng vài nhát dao, thậm chí đánh hội đồng bạn mình rồi quay clip tung lên mạng xã hội, hạ thấp nhân phẩm của bản thân mình và đối phương. Chính sự áp lực học tập, áp lực gia đình quá nhiều, hoặc khi gặp phải bế tắc trong cuộc sống thì việc đầu tiên các bạn nghĩ tới là kết thúc cuộc sống bằng cách nhảy sông, nhảy lầu, cắt tay… Chính vì vậy, sự thay đổi của xã hội hiện nay dẫn đến sự thay đổi đặc điểm nhân cách tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc. Nếu được sống trong một môi trường nghiêm minh về pháp luật, chuẩn mực về đạo đức, mọi người hành xử với nhau một cách có lý, có tình, chắc chắn đó sẽ là một môi trường giáo dục lý tưởng trong việc hình thành nhân cách đạo đức của giới trẻ ngày nay[2].
2.3. Cuộc sống sa đọa của một số thanh thiếu niên ngày nay.
Các bạn trẻ ngày xưa ngoài việc học tập thì có thời gian quây quần bên gia đình, vui chơi cùng bạn bè bằng những trò chơi dân gian lành mạnh, còn các bạn trẻ thời nay ngoài việc học chỉ biết lao vào game online, mạng ảo xã hội, hay các trò chơi sa đọa như đi bar, đi sàn, quán nhậu, bay lắc, dùng các chất kích thích như bóng cười, tem giấy, cỏ Mĩ, thuốc lắc, ma túy, đập đá… làm mất ý thức, ảo giác, dẫn tới các án mạng xảy ra liên tục, hay bị dụ dỗ vào các trò chơi ảo trên mạng như tài sửu, bitcoin, top 88, top fiahing hunter, sóc đĩa, Tôn Ngộ Không, đánh bài, cá độ, lô đề… dẫn tới việc phải vay nóng xã hội đen, không có khả năng trả tiền, lao vào con đường tội lỗi. Với thực trạng như thế chứng tỏ rằng có một thực tế là xã hội đang ngày một biến đổi khốc liệt, với vô vàn những cám dỗ chết người, cùng với sức mạnh của không gian mạng, rất dễ lôi kéo những người trẻ rơi vào vòng xoáy của thế giới ảo, bỏ quên những giá trị tinh thần truyền thống.[3]
Các bạn trẻ thời nay luôn sống ảo trên mạng xã hội, ăn facbook, uống facbook, ngủ facbook, tiktok, giật tit, câu like, câu view… để trở thành người của công chúng, tạo nên một con người ảo. Cho nên có một bộ phận gia đình khá giả chiều chuộng con mình, tạo lên cuộc sống đua đòi đang là trào lưu của thời thượng. Bên cạnh đó điện thoại di động, internet, phim ảnh của các Wedsite đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống của các em, bởi bản tính tò mò, hiếu động của tuổi mới lớn[4].
Thậm chí thời nay các bạn thanh thiếu niên sẵn sàng sống thử khi yêu nên có rất nhiều trường hợp xảy ra như: tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn, đánh ghen tập thể, quay trực tiếp lên các trang mạng xã hội rồi chia tay trong hận thù, thậm chí đâm chém giết người yêu, phi tang thi thể…
3. Vai trò hoằng pháp cho thanh thiếu niên
Từ những thực trạng trên, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của ngành Hoằng pháp trong thanh thiếu niên như sau:
3.1. Hướng dẫn, tạo thói quen cho thanh thiếu niên về chùa sinh hoạt, tập nhận thức về Giáo lý và nhận thức về lối sống.
Xã hội càng phát triển, con người càng bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, vật chất, cám dỗ… mà đặc biệt thanh thiếu niên lại là tầng lớp dễ bị sa đà nhất. Đạo Phật là môi trường giáo dục tốt nhất cho giới trẻ hiện nay vì vậy mỗi Tang Ni trụ trì các chùa cần liên kết với các gia đình tạo thói quen cho các em về chùa sinh hoạt, tập tu để có cơ hội hướng dẫn các bạn trẻ những bài giáo lý ngắn gọn, xúc tích như các bài kệ trong kinh Pháp Cú, kinh Bách Dụ… để các bạn trẻ nhận thức được bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội.
Đối với việc học tập, cần chỉ rõ lợi ích, kết quả của việc học để các em có ý thức và sự trau dồi học hỏi, nghiêm túc trong học tập, xác định rõ mục tiêu học tập, rèn luyện thể lực và trí lực trở thành người có ích cho xã hội, tránh việc lười lao động, lười học hỏi, ngại khó, không làm tròn trách nghiệm và nghĩa vụ của mình dẫn đến việc sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức phấn đấu rèn luyện, giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, tương lai không có công ăn việc làm, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội đi vào con đường tội lỗi.
Đối với gia đình cũng cần hướng dẫn các em về đạo hiếu, truyền thống uống nước nhớ nguồn qua các bài kinh Vu Lan, các câu chuyện đạo hiếu trong Phật giáo, hay phép tắc người con trong đệ tử quy y… để các em hiểu sâu về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên qua đó các em có trách nhiệm với gia đình, và có trách nghiệm với chính bản thân mình.
Đối thầy cô và nhà trường, cần hướng dẫn các em gắn kết tinh thần đồng đội qua những câu chuyện đạo đức hay ngoài việc học cũng cần tạo cho các em những sân chơi bổ ích, những giờ học ngoại khóa, những trò chơi dân gian để các em giải tỏa áp lực học tập, bên cạnh đó tinh thần đồng đội được gắn kết hơn. Như vậy, sẽ không còn chia rẽ bạn bè hay hiềm khích nhau, để đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Thầy cô là những người cho ta tri thức, cho ta kinh nghiệm sống, các bạn trẻ cần tôn trọng, học hỏi và trau dồi kiến thức qua sự truyền trao của thầy cô.
Đối với các tai tệ nạn xã hội, những thanh thiếu niên có lối sống không lành mạnh, thiếu lý chí phấn đấu, trình độ nhận thức còn kém, không thể nhìn thấy hết được sự nguy hiểm cũng như thủ đoạn mà bọn tội phạm, nhất là tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo, trộm cướp, giết người, tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp, tham gia tệ nạn xã hội còn nhiều, gây nhức nhối trong xã hội. Vì vậy cần phải chỉ rõ cho các bạn trẻ những tác hại của việc đó, những tấm gương rơi vào vòng lao lý để các em tránh xa những cám dỗ của cuộc đời.
Giáo lý đạo Phật như một cơn mưa trải dài khắp mọi nơi, mỗi một tầng lớp, mỗi một lứa tuổi, người truyền trao cần lựa chọn những bài pháp phù hợp: “khế lý, khế cơ, khế thời” để chia sẻ với các bạn trẻ để các em nhận thức rõ ràng về bổn phận, trách nhiệm của các em trong gia đình, trường học và xã hội, để các em có tư tưởng sống lành mạnh, xác định đúng mục tiêu, phương hướng đề ra cho cuộc sống của mỗi người.
Chia sẻ giáo lý nhân quả, nghiệp báo để thanh niên thời nay nhận thức rõ về tình yêu, hôn nhân, tránh các tệ nạn nạo phá thai cũng như sự hận thù sau khi chia tay. Động viên các cặp đôi tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa để các bạn trẻ được phát nguyện trước Tam Bảo, xây dựng cuộc sống hôn nhân bền chặt, hạnh phúc.
3.2. Tổ chức các khóa tu và hội trại cho thanh, thiếu niên tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Mỗi ngôi chùa là một ngôi trường đạo đức, mỗi Tang Ni cần nêu cao trách nhiệm của mình không chỉ các Phật tử nói chung mà các bạn thanh thiếu niên phải được quan tâm nhiều hơn và đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần phải cho các em hiểu về chùa không chỉ đơn thuần là cầu cúng lễ bái, mà còn phải biết tu tập làm lành tránh ác, tu dưỡng đạo đức. Vì vậy, các ngày chủ nhật hàng tháng nên tổ chức các khóa sinh hoạt riêng cho thanh thiếu niên, để tạo thói quen cho các em biết về chùa.  Sau đó, thành lập các đạo tràng thanh niên Phật tử, câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, tổ chức qua khóa tu một ngày an lạc, khóa tu mùa hè, các lớp học giáo lý hàng tuần hay các buổi hội trại, dã ngoại thăm quan các di tích Phật giáo… hướng dẫn các em các phương pháp học tập, những lối sống lành mạnh, trau dồi giáo lý Phật giáo để các em rèn tâm, rèn tính phân biệt thiện ác, đem tâm sáng sống trong cuộc sống hiện tại. Khóa tu thường bao gồm các hoạt động giảng dạy các điều đạo đức đơn giản, tụng những bài kinh ngắn về lòng hiếu thảo, sự tôn kính Phật, sự biết ơn những người xung quanh, các bạn cũng được hướng dẫn làm quen với ngồi thiền, lạy Phật, các bài hát thiếu nhi, các hoạt động đặc thù của lứa tuổi mầm non, thiếu nhi cũng được chú trọng để các cháu cảm thấy gần gũi và thích thú [5].
Khóa tu cho giới trẻ hiện nay, các chùa cần kết hợp giữa học và chơi, tu và lao động để các em được trải nghiệm nhiều hình thức sinh hoạt trong một ngày. Tránh tình trạng chỉ ngồi tụng kinh, ngồi thiền và nghe giảng làm cho các em mệt mỏi và sợ đi chùa. Chúng ta cần kết hợp các trò chơi dân gian tập thể để các em được gắn kết và sống trong tinh thần đồng đội, không nên tách khỏi đoàn thể; tổ chức các buổi tọa đàm để các em có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình với quý thầy và các bạn đồng tu, qua đó tháo gỡ những nút thắt tâm lý trong tâm mỗi bạn; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ để các em thể hiện, phát huy sở trường của mình, mạnh dạn hơn trong giao tiếp; tổ chức các cuộc thi tài năng, thi giáo lý để các em cọ sát và biết được vị trí tri thức của mình tạo cơ hội cho các em phát triển những mặt còn yếu kém… Trong khóa tu, chư Tôn đức nên sắp xếp các thời ngoại khóa, mời trợ giảng là nhà tâm lý, bác sĩ, hay công an… để chia sẻ thêm về các vấn nạn trong xã hội như tâm lý tuổi dậy thì, phòng tránh tai tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm), an toàn giao thông, bạo lực học đường…để các em phòng tránh và không vi phạm vào các tai tệ nạn xã hội.
3.3. Áp dụng công nghệ 4.0, 5.0 vào Hoằng pháp cho thanh, thiếu niên.
Thời đại hiện nay, xã hội phát triển đẩy mạnh về công nghệ thông tin, chúng ta cần áp dụng chính công nghệ 4.0, 5.0 vào việc Hoằng pháp cho thanh thiếu niên để các bạn trẻ cảm nhận rõ hơn về sự hội nhập Phật giáo như: Trong các buổi thuyết giảng, giảng sư cần sử dụng máy chiếu, bài giảng bằng video, trình chiếu powerpoint, dựng những hình ảnh, clip sinh động thiết thực … để tạo thêm sự lôi cuốn, chú ý cho các em, tránh tình trạng nhàm chán, chỉ nghe thụ động. Lập các trang mạng xã hội, thuyết giảng online, chia sẻ vấn đáp Phật pháp online tạo điều kiện cho một số bạn trẻ bận học, bận làm không có thời gian tham gia trực tiếp trong khóa tu cũng có thể tham gia; Đẩy các bài giảng, các buổi sinh hoạt lên youtube, facbook hoặc các trang web của chùa để mọi người cùng theo dõi và tu tập.
Giảng sư nên hướng cho thanh niên có ý chí phấn đấu, năng động, có mục tiêu, lý tưởng, tổ chức các buổi tập huấn trang bị kiến thức trên không gian mạng, ngăn chặn các trang có thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên, khai thác sử dụng hiệu quả các kênh thông tin giáo dục đạo đức, lối sống hướng thiện… GHPGVNđã đầu tư nhiều người thành thạo về kỹ thuật chuyên môn và khả năng để khai thác và tận dụng được các phương tiện truyền thông mục đích là truyền tải những lời hay ý đẹp, những chất liệu cần thiết mang tính Phật pháp đến với người đang cần. Có những người xa xôi, những người ít tiếp xúc được với chùa chiền và chư Tăng phù hợp theo nhu cầu của họ thì vai trò truyền thông lại càng có tác dụng.[6]
4. Một số kiến nghị
4.1. Đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương đào tạo các giảng sư có kinh nghiệm chuyên giảng cho thanh, thiếu niên.
Đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương quan tâm sâu sắc hơn nữa, có một chương trình, kế hoạch cụ thể chi tiết đối với công tác hoằng pháp cho thanh thiếu niên vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hay vùng núi. Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Ban Trị sự các tỉnh thành đào tạo giảng sư có trình độ cũng như khả năng chuyên môn thuyết giảng cho thanh thiếu niên, soạn ra một số kinh sách, chương trình tu học cho thanh thiếu niên hàng năm hàng tháng và chương trình khóa tu mùa hè. Chuyển tải những nguyên lý Phật học vốn đã có mặt sẵn trong đời sống theo một cách nhìn mới, một lối din giảng mới phù hợp với nhận thức mới của thanh thiếu niên, có tri thức. Điều này cần đến một sự thay đổi, sự cách tân đổi mới trong cách trình bày, diễn giảng. Đặc biệt đổi mới nhưng không làm mất đi cái tinh hoa của Phật giáo. 
Đặc biệt, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN phải đào tạo các giảng sư có tâm huyết, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho đạo pháp. Lấy đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ cao cả là mạng mạch của đạo pháp cần phải quan tâm nhiều hơn, làm hạt giống Bồ đề trong mỗi em nảy mầm để việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức, tâm linh tạo nền tảng cho một xã hội nhân ái.
Ban Hoằng pháp Trung ương hướng tới việc chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động, đòi hỏi một sự đổi mới phù hợp với thời đại mới, đòi hỏi một vị giảng sư không chỉ phải có kiến thức căn bản về nội điển, ngoại điển và chuyên môn, mà cần phải có kiến thức về xã hội, công nghệ mới liên tục cập nhật để tự trang bị cho mình một khả năng linh hoạt, đầy sức thuyết phục về tri thức Phật học, khoa học và đời sống; tự tin là một người thầy thời đại, được tôn kính và tin cậy, chiêu cảm được mọi thành phần xã hội, lứa tuổi; giúp mọi người tin rằng giáo lý của Đức Phật có thể làm thay đổi cuộc sống của mọi tầng lớp tốt hơn và mọi người áp dụng vào đời sống tu tập thì sẽ được giải thoát mọi mọi sự khổ đau, ràng buộc.
Giảng sư của Ban Hoằng pháp phải có kiến thức Phật học thật chuyên sâu, Một nền tảng kiến thức được trải nghiệm bằng sự tu tập, nghiên cứu kinh điển Phật học. Giảng sư không đơn thuần là người thầy giảng đạo mà còn phải hóa thân mình vào thời đại dưới hình thức một tu sĩ được xây dựng đời sống tinh thần và vật chất, giữa bản thân và những người xung quanh. Biết yêu thương, thực hành “Vô Ngã - Vị Tha” để gắn kết tình thân giữa con người với con người gần nhau hơn.  
Điều mà mọi người vẫn thường suy nghĩ về nguyên nhân sự thành công của các vị giảng sư ngày nay là kỹ năng thể hiện tính sư phạm linh động để có thể đứng vững trên mọi hình thức thuyết giảng, mọi lứa tuổi thính chúng. Thông thường, kỹ năng diễn thuyết giỏi đòi hỏi giảng sư cần phải đáp ứng được 3 yêu cầu: một là nguồn thông tin thuyết giảng phải phong phú, đa dạng; hai là tính thuyết phục và tư duy biện luận hết sức thu hút người nghe; ba là, ngôn ngữ giảng dạy phải thể hiện rõ ràng, mạch lạc, có sự thu hút sự tập trung chú ý của thính chúng. Ngoài ra giảng sư còn có một phong thái điềm đạm, có hảo tướng nghiêm trang, đĩnh đạc, dung diện hoan hỷ, lời nói nhu hòa, câu từ chọn lọc, có sự gần gũi dễ mến,… Và trên tất cả là sự từ bi trải qua quá trình tu tập, hạnh nguyện độ sinh mà thành.
4.2. Đề nghị các cấp lãnh đạo chính quyền, gia đình và xã hội ủng hộ tạo điều kiện giúp đỡ để các chùa, các tự viện tổ chức các khóa sinh hoạt, các khóa tu tập cho các em được an toàn.
Sinh hoạt cộng đồng, tạo những sân chơi cho tuổi trẻ là một môi trường đầu tiên hình thành đạo đức của giới trẻ. Vì sân chơi này là nơi tình yêu quê hương đất nước, sự yêu thương con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với những chủ đề, nội dung phù hợp tuổi trẻ vào đời… là những hình thức hoằng pháp tập trung, dễ thu hút và tạo sự lôi cuốn của giới trẻ. Trên sân chơi này, các bạn trẻ sẽ được hướng dẫn tập lắng nghe để hiểu và thương, chia sẻ mối quan tâm đến ông bà, cha mẹ, bạn bè  và mọi người chung quanh. Trong thế giới đó, một nền tảng gia đình hòa hợp, yêu thương, một nền tảng xã hội nhân ái, bao dung như lời Phật dạy, thật sự giúp cho giới trẻ trong việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức.
Nhiều năm qua, các chùa tổ chức Khóa tu mùa hè, hội trại của Phật giáo đã chứng tỏ được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương và ghi nhận sự quan tâm ủng hộ đồng thuận của phụ huynh, các nhà quản lý xã hội. Đây là một sự thắng lợi đầu tiên của công tác tổ chức hoằng pháp trong đối tượng thanh thiếu niên rất cần tiếp tục phát huy, củng cố và sáng tạo mới. Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức xã hội và sự quan tâm của gia đình mà các khóa tu, hội trại Phật giáo thành công rất nhiều, giúp cho các chùa yên tâm tổ chức, đảm bảo được an ninh trật tự, đảm bảo được uy tín, xã hội có niềm tin vững chắc vào các khóa tu, giúp các em thanh thiếu niên có sân chơi chuẩn mực đạo đức, không vi phạm pháp luật, không sa đọa vào các tệ nạn xã hội, trở thành con người có lòng vị tha và nhân ái.
Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa, định hướng cho con em mình và giới trẻ tới khóa tu và hội trại Phật giáo để tu tập, học hỏi giáo lý, rèn luyện đạo đức giữ gìn bản sắc dân tộc tốt đẹp, xây dựng đời sống đạo đức bền vững, lợi ích cho nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động Phật giáo mang lợi ích cho đời sống tinh thần và đạo đức cho người dân, để trở thành những con người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp.
5. Kết luận
Thanh thiếu niên là những chủ nhân tương lai của dân tộc, cũng là người lưu dẫn mạng mạch của Phật Pháp. Đây là tầng lớp không riêng Phật giáo mà cả xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn, làm hạt giống Bồ đề trong mỗi em nảy mầm để việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức, tâm linh tạo nền tảng cho một xã hội nhân ái. Giúp các em biết cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chât chất, giữa bản thân và những người xung quanh. Biết yêu thương, thực hành “Vô Ngã - Vị Tha” để gắn kết tình thân giữa con người với con người gần nhau hơn. Xây dựng một xã hội không bạo lực, không chiến tranh, tạo tiền đề xây dựng cõi Tịnh Độ ngay giữa đời thường. Vì vậy, con mong muốn Ban Hoằng pháp trung ương vận dụng, thực hành, chuyển hóa, thay đổi để đưa giáo lý Phật đà làm tư lương cho mỗi thanh thiếu niên hiện nay. Vì giá trị đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đang xuống cấp, Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải coi đây là một Phật sự trọng đại, với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc cấp bách. Cần phải đổi mới hoàn toàn về cách Hoằng pháp cho thanh thiếu niên mà bấy lâu nay chúng ta để giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng gia đình, nhà trường và xã hội vào cuộc thì nhất định một thời gian không xa mọi chuẩn mực đạo đức truyền thống của chúng ta sẽ được con em chúng ta lại lưu truyền gìn giữ trong nền văn hóa tiên tiến, đầm đà bản sắc dân tộc và tiến tới một thế giới hòa bình và chúng sinh an lạc./.
[1] https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/6963-Hoang-phap-voi-thanh-thieu-nien.html
[2] Lý Thị Thảo, Gía trị đặc sắc về thực hành nhận thức Ái ngữ Phật giáo vực dậy nền đạo đức đang suy thoái trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, nxb Tôn giáo, năm 2019, tr 258.
[3] Thích Quảng Tịnh, Phật giáo góp phần làm thay đổi nhận thức của người trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, nxb Tôn giáo, năm 2019, tr 304.
[4] Lý Thị Thảo, Gía trị đặc sắc về thực hành nhận thức Ái ngữ Phật giáo vực dậy nền đạo đức đang suy thoái trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, nxb Tôn giáo, năm 2019, tr 258.
[5] Thích Quảng Tịnh, Phật giáo góp phần làm thay đổi nhận thức của người trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb Tôn giáo, năm 2019, tr 301.
[6] Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Đạo đức Phật giáo trong thời đại “Vạn Vật Kết Nối”, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb Tôn giáo, năm 2019, tr 198.

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây