54. PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁO DỤC TRONG CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Nội dung
PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁO DỤC TRONG CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Tây Ninh
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn Đức!
Kính thưa Quý vị Đại biểu!
Kính thưa Đại hội!
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh được chính thức thành lập vào năm 1989 là vùng giáp biên giới nước bạn Campuchia và đầy đủ sắc màu Tôn giáo của một tỉnh Miền Đông Nam Bộ như: Phật giáo, Công giáo, Tinh Lành, Hồi Giáo, B’Hai và Cao Đài. Với đặc tính nông nghiệp là chính, công nghiệp và Du lịch cũng mới bắt đầu hình thành và đang trên đà phát triển. Cùng với xu hướng phát triển chung của tỉnh nhà, Phật giáo cũng từng bước hình thành và phát triển ổn định, là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời, với sự lãnh đạo sáng suốt linh hoạt uyển chuyển của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, luôn luôn gần gũi Tăng Ni, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni và Phật tử để tháo gỡ những khúc mắc khó khăn. Đặc biệt luôn luôn Tôn trọng Sơn môn, Pháp phái, Tông phong, không phá bỏ hệ phái truyền thừa của họ, không nguyên tắc cứng nhắc và dập khuôn, linh hoạt nhạy bén giải quyết phù hợp với tình hình thực tế, với mục đích tạo điều kiện tối đa cho họ giữ được chùa và sinh hoạt ổn định. Ngoài ra, chư Tôn đức luôn mở rộng vòng tay đón tiếp, mời chào Tăng Ni trẻ có năng lực về đất Tây Ninh, góp phần khởi sắc Phật giáo tỉnh nhà. Với sự lãnh đạo, điều hành Giáo hội uyển chuyển, linh hoạt một cách nhịp nhàng mà chư Tôn đức biết kế thừa và ứng dụng lời dạy của Đức Phật là “Khế lý, khế cơ”, thực hiện phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội ”.
Kính thưa Đại hội.
Phật giáo luôn đồng hành cùng với dân tộc xuyên suốt bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, bởi lẽ đất nước được hưng thịnh thì đạo pháp mới được xương minh. Từ ý nghĩa đó, đạo Phật luôn luôn thể hiện tinh thần nhập thế “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”. Trên tinh thần chia sẻ nỗi khổ niềm đau, miếng khi đói bằng gói khi no, mang an vui hạnh phúc đến muôn nơi cho nhân loại.
Với trách nhiệm tổ chức của Giáo hội cấp tỉnh luôn luôn được sự chỉ đạo nhanh chóng kịp thời của Giáo hội cấp trên về vấn đề cứu tế, bão lụt thiên tai, từ thiện xã hội trong nước và ngoài nước, Giáo hội cấp tỉnh lập tức thông báo, triển khai và tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, với tinh thần cứu đói, cứu khổ cho người khác, cũng là cứu chính mình vậy.
Ngoài việc thực hiện chỉ đạo làm công tác từ thiện của Giáo hội cấp trên Ban Trị sự còn ký kết với lực lượng vũ trang quân đội như: Tỉnh đội, Quận huyện đội và Quân khu 7 làm rất tốt công tác từ thiện tại địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ Phật tử tu học, lập bồi công đức, làm từ thiện thông qua các buổi thuyết giảng, lễ hội... Đây chính là điểm thuận lợi cho Phật giáo tỉnh trong việc vận động Phật tử đóng góp. Đặc biệt với những gia đình có hữu sự tang chế, Ban Trị sự kêu gọi Phật tử tới trợ niệm, giúp đỡ trong lúc khó khăn và đồng thời cũng thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương đến tận nơi để nắm bắt được số hộ còn nghèo như: Dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học... Từ đó, Ban Trị sự tổng hợp và chỉ đạo cho Phật giáo cấp huyện lên kế hoạch cụ thể trong quý, năm. Với việc làm cụ thể trao quà đến tận nơi, vùng sâu, vùng xa, tận tay cho bà con nghèo khó.
Phật giáo Tây Ninh rất chú trọng về công tác Từ thiện, các chùa trong toàn tỉnh tích cực làm Từ thiện như: Chùa Cẩm Phong ở huyện Gò Dầu do Thượng tọa Thích Định Tánh làm Trụ trì, nơi này làm từ thiện trong và ngoài tỉnh, nuôi người già neo đơn và trẻ em cơ nhở tàn tật... Chùa Thiền Lâm Gò Kén ở Thị xã Hòa Thành do Đại đức Thích Thiện Nghĩa làm trụ trì (đây là ngôi chùa mà tôn giáo Cao Đài mượn khai lập đạo đầu tiên vào năm 1929) trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở đất Tây Ninh. Đặc biệt ngôi chùa này hiện nay làm từ thiện rất tốt, có phòng thuốc Nam khám chữa bệnh miễn phí và lớp học tình thương... Đồng thời, thành lập được Ban Từ thiện xã hội, có nhiều hội viên tôn giáo bạn tham gia. Mỗi năm làm từ thiện trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn rất nhiều mô hình làm từ thiện của các chùa trong tỉnh. Cụ thể như: Cho gia đình nghèo khó khăn mượn vốn làm ăn trong một năm trả dần, không có lãi, hoặc cho nuôi bò để sinh sản được bò con thì trả bò mẹ lại và tiếp tục cho nhà khác nuôi, cứ như thế xoay vần mà vốn gốc tái tạo vẫn còn. Từ việc làm đó góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách thiết thực... Còn một điều phải nói đến vấn đề làm từ thiện cần phải có ứng dụng trí tuệ, lời Phật dạy vào thời đại vô thường như hiện nay. Ví dụ cụ thể trong cuối năm 2019 đến hết 2021, toàn cầu bị khủng hoảng bởi Covid-19, khó khăn về mọi mặt như: kinh tế, chính trị... Tuy nhiên, các chùa vẫn tích cực tham gia làm từ thiện, góp phần vào công tác an sinh của tỉnh nhà. Mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội, cách ly tập trung… nhưng vẫn đảm bảo được sự an tâm cho bà con Phật tử tín đồ thông qua các bài giảng thuyết pháp Online từ xa với các nội dung: Vô thường, Nhân quả, Nghiệp báo, Bố thí, Cúng dàng... Vì vậy, họ đã hiểu được ý nghĩa của cuộc đời là vô thường, sống nay chết mai không ai biết trước, đó là quy luật, từ đó họ sống tốt hơn, tích cực hơn, yêu thương nhau hơn, chia sẻ bớt nỗi khổ niềm đau của cuộc đời hơn và họ đã biết sống thức tỉnh. Nếu chúng ta biết kết hợp vào trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay thì hình ảnh và việc làm thực tế này sẽ có sức lan tỏa rất nhanh. Với mô hình nói trên sẽ giúp công tác từ thiện, an sinh xã hội của Phật giáo tỉnh Tây Nguyên đạt được kết quả hơn trong tương lai.
Với lý do đó, Phật giáo luôn thể hiện tinh thần “Vô ngã, Vị tha, Từ bi và Trí tuệ ”. Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nêu gương, lời nói gắn liền với hành động thiết thực lợi ích cho chúng sinh. Quý Hòa thượng tôn túc luôn nhắc nhở thế hệ Tăng Ni trẻ với câu nói rất bình thường “Nơi nào chúng sinh cần thì chúng ta đến, nơi nào chúng sinh khổ thì chúng ta đem thực phẩm và tình thương đến cho họ”. Với sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp lãnh đạo Giáo hội cho thấy rõ Tây Ninh có tiềm năng phát triển du lịch rất mạnh. Hiện nay các nhà đầu tư về du lịch tâm linh sẽ kéo theo sự phát triển đồng bộ về mọi mặt. Đây là thế mạnh trong tương lai của Phật giáo Tây Ninh. Sự lãnh đạo của chư Tôn đức với cái Tâm và cái Tầm đã trở thành một bài học thực tế, chân chắc không thể hiện hình thức bên ngoài. Đây chính là việc làm cụ thể đi vào lòng Tăng Ni, Phật tử. Từ đó, Giáo hội được đoàn kết vũng mạnh hơn, trở thành sự truyền thừa tiếp nối cho thế hệ trẻ. Đó chính là kế hoạch, hành động cụ thể đưa Giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh lên một tầm cao mới.
Kính thưa Quý vị đại biểu!
Chúng tôi thiết nghĩ, công tác từ thiện là rất tốt nhưng chưa đủ. Bởi vì giúp cho cái ăn, cái mặc, cái ở và nhu cầu vật chất chỉ giúp được cái ngặt tạm thời, chứ không giúp được thoát nghèo. Vậy làm thế nào? Phải chăng, chỉ có trí tuệ mới giúp được chúng ta nhận thức đúng về hành vi, làm chủ sự tạo tác của chính mình. Phật giáo có câu: “Duy - Tuệ - Thị - Nghiệp” có nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Thật vậy, Phật giáo với tinh thần nhập thế, làm công tác từ thiện là phương tiện cầu nối cho giáo dục đi vào đời là chính yếu. Ông bà ta thường nói “Có thực mới vựt được đạo” là thế, cho nên trong Phật giáo chúng ta cho ăn không chưa đủ mà còn phải dạy, đúng với câu “Ăn, học”. Với hệ thống giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Đạo đức học Phật giáo, Tâm lý học Phật giáo... sẽ giúp cho con người ta hiểu rõ hơn về mình và có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng, không bị chi phối bởi tham, sân, si, từ đó sống tích cực, năng động và sáng tạo hơn.
Một khi có cái nhìn đúng đắn về Đạo Phật thì ta sẽ thấy rõ giáo lý Đạo Phật rất phù hợp và tương đồng với tư tưởng xây dựng Chủ nghĩa xã hội, muốn xây dựng một dất nước tốt đẹp thì ta phải xây dựng con người tốt đẹp, có như vậy mới đẩy lùi được mọi sự tiêu cực, dốt nát và đói nghèo. Nếu so sánh về thực trạng xã hội hiện nay, như quý vị cũng đã biết qua thông tin đại chúng, mạng xã hội, với sự báo động về sự suy thoái đạo đức, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội... ngày một càng gia tăng, tội phạm càng nhiều, thậm chí táo bạo và trắng trợn hơn. Đây là những nguyên nhân khách quan hay chủ quan? Dù như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta phải nhìn nhận điều thực tế và trách nhiệm về chính mình. Phải tăng cường hơn nữa về giáo dục để giúp cho thế hệ trẽ định hướng đạo đức làm nền tảng của nghệ thuật sống. Một ví dụ đơn cử như sau: Có những người phạm tội vào tù, ra tù nhiều lần nhưng họ vẫn không sợ, không học tập tiến bộ được gì, nhưng khi được nghe giảng dạy giáo lý Phật giáo đúng với tâm lý của họ, thì họ vui mừng, xin quy y Tam Bảo, bỏ ác làm lành hoàn lương và họ trở thành người tốt hữu ích cho gia đình và xã hội. Từ đó cho ta thấy, Giáo dục niềm tin tôn giáo sẽ điều khiển được hành vi của con người, đây là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp quốc 2019 tại Hà Nam, do Việt Nam tổ chức từ ngày 12-14/05/2019 với chủ đề: Cách tiếp cận Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm bền vững về các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe gia đình, môi trường, lãnh đạo bằng chính niệm, thời kỳ công nghệ 4.0.
Từ đó cho thấy, làm từ thiện không chỉ là phải cho cái ăn mặc, ở về thể chất mà còn phải dạy, giáo dục về tinh thần nữa mới đủ, có như vậy xã hội mới an ổn được. Với trách nhiệm của một công dân chúng tôi thấy rất rõ, tinh thần xây dựng một đất nước tốt đẹp là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị chứ không phải trách nhiệm của riêng ai.
Chúng tôi thiết nghĩ, hiện tại ngay bây giờ và tương lai chúng ta phải đào tạo, định hướng cho lớp trẻ hiểu được ý nghĩa sống thánh thiện cho mình và cho đời. Với mục tiêu này, ta phải tạo một sân chơi thực tế, trực tiếp và lành mạnh cho lớp trẻ tiếp cận sống thực với môi trường thiên nhiên như: lao động làm nương rẫy, làm nông… Thông qua mô hình khóa tu mùa hè dài hạn từ một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng hoặc ba tháng trong thời điểm nghỉ hè ngay tại các ngôi chùa lớn có diện tích đất rừng, đất vườn rộng. Bởi lẽ, trong thời gian tu học như thế ta sẽ truyền cho thế hệ trẻ biết quý trọng công sức lao động của chính mình, của cải vật chất được làm ra bằng mồ hôi nước mắt và biết cách sống tự lực cánh sinh với môi trường thiên nhiên. Song song đó họ được học giáo lý nhà Phật, ngồi thiền, được sinh hoạt vui chơi, được trải nghiệm với cuộc sống thực của thiên nhiên. Có như vậy, họ mới ý thức được cuộc đời này hạnh phúc chính là tự lực cánh sinh chân chính, bằng đôi tay và khối óc, bằng sự trải nghiệm và đứng vững trên đôi chân của minh, từ đó họ sống tốt và thánh thiện hơn, trở thành những bông hoa đẹp cho đời.
Kính thưa Đại hội!
Nhân Đại hội này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh mong rằng, các cấp chính quyền kết hợp cùng với ngành giáo dục, tạo điều kiện cho Phật giáo góp phần vào giáo dục học đường các môn như: Đạo đức học Phật giáo, Tâm lý học Phật giáo . . .
Kính thưa toàn thể Đại hội! Với bài tham luận này của chúng tôi không sao tránh khỏi cách trình bày còn thô thiển, ý tứ còn nông cạn, Kính mong Quý đại biểu, Quý học giả niệm tình tha thứ, chỉ giáo thêm cho chúng tôi được tiếp nhận.
Trước khi dứt lời, tôi xin kính chúc Quý vị đại biểu được dồi dào sức khỏe, thành đạt trong cuộc sống, thành công trong sự nghiệp và Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn!
File đính kèm