53. CON NGƯỜI SƠN LA THUẦN THÀNH VỚI PHẬT GIÁO TRONG SUỐT BỀ DÀY LỊCH SỬ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

CON NGƯỜI SƠN LA THUẦN THÀNH VỚI PHẬT GIÁO
TRONG SUỐT BỀ DÀY LỊCH SỬ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La
THAM LUAN 53 copy

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kính thưa quý Đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQVN, các cấp Bộ ngành, các vị đại biểu khách quý.
Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni.
Kính thưa Đại hội!

Được sự cho phép của đoàn Chủ tịch Đại hội, Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Sơn La xin được trình bày tham luận trước Đại hội. Xin kính chúc chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Hội đồng Trị sự (HĐTS), Quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành, chư Tôn thiền đức Tăng Ni, quý vị Đại biểu khách quý luôn mạnh khỏe, bình an và pháp hỷ sung mãn. Chúc Đại hội thành công viên mãn.
Trước tiên Ban Trị sự  GHPGVN tỉnh Sơn La thống nhất cao với báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017- 2022 và những định hướng lớn công tác Phật sự nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Ban tổ chức trình tại Đại hội. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La xin trình bày tham luận: “Sơn La con người thuần thành với phật giáo có bề dày lịch sử gắn với đất nước và dân tộc”.
1. Đặc điểm tình hình.
Sơn La là tỉnh miền núi cao được coi là thủ phủ miền Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 14.125km, dân số khoảng 1,2 triệu người. Nơi đây quy tụ đồng bào nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Thái, Việt, H.Mông, Mường, Dao, Khơ Mú... Toàn tỉnh có 1 Thành phố và 11 huyện trực thuộc.
Cũng giống như các tỉnh miền núi Tây Bắc, Phật giáo Sơn La mới phát triển; cơ sở thờ tự ít, dân cư thưa thớt, đội ngũ Tăng Ni, Phật tử còn chưa phát triển. Toàn tỉnh hiện nay có khoảng gần 9 nghìn Phật tử, lượng Phật tử phân bố 12/12 huyện, thành phố; sinh hoạt tại 2 cơ sở thờ tự và 35 Đạo tràng tu tập.
Trong suốt từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La được thành lập, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Sơn La luôn thực hiện Phật sự với tinh thần “Hành Như Lai sứ, Tác Như Lai sự”. Đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tăng Ni, Phật tử tỉnh Sơn La đã không ngừng nêu cao truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, luôn đoàn kết, hòa hợp trên dưới một lòng để phụng sự đạo pháp và cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng tỉnh nhà ngày một tươi đẹp hơn.
2. Con người Sơn La thuần thành với Phật giáo trong suốt bề dày lịch sử gắn của đất nước và dân tộc.
Xa xưa mảnh đất Sơn La chịu nhiều thế lực phong kiến bóc lột, đời sống người dân cực khổ nghèo nàn. Các đế quốc đàn áp làm cho:
“... Sơn La âm u, núi khuất núi trong sương mù,
Lá khô rơi xuống suối gió đưa vù,
Đoàn tù tha hương cất bước đi lên đường,
Tiếng chân xéo lá trong đêm trường...”
Thế lực phong kiến đế quốc chia rẽ dân tộc, thôn tính lẫn nhau, đế quốc biến Sơn La thành nhà tù tăm tối, rồi 2 cuộc chiến tranh kéo dài tàn khốc, trên mảnh đất này đến bông hoa đào, hoa ban cũng bị giam hãm ở ngục trung. Nhưng:
- Ánh sáng hào quang của Phật giáo đã từ Chiền Viện Vặt Hồng tỏa sáng đế mọi tâm hồn người dân các dân tộc ở đây, mà yêu quê hương xứ sở, yêu bản làng  đoàn kết các dân tộc.
- Ánh sáng Cách mạng tháng 8 bừng sáng lên mảnh đất Sơn La. Người dân yêu nước, yêu Cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Ngày nay Sơn La đã “xây dựng hơn 10” năm xưa, có những công trình đứng đầu to lớn, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều công trình là di sản văn hóa thế giới, Sơn La đang xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.
Về Văn hóa Phật giáo, từ thế kỉ thứ 10 người dân Sơn La đã có Chiền Viện Vặt Hồng Mộc Châu, Tháp Mường và Sông Mã, nhưng do chiến tranh có lúc như bị gián đoạn. Như cụ Nguyễn Du đã viết:
“... Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao...”.
Từ chỗ mấy thế kỷ, Sơn La không có một vị sư hành đạo, không có một ngôi chùa ngoài các phế tích. Phật giáo tưởng chừng như đã bị mờ. Nhưng không. Trong tâm tưởng con người Sơn La, từ trong sâu thẳm họ không có chùa mà họ có đức chân thiện thuần lương, tâm hồn trong sáng của người bản địa dân tộc ít người. Họ không có sách kinh nhiều nhưng họ có đến 500 trang sách “lời răn dạy người” khuyên con người theo bản tính chân thiện, theo văn hóa Phật giáo. Khi chết họ cũng khát khao trở về Niết Bàn (có 400 trang lời dẫn hồn về Niết Bàn khi có tang sự) trong cuốn sách “lời tang lễ” từ ngàn xưa để lại tận hôm nay và vẫn đang ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Quả thật “Dân tộc và Đạo pháp” hòa quyện làm một, trong đời sống của nhân dân các dân tộc Sơn La đã bền chặt như vỏ bám vào cây, không có một thứ tâm linh “lạ” nào có thể lay chuyển được.
Chính vì thế, sau khi Sơn La đổi mới, Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo. Lãnh đạo tỉnh đã cấp cho Phật giáo Sơn la 02 khu đất để xây 02 ngôi chùa là chùa Trúc Lâm Hưng Quốc và chùa Trúc Lâm Hàng Tếch, đó là 02 khu đất đắc địa cho sự phát triển cơ sở thờ tự của Phật giáo Sơn La.
Trong khi đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử nhiều Tăng Ni có đức độ cao dày, có năng lực và kinh nghiệm xây dựng cơ sở Phật giáo ở miền núi, được lên Sơn La “Xây chùa, đúc tượng, dựng nhà chứa Kinh”. Một thời gian gần 10 năm, không phải là dài, mà có 2 ngôi chùa vào hạng nổi tiếng của khu vực, có hàng nghìn Phật tử, nhiều cơ sở thờ tự đúng chính pháp và pháp luật hoạt động Phật sự nề nếp. Như huyện Vân Hồ có đến gần 1000 Phật tử là dân tộc Dao, nhiều vùng biên giới Việt Lào và nội địa đã có cơ sở thờ tự, các Đạo tràng hoạt động như Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã, Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu...
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La tin tưởng, với nhận thức có cội nguồn, với truyền thống thuần thành đầy lòng sùng kính Tổ tiên, Phật Thánh. Trong gian lao khổ cực và tăm tối như xưa, Sơn La còn ươm mầm cho Phật giáo mạnh mẽ như hôm nay sau nhiều thế kỉ gián đoạn.
Nay có sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sâu sát giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành, Phật giáo Sơn La quyết bù đắp kịp thời, những giai đoạn gián đoạn tạm thời mà lịch sử để lại.
Thưa Đại hội!
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Phật sự Sơn La cũng còn đặt ra những thách thức mới như: Cần có nhiều sức người sức của, ý chí và quyết tâm của Tăng Ni Phật tử để hành đạo trên một tỉnh rộng lớn, có một dải Biên cương xa xăm, có một số vùng núi cao đường xá đi lại khó khăn, dân trí còn có những hạn chế. Những nơi đó lại có đóng góp lớn cho Cách mạng, cũng là cái nôi đón nhận ánh hào quang của Phật giáo từ buổi ban đầu. Cho nên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La cần tập trung nhiều sức người, sức của cho Phật sự để cùng xây dựng Sơn La thành một tỉnh giàu đẹp và phồn thịnh, trang nghiêm về Phật sự.
3. Kết luận.
Để có được kết quả như hôm nay, Phật giáo Sơn La đều nhờ vào sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và do Phật sự hoằng pháp của Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh.
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sơn La nhận thức rằng: Để công tác Phật sự này đạt được kết quả như mong muốn cần phải nổ lực nhiều hơn nữa và tại Đại hội hôm nay Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sơn La kính đề nghị:
- Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ưu tiên kêu gọi các Tăng Ni, Phật tử, các mạnh thường quân đóng góp, giúp đỡ vào công tác sự nghiệp hoằng pháp tại các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Có chỉ đạo kịp thời giúp Giáo hội Phật giáo Sơn La ngày càng phát triển bền vững về tinh thần và vật chất để đồng hành cùng cả nước, góp phần an sinh xã hội, rạng rỡ cho Phật sự Sơn La.
- Đảng, Nhà nước các cấp, các Bộ ngành chức năng, luôn sát cánh cùng Phật giáo Sơn La, tiếp tục quan tâm để đẩy nhanh, đẩy mạnh cả tinh thần lẫn vật chất bù đắp thiệt thòi cho người dân Sơn La vì chiến tranh đã có giai đoạn dài gián đoạn về hoạt động Phật giáo.
Kính chúc Chư Tôn Đức vô lượng công đức, vạn sự  cát tường!
Kính chúc Quý Đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng!
Chúc Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX thành công viên mãn!
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây