48. TỔNG QUAN VỀ GIÁ TRỊ CỦA PHẬT GIÁO TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT TỪ KHI DU NHẬP ĐẾN NAY

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

TỔNG QUAN VỀ GIÁ TRỊ CỦA PHẬT GIÁO
TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT TỪ KHI DU NHẬP ĐẾN NAY
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên
THAM LUAN 48 copy


1. Dẫn nhập       
Việt Nam là một quốc gia nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, nơi tiếp giáp với Biển Đông và được coi là trung tâm khu vực Đông Nam Á khi nằm ở vị trí cửa ngõ. Chính vị trí đắc địa này mà từ lâu Việt Nam đã trở thành nơi giao lưu văn hoá kinh tế của nhiều quốc gia trên trên thế giới. Từ xưa, vùng đất Giao Châu là nơi trao đổi hàng hoá và tín ngưỡng của nhiều nền văn hoá khác nhau. Đồng hành cùng với những thương nhân Ấn Độ, những nhà sư Phật giáo đã đến vùng đất Giao Châu để gieo trồng hạt giống Phật pháp trên mảnh đất này.
Chính vì điều kiện địa lý có nhiều thuận lợi như vậy nên đã tác động tích cực tới tâm lý của người dân nơi đây. Họ sẵn sàng tiếp thu, học hỏi những cái mới nhưng cũng không quên nét văn hoá của chính mình, từ đó tạo nên một nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đặc sắc. Trong đó, Phật giáo đã hoà nhập vào lòng dân tộc Việt một cách hài hoà, sống động. Phật giáo không làm mất đi bản chất văn hoá của người Việt mà trái lại, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã hoà quyện vào văn hoá của người Việt, đồng hành cùng phát triển qua chiều dài lịch sử của dân tộc. Để làm rõ hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc và những đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc, người viết xin trình bày tham luận với chủ đề: “Tổng quan về giá trị của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt từ khi du nhập đến nay”.
2. Nội dung.
2.1. Quá trình Phật giáo du nhập vào nước ta.
Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận[1], Phật giáo được truyền vào nước ta rất sớm, từ những vị danh Tăng đi theo các thuyền buôn đến vùng đất Giao Chỉ để mua bán trao đổi hàng hoá. Trong giai đoạn đầu, Phật giáo được người dân tiếp nhận một cách rất đơn giản và thuần tuý. Phật được xem như là một vị Bụt (xuất phát từ phiên âm Buddha trong tiếng Phạn), pháp được hiểu là phép thần thông của Bụt, hay là những câu kinh được các vị Tăng đọc bằng tiếng Phạn[2]. Bụt được xem như là một người hiền lành, có nhiều phép biến hoá và luôn giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, Bụt là biểu hiện của tình thương sẵn có trong lòng người Việt, đức tánh từ bi của Phật giáo được thể hiện bằng tình thương của con người với nhau, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chính tinh thần tương thân, tương ái này đã xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Năm 197, khi Triệu Đà đánh bại Quốc gia Âu Lạc đã thành lập quận Giao Chỉ, sau đó, vào năm 110 Nam Việt trở thành nội thuộc của nhà Hán, Giao Châu theo đó mà cũng quy về, và được chia thành hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân. Trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán khi đó đã hình thành nên ba trung tâm Phật giáo nổi tiếng là Lạc Dương, Bành Thành và Luy Lâu. Trong đó, Luy Lâu thuộc Giao Chỉ của nước ta. Trong tác Phẩm Lý hoặc Luận của Mâu Tử đã nêu lên những vấn nạn mà Phật giáo đang tồn đọng, điều đó chứng tỏ rằng, Phật giáo thời kỳ đầu đã phát triển đến mức cao trào, để rồi xuất hiện những vấn nạn được nêu trong Lý hoặc Luận.
Tuy vào thời gian này, Giao Chỉ là một quận của nhà Hán, nhưng người dân Giao Chỉ không đánh mất bản sắc văn hoá của mình, mà ngược lại họ đã tiếp thu những điều tốt đẹp của văn hoá phương Bắc để làm giàu vốn văn hoá bản địa của mình. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, nên những hiểu biết về thiên văn, thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Các yếu tố như mưa, gió, mây… đã trở thành thần thánh như: Thần Mây, Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Chớp… sự hiện hữu của những vị thần này trong văn hoá của người Việt không phải là mê tín, mà đó là niềm tin, cầu mong sự che chở của thiên nhiên để được mưa thuận gió hoà, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh Đức Phật cũng có sự thay đổi để phù hợp với văn hoá của người Việt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Ấn Độ đã trở thành vị Phật đặc trưng Việt Nam chính là Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Phật Pháp Điện được tôn thờ trong bốn ngôi chùa trùng tên. Điều này đã nói lên sự uyển chuyển trong việc truyền bá đạo Phật, tinh thần “tuỳ duyên, bất biến” đã giúp cho Phật giáo gắn liền với văn hoá của người Việt, mang hơi thở tâm linh của người Việt để rồi từ đó hun đúc nên một vị Phật tiêu biểu của Việt Nam sau này- Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Vào thế kỷ thứ III, sự xuất hiện của Thiền sư Khương Tăng Hội (? - 280) đã giúp cho Phật giáo Giao Châu phát triển mạnh mẽ. Ngài là người có tố chất thông minh, hoà nhã[3], được xem là Thiền tổ của Thiền học Việt Nam. Năm 820, phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền vào Việt Nam (Vô Ngôn Thông họ Trịnh - là người Quảng Châu, Trung Quốc, tu tại chùa Song Lâm, Triết Giang). Năm 820, Ngài Từ nội địa Trung Hoa sang Giao Châu đến chùa Trấn Quốc (Hà Nội) tu tập và trở thành Tổ sư sáng lập thiền phái này. Dòng thiền này là nơi lưu xuất của những danh Tăng như: Ngài Cảm Thành, Ngài Thiện Hội, Ngài Viên Chiếu, Ngài Khuông Việt Chân Lưu….
Trong giai đoạn này, mặc dù đất nước bị phương Bắc đô hộ, họ tìm mọi cách để truyền bá văn hoá Hán học nhằm mục đích đồng hoá văn hoá bản địa nhưng Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Những đóng góp của Thiền sư Khương Tăng Hội đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh nêu trong tác phẩm “Thiền sư Khương Tăng Hội” như sau: Sự nghiệp của thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy mà ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu Việt Nam và tại trung tâm Kiến Nghiệp Trung Quốc ngày xưa. Tư tưởng thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Khương Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bổng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu, gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thủy”[4].
Tiếp nối Thiền sư Khương Tăng Hội là Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?-594) sáng lập dòng thiền mang tên Ngài. Dòng thiền này đã sản sinh ra những Thiền sư lỗi lạc như: Ngài Pháp Hiển, Ngài Thành Biện và đặc biệt là Thiền Sư Vạn Hạnh. Trong thập kỷ đầu tiên, Phật giáo đã dần định hình một cách rõ ràng, đầy đủ những yếu tố về con người và cơ sở vật chất, cả giáo lý và tư tưởng học thuật. Sự hình thành và truyền bá các truyền bá dòng thiền lớn đã phần này góp phần bảo tồn nét văn hoá bản địa, tinh thần tự chủ trong văn hoá là nền tảng cho ý thức độc lập, tự cường của dân tộc.
2.2. Phật giáo thời Đinh - - - Trần.
Đến năm 905 Khúc Thừa Dụ đánh tan quân đô hộ nhà Đường (Trung Quốc), giành lại nền độc lập tự chủ nước nhà, mở ra một bước ngoặc mới xây dựng và phát triển đất nước. Đến năm 939, sự kiện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ,thống nhất đất nước. Tuy nhiên, triều đại nhà Ngô chỉ tồn tại 30 năm, đất nước lại rơi vào cảnh binh đao loạn lạc, để rồi Đinh Bộ Lĩnh đã đã đứng lên dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập ra nhà Đinh. Năm 971, Vua Đinh Tiên Hoàng đã triệu tập các vị cao Tăng để định rõ phẩm trật cho Tăng chúng. Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền được Đinh Tiên Hoàng tôn làm Khuông Việt Thái sư (khuôn mẫu cho nước Việt) và được phong chức Tăng thống đứng đầu Phật giáo cả nước. Bắt đầu từ đây, vai trò của Tăng sĩ được nhà nước coi trọng. Đây cũng là một nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Trước những diễn biến của lịch sử, triều Đinh chỉ tồn tại 12 năm. Cuối triều Đinh, giặc phương Bắc lại sang xâm chiếm nước ta. Lúc bấy giờ vua Đinh Toàn còn quá nhỏ, nên Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga cùng quần thần giao ngai vàng và trọng trách bảo vệ đất nước. Sau đó, Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống năm 918 và lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Đại Hành, mở ra triều đại nhà Lê, còn gọi là nhà Tiền Lê. Dưới triều Vua Lê Đại Hành, ngoài các vị cao Tăng trên còn có thêm Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) - là người ở đời thứ 10 của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được Vua trọng dụng, giúp triều đình trong việc đối nội, đối ngoại. Sự kết hợp giữa trí tuệ của đạo Phật và tài đức của những danh Tăng đương thời đã thổi một luồng sinh khí mới trong việc giữ gìn độc lập, tự chủ của dân tộc.
Cuối triều Tiền Lê, vua Lê Long Đĩnh dâm đãng, tàn bạo, ăn chơi sa dọa khiến cho quần thần và nhân dân câm giận. Trước tình thế đó, Thiền Sư Vạn Hạnh cùng tướng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra triều đại nhà Lý.  Năm 1009, khi Lý Công Uẩn dời đo về Thăng Long đã khởi đầu cho một thời đại mới xây dựng và phát triển đất nước, phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là Phật giáo được vua Lý quan tâm sâu sắc. Lý Công Uẩn xuất thân từ chốn thiền môn, nên sau khi lên ngôi, ông đã có sự quan tâm đặc biệt đối với Phật giáo, tiêu biểu là việc xây dựng chùa chiền, và ban phẩm phục cho hàng Tăng sĩ. Trong giai đoạn lịch sử này, chùa chiền đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hoá trong quần chúng nhân dân. Chùa đã trở thành trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng của quần chúng, chính vì vậy, chùa chiền là nơi hun đúc tinh thần đoàn kết, yêu nước là nơi quy tụ của ý thức và niềm tin độc lập dân tộc. Để rồi tinh thần ấy kết tinh thành một ngôn từ vô cùng uy dũng “đánh” tại hội nghị Diêm Hồng, đánh tan quân xâm lược nhà Nguyên, giữ gìn bình yên cho đất nước.
Trong giai đoạn này, giới lãnh đạo đất nước cũng có sự quan tâm rất lớn đến đời sống tâm linh của người dân, xây dựng chùa Tháp làm biểu tượng quốc gia “An Nam Tứ Đại khí” (tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, đỉnh Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm), đặc biệt chùa Một Cột (xây dựng năm 1049) tại thủ đô Hà Nội ngày nay là minh chứng rõ nét cho sự ảnh hưởng của Phật giáo trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hoá, nghệ thuật cho đến điêu khắc, hội hoạ. Có thể thấy rằng, nền nghệ thuật của đất nước trong giai đoạn này gắn liền với nghệ thuật kiến trúc Phật giáo. Tinh thần từ bi, cứu thế của Phật giáo đã được thể hiện trong đường lối cai trị đất nước của nhà vua. Tiêu biểu có thể kể đến các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đã biết chăm lo đời sống của nhân dân, đây là nền tảng để ổn định và phát triển đất nước lâu dài. Chính vì sự anh minh trong đường lối cai trị mà đời sau đã có lời ca ngợi Lý Thánh Tông như sau: “Vua là người sáng suốt khôn ngoan, nhân hiền, hiếu nghĩa. Vua nghe lời can ngăn, cầu kẻ hiền tài, ít tạp dịch, thuế khóa nhẹ. Bấy giờ nước lớn phải sợ; nước nhỏ phải mến, thần giúp người theo, dân thì đông giàu, mình thì thái bình. Thực là ông vua giỏi ở triều Lý”.[5]
 Theo dòng chảy của lịch sử, nhà Trần thay thế cho nhà Lý trên vũ đài chính trị. Lúc bấy giờ, Thiền phái Trúc Lâm ra đời trên nền tảng hợp nhất 3 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, người sáng lập ra chính là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đến giai đoạn này, Phật giáo đã hoà mình cùng dòng chảy của dân tộc. Có thể nói, thời đại nhà Trần là thời đại Phật giáo nhất tông, mà Thiền sư Hiện Quang (? - 1221), tu hành tại núi Yên Tử, là vị khai tổ của sự nhất tông này. Tính nhân bản của Phật giáo trong việc đề cao vai trò và vị trí của con người trong tiến trình tu học giải thoát đã được hiện thực hoá một cách sống động. Nếu như “ Phật tánh” được hiểu như là khả năng giác ngộ của mỗi người, thì “ Phật tánh” đã được Quốc sư Viên Chứng trình bày một cách hùng hồn qua lời dạy cho vua Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm, chỉ cần lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật”. Không cần vọng tìm một hình tướng Phật bên ngoài, mà Phật chỉ được khi lòng đã thật sự vắng lặng thanh tịnh, thì khi ấy chân thân Phật mới hiển lộ. Phật không phân biệt vua quan, thứ dân, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn…mọi người đều có thể thành Phật ngay trong đời sống này. Điều này tạo nên một sự kết nối tâm linh mạnh mẽ trong lòng dân tộc, tạo nên một sức mạnh nội tại để từ đó chiến thắng quân xâm lược Mông-Nguyên, một trang sử vàng trong lịch sử của dân tộc.
Trong triều đại nhà Trần, những Thiền sư nổi bật như Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thái Tông đều có những đóng góp lớn cho sự ổn định và phát triển đất nước. Sự dung hoà giữ đời và đạo đã xoá tan ranh giới của giai cấp, của định kiến xã hội lúc bấy giờ. Tất cả vì mục tiêu chung của đất nước, của dân tộc. Kết tinh của sự hài hoà đó là tư tưởng “Cư Trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Khi đất nước đã vượt qua nạn đao binh của giặc phương Bắc, là công cuộc kiến thiết đất nước. Trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông nói rõ việc tái thiết quốc gia đó thật là sinh động: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu[6]. Hình ảnh một vị đế vương từ bỏ cung vàng điện ngọc để trở thành một du Tăng, khất sĩ đem 10 điều lành khuyến hoá khắp nơi đã tác động mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Một cá nhân không thể tách rời khỏi một tập thể, như Đức Phật đã từng dạy trong giáo lý duyên khởi:
- Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
- Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt.
- Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
- Do cái này diệt, nên cái kia diệt[7].
Mối tương quan, tương duyên của mội cá thể với nhau một tập thể, hay một công dân đối với đất nước là sự hỗ tương cùng phát triển. Con người muốn tu hành yên ổn, phải tạo lập một một môi trường bình an. Cũng như vậy, một công dân muốn sống hạnh phúc, an vui phải có trách nhiệm xây dựng cộng đồng xã hội hưng thịnh, phát triển.
2.3. Phật giáo thời cận đại.
2.3.1. Phật giáo Thuận Hoá từ năm 1558 đến năm 1613.
Trong suốt quá trình mở rộng bờ cõi về phía Nam, các thế hệ di dân của Đại Việt mỗi khi đi đến đâu là nghĩ ngay đến việc dựng chùa. Mái chùa đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá của người Việt. Chính vì lẽ đó mà Ngài Huyền Không đã từng cảm thán:
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.” (Huyền Không)
Sách Ô CHÂU CẬN LỤC của Dương Văn An, một tác phẩm sưu khảo lịch sử được hoàn thành và khắc in năm 1553, tức trước khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dong thuyền vào Nam và đặt chân lên vùng đất này 5 năm, mô tả khá rõ về tình hình Phật giáo Thuận Hoá thời bấy giờ, đặc biệt là hai ngôi chùa Sùng Hoá và Thiên Mụ: “Trấn Thuận Hóa có hai danh lam là chùa Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ. Chùa Sùng Hóa là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Hóa Châu, còn chùa Thiên Mụ ở phía nam làng Hà Khê, là một cảnh trí thần tiên”[8]. Chúa Nguyễn Hoàng là con trai thứ hai của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, chính thức được vua Lê chỉ dụ vào làm tổng trấn Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558). Khi Nguyễn Hoàng đặt chân đến đây, Thuận Hoá được xem là miền biên ải xa xôi, là chốn dung thân của những kẻ thất thời, lỡ thế; là nơi sinh cơ lập nghiệp của những tầng lớp thứ dân. Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ.
Trong suốt 55 năm trấn thủ đất Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng đã cho trùng tu chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở Thuận Châu, trùng tu chùa Sùng Hoá và chùa Thiên Mụ ở Hoá Châu, cầu thỉnh cao Tăng giảng pháp, lập đàn cầu siêu độ, cầu quốc thái dân an, chăm sóc đời sống tín ngưỡng của bá tính…
Sau khi Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên nối nghiệp, còn gọi là chúa Sãi. Ông là người đầu tiên sáng tác những điệu khúc múa ca Phật giáo, tạo nền tảng cho lễ nhạc Phật giáo Huế còn lưu truyền cho đến ngày nay. Trong thời gian này, rất nhiều danh Tăng Trung Hoa tới đàng trong hoằng hóa có thể kể đến như:
- Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.
- Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm).
- Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ (Báo Quốc),
- Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm, ở Thuận Hóa.
- Thiền sư Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh.
- Thiền sư Pháp Hóa, khai sơn chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi.
- Thiền sư Tế Viên, khai sơn chùa Hội Tôn ở Phú Yên.
- Thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định và các chùa Quốc An và Hà Trung ở Thuận Hóa.
Đặc biệt, trong giai đoạn này đã xuất hiện Thiền sư Liễu Quán (1667 - 1742). Ngài sinh ra tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Thiền sư là người khai sáng ra Thiền phái Liễu Quán còn đang lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.
Tiếp biến tiến trình của lịch sử, Phật giáo giai đoạn này đã gắn liền với những cuộc khai hoang mở đất. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hộ quốc an dân. Bên cạnh đó, quá trình du hoá của những vị Thiền sư phương Bắc cũng đã góp phần làm cho Phật giáo có những sắc thái đa dạng. Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã hoà chung với nhau thành một thực thể không thể tách rời.
2.4. Phật giáo từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Năm 1862, thực dân Pháp xâm lược nước ta, lúc bấy giờ, Phật giáo bị gạt sang ngoài lề sinh hoạt của xã hội, tuy chùa chiền có mặt ở mọi nơi, nhưng việc sinh hoạt chỉ mang tính chất tín ngưỡng. Thực dân Pháp đã triệt để ủng hộ Thiên chúa, vì đạo Phật đã bắt rễ lâu đời trong quần chúng, nên chính quyền Pháp đã tìm mọi cách để ngăn cấm sự phát triển của đạo Phật về cả tinh thần và vật chất[9].
Những năm đầu thế kỷ XX, trên thế giới đã diễn ra những phong trào chấn hưng Phật giáo như Ấn Đô, Tích lan, Thái Lan, Trung Quốc…đã tác động mạnh mẽ đến phong trào chấn hưng Phật giáo trong nước. Phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam vào năm 1920 gắn với tên tuổi của các nhà sư tiên phong như Khánh Hòa (1877-1947), Thiện Chiếu (1898-1974)... Từ miền Nam, phong trào Phong trào Chấn hưng Phật giáo lan ra miền Trung, miền Bắc với các nhà sư như: Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936), Thượng tọa Tố Liên (1903-1977), Thượng tọa Trí Hải (1906-1979)…
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng, nhiều nhà Tăng sĩ đã sẵn sàng “ cởi áo cà sa khoác chiến bào” xông pha nơi tiền tuyến để bảo vệ quê hương đất nước. Sự kiện ngày 27.2.1947, tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), Hoà thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận. Đây là một sự kiện quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tiếp bước những nhà sư đi trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới đã có thêm 8 nhà sư cởi áo cà sa, tạm biệt cửa thiền lên đường bảo vệ đất nước[10].
“Nghe theo tiếng gọi của núi sông
Cà sa gửi lại chốn thư phòng
Xông ra trận tuyến trừ hung bạo
Thực hiện từ bi lực phải hùng”
(Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên là đại đức Thích Pháp Lữ chùa Cổ Lễ, Nam Định)
Có lẽ, còn nhiều vị Tăng Ni đã cống hiến máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc, tuy sử sách không ghi, nhưng họ đã hoá thân mình thành hồn thiêng sông núi, thành “hào khí Đông A” của dân tộc. “Đại hùng- đại lực- đại từ bi” trong lời dạy của Đức Phật đã được Phật giáo Việt Nam thực hiện một cách hào hùng, uy dũng.
Sau 1975, đất nước bước sang một trang sử mới, yêu cầu khách quan của lịch sử trong việc hình thành một Giáo hội thống nhất các hệ phái Phật giáo là điều cần thiết. Tháng 2/1980, Ban vận động Phật giáo thống nhất đã được thành lập với 33 vị Tăng, Ni, cư sĩ đại diện cho các tổ chức hệ phái của Phật giáo cả nước. Ban Vận động do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và các vị Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Minh Nguyệt, Thích Trí Tịnh, Thích Bửu Ý, Thích Mật Hiển, Thích Giới Nghiêm làm Phó trưởng ban Thường trực. Hoạt động của Ban Vận động đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chứng minh gồm các vị Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Thanh Duyệt, Thích Pháp Tràng, Thích Hoằng Thông....
Sau hai năm chuẩn bị, tháng 11/1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo đã được long trọng tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 165 đại biểu là Tăng, Ni, cư sĩ của 09 hệ phái Phật giáo trong cả nước, đó là:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với 23 đại biểu do Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Trưởng đoàn.
Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam có 23 đại biểu do Hòa thượng Thích Nguyên Sinh làm trưởng đoàn
Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam có 12 đại biểu do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm trưởng đoàn.
 - Ban liên lạc Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 10 đại biểu do Hòa thượng Thích Thiện Hào làm trưởng đoàn.
- Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam có 07 đại biểu do Hòa thượng Thích Siêu Việt làm trưởng đoàn.
- Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ gồm có 08 đại biểu do Hòa thượng Dương Nhơn làm trưởng đoàn.
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam có 06 đại biểu do Hòa thượng Thích Giác Nhu làm trưởng đoàn.
- Giáo hội Thiên thai giáo Quán tông gồm có 05 đại biểu do Thượng tọa Thích Đạt Pháp làm trưởng đoàn.
- Hội Phật học Việt Nam có 06 đại biểu do cư sỹ Tăng Quang làm trưởng đoàn.[11]
Trong thời đại ngày nay, phương châm “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng với Tăng Ni Phật tử đóng góp cả nhân tài và vật lực cho sự phát triển của xã hội. Tham gia tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: an sinh xã hội, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội…
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hàng trăm Tăng Ni có chuyên môn về y tế đến tuyến đầu chống dịch, quyên góp hàng tỉ đồng cho việc mua Vaccine và thiết bị y tế. Hình ảnh Tăng, Ni, Phật tử trong màu áo blouse nơi tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc.[12]
Cùng chung tay trong lĩnh vực quản lý nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử những vị tiêu biểu tham gia vào Đại biểu Quốc hội  Việt Nam qua các nhiệm kỳ của Quốc hội như Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hoà Thượng Thích Thanh Quyết, Thượng tọa Lý Minh Đức, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Ni sư Thích nữ Tín Liên… chư vị Tôn đức là đại diện cho tiếng nói chung của Tăng Ni, Phật tử cả nước trong khối đại đoàn kết dân tộc.

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây