44. CÔNG TÁC PHẬT SỰ - PHỤNG ĐẠO YÊU NƯỚC CỦA PHẬT GIÁO TỈNH NGHỆ AN

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

CÔNG TÁC PHẬT SỰ - PHỤNG ĐẠO YÊU NƯỚC
CỦA PHẬT GIÁO TỈNH NGHỆ AN
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An
THAM LUAN 44 copy


Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nghệ An là tỉnh miền núi biên giới, duyên hải đồng bằng, khúc ruột miền Trung của Tổ quốc Vệt Nam thân yêu. Phật giáo Nghệ An có truyền thống lịch sử lâu đời. Dưới thời Bắc thuộc nhà Đường, Phật giáo đã phát triển rực rỡ tại Nghệ An, dấu tích tháp Nhạn còn minh chứng điều đó. Đặc biệt dưới thời Lý, phủ Bạch Ngọc nay là huyện Đô Lương, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã cho xây cất nhiều chùa chiền quy mô bề thế. Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang đã cho xây dựng những ngôi chùa, phủ đệ trong vùng Diễn Yên Quỳnh. Từ đó, mảnh đất xứ Nghệ trở thành vùng đất Phật, địa danh Đông Thành trở thành trung tâm Phật giáo của cả vùng Hoan Châu xứ Nghệ. Trải qua nhiều thời đại, nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, Nghệ An trở thành nơi thánh địa của Phật giáo và Dân tộc Việt Nam với những ngôi chùa Linh Vân, chùa Đại Tuệ, chùa Ngọc Lâm - An Thái, chùa Bà Bụt, chùa Gám, chùa Hải Quang, chùa Cổ Am, chùa Lữ Sơn,…
Kế tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ tiền nhân, Tăng Ni, Phật tử Nghệ An luôn tự hào được lưu giữ, kế thừa, tu tập và hành đạo trên mảnh đất xứ Nghệ anh hùng - quê hương của Hồ Chủ tịch muôn vàn kính yêu. Dưới sự quản lý, điều hành của Ban Trị sự, Phật giáo tỉnh Nghệ An đã từng bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ và toàn diện. Trải qua 05 năm hoạt động, với đội ngũ nhân sự luôn đoàn kết và nhiệt huyết, đã xây dựng Phật giáo Nghệ An ổn định về nhân sự, phát triển toàn diện về mọi mặt phong trào và tạo được niềm tin về tâm linh, trách nhiệm với quê hương đất nước và Giáo hội.
1. Tăng Ni, Phật tử Nghệ An hòa hợp, đoàn kết xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An vững mạnh về mặt tổ chức, triển khai thành công xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Nâng cao tính năng hoạt động của Ban Trị sự, kiện toàn tổ chức nhân sự với phương châm trẻ hóa và tri thức hóa. Tăng Ni, Phật tử ổn định, đoàn kết, hòa hợp, tuân thủ các quy định của Pháp luật và Hiến chương Giáo hội. Kiện toàn, thành lập 12 Ban chuyên môn và hệ thống Văn phòng, 03 Ban Trị sự và phân công phụ trách Phật giáo cấp huyện. Thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo hội: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tăng Ni, Phật tử Nghệ An luôn coi Giáo hội tỉnh Nghệ An là ngôi nhà chung của mọi người con Phật, hòa hợp, đoàn kết nhất tâm xây dựng Giáo hội và phong trào Phật giáo tỉnh Nghệ An vững mạnh; Đồng thời với căn bản tu học vững chắc, sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì sự phát triển của Phật giáo cả nước và đóng góp vào các phong trào chung của tỉnh nhà, với mục tiêu xây dựng tịnh độ giữa nhân gian, xây dựng quê hương Nghệ An văn minh giàu đẹp.
2. Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử Nghệ An đã trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa - danh lam thắng cảnh Phật giáo, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử.
 Xây dựng hoàn thành chùa Đại Tuệ, với quy mô nguy nga đồ sộ, trở thành công trình kỳ vĩ tại tại non thiêng Đại Huệ, quê hương Bác Hồ kính yêu, đây có thể coi là cột mốc văn hóa tâm linh của Quốc gia. Phục hồi trùng hưng quần thể đền - chùa Gám (Chí Linh tự), với kiến trúc cổ kính của ngôi chùa miền quê Yên Thành. Tôn tạo, xây dựng Chùa Cổ Am khang trang bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tu học cho Phật tử miền đồng bằng Diễn Châu. Quy hoạch xây dựng mới Chùa Lam Sơn, Chùa Linh Sơn, Chùa Hà mang hình dáng văn hóa cổ truyền, với chính điện tòa Tam Bảo uy linh, biết bao công sức và tâm huyết của những người con quê hương đất Nghệ. Quy hoạch mở rộng, trùng tu Di tích Quốc gia Chùa Cần Linh, ngôi chùa Sư Nữ lâu đời bên dòng Cồn Mộc thơ mộng và linh thiêng, in mình soi bóng Hồ Cửa Nam. Chùa Phúc Lạc được hồi sinh trên nền bãi cát trắng, với đại tượng Phật A Di Đà khổng lồ, từ trên cao nhìn xuống hay từ các giao lộ trông lên. Chùa An Thái, Chùa Song Ngư được trùng tu, tôn tạo là ngọn hải đăng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngược dòng sông Lam lên miền Trà Lân, với ngôi Chùa Anh Sơn bên đền Cửa Lũy, công trình tâm linh nơi phên dậu phía Tây của Tỉnh. Những Chùa Vĩnh Phúc, Chùa Đạt, Chùa Viên Quang luôn là niềm tự hào của những người con quê hương Sa Nam xây đắp. Cảnh Phật nơi Chùa Phúc Mỹ, Chùa Làng Vành, Chùa Phúc Yên trên phủ Bạch Ngọc - chùa Bà Bụt, ấp ủ bao ân tình của miền quê Đô Lương ghi dấu anh hùng. Chùa Chung Linh, chùa Tiên Hội nơi miền sơn cước đồi chè, đất nhút Thanh Chương được trùng hưng. Chùa Diệc bên thành cổ Vinh lịch sử, với những tòa Phật Ngọc kim hoàng diễm lệ trên nền đất đế đô một thời, là nơi hội tụ Tăng tài của Phật giáo đồ xứ nghệ,….. Tổng kinh phí xây dựng, trùng hưng các cơ sở thờ tự và đồ thờ tế khí Phật giáo trong nhiệm kỳ qua lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Phật giáo tỉnh Nghệ An đã triển khai phổ biến “Khoá tụng thống nhất” pháp phục thống nhất” cho Tăng Ni và Phật tử tại các chùa trong toàn tỉnh do Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội ban hành. Điều đó đã tạo sự thống nhất, trang nghiêm và thiêng liêng trong các khoá tụng chung của Giáo hội, đồng thời bảo tồn phát huy nét đẹp văn hoá đặc trưng về ngôn ngữ và pháp phục của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
3. Chỉ đạo và tổ chức tốt công tác An cư kết hạ, giáo dục Tăng Ni, hướng dẫn Phật tử, đẩy mạnh công tác Hoằng pháp lợi sinh, đồng thời phối hợp với các cơ quan mở các lớp chuyên đề về chính sách pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, bồi dưỡng nâng cao kiến thức Quốc phòng An ninh trong tình hình mới.
Hiện nay, trong tỉnh có 7 vị học vị Tiến sĩ, 11 Thạc sĩ, 51 Cử nhân và Cao đẳng 04 vị, 29 vị đang theo học hệ Cử nhân và Cao đẳng. Thường xuyên mở các lớp, các đạo tràng tu học thu hút hàng vạn lượt Phật tử tham gia như Đạo tràng Hương sen xứ Nghệ Chùa Phúc Thành và Đức Hậu, Đạo tràng niệm Phật Chùa Tu, Đạo tràng Thập Thiện - Bồ tát giới Chùa Cần Linh, Đạo tràng Hương Lúa Chùa Chí Linh, Đạo tràng Minh Châu Chùa Cổ Am, Tổng Đạo tràng Chùa Diệc,…. Tổ chức hơn 100 khóa tu với quy mô từ 500 đến 1000 khóa sinh cho thanh thiếu niên, vào các dịp mùa hè với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích. Các Câu lạc bộ thanh niên Sen Vàng, Hương Lúa, Biển Quỳnh, Hồng Phúc duy trì hoạt động đều. Các đoàn sinh Võ thuật tại Chùa Cổ Am, Chùa Hà, Chùa Gám quy tụ rất đông, góp phần rèn luyện thân thể và bảo vệ quê hương, giữ gìn truyền thống miền đất võ. Nhiều gia đình Phật tử được thành lập tại các Chùa quy tụ rất đông đồng bào Phật tử và con em quê hương như gia đình Vườn Tuệ, gia đình Trọng Nhân, gia đình Thành Đào,... Nhờ công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử được đẩy mạnh nên số lượng Phật tử theo học ngày càng sôi nổi, góp phần bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chính tín. Tích cực tuyên truyền ánh sáng của đạo Phật và chính sách của Đảng, Nhà nước đến các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo. Thường xuyên mở các lớp chuyên đề, các hội nghị phổ biến chính sách pháp luật, triển khai và phát động các phong trào ích nước lợi dân như: Phong trào giáo dục quốc phòng an ninh, phong trào Tăng Ni, Phật tử bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng văn hóa giao thông, đoàn kết sáng tạo, gia đình văn hóa xã hội văn minh, chung tay phòng chống Đại dịch Covid-19,…
4. Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An đã chủ động hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tập trung và phát huy những lễ nghi truyền thống, đóng góp vào sự bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đàn bản sắc dân tộc.
Tổ chức tốt các nghi lễ lớn của Phật giáo, tạo tinh thần phấn khởi trong giới Tăng Ni, Phật tử và nhân dân. Kết hợp với chính quyền và các địa phương tổ chức lễ cầu an, cầu siêu, thắp nến tri ân. Đặc biệt tổ chức thành công các Lễ hội Hương sen xứ Nghệ, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019, Lễ hội khai bút đầu năm tại Chùa Đại Tuệ, Lễ hội Quan Âm Nam Hải tại Chùa An Thái, Lễ hội Tuồng Kẻ Gám tại Chùa Chí Linh. Tổ chức nhiều đại lễ Cầu siêu, tri ân tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào, Nghĩa trang Thái Lão, Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn, Hang Hỏa Tiễn, Kênh Vếch Bắc, Nghĩa trang Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn,… Tổ chức trang nghiêm lễ khởi công động thổ, đặt đá trùng tu, hô thần nhập tượng, đúc đại hồng chung, khánh thành tại các Chùa, đền thờ, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, trấn giữ biên cương của Tổ quốc. Phối kết hợp với các cấp, các ngành các địa phương tổ chức tốt các lễ hội truyền thống,… Hàng năm đón tiếp và phục vụ hàng chục triệu lượt du khách về hành hương, du xuân lễ Phật. Lễ hội xuân an lạc tại các chùa trên địa bàn được đánh giá là những lễ hội có quy mô. Các nghi lễ tín ngưỡng của nhân dân cũng được tổ chức thường xuyên trang nghiêm và thành kính, an toàn và tiết kiệm.
5. Ban Trị sự đã động viên Tăng Ni, Phật tử phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và truyền thống tương thân, tương ái của Dân tộc, hoàn thành xuất sắc công tác an sinh xã hội, phúc lợi cộng đồng.
Cứu trợ đồng bào lũ lụt thiên tai, đóng góp Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, chất độc da cam, cứu trợ nhân đạo và ủng hộ nhiều quỹ khác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hơn 100 nhà nghĩa tình cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh. Ủng hộ xây dựng một số trường học mầm non kiên cố, sắm sửa cơ sở vật chất một số trường học khác trị giá chục tỷ đồng. Ủng hộ kinh phí Quỹ Vaccine, giải cứu hỗ trợ nông thủy sản, thiết bị y tế cho công tác phòng chống Covid-19 hơn 10 tỷ đồng. Hỗ trợ công tác Từ thiện xã hội tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi. Thăm hỏi, động viên tinh thần vật chất cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,…. Tổng kinh phí trong nhiệm kỳ qua ước đạt gần 200 tỷ đồng.
6. Làm tốt công tác Đối ngoại nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, giàu đẹp và mến khách.
7. Luôn luôn phát huy nội lực, đẩy mạnh nguồn lực vật chất phục vụ Đạo pháp và cống hiến cho xã hội. Luôn đồng hành cùng Dân tộc trong mọi hoạt động, vì sự ổn định và phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.
Vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời. Nhiều Tăng Ni tỉnh Nghệ An đã tham gia các tổ chức như: HĐND, MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam,…. góp phần củng cố chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, góp sức to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra công tác Phật sự của Nghệ An những hạn chế như: Phong trào phát triển chưa đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, Phật giáo chưa bám rễ và phát triển được vào vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng biên giới. Tâm lý ngại va chạm của một số đông Tăng Ni và đặc biệt là chưa có kế hoạch chiến lược lâu dài, để hiện đại hóa Phật giáo phù hợp với thời đại, một số Tăng Ni, Phật tử còn có tư tưởng phân chia tông môn, hệ phái, vùng miền. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027; Tăng Ni, Phật tử Nghệ An xin mạo muội có mấy kiến nghị như sau:
1) Hiến chương tu chỉnh có quy định về việc thành lập cơ sở Phật giáo, việc sử dụng con dấu để giao dịch dân sự phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như tình hình thực tế tại địa phương.
2) Quan tâm xem xét cho khu vực Bắc Trung bộ được mở 01 trường Phật học để đào tạo Tăng Ni, Phật tử tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
3) Có chiến lược hoằng pháp cho Tăng Ni, Phật tử vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ chế chính sách đãi ngộ cho Học viên, Hoằng pháp viên là người đồng bào Dân tộc.
4) Ban Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện và Hoằng pháp phối hợp tổ chức những Lễ hội, Hội nghị tại các khu vực vùng miền để thuyết pháp quy y, trao quà cho đồng bào dân tộc.
5) Ban Văn hóa Trung ương lên bộ quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc tự viện cho từng vùng miền, hệ phái phù hợp với văn hóa tín ngưỡng bản địa. Lấy các hoạt động Nghi lễ, Văn hóa là kênh truyền bá Phật pháp, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Dân tộc, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo.
Trên đây là tham luận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, kính trình Đại hội tri tường./.
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây