43. MỐI LIÊN KẾT GIỮA PHẬT GIÁO VỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI CÓ THẬT SỰ BỀN VỮNG?
Nội dung
MỐI LIÊN KẾT GIỮA PHẬT GIÁO VỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM
TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI CÓ THẬT SỰ BỀN VỮNG?
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch chư Tôn Thiền đức!
Kính thưa quý Đại biểu! Thưa Đại hội!
Hòa chung không khí hoan hỷ của những người con Phật khắp cả nước, chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027, con xin đại diện cho Phật giáo tỉnh Nam Định đóng góp một số ý kiến tham luận trước Đại hội với chủ đề: “Mối liên kết giữa Phật giáo với tuổi trẻ Việt Nam trong xã hội đương đại có thật bền vững?”. Lời đầu tiên, cho phép con kính dâng lên quý Ngài lời tri ân sâu sắc, cung chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, chúc quý vị Đại biểu khách quý, các đạo hữu Phật tử sức khỏe, chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Kính thưa Đại hội!
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Hơn 2000 năm lịch sử hiện hữu và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, đạo Phật đã trở thành tôn giáo lớn của dân tộc. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giáo dục, nghệ thuật và ngoại giao,...
GHPGVN được thành lập từ năm 1981 đến nay, đã trải qua 08 nhiệm kỳ Đại hội với hơn 40 năm hình thành và phát triển. Phật giáo Việt Nam đã và đang từng bước ổn định về cơ cấu tổ chức, khẳng định vị thế cũng như vai trò của mình trong lòng dân tộc. Hơn 40 năm qua, GHPGVN luôn sát cánh, đồng hành cùng với Đảng và Chính phủ trong sự nghiệp “hộ quốc an dân”, phát huy tinh thần Đạo pháp - Dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, giương cao ngọn cờ “phụng đạo yêu nước”, sẵn sàng xả thân cống hiến, xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Công nghiệp hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam luôn có sự đổi mới tích cực cả về chất và lượng, phát triển sâu rộng vào quảng đại quần chúng nhân dân, vào những người yêu mến đạo Phật, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các giá trị tư tưởng đạo đức Phật giáo không chỉ ảnh hưởng tới đời sống nhân sinh, mà còn hướng con người đến lý tưởng Vô Ngã, Vị tha. Lấy đó làm nền tảng, làm chuẩn mực, làm thước đo, làm phương tiện và mục đích cứu kính để đạt tới hạnh phúc, thông qua các giáo pháp Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo, Lục độ ba la mật, Nhân quả, Nghiệp báo,...
Có thể nói, Phật giáo Việt Nam được xem là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình lên các quan điểm, các chuẩn mực và giá trị đạo đức trong xã hội. Tư tưởng đạo đức nhân sinh của Phật giáo là tư tưởng xuyên suốt và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Nền minh triết và đạo đức ấy còn ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ của người Việt. Vậy, làm thế nào để mối liên kết giữa Phật giáo với tuổi trẻ Việt Nam phát triển một cách bền vững? Bài tham luận này chúng con xin được đưa ra một số ý kiến nhằm góp phần vào văn kiện của Đại hội.
1. Sự ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước.
Thế giới ngày nay đang bước những bước dài trên con đường phát triển của Khoa học, xu hướng toàn cầu hoá về công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, công nghệ hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, siêu Robot,… đang bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng khiến cho nhân loại lâm vào nhiều thảm họa, bi kịch, tiềm ẩn không ít những “nguy cơ” đe dọa tới tính mạng của con người và cuộc sống, như: tình trạng ô nhiễm môi trường, sự mất cân bằng sinh thái, nguy cơ chiến tranh hạt nhân, những xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, động đất, sóng thần, tình trạng đói nghèo, thất học và bạo lực tràn lan. Đặc biệt là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, tình trạng này lại đang diễn ra nhiều nhất ở những người trẻ tuổi.
Việt Nam ngày nay đang trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH và hội nhập Quốc tế. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Để chúng ta có đủ điều kiện quan hệ hợp tác hoà bình hữu nghị với bạn bè trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần phải xây dựng một đường lối chính sách lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình của đất nước, cũng như xây dựng một nền tảng đạo đức mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các cá nhân, các tổ chức đoàn thể, giữa các tôn giáo, thì chúng ta cũng cần phải chú trọng xây dựng tô bồi thế hệ trẻ. Đây là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết, vừa phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc, vừa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế. Bởi tất cả chúng ta đều hiểu rằng, thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.
2. Mối liên kết giữa Phật giáo với tuổi trẻ ngày nay.
Để thấy được mối liên kết giữa Phật giáo với Tuổi trẻ thì chúng ta phải đi vào tìm hiểu thực trạng của Tuổi trẻ trong xã hội ngày nay, xem các em đang làm gì, nghĩ gì và Phật giáo đã giúp cho các em điều gì?
2.1. Thực trạng Tuổi trẻ Việt nam ngày nay.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay cực kỳ thông minh và nhạy bén, luôn tìm tòi sáng tạo, luôn chủ động vươn lên, biết tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội,… Tuy nhiên, sự tác động của thế giới công nghệ 4.0 có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, khiến cho một bộ phận giới trẻ có cái nhìn lệch hướng, từ đó các em thay đổi tư duy một cách tiêu cực:
1) Thay đổi về phương thức làm việc: hiện nay, giới trẻ chủ yếu làm việc bằng máy vi tính và điện thoại thông minh. Các em chỉ cần ngồi một chỗ và “bấm bàn phím” là có thể có được toàn bộ thế giới. Thời đại công nghệ kỹ thuật số đã đem lại những ứng dụng, những giá trị tích cực trong công việc, trong cuộc sống, nhưng nó cũng gây không ít tổn hại về sức khoẻ, về lối sống và đạo đức, nó chính là “con dao hai lưỡi” không thể kiểm soát.
2) Thay đổi về nếp sống và cách thức sinh hoạt: giới trẻ lười vận động, ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên, thích ở trong phòng đóng kín một mình, thích sống biệt lập, tự xây dựng cho mình một “chủ nghĩa cá nhân” đúng cách. Các em không tự giác vì việc chung, không có tính kỷ luật với bản thân, không cần biết, không cần để ý, không cần quan tâm đến mọi người xung quanh mình nói gì và nghĩ gì, các em chỉ biết mình với chiếc iphone, ipab trên tay. Thế giới của các em gần như được thu nhỏ trong phòng riêng.
3) Thay đổi về tiêu dùng thực phẩm: giới trẻ không thích dùng các thực phẩm tự nhiên mà chỉ thích dùng thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến, thực phẩm bảo quản,… do tính chất của công việc, của học tập, các em có thể sử dụng những đồ ăn nhanh, nhưng về lâu về dài các em sẽ đánh mất đi “bữa cơm gia đình”, một nét đẹp truyền thống trong Gia đạo xã hội người Việt. Không quá khi nói rằng, các em như là một tín đồ thuần khiết của shopee, các em cần gì, thích gì thì order, shipper về tận nhà, hoặc nếu không thì ra chọn nhà hàng gần nhất cho tiện.
4) Thay đổi về quan niệm sống: những cơn sóng thần của văn hoá ngoại lai tràn vào nước ta, khiến cho văn hoá truyền thống có nguy cơ bị lép vế và đang mất dần. Có thể nói, dường như giới trẻ đang quay lưng lại với giá trị văn hoá truyền thống mà cha ông ta để lại hàng nghìn năm nay. Các em sống đua đòi chạy theo với cái gọi là thị hiếu, với lối sống buông thả và thực dụng như vậy, đã khiến cho giới trẻ đang dần đánh mất bản thân. Chưa bao giờ thấy giới trẻ thể hiện cái “chất chơi”, cái độ “chịu chơi” như ngày nay, từ quần áo, giày dép, mũ nón, cho đến túi xách,… đều phải là hàng hiệu, phong cách Hàn, phong cách Nhật mới chịu. Mới đây lại xuất hiện phong cách ăn mặc theo kiểu Cổ trang như phim Trung Quốc hay những mốt quần âu, áo choàng, đội mũ phớt, đeo kính đen theo kiểu Úc. Rồi là xăm trổ hổ báo, sống bụi, sống ảo, hoặc tổ chức những buổi sinh nhật tiệc tùng, nhảy múa, ca hát; hoặc tổ chức các cuộc đua xe, đánh lộn, chửi bậy,...
Chính vì những thay đổi tư duy tiêu cực như vậy, cho nên tuổi trẻ ngày nay đang vấp phải 5 nguy cơ sau:
1) Hội chứng Einstein: chỉ cho những người thông minh nhưng lại bị “đơ”,
2) Hội chứng sóng điện từ,
3) Hội chứng phòng kín,
4) Hội chứng suy dinh dưỡng,
5) Hội chứng Asperger tức là bệnh tự kỷ.
Trước thực trạng trên, các em cần có một bàn tay đủ Từ bi và bộ óc đủ Trí tuệ để giúp các em vượt qua. Đó chính là Đạo Phật!
2.2. Phật giáo Việt Nam đã làm gì để giúp các em vượt qua?
Từ rất lâu, Phật giáo Việt Nam đã xác định rất rõ ràng và cụ thể: Đạo Phật là đạo của Tuổi trẻ . Tuổi trẻ là tương lai của thế giới, là mầm non của xã hội, là chủ nhân tương lai kế thừa sự nghiệp. Vì vậy, đào tạo thế hệ tuổi trẻ đồng nghĩa với việc đầu tư cho tương lai của Phật giáo.
Những thập niên 20, 30 của thế kỷ 20, các bậc tiền bối, mà tiêu biểu là bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã thành lập gia đình Phật tử Phổ hoá, sau này là Gia đình Phật tử Việt Nam, một tổ chức Thanh thiếu niên Phật tử, chú trọng đào tạo đạo đức, lý tưởng và kỹ năng sống cho các Phật tử trẻ để hướng đến làm những người Phật tử hữu ích cho đạo pháp và đất nước.
Ngày nay, để tạo sự phát phiển bền vững trong mối liên kết giữa Phật giáo và Tuổi trẻ, các bậc tôn túc lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất ý chí, đề xuất các quyết sách, các phương thức hành động, lên kế hoạch cụ thể và chỉ đạo Ban Hoằng pháp, Ban Hương dẫn Phật tử Trung ương, chú trọng trong việc tô bồi thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử Phật giáo dân tộc, chưa bao giờ giới trẻ lại được quan tâm đúng mức như ngày nay.
Từ Bắc chí Nam, không tỉnh thành nào, không quận huyện nào, không cơ sở tự viện nào lại không có giới trẻ sinh hoạt. Có đến 98% các chùa là nơi tu học, là sân chơi bổ ích, tổ chức các khoá tu Đạo đức mùa hè dành cho các em thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các quý thầy/cô, trong Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử ở các tỉnh, thành, cùng với các bạn tình nguyện viên, các chúng trưởng, liên kết trên các cổng thông tin điện tử, các trang Website, tổ chức các khoá tu liên tỉnh, tạo nên sân chơi Đạo đức mùa hè bổ ích cho các em tham gia, có chùa lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn em, như các khoá tu ở chùa Hoằng Pháp, chùa Giác Ngộ, chùa Phật Quang, chùa Tam Chúc, chùa Khai Nguyên,… được tổ chức thường xuyên hàng năm, hàng tháng. Đặc biệt, Ban Hướng dẫn Phật tử TWGHPGVN, hơn 10 năm trở lại đây, đã tổ chức các khoá tu mùa hè, trại hè, hội trại, trại huấn luyện, khoá bồi dưỡng giáo lý,… dành cho các em thanh thiếu niên Phật tử, học sinh, sinh viên, đoàn sinh gia đình Phật tử lớn chưa từng có ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Tại các khoá tu, các em được nghe dạy các điều đạo đức cơ bản, tụng các bài kinh ngắn về lòng hiếu thảo, sự biết ơn, về tôn trọng sự sống, sự tôn kính Phật; các em cũng được hướng dẫn ngồi thiền, lạy Phật, kinh hành, được tiếp xúc gần gũi với các vị Giảng sư nổi tiếng, các vị khách mời lỗi lạc tham gia giảng dạy,… Từ đó, các em nhận diện được cuộc sống, có thái độ đúng đắn với chính mình, được thể hiện, được phản tỉnh nội tâm, xoá đi những mặc cảm tự ti, những bế tắc, xoá đi những nối khổ niềm đau, xoá đi hàng rào ngăn cách trong cuộc sống mà các em đang vấp phải. Các em được kết nối yêu thương giữa gia đình, nhà trường và xã hội, các em được rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ứng xử,...
Mấy năm qua Ban Thanh thiếu niên Phật tử Trung ương đã xuất bản 1.000 bộ Giáo trình Phật pháp vào đời, gồm 5 tập dành cho Thanh thiếu nhi Phật tử; và tiếp tục tái bản 1.000 cuốn Cẩm nang Hội trại - Khóa tu; Hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử tại các tự viện trên phạm vi toàn quốc…
Bên cạnh đó, các quý Thầy/Cô còn hướng dẫn và cùng với các em tổ chức các chuyến đi Thiện nguyện ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi hẻo lánh nghèo đói,… các em được trực tiếp giao lưu với các đồng bào dân tộc, thấu hiểu được nỗi thống khổ của đồng bào, từ đó các em có cái nhìn đúng đắn với bản thân, với cuộc đời, các em biết yêu thương, biết chia sẻ, biết giúp đỡ, biết đón nhận và mở rộng vòng tay nhân ái, kết nối trái tim.
Tất cả những điều đó cũng đủ giúp chúng ta hiểu rằng, giữa Phật giáo và Tuổi trẻ có một mối liên kết chặt chẽ, thấm đẫm tình người, vừa thể hiện tính nhân văn cao thượng, vừa thể hiện tinh thần từ bi, bác ái, bình đẳng, vô ngã, vị tha của Đạo Phật. Phật giáo luôn đồng hành cùng Tuổi trẻ các em, nâng đỡ, dìu dắt, sẵn sàng cống hiến và phục vụ. Đó chính là trái tim của Phật!
3. Một số nghịch duyên còn tồn đọng trong Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế cần phải xem xét, suy ngẫm một cách cẩn trọng. Đó là xã hội đang ngày một biến đổi khốc liệt của sức mạnh không gian mạng, có nhiều thế lực cơ hội, phản động, đã tạo ra không ít sóng gió cho Phật giáo, làm cho Tuổi trẻ đôi khi mất niềm tin vào Đạo Phật. Con xin đưa ra một vài nét nổi cộm sau:
1) Phật giáo bị lấy ra làm du lịch: một số khu du lịch lấy Chùa ra để làm trung tâm thu hút khách hàng, dùng truyền thông để quảng bá, lợi dụng niềm tin của Phật tử để chuộc lợi, làm mất đi giá trị tôn nghiêm của Đạo Phật.
2) Văn hoá phẩm Phật giáo được rao bán khắp nơi mà không có sự quản lý: nhiều mặt hàng lấy tranh ảnh tượng Phật ra làm vật phẩm phong thuỷ hòng lừa gạt những người có niềm tin tôn giáo, nhẹ dạ cả tin.
3) Bài giảng của các quý Giảng sư bị cắt xén, trích dẫn, bình phẩm, hòng xuyên tạc bôi nhọ, làm mất hình ảnh Phật giáo.
4) Một số Nghi lễ trong Phật giáo, bị đưa lên trên các trang mạng, bị đem ra chế giễu, bêu riếu, bình phẩm, hoặc các ông thầy thống bắt chước quý sư mặc ca-sa, đối mũ liên hoa, múa may quay cuồng, bắt ấn bắt quyết, đốt vàng hoá mã, mê tín … lừa gạt sự tín tâm của gia chủ, làm hoen ố Phật giáo.
5) Hình ảnh giả Sư hiện nay vẫn lang thang khất thực, hoặc lợi dụng niềm tin của Phật tử hòng chiếm đoạt tài sản của bà con nhân dân,…
Trên đây là một vài đặc điểm nổi cộm, đang có những tác động tiêu cực đến suy nghĩ của Tuổi trẻ về Phật giáo. Chúng con rất mong Giáo hội cần có tiếng nói kịp thời, Nhà nước cần có sự quản lý và sự nghiêm minh của Pháp luật để bảo tồn và phát huy những giá trị mà Phật giáo đem lại cho dân tộc.
4. Bài học được rút ra.
Từ những nghịch duyên trên, con xin được đưa ra một số bài học cần được rút kinh nghiệm để cho Phật giáo và Tuổi trẻ có sự liên kết bền vững.
1) Gần gũi quan tâm và yêu thương giới trẻ: phải tạo sự thân thiện giữa quý Thầy với giới trẻ, để các em có cơ hội gần gũi học tập và tìm hiểu giáo lý minh triết của Đạo Phật, các em thẩm thấu được những giá trị cao quý qua lời Phật dạy, biết trân quý những gì mà các em có, tạo cơ hội để các em tiếp cận Phật giáo.
2) Về Nhân sự: sự nghiệp đào tạo Tăng tài những năm gần đây đã “cho ra lò” hàng nghìn Cử nhân đã tốt nghiệp các trường Cao Đẳng, Học viện và Cao học Phật giáo. Giáo hội đang có một đội ngũ Tăng Ni trẻ rất hùng hậu, nhiệt huyết, cống hiến hết mình vì sự nghiệp hoằng pháp. Giáo hội cần phải có kế hoạch điều chỉnh để đưa quý Thầy/Cô tham gia vào công tác Phật sự, tránh làm “bỏ rớt chất xám” . Đồng thời, thu hút các tình nguyện viên trẻ tuổi, cộng sự trong công cuộc hoằng pháp . Hơn bao giờ hết, quý Thầy/Cô và các tình nguyện viên trẻ, là những người dễ gần gũi, dễ tiếp cận với Tuổi trẻ, hiểu được tâm lý của các em và tạo cho các em có cơ hội học Phật.
3) Về Giáo lý: Cần linh hoạt uyển chuyển trong việc soạn thảo giáo lý dành cho lứa tuổi các em sao cho dễ học, dễ nhớ, dễ hiểu những vẫn đầy đủ cốt lõi của Phật giáo, như: Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Thập thiện, Tứ diệu đế, Duyên khởi, Lục độ, Bát chính đạo,...
4) Về Nghi thức tụng niệm: Các khóa lễ cần được đơn giản, tạo không khí trẻ trung vui vẻ mà không mất phần trang nghiêm, có thể xen kẽ những bản nhạc, kinh hành niệm Phật, pháp đàm hay thiền trà,… Đặc biệt, phải có sự thống nhất về khoá lễ dành cho tuổi trẻ trong toàn quốc, nhằm giúp cho giới trẻ khi tham gia khoá lễ tại các vùng miền hay các tỉnh, thành không bị xa lạ, hụt hẫng.
5) Cần có sự hợp tác của các tổ chức đoàn thể xã hội: đây là vấn đề quan trọng trong việc gắn kết giữa Phật giáo với xã hội.
Kính thưa Đại hội!
Trong giới hạn của bài tham luận này, thời gian không cho phép con triển khai chi tiết mạch lạc. Tuy nhiên, với một vài ý kiến đóng góp của con ngõ hầu được quý Ngài hoan hỷ, sớm giúp cho Tuổi trẻ với Phật giáo có được sự kết nối vững bền. Một lần nữa, con xin kính chúc quý Ngài thân tâm an lạc, kính chúc sức khỏe tới quý vị Đại biểu, quý Phật tử. Chúc Đại hội thành công viên mãn!
File đính kèm