42. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TRONG THỜI ĐẠI MỚI
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An
THAM LUAN 42 copy


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư Tôn đức giáo phẩm, Chư Tôn đức Tăng Ni!
Kính thưa Quý Đại biểu!
Hôm nay trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, thắm tình đạo vị của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Long An, chúng con kính chúc chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Tôn đức Ban Trị Sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; chư Tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu; kính chúc chư vị khách quý, quý vị đại biểu lời cầu chúc vô lượng an lạc, vô lượng cát tường. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính bạch Chư Tôn đức!
Kính thưa quý liệt vị!
Giáo hội Phật giáo Việt nam trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển cùng đất nước; từng bước củng cố, lớn mạnh về mọi mặt, luôn thể hiện tinh thần “hộ quốc an dân” và thực hiện theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Hiện nay, cả nước có 18.544 cơ sở tự viện; 54.169 Tăng Ni và hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện. Giáo hội đã thành lập 4 Học viện Phật giáo, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 35 trường Trung cấp Phật học và nhiều lớp Sơ cấp Phật học để đào tạo Tăng Ni tài đức. Về hoạt động từ thiện xã hội, Giáo hội có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân[1] và rất nhiều hoạt động phúc lợi xã hội khác. Tổ chức hành chính Giáo hội các cấp đã được tích cực số hóa, các Ban viện chuyên ngành Phật giáo cũng đã có nhiều sáng kiến để thành tựu Phật sự.
Nay hưởng ứng theo sự chỉ đạo của Hội đồng trị sự GHPGVN và Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027; nhằm góp phần phát triển Giáo hội (chỉ đề cập đến Giáo hội cấp tỉnh, thành phố và quận, huyện), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An xin trình bài tham luận “Một số đề xuất, giải pháp góp phần phát triển Giáo hội trong thời đại mới”.
1. Công tác nhân sự lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh và cấp huyện
Về công tác nhân sự lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh và cấp huyện, trước tiên cần thực hiện nghiêm túc theo Thông tư hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Giáo hội để ổn định về nhân sự lãnh đạo.
Việc chọn lựa nhân sự lãnh đạo cho Giáo hội cấp tỉnh và cấp huyện là hết sức quan trọng. Có thể nói, lãnh đạo là vị kiến trúc sư, thiết kế, phác họa kế hoạch phát triển Giáo hội. Nếu thế hệ nhân sự lãnh đạo có tài đức, có tâm, có tầm được bổ nhiệm lãnh đạo Phật giáo thì chắc chắn Giáo hội sẽ phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam hiện có hơn 54.169 Tăng Ni, trong đó nhiều chư Tôn đức Tăng Ni tốt nghiệp học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, Trung cấp Phật học... Vì vậy, khi tổ chức Đại hội Phật giáo, Ban Chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội cần quan tâm đến Chư Tôn đức Tăng Ni có tài đức, có tâm, có tầm, có tính tiêu biểu hệ phái, vùng miền và có tinh thần dấn thân phụng sự cho Đạo pháp - Dân tộc. Ngày nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng có xu hướng trẻ hóa nhân sự lãnh đạo. Giáo hội cũng nên theo xu hướng này, mạnh dạn trẻ hóa nhân sự lãnh đạo Giáo hội một cách hợp lý để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của xã hội.
Khi bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh, cấp huyện cần quan tâm chọn người có tài đức và khả năng thực thi công việc chuyên môn. Nhân sự có chuyên môn mới đủ khả năng giải quyết công việc tồn đọng, kịp thời điều chỉnh những điều bất cập, hoạch định những kế hoạch hợp lý, đúng hướng, làm nền tảng cho Giáo hội phát triển.
Để hoạt động Phật sự hiệu quả, nhân sự lãnh đạo Phật giáo không kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Nếu tập trung nhiều quyền vào vị lãnh đạo thiếu tài đức thì chắc chắn xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực và hoạt động hiệu quả không cao.
2. Nâng cao vai trò chuyên môn của vị Trụ trì
Trụ trì như vị lãnh đạo “Giáo hội thu nhỏ”, giữ một vai trò quan trọng trong việc “tiếp tăng độ chúng” và “hoằng dương Phật pháp” tại địa phương.
 Theo Điều 55, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022), quy định về tiêu chuẩn Tăng Ni được bổ nhiệm Trụ trì: (1) Tăng Ni có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; (2) Tăng Ni đã tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên; (3) Tăng Ni có đơn phát nguyện trụ trì phải là người đã thọ giới Tỳ kheo ít nhất là 5 năm hoặc có hạ lạp từ 5 năm trở lên, có đạo hạnh tốt; (4) Trụ trì phải là Tăng Ni có khả năng nhiếp chúng, hướng dẫn chúng tu tập, chăm lo đời sống sinh hoạt của chúng.[2]
Nhằm phù hợp với trình độ phát triển của xã hội, Hội đồng Trị sự GHPGVN cần quy định tiêu chuẩn Tăng Ni được bổ nhiệm trụ trì cao hơn, như phải tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam hoặc Cao đẳng Phật học... Ngoài việc, nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm trụ trì, GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm nâng cao kỹ năng chuyên môn của vị trụ trì, bằng cách hằng năm tổ chức các khóa khóa Bồi dưỡng trụ trì, hành chính Giáo hội; hoặc tổ chức các khóa ngắn hạn tập trung, hoặc trong 3 tháng An cư hoặc trực tuyến... tập huấn về các kỹ năng cần thiết để vị trụ trì có thể hoạt động Phật sự, hoằng pháp hiệu quả trong thời đại mới.
Trụ trì ngày nay không những phải am hiểu giáo lý của Đức Phật, tinh tấn tu tập mà còn phải biết thuyết giảng, tổ chức khóa tu, phát triển tín đồ, hoạt động từ thiện và nhất là phải thông thạo công nghệ thông tin để hỗ trợ hoằng pháp online, phát triển Phật giáo. Nếu những vị trụ trì đều hoạt động hiệu quả thì chắc chắn Phật giáo sẽ phát triển.
3. Quan tâm phát triển số lượng tín đồ
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019), tín đồ Phật giáo chỉ có 4.606.54 người, đứng thứ hai sau Công giáo (5.866.169 người)[3]. Đây là số liệu tham khảo, tuy nhiên các cấp Giáo hội cần quan tâm hơn về phát triển số lượng tín đồ Phật giáo.  Hiện nay, Việt Nam có đến 15 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động[4]. Các tôn giáo đang tích cực phát triển số lượng tín đồ, kể cả cải đạo tín đồ các tôn giáo khác (trong đó chủ yếu là tín đồ Phật giáo). Qua các báo cáo hằng năm của các cấp Giáo hội, số lượng tín đồ không tăng nhiều. Có nhiều tự viện hằng năm không tổ chức quy y Tam bảo, không quan tâm đến việc phát triển tín đồ Phật tử. Nhiều Tăng Ni còn tự cho rằng tín đồ Phật giáo chiếm 70, 80 % dân số của tỉnh.
Về vấn đề phát triển tín đồ, Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cần quan tâm mở nhiều khóa tu cho nhiều đối tượng, lứa tuổi. Trước đây, đa số mở những khóa tu dành cho người trung niên, lớn tuổi, tầng lớp bình dân là chủ yếu. Dù có phát triển nhưng chưa lan tỏa đến các tầng lớp xã hội. Vì vậy, ngoài việc duy trì, phát triển các khóa tu hiện tại, Giáo hội cấp tỉnh, cấp huyện cần quan tâm đến các khóa tu cho tuổi trẻ (thời gian gần đây khóa tu khóa hè, các khóa tu dành cho tuổi trẻ… mang lại hiệu quả tích cực), khóa tu cho thành phần trí thức, khóa tu cho doanh nhân…
Giảng sư và nội dung thuyết giảng là yếu tố quyết định cho sự thành công của khóa tu. Đối với Giảng sư, cần uyên thâm giáo lý, rèn luyện kỹ năng sư phạm, tuyển chọn giảng sư thuyết giảng phù hợp cho từng đối tượng. Nội dung thuyết giảng cần phải phù hợp với đối tượng, mang tính thiết thực hiện tại. Khi các khóa tu được mở thì chắc chắn sẽ phát triển được tín đồ Phật giáo. Đồng thời, Giáo hội cần khuyến khích, khen thưởng xứng đáng cho các tự viện phát triển số lượng tín đồ hàng năm. Nếu không quan tâm phát triển tín đồ có thể trong tương lai gần tín đồ Phật giáo chỉ còn là thiểu số so với các tôn giáo khác.
4. Quan tâm hoạt động Từ thiện xã hội
Từ thiện Xã hội là một trong những hoạt động quan trọng của Giáo hội các cấp, nhằm chia sẻ bớt khó khăn đối với đồng bào nghèo yếu thế; đồng thời thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật và đạo lý tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Theo báo cáo hằng năm, hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt hàng ngàn tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động từ thiện của Phật giáo phần lớn là cứu trợ đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn nhất thời, có thể nói cho “cá”  nhiều hơn cho “cần câu”.
Điều 55, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”[5]. Trên cơ sở của luật này và để hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo mang hiệu quả tích cực, bền vững lâu dài, chúng ta cần quan tâm đến các lãnh vực sau:
 4.1. Về giáo dục:
4.1.1. Thành lập Trường mầm non
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của  đất nước. Hiện nay Trường mầm non của Phật giáo trên phạm vi cả nước không nhiều. Giáo hội quan tâm, khuyến khích, động viên các tự viện có khả năng xin thành lập trường mầm non miễn phí để dạy dỗ, gieo hạt giống Phật pháp đến thế hệ thiếu nhi, con em Phật tử, góp phần giữ gìn truyền thống Phật giáo dân tộc.
4.1.2. Thành lập Trường tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông
Tùy theo điều kiện của địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể thành lập Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông để góp phần cùng với Đảng, Nhà nước đào tạo nhân tài cho đất nước.
Năm 2012, được sự cho phép của quý cơ quan chức năng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An; Giáo hội Phật giáom Việt Nam tỉnh Long An đã thành lập Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông Bồ Đề Phương Duy tại chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), chế độ nội trú, miễn phí, do Thượng tọa Thích Quảng Tâm[6] làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Trường đã đào tạo được rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, mồ côi… Trường nổi tiếng với “3 không” (không thu phí, giáo viên không nhận lương, không rớt tốt nghiệp phổ thông) và còn bảo trợ học phí cho các em đậu vào Đại học, Cao Đẳng. Nếu có thể, chúng ta nhân rộng mô hình của Trường Bồ đề Phương Duy đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
4.1.3. Thành lập quỹ học bổng tại địa phương 
Hiện nay còn nhiều học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn, Phật giáo cấp tỉnh, huyện hoặc các cơ sở tự viện nên vận động để thành lập quỹ học bổng để cấp học bổng, bảo trợ học phí để các em có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học được học tập từ tiểu học đến Đại học, hoặc sau Đại học.
4.2. Về Y tế
Cả nước có nhiều Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây Y miễn phí nhưng hiệu quả còn hạn chế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp với các tự viện mở thêm nhiều Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông, Tây y nhưng cần quan tâm đến đội ngũ quản lý, điều hành chuyên nghiệp  để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn.
Thiết nghĩ, hiện nay các bệnh viện công hay tư đều quá tải bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, nên chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm hướng đến thành lập bệnh viện Phật giáo trước để khám chữa bệnh cho chư Tôn đức và phục vụ cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn.
 4.3. Thành lập trường dạy nghề
Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan chức năng, tự viện để thành lập Trường dạy nghề miễn phí cho đồng bào nghèo. Đây là hình thức cho “cần câu” hiệu quả nhất.
4.4. Tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về từ thiện và an sinh xã hội
An sinh xã hội là việc làm quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tặng nhà tình thương, tình nghĩa, xây cầu giao thông nông thôn...
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động Phật sự.
5.1. Xây dựng cổng hành chính điện tử cho Giáo hội
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, nước ta, đang xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số, hướng đến việc chuyển đổi sổ toàn diện.
Hiện nay, Việt Nam đã sử dụng cổng dịch vụ công Quốc gia (www.dichvucong.gov.vn) nhằm kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc[7]. Các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có cổng dịch vụ công trực tuyến để kết nối, cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến cho công dân. Công dân có thể ở mọi lúc mọi nơi dùng máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động có kết nối internet sử dụng dịch vụ hữu ích trên.
Đầu năm 2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khánh thành Trung tâm điều hành điện tử (Văn phòng Trung ương GHPGVN), Văn phòng hành chính điện tử (Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN) với mục đích ứng dụng công nghệ 4.0, nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, Giáo hội cấp tỉnh và huyện cần xây dựng cổng hành chính điện tử để kết nối với Trung ương Giáo hội  trong các hoạt động Phật sự.
Cổng hành chính điện tử giúp việc quản lý Tăng Ni, tự viện hiệu quả, đồng bộ các thủ tục hành chính Giáo hội, thống nhất quy trình làm việc, xử lý công việc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và an toàn cho Tăng Ni, Phật tử.
5.2. Sử dụng nền tảng mạng xã hội để thông tin Phật sự và truyền bá chính pháp
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter... đang thu hút trên nhiều tỷ người sử dụng tích cực trên thế giới. Mạng xã hội không chỉ là công cụ giao tiếp và kết nối người dùng Internet, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay, mà còn nắm giữ nhiều “quyền lực vô hình”. Vì vậy, GHPGVN cấp tỉnh và cấp huyện không những thông tin Phật sự theo cách truyền thống (báo giấy) mà còn đưa lên các website, nền tảng các mạng xã hội để mọi người có thể nắm bắt thông tin, hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Để góp phần truyền bá chính pháp, lợi lạc quần sinh trên nền tảng các mạng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần khuyến khích Tăng Ni trang bị kiến thức về máy tính, internet, thiết bị nghe nhìn, sử dụng thành thạo các mạng xã hội để có thể thuyết giảng online, mở lớp giáo lý online, mở khóa tu online hoặc giới thiệu lời Phật dạy... để quý Phật tử, người yêu mến Đạo Phật ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể nghe, học, hiểu Phật pháp, góp phần phát triển Giáo hội.
Nhưng có điều cũng cần lưu ý là, khi sử dụng nền tảng mạng xã hội để thông tin Phật sự và truyền bá chính pháp, Tăng Ni, Phật tử phải nghiêm túc tôn trọng Luật an ninh mạng hiện hành, thực hiện tinh thần “Ẩn ác - Dương thiện”, tỉnh táo trong mọi tình huống trái chiều đối với người tu học “Giác ngộ - Giải thoát”.
Trên đây là một số đề xuất, giải pháp góp phần phát triển Giáo hội trong thời đại mới, là tham luận mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An xin trình lên Đại hội.
Kính chúc chư Tôn đức giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni an lạc thân tâm và viên thành các Phật sự.
Kính chúc chư vị khách quý và quý đại biểu: sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo cáo thành tựu của GHPGVN trong 40 năm kể từ ngày thành lập.
2. Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật tín ngưỡng tôn giáo & Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, NXB Tôn giáo, 2018.
3. Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI.
4. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022)
5. https://btgcp.gov.vn/cong-tac-cai-cach-hanh-chinh/khai-truong-he-thong-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-d0-4-cua-Ban-Ton-giao-Chinh-phu- postzmavMv47.html.
6. https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-gioi-thieu.html.
7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh sách tôn giáo Việt Nam xếp theo dân số và giới tính. 
 

1Theo báo cáo thành tựu của GHPGVN trong 40 năm kể từ ngày thành lập.
2 Điều 55, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022).
3https://vi.wikipedia.org/wiki/ Danh_sách_tôn_giáo_Việt_Nam_xếp_theo_dân_số_và_giới_tính
4https://btgcp.gov.vn/cong-tac-cai-cach-hanh-chinh/Khai_truong_He_thong_dich_vu_cong_truc_tuyen_muc_do_4_cua_Ban_Ton_giao_Chinh_phu-postzmavMv47.html
5Điều 55, Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
6Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Long An.
7https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-gioi-thieu.html.
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây