33 a. KỶ CƯƠNG - ĐOÀN KẾT - PHÁT TRIỂN - TRÁCH NHIỆM LÀ SỨC MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA CÁC CẤP GIÁO HỘI

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương
Ngày ban hành 19/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

KỶ CƯƠNG - ĐOÀN KẾT - PHÁT TRIỂN - TRÁCH NHIỆM
LÀ SỨC MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
CỦA CÁC CẤP GIÁO HỘI
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương
THAM LUAN 33A



Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính thưa Đại hội!
Trước hết, Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Hải Dương hoàn toàn nhất trí với bản Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2022 - 2027 của GHPGVN tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Tại Đại hội này, BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương xin phát biểu và làm rõ chủ đề của đại hội: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, đồng thời xin đề đạt một số ý kiến góp phần làm phong phú thêm nội dung của Đại hội.
1. Kỷ cương
Kỷ cương là giềng mối của tổ chức Giáo hội hiện hành, có kỷ cương mới có nề nếp và đưa đến ổn định của một tổ chức. Kỷ cương của Giáo hội chính là Giới luật mà Đức Phật đã chế định cho các hàng đệ tử Phật, từ xuất gia cho đến Phật tử tại gia. Từ khi thành lập Tăng đoàn, sau 13 năm Đức Phật đã chế ra Giới luật để qui định sinh hoạt của Tăng đoàn, khép mình trong Giới luật. Nhờ vậy, Tăng đoàn ngày càng phát triển.
Sau khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, đất nước ta đã xuất hiện các vị cao Tăng thực tu, thực học. Trên tinh thần khế lí, khế cơ, khế thời, khế xứ, các Ngài đã tuỳ thuận để truyền bá giáo lí Phật Đà. Từ đó Đạo Phật đã được lan toả và phát triển rộng khắp. Các sơn môn, Hệ phái Phật giáo cả nước luôn đề cao Giới luật, chế định Thanh quy để quy chuẩn nếp sống thiền gia. Nhờ đó mà đạo Phật Việt Nam đã phát triển ăn sâu vào văn hoá và tâm thức người dân đất Việt. Kế thừa các Sơn môn, Hệ phái; 09 tổ chức hệ phái Giáo hội đã lần lượt ra đời. Mỗi tổ chức đều xây dựng Hiến chương và qui định của tổ chức mình để duy trì và phát triển.
Từ năm 1981, GHPGVN được thành lập nhằm thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo. Các tổ chức hệ phái, Giáo hội thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ sinh hoạt trong lòng tổ chức. GHPGVN đã xây dựng và ban hành Hiến chương, Nội quy các ban ngành viện trực thuộc. Trong đó Ban Tăng sự đứng đầu trong 13 Ban, Viện đã căn cứ vào Giới luật, tuỳ vào bối cảnh của đất nước theo từng giai đoạn lịch sử.
Theo đó, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng được tu chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn. Phương châm hành đạo “ Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Giáo hội xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Ngoài Hiến chương, Giáo hội còn có Nội quy Tăng sự, nhằm cụ thể hoá Hiến chương, giúp cho Tăng Ni, các tổ chức hệ phái cũng như các cấp Giáo hội thi hành các công tác Phật sự của Giáo hội.
2. Trách nhiệm
Trách nhiệm là bổn phận, là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của mỗi cá nhân Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt trong lòng Giáo hội. Bởi lẽ, mỗi Tăng Ni, Phật tử là thành viên của Giáo hội, cần nâng cao ý thức về trách nhiệm của mình khi được tổ chức phân công, giao nhiệm vụ, chúng ta luôn cống hiến hết mình. Trách nhiệm của Phật tử là hộ trì Tam bảo, thực hiện phương châm sống tốt đời đẹp đạo. Trách của Tăng Ni trụ trì là thành viên của Giáo hội, phải có bổn phận nghĩa vụ thay mặt Giáo hội, quản lý điều hành Phật sự tại các cơ sở tự viện và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức Giáo hội và xã hội.
Trách nhiệm của các Ban Trị sự; thực hiện Hiến Chương, nội quy Tăng sự, quy chế hoạt động của các Ban trị sự, ngoài ra thực hiện Luật tín ngưỡng tôn giáo trong quá trình điều hành bộ máy lãnh đạo trên tinh thần thống nhất ý chí, hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo.
3. Đoàn kết
Đoàn kết là sức mạnh trí tuệ của tập thể. Đoàn kết từ mỗi thành viên Tăng Ni đến Phật tử trên tinh thần lục hoà cộng trụ, như đoàn kết trong hội họp, đoàn kết trong sinh hoạt tu học, đoàn kết giữa tổ chức với cá nhân, đoàn kết giữa Tăng Ni với chính quyền, đoàn kết giữa Tăng Ni, Phật tử và Nhân dân; đoàn kết giữa Tăng Ni với Tăng Ni; đoàn kết giữa Phật giáo với các tôn giáo bạn…
Chư Tăng là Bản thể thanh tịnh, hoà hợp chúng, chính pháp nương tựa vào bản thể hoà hợp cửu trụ mãi ở đời theo đúng ý nghĩa của Tăng mà Đức Phật đã tán dương “Đức Tăng như Hải”. Đoàn kết với các tổ chức xã hội, là cốt lõi của sự thành công, do đó bất cứ tổ chức nào muốn thành công cũng cần có chất liệu đoàn kết. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
4. Phát triển
Từ Kỷ cương đến Trách nhiệm, đến Đoàn kết là nền tảng cho sự phát triển của mọi tổ chức, trong đó có tổ chức Phật giáo. Phát triển Phật giáo, trước hết là phát triển Tăng sự. Tăng sự là đầu não của Giáo hội, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt 13 Ban, Viện của các cấp Giáo hội, từ con người đến tổ chức hành chính, các mối quan hệ của tổ chức Giáo hội với Nhà nước. Phát triển chính là thước đo về tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết của các nhà lãnh đạo, đúc kết rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Phát triển nhưng cần phải đảm bảo được các yêu cầu lành mạnh, phát triển bền vững và gắn với chất lượng. Nhìn lại 5 năm của nhiệm kỳ, Phật giáo các cấp đều có nhiều khởi sắc, cụ thể như:
- Công tác tổ chức luôn được củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ; phù hợp đối với các thành viên, đúng người đúng việc, luôn tạo ra sự đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
- Công tác nhập tu, thuyên chuyển, bổ nhiệm, đảm bảo các quy định của tổ chức và luật pháp hiện hành. Công tác giáo dục Phật giáo không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều Tăng Ni tham gia vào các hệ thống Giáo dục Phật giáo từ Trung cấp đến Học viện, học lên Thạc sĩ và hệ đào tạo Giảng sư luôn được Giáo hội quan tâm nhằm tạo nguồn nhân lực kế cận cho Giáo hội tỉnh.
- Công tác An cư kết hạ hàng năm được duy trì và phát triển, chất lượng tu học đảm bảo tốt, nhằm bồi dưỡng kiến thức Phật học, Thế học cho Tăng Ni, góp phần trưởng dưỡng đạo tâm, đạo lực, trang nghiêm ngôi Tam bảo.
- Công tác Hoằng pháp cũng được xem là mũi nhọn, đã được Tăng Ni trụ trì, gắn nhiệm vụ trụ trì cũng chính là Hoằng Pháp viên với sứ mệnh cao cả  “Hoằng Pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp”. Nhiều chùa đã tổ chức tốt các khoá tu, thông qua mô hình Hoằng Pháp, thu hút đông đảo quần chúng Phật tử và những người có cảm tình với Phật giáo, trở về tham gia tu học đã đi vào nề nếp và đạt kết quả.
- Công tác Nghi lễ và hướng dẫn Phật tử luôn được gắn với nề nếp sinh hoạt của Phật tử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng Phật tử, nhân dân. Thông qua các nghi lễ cầu an, cầu siêu, và các ngày đại lễ từ các cơ sở tự viện, cho đến các Ban Trị sự, đã được Giáo hội triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp.
Chủ đề của kỳ Đại hội: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Đây là nội dung chính của Giáo hội trong nhiệm kỳ IX xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Chủ đề này cần được triển khai một cách đồng bộ đến các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử để thực hiện một cách hữu hiệu. Từng bước khẳng định sự phát triển bền vững của Giáo hội trong nhiệm kỳ IX và các nhiệm kỳ tiếp theo, đáp ứng và thích nghi với nhu cầu của thời đại. Nhân dịp này, thay mặt BTS và Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tỉnh Hải Dương, con xin có ý kiến đệ đạt lên Đại hội:
1) Giáo hội cần tiếp tục đề cao kỷ cương, công tác Tăng sự của các cấp Giáo hội. Thường xuyên tổ chức các Hội nghị, các đợt tập huấn để Tăng Ni nhận thức vai trò lãnh đạo điều hành cấp của mình.
2) Tăng cường tinh thần đoàn kết, hoà hợp chúng, đề cao Giới luật, Thanh quy, nhằm khuyến tấn Tăng Ni tu học để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
3) Cần phân công, phân nhiệm đến các thành viên, đồng thời giám sát các hoạt động Phật sự trong việc thực thi Nghị quyết và Chương trình hoạt động Phật sự hàng năm của các cấp Giáo hội.
4) Công tác động viên khen thưởng kịp thời đối với Tăng Ni hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phật sự, nhiệm vụ xã hội. Đồng thời, cũng phải nghiêm khắc xử lý kỷ luật Tăng Ni vi phạm Giới luật và Pháp luật Nhà nước làm ảnh hưởng đến thanh danh Giáo hội và hình ảnh của Tăng đoàn.
5) Phật giáo toàn quốc nói chung, Phật giáo các tỉnh thành nói riêng và Tăng Ni, Phật tử cần tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Thực hiện hữu hiệu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX và cụ thể hoá các chương trình hoạt động hàng quý, hàng năm của các cấp Giáo hội .
6) Sau khi Đại hội Phật giáo toàn quốc thành công, trên tinh thần kế thừa, phát triển, Hội đồng Trị sự hướng dẫn GHPGVN các cấp và Tăng Ni, Phật tử thực hiện đúng Hiến chương Giáo hội, chấp hành tốt các quy định của Pháp luật về hoạt động tôn giáo; thực hiện tốt khẩu hiệu mà đại hội đề ra: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. 
Cuối cùng, một lần nữa, kính chúc chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị lãnh đạo cùng toàn thể đại biểu mạnh khỏe, an lạc, thành đạt. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây