30. THỰC TRẠNG TĂNG NI TRẺ TRONG SỨ MẠNG HOẰNG PHÁP THỜI ĐẠI 4.0

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp
Ngày ban hành 19/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

THỰC TRẠNG TĂNG NI TRẺ
TRONG SỨ MẠNG HOẰNG PHÁP THỜI ĐẠI 4.0
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp
THAM LUAN 30 copy

 
Kính thưa Đại hội! 
Hiện tại chúng ta đã và đang sống trong sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật số và cũng được gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Những yếu tố cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).[i] Phải thừa nhận rằng hầu hết Tăng Ni trẻ hiện nay đều sở hữu ít nhất một điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính có kết nối mạng, hoặc vô số phương tiện kỹ thuật số thông minh khác. Những tiện ích kỹ thuật số hiện đại này như một con dao hai lưỡi, nó không chỉ mang lại những mặt tích cực cho chúng ta khi sử dụng, mà còn đưa đến những hậu quả tiêu cực mà Tăng Ni trẻ thường bị vấp phải. Trước nhất, về mặt tích cực, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, chính nhờ những phương tiện kỹ thuật số hiện đại, , những hoạt động Phật giáo tại các trường Phật học các cấp, các công trình nghiên cứu Phật pháp, những lớp giáo lý dành cho Phật tử, sự trao đổi, chia xẻ kiến thức, tài liệu quý hiếm, chia xẻ kinh nghiệm trong công tác Phật sự, … không bị gián đoạn nhờ tiếp cận những ứng dụng trực tuyến như Zoom, Zalo, Viber, Facebook, Messenger, Google, Gmail,…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó mạng xã hội cũng đưa đến rất nhiều tệ hại nếu Tăng Ni trẻ lạm dụng mạng xã hội cho những mục đích phi Phật pháp như HT. Thích Bảo Nghiêm đã nhận định: “Sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát, thiếu tinh thần tỉnh giác thì nơi đó sẽ là mảnh đất sinh ra bản năng thấp hèn của con người được kích hoạt. Người ta có thể nói ra bất cứ điều bậy bạ nào họ suy nghĩ mà không sợ bị phê phán; người ta có thể chửi mắng bất cứ ai họ ghét mà không sợ bị vạch mặt chỉ tên… bởi vì họ giấu con người thật của mình đằng sau những nick name và những hình ảnh không phải là ảnh thật của họ…”[ii]  tất cả những tệ nạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của Tăng Ni trẻ. Họ thường xuyên bị mệt mỏi, giải đãi trong hành trì, coi thường giới luật, không am tường Kinh điển, xa lánh các thiện hữu tri thức, các bậc Trưởng lão… và cuối cùng chắc chắn Giáo hội sẽ phải đối diện với những thảm họa không lường được trong tương lai do chính những thành phần thiếu ý thức này gây ra. Trong kinh Phật Thuyết Pháp Diệt Tận, Đức Phật đã chỉ ra những nguyên nhân đưa đến giáo pháp của Đức Phật bị diệt tận như sau: “Các Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni xúm nhau sống không đạo đức, dâm dục thác loạn, nam nữ không còn riêng biệt. Đạo pháp mà ngày càng suy tàn đều do những người này. Còn có những kẻ chạy trốn luật pháp nên nương gá trong đạo của Ta, xin làm sa môn mà không giữ gìn giới luật. Giữa tháng, cuối tháng có tụng giới nhưng chỉ có cái danh, do phóng túng mà nhàm chán, biếng nhác, không muốn lắng nghe. Đọc kinh thì bỏ bớt trước sau, giảng pháp thì không nói hết ý. Thường không thích tụng đọc kinh điển, giả như có đọc cũng không biết pháp nghĩa, ai hỏi thì gắng gượng nói phải, cũng không học hỏi để hiểu nghĩa rõ ràng. Ôm lòng kiêu mạn, ham muốn danh tiếng, giả dối biểu hiện đời sống thanh cao để mong cầu người ta cúng dường[iii]. Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ Tăng Ni trẻ ý thức, tự chủ khi tiếp cận với những tiện ích thông minh, thì chắc chắn Phật pháp sẽ tiếp tục phát triển và trường tồn như trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, khi sắp Niết bàn, Đức Thế Tôn dạy Subhaddā rằng: “chừng nào chư Tỷ khiêu đệ tử của Như Lai, có đức tin đầy đủ, biết thực hành đúng đắn giáo pháp của Như Lai thì chừng ấy trong thế gian sẽ không mất quả vị A-la-hán!... Ví như đống lửa tàn sau khi hết nhiên liệu. Củi, lá, rác được bỏ thêm vào được ví là những giới đức, phẩm hạnh, sự tinh cần tu tập của tứ chúng. Và như thế thì dẫu giáo pháp năm ngàn năm bị tiêu hoại, nhưng nếu tứ chúng thực hành chính pháp một cách nghiêm túc, có hiệu quả thì quả vị A-la-hán sẽ còn tồn tại lâu dài![iv]­. Trước những thuận lợi và thử thách của thời đại công nghệ 4.0 đã trình bày trên đây, Tăng Ni trẻ cần phải làm những gì?
1. Tăng Ni trẻ phải tinh tấn trao dồi, tinh chuyên Kinh - Luật - Luận. Trong thời đại hiện nay, Tăng Ni trẻ phải biết thiện xảo trong việc áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, để luôn cảm thấy an vui tu tập, thích ứng với thanh quy thiền môn, sống thiểu dục tri túc, chế ngự lục căn, thúc liễm oai nghi. Phải tự trang bị cho mình những kiến thức Phật học nhất định, hạ thủ công phu Văn - Tư - tu (Kinh - Luật - Luận) ngay từ khi còn ở ghế giảng đường của các trường Phật học, để có khả năng nhận diện và chuyển hóa khổ đau cho chính mình và những người xung quanh. Mỗi tu sĩ trẻ phải là những tấm gương sống có lý tưởng, có chuẩn mực và có đạo đức, là những pháp khí hữu dụng trong Tăng đoàn và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho Phật tử, xứng đáng là những “sứ giả Như Lai” trong xã hội hiện đại.
2. Tăng Ni trẻ cần chủ động tiếp cận, phát huy tính hữu dụng của những tiện ích thông minh, thông qua phương tiện mạng xã hội, chuyển tải lời Phật dạy đến với Phật tử, giúp Phật tử thấm nhuần tư tưởng, triết lý sống của Đạo Phật, thay vì chia sẻ những danh ngôn về nghệ thuật sống chỉ nhằm thỏa mãn những cái tôi, những an vui hạnh phúc tầm thường. Tăng Ni trẻ nên dành thời gian tham gia chia sẻ kinh nghiệm tu tập, giải đáp thắc mắc liên quan đến Phật pháp thông qua các kênh pháp thoại trực tuyến với người dân. Hãy là những cố vấn tâm linh uy tín, giúp người dân vùng xâu vùng xa “xóa mù” kiến thức Phật pháp, hiểu được rằng Đạo Phật rất khoa học và Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Giúp Phật tử cải thiện đời sống tâm linh, như đi chùa lễ Phật với tâm chánh tín, tôn kính, phụng sự hộ trì Tam bảo thay cho niềm tin mê tính, dị đoan. Giúp người dân cảm nhận được giáo lý của Đức Phật có khả năng giúp con người vượt qua khổ đau (như trong đại nạn Covid-19 vừa qua), sống đời sống an lạc và hạnh phúc trong hiện tại và nhiều kiếp về sau.
3. Vì phụng sự chúng sanh là báo Phật ân đức, Tăng Ni thế hệ trẻ nên ý thức rằng công tác Phật sự có tính chất cộng đồng như làm từ thiện, bảo vệ môi trường xanh, phòng chống dịch bệnh (như đại nạn Covid-19 vừa qua)… là trách nhiệm, là sứ mệnh của thế hệ tu sĩ trẻ đối với Đạo pháp và Dân tộc, phải tận dụng sức trẻ để dấn thân phụng sự. Khi tham gia những công tác cộng đồng này, Tăng Ni phải luôn ghi nhớ và áp dụng Tứ Nhiếp Pháp (Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành và Đồng Sự), phải xem đây chính là cơ hội chúng ta có thể đem sở học và sở tu của mình để cảm hóa người dân đến với Đạo Phật một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Chính những hoạt động này đã kết hợp một cách khéo léo nhân lực, tài lực của mọi thành phần trong xã hội, khiến cho mọi người phát tâm Bồ đề, nhận lãnh trách nhiệm hộ trì Phật pháp và thành tựu những việc làm tốt đời đẹp đạo.
4. Yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và duy trì Tăng đoàn vững mạnh, nên Tăng Ni thế hệ trẻ phải tích cực tham gia các khoa tu mùa hè, các lớp giáo lý cơ bản dành cho các em học sinh, sinh viên. Thành lập ngày càng nhiều gia đình Phật tử, những đạo tràng có chương trình sinh hoạt thích hợp với từng lứa tuổi của các em thanh thiếu niên, có thời khóa thích hợp với vùng miền địa phương, thuyết phục các bậc phụ huynh gửi con em đến chùa sinh hoạt hàng tuần. Thiền Sư Nhất Hạnh có dạy rằng: “Nếu Thầy an lạc, hạnh phúc, thì Thế giới an lạc, hạnh phúc (Happy Teachers, Happy World)”, nếu ngay từ nhỏ tâm các em được nuôi dưỡng bởi chư Tăng Ni nghiêm trì giới luật, tinh thông Kinh điển, thì chắc chắn khi trưởng thành các em sẽ là những con người có đạo đức, tâm tràn đầy yêu thương nhân loại và môi trường, biết sợ nhân quả, sống hướng thiện… Nếu trở thành tu sĩ, các em sẽ là những hạt giống bồ đề rất đáng quý trong Tăng đoàn,  nếu không là tu sĩ các em sẽ trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân sống và làm việc với tinh thần vô ngã, vị tha, từ bi, bác ái. Trong tương lai các em sẽ kiến tạo một xã hội trong đó con người sống hòa hợp với nhau, ghét chiến tranh, yêu hòa bình, thật sự an lạc và hạnh phúc.
Để hoàn thành được những tiêu chí đã nêu trên, Tăng Ni trẻ cần được quan tâm, hỗ trợ, động viên và đồng hành của Giáo hội, trụ trì các Tự viện. Với vai trò của vị Đạo Sư dẫn đường, BTS các cấp cũng như Trụ trì các Tự viện nên mạnh dạn trao trách nhiệm và cơ hội giúp Tăng Ni trẻ phát huy vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với Đạo Pháp và Dân Tộc. Nếu những Tăng Ni trẻ có tài và có tâm được dấn thân phụng sự dưới sự hướng dẫn, điều phối thích hợp của Giáo hội, thì chắc chắn rằng ngày càng nhiều đạo tràng tu tập thanh tịnh, hòa hợp được ra đời khắp mọi miền của đất nước. Khi đó chúng ta  hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ngọn đèn chính pháp của Đức Thế Tôn sẽ sáng mãi trên thế gian này.
Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa Đại hội!
Trên đây là những ý kiến của BTS PGVN tỉnh Đồng Tháp, hy vọng có thể góp phần cho sự thành công Ðại hội Ðại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028) tại thủ đô Hà Nội. Kính chúc Ðại hội thành công tốt đẹp! Xin cám ơn quý Đại biểu đã lắng nghe!

Tài liệu tham khảo

i “Phật giáo vượt qua thách thức của cuộc cách mạng 4.0” – 13/05/2019 – Tình Lê.
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/vesak-2019-phat-giao-khoi-day-tinh-than-dan-toc-vuot-qua-thach-thuc-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-531203.html
ii HT. Thích Bảo Nghiêm phát biểu tham luận tại Hội nghị Tăng sự Phật giáo toàn quốc năm 2020, https://chuabang.com/news.php?id=3622.
iii TK Thích Nhuận Châu (dịch), Kinh Tạp A-Hàm, bài kinh 640. Pháp diệt tận tướng - https://thuvienhoasen.org/a12148/duc-phat-thuyet-kinh-phap-diet-tan
iv HT Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo), Mi Tiên Vấn Đáp (Milinda Panha), Câu Hỏi 96, ấn bản 2003.
 

 
 
 

 
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây