xv
ĐỀ DẪN
“Lãnh đạo chính niệm và hòa bình” là tuyển tập các bài nghiên cứu trong một diễn đàn thuộc hội thảo quốc tế do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhân dịp đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Việt Nam, ngày 12-14/05/2019. Tác phẩm gồm 2 phần: (i) Chánh niệm và trị liệu và (ii) Thuật trị nước và hòa bình bền vững.
Qua bài nghiên cứu “Cách tiếp cận chánh niệm và sự lãnh đạo có chánh niệm” của TT. Thích Minh Thành khái quát về bản chất và giá trị của sự thực tập chính niệm. Ghi nhận tiến trình thế tục hóa chánh niệm trong các trường học ở phương Tây, tác giả cho rằng là cầu nối tinh tế với sự lãnh đạo, theo đó, quyền lực đích thực cần được dẫn dắt bởi chánh niệm nhằm góp phần mang lại các xã hội bền vững và hòa bình thế giới.
NS. Huệ Liên giới thiệu khái niệm, nội dung và cách của thiền Phật giáo theo văn học Pali. Giá trị của thiền Phật giáo có thể mang lại sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc và sức khỏe tâm trí. Theo đó, tác giả kêu gọi mọi người chăm sóc hạnh phúc bằng cách thực tập thiền mỗi ngày để vượt qua căng thẳng, bất an, giận dữ, hận thù để sống an lạc ở mọi nơi và mọi lúc.
TS. Thích Quảng Hợp giới thiệu “Tư duy chánh niệm Phật giáo trong thế giới hiện đại” nhằm tìm ra phương pháp tĩnh tâm hướng đến hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội bền vững. Ngoài việc phân tích kỹ năng thực tập chánh niệm trong các kinh Pali, tác giả giới thiệu các lợi ích của chánh niệm trong cuộc sống, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng đạt được chánh niệm nhằm giải phóng các trạng thái lo lắng, căng thẳng, bất an, trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây.
“Chánh niệm vì hòa bình” của giảng viên Hà Minh Hồng giới thiệu kỹ năng thực tập chú tâm, tỉnh giác làm chủ các giác quan trong các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, thức, ngủ… nhằm đạt được sự yên bình trong mỗi người, gia đình và xã hội. Chánh niệm vị hòa bình được tác giả đề nghị nhằm kêu gọi các
xvi
LÃNH ĐẠO CHÍNH NIỆM VÀ HÒA BÌNH

đàm phán, thương lượng, đình chiến và ký kết hiệp định hòa bình nhằm tiến đến sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, hòa hiếu và hợp tác phát triển đất nước.
TS. Thích Nữ Tịnh Vân khẳng định “Lãnh đạo bằng chánh niệm giúp nhà nhà an vui”, vốn là một trong những thực tập quan trọng mà các thành phần lãnh đạo không nên bỏ qua. Đặt sự trải nghiệm trên dấu mốc hiện tại, sự vật hiện tiền, không gian tại đây và thời gian bây giờ, nhà lãnh đạo có được an vui, nhờ đó tương tác một cách tích cực với mọi người xung quanh, góp phần thay đổi xã hội và xây dựng hòa bình trên thế giới.
Giảng viên Châu Văn Ninh và ĐĐ. Thích Minh Mẫn khẳng định rằng “Chánh niệm là tư tưởng trung tâm trong việc xây dựng con người”, theo đó đề xướng lối sống hòa hợp, tương tác, vượt qua xung đột, hóa giải hận thù, từ bỏ thái độ loại trừ, độc tôn, chấp nhận quy luật cộng sinh và đồng hành. Thực tập chánh niệm giúp ta làm chủ thân thể, cảm xúc, tâm và các pháp, nhờ đó, sống an lạc và hạnh phúc.
SC. Giác Hạnh Tâm qua nghiên cứu “Chánh niệm tạo thành công”, bắt đầu từ kỷ năng chánh niệm trong hành vi cho đến chánh niệm trong lập nghiệp và sinh hoạt. Tác giả nhấn mạnh chánh niệm trong tư duy, chánh niệm trong giáo dục, chánh niệm về thời gian nhằm trải nghiệm an lạc bây giờ và tại đây.
GS. Phan Thị Mai Hương và SC. Thích Nữ Minh Hoa chứng minh “Mối liên hệ giữa chánh niệm và cảm nhận hạnh phúc của Tăng Ni” bằng các phương pháp thực nghiệm và phỏng vấn. Tác giả sử dụng thang trải nghiệm chánh niệm, thang hạnh phúc, phân tích nhân tố, tương quan và hồi quy nhằm làm nổi bật các tác động tích cực đến cảm nhận hạnh phúc của người tu thiền nói chung và Tăng Ni tại Học viện Phật giáo Việt Nam nói riêng.
TS. Lưu Quý Khương và Nguyễn Thiện Chân kêu gọi áp dụng “Kim Cang năng đoạn phiền não cho tâm an, thế giới an” trong cuộc sống. Tác giả đề nghị giới lãnh đạo phải là những người trải nghiệm thiền, mang an lạc cho mình, góp phần cải thiện xã hội. Nỗ lực hàng phục tâm, an trụ tâm và bất ưng trụ tâm để đạt được tâm an vốn là phương pháp quán chiếu bằng chánh niệm trong cuộc sống. Biết vọng không theo, đối cảnh vô tâm, không kẹt hai bên và sống với cái thật là các kỹ năng thiền có khả năng giải phóng khổ đau.
Trong bài tham luận với đề tài “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, tác giả bài viết đã đặt ra vấn đề rất thực tế rằng, ngày nay xã hội đã phát triển, tiến bộ về mọi mặt, đời sống con người được nâng cao, thế giới ngày càng văn minh, tuy nhiên song song với sự phát triển đó là việc nảy sinh những mặt trái của xã hội. Trước sự thay đổi lớn như vậy, giáo lý Phật giáo cần phải tiếp cận và giải quyết những thách thức của nhân loại trong xã hội đương đại ra sao? Bài tham luận đã đề cập đến cách tiếp cận của Phật giáo qua góc nhìn về những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, làm rõ mục tiêu và cách tiếp cận của Phật giáo, những điều Phật giáo hướng đến, và số cách tiếp cận của Phật giáo… Bằng tinh thần nhập thế của Phật giáo qua giáo lý Bát chính đạo trong Tứ diệu đế và giáo lý Duyên khởi, nhất định nhân loại sẽ có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc bền vững.
Đặt trọng tâm vào ba nội dung chính của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 “Phật giáo trong vai trò chủ đạo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu”, HT. Thích Huệ Thông phân tích vai trò đạo sư của Đức Phật, đồng thời đề xuất vai trò lãnh đạo Phật giáo trong việc kiến tạo xã hội bền vững nhằm góp phần giải quyết, khắc phục khủng hoảng các hình thái bất bình đẳng, mâu thuẫn, hận thù, bạo lực, chiến tranh, thiên tai, nghèo đói và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tác giả kêu gọi thành lập mạng lưới Phật sự toàn cầu nhằm thể hiện vai trò Phật giáo, chia sẻ các trách nhiệm vì xã hội bền vững.
Đề tài tham luận “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo và giá trị vô cùng to lớn của sự lãnh đạo bằng chánh niệm theo quan niệm nhà Phật, để xây dựng một thế giới hòa bình bền vững. Không riêng gì người theo đạo Phật, chánh niệm là một phương cách sống tỉnh thức mà tất cả mọi người ai cũng thiết lập và sống với chánh niệm tỉnh thức. Đây là một phương thức sống của khoa học và của xã hội loài người văn minh phát triển. Sự lãnh đạo bằng chánh niệm chính là xây dựng một ý thức hệ tỉnh thức để nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng, các vấn đề một cách khách quan và trung thực. Khi thấy rõ được mọi vấn đề thì người lãnh đạo sẽ đưa ra những phương thức giải quyết một cách tốt đẹp nhất. Đây chính là giá trị đích thực của chánh niệm trong đạo Phật.
GS. Hà Văn Minh với nghiên cứu “Thập vương pháp”, làm nổi bật
xviii
LÃNH ĐẠO CHÍNH NIỆM VÀ HÒA BÌNH

giá trị đạo đức cốt lõi của tư tưởng và phương pháp chính trị theo tinh thần Phật giáo, được gọi là “Phật trị”, xây dựng trên các nguyên lý nhân bản, chính trị theo mô hình Phật giáo, đề cao chủ nghĩa pháp quyền, trí tuệ đạo đức và truyền bá chân lý, phát triển tâm khoan dung, liêm chính, dân chủ, khai phóng và kiến tạo.
SC. Thích Nữ Tuệ An phân tích “Kỹ năng của người lãnh đạo theo kinh Bổn Sinh” nhằm hướng đến việc kiến tạo đất nước hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Nhà lãnh đạo phải sáng suốt, giải quyết các vấn đề theo tinh thần sự thật, sử dụng nhân tài phù hợp nhân lực, bảo hộ đất nước và nhân dân để mọi thành phần xã hội đạt được sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và phát triển.
TT. Thích Viên Trí với nghiên cứu “Tính ứng biến của Phật giáo trước những đổi thay của xã hội”, phân tích nhu cầu tiếp biến văn hóa Phật giáo, nhằm đạt được các mục đích và sứ mệnh cao quý, phác họa các thách thức, sống còn đối với Phật giáo, tác giả đề cao việc duy trì bản sắc Phật giáo trong các bối cảnh lịch sử, theo đó Phật giáo trở nên sống động, góp phần phát triển đất nước và phụng sự nhân sinh.
TT. Thích Thiện Hương phân tích “Ý tưởng về hòa bình qua lời Phật dạy”, giới thiệu các kỹ năng phát triển tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, nhờ đó xóa bỏ hận thù, hòa giải dân tộc, phát triển hòa bình để quả đất này trở thành nơi đáng sống hơn.
TS. Vũ Minh Kiên và ThS. Vũ Thúy Hằng giới thiệu “Minh triết khuyến thiện trừ ác” qua hình ảnh hai vị Hộ pháp trong các ngôi chùa tại Việt Nam. Không chỉ là biểu tượng hòa bình của Phật giáo, nghiên cứu này nhấn mạnh kỹ năng quản trị đất nước gồm văn trị và võ trị trên nền tảng khuyến thiện và trừ ác. Đóng góp của tác giả làm nhân cách hóa hai khái niệm trên qua lịch sử vệ quốc và phát triển đất nước của một số minh quân trong lịch sử Việt Nam.
GS. Trần Hồng Liên giới thiệu “Tính bình đẳng trong Phật giáo”, nếu phát huy đúng hướng sẽ góp phần phát triển nhân loại toàn cầu. Tác giả chứng minh rằng thuyết bình đẳng trong Phật giáo là mục tiêu hóa giải các xung đột, chiến tranh, hận thù và khổ đau, nhờ đó mang lại sự hòa bình cho thế giới.
TS. Nguyễn Văn Tuân và TS. Đỗ Thị Hiện khái quát về “Bình đẳng giới của Phật giáo Việt Nam”, nhằm giải phóng thân phận hèn kém, yếu thế của người nữ. Không chỉ là xu thế của thời đại, thuyết
bình đẳng giới của Phật giáo góp phần thay đổi gia đình, cải thiện xã hội, phát triển thế giới, vượt qua các bạo lực giới tính, theo đó không phụ nữ nào được phân biệt đối xử, đồng thời cam kết bảo vệ người nữ được quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, giáo dục và y tế v.v…
“Tinh thần bình đẳng của đạo Phật” của SC. Nhuận Bình nhấn mạnh giá trị cốt lõi của bình đẳng là nhằm giúp cuộc sống hạnh phúc. Không chỉ đạt được các quyền bình đẳng được luật pháp tôn trọng, tinh thần bình đẳng của đạo Phật còn góp phần bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái.
TS. Nguyễn Hữu Sơn nghiên cứu “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm” trong văn hóa văn học Phật giáo Việt Nam gắn liền các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến cuối thế kỷ XX. Theo tác giả, các nhà lãnh đạo cần nhận thức được các hiểm họa của tư dục và cái ác, tôn trọng luật nhân quả, hướng về điều thiện cao quý nhằm tìm ra nguồn chân lý, giúp mọi người đạt được sự tự do và giải thoát.
Đức Phật từng dạy “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, do đó sự năng động và uyển chuyển của Phật giáo Việt Nam cũng chính là “tùy duyên mà bất biến”, “bất biến mà tùy duyên”. Thuộc tính của Phật giáo là duyên khởi tính, vì thế Phật giáo cũng năng động linh hoạt trong quá trình hội nhập trên mọi phương diện. Bài tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ những biến đổi của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, qua việc du nhập Phật giáo từ các quốc gia khác, qua việc hội nhập nền kinh tế thị trường, …. tuy nhiên “Phật giáo Việt Nam trong quá trình tiếp biến và hội nhập” vẫn giữ sắc thái riêng của Phật giáo, của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang những tính chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại.
Bài tham luận với đề tài “Văn hóa dung hợp với cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu hiện nay” đề cập đến một trong những đặc trưng của văn hóa Phật giáo đó là “Dung hợp và tiếp biến”, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa tinh thần tôn giáo Phật - Đạo
- Nho, chủ trương dung hòa Tam Giáo lấy Phật giáo làm trung tâm qua việc phân tích về văn hóa dung hợp; sự dung hợp, giao thoa tư tưởng Phật giáo và Nho giáo. Thông qua những bài học có giá trị thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, văn hóa từ bi dung hợp là một trong những nét đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam nói
xx LÃNH ĐẠO CHÍNH NIỆM VÀ HÒA BÌNH
chung, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và rất cần thiết trong thời đại công nghệ hiện nay.
Các bài nghiên cứu trong tuyển tập này dù không phải là tác phẩm toàn diện về sự lãnh đạo chính niệm vì hòa bình thế giới nhưng đã góp phần giới thiệu khái quát về kỹ năng, cách thực tập và các giá trị do thực tập chính niệm mang lại trong cuộc sống, góp phần đem lại sự an vui và hạnh phúc cho con người.
Mùa Phật đản LHQ 2019
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Phó Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2019
Tổng điều phối Hội thảo