103
KIM CANG NĂNG ĐOẠN
PHIỀN NÃO CHO TÂM AN, THẾ GIỚI AN
Lưu Quý Khương* Nguyễn Thiện Chân**
MỞ ĐẦU
Thế giới ngày nay đang chứng kiến nhiều bất ổn như nạn khủng bố, sự bắt nạt và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tra- nh chấp của các nước lớn đối với các nước nhỏ, xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc… Trong đó, căng thẳng nhất là tình hình chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới. Ngày 2/2/2019, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 19871 dọn đường cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Thế giới đang đứng trước nguy cơ hủy diệt chỉ trong một tích tắc. Đứng trên cương vị là những nhà lãnh đạo, nếu tâm bất ổn và để ngọn lửa tham, sân, si thiêu đốt thì chính ngọn lửa đó sẽ thiêu trụi cả thế giới. Vậy làm thế nào để có được sự lãnh đạo sáng suốt khi nắm giữ vận mệnh của hàng triệu sinh mạng? Đối với từng người dân, làm sao để có thể an nhiên, tự tại trong đời sống hiện nay và tâm thức của mỗi người có ảnh hưởng đến hòa bình thế giới hay không?
*. PGS.TS., Trưởng khoa Khoa Quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
**. Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
1. U.S. Mission to International Organizations in Geneva, https://geneva.usmission. gov/2019/02/04/u-s-intent-to-withdraw-from-the-inf-treaty-february-2-2019/
NỘI DUNG
- TÍNH KHẾ HỢP CỦA KINH PHẬT VÀ 9OI61 TƯỢNG ĐÊN CỦA BÀI THAM LUẬN
Kinh là những lời giảng dạy của đức Phật và luôn đảm bảo hai phần: khế lý và khế cơ. Khế lý là hợp với chân lý, khế cơ là hợp với căn cơ của người. [3, tr.14] Vì vậy, việc áp dụng là tùy vào sự tỏ ngộ của từng người. Chúng tôi tạm phân thành hai khả năng có thể xảy ra: một là tùy duyên giảng kinh, người nghe chợt ngộ và phát tâm cầu đạo. Trường hợp thứ hai là người đã tự phát tâm và quyết đi tìm lẽ thật. Vì vậy, những điều trình bày sau đây sẽ không giới hạn đối tượng người đọc, người nghe. Đôi khi trong một khoảnh khắc, có người chợt nhận ra được một lẽ thật mà trước đây chưa từng nghĩ tới. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thí dụ, có đoạn: “Như Lai có vô lượng tạng pháp Trí tuệ, Lực, Vô sở úy, có thể ban pháp Đại thừa cho tất cả chúng sanh, chỉ vì chúng sanh không thọ được hết. Vì nhơn duyên đó nên phải biết các Đức Như Lai dùng sức phương tiện ở một Phật thừa phân biệt nói thành ba.” [1, tr.125] Lời Phật dạy chỉ có một mục đích duy nhất là giúp chúng sanh giải thoát luân hồi sinh tử, tùy căn cơ người nhận pháp nên phân biệt nói thành các thừa khác nhau. Căn cứ lẽ đó, bài tham luận này mong muốn được chuyển tải sự hiểu biết về Phật pháp đến mọi người, như mưa pháp tưới đều mọi phương, tùy thuộc vào hạt mầm thì sẽ hình thành từng cây khác nhau.
- CÁI TÂM CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO
Nhà lãnh đạo là người đại diện nhân dân để đưa ra những quyết định, những chủ trương, hoạch định chính sách nhằm đem lại lợi ích cho nhân dân. Nếu là một người lãnh đạo có tâm vì dân thì họ sẽ đặt câu hỏi: Làm sao để nhân dân được ấm no, an vui, đất nước thái bình. Nếu tâm của chính người đứng đầu chưa an mà tràn ngập tham lam, giận dữ và mê mờ thì những quyết định, những hành động của họ chỉ đem lại đau khổ cho dân chúng. Vì vậy, câu hỏi sẽ xoay lại tự thân chính mình: làm sao để có được sự bình tĩnh để đưa ra lựa chọn sáng suốt, làm sao để an vui trong tâm và lan tỏa niềm an vui đến cho mọi người? Người lãnh đạo là người đại diện cho ý chí của nhân dân, mỗi người dân bình thường thì cũng mong được an vui hạnh phúc. Vậy nên, dù ở bất kì địa vị nào, thuộc tầng lớp nào con người đều có một mong muốn tột cùng sâu thằm là được an lạc.
- KINH KIM CANG VÀ PHÁP AN TÂM
-
- Kinh Kim Cang
Kim Cang hay tên đầy đủ là kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật. Kim cang hay kim cương là một chất cứng hay phá các kim loại khác. Bát-nhã nghĩa là trí tuệ. “Ba-la-mật” dịch là bờ kia hoặc cứu kính viên mãn. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát-nhã Ba- la-mật. [3, tr. 12-13] Năng đoạn là có khả năng chặt đứt. Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố như chất kim cương có khă năng chặt đứt mọi xiềng xích kiến chấp, sai lầm cố hữu. Kiến chấp dứt, phiền não sạch, tâm không còn vướng bận nên tự nhiên an.
Toàn bộ kinh tập trung trả lời câu hỏi của trưởng lão Tu Bồ Đề: “Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?” [3, tr. 19] Toàn bộ kinh là để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi chỉ chọn ra ba đoạn được cho là cốt lõi nhất mà Phật đã giải thích như sau: “Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ tát”. [3, tr. 23-24] “Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí”. [3, tr. 33], và bốn câu kệ cuối kinh:
“Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.” [3, tr. 248]
-
- Pháp An tâm
Việc giải thích về ý nghĩa của kinh Kim Cang gắn liền với pháp an tâm cho đến nay đã có nhiều học giả thực hiện. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chọn xin trình bày nghĩa kinh qua lời giảng của Hòa
thượng Thích Thanh Từ, cách giải thích gần với cách hiểu và sự ứng dụng của bản thân nhất. Đầu tiên, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là phát tâm cầu thành Phật. Chín loài chúng sanh Phật liệt kê là chỉ trùm cho tất cả chúng sanh. Vô dư Niết-bàn nghĩa là vô sanh sau khi không còn thân tướng. Bốn tướng:
Tướng ngã: Thấy có mình thật. Tướng nhân: Thấy có người thật.
Tướng chúng sanh: Thấy tất cả loài có thật.
Tướng thọ giả: Thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian.
-
-
- Hàng phục tâm
Vậy làm sao để diệt độ được tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết- bàn? Bằng trí tuệ đạt được nhờ sự tu thiền, thầy Thích Thanh Từ đã chỉ ra rằng: Mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom đóm thì đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng… dấy niệm là sanh. Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng sanh. Với mỗi niệm vừa dấy lên, chúng ta liền biết chúng sanh này giả, nó lặng xuống chỗ không sanh và không còn thấy tăm dạng nên gọi là vô dư Niết-bàn. [3, tr.27]
Cũng thế, nếu những vọng tưởng của chúng ta đang điên cuồng chạy ngược chạy xuôi theo có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng… theo tất cả hình tướng bên ngoài, bây giờ chúng ta đưa nó vào vô dư Niết-bàn, vào chỗ lặng lẽ không sanh diệt, tâm chúng ta không còn loạn nữa, đó là hàng phục được tâm. Vì bao nhiêu niệm hiện lên đều đưa vào chỗ không sanh diệt nên nói là diệt độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được diệt độ. Bởi vì một niệm dấy lên tức là có chấp ngã trong đó. Chấp ngã gồm có chấp thân làm ngã và chấp tâm làm ngã. Từ cái chấp thân, tâm làm ngã
nên niệm dấy lên chấp niệm đó là mình nghĩ, đó là chấp ngã. Dấy niệm là suy nghĩ về người, suy nghĩ về cảnh, nếu đưa hết những niệm vào vô dư Niết-bàn rồi thì không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. [3, tr.30]
-
-
- An trụ tâm
Tiếp theo đoạn thứ hai, Phật dạy cách an trụ tâm: Bố thí mà không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bố thí ở đây được hiểu là ban cho, buông xả, trụ là dính mắc. Sở dĩ tâm ta loạn, động là vì nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Do kẹt với sáu trần nên tâm ta loạn hay sanh phiền não, bây giờ chúng ta bố thí tức là buông xả, không dính với sáu trần nữa thì tự nhiên tâm an trụ. [3, tr.35] Ở đây, chúng tôi không phân tích sâu nghĩa bố thí nhưng quan trọng là ở nghĩa không trụ. Ví dụ, khi một người cho một người ăn xin bên đường một cái bánh mình đang sẵn có. Nếu là người này thực hiện hạnh Bồ-tát, họ sẽ không nghĩ về cái bánh (sắc) và không nghĩ rằng mình đang thực hiện pháp bố thí cho người khác (pháp). Tâm họ trong sạch, vô tư để làm việc bố thí thì dù cho người ăn xin có chê bai cái bánh nhỏ hay ném trả vào họ, tâm họ vẫn an nhiên, tự tại. Vì khi đã không chấp vào việc mình đang ban cho người khác thức ăn, rồi sanh tâm mong chờ người khác mang ơn thì người đó sẽ không chút phiền não.
-
-
- Phương pháp quán chiếu
Với bốn câu kệ, Phật đã chỉ ra cách ứng dụng để thực hành. Đó là dùng trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp là tướng duyên hợp, không có tự tánh, chỉ có giả danh. Ví dụ, khi nhìn một bông hoa đẹp, ta biết rằng bông hoa là từ hạt giống, lớn lên nhờ đất, nước, ánh nắng mặt trời,.v.v… tức là do duyên hợp. Khi nhìn bông hoa, trong đầu ta sẽ gợi lên cái tên về loài hoa đó, nhưng ta phải thấy rằng tên đó chỉ là tạm gọi vì tên là do con người quy ước, bản thân bông hoa vốn không có tên. Bông hoa rồi cũng sẽ tàn. Ngay cả lúc nở rộ cũng là lúc nó đang tàn đi, đây là một quá trình biến đổi liên tục. Nếu thấy đúng lẽ thật như thế thì sẽ không sanh tâm đắm nhiễm. Đây chỉ là ví dụ cho bông hoa, những tướng hữu hình như nhà cửa, tài sản, tướng vô hình như danh tiếng, chức quyền hay đến những thứ vi tế hơn như tâm tư, suy nghĩ, v.v… đây đều là các pháp hữu vi, sanh, diệt vô thường, ta đều thấy chúng chỉ là hư ảo nên không một pháp nào
thật, do đó không chấp vào pháp và phải quán chiếu tất cả pháp là hư giả, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như điện.
- ỨNG DỤNG KINH KIMCANG ĐỂ SỐNG VỚI TÂM TỊNH
Từ việc giải thích nghĩa kinh trên, chúng ta thấy rằng Kinh Kim Cang có thể giúp con người sống với tâm tịnh vốn có. Muốn vậy, theo lời dạy của Phật, trước tiên phải “hàng phục tâm”, đưa tất cả những dấy niệm về người, vật, những tất cả những niệm thiện, ác đi vào chỗ tịch diệt, lặng lẽ, không còn hình dạng, để tâm rỗng rang. Khi đó, không còn sự phân biệt nào về mình, người vậy thì sẽ không còn tham lam vì không còn thấy có người để hơn thua, tranh giành danh lợi. Ở trạng thái rỗng lặng của tâm thức, giận giữ cũng không còn vì giận là do duyên bên ngoài tác động. Khi dứt mọi niệm về cái tôi, về người thì sẽ không thấy có đối tượng để giận và không còn việc để giận. Và cuối cùng là si mê do vô minh che đậy. Để phá vô minh thì nên khởi quán những gì có hình tướng, vô thường sanh diệt đều như mộng, huyễn. Khi hằng quán được như thế thì “sanh tâm không có chỗ trụ”, không còn chấp vào những tướng đoạn diệt nên trí tuệ tăng trưởng và thấy đúng lẽ thật. Chính ánh sáng trí tuệ này sẽ là ngọn đuốc dẹp trừ phiền não và đạt được sự an nhiên, tự tại trong đời sống hằng ngày.
- TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH VỀ SỰ LÃNH ĐẠO SÁNG SUỐT VÀ ỨNG DỤNG KINH KIM CANG CỦA MỘT VỊ VUA TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài: Làm sao để có được sự lãnh đạo sáng suốt khi nắm giữ vận mệnh của hàng triệu sinh mạng? Trước tiên, cần xác định lại đối tượng Phật thuyết giảng kinh Kim Cang là cho người thiện nam, người thiện nữ phát tâm cầu thành Phật. Nếu có một nhà lãnh đạo phát tâm cầu đạo và thực hiện hạnh Bồ- tát vì lợi ích chúng sanh thì đây quả thật là một diễm phúc lớn cho dân chúng. Để minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt trong lịch sử, chúng tôi xin nêu ra một điển hình về vua Trần Nhân Tông.
Khi quân Nguyên chuẩn bị xâm lăng Đại Việt, Ngài là một vị vua và là một cư sĩ hiểu đạo. Trong giới luật Phật dạy cư sĩ tại gia thì giới sát sanh là tội nặng nhất. Bấy giờ, phải cầm quân đánh giặt là phạm tội sát sanh. Tuy nhiên, thực tế điều kiện lịch sử lúc đó phải
đánh đuổi ngoại xâm để cứu muôn dân. Đứng ở thế khó xử, Ngài đã nghĩ ra môt kế sách. Ngài đã triệu tập hai cuộc họp lớn là Hội nghị Bình Than gồm các tướng sĩ, và quy tụ các bô lão về Hội nghị Diên Hồng. Tại hai hội nghị này, Ngài hỏi: “Bây giờ thế giặc rất mạnh, vậy ta nên hòa hay nên chiến?” Tất cả đều hô: “Chiến.” Từ đó Ngài bắt đầu khởi động binh sĩ đánh giặc theo ý của toàn quân và dân. Trong giới luật nhà Phật, tội thuộc về định nghiệp không thể chuyển, khi hội đủ ba điều kiện: một là ý, hai là khẩu, ba là thân. Thân, khẩu, ý hợp tác đồng làm, đó là định nghiệp không thể chuyển. Trong trường hợp ý không chủ động tạo nghiệp, chỉ có thân, khẩu thì nghiệp này không phải định nghiệp. Như vậy, đánh giặc, giết giặc có nhiều sinh mạng thương tổn, chết chóc nhưng nghiệp của Ngài là nghiệp bất định. Nếu hồi tâm hướng thiện sám hối sẽ hết. [2, tr.10-12] Qua đó ta thấy được, dù là vua, người đứng trên vạn người những nhờ hiểu đạo sâu sắc, Ngài đã có được cách xử lí hợp tình hợp lí. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam có một vị vua tôn trọng tự do, tôn trọng ý kiến của mọi người.
Để làm rõ sự ứng dụng kinh Kim Cang trong đời sống hằng ngày của vua Trần Nhân Tông, chúng tôi trích dẫn ba câu trong Hội thứ hai Cư Trần Lạc Đạo Phú.
Gìn tánh sáng tánh mới hầu an,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thật kim cang. [3, tr.31]
Cư Trần Lạc Đạo Phú là bài phú ở cõi trần vui với đạo. Vua Trần Nhân Tông đã sáng tác bài này khi còn là cư sĩ ở ngôi Thái thượng để hướng dẫn cho con là vua Trần Anh Tông. Hội thứ hai, Ngài diễn tả sự tu hành. Gìn tánh sáng tức là giữ gìn tánh sáng của mình thì tánh sáng đó mới an ổn mà hằng chiếu soi, nếu không nó sẽ bị che khuất. Muốn gìn tánh sáng thì phải nén niềm vọng, niềm tức là “niệm”. Những vọng tưởng đã lặng rồi sẽ thấy lẽ thật không còn lầm lẫn. Trong kinh Kim Cang nói đến bốn tướng là tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Ở đây chỉ nói gọn hai tướng, vì chúng sanh ở trong tướng ngã, nhân và hai tướng này trùm hết. Nếu muốn đạt được trí kim cang, trí tuệ chân thật bất sanh bất diệt thì phải trừ hai tướng là tướng ngã và tướng nhân. [3, tr.33] Nhờ lối sống hợp đạo, hiểu thấu nghĩa lý kinh và ứng dụng trong đời sống mà Ngài đã đạt
được sự an vui, tự tại giữa bộn bề công việc triều chính và có một trí tuệ minh mẫn để đưa ra những quyết định sáng suốt đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Lịch sử Việt Nam cho thấy thời kì này, đất nước Đại Việt hưng thịnh.
- TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO VIỆT NAM GẮN LIỀN VỚI KINH KIM CANG VÀ ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH TRÌ
Để có thể hành đúng chánh pháp thì không thể thiếu sự hướng dẫn của các vị Tăng, một trong ba ngôi Tam Bảo. Hiện nay, tại Việt Nam có Thiền phái Trúc lâm được Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục và phát triển. Không như các Thiền phái Trung Hoa chủ trương “bất lập văn tự”2, Thiền phái Trúc Lâm vẫn lấy việc nghiên cứu, học tập kinh điển để làm cơ sở y cứ việc hành trì chứng ngộ. Vua Trần Thái Tông người đặt nền móng tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm, đã chọn bản kinh Kim Cang và kinh Kim Cang tam muội chú giải để làm cơ sở lý luận biện tâm, thực thi đời sống hướng nội.
Thiền tông Việt Nam ngày nay theo đường hướng tu thiền của Tu viện Chân Không, thiền viện Thường Chiếu... do Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương hướng dẫn. Yếu chỉ Thiền tông Việt Nam: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”3 nghĩa là xoay lại chính mình, đó là phận sự gốc của người tu. Thiền tông Việt Nam không theo các tông phái chi nhánh Thiền tông Trung Hoa như tông Tào Động, Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn mà kết hợp ba mốc quan trọng trong dòng lịch sử truyền thừa Thiền tông từ Trung Hoa đến Việt Nam. Mốc thứ nhất là Nhị Tổ Huệ Khả, mốc thứ hai là Lục Tổ Huệ Năng, mốc thứ ba là Sơ Tổ Trúc Lâm. Hòa hội chỗ thấy và sự ứng dụng tu hành của ba vị Tổ này thành phương pháp tu thiền trong các Thiền viện. [5, tr.46]
-
Đây là một trong bốn câu nói nổi tiếng của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, vị Tổ sư Thiền đời 28 từ Ấn Độ đến Trung Hoa để truyền bá Phật giáo và là Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa 教外別傳 Giáo ngoại biệt truyền Truyền giáo pháp ngoài kinh điển 不立文字 Bất lập văn tự không lập văn tự 直指人心 Trực chỉ nhân tâm chỉ thẳng tâm người 見性成佛 Kiến tính thành Phật thấy
chân tính thành Phật.
- Khi còn nhỏ, vua Trần Nhân Tông đã được học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ. Hôm từ giã thầy trở về đăng quang Thái tử, Ngài hỏi Thượng sĩ: “Yếu chỉ Thiền tông là thế nào?” Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời nguyên văn chữ Hán: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Câu hỏi này trở thành tối quan trọng trong nhà Thiền.
Nơi Nhị tổ: Ứng dụng pháp an tâm. Nghĩa là biết rõ tâm suy tưởng lâu nay là hư ảo, không để nó đánh lừa, lôi dẫn chúng ta chạy theo trần cảnh, nên nói “Vọng tưởng không theo”. Mỗi khi nó dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất. Đến bao giờ được như Nhị Tổ nói “Đoạn hết các duyên mà rõ ràng thường biết, nói không thể đến” là đạt kết quả.
Với Lục Tổ: Ứng dụng sáu căn không dính mắc sáu trần làm hướng tiến tu. Đó là câu “Bất ưng trụ sắc sanh tâm…” trong kinh Kim Cang được Ngũ Tổ giảng cho Lục Tổ. Để căn không dính trần thì phải dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu, thấy các pháp duyên hợp hư dối như huyễn như hóa.
Đến Sơ Tổ Trúc Lâm trong bài kệ “Câu Có Câu Không”, đoạn thứ tư nói “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ” [5, tr.53] là tinh thần Bát-nhã của Lục Tổ. Các pháp hư giả như nón tuyết, như đôi giày bằng hoa, tạm có rồi tan mất, mới thấy đẹp rồi héo xàu. Toàn thể pháp đối đãi đều không thật, do phương tiện bày lập, giống như dây sắn dây bìm, một phen cắt đứt chúng mới là an vui tự tại. Đấy là tinh thần hai câu kết của bài kệ “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”. Vừa dấy niệm là đối đãi, vừa thốt lời là đối đãi, nếu dứt hết đối đãi thì không còn niệm nào để khởi, không còn để nói, là hằng sống thật với thiền.
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, có câu “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền”. Thấu triệt tánh mình như thấy hòn ngọc quý vô giá có sẵn trong nhà, không cần phải tìm kiếm bên ngoài. Trong không chấp thân, không chấp vọng tưởng làm mình, ngoài đối cảnh không còn dính mắc, chính đây là chủ yếu của Thiền tông, cũng là cội nguồn của Phật pháp. “Đối cảnh không tâm” được xem là tiêu chuẩn sự tu hành. Không tâm là không tâm vọng tưởng chạy đuổi theo ngoại trần, không phải không tâm là vô tri vô giác như cây gỗ. Không tâm hư ảo sanh diệt mà vẫn có tâm hằng giác hằng tri, bất sanh bất diệt. Đây là chỗ giải thoát sanh tử của người tu Phật.
Các pháp trên được cô đọng thành những lối tu sau:
- Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
- Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
- Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
- Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát. [5, tr. 60]
Từ bốn lốn lối tu trên, mỗi người tự chọn cho mình một phương pháp phù hợp với căn cơ của mình hoặc vận dụng một cách khéo léo để đem lại hiệu quả cho bản thân.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Với chủ đề đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 16 diễn ra tại Việt Nam là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” và chủ đề phụ: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững, chúng tôi bắt đầu với vấn đề về những bất ổn trên thế giới và nhấn mạnh vào vai trò của những nhà lãnh đạo, người đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu người. Trước khi lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo chính mình. Như vậy, nó trở về bài toán chung mà mỗi người phải giải: làm sao để đạt được an nhiên, tự tại giữa đời sống vô thường. Tuy nhiên, dù là cùng một bài toán song lời giải là khác nhau tùy thuộc vào trình độ của mỗi người cũng như sự hướng dẫn của người thầy cũng sẽ khác nhau cho từng học trò của mình. Chúng tôi chọn bản kinh Kim Cang để tìm lời giải đáp cho pháp an tâm. Với tri kiến chưa giác toàn, chúng tôi mượn cách giải thích của thầy Thích Thanh Từ, phù hợp với phần hiểu và kinh nghiệm bản thân để biện giải cách hàng phục tâm, an trụ âm và phương pháp quán chiếu, tổng hợp thành cách ứng dụng kinh Kim Cang để tịnh tâm.
Tiếp đến, để minh họa cho sự lãnh đạo sáng suốt, chúng tôi lấy ví dụ về một vị vua trong lịch sử Việt Nam đã dùng trí tuệ và lòng từ bi để dân an, đất nước thái bình. Vua Trần Nhân Tông đã thấm nhuần giáo lý Kim Cang, thể hiện qua Cư Trần Lạc Đạo Phú. Ngài cũng là người khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc Việt Nam. Ngày nay, Thiền tông Việt Nam được Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục và phát triển. Các tác giả tham luận này chọn giới thiệu phương pháp tu tập Thiền phái Trúc Lâm vì có liên quan cơ hữu đến kinh Kim Cang. Với các lối tu được giới thiệu, mỗi người sẽ tìm thấy cho mình một pháp thích hợp. Như vậy, phải bắt đầu từ bên trong, mỗi người tự thắp ngọn đuốc trí tuệ để dẹp trừ vô minh. Khi đó, thế giới trong họ đã thay đổi và thế giới bên ngoài
chỉ là một phần phản ánh nội tâm. Nếu nhiều người sống trong sự tỉnh thức và giữ cho tâm mình an thì trước tiên, đó cũng đã là chiếc phao cứu cánh trên dòng đời vô thường. Và khi đã tự an tâm thì tâm từ sẽ tăng trưởng và lan tỏa đến tất cả mọi loài chúng sanh, tạo phước cho cuộc đời.
***
Tài liệu tham khảo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nhà xuất bản Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh, 2008.
Thích Thanh Từ, Hai quãng đời của Sơ Tổ Trúc Lâm, Nhà xuất bản tôn giáo, Hà Nội, 2002.
Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 1999.
Thích Thanh Từ, Thanh Từ toàn tập tập 24, Nhà xuất bản Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2005.