99
GIÁODỤCPHẬT GIÁOCÙNGTHIẾUNIÊN VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG TUỔI DẬY THÌ
Nguyễn Thị Liên*
TÓM TẮT
Không phải ngẫu nhiên ngày nay, Phật giáo được nhân loại tôn vinh là một trong những tôn giáo có một triết lý sống nhân văn và thiết thực nhất. Đạo Phật là tôn giáo xuất phát từ hiện thực con người và vì con người, nhằm hướng con người đi đến hạnh phúc an lạc. Sở dĩ được tôn vinh như vậy là do toàn bộ giáo lý của Đức Phật thể hiện một nếp sống đạo đức với những đặc trưng riêng biệt, nổi bật mà khi chúng ta trải nghiệm sẽ nhận được các giá trị hạnh phúc. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đơn thuần truyền tải niềm tin của con người mà còn có vai trò góp phần duy trì đạo đức xã hội vì thế có thể xem nó như một phần tài sản văn hóa dân tộc. Ngoài những điểm phù hợp với tình cảm đạo đức của con người, giáo dục Phật giáo còn thực hiện thông qua tình cảm, tín ngưỡng, niềm tin vào giáo lý. Do đó, giáo dục Phật giáo được người Việt tiếp thu, tạo thành đức tin thiêng liêng bên trong và chi phối hành vi ứng xử của quần chúng trong các quan hệ cộng đồng.
Tuổi mới lớn là giai đoạn trẻ em trải qua nhiều thay đổi về tâm lý, có những điều không đáng lo bởi thuận theo sự phát triển tự nhiên của con người, nhưng cũng có những dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng cần sự đồng hành của gia đình và xã hội. Giáo dục Phật giáo với triết lý từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn…, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, hướng con người đến lối sống vị tha, bình

![]()
*. ThS., Giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Việt Nam.
đẳng, khoan dung hoàn toàn phù hợp để giúp trẻ vị thành niên vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì và hướng trẻ đến lối sống an lành, hạnh phúc.
- TUỔI DẬY THÌ – GIAI ĐOẠN ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG BIẾN ĐỔI KHÓ KHĂN VÀ PHỨC TẠP NHẤT TRONG CÁC LỨA TUỔI
Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang giai đoạn trưởng thành, là thời kỳ trẻ không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn. Đây là thời kỳ mà bất cứ một thiếu niên nào cũng phải trải qua những biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm hồn. Vì vậy, tuổi dậy thì vô cùng nhạy cảm bởi vì trẻ phải thích ứng với sự thay đổi đồng loạt từ thể chất đến tâm sinh lý.
Theo sự phát triển bình thường của con người, giai đoạn độ tuổi từ 13 - 18 có thể nói là một trong những giai đoạn có nhiều biến động nhất, lý do là trẻ có nhiều sự biến động về tâm sinh lý. Sự thay đổi lớn về cơ thể ở giai đoạn trước (13 -16) cũng như hoàn thiện về mặt tâm sinh lý ở giai đoạn sau này (16 - 18) cũng góp phần biến đổi tâm lý nhiều hơn ở giai đoạn dậy thì của trẻ vị thành niên.
Hình thành những cảm xúc mới lạ
Khi còn nhỏ, các trẻ đã biết phân biệt bạn trai và bạn gái dựa vào các đặc điểm phổ biến bên ngoài và theo như thầy cô, ba mẹ dạy. Thời gian này, tâm sinh lý của bé trai và bé gái là như nhau, không có sự khác biệt rõ rệt.
Bước qua giai đoạn từ 6 - 10 tuổi, trẻ đã có sự phân biệt rõ hơn về giới. Trẻ gái khi chơi cùng bạn trai sẽ nảy sinh cảm giác xấu hổ, bất an. Tuy nhiên, những cảm xúc bị thu hút hay hấp dẫn của hai phái vẫn chưa hình thành. Sau 10 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ hiểu hơn về sự khác biệt cũng như sự hấp dẫn giới tính, bắt đầu thấy tò mò và thích thú đối với sự khác biệt và mối quan hệ gữa hai giới.
Từ 14 - 15 tuổi trở đi, sự gia tăng nhanh chóng của các hooc - môn sinh dục cùng với nhận thức rõ hơn về giới tính đã thôi thúc trẻ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Ở giai đoạn phát triển tâm lý trẻ dậy thì, đặc điểm sinh học của hai giới đã có sự khác biệt rõ nét. Bé trai đã có đủ đường nét của người đàn ông trưởng thành, có râu, lông chân, lông nách, thân hình cao lớn, vai rộng và cơ bắp. Còn cơ thể bé gái thì trở nên mềm mại hơn, ngực và mông to lên
tạo thành những đường cong quyến rũ. Giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu nhận thức được các khái niệm “thích”, “yêu”, “kết”, “cặp đôi”. Đặc biệt, cảm xúc của trẻ lúc này rất dễ hình thành và cũng nhanh chóng thay đổi. Chỉ cần một bạn trai học giỏi, một bạn gái có mái tóc dài, một anh chàn nhặt hộ đồ đánh rơi… là trẻ đã có thể rung động và dễ dàng đánh đồng những rung động đầu đời của mình thành tình yêu. Tuy nhiên, vì cảm xúc và nhận thức trong tâm lý trẻ dậy thì chưa chín chắn, chưa ổn định nên những tình cảm mới mẻ ở trẻ cũng thoắt ẩn và thoắt hiện.
Cùng với sự phát triển tâm lý giai đoạn dậy thì, nhu cầu tình dục ở trẻ cũng hình thành. Trẻ luôn thích khám phá tò mò về cơ quan sinh dục và các hành vi liên quan đến tính dục. Với bản tính tò mò, ham khám phá cùng với sự nhầm tưởng tình yêu tuổi teen chưa ý thức được hậu quả, các em dễ hành động theo bản năng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Những diễn biến tâm lý bất thường
Một số trẻ đi qua tuổi dậy thì rất nhẹ nhàng, nhưng nhiều trẻ khác lại dễ bị tổn thương, dễ có những hành vi quá khích, điều đó phụ thuộc vào tính cách từng em.
Thông thường ở giai đoạn tiền dậy thì, trẻ đã có ý thức về bản thân, bộc lộ cá tính, sở thích, qua đó ta có thể nhận biết trẻ thuộc tính cách nào. Chẳng hạn trẻ rất năng động, cởi mở, có nhiều bạn bè, thích được ra ngoài vui chơi, điều đó thể hiện trẻ có tính cách hướng ngoại. Ngược lại, trẻ chỉ thích ở nhà, không thích những chỗ đông người, nhút nhát, ít nói và thụ động cho thấy trẻ có tính cách hướng nội. Ngoài ra, còn có những trẻ thiếu tính quyết đoán, thường tỏ ra do dự theo kiểu “sao cũng được”.
Một số yếu tố tác động đến tính cách trẻ trong giai đoạn này, việc ăn uống và sinh hoạt thất thường cũng dễ khiến trẻ áp lực và căng thẳng tăng cao. Các biểu hiện dễ thấy nhất đó là biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút… Nặng hơn, một vài trường hợp có các biểu hiện như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác,…thậm chí còn có ý định tự tử.
Trầm cảm cũng dễ xảy ra trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ dậy thì. Những triệu chứng của trầm cảm bao gồm hay buồn bã,
không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, mất hy vọng vào tương lai,… Khi rơi vào trầm cảm, trẻ thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, rất nhiều trẻ chỉ quan tâm tới thế giới “ảo” và liên tục sống trong “cõi mộng mơ” ấy. Điều này khiến cho cuộc sống của trẻ trở nên nhàm chán, u ám, thiếu niềm tin, xa rời thực tại. Những triệu chứng của trầm cảm xuất hiện là do áp lực từ sự thay đổi bên trong tâm sinh lý mỗi trẻ, áp lực học tập, căng thẳng quá mức từ kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô, bạn bè,...những biểu hiện trên không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Những mong muốn bản ngã
Trẻ cần không gian riêng
Tâm lý của những bạn trẻ tại thời điểm này là muốn khẳng định bản thân, trẻ đang trong giai đoạn tìm ra cái tôi riêng của bản thân mình. Sự kiểm soát của cha mẹ như liên tục gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm liệu con đang ở đâu, mấy giờ về nhà, đang đi cùng ai, đã học xong chưa?... so sánh con với người này, người kia, bảo vệ con quá so với mức cần thiết như đèo con đi học trong khi nhà gần mặc dù con có mong muốn tự đi học, sợ con gặp nguy hiểm nên dắt con sang đường, quản lý bữa ăn hàng ngày của con và còn một số việc khác,… khiến trẻ cảm thấy chúng không có không gian riêng tư, bị thấy bó buộc quá về gia đình. Nếu điều này liên tục xảy ra trong thời gian quá dài, với tần suất lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng cảm xúc cá nhân và xảy ra một số hành vi chống đối hoặc bộc lộ cảm xúc bực bội, khó chịu.
Trẻ mong muốn được khám phá không gian, thế giới bên ngoài
Độ tuổi này, trẻ luôn có khao khát được khám phá và tìm hiểu sâu hơn về thế giới bên ngoài, những kiến thức bên ngoài còn quá nhiều thứ mới lạ và hấp dẫn. Nhưng cũng như đã nói phía trên, ở giai đoạn này, trẻ lại rất muốn khẳng định và tìm cái tôi riêng của bản thân mình cho nên đối với một số trường hợp nhất định, trẻ lại muốn tự tìm tòi và khám phá điều mới mẻ ấy bằng chính sức mạnh của bản thân mình. Điều này kích thích sự tò mò hiếu kỳ của trẻ và cũng là một điều trợ giúp trẻ trong giai đoạn tìm ra nét đặc trưng riêng trong cái tôi.
Vì thế, đối với một số hành động của cha mẹ như quá quan tâm
hay chỉ dẫn đường, hướng cho trẻ thì trong trường hợp định hướng đó trùng hợp với ý nghĩ và mong muốn của trẻ thì không có vấn đề gì đáng ngại, nhưng nếu như ý nghĩ và mong muốn của cha mẹ lại trái ngược với những gì mà trẻ mong muốn mà cha mẹ lại bắt buộc trẻ theo hướng đó với suy nghĩ rằng điều ấy là điều tốt nhất cho trẻ thì có thể xảy ra những bất đồng. Trẻ có thể coi hành động ấy của cha mẹ là sự kiểm soát quá đáng và không cam chịu trước sự sắp đặt ấy mà không hiểu rằng cha mẹ chỉ muốn quan tâm và mong muốn sự tốt nhất cho con mà thôi. Điều này có thể gây ra sự căng thẳng trong gia đình khi mà trẻ luôn cố gắng chứng tỏ rằng hướng suy nghĩ của mình là đúng đắn. Việc cha mẹ lắng nghe và coi trọng suy nghĩ cá nhân của riêng trẻ có thể khiến cho trẻ cảm thấy cảm kích và biết ơn cha mẹ hơn. Lúc này những sự phân tích từ phía cha mẹ có thể khiến trẻ dễ tiếp nhận và lắng nghe hơn là sự ép buộc ban đầu. Điều này mang lại sự có lợi cho cả đôi bên.
Trẻ muốn thể hiện bản sắc cá nhân và mong muốn được thừa nhận
Giai đoạn này, trẻ đang khao khát tìm kiếm bản sắc cá nhân, nét đặc trưng của bản thân mình, điều mà làm mình khác biệt với những người khác. Bản sắc cá nhân được hiểu là trả lời những câu hỏi liên quan như sau: “Tôi là ai? Tôi làm gì trong cuộc sống này? Tôi muốn gì?” Chính vì trong giai đoạn này, trẻ luôn băn khoăn và suy nghĩ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó, nên sự thay đổi hành vi của trẻ là điều có thể hiểu được. Có một số trường hợp vì muốn tìm tòi bản sắc cá nhân của mình mà trẻ tham gia vào những hội nhóm xấu hay có những hành vi bất thường ví dụ như đánh nhau, hút thuốc, uống rượu bia,… Cha mẹ nên từ từ khuyên giải và thật nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu, không nên quá gay gắt và chỉ trích trẻ vì có thể khiến trẻ càng có hành vi trái ngược lại với lời cha mẹ nói.
Tuổi dậy thì là độ tuổi “không còn là trẻ con và chưa là người lớn” có những diến biến tâm lý khá bất thường. Điều này là quy luật tâm lý học, sinh học của một giai đoạn nhất định mỗi đời người, tuy nhiên mỗi gia đình và trẻ vị thành niên thường gặp phải những khó khăn, những “rào cản tâm lý” trong giai đoạn này. Vì thế, chúng ta cần một giải pháp để sự quan tâm của gia đình, xã hội là định hướng đúng đắn, phù hợp với suy nghĩ và tâm lý học lứa tuổi của trẻ nhằm mang đến sự phát triển hoàn thiện về tâm, trí, thể, mỹ và giúp trẻ vượt qua thời kỳ khủng hoảng này một cách nhẹ nhàng.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN SÂU SẮC
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Giáo dục bao gồm việc dạy và học, giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người
Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về mặt trí thức và tâm thức, để trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và có đạo đức, trở thành những người tốt, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác, trở thành những con người có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức.
Giáo dục của Phật giáo rất giàu nhân bản, bởi vì nó giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ.
Ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được quần chúng nhân dân đón nhận một cách nồng nhiệt bởi tư tưởng của Phật giáo rất gần gũi với văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc ta. Cùng với chiều dài lịch sử dân tộc, tư tưởng “Từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn” của nhà Phật đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa của Việt Nam. Trong suốt quá trình tồn tại, đạo Phật đã không ngừng truyền bá các giáo lý và tư tưởng đạo đức của mình. Sự truyền bá đó không chỉ có ảnh hưởng đến các Phật tử, mà còn có ảnh hưởng rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Giáo dục Phật giáo là để tạo nên một con người tự do, có đạo đức, có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội, điều này còn có ý nghĩa đặc biệt đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay. Giáo dục Phật giáo -
những giá trị nhân văn sâu sắc, từ góc độ giáo dục Phật giáo, giáo dục không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, thay thế, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức chính kiến, đức tin chân chính và những phẩm chất tâm linh cao thượng để mỗi người có thể làm hành trang tư lượng cho đời sống an lạc, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình, học đường và cộng đồng xã hội.
Ngoài việc đào tạo ra đội ngũ trí thức tôn giáo và các chức sắc cho Phật giáo Việt Nam, giáo dục Phật giáo còn có vai trò rất lớn trong việc phát triển đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của nhân dân nói chung và giới trẻ nói riêng, góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ vị thành niên thông qua hoạt động của các chùa, khóa tu, các giờ giảng đạo, chương trình từ thiện....
Phật giáo đã đi vào tâm thức của hầu hết người dân Việt Nam, lấy chùa làm nơi tu tập, tìm chốn bình yên cho tâm hồn. Mục đích của Phật giáo không phải chỉ đem lại cho Phật tử cảm giác yên ổn, nơi hiện thế mà xa hơn là đem lại sự an lạc miên viễn. Sự an lạc của tâm hồn chan hòa với một xã hội phồn vinh, thực hiện phương châm tốt đời, đẹp đạo. Đạo Phật còn chỉ ra phương pháp, con đường để đạt tới hạnh phúc, con đường để tạo ra một con người hoàn chỉnh. Thượng tọa Thích Chơn Thiện khi nói về mục tiêu giáo dục Phật giáo cũng có nhận định: “Một đường hướng giáo dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu đó là đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Nếu thiếu đi một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh” [7, tr.60].
Hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam đã từng bước hiện thực hóa mục đích này bằng con đường xã hội hóa, lý tưởng của Phật Pháp là làm cho chúng sinh đều được giác ngộ, tức là đưa đạo Phật vào đời, thực hiện thông điệp cứu khổ của đức Phật đến với từng cá nhân, từng nhóm người, từng tập thể, tiến đến việc phổ biến cho quảng đại quần chúng.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO GÓP PHẦN BỒI DƯỠNG LỐI SỐNG LÀNH MẠNH, TÍCH CỰC, VƯỢT QUA NHỮNG DIỄN BIẾN TÂM LÝ BẤT THƯỜNG CỦA LƯA TUỔI
Ngày nay, trước những biến đổi trong đời sống xã hội và trong cá nhân mỗi người… giới trẻ cần phải giữ cho mình một bản lĩnh
vững vàng, lối sống lành mạnh, nhân ái, biết đoàn kết, yêu thương con người, biết vươn lên làm chủ bản thân. Giáo lý Phật giáo hướng con người hành thiện, nhân ái, bao dung dần đi vào tâm thức con người Việt Nam nói chung, giới trẻ Việt Nam nói riêng, góp phần xây dựng cuộc sống phồn vinh, tốt đời đẹp đạo.
Giáo dục Phật giáo với rất nhiều giáo lý khuyên răn con người, xây dựng cho họ lối sống lành mạnh. Phật giáo khuyên con người sống ở đời phải nhớ “Tứ ân” là bốn ơn lớn: ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia, ơn Tam bảo. Công lao sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo của cha mẹ cả đời mỗi người cũng không thể đền đáp hết. Giáo dục Phật giáo hướng lớp trẻ phải hiếu hạnh, luôn biết cung kính cha mẹ, vâng lời và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ơn thầy, ơn bạn, vì đó là những người đem đến cho ta những tri thức để ta trưởng thành, khôn lớn, có đạo đức. Ơn Tổ quốc, vì nhờ đó ta có được cuộc sống bình an. Ơn Tam bảo, là ơn đức Phật đã xây dựng nên một học thuyết đạo đức. Những điều Giới luật trên đã góp phần hướng quảng đại quần chúng nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng sống vì lòng từ bi, bình đẳng, luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách bản thân.
Có thể nói, quan niệm về từ, bi, hỷ, xả và làm việc thiện là một trong những quan niệm giá trị nhất của Phật giáo không chỉ giúp con người sống cuộc đời đạo đức, lành mạnh mà còn giúp ngăn ngừa và vượt qua các tệ nạn xã hội, đồng thời nó kích thích con người yêu thương lẫn nhau và làm nhiều việc thiện. Nghiêm túc thực hành các điều hướng thiện như trong kinh Phật răn dạy thì chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đồng chia sẻ, đùm bọc nhau trong tình thân ái. Vì thế, Hồ Chủ tịch đã nhận xét: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm” [2, tr. 290].
Ngoài ra, hệ thống Giới luật chặt chẽ, phong phú với nội dung được thể hiện chủ yếu trong ngũ giới, Giới luật Phật giáo vừa chỉ ra con đường tu tập để thoát khỏi mọi khổ đau trên thế gian này, vừa chỉ ra những lời khuyên răn, khuôn khổ của hành động, phạm vi đạo đức và con đường tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Bằng tinh thần tự giác, tự nguyện giữ gìn Giới luật, trước những biến động của đời sống, của tâm sinh lý, giới trẻ sẽ có được lối sống lành mạnh, nhân văn, an lạc.
Phật giáo khuyên con người giữ ngũ giới, nếu bất cứ ai thực hành các chỉ dẫn này sẽ gặt hái được ích lợi. Thực hành ngũ giới, lớp trẻ sẽ hạn chế sát sinh, có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sống, sự sống của muôn loài, trong đó có con người, con vật, thực vật... Tôn trọng và bảo vệ đời sống của mọi loài là động lực hữu ích nhất và thiết thực nhất để tôn trọng và bảo vệ đời sống của chính bản thân. Giữ giới không trộm cắp là không tàng trữ những của cải phi pháp, không buôn lậu, không tham nhũng, không khai khác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, giới trẻ dưỡng mình phải sống trung thực, sống lương thiện, sống vị tha, sống đạo đức, không tham sân si, sống biết đủ với của cải của mình tạo ra, không xâm phạm tài sản của người. Giữ được giới không tà dâm cuộc sống sẽ luôn bình thản, không sợ tình cảm gia đình sứt mẻ, không sợ xã hội chê bai, thăng tiến trên đường đời, đường đạo. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, nếu giữ được giới này thì bản thân luôn được an lành, gia đình an lạc, đoàn kết, hòa hợp, không bị tan vỡ. Không nói dối sẽ giữ được niềm tin ở tất cả mọi nơi, nó đem lại hòa bình, hòa hợp, đoàn kết cho mọi người. Giới không uống rượu là bởi các thứ ấy dễ khiến cho con người ta mất minh mẫn, hành động và lời nói thường dẫn đến những điều sai trái, không kiểm soát được. Việc giữ gìn giới không uống rượu và các chất kích thích khác là để bảo vệ an ninh trật tự và hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong giáo dục trẻ mới lớn vượt qua những cám dỗ của xã hội, hướng mình sống thiện, sống lành mạnh phù hợp với lứa tuổi, với đạo đức và với xu thế của thời đại.
Thuở xa xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã rời bỏ hoàng cung, từ chối giàu sang và quyền lực vào ở ẩn trong núi Tuyết Sơn để tu tập thiền định. Qua thực tế tu hành, Tất Đạt Đa hiểu ra rằng, từ cuộc sống giàu sang tràn đầy vật chất, thỏa mãn dục vọng lẫn cuộc sống khổ hạnh ép xác đều đi chệch khỏi con đường đúng đắn. Con đường đúng đắn là con đường tự mình đào sâu suy nghĩ để nhận thức chân lý, con đường dẫn tới yên tĩnh và sự bừng sáng của tâm hồn trí tuệ, đó là con đường đạt được cuộc sống hạnh phúc của quảng đại quần chúng nhân dân. Điều này được hiểu rộng ra là “tốt đời đẹp đạo luôn là biểu hiện bên trong và bên ngoài của lối sống tích cực, an lành, là mối quan hệ hữu cơ trong đời sống xã hội của đồng bào có đạo và cả đồng bào không có đạo, sự đồng thuận trong suy nghĩ của
Phật tử và các tầng lớp nhân dân với đạo đức Phật giáo nhằm xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh” [6, tr.164].
KẾT LUẬN
Có thể khẳng định, giống như văn hóa Phật giáo, giáo dục Phật giáo hiện nay đã có một ví trí, vai trò rất lớn trong nền giáo dục nước nhà. Trong các bài giảng đạo của Phật giáo, các buổi tọa đàm, khóa tu, hầu hết giảng viên là tu sĩ, những người tại gia tin tưởng, thực hành và trải nghiệm những giá trị chân lý, triết lý đạo đức của Phật giáo, trở thành những con người truyền đạt giáo lý Phật giáo, lấy thân giáo làm nền tảng. Khóa sinh có ở các độ tuổi và thanh thiếu niên chiếm một số lượng đáng kể, điều này cho thấy, những giáo lý Phật giáo được biên soạn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội đã được quần chúng ủng hộ rộng rãi, từ đó có ảnh hưởng nhất định đến việc định hướng cho giới trẻ có lối sống tích cực, nhân ái, an lạc, vượt qua những diễn biến tâm lý bất thường, những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Theo quan niệm của Phật giáo, con người phải biết quay về với đời sống tinh thần tu tập, diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại, là con người biết quay về với đời sống tâm linh cao cả, đó là phần tinh túy nhất của con người, được sống quay về với chính mình và hiện tại. Có thể nói, đến với giáo dục Phật giáo là đến với con đường và phương pháp đạt được cuộc sống hạnh phúc trong đời này và đời sau. Đây không những chỉ là một trong những mục tiêu giáo dục mà còn góp phần ngăn chặn sự thóai hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam trước sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và những mặt tiêu cực của văn hóa ngoại lai hiện nay. Xây dựng một nếp sống đạo đức, một nếp sống từ, bi, hỷ, xả từ trong tâm, là nền tảng để xây dựng một gia đình hòa hợp, hạnh phúc, xã hội an bình và thịnh vượng.
Hy vọng những ý nghĩa sâu sắc trên, Giáo dục Phật giáo góp phần cùng gia đình, nhà trường, xã hội đưa ra những giải pháp bồi dưỡng tinh thần an lạc, tự tin, biết lắng nghe, chia sẻ cùng thiếu niên vượt qua thời kỳ dậy thì một cách tích cực, xây dựng một gia đình hòa hợp, một xã hội thái bình, phát triển bền vững dựa trên các giá trị và phương pháp của Phật giáo.
Tài liệu tham khảo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII - Nhiệm kỳ 2017-2022, Hà Nội, 2017.
Lý Kim Hoa, Giáo dục học Phật giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2009.
Lý Minh Tiên – Nguyễn Thị Tứ (Chủ biên), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
Ngô Hữu Thảo, Công tác tôn giáo từ quan điểm Mác – Lênin đến thực tiễn Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012.
Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch (tập 4), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.39.
Tăng Bình, Thu Huyền, Ái Phương, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo lịch sử văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2012.
Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, Nhà xuất bản Phương Đông, Cà Mau, 1997. Hồng Đức, 2018.
110