VIỆC CHUẨN BỊ XÂY DỰNG CHO TRẺ EM MỘT XÃ HỘI BỀN VỮNG THEO PHẬT GIÁO
Rev. Pepiliyawala Narada*
TÓM TẮT
Trẻ em là thực thể non trẻ của xã hội về mặt trải nghiệm, độ trưởng thành hoặc chưa biết chịu trách nhiệm. Do đó, giáo dục trẻ em là một hoạt động thiết yếu cho một xã hội bền vững. Theo nghĩa này, thế giới hiện đại cần chú ý nhiều đến sự phát triển giáo dục trẻ em và tiến trình xã hội hóa của trẻ em. Phật giáo với vai trò như một tôn giáo hướng dẫn xã hội đến mô hình quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Trong khái niệm ‘Trẻ em là tương lai’, việc chuẩn bị cho trẻ là rất quan trọng bởi vì đây là nhóm có trách nhiệm lãnh đạo thế giới. Hành vi của trẻ em và trải nghiệm thời thơ ấu là nền tảng lớn ảnh hưởng đến cá nhân. Do đó, tính cách của cá nhân cần được uốn nắn từ thưở nhỏ để trở thành người tốt và có đạo đức. Xã hội phát triển là vô nghĩa trừ khi nó có tính nhân văn. Phật giáo nhấn mạnh cả tính cách trần tục và siêu phàm và có nhiều giáo lý liên quan đến việc chuẩn bị cho một đứa trẻ và các giá trị đạo đức cần có. Theo Phật giáo, việc chuẩn bị cho trẻ phải bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh cho đến khi trưởng thành, gia đình, giáo viên, cũng như xã hội cần chăm sóc tốt cho trẻ em và Phật giáo có đưa ra cách thực hiện. Trẻ em còn non nớt và chưa có trách nhiệm nên các phương pháp giảng dạy cần khác hẳn với người trưởng thành và Phật giáo đã
* BA (Honors) Colombo, MA (Kelaniya), MPhil. (Reading-Colombo), Royal Pandith (0SS), Temporary Assistant Lecturer, Department of Pali and Buddhist Studies, University of Kelaniya, Sri Lanka. Người dịch: Hà Linh
đưa ra cách giáo dục trẻ. Thứ nhất, người lớn cần đại diện thế giới và làm rõ điều tốt và điều xấu. Thứ hai, người thầy cần thực hiện việc giáo dục trẻ. Phật giáo đặt ưu tiên phát triển các giá trị đạo đức, vì trẻ em ít kinh nghiệm hơn nên trách nhiệm của người lớn trong việc xã hội hóa đạo đức chung cho trẻ là rất lớn. Phật giáo coi trọng sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ em trừ khi xã hội loài người không còn tồn tại trong tương lai. Do đó, bài nghiên cứu đang tìm ra một tiêu chí nổi bật để chuẩn bị cho trẻ em một xã hội bền vững theo Phật giáo. Nghiên cứu này dựa trên các nguồn tham khảo chính và phụ. Kho tàng Kinh điển Pāli và các bản chú giải được giới thiệu dưới phần nguồn tham khảo chính; sách, tạp chí học thuật và bài báo, các nguồn internet tin cậy được giới thiệu ở nguồn tham khảo phụ.
- GIỚI THIỆU
Trẻ em là tương lai và được dành sự quan tâm nhiều trong thế giới hiện đại. Trẻ em được coi là người chưa có trách nhiệm, có sự tò mò muốn tìm hiểu môi trường xung quanh. Trẻ em thường có ít quyền hơn người lớn và được cho là không thể đưa ra quyết định nghiêm túc, xét về mặt pháp lý phải luôn được chăm sóc bởi cha mẹ hoặc người lớn có trách nhiệm. Việc công nhận thời thơ ấu khác với tuổi trưởng thành bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 16 và 17. Xã hội bắt đầu coi trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ mà là một người ở mức độ trưởng thành thấp hơn cần sự bảo vệ, tình yêu và sự nuôi dưỡng của người lớn. Do đó, xã hội văn minh cung cấp một nền giáo dục đúng đắn cho trẻ em với mục đích chuẩn bị cho một tương lai bền vững. Hệ thống giáo dục trẻ em hiện nay dường như đang có vấn đề xét về tính nhân văn của thế hệ trẻ hiện tại. Ví dụ, vài ngày trước tại Sri Lanka, đứa trẻ 16 tuổi đã sát hại một người bạn cùng lớp do ghen tuông. Năm ngoái, ở Kashmir, cô bé 9 tuổi bị mẹ kế và con riêng cưỡng hiếp và hành hạ. Ở bang Florida, Alex King, 12 tuổi và Derek King, 13 tuổi, đã giết cha của mình là Terry King. Do đó, hệ thống giáo dục trẻ em cần được phát triển hơn so với hiện tại. Bài nghiên cứu này nhằm tìm hiểu liệu chúng ta có thể giới thiệu một hệ thống giáo dục thành công phù hợp với Phật giáo vì một xã hội bền vững, một tương lai tươi sáng cho trẻ em cũng như toàn nhân loại.
- VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Vấn đề nghiên cứu của bài viết là liệu chúng ta có thể giới thiệu một lý thuyết giáo dục trẻ em mới cho hệ thống giáo dục trẻ em hiện đại phù hợp với Phật giáo hay không và hệ thống giáo dục Phật giáo có thể áp dụng theo hướng tích cực như thế nào vào hệ thống giáo dục trẻ em.
- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đây là một nghiên cứu định tính dựa trên các nguồn tham khảo chính và phụ. Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda Pāli), các bài chú giải được giới thiệu dưới các nguồn chính. Các nguồn internet tin cậy, bách khoa toàn thư, tạp chí học thuật và các ấn phẩm liên quan đến chủ đề nghiên cứu được tham khảo như các nguồn phụ.
- GIẢ THIẾT
Có nhiều lý thuyết và phương pháp giáo dục trong Phật giáo có thể được áp dụng cho hệ thống giáo dục trẻ em hiện nay.
- THẢO LUẬN
Vai trò giáo dục trẻ em phức tạp hơn đối với người lớn. Đơn giản, giáo dục trẻ em có hai phần là giáo dục mầm non và giáo dục tuổi ấu thơ. Trong thời kỳ giáo dục mầm non, trẻ có khả năng ngôn ngữ và trực tiếp giao tiếp với gia đình và các thành viên trong môi trường xung quanh. Trẻ thậm chí coi những con thú độc là bạn cho đến khi được trải nghiệm chúng là kẻ thù của mình. Vai trò chính của giáo dục trẻ em được thực hiện bởi các trường học hoặc các tổ chức giáo dục khác. Do đó, hệ thống giáo dục hiện đại giới thiệu nhiều lý thuyết cho sự phát triển giáo dục cho trẻ trong những thời kỳ này. Một số quốc gia cũng như Sri Lanka, Thái Lan, Brazil, vv cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em theo lý thuyết giáo dục châu Âu. Ở đây, vấn đề là mặc dù họ sử dụng các lý thuyết giáo dục châu Âu, kết quả trẻ em vẫn có vấn đề do tập trung nhiều vào việc thu thập dữ kiện để xếp trẻ theo từng cấp độ kiến thức. Trong giáo dục Phật giáo cũng như nhiều hệ thống giáo dục, người ta nhấn mạnh đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần với giáo dục nhân văn. Có kiến thức mà không có tâm hồn và có tâm hồn mà không có kiến thức sẽ mang đến những bất lợi vô cùng lớn cho một xã hội bền vững.
Do vậy, Phật giáo nhấn mạnh trách nhiệm giáo dục mầm non trong gia đình của trẻ. Cha mẹ ghi dấu ấn rất lớn đối với đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ. Trong Phật giáo, Kinh Angulimāla Paritta nổi tiếng (Trung A Hàm: PTS: 2.102) sử dụng cho người mẹ mang thai đã được Tỳ kheo Angulimāla đọc tụng. Kinh này là tuyên bố nhắc nhở bản thân sống chính đáng không bao giờ làm tổn thương bất kỳ sự sống nào sau khi Ngài quy y. Đây chính là sự chuẩn bị trước cho việc giáo dục đạo đức cho trẻ khi còn ở trong bụng mẹ.
Khi cha mẹ có trách nhiệm hơn trong giáo dục mầm non, Phật giáo dạy rằng vai trò của cha mẹ như là Brahma (Phạm Thiên) và Pubbācariya (là tiên sư, những giáo viên đầu tiên). (Tăng Chi Bộ Kinh: PTS: 1.131). Bản chú giải mô tả cha mẹ là Brahma (Phạm Thiên) với Tứ Vô lượng tâm - Từ (Mettā), Bi (Karuṇā), Hỷ (Muditā) và Xả (Upekkhā). (Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh: PTS: 2.203). Tiếp đến, cha mẹ cần nuôi dưỡng và bảo vệ con cho đến khi con có mức hiểu biết nhất định. Thứ nhất, cha mẹ cần có ý nguyện này và nắm rõ con trước khi bắt đầu sự nghiệp giáo dục. Thứ hai, cha mẹ cần bắt đầu giáo dục con trong hành vi. Bản chú giải thể hiện rằng, cha mẹ cần dạy con cách ngồi; đứng; đi; ngủ; ăn; uống (Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh: PTS: 2.203). Trong quá trình dạy dỗ, họ phải phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cho con. Khi đứa trẻ phát ra âm thanh- ngoại trừ tiếng khóc, cha mẹ cần bắt đầu dạy những từ chính như cha, mẹ, chị, em, v.v. và cả tên mình. (Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh: PTS: 2.203). Trong quá trình này, trẻ sẽ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và sau đó sẽ bắt đầu nói những từ và câu thích hợp. Như đã trình bày ở trên, trẻ rất tò mò tìm hiểu về thế giới xung quanh. Khi bắt đầu nói được, trẻ sẽ đặt câu hỏi cho bố mẹ để giải quyết sự tò mò của mình. Ở đây, cha mẹ có trách nhiệm phải cung cấp câu trả lời thích hợp để trẻ hiểu biết thế giới. Do đó, Phật giáo chỉ ra ba nhiệm vụ chính đối với cha mẹ trong sự nghiệp giáo dục mầm non là,
Chăm sóc - Apādakā
Nuôi dưỡng - Posakā
Giới thiệu con cái vào đời - Ime loke dassetāra
(Tăng Chi Bộ Kinh: PTS: 1.131)
Trong Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singālovada Sutta), Đức Phật phân loại xã hội thành sáu cặp mối quan hệ như cha mẹ-con cái, thầy-trò, chồng-vợ, v.v ... Mỗi cặp có nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành để góp phần cho sự tốt đẹp của xã hội. Theo Kinh này(1), cha mẹ có năm bổn phận đối với con cái, bao gồm: giáo dục đạo đức, bảo vệ con cái khỏi cái ác và dạy chúng sống trong đức hạnh (Trường Bộ Kinh: PTS: 3.188). Trong triết học Phật giáo, Đức Phật nêu ra một số tiêu chí để đánh giá thế nào là thiện và bất thiện. Đơn giản nếu một hành động có hại cho bản thân và cho người khác thì được coi là bất thiện hoặc xấu xa. Mặt khác, nếu hành động không gây hại cho bản thân và cho những người khác thì được coi là thiện hoặc chính đáng. Ở đây, cha mẹ cần có khả năng đưa ra đánh giá đúng đắn cho con trong sự nghiệp giáo dục đạo đức. Tương tự, Phật giáo cũng cho thấy bổn phận đầu tiên của cha mẹ là giáo dục đạo đức và họ phải giáo dục tốt cho con. Trong triết học giáo dục phương Đông, thậm chí, người mẹ và người cha được coi là kẻ thù của trẻ nếu họ không giáo dục đúng đắn cho con cái. Ở đây, giáo dục đạo đức cũng là một trách nhiệm lớn của cha mẹ.
Trong thời hiện đại, đa phần giáo dục trẻ em do các trường học hoặc tổ chức giáo dục thực hiện, Phật giáo dạy rằng người thầy đóng vai trò chính trong giáo dục trẻ em. Do đó, cha mẹ nên cho con đến các trung tâm đào tạo này. Người thầy có thể ảnh hưởng rất lớn đến
1 Năm bổn phận dành cho cha mẹ đối với con cái: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con (Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt,
Hà Nội: NXB tôn giáo 2013, tr 628 (ND)
đời sống của học trò. Khi ta xem xét tiểu sử của Tôn giả Angulimāla, từ một học trò không làm hại ai đã bị người thầy biến thành kẻ giết người và từ một kẻ giết người như vậy lại được một người thầy cảm hóa thành kẻ vô tội. Do đó, trong sự nghiệp giáo dục trẻ em, có năm bổn phận của thầy đối với trò: Năm bổn phận của thầy đối với học trò: hướng dẫn kỹ lưỡng và tỉ mỉ, dạy dỗ cho trẻ tiếp thu tốt, truyền hết mọi kỹ năng, khen học trò trước các bạn trong lớp và đồng nghiệp, đảm bảo an toàn mọi mặt cho trẻ (Trường Bộ Kinh: PTS: 3.188). Mặt khác, học trò có bổn phận: kính cẩn chào đón thầy cô, chờ đợi thầy cô đến lớp, ngoan ngoãn vâng lời, tự thân phục vụ, nghiêm túc học tập (Trường Bộ Kinh: PTS: 3.188). Do đó, Phật giáo thể hiện cấu trúc của giáo dục trẻ em chủ yếu là sự hướng dẫn của thầy cô giáo trong bối cảnh tôn trọng giữa thầy và trò.
Xét về việc chuẩn bị cho trẻ một xã hội bền vững, Phật giáo có các phương pháp có hiệu quả và thiết thực. Có lần Tôn giả Ānanda, người được biết đến như là báu vật của giáo pháp đã quy y cho hai đứa trẻ. Vào thời điểm đó, chúng bị lạc đường và phải đi xin ăn mà không có được tình yêu thương của người bảo trợ. Hai đứa trẻ bơ vơ đang khóc trên đường khi Tôn giả Ananda nhìn thấy. Ngay sau đó, do tình thương phát sinh từ trái tim, Tôn giả Ananda đã được Đức Phật cho phép quy y cho hai đứa trẻ này. Ở đây nếu trẻ em không có người giúp đỡ, đã có chút hiểu biết về hành động, có thể đuổi một con quạ khỏi bát ăn xin thì chúng có đủ điều kiện để tham gia vào Phật giáo. Theo ý kiến riêng của tôi ở trường hợp này, Phật giáo là nơi tốt nhất cho cả giáo dục tinh thần và kiến thức cho những trẻ em không nơi nương tựa.
Tình yêu thương, sự bảo vệ là rất cần thiết trong giáo dục trẻ em và Phật giáo cũng dạy về điều này. Như trong kinh đề cập, thầy của chú tiểu mới- như người cha tinh thần - cần chăm sóc chú giống như một người cha chăm sóc đứa con của mình (Đại Phẩm - Mahāvaggapāli: PTS: 1.45). Các nhà tâm lý học hiện đại định nghĩa trẻ em là người chưa có trách nhiệm, Phật khuyên chú tiểu mới, nếu không được người cha tinh thần cho phép thì không được quan hệ với người ngoài. Là người cha tinh thần coi trò của mình như con, thầy cần cung cấp tất cả các nhu cầu cũng như hướng dẫn trò đến con đường tối thượng. Trẻ nhỏ tạo ra nhiều hành vi sai trái là do nhu cầu không được đáp ứng. Ngay cả sự nghiệp giáo dục của trẻ, nếu chúng được đáp ứng các nhu cầu tối thiểu thì khó có thể tiếp tục quá trình học tập.
Phật giáo cho rằng năng lực tâm trí của trẻ con thấp hơn người trưởng thành. Do đó, các quy tắc kỷ luật đối với trẻ là ít hơn. Ở đây, Phật giáo chấp nhận sự tự do mà không đặt quy tắc và quy định quá mức cho trẻ em. Phương pháp tối thắng nhất là để trẻ học tập trong sự thoải mái. Nếu đứa trẻ phải kiếm tiền, phải làm việc, phải phục vụ hoặc chăm sóc người thân, cha mẹ thì đó là rào cản lớn cho việc học hành. Khi biến cố xảy ra ở Sri Lanka, Rizana Nafeek đã rời khỏi đất nước để đi làm ở Ả Rập Saudi khi thực tế mới dưới mười tám tuổi và hộ chiếu của em đã bị thay đổi. Em phải làm giúp việc nhà là chăm sóc một bé bốn tháng tuổi, bé đã chết trong thời gian Nafeek chăm sóc. Nafeek cho rằng bé đã bị nghẹn bình sữa trong khi bú. (Ủy ban Nhân quyền Châu Á: 2007). Em đã bị chặt đầu năm 2013 mặc dù có kháng cáo của chính phủ Sri Lanka. Điều này thể hiện rõ trẻ em chưa chịu trách nhiệm được và cần có người lớn giám hộ. Quá nhiều các quy tắc và quy định, căng thẳng và áp lực làm việc quá lớn sẽ làm lệch hướng không chỉ trong sự nghiệp giáo dục trẻ mà còn trong suốt cuộc đời của trẻ.
Như trong lý thuyết giáo dục của Kohlberg, ở cấp độ giáo dục ban đầu, trẻ em phải áp dụng hình phạt để vâng lời. Tương tự, Phật giáo cũng dạy về bản chất của hình phạt đối với đứa trẻ (được gọi là chú tiểu). Ở đây, đặc điểm cụ thể của Phật giáo là không bao giờ đánh trẻ hoặc không cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho chúng. Đại Phẩm Mahāvaggapāli (PTS: 1.84) dạy rằng nếu chú tiểu không vâng lời hoặc không giữ giới thì phải bị phạt. Ở đây chúng ta nên nhớ rằng những hình phạt này không vô nhân đạo. Đơn giản chỉ là không cho phép gần thầy cho đến khi trò biết phục thiện, hoặc quét nhà ở, v.v ... Ngay khi trẻ tự thấy được lỗi của mình và sửa đổi, trẻ sẽ có được thời gian để biết lỗi của mình và tiếp tục công việc thường lệ. Phật giáo hoàn toàn phản đối việc phạt trẻ bằng cách đánh đập, quát mắng hoặc chạm vào cơ thể. Hình phạt không phải là lựa chọn đầu tiên khi trẻ mắc lỗi. Trước tiên, người thầy phải khuyên nhủ và sau đó, lựa chọn cuối cùng mới là đưa ra hình phạt có xem xét đến khả năng chịu đựng và lỗi của trẻ. Toàn bộ quá trình cần được thực hiện với sự từ bi rất lớn trong mục đích giáo dục trẻ về đạo đức trong trường học.
Không còn nghi ngờ gì là giáo dục trẻ con khó khăn hơn giáo dục người lớn. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lý thuyết Phật giáo có thể được áp dụng để nâng cao hệ thống giáo dục trẻ em hiện đại. Theo nhận diện trong giáo dục, bản chất của tâm là rất quan trọng. Tâm xấu làm cản trở các hoạt động thông minh của trí. Theo Phật giáo, tâm quá tham (lobha), quá sân (dosa) và quá si (moha) là những tâm xấu chính. Ngoài các tâm này còn có nhiều các tâm xấu khác trong đạo Phật, chúng là kết quả của những tâm tham, những mong cầu gây ra chướng ngại. Chúng được gọi là tâm xấu hoặc hành xấu. Theo đó, tâm của trò như một đài phun nước của các tánh. (Weerasinghe: 1980: 44). Bản chất này của tánh làm ảnh hưởng đến sự vận hành thanh tịnh và đúng đắn của tâm. Nó sẽ không hiệu quả với bản thân cũng như xã hội. Tâm trí tập trung sẽ giúp tránh tánh xấu cho bản thân hoặc cả cho toàn xã hội. Để kiểm soát tâm, Phật giáo giảng về thiền. Có hai hình thức thiền được gọi là thiền định (Samatha) và thiền quán (Vipassanā). Thiền định rất cần trong giáo dục trẻ em vì nó giúp cho tâm trí được tĩnh lặng. Thiền định tập trung toàn bộ tâm trí vào một đối tượng cụ thể mà không cho phép tâm phóng dật. Thiền định cũng có thể được gọi là thiền “nhất tâm”.
Quán chiếu các đối tượng của tâm (quán niệm pháp) (Kinh Trung Bộ: PTS: 1.61) hoặc xem xét trạng thái tâm được cho là thiền định của trí thông minh và lĩnh vực chủ quan của Đại đức Walpola Rahula. Ngoài ra việc học, đọc, thảo luận, phê bình cũng được bao gồm trong thiền quán. (Rahula: 1978: 74-75). Thiền quán niệm pháp ở đây rất hữu ích cho việc ghi nhớ. Ở mục Đạt bảy yếu tố giác ngộ (Bojjhaṃgha pariggahaṇa) ở quán niệm pháp rất thích hợp trong quá trình giáo dục.
Ở đây, các loại thiền sử dụng trí tuệ hiểu biết được bao gồm trong Thất Giác Chi. Khi chúng ta áp dụng được bảy chi phần này sẽ thấy rõ ích lợi của nó đối với quá trình học tập.
Niệm giác chi (Sati sambojjhaṃga)
Nghĩa là mọi hoạt động liên quan đến cả thể xác và tinh thần, đều phải làm trong chánh niệm
Trạch pháp giác tri (dhamma vicaya sambojjhaṃga)
Thảo luận, đọc và quan sát từng đối tượng Tinh tấn giác chi (viriya sambojjhaṃga)
Sự can đảm, tập trung thực hành với quyết tâm cao.
Hỷ giác chi (pīti sambojjhaṃga)
Như tục ngữ có câu, “hãy sống vui vẻ và bạn sẽ là vua”. Tập trung vào quá trình học tập mà không bị lo lắng, đau buồn.
Khinh an giác chi (passaddhi sambojjhaṃga)
Nói về sự tĩnh lặng của tâm trí và thể xác. Định giác tri (samādhi sambojjhaṃga) Diễn tả sự tập trung tâm trí.
Xả giác chi (upekkhā sambojjhaṃga)
Mô tả các cách buông xả, đối mặt với mọi kết quả tốt hoặc xấu của cuộc sống mà không phải lo lắng và đau khổ
(Trung Bộ Kinh: PTS: 1.61)
Thông qua bảy yếu tố trên, quá trình giáo dục học sinh sẽ thành công hơn và chắc chắn có thể tạo ra một nhân cách hoàn hảo. Phương pháp thiền khác có thể áp dụng là thiền về trạng thái vô lượng (appamañña), nghĩa là trải rộng tới tất cả chúng sinh bốn đề mục vô lượng tâm - niệm rải tâm từ (mettā), niệm rải tâm bi (karuṇa), niệm rải tâm hỷ (Muditā) và niệm rải tâm xả (upekkhā). Bốn đề mục này sẽ giúp mở rộng mong đợi và trò có thể học tốt hơn nhờ việc từ bỏ sự hận thù, trả thù, cạnh tranh và ghen tị, từ đó có thể đạt được mục tiêu xa hơn. Bằng cách loại bỏ những thói xấu một cách hiệu quả, học sinh có thể hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình và sau đó có thể thực hành để đối mặt với thành công cũng như thất bại. Kết quả cụ thể của việc này là hoàn thành giáo dục trẻ em không chỉ trong học vấn mà còn trong đạo đức của trẻ. Những hành vi sai trái nghiêm trọng của trẻ như giết người, hiếp dâm v.v... sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ và xã hội tương lai sẽ tốt đẹp hơn khi làm theo những giáo lý đạo Phật.
Thầy không thể đánh giá được tâm tính của trò qua vẻ bên ngoài mà phải qua hành vi. Bên cạnh đó, thầy có trách nhiệm tìm hiểu nền tảng kinh tế xã hội của trò. Ở đây, nền tảng gia đình của trò rất quan trọng, ví dụ như trình độ văn hóa của cha mẹ, mâu thuẫn gia đình, có cha mẹ nghiện ngập không. Thầy thực sự không thể ngay lập tức có thể biết mức độ nghiêm trọng học sinh phải đối mặt với những cảm xúc tinh thần hoặc hoàn cảnh gia đình bạo lực. Đôi lúc trẻ sống với bố mẹ không yêu thương mình. Vì vậy, người thầy có nhiệm vụ rất lớn trong sự nghiệp giảng dạy và phải chịu trách nhiệm cao. Đó là công việc làm đều đặn và không đơn giản. Vì vậy, người thầy phải chuyên tâm trong sự nghiệp giảng dạy và phải xác định nền tảng gia đình của học sinh. Thầy cần có sự tương tác cá nhân với hoàn cảnh sống, tình trạng gia đình của trò và đặc biệt là về việc nuôi dạy con cái của phụ huynh. Một nền tảng gia đình hay cãi cọ, cha mẹ nghiện ngập và ngoại tình là những nỗi đau tinh thần ảnh hưởng đến quá trình học tập. Học trò sinh ra trong những gia đình này bị lo lắng, ức chế và đôi khi bị trầm cảm. Vì vậy, áp lực tâm lý khiến trẻ không có nền tảng vững chắc để học tập. Thực tế, đây là một yếu tố nghiêm trọng khiến việc học hành tụt hậu. Nó đặc biệt ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Chúng ta cần biết làm thế nào Đức Phật đã giúp đỡ những người bị rơi vào tình trạng tâm trí như vậy. Có một trường hợp xảy ra với Kisāgotamī. Tâm bà đã bị đau khổ cùng tận vì cái chết của con trai mình. Vì yêu quý con trai hơn cả cuộc đời mình, bà đã bế đứa con trai đã khuất của mình để tìm một vị thầy thuốc. Khi bà tìm đến Đức Thế tôn, Ngài đã an ủi và nói rằng con bà sẽ được chữa nếu bà mang đến một nhúm hạt cải từ một ngôi nhà chưa từng có ai bị chết. Kisāgotamī bắt đầu chạy đi tìm một nắm hạt cải hy vọng tìm thấy nhà không có ai chết. Bà chạy từ nhà này sang nhà khác nhưng không thể tìm thấy một ngôi nhà nào không có người từng chết. Thông điệp mà bà nhận được ở các nhà đã đến là cha, mẹ, con trai hoặc một trong những người thân của họ đã chết. Cuối cùng Kisāgotamī nhận thức được cuộc sống là gì. Mọi chúng sinh đều phải chết và sự sống là vô thường. Kisāgotamī đã hiểu và chôn xác của đứa con trai đã chết trong một nghĩa địa, đến tìm Đức Phật và trở thành một tỳ kheo ni. (Dhammapadhṭṭhakāthā: PTS: 2.270). Ở đây, Đức Phật đã khai sáng Kisāgotamī thông qua việc để bà nhận ra chân lý bằng kinh nghiệm của chính mình và đây là một phương pháp tuyệt vời cho hệ thống giáo dục trẻ em cũng như để áp dụng trong hệ thống giáo dục hiện đại.
Phương pháp thảo luận là một triết lý giáo dục mà Đức Phật đã sử dụng. Một lần Đức Thế Tôn đã mặc cả với Tôn giả Nan đà. Khi Tôn giả Nan đà còn là hoàng tử sống thế tục, Ngài đã yêu Janapada Kalyāṇi và vì điều đó sau khi xuất gia, tâm ngài vẫn bị vướng bận. Vì vậy, một ngày Ngài Nan Đà được Đức Thế tôn dẫn lên thiên đàng. Trên đường đi, họ nhìn thấy một con khỉ cái bị cháy, Ngài Nan Đà đã say mê nhìn các tiên nữ trên thiên đường. Khi Đức Phật hỏi Nan đà: Hai người nữ này con thích ai hơn, Janapada Kalyāṇi hay tiên nữ. Lúc đó Tôn giả Nan Đà trả lời: Thưa Đức Thế Tôn làm sao con lại so sánh Janapada Kalyāṇi với tiên nữ được, cô ấy giống như con khỉ cái bị cháy một nửa mà chúng ta đã thấy. Vấn đề thảo luận của Đức Phật ở đây là đồng ý cho Nan Đà có được tiên nữ đẹp nhất sau khi hoàn thành thiền định và đạt được mục đích tối thượng. Cuối cùng, do muốn có được tiên nữ đẹp nhất, Tôn giả Nan Đà đã thiền định và đạt được Niết Bàn. (Dhammapadhṭṭhakāthā: PTS: 1.118).
Trong câu truyện lưu truyền Phật giáo nổi tiếng, có con trai của trưởng lão Anātapiṇdika tên là Kāla không thích đến nghe Đức Phật giảng pháp. Trưởng lão Anātapiṇdika, người thí chủ rất thân thiết của Đức Phật đã rất đau khổ vì con trai ông không có dấu hiệu mộ đạo. Sau đó, Anātapiṇdika đã hứa với con trai mình là “Nếu con đến nghe Phật giảng, ba sẽ cho con một ngàn đồng và ngày đầu tiên Kāla đã được lĩnh số tiền này. Ngày hôm sau Anatapiṇika nói với con trai, “Nếu con học thuộc một câu kinh Phật, ba sẽ cho con thêm một ngàn”, để có được một ngàn đồng, Kāla đã đến chùa vào ngày hôm sau để học một câu kinh duy nhất. Đức Phật biết điều này và giữ không để Kala học thuộc một câu kinh nào cho đến khi kết thúc khóa giảng. Thế là Kāla không thể ghi nhớ dù chỉ một câu kinh cho đến khi kết thúc bài giảng pháp và cuối cùng, ngài đã đắc quả Nhập Lưu (Sotāpanna) và từ chối tiền thưởng của cha. (Malalasekara: 1960: 571-572).
Qua các câu truyện trên, Phật giáo đã áp dụng phương pháp thảo luận nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Tuy nhiên ở đây phương pháp này được sử dụng cho những học sinh đặc biệt và giáo viên cần có khả năng nhận diện ra loại học trò đó.
Phương pháp thảo luận cũng là một phương pháp hiệu quả trong giáo dục trẻ em. Đôi khi còn hoàn hảo hơn là phương pháp giảng giải. Đức Phật thường có những cuộc nói chuyện, trao đổi thân thiện với những người đến thăm Đức Thế Tôn. Vì vậy, tất cả những người đến thăm đều có cuộc trao đổi thân thiện trực tiếp với Đức Phật. Trong quá trình dạy và học cần có sự thân thiện giữa thầy và trò. Qua các cuộc trao đổi thân mật, thầy có thể phát hiện, gợi mở được những ý tưởng và suy nghĩ quý giá từ học trò. Qua trao đổi cởi mở, thầy có thể thấy các phản ứng cũng như khả năng và trí thông minh của trò.
Vì vậy, phương pháp trao đổi thân thiện rất hiệu quả để truyền đạt kiến thức giữa thầy và trò. Nhiều người khi rơi vào trạng thái tâm lý xấu, lo lắng, kìm nén và có các vấn đề gia đình đã đến thăm và chuyện trò với Đức Phật, sau đó họ ra về với sự bình an hơn rất nhiều. Vì vậy, trao đổi là một phương pháp học tập rất hữu ích.
Có lần vua Kosol rất tức giận vì sinh con gái. Với tâm trí thất vọng, vua Kosal miễn cưỡng đến thăm Đức Phật và nói rằng ông rất buồn khi sinh con gái. Đức Phật đã có một cuộc trò chuyện thân mật với vua Kosol và khiến ông hiểu rằng phụ nữ là người rất có giá trị đối với sự tồn tại của loài người trên thế giới. Sự cân bằng của cả nam và nữ sẽ đáp ứng tốt cho xã hội. (Saṃyuktanikāya: PTS: 1.85) Các cuộc nói chuyện, thảo luận và tương tác gần gũi rất hiệu quả vì chúng giúp hai bên hiểu các phẩm chất, tài năng của nhau và cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc trò chuyện, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm bổ sung thêm những kiến thức chưa biết và là một phương pháp hiệu quả trong giáo dục trẻ em.
Trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều phương pháp hiệu quả có thể được sử dụng để dạy học. Phương pháp đặt câu đố là một trong số đó. Đó là một phương pháp dạy tiếp nối. Phương pháp đặt câu đó đã được sử dụng trong nhiều các câu truyện Phật giáo và có thể áp dụng cho hệ thống giáo dục trẻ em.
Có lần hoàng tử Baddhavagiya (Mahāvaggapāli: PTS: 1.22) dành một ngày vui vẻ với gái điếm, nhưng ngày vui bị kết thúc vì hoàng tử bị mất nhiều tài sản giá trị do bị gái điếm ăn trộm. Trên đường đi tìm các báu vật, họ thấy Đức Phật ngồi dưới bóng cây trên đường đến vườn bách thảo, Ngài đang ngồi thiền với sự bình thản và tĩnh lặng. Các hoàng tử đến thăm Đức Phật và hỏi về những người phụ nữ đã đánh cắp tài sản của họ. Đức Thế Tôn yêu cầu họ tự tìm hiểu bản thân thay vì đi tìm kiếm những phụ nữ. Câu trả lời khó hiểu này khiến các hoàng tử phải suy nghĩ sâu sắc. Tâm trí họ trở nên rối loạn và họ mong muốn tìm hiểu thực tế cuộc sống. Cuối cùng, để thỏa mãn mục tiêu của mình, họ đã trở thành đệ tử của Đức Phật.
Tương tự, phương pháp bắt buộc, phương pháp đưa thái độ hiện đại vào khái niệm truyền thống, phương pháp giảng dạy theo nhóm hoặc giáo dục hợp tác, phương pháp truyền đạt, sử dụng các phương tiện nghe nhìn cũng được sử dụng trong hệ thống giáo dục trẻ em theo Phật giáo.
- KẾT LUẬN
Với chủ đề trẻ em là tương lai, cần chuẩn bị cho trẻ em có khả năng đối mặt với tương lai với mục đích xây dựng một xã hội bền vững. Hệ thống giáo dục hiện đại sử dụng nhiều phương pháp khoa học để thực hiện mục đích này, tuy nhiên trí tuệ là chưa đủ nếu không có tâm linh. Do đó, Phật giáo đóng vai trò là tôn giáo duy trì sự phát triển tâm linh cũng như phát triển trí tuệ đã giới thiệu các lý thuyết giáo dục hiệu quả. Phật giáo tập trung nhiều đến một xã hội lý tưởng bền vững và trẻ em đóng vai trò chính trong đó. Do đó, chúng ta có thể thấy hệ thống giáo dục trẻ em được chia thành giáo dục mầm non và giáo dục tuổi ấu thơ tương tự như hệ thống giáo dục hiện đại. Theo Phật giáo, giáo dục mầm non là trách nhiệm của gia đình và cha mẹ. Giáo dục mầm non bắt đầu khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ. Vai trò chính của gia đình là nuôi dưỡng và dạy ngôn ngữ cho trẻ. Đồng thời, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cha mẹ là dạy trẻ biết về thế giới và giáo dục đạo đức. Giáo dục tuổi ấu thơ được bắt đầu khi đứa trẻ đã lớn và đã trải qua giáo dục mầm non. Các tổ chức giáo dục và giáo viên đóng vai trò chính trong giai đoạn này. Tuy nhiên, thầy có năm bổn phận đối với trò bên cạnh việc giáo dục trí tuệ và đạo đức. Do trẻ em con nhỏ, chưa có trách nhiệm và có sự tò mò cao, gia đình và thầy giáo cần thường xuyên quan tâm đến trẻ. Phật giáo không cho phép đặt ra quy tắc và quy định quá mức nhưng chấp nhận có hình phạt để hướng dẫn dạy dỗ trẻ. Tuy nhiên, các hình phạt không được vô nhân đạo và thậm chí không được chạm vào cơ thể và ảnh hưởng đến tinh thần trẻ mà nhằm để trẻ nhận ra lỗi của mình. Đặc điểm cụ thể trong hệ thống giáo dục trẻ em là thiền định. Việc quán chiếu về các đối tượng của tâm áp dụng pháp Thất Giác Chi có tác dụng tích cực đến sự hiểu biết của trẻ trong sự nghiệp học tập của mình. Tương tự như vậy, thiền về Tứ Vô Lượng Tâm sẽ nâng cao đạo đức và chuẩn bị tâm lý cho trẻ bất kỳ thử thách nào phải đối mặt trong tương lai. Phật giáo nhấn mạnh người thầy cần có hiểu biết đúng đắn về trẻ trước khi giảng dạy. Từ đó, thầy có thể xác định phương pháp giảng dạy phù hợp. Phật giáo có các phương pháp giảng dạy khác nhau để trẻ có tương lai tốt đẹp như phương pháp trao đổi, phương pháp thảo luận, phương pháp đặt câu đố. Tất cả các phương pháp này nên áp dụng sau khi đã hiểu rõ về trẻ và có tình thương yêu và lòng từ bi lớn lao đối với trẻ. Do đó, rõ ràng có rất nhiều lý thuyết và phương pháp giáo dục trong Phật giáo áp dụng được cho hệ thống giáo dục hiện tại nhằm mục đích chuẩn bị xây dựng cho trẻ em một xã hội bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguồn tham khảo chính
Bộ Tam Tạng Kinh (Chatta sattha sangayana Tipitaka series) Nguồn tham khảo phụ
Archard, David (2004) Children: Rights and Childhood. London: Routledge.
Ariès, Philippe (1962) Centuries of Childhood. New York: Random House.
Baylis, Françoise and Carolyn McLeod (eds.) (2014) Family- Making: Contemporary Ethical Challenges. Oxford: Oxford University Press.
Blustein, Jeffrey (1982) Parents and Children: The Ethics of the Family. New York: Oxford University Press.
Brighouse, Harry and Adam, Swift (2014) The Ethics of Parent- Child Relationships. Princeton: Princeton University Press.
Bruner, Jerome (1996) The Culture of Education. Cambridge: Harvard University Press
De silva, padmasiri (1973) Buddhist and Freudian psychology.
Colombo: Lake house investment Ltd.
Donaldson, Margaret (1978) Children”s Minds. Glasgow: Fontana.
Feinberg, Joel (1980) “The Child”s Right to an Open Future,”
W. Aiken and H. LaFollette (eds.), Whose Child? Children”s Rights, Parental Authority and the State. Totowa, New Jersey: Rowman & Littlefield.
Gelman, Susan (2003) The Essential Child: Origins of Essentialism in Everyday Thought. New York: Oxford University Press.
Gopnik, Alison (2009) The Philosophical Baby. New York: Farrar, Straus and Giroux
Kagan, Jerome, and Sharon Lamb, (eds.) (1987) The Emergence of Morality in Young Children. Chicago: University of Chicago Press.
Kohlberg, Lawrence (1981) Essays on Moral Development (Volumes I and II). San Francisco: Harper & Row.
Malalasekera, G.P. (1960) Dictionary of Pāli Proper Names Vol
-1. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.
Rahula, Walpola (1978) What Buddha Taught. London: Gordon Fraser Gallery Ltd.
Ryle, Gilbert (1969) The concept of mind. London.
“SAUDI ARABIA/SRI LANKA: WORLD/SRI LANKA: An
appeal for continuous intervention with the Saudi Arabian authorities on Rizana Nafeek’s case”. Asian Human Rights Commission. 11 December 2007. Retrieved 11 January 2013.
Weerasinghe, Henry (1980) Bawudya Adyapana Lipi. Rajagiriya: Udaya Publishers.