19
VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH CÙNG CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO TOÀN CẦU PHẤN ĐẤU CHO MỘT THẾ GIỚI YÊN BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG(1)
Vũ Khoan(2)
Thật là vinh dự lớn đối với tôi được tham dự sự kiện văn hóa mang tầm cỡ toàn cầu, Đại lễ Vesak LHQ 2019. Hơn thế nữa, tôi lại được mời phát biểu tại Diễn đàn cao quý này bàn về chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” (Buddhist Approach to Global Leadership and Shared Responsibilities for Sustainable Societies).
Mỗi người Việt Nam chúng tôi đều cảm thấy rất hãnh diện khi nước Việt Nam lần thứ ba được đăng cai Đại lễ Vesak LHQ – một sinh hoạt cực kỳ quan trọng không những của cộng đồng Phật giáo mà còn của toàn thế giới. Vinh dự này thể hiện sự tín nhiệm của Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng Phật giáo toàn cầu dành cho nhân dân Việt nam và GHPGVN vì những đóng góp không mệt mỏi vào nỗ lực chung của nhân loại phấn đấu cho hòa bình lâu dài trên thế giới, sự an lạc của mọi người, sự hợp tác bình đẳng giữa mọi quốc gia vì một xã hội bền vững.
Đại lễ Vesak LHQ 2019 nhóm họp vào thời điểm thế giới trải qua nhiều biến động mà Giáo sư S.R Bhatt từ Ấn Độ đánh giá là:
Phát biểu ngay trong phiên khai mạc tại Hội thảo quốc tế nhân Đại lễ Vesak LHQ 2019 được GHPGVN tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Tam Chúc, Hà Nam, ngày 12- 14/5/2019
- Cựu Phó thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
“Chúng ta đang trải qua một thời kỳ đầy thử thách của sự giành giật giữa những khả năng tốt nhất và những khả năng xấu nhất” (We are passing through a critical period struggling between best posibilities and worst posibilities). Hoàn toàn đồng cảm với nhận xét trên, tôi xin mạn phép mô tả thực trạng ngày nay là “sự giành giật giữa những điều thiện và điều ác, giữa cái tốt và cái xấu”.
Nghịch cảnh của thế giới là trong khi trình độ phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế đạt tới nhiều đỉnh cao chưa từng thấy, cuộc sống vật chất của con người ngày càng đủ đầy thì lòng người lại không yên, những biểu hiện vô minh (Aviya) ngày một nhiều. Nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, các tệ nạn xã hội không ngừng gia tăng; những mối hiểm họa truyền thống và phi truyền thống ngày một nhiều; mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang, những hành động khủng bố đẫm máu diễn ra liên tục, nhiều thảm họa nhân đạo bùng phát; môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng; dịch bệnh rình rập mọi nơi, mọi lúc…
Vậy điều gì đã đưa tới những biểu hiện đáng ngại trên? Phải chăng những gì đang diễn ra chung quy lại đều thể hiện mối quan hệ nhân – quả giữa phát triển và nhu cầu bền vững? Cuộc chạy đua phát triển kinh tế bằng mọi giá, không tính đến sự công bằng xã hội và môi trường sinh thái đã đào sâu thêm hố ngăn cách giầu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và các quốc gia, tâm trạng bất mãn trong xã hội ngày một tăng, những biểu hiện tham lam, giận dữ, si mê (tam độc) nở rộ, đời sống tinh thần hướng thiện bị thách thức. Bên cạnh đó, những biểu hiện của chính sách cường quyền áp đặt, can thiệp, trừng phạt…đã đẩy nhiều dân tộc vào thảm cảnh nồi da xáo thịt, hàng triệu triệu con người phải rời bỏ quê hương, tha phương cầu thực, tâm lý hận thù dân tộc, giai tầng, tôn giáo bị kích động.
Tất nhiên bức tranh toàn cảnh của thế giới ngày nay không chỉ có màu tối; ngược lại khát vọng của các dân tộc về một thế giới yên bình, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đem lại niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.
Làm thế nào để tương lai ấy sớm trở thành hiện thực? Đó có lẽ là điều ai ai cũng trăn trở. Thiết nghĩ, tương lai như vậy không tự đến mà cần có sự đồng lòng, chung sức của mọi người, mọi dân tộc, mọi
quốc gia, mọi tôn giáo, trong đó cộng đồng Phật giáo với trên một tỷ Phật tử khắp năm châu đóng vai trò rất quan trọng. Chắc chắn rằng, Hội thảo quốc tế của chúng ta với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uyên bác và các bậc cao tăng thông tuệ sẽ gợi mở nhiều ý tưởng sâu sắc, những biện pháp thiết thực để đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm làm cho thế giới chúng ta yên bình hơn, phát triển bền vững hơn. Cá nhân tôi không đủ năng lực gợi ra điều gì lớn lao mà chỉ xin trình bày ba điều ước:
Một là, nói cho cùng thì thế giới có yên bình không, sự phát triển của loài người có bền vững không một phần quan trọng tùy thuộc vào con người, từ người dân thường tới các nhà cầm quyền. Những giáo lý của đạo Phật chứa đựng biết bao điều hay lẽ phải, góp phần nuôi dưỡng điều thiện, đẩy lui điều ác. Với lợi thế ấy, cộng đồng Phật giáo có thể đóng vai trò dẫn dắt (leadership), góp phần hữu hiệu vào sự phát triển bền vững và xây dựng một thế giới yên bình bằng cách truyền bá rộng rãi những điều hay lẽ phải trong giáo lý của đức Phật, khuyến khích điều thiện, đẩy lui điều ác trong mỗi con người không phân biệt cương vị xã hội, giai tầng, dân tộc.
Cũng với lợi thế riêng có của mình, cộng đồng Phật giáo có thể tìm ta phương cách hóa giải hoặc chí ít là làm dịu đi những mâu thuẫn, những hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo, các giai tầng. Về phương diện này, tôi nghĩ ý tưởng của Giáo sư Emeritous Peter van den Berg từ Trường Đại học Tilburg (Hà Lan) về “sự dẫn dắt minh triết” (Leading with wisdom) rất đáng trân trọng.
Hai là, trên thế giới có nhiều tôn giáo với những giáo lý, giáo luật khác nhau song quy tụ lại đều hướng tới điều thiện, đẩy lùi điều ác. Nếu các tôn giáo trên toàn thế giới đồng tâm hiệp lực với nhau vì mục tiêu cao cả ấy thì có thể tạo nên hiệu ứng hết sức lớn lao. Thật là một diễm phúc lớn đối với nhân loại nếu như một ngày nào đó sẽ diễn ra Đại hội tôn giáo toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của đại diện mọi tôn giáo, nhằm tìm ra những đường hướng và biện pháp làm sự an bình trên thế giới thêm vững chắc, cuộc sống của con người tràn đầy hạnh phúc.
Ba là, những ý tưởng nảy sinh, những biện pháp thiết thực của Đại lễ Vesak LHQ có đi vào cuộc sống hay không tùy thuộc đáng kể vào sự hưởng ứng của các Chính phủ, cũng như các tổ chức quốc tế. Hy
vọng rằng, những khuyến nghị của Vesak LHQ 2019 sẽ được lồng ghép với những quyết sách cụ thể của các chính phủ cũng như của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp thay đổi thế giới theo hướng bền vững, lành mạnh hơn.
Trên con đường đổi mới Việt Nam hơn 30 năm qua, Nhà nước chúng tôi luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần: Phát triển kinh tế phải gắn bó mật thiết với nhiệm vụ phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo và nhu cầu bảo vệ thiên nhiên. Trong khuôn khổ đường hướng lớn đó, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh để thực hiện mục tiêu “dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với nhận thức như vậy, đất nước chúng tôi đã tích cực, chủ động thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) mà Liên Hợp Quốc đã đề ra (2001-2015) cũng như Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Những nỗ lực của chúng tôi đã được Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Nhờ những nỗ lực ấy, năm 2010 Việt Nam đã đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình, công cuộc xóa đói giảm nghèo gặt hái được những thành tựu đầy ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng trên 3% dân số so với trên 50% vào giữa những năm 80 thế kỷ trước, khi Việt Nam khởi đầu công cuộc đổi mới. Có được những thành tựu kinh tế - xã hội như vậy là nhờ công sức của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tín đồ của các tôn giáo khác nhau, bao gồm đông đảo tín đồ của đạo Phật.
Tuy nhiên, nước chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức. So với nhiều quốc gia, trình độ phát triển kinh tế còn hạn chế, trong một thế giới biến đổi hàng ngày dưới tác động của những thành tựu kỳ diệu về khoa học – công nghệ, nước chúng tôi còn phải nỗ lực gấp bội để không bị bỏ lại phía sau; nhiều vấn đề xã hội, trong đó có sự chênh lệch giàu – nghèo có thiên hướng ngày càng rõ rệt, sự xuống cấp đáng quan ngại về đạo đức, lối sống có phần gia tăng, bên cạnh đó Việt Nam lại là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thực trạng ấy càng đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc vì sự phát triển bền vững, trong đó con người phải vừa là trung tâm, vừa là động lực chủ yếu của sự phát triển – những con người lành mạnh về thể chất và tâm hồn, vừa có tài năng sáng tạo, có trách nhiệm xã hội cao, vừa có nhân cách, đạo đức trong sáng. Theo thiển ý của tôi, đây sẽ là nhân tố quyết định đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Xem như vậy thì những khát vọng của chúng tôi hoàn toàn trùng hợp với mục tiêu của Đại lễ Vesak LHQ 2019; những ý tưởng của Đại lễ LHQ, trong đó có cuộc Hội thảo quốc tế hôm nay sẽ gợi mở cho chúng tôi nhiều điều bổ ích trong công cuộc phát triển đất nước.
Xin cảm ơn quý vị không quản đường xa đến với đất nước chúng tôi, chia sẻ cùng chúng tôi nhiều điều hay lẽ phải. Xin chúc quý vị mọi điều an lành, chúc cho thế gian an hưởng hạnh phúc.