41
TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH
CỦAPHẬT GIÁO VÀ GIÁTRỊTƯTƯỞNG ẤY TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Cao Xuân Long* & Thích Minh Mẫn

![]()
TÓM TẮT
Đạo Phật đã hình thành, phát triển hơn 2600 năm qua, đã chứng tỏ là một tôn giáo lớn của nhân loại với tinh thần xuất thế và tinh thần nhập thế tích cực nhằm hướng đến cuộc sống tốt cho con người. Giáo lý Phật giáo vô cùng phong phú, sâu sắc và hệ thống trên nhiều phương diện khác nhau. Một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi trong kho tàng giáo pháp đồ sộ của đức Phật chính là những lời dạy về đạo đức gia đình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa, trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những tác động tích cực, lẫn tiêu cực đến những vấn đề đạo đức gia đình hiện nay, cho nên việc nghiên cứu những giá trị to lớn trong quan điểm đạo đức gia đình của Phật giáo là một việc làm có ý nghĩa lý luận sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn thiết thực.
***
Đạo Phật đã hình thành, phát triển hơn 2600 năm qua, đã chứng tỏ làmộttôngiáolớncủanhânloạivớitinhthầnxuấtthếvàtinhthần nhập thế tích cực nhằm hướng đến cuộc sống tốt cho con người. Giáo lý Phật giáo vô cùng phong phú, sâu sắc và hệ thống trên nhiều phương diện khác nhau. Một trong những nội dung quan trọng, cốt

![]()
*. TS., Phó Trưởng Khoa Triết Học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam.
**. Tỳ kheo, Thạc sĩ.
lõi trong kho tàng giáo pháp đồ sộ của đức Phật chính là những lời dạy về đạo đức gia đình. Bởi, gia đình đóng vai trò là tế bào của xã hội, nhưng bản thân nó lại giống như một xã hội thu nhỏ. Do vậy, quan hệ đạo đức trong gia đình là cái khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên có thể thấy rằng đức Phật không đưa ra một định nghĩa hoàn thiện, đầy đủ về phạm trù tư tưởng đạo đức gia đình. Nhưng thông qua những tác phẩm, những lời dạy, những nội dung tư tưởng đạo đức của Phật giáo, chúng ta có hiểu Tư tưởng đạo đức gia đình của Phật giáo là những quan điểm, quan niệm của Phật giáo về những con đường, chuẩn mực mà mỗi người phải kiên trì tu dưỡng, thực hiện trong mối các mối quan hệ ở gia đình nhằm đem lại bình an, hạnh phúc và an lạc trong cuộc sống giúp xã hội phát triển.
Để thực hiện những chuẩn mực đạo đức gia đình, Phật giáo đã đặt con người trong các mối quan hệ khác nhau của gia đình, như: vợ - chồng; cha mẹ - con; anh - em thân tộc; .., tùy theo từng mối quan hệ thì có những quy định về chuẩn mực đạo đức khác nhau. Trong đó:
Thứ nhất là, mối quan hệ được Phật giáo xác định là nền tảng, xuất phát điểm của một gia đình chính là mối quan hệ vợ chồng. Theo Đức Phật nền tảng của một mối quan hệ vợ - chồng bền vững chính là tình yêu, sự thấu hiểu chia sẽ của người chồng và người vợ, Ngài dạy từ lúc yêu thương đến lúc chung sống với nhau thì phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội, phải hợp với đạo lý làm người. Trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật đã nhận định rằng: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”. (Kinh Đại Bảo Tích, dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh, NXB. Tôn giáo, 1999, tập 1, tr.35). Như vậy là Đức Phật đã không bác bỏ vấn đề hôn nhân gia đình mà còn đề xướng hôn nhân dựa trên sự tìm hiểu lẫn nhau, hiểu biết về nhau giữa nam và nữ, sự phù hợp lẫn nhau giữa hai người rồi mới đi tới hôn nhân chứ không phải là hôn nhân do sự ép buộc hoặc là vì những lý do không chính đáng. Nếu hai người không phù hợp với nhau mà vẫn phải chung sống với nhau thì như vậy là không may mắn cho họ, họ sẽ rất khó có được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân của mình.
Hai người thương yêu nhau và tiến đến hôn nhân là một nhân duyên lớn. Hôn nhân này hạnh phúc hay khổ đau là phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, nhân cách của đôi vợ chồng. Trong đời sống
hôn nhân có rất nhiều vấn đề nảy sinh, có lắm chuyện phũ phàng, nằm ngoài dự tính của con người, nếu như hai người đã trang bị sẵn sàng những đức tính bao dung, cần mẫn, chân thành, nhẫn nại vàkhiêm tốn, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm về đời sống của nhau thì chắc chắn cuộc hôn nhân của hai người sẽ được hạnh phúc.
Đối với đời sống vợ chồng, đức Phật đã nói rõ về vị trí, vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình. Theo Đức Phật, người chồng là người chủ, là trụ cột trong gia đình để cho vợ và con nương tựa; người chồng là tấm gương sáng soi khắp những nỗi lòng uẩn khúc của vợ. Người chồng phải luôn luôn biết thương yêu, đối xử công bằng, đứng đắn và chăm chỉ để kiến lập gia đình, nhằm đem lại sự kính thuận và tinh tấn của người vợ. Ảnh hưởng của người chồng đối với người vợ, đối với công việc trong gia đình không phải là nhỏ.
Còn đối với người vợ, trong gia đình họ là người đem nguồn sống nhân từ, bác ái đượm nhuần khắp cõi lòng và thân thể con cái, là giọt nước cam lồ để an ủi những nỗi lòng lo lắng cho chồng, là tấm gương sách tiến chí khí cho chồng đạt tới sự vẻ vang trên trường đời. Ảnh hưởng, giá trị của người vợ đối với gia đình, xã hội không phải là một sự quá thấp kém như nhiều người lầm tưởng, nếu là người vợ hiểu biết và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Để cho đời sống gia đình được hạnh phúc thì cả người vợ và người chồng đều phải thực hiện nghiêm túc những bổn phận và trách nhiệm của mình, giữ được mối tương hệ tốt đẹp với nhau.
Đấy là những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống gia đình.
Một trong những nguyên nhân chính của sự bất hòa trong gia đình là sự nghi ngờ và mất lòng tin ở nhau. Để cho gia đình thực sự hòa hợp, thực sự là mái ấm hạnh phúc thì cả người chồng lẫn người vợ phải tỏ bày sự tin tưởng lẫn nhau và cố gắng không có những điều bí mật giữa hai người. Những điều giấu kín thường tạo nên sự nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen tuông, ghen tuông tạo nên hờn giận, hờn giận tạo nên hận thù và hận thù có thể dẫn đến sự chia lìa, làm khổ nhau và thậm chí là tàn hại lẫn nhau.
Nếu một cặp vợ chồng có thể chia sẻ nỗi đau khổ và niềm vui trong đời sống hàng ngày cho nhau thì họ có thể tiếp thêm sức sống cho nhau, đem đến hạnh phúc cho nhau và giảm thiểu tối đa những
lời than vãn, trách móc. Những vấn đề được đem ra bàn thảo với nhau sẽ mang lại cho họ niềm tin để sống cùng nhau trong sự hiểu biết và thương yêu nhau.
Vợ chồng cần có sự thoải mái với nhau khi đương đầu với những vấn đề và những khó khăn trong cuộc sống. Những cảm giác bất an và dao động sẽ biến mất và cuộc sống sẽ càng có ý nghĩa hơn, hạnh phúc, thú vị hơn nếu như cả vợ và chồng đều sẵn lòng chia sẻ gánh nặng của kẻ nhau.
Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda sùttra), Phật dạy bổn phận làm chồng có 5 điều đối với vợ và làm vợ cũng có 5 điều đối với chồng; bổn phận làm cha mẹ có 5 điều với con cái và con cái cũng có 5 điều với cha mẹ. Chẳng hạn:
“Vợ thờ chồng có năm việc: Một là chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp; Hai là khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng, quét dọn chờ chồng về; Ba là không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại; Bốn là hãy làm theo lời chồng răn dạy, có nhặt được vật gì cũng không được che giấu; Năm là khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.
Chồng đối với vợ cũng có năm điều: Một là đi đâu phải cho vợ biết; Hai là việc ăn uống đúng giờ, cung cấp áo quần cho vợ; Ba là phải cung cấp vàng bạc châu báu; Bốn là những vật ở trong nhà nhiều ít đều phải giao phó cho vợ; Năm là không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng, hầu hạ, chuyển tài sản”.1
Thứ hai là, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đấy là một mối quan hệ quan trọng, là cội nguồn cho sự phát triển của một gia đình. Theo Ngài việc chăm sóc và giáo dục con cái là bổn phận của cha mẹ, trong đó người mẹ đóng vai trò quan trọng. Sự thành đạt cũng như đức hạnh của con là một nhân tố quan trọng góp phần làm cho gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục con cái cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hạnh phúc cho gia đình. Bởi, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái. Trong đó vai trò của người mẹ là quan trọng hơn cả. Chuẩn mực của người mẹ là yêu

![]()
- Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt), NXB. Tôn giáo, năm 2012, Kinh trường bộ “Dìgha Nikàya”, bài 31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta), tr.122.
thương, chăm sóc và bảo vệ con cái với bất cứ giá nào, trong lời dạy của Đức Phật về mẹ trong kinh Tâm Địa Quán như sau:
“Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u”.2
Cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và mang lại sự tốt lành cho con cái. Trong kinh Đảnh Lễ Sáu Phương, khi nói về bổn phận của cha mẹ đối với con cái, Đức Phật đã dạy: “Cha mẹ phải có bổn phận khuyên bảo con cái tránh xa điều xấu, khuyên bảo con cái làm điều tốt, tạo cho con cái một nền giáo dục tốt, tạo điều kiện cho chúng lập gia đình với những người phù hợp, và trao tài sản thừa kế cho chúng vào thời điểm thích hợp”.3
Qua những bổn phận này chúng ta thấy được phương pháp giáo dục, chăm sóc toàn diện của cha mẹ đối với con cái mà Đức Phật đã dạy. Cha mẹ không chỉ chăm lo cho con về phương diện vật chất mà cả phương diện tinh thần, nhân cách đạo đức của con nữa. Chỉ có sự chăm sóc và giáo dục toàn diện như thế mới mong giúp con trở thành những người con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt, hữu ích cho xã hội.
Trong phương pháp giáo dục của mình, cha mẹ phải đem tất cả tình thương yêu của mình đối với con để giáo dục con. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên quá chiều chuộng con. Nên nhớ là thương yêu nhưng không chiều chuộng, thương yêu nhưng cũng cần phải có sự nghiêm khắc, kỷ luật trong quá trình giáo dục con. Một đứa trẻ mà bị thiếu tình thương yêu của cha mẹ, của những người thân thì chẳng khác gì cây xanh bị thiếu nước, không thể phát triển bình thường được. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải dành thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái để có được một mái ấm hạnh phúc. Còn đối với cha và mẹ là hai đấng sinh thành, đức Phật dạy

![]()
- Kinh Đại thừa bản sinh Tâm Địa Quán, Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng pháp sư Bát Nhã, người nước Kế Tân, Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Tạng Kinh, quyển 3, Phẩm 2: Báo Ân, NXB. Tổng hợp, tr.17.
- Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, NXB. Tôn giáo, năm 2012, Kinh Trường Bộ “Dìgha Nikàya”, bài 31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta), tr.120.
bổn phận làm con phải hiếu kính, phụng dưỡng, xem cha mẹ như vị trời Phạm Thiên. Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, đức Phật đã dạy rằng: “Bổn phận của con đối với cha mẹ là kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ, giúp những việc cha mẹ cần làm, giữ danh dự và truyền thống gia đình, giữ gìn tài sản, sự nghiệp của cha mẹ”.4
Thứ ba là, trong mối quan hệ anh em thân tộc. Khi một cộng đồng dân cư được hình thành thì cùng lúc ấy, mối quan hệ anh em thân tộc được xuất hiện, định hình. Tùy theo không gian sống và bối cảnh văn hóa mà tính chất của quan hệ anh em, thân tộc, thay đổi. Với Phật giáo, để quan hệ anh em, thân tộc được giữ gìn và phát triển thì đòi hỏi phải hoàn thiện một số đức tính sau: một là, đoàn kết, theo Đức Phật, nếu như bất cứ một gia đình, dòng tộc, anh em biết tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết, thì không có ai có thể làm tan rã mối quan hệ của họ. Vốn dĩ đây là một trong bảy pháp bất thối được Phật dạy cho dân Vajji, nhưng nếu như linh động mở rộng ứng dụng trong quan hệ thân tộc, anh em, thì vẫn tạo nên tác dụng: sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Vì lẽ, sự đoàn kết làm cho những cá thể hợp thành một khối và sẽ tạo nên sức mạnh tổng hòa. Với sức mạnh đó, có thể thực hiện được nhiều việc tốt cho bản thân và cho tha nhân, cho cộng đồng. Chuẩn mực sống chung theo nguyên tắc Lục hòa là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết vững mạnh, bất kể đó là tập thể nào.
Ở một chừng mực nào đó, sự đoàn kết là biểu hiện sinh động của bước đầu chinh phục tự ngã. Khi cái ta nhỏ lại thì người ta dễ dàng chấp nhận nhau, hoan hỷ với nhau và có thể đến với nhau trong một tập thể lớn. Câu chuyện về đàn chim cùng đoàn kết bay lên, kéo theo cả tấm lưới của người thợ săn được Đức Phật khéo dẫn dụ trong kinh Tiểu bộ là minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết. Sự khẳng định của Đức Thế Tôn: “Các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong”.5
Một khi các cá thể trong một gia đình, dòng tộc, và gần nhất

![]()
- Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Trường Bộ kinh II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, NXB. TP.HCM, 1991, tr.131.
- Kinh Tiểu bộ, Truyện Tiền thân Đức Phật, tập 4, phẩm Kulavaka, chuyện thứ 33, truyện Tiền thân Sammodamàna, NXB. Tp.HCM, 1999, tr.56.
là anh em, biết vận dụng tinh thần tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm, sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm thì đó là dấu hiệu hưng thịnh của một gia đình, dòng tộc. Với thân tộc, anh em, tinh thần đoàn kết là đức tính rất mực quan trọng.
Hai là tương kính, nhường nhịn và sẻ chia, trong quan hệ anh em cùng một nhà thì đức tính này cần phải nỗ lực vận dụng. Thương nhau nhưng phải kính trọng nhau. Đó là nguyên tắc bắt buộc trong mọi mối quan hệ xã hội theo quan điểm Phật giáo, mà ở đây là quan hệ anh em, thân tộc. Phật dạy: “Với mẹ và với cha/ Với anh nhiều tuổi hơn/ Với thầy là thứ tư/ Không nên sanh kiêu mạn/ Nên kính trọng vị ấy/ Nên tôn kính vị ấy/ Cúng dường họ, tốt lành”.6 Phật giáo rất chú trọng đến trật tự đạo đức. Trật tự đạo đức này được xây dựng trên tinh thần thương nhau trong tương kính và nhường nhịn cả đôi bên. Câu chuyện xem ai nhiều tuổi hơn giữa con voi, con khỉ và chim đa đa được Phật thuyết giảng trong bộ Cullavagga đã cho thấy tinh thần kính trọng các bậc trưởng thượng là chuẩn mực ứng xử cần có trong quan hệ thân tộc. Nhờ sự tương kính và nhường nhịn này, mặc dù đôi khi có sự tranh cãi hay va chạm giữa anh em, thân tộc, nhưng sau đó mọi chuyện dễ dàng được tha thứ và mối quan hệ nhanh chóng được hàn gắn ngay. Từ sự kiện đệ tử của giáo phái Nigantha Nathaputta không nhường nhịn nhau, tranh cãi nhau, xung đột nhau và chia rẽ nhau saukhi giáo chủ của họ tạ thế, Đức Phậtđãdạy cho Sa-di Cunda: “Này Cunda, các ngươi hãy hội họp với nhau trong tinh thần hòa đồng và tương kính, không có tranh luận nhau”.
Ba là giữ vững nếp nhà, nếp nhà được hiểu ở đây là truyền thống đạo đức của gia đình, của dòng tộc, là những giá trị tinh thần được thiết lập và củng cố từ nhiều thế hệ trước đó. Ngay như bản thân của Đức Phật, qua sự mô tả của Bà-la-môn Sonadana trong kinh Trường bộ, cho thấy Ngài có một nếp nhà trong sạch và vững chãi: “Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ phụ không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, vì điểm này thật không xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến chúng ta,

![]()
- Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Kinh Tương ưng, tập 1, chương VII, Tương ưng Bà-la-môn, phẩm cư sĩ, Mànatthada, NXB. Tp.HCM, 1999, tr.145.
trái lại thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn Gotama”.7
Như vậy, để có được một đời sống gia đình hạnh phúc quả là không đơn giản. Mọi người cần phải chuẩn bị tâm thế cho mình trước khi bước vào đời sống gia đình. Bằng trí tuệ và lòng thương yêu, đức Phật đã chỉ dạy những vấn đề hết sức thiết thực và trọng yếu để tạo lập một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Dù ở quốc gia nào, hay thời đại nào đi nữa, những lời dạy của đức Phật về gia đình vẫn phù hợp và rất có giá trị.
Những lời dạy về đạo đức gia đình của đức Phật mang đậm tính nhân văn, hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội, đúng theo đạo lý làm người, hướng mọi người đi theo con đường Chân - Thiện - Mỹ. Đấy là bài học chung cho tất cả mọi người chứ không riêng một nhóm người nào cả.
Chúng ta không nên để bức tường thành kiến, phân biệt chia cắt để rồi bỏ qua những bài học giá trị, bỏ qua cơ hội quý báu để có thể hoàn thiện bản thân, vun đắp cho hạnh phúc của cuộc sống. Đem tất cả năng lực và tâm hồn của mình để xây dựng gia đình, tạo lập cuộc hạnh phúc, đem đến hạnh phúc cho những người thân yêu của mình trong đời sống hàng ngày cũng có nghĩa là mình đã làm những việc tốt, mình đã tu tập.
Hiện nay, vấn đề đạo đức gia đình trong quan điểm triết lý Phật giáo đã góp phần làm cho xã hội trên toàn thế giới cũng như Việt Nam hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mĩ. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, đạo đức về gia đình của Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống, vị tha, bình đẳng, bác ái. Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ. Những giá trị tích cực trong quan niệm đạo đức gia đình của Phật giáo càng được nhân lên với những hành

![]()
- Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Chủng Đức, tr. 67.
động cụ thể như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, người ốm đau bệnh tật được chăm sóc, tư tưởng đạo đức trong gia đình Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Thêm vào đó, những không gian chùa chiền của Phật giáo luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận.Tất cả những điều đó là những giá trị đạo đức tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân văn, coi trọng thiên nhiên. Bên cạnh đó, lối sống Phật giáo nêu cao tinh thần “cư trần lạc đạo” đã góp phần xây dựng lối sống có trách nhiệm với một ý thức không tham quyền cố vị, không bám lấy lợi ích vật chất, sống thanh cao tự tại. Bởi theo định nghĩa của đức Phật, tham và sân là hai năng lực tiêu cực mạnh mẽ nhất trong tâm thức con người, chúng che khuất tầm nhìn và làm nhiễu loạn Phật tính của ta, cho nên, cũng theo Ngài, diệt trừ được tham và sân đích thực là một thành tựu rất to lớn của con người. Như thế tư tưởng đạo đức gia đình của Phật giáo đã đóng góp những giá trị văn hóa tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống cho con người, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay. Đặc biệt, đạo đức Phật giáo còn góp phần rèn luyện một lối sống kham nhẫn, khắc kỷ. Đó là những hình thức tu tập kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được giải thoát.
***
Tài liệu tham khảo
Kinh Đại Bảo Tích, dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh, NXB. Tôn giáo, 1999.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, NXB. Tôn giáo, năm 2012, Kinh Trường bộ “Dìgha Nikàya”, bài 31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta).
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, NXB. Tôn giáo, năm 2012, Kinh Trung Bộ I, II.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, NXB. Tôn giáo, năm 2012, Kinh Tương Ưng I.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt , Tiểu Bộ kinh tập I, kinh Tập, NXB. Tp.HCM, 1999.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Tăng Chi Bộ kinh I, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, kinh Ngang bằng với Phạm thiên, VNCPHVN ấn hành, 1996.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt , Trường Bộ kinh II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, NXB. TP.HCM, 1991.
Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt , Tăng Chi Bộ kinh III, chương Bảy pháp, kinh Bảy hạng vợ, VNCPHVN, 1996.
Kinh Đại thừa bản sinh Tâm Địa Quán, Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng pháp sư Bát Nhã, người nước Kế Tân, Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Tạng Kinh, quyển 3, Phẩm 2: Báo Ân, NXB. Tổng hợp).