457
GIÁC NGỘ VỀ VỊ THẾ NGƯỜI THẦY TỪ CHÂN DUNG TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ TRẦN TUNG
Nguyễn Thị Thanh Chung*
TÓM TẮT
Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230 - 1291) là một nhân vật có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Trong bài Tựa của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục viết nhân dịp trùng san năm Chính Hòa, Tì kheo Tuệ Nguyên đã viết về sự tiếp nối của Tuệ Trung Thượng sĩ và các thế hệ trước và sau ông như sau: “Những ghi chép này là do Đại đức Tiêu Dao nói với Tuệ Trung Thượng sĩ, Thượng sĩ nói với Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng nói với Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư nói với Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp Thiên hạ”1. Các nhà nghiên cứu đã có nhiều bài viết tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, tuy nhiên chưa có bài viết nghiên cứu về ông với tư cách một người thầy. Chúng tôi tìm hiểu về ông qua những nội dung mà ông đã truyền thụ cho môn đồ và phương pháp mà ông dẫn dắt những tư tưởng đó. Từ đó, bài viết chiêm nghiệm về vị thế người thầy trong sự chuyển biến của xã hội đang từng bước hướng đến sự phát triển bền vững.
*Phó giáo sư, Tiến sĩ, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Việt Nam
1. Nguyên văn: 此 錄, 逍 遙 大 德 說 與 慧 中 上 士, 上 士 說 與 竹 林 第 一 祖 調 御 覺 皇, 調 御 覺 皇 說 與 竹 林 第 二 祖 法 螺 大 師, 法 螺 大 師 說 與 玄 光 尊 者, 玄 光 尊 者 說 與 竹 林 宗 派, 天 下 禪 宗. (Thử lục Tiêu Dao đại đức thuyết dữ
Tuệ Trung thượng sĩ. Thượng sĩ thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư thuyết dữ Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả thuyết dữ Trúc Lâm tông phái).
- GIỚI THIỆU VỀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ TRẦN TUNG VÀ NHỮNG SÁNG TÁC CỦA ÔNG
-
- Giới thiệu về Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung
Trần Tung là người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, ông là con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột Hoàng hậu Nguyên Thánh Tiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông). Trước đây, tiểu sử Trần Tung bị nhầm lẫn với Trần Quốc Tảng nhưng vấn đề này đã được giải quyết triệt để trong một số bài viết như Việt Nam Phật Giáo sử luận (Nguyễn Lang, NXB Lá Bối, Pari, 1971), Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lí Trần (Nguyễn Huệ Chi, TCVH, năm 1978, số 5).
Người xuất thân từ tầng lớp quý tộc này rất ngưỡng mộ Phật giáo và trở thành nhân vật nổi tiếng trong quá trình phát triển Phật giáo tại Việt Nam. “Thủa nhỏ Thượng sĩ bẨm sinh tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu (...) Về cốt cách, Thượng sĩ là người khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Ngay từ còn để chỏm đã hâm mộ cửa Không, đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường, người đã lãnh hội yếu chỉ bèn dốc lòng thờ làm thầy. Ngày ngày chỉ lấy việc hứng thú với Thiền học làm vui không hề bận tâm tới công danh sự nghiệp” (Thượng sĩ hành trạng)2. Trần Tung tu theo tư tưởng đạo Phật nhưng không xuất gia mà vẫn có gia đình như hầu hết các vương hầu khác. Bằng trí tuệ sắc sảo của mình, ông đã trở thành một tác giả có bản lĩnh, không câu nệ vào giáo điều sách vở, đập vỡ thái độ khư khư bám vào những khái niệm sẵn có, biết hòa quan đồng trần. Câu chuyện minh chứng cho bản lĩnh Thiền của Trần Tung được Trần Nhân Tông ghi lại trong Thượng sĩ hành trạng: “Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Dự tiệc, ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt đâu thành Phật được?” Thượng sĩ cười đáp rằng: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Thái hậu không nghe Cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, Giải thoát là Giải thoát đó sao?” (Thượng sĩ hành trạng)3.
Không chỉ hâm mộ đạo Phật, Thượng sĩ còn là người có công lao trong việc phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Người khai sáng ra
-
Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr. 544.
- Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr. 545.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông đã thờ ông làm thầy. Trần Nhân Tông có kể lại: “Riêng ta nay cũng nhờ ơn Thượng sĩ dạy dỗ. Lúc ta chưa xuất gia, gặp tuần tang của Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó thỉnh Thượng sĩ. Thượng sĩ trao cho ta hai quyển ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên. Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn ra vẻ ngây thơ hỏi Thượng sĩ rằng: “Chúng sinh do nghiệp uống rượu ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội báo?” Thượng sĩ giảng giải rõ ràng: “Giả sử có người đứng quay lưng lại, chợt có vua đi qua sau lưng, người kia thình lình cầm vật gì ném trúng vua. Người đó có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như thế nên biết, hai việc này không liên hệ gì nhau. Thượng sĩ liền đọc hai bài kệ để dạy: Mọi pháp đều biến diệt/ tâm ngờ tội liền sinh/ Xưa nay không một vật/ Mầm mống hỏi đâu thành/ Ngày ngày khi đối cảnh/ Cảnh cảnh từ tâm ra/ Cảnh tâm không có thật/ Chốn chốn Ba la mật. Ta lĩnh ý”. (Thượng sĩ hành trạng)4. Thượng sĩ có nhiều môn đệ và gợi mở con đường ngộ đạo cho họ. Ông để lại những trước tác có lưu giữ những tư tưởng Phật giáo và nhất là lưu giữ con đường giác ngộ cho người theo đọc. Bởi vậy, ông có một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền Phật giáo ở thời đại Lí Trần.
Ngoài ra, cũng như phần lớn các vương hầu nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông đã trực tiếp tham gia cầm quân đánh giặc, tên tuổi được ghi trong sử sách. Trong cuộc kháng chiến lần thứ 2, vào ngày mồng 10 tháng 6 năm 1258, khi Thoát Hoan bắt đầu rút khỏi bờ bắc sông Hồng, ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến lầm thứ 3, ông được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần vờ đến đồn giặc trá hành, làm quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến đánh doanh trại giặc. Sau khi chiến thắng thành công, ông nhận chức Tiết độ sứ ở Thái Bình, nhưng chỉ ít lâu lại lui về ấp Tịnh Bang, dựng Dưỡng Chân trang, theo đuổi niềm yêu thích cũ là nghiên cứu đạo Phật.
-
Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr. 546.
-
- Giới thiệu về văn bản tác phẩm của ông
Trong những tác giả có sáng tác thời Lý Trần, Trần Tung là một trong những người để lại những trước tác giàu giá trị gồm thơ ca và phần Đối cơ5 và Tụng cổ. 6 Thơ ca, tụng kệ của ông giàu chất triết lí, xúc cảm và thể hiện tài năng ngôn ngữ điêu luyện. Phần Đối cơ và Tụng cổ bao hàm những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Sự nghiệp sáng tác của Trần Tung hiện tìm thấy trong hai văn bản được lưu giữ tại viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thứ nhất là bản Trần triều Thượng sĩ ngữ lục (Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ), khắc in năm Chính Hòa thứ 4 (1683), kí hiệu A.1932. Thứ hai là bản Tam tổ thực lục, khắc in năm Thành Thái thứ 15 (1903), kí hiệu A. 2048. Bản A.1932 gồm 44 trang, kết cấu 8 phần còn bản A. 2048 gồm 47 trang, kết cấu gồm 10 phần. Cụ thể như sau:
Văn bản Trần triều Thượng sĩ ngữ lục
Kí hiệu A. 1932 |
Văn bản Tam tổ thực lục
Kí hiệu A. 2048 |
Bài tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên |
Tiểu dẫn của Tì kheo Thanh Hanh |
Lược dẫn Thiền Phái đồ |
Bài tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên |
Đối cơ |
Lược dẫn Thiền Phái đồ |
Tụng cổ |
Đối cơ |
Thơ ca |
Tụng cổ |
Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông |
Thơ ca |
Chư nhân tán tụng |
Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông |
Bài bạt của Trần Khắc Chung |
Chư nhân tán tụng |
|
Bài bạt của Trần Khắc Chung |
|
Chú thích |
-
Đối cơ: Thuật ngữ nhà Phật, Phật Đà đối với căn cội của chúng sinh có cách thức thực thi giúp đỡ phù hợp. Thuật ngữ này cũng là chỉ những người tài giỏi trong Thiền gia trả lời câu hỏi của người học. (Theo Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo biên, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991, tr.2528)
- Tụng cổ: Thuật ngữ nhà Phật chỉ việc làm sáng rõ nghĩa việc cổ. Nêu lên việc cổ thì gọi là Ngữ vận. (Theo Từ điển Phật học, tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 1710).
Trong sáng tác của Tuệ Trung Thượng sĩ, phần thơ ca cần biện luận về số tác phẨm. Trong các văn bản, thơ ca của ông gồm gồm 49 bài thơ với nhiều đề tài và nhiều thể loại, trong đó bài Tịnh Bang cảnh vật trùng với bài Đề dã thự của Trần Quang Khải7 và bài Tứ sơ khả hại trùng với thơ Trần Thái Tông8. Chúng tôi khảo biện và kết luận sự nghiệp sáng tác của Trần Tung gồm 2 phần lớn là thơ ca (48 bài) và ngữ lục (Đối cơ và Tụng cổ)9. Chân dung của ông với tư cách của người thầy được phục dựng dựa theo những trước tác của ông để lại và những ghi chép của các nhân vật khác về ông.
-
Bài Tịnh bang cảnh vật trong Thơ văn Lí Trần được xem là của Trần Quang Khải. Nhóm tác giả của cuốn Thơ văn Lí Trần đã biện luận như sau: “ Trong Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung cũng có bài này với tiêu đề Tịnh Bang cảnh vật. Trại ấp của Trần Quang Khải có thể là ở Phúc Hưng chứ không phải ở Tịnh Bang như bài Phúc Hưng viên của ông cho thấy. Nhưng trại ấp của Trần Tung ở đâu cũng không ai rõ vì Tịnh Bang thì phải thuộc quyền trông coi của Trần Quốc Tảng, con thứ ba của Trần quốc Tuấn. Do sự nhầm lẫn lâu giữa tiểu sử Trần Quốc Tảng và Trần Tung nên rất có thể người soạn Thượng sĩ ngữ lục đã gán bài này cho Trần Tung với nhan đề mới do mình tự đặt. Hơn nữa nội dung không gì siêu thoát mà từ lâu lại quen thuộc với độc giả như tác phẨm nổi tiếng của Trần quang Khải vì vậy chúng tôi xử lí như truyền thống là xếp cho Trần Quang Khải mà bỏ đi ở phẨn tác giả Trần Tung” (Thơ văn Lí Trần, tập II, Quyển thượng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr.500). Chúng tôi cho rằng Tịnh Bang cảnh vật là của Trần tung vì những lí do sau: thứ nhất, Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông đã cho biết Tịnh bang là trại ấp của Trần Tung. Bài hành trạng viết: “Thiếu bẨm cao lượng, thuần y tư danh. Tứ trấn Hồng bộ quan, lưỡng độ Bắc khẨu phạm thuận, ư quốc hữu công. Lũy thiên hải đạo Thái Bình trại Tiết độ sứ. Kì vi nhân dã, khí lượng uyên thâm, phong thần nhàn nhã, bộ huề chi tuế, khốc mộ Không môn. Tham Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư, lĩnh chi, ủy tâm sự chi. Nhật dĩ Thiền duyệt vi lạc, bất dĩ công danh ngại ưng. Nãi thoái cư Tịnh Bang chi ấp, cải vi Vạn Niên hương” (Thủa nhỏ Thượng sĩ bẨm sinh tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu, được cử trấn giữ quân dân ở Lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, được thăng tiến giữ chức Tiết dộ sứ ở vùng trại Thái Bình. Về cốt cách, Thượng sĩ là người khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Ngay từ thờ để chỏm đã hâm mộ của không đế tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường, người lãnh hội yếu chỉ bèn thờ làm thấy, ngày ngày chỉ lấy việc hứng thú với Thiền học làm vui không hề bận tâm tới công danh sự nghiệp. rồi người lui về phong ấp Tịnh Bang, sau đổi tên là hương Vạn Niên - Thơ văn Lí Trần, tập II, Quyển thượng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr 450); thứ hai, bài thơ này có nội dung giản dị, gần gũi với cuộc sống, là một mảng đề tài giàu giá trị trong thơ ca Trần Tung.
- Bài Tứ Sơn khả hại là của Trần Thái Tông vì nó nằm trong hệ thống tác phẨm Phổ thuyết tứ sơn của Trần Thái Tông.
- Phần dịch thuật tác phẨm của Trần Tung trong bài viết này dẫn theo: Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 223- 351.
-
- CHÂN DUNG NGƯỜI THẦY TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ TRẦN TUNG
-
-
- Người thầy truyền dạy những tư tưởng giáo lý và cách ứng xử nhân sinh sâu sắc
Tư tưởng Phật giáo Thiền tông được chuyển tải vào Việt Nam đã trải qua quá trình tiếp biến cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đối cơ và Tụng cổ và thơ ca, tụng kệ của Thượng sĩ chính là phần giảng dạy của Thượng sĩ dành cho môn đệ với nội hàm phong phú gồm những vấn đề kinh điển, những nội dung trong kinh truyện, những ứng dụng đạo Thiền trong đời sống… Ông đã lí giải những tư tưởng một cách ấn tượng để khai ngộ, mở ra lối học sáng rõ cho người học.
“Một hôm thầy rảnh rang, môn đệ theo thứ tự đứng hầu. Khi đó có vị tăng hỏi: “Bạch Thượng sĩ, tôi vì việc lớn sinh tử, vô thường nhanh chóng, chưa biết thân này, sinh từ đâu lại, sau khi chết thì về đâu?” Thầy đáp: “Giữa trời dù có đôi vành chuyển, biển cả ngại chi hòn bọt sinh” (Nhất nhật sư yến cư, Thứ môn tăng thị lập. Thời hữu tăng vấn: “Khải tư Thượng sĩ, mỗ vi sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc, vị thẩm thử thân, sinh tòng hà lai, tử tòng hà khứ?” Sư vân: “Trường không tòng sử song phi cốc, Cự hải hà phương nhất điểm âu”). Như vậy, tăng sinh hỏi về vấn đề sinh tử, một nội dung cốt yếu mà người tu tập đạo Phật thường đặt ra, cũng là vấn đề cơ yếu của kiếp người. Thượng sĩ đã trả lời bằng một bài kệ giàu hình tượng. Hai vầng nhật nguyệt giữa bầu trời, những bọt nước giữa biển khơi tựa như sự sống chết của con người. Mặt trăng, mặt trời chỉ là những đốm nhỏ giữa bầu không bao la, bọt nước bé nhỏ vô cùng trong đại dương mênh mông. Vì vậy, không cần bận tâm vào sự sinh diệt của kiếp người, sống chết chỉ là lẽ thường mà thôi. Hành trạng về Thượng sĩ còn ghi lại ngày tịch diệt của ông: “Sau ngài bị bệnh ở Dưỡng Chân trang, chẳng ở trong phòng thất. Kê một chiếc giường gỗ ở nhà trống. Ngài nằm theo thế kiết tường, nhắm mắt mà tịch. Các người hầu và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ra ngồi dậy, đòi nước súc miệng rửa tay, rồi mắng nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc, làm nhiễu động chân tính của ta”. Nói xong ngài an nhiên thị tịch, thọ 62 tuổi” (Thượng sĩ hành trạng)10.
10. Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr.247.
Cách gợi mở của Thượng sĩ khiến các môn đệ dễ lĩnh hội giáo lí của tư tưởng Phật giáo Thiền tông. Thượng sĩ khai thông kiến thức giúp người học hiểu một mà thông suốt nhiều vấn đề liên quan từ chính những thắc mắc, những điều chưa hiểu của người học. “Có vị hỏi: “Thế nào là Pháp thân?” Thầy đáp: “Bên ao thấy hai cái, dưới trăng vui ba người”. Lại hỏi: “Pháp thân cùng sắc thân là đồng hay khác?” Thầy đáp: “Gươm mang hiệu Long Tuyền, ngọc xưng tên Hổ phách”. (Tiến vân: “Như hà thị pháp thân?”. Sư vân: “Trì biên khan lưỡng cá, nguyệt hạ hỉ tam nhân”. Tiến vân: Pháp thân dữ Sắc thân thị dodòng thị biệt?” Sư vân: “Kiếm trước Long Tuyền hiệu, châu xưng Hổ phách thiên”)”. Như vậy, tăng sinh hỏi về một nội hàm giáo lí của Phập giáp là Pháp thân, Thượng sĩ cũng dùng hình tượng để gợi mở nghĩa lí: Bên ao thấy hai cái, dưới trăng vui ba người. Một người đi bên hồ nước trong thì sẽ có mình và bóng mình đồng hành (lưỡng cá). Một người đi dưới trăng thì sẽ có mình, bóng mình và trăng (tam nhân). Trong Phật giáo có các khái niệm như Pháp thân, Báo thân, Hóa thân. Người học hỏi một những Thượng sĩ đã gợi mở ba để người đọc lĩnh hội được hàm ý sâu rộng của khái niệm. Tăng lại hỏi Pháp thân và Sắc thân là đồng hay là khác thì Thượng sĩ dùng hình ảnh cây gươm hiệu Long Tuyền và hòn ngọc mang tên Hổ phách để trả lời. Vật thể (gươm, ngọc) và danh xưng (Long Tuyền, Hổ Phách) là một hay là hai? Không phải một cũng chẳng là hai vì chúng gắn liền với nhau cũng tựa như Pháp thân và Sắc thân.
Thượng sĩ còn giảng dạy kinh truyện cho môn đệ, những câu chuyện trong kinh sách thường giàu Ẩn ý. Ngài đã gợi mở cho họ nắm bắt được những hàm nghĩa sâu xa trong những câu chuyện đó. “Có vị hỏi: “Thế Tôn nói : “Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ”. Vậy mười hai phần giáo từ đâu mà được?” Thầy đáp: “ Hơi xông khỏi hộp mong về lại, thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu”. (Vấn:“Thế Tôn đạo: “Tứ thập cửu niên, vị thường thuyết nhất tự”. Thập nhị phận giáo, thâm xứ đắc lai?” Sư vân: “ Khí xung xuất hạp cầu khôi phục, Linh bảo khai bình dục bệnh tiêu”)”. Một vấn đề tưởng chừng rất mâu thuẫn được giải mã bằng hình ảnh “hơi xông khỏi hộp mong về lại, thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu”. Điều Phật nói ra cũng như khí báu, thuốc báu đựng trong bình quý vì muốn chúng sinh được giải thoái tiêu tan mọi mần bệnh trong tâm tưởng mà mở hộp cho khí ra, mở bình để rót thuốc. Khai sáng cho chúng
sinh nhật ra cái tâm thanh tịnh sẵn có nơi mình mà biết gìn giữ phát huy là mục đích tối cao của Phật. Ngôn ngữ Phật nói ra chỉ là phương tiện còn cái quan trọng là chân tâm bản thể trong mỗi con người mà mỗi người cần nhận ra và giữ gìn nó.
“Có vị hỏi: “Hòa thượng Thủy Lạo mới đến tham vấn Mã Tổ, hỏi về ý Tổ sư từ Ấn Độ sang. Mã Tổ đạp cho một đạp ngã nhào. Thủy Lạo đứng dậy liền đại ngộ, vỗ tay cuời ha hả. Vậy là ý thế nào?” Thầy đáp: “Cái đạp của voi lớn, không phải lừa chịu nổi”. Lại hỏi
: “ Sau này Thủy Lạo dạy chúng, nói: “ Từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ đến ngày nay cười mãi chẳng thôi”. Điều đó có nghĩa gì?” Thầy đáp: “Tiếng gầm rống của sư tử thật, đâu phải tiếng kêu của bọn dã can”. Lại thưa: “Tôi không hiểu”. Thầy dùng kệ chỉ dạy: “Một đạp ngã nhào, ai hay tìm xét. Đứng dậy cười to, lại sinh buồn thảm. Cần hiểu Tây sang, ngựa tơ ăn cỏ”. Vị tăng lễ bái, lui ra.( Vấn: “Thủy Lạo hòa thượng sơ tham Mã Tổ, vấn Tây lai ý, Tổ nhất đạp thấp đảo, lạo khởi lai đại ngộ, phủ chưởng kha kha đại tiếu, ý tắc ma sinh”. Sư vân: “Long tượng xúc đạp, phi lư sở kham”. Tiến vân: Hậu thị chúng đạo : “Tự tòng nhất khiết Mã sư đạp, trực đáo như kim tiếu bất hưu. Hựu tác ma sinh?” Sư vân: “Chân sư tử chi hao hống, phi dã can chi giảo đồng”. Tiến vân: “ Học nhân bất hội”. Sư dĩ kệ thị chi: “Nhất đạp thấp đảo, thùy giải tầm thảo. Đại tiếu khởi lai, Tăng sinh ảo não. Yếu thức Tây lai, mã câu khiết thảo”). Câu chuyện Thiền khó hiểu đã được Thượng sĩ lý giải một cách sâu sắc. Khi Hòa thượng Thủy Lạo đến hỏi Mã Tổ, Mã Tổ biết đây là người có thể lĩnh hội được ý chỉ đạo Thiền, nên Mã Tổ đã kiến giải bằng một cái đạp ngã nhào. Thủy Lạo lãnh hội được thâm ý, vỗ tay cười ha hả, và từ đó cười mãi không thôi. Thượng sĩ cho rằng đó là tiếng gầm rống của sư tử, chứ không phải tiếng kêu của loài cú cáo tầm thường. Sau đó, ngài dùng kệ để giải thích thêm, tiếng cười của Thủy Lạo thật đặc biệt thể hiện sự đại ngộ nhưng tăng sinh đời sau khó lòng hiểu được nên sinh phiền não, hình tượng ngựa non ăn cỏ là nói đến sự truyền lưu qua nhiều đời như Bát Nhã Đa La, Bồ Đề Đạt Ma, Mã Tổ, Bá Trượng Hoài Hải, Vô Thông Ngôn… để Thiền tông được hưng thịnh và có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của xã hội.
Ngoài việc giảng dạy, giải đáp những giáo lí cao siêu của Phật giáo như Phật pháp, sinh tử, Phật tâm, pháp thân, kinh Niết bàn, Kinh Duy ma, kinh Hoa nghiêm…hay những câu chuyện Thiền về
Quy Sơn, Thái tử Tất Đạt, Thiền sư Hương Nghiêm, Thiền sư Vạn Tuế, Hòa thượng Đàm Không…Tuệ Trung Thượng sĩ còn giảng dạy cho môn đồ về lẽ ứng xử ở đời: “Xin hỏi: “Thế nào là gia phong của Thượng sĩ? Thầy đáp: “ Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp, lười câu cá suối khiến hạc tranh” (Khải vấn: “ Như hà thượng sĩ gia phong?” Sư vân: “ Nhàn phao nham quả hô viên tiếp, Lãn điếu khê ngư dẫn hạc tranh). Người học muốn biết nếp sống trong đời thường của Thượng sĩ. Ngài đã giải thích khi rỗi rãi thì nếm trái cây rừng để gọi vượn đến ăn, khi lười thì ngồi câu cá để cho bọn hạc được ăn cá. Giữ được cái tâm tự tại và làm tất thẨy cho chúng sinh, đó là nếp sống an nhiên của ngài. Ngài còn dạy cho môn đồ của mình về tình yêu thương, tình thầy trò từ chính sự trân trọng và ân nghĩa mà ông dành cho người thầy của mình: Thân tuy phì độn ngụ hương quan/ Tứ trọng ân thâm vị cảm hàn/ Ý chuyết thiểu phùng thiêm ý khí/ Tâm hôi cô thủ thống tâm đan/ Xuân hồi hư đối khai đào nhị/ Phong khởi không văn kích trúc can/ Đương nhật đáo gia tham vấn bãi/ Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn (Thân tuy quê kệch ở nơi xóm làng/ Tứ trọng ơn sâu, lòng chưa dám lạnh/ Ý vụng về, nhờ gặp gỡ ít nhiều cũng đã tăng thêm ý khí/ Lòng như tro nguội, song riêng gìn giữ tấc son/ Xuân đến, lặng lẽ ngắm cây đào nẨy nhị/ Gió nổi lên, luống nghe khóm trúc khua vang/ Hôm nọ đến nhà tham vấn xong/ Giờ đây, xin gảy cây đàn không giây). Đây là một tác phẨm sâu sắc về tình thầy trò, sự thấu hiểu, đồng điệu của thầy và trò nhìn từ góc độ Phật giáo.
Như vậy, những nội dung mà Tuệ Trung Thượng sĩ giảng dạy cho môn đệ rất phong phú, từ những triết lí cao siêu, những câu chuyện giàu hàm Ẩn đến cách sống trong cuộc đời thường nhật… Đối cơ, Tụng cổ, tụng kệ của ông phần nào cho chúng ta hình dung được trí tuệ uyên bác của người thầy trong thời đại cách chúng ta nhiều thế kỉ. Qua những công án Thiền, chuyện thơ, chuyện đời, người đọc hiểu về hành trạng, nhân cách, con người cũng như những cống hiến của Thượng sĩ và chiêm nghiệm về vị thế của người thầy trong xã hội đương đại.
-
-
- Người thầy có phương pháp giảng dạy linh hoạt và sáng tạo
Cùng với nội dung giảng dạy phong phú sâu sắc thì phương pháp giảng dạy của Thượng sĩ cũng rất đa dạng, thể hiện tâm huyết cũng
như tài năng Thượng sĩ với thế hệ sau. Trong quá trình truyền thụ tư tưởng Phật giáo, ông dùng cách thức đưa ra những bài kệ ngắn gọn nhưng sâu xa giúp môn đệ tự ngộ ra được những tư tưởng uyên áo, cũng có khi, ông từng bước dẫn dắt tư duy của tăng sinh để họ đến được với chân lí… Việc lựa chọn phương pháp nào để truyền thụ tư tưởng của ông hệ thuộc nhiều vào người hỏi và vấn đề được hỏi.
Trong phần thi ca, ông đã viết những tác phẨm có nhan đề là Thị đồ, Thị chúng, Thị học và hàng loạt những tác phẨm bàn về tư tưởng Phật giáo như Mê ngộ bất dị, Nhập trần, Phàm Thánh bất dị, Phật tâm ca, Sinh tử nhàn nhi dĩ, Thế thái hưu huyễn, Trì giới kiêm nhẫn nhục, Tâm vương. Ông khuyên chúng sinh nhận ra chân tâm, Phật tính trong mình từ cách đặt phản đề về thực trạng của xã hội: Thế gian nghi vọng bất nghi chân/ Chân vọng chi tâm diệc thị trần/ Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn/ Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân (Thế gian ưu dối không ưa thực/ Cái tâm thực hay dối cũng đều là bụi cả/ Nếu muốn vượt lên cao sang bờ bên kia/ Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt – Thị chúng). Ông giác ngộ người học, khai mở trí tuệ cho người học bằng việc dẫn dắt quá trình niệm và vong của họ: Niệm khởi, tâm tâm khởi/ Tâm vong, niệm niệm vương (vong)/ Dục tri đoan đích ý/ Thạch hổ giảo kim dương/ Thiên địa do đàn chỉ/ Sơn xuyên đẳng thấu thanh/ Tạm thời phong vũ động/ Kê hướng ngũ canh minh (Một ý nghĩ nổi lên thì mọi tâm nổi lên/ Một tâm quên đi, thì mọi ý nghĩ quên đi/ Muốn biết nghĩa đích thực/ Hổ đá cắn dê vàng/ Trời đất chỉ như búng ngón tay/ Non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng/ Tạm thời gió mưa rung chuyển/ Gà gáy lúc canh năm – Thị đồ). Ông bắt đầu gợi mở cho môn đồ từ chính sự bối rối, băn khoăn, lung túng của họ: Học giả phân phân bất nại hà/ Ðồ tương linh đích khổ tương ma/ Báo quân hưu ỷ tha môn hộ/ Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa (Người học rối chẳng biết làm sao đây/ Luống công cầm hai hòn gạch mà xát một cách khổ sở/ Xin bảo với bạn hãy thôi ỷ vào cửa nhà người khác/ Một chấm ánh xuân làm hoa nở nơi nơi – Thị học)… Thượng sĩ đã bằng nhiều con đường khác nhau để đem đến sự chuyển biến trong nhận thức của chúng sinh, môn đồ và giúp họ đạt đến những tầm cao hơn trong quá trình tu tập.
Tuệ Trung Thượng sĩ đã cụ thể hóa những đặc điểm cơ bản trong các khái niệm trừu tượng bằng hàng loạt những hình ảnh giản dị gần gũi với cuộc sống. Ông đặc biệt xuất sắc với khả năng cụ thể
hóa những khái niệm trừu tượng bằng biện pháp tu từ so sánh: Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh/ Tâm tựa thanh phong tính nhược bồng (Thân như gương ảo nghiệp như bóng/ Tâm như gió mát, tính tựa cỏ bồng - Vạn sự quy như), Tâm vương vô tướng diệc vô hình/ Nhãn tự lí châu dã bất minh (Tâm vương không tướng cũng không hình/ Dù mắt sáng như hạt châu cũng không nhìn thấy - Tâm vương), Khổ thế luân hồi như chuyển cốc/ Ái hà xuất một đẳng phù âu (Nẻo khổ luân hồi như trục bánh xe quay mãi/ Sông ái chìm nổi như bọt nước bập bềnh – Khuyến thế tiến đạo), Tam sinh thúc hốt chân phong chúc/ Cửu giới tuần hoàn thị nghĩa ma (Ba sinh thấm thoát như ngọn duốc trong gió/ Chín cõi tuần hoàn giống như kiến bò miệng cối xay - Đốn tỉnh), Ngã nhân tự lộ diệc tự sương/ Phàm Thánh như lôi diệc như điện (Ta và người như móc cũng như song/ Phàm Thánh như sấm cũng như chớp - Phàm Thánh bất dị)… Hình tượng thiên nhiên, con người là cái biểu đạt chuyên chở nội dung được biểu đạt là những tư tưởng Phật giáo. Những hình tượng quen thuộc gần gũi như đứa trẻ, gương mặt mẹ, ánh trăng…. để biểu đạt những tư tưởng chủ yếu, cơ bản của Phật giáo. Cách thức nhiều ý nghĩa trong cách truyền thụ giáo lý Phật giáo này là một thế mạnh trong thơ ca, tụng kệ của Trần Tung nói riêng và thơ ca, tụng kệ của thời Trần nói chung.
Trong phần Đối cơ và Tụng cổ, ông thường giải đáp, dẫn dắt tư duy cho môn sinh. “Có vị lại hỏi: “Trong Kinh có nói Không tức là sắc, sắc tức là không, ý chỉ thế nào? Lặng giây lâu rồi hỏi: “ Hiểu chăng ?” Thưa: “ Chẳng hiểu”. Thầy hỏi: “ Ông có sắc thân không?” Thưa: “Có”. Thầy bảo: “ Sao nói sắc tức là không?” Thầy hỏi tiếp: “Ông có thấy tướng mạo chăng?” Thưa: “Không”. Thầy bảo: “Sao nói không tức là sắc?” Lại hỏi: “Rốt cuộc là thế nào?” Thầy đáp: “Sắc vốn không không, không vốn không sắc”. Vị tăng lễ tạ đi ra. Thầy bảo: “Nghe tôi nói kệ: Sắc tức là không, không là sắc. Ba đời Như Lai phương tiện đặt. Không vốn không sắc, sắc không không. Thể tánh sáng ngời không được mất”. Hét. (Tiến vân: giáo trung đạo: Không tức thị sắc, sắc tức thị không,ý chỉ như hà?” Sư lương cửu vấn: Hội ma? Tiến vân: bất hội. Sư vân Nhữ hữu sắc thana ma? Tiến vân: Hữu. Sư vấn: Vị hà sắc tức thị không? Hữu vấn: Nhữ kiến không ưhũ tướng mạo ma? Tiến vân: vô. Sư vân: Hà vị không tức thị sắc? tiến vân: Tất cánh như hà? Sư vâ: Sắc bản vô không, không bản vô sắc. Tăng lễ tạ. Sư vân: Thính ngô kệ viết: sắc tức thị không, không thị sắc. Tam thế
Như Lai phương tiện lực. Không bản vô sắc sắc vô không. Thể tính minh minh phi thất đắc). “Lại hỏi: “Thế nào là tâm cổ Phật?” Thầy đáp: “Trọn nói khắp thành không quốc sắc, đâu hay cửa tía có thuyền quyên” (Tiến vân: Như hà thị cổ Phật tâm? Sư vân : “Tận đạo mã thành vô quốc diễm. Bất tri chu hộ hữu thuyền quyên”). Lại hỏi: “Thế nào là nghiệp sinh tử?” Thầy đáp: “Sương thu lấm tấm phủ hoa lau, đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng” (Tiến vân: Như hà thị sinh tử nghiệp? Sư vân: “Thu sương trích trích lô hoa ngạn. Dạ tuyết phân phân nguyệt sắc thiên”)”. “Lại hỏi: “Ngài Di Lặc không tu định huệ vì sao thành Phật không nghi?” Thầy đáp: “Đào đỏ trên cây đúng thời tiết, Cúc vàng bên dậu nào phải xuân” (Tiến vân: dật Đa bất tu định huệ, vị thập ma thành Phật vô nghi? Sư vân: “Hồng đào thụ thượng chân thời tiết. Hoàng cúc li biên bất thị xuân”)”… Những câu kệ gợi mở giàu hình tượng đòi hỏi người nghe phải tự tìm tòi để chứng ng- hiệm chân lí. Ngoài ra, với những hình tượng Ẩn dụ, những câu giàu giá trị văn học, thể hiện sự thẨm thấu rất nhuần nhị giữa văn học nghệ thuật và văn học chức năng trong thời đại mà sự phân tách này chưa thật sự rõ ràng.
Ngoài việc dùng những câu kệ giàu hình tượng để gợi mở những tư tưởng cao siêu, ông đã dùng những hình tượng rất đặc biệt để phá gẫy tư duy thông thường của người nghe, giúp họ có thể ngộ được ý chỉ sâu xa mà mạnh mẽ của đạo Thiền. “Có tăng sinh lại hỏi: “Thế nào là Pháp thân thanh tịnh?” Thầy đáp: “Ra vào trong nước đái trâu. Chui rúc trong đống phân ngựa. (Tiến vân: Như thị hà thanh tịnh pháp thân? Sư vân: “Xuất nhập ngưu tâu nôi. Toàn nghiên mã phản trung”)”. Khi giảng kinh Niết Bàn, Thượng sĩ có câu tụng: “…nếu gặp lão Cồ Đàm thân nóng lạnh. Chưa khỏi ngang hông cho một đạp…” (Nhược phùng đống nũng lão Cồ Đàm, vị miễn lan hung đạp)”. Đây là những lời đối đáp táo bạo, khác với những lừoi đối đáp từ bi, nhẹ nhàng. Đó chính là sự đa dạng trong cách giảng dạy cho phù hợp với những người nghe để đến được mục đích cuối cùng là giúp họ ngộ đạo.
Tông chỉ Thiền tông luôn đề cao con đường tự chứng nội tâm, trên con đường tu tập, không phải ai cũng đạt đến cái đích cuối cùng, nhiều người đã phạm phải những mê lầm. Tuệ Trung Thượng sĩ đã đập tan những mê lầm ngẫu tượng này, đột phá thẳng vào trí tuệ Bát nhã: Mặc vi hương nhĩ bút vi can/ Học hải phong ba lí điếu
thuyền/ Trân trọng Viễn Công tần hạ điếu/ Hội nanh long thượng thị lư niên (Mực làm mồi thơm, bút làm cần/ Bể học sóng gió nên phải lái thuyền câu/ Thật trân trọng Viễn Công bao nhiêu lần buông câu không nản/ Gặp con rồng dữ bay lên, đúng là năm lừa - Hí Trí Viễn Thiền sư khán kinh tả nghĩa). Thượng sĩ nói Thiền sư Trí Viễn dùng bút mực để giải thích kinh điển giống như dùng thuyền câu đi trên biển giáo lý mênh mông. Thương sĩ khen Thiền sư Trí Viễn bao lần buông câu câu con rồng dưới biển. Nhưng ngày bắt được con rồng còn xa thăm thẳm, đến năm con lừa mới bắt được mà trong thập nhị hoa giáp thì chẳng có năm nào là năm lừa. Thiền sư Trí Viễn cả đời chẳng đạt được mục đích bằng con đường đang đi. Câu được con rồng dữ vào năm Lừa là hình tượng Ẩn dụ của mê lầm: Học giả phân vân bất nại hà/ Đồ tương linh đích khổ tương ma (Người học đạo rối bời biết làm sao đây/ Luống công đem viên gạch mài vào nhau một cách khổ sở - Thị học). Thượng sĩ cho rằng sách vở, kinh kệ, từ chương chỉ là phương tiện, nếu không vượt lên nó thì không bao giờ đạt được đến tâm Thiền. Mã Tổ từng nói với Bách Trượng: “Ngồi Thiền không thể thành Phật cũng như mài ngói không thể thành gương”. Việc tu Thiền rất cần sự diệu ngộ của mỗi cá nhân để phá bỏ những mê chấp trên con đường chứng ngộ.
Như vậy, cùng với nội dung thuyết giảng phong phú uyên bác, sự đa dạng trong cách giảng dạy đã đem đến những giá trị sâu sắc cho phần Đối cơ, Tụng cổ cũng như toàn bộ trước tác của ông. Vì sao Thượng sĩ đã đạt đến được một nhân cách và trình độ của bậc thầy đáng kính trọng như vậy? Người thờ ông làm thầy là Trần Nhân Tông đã lí giải về con người và cuộc đời của ông: “Thượng sĩ trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối tiếp được theo hạt giống pháp và dìu dắt được kẻ sơ cơ. Người nào tìm đến hỏi han, người cũng chỉ bảo cho điều cương yếu, khiến cho họ trụ được cái tâm, mặc tính hành tàng, không rơi và danh hay thực (…). Thượng sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát, trăng thanh. Đương thời các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người “tin sâu biết rõ”, ngược xuôi thật khó mà lường” (Thượng sĩ hành trạng).11
-
ơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr.247.
-
- SUY NGẪM VỀ VỊ THẾ CỦA NGƯỜI THẦY THỜI NAY
Sự chuyển mình của cả hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa tất yếu dẫn đến giáo dục cũng phải thay đổi, tất yếu dẫn đến những yêu cầu mới đối với người thầy. Cùng với đó, những triết lý giáo dục mới được đưa vào quá trình đào tạo đã khiến cho nền giáo dục không ngừng vận động. Trong sự chuyển đối không ngừng này, một số căn cốt, một sốgiá trị cốt lõi vẫn không thay đổi. Chân dung của người thầy Tuệ Trung Thượng sĩ đã phần nào chỉ ra, định hướng được những giá trị cốt lõi này.
Thứ nhất, người thầy là người phải có phẨm chất và nhân cách. Người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, hướng dẫn cho người học lĩnh hội và phát huy giá trị của tri thức mà trước hết người thầy là người quan trọng giúp cho người học tu dưỡng về nhân cách, đạo đức. Tiên học lễ, hậu học văn không phải là một khẨu hiệu sáo rỗng mà cần được hiểu và thực hiện một cách có chiều sâu. Việc rèn dạy về nhân cách cho người học phải được đặt lên ở vị trí cao nhất trong quá trình giáo dục con người. Nếu đạt được điều đó, xã hội sẽ ổn định và phát triển một cách bền vững. Người thầy Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung đã sống có trách nhiệm với xã hội trong việc tham gia bảo vệ quê hương, trong quá trình trước thuật để lưu lại những tác phẨm cho đời và giáo thụ cho các môn đồ. Hơn nữa, trong cách giao tiếp với môn đồ, ông luôn có “thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc” để hình thành được chuẨn mực và tạo hiệu quả giáo dục cao. Cuộc đời của ông thực sự là một tấm gương về nhân cách, phẨm hạnh để người đời sau suy ngẫm và noi theo.
Thứ hai, người thầy cần tích lũy được một hệ thống tri thức sâu sắc, có trí tuệ uyên bác. Ở bất cứ thời nào, lĩnh vực nào thì người thầy cũng là người truyền thụ, định hướng tri thức cho người học. Vậy nên, việc tích lũy những tri thức ngày càng uyên thâm là một trong những điều quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp giáo dục của một người thầy. Ý thức này cần được người làm nghề dạy học, dựng nghiệp đào tạo thực hiện trong suốt cuộc đời. Bằng tất cả sự cố gắng của mình, người thầy phải từng bước giúp cho người học thay đổi nhận thức để trở thành người tốt hơn và luôn hướng thiện. Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung được nhiều người thờ làm thầy, trong đó có Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, bởi ông là người đã luôn đem lại ánh sáng nhận thức cho các môn đồ
của mình. Đây là một bài học sâu sắc và đến nay vẫn còn nguyên giá trị về quá trình tích lũy và hình thành tri thức cho người dạy và người học.
Thứ ba là quá trình người thầy rèn luyện về khả năng truyền thụ tri thức cho người học, đáp ứng được yêu cầu tiến bộ theo con đường phát triển của mỗi cá nhân người học. Trong quá trình giảng dạy của mình, Tuệ Trung Thượng sĩ đã luôn lựa chọn những cách thức cho phù hợp với người hỏi và vấn đề được hỏi. Người dạy học phải luôn phải linh hoạt, sáng tạo để định hướng cho những đối tượng khác nhau. Ngày nay, theo xu thế phát triển không ngừng của xã hội với những điều kiện về khoa học giáo dục, công nghệ thông tin, người thầy cũng phải tiếp cận, lĩnh hội và thích ứng với những điều kiện mới, phương pháp giảng dạy, phương pháp tư duy mới. Có như vậy, quá trình giáo dục mà người thầy sử dụng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của người học và của xã hội. Đây cũng là vấn đề cốt lõi cần được đảm bảo trong quá trình phát triển giáo dục đối với người trực tiếp thực hiện việc giảng dạy.
Từ xưa đến nay, người thầy luôn có một vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của xã hội. Vị thế ấy của người thầy trong xã hội hiện nay cũng không thay đổi. Người thầy không ngừng phải hoàn thiện mình để giữ được những vấn đề căn cốt, cơ bản, có giá trị trong nhân cách, tri thức và phương pháp giảng dạy. Khi xã hội đương đại xuất hiện nhiều hiện tượng đau lòng về nhân cách của người thầy, về mối quan hệ thầy trò, về mối quan hệ giữa nhà trường và xã hội thì càng bức thiết đặt ra vấn đề khẳng định về vị thế người thầy. Hạt nhân quan trọng trong vấn đề này trước tiên thuộc về chính những người làm thầy, những người làm nghề và tạo dựng sự nghiệp cho mình. Đồng bộ là sự hỗ trợ của các cấp quản lý trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục của quốc gia. Sau nữa, sự nhận thức của toàn xã hội, nhất là sự nhận thức của gia đình và bản thân người học cũng góp phần quan trọng để quá trình giáo dục đạt hiệu quả cao, đem đến sự phát triển toàn diện cho người học và sự phát triển bền vững cho xã hội.
-
- KẾT LUẬN
Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung là một nhân vật lịch sử độc đáo bậc nhất thời Trần, đồng thời ông cũng là một trong không nhiều
tác giả thời kì này còn lưu giữ được trước tác tương đối bề thế. Ngài cống hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vai trò một người thầy truyền thụ tư tưởng giáo lý và tạo chuẨn mực trong ứng xử nhân sinh. Với cuộc đời và sự nghiệp của mình, ngài khai mở trí tuệ cho các môn đồ và khiến cho họ có những thay đổi sâu sắc. Tác giả của những trước tác như Đối cơ, Tụng cổ thực sự trở thành một bậc thầy cùng với nhiều bậc thầy lớn trong lịch sử Việt Nam như Chu Văn An (1929 – 1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), v.v... Những bậc thầy có nhân cách đáng kính trọng và trí tuệ uyên bác đã để lại cho hậu thế nhiều suy ngẫm có giá trị sâu sắc về chính vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại.
Xin kết bài viết này bằng lời tôn vinh Tuệ Trung Thượng sĩ của Trần Nhân Tông : “Đây là bậc cao tăng đại đức/ Định danh đâu dễ/ Thước góc Lương Hoàng/ Mõ chuông Thái Đế/ Vuông tròn đều hay/ Mỏng dày đủ vẻ/ Biển pháp một ngươi/ Rừng Thiền ba phía” (Thượng sĩ hành trạng).12
TÀI LIỆU THAM KHẢO
竹 林 慧 忠 上 士 語 籙, kí hiệu A.1932 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
三 祖 寔 籙, kí hiệu A.2048 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nguyễn Thị Thanh Chung, “Khảo sát văn bản Tuệ Trung
Thượng sĩ ngữ lục ”, Thông báo Hán Nôm học năm 2012,
Nxb. Thế giới, H., 2013, tr. 141-155.
Nguyễn Thị Thanh Chung, “Chữ “không” trong thơ Tuệ Trung Thượng sĩ – Trần Tung”, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2015, tr.68-77.
Đinh Phúc Bảo (chủ biên), Phật học đại từ điển, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991.
Nguyễn Duy Hinh, Trần Tung: Thượng sĩ - Nhân sĩ - Thi sĩ,
Nxb. Khoa học xã hội, H., 1997.
Nhiều tác giả, Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trung
12 . Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989, tr. 247.
tâm nghiên cứu Hán Nôm, Tp Hồ Chí Minh, 1993.
Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1989.
Tổng tập Văn học Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1998. Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải,
Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
Kim Cương Tử (chủ biên), Từ điển Phật học, tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1994.
474