437
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC THEO QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Tôn Nữ Minh Hồng
TÓM TẮT
Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy triều đại nhà Trần được xem là triều đại hưng thịnh và vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những nhân tố chủ yếu giúp cho triều đại này hưng thịnh đó chính là nhờ tài lãnh đạo của các bậc minh quân. Đặc biệt, đời Trần được đánh giá là “thời đại hoàng kim” của Phật giáo Việt Nam với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sáng lập.
Nhằm mục đích xây dựng một xã hội lý tưởng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã vận dụng Phật pháp vào trong cuộc sống để giáo dục đạo đức cho nhân dân. Hơn thế nữa, mặc dù với cương vị là người khai sáng một dòng thiền Phật giáo nhưng Sơ Tổ Trúc Lâm vẫn không chủ trương “độc quyền” tôn giáo của mình trong quá trình hành đạo. Điều đó được thể hiện rất rõ qua quan điểm đạo đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông, là sự tổng hòa những nguyên tắc, chuẨn mực đạo đức của Phật giáo lẫn Nho giáo.
- CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO
Nói đến đạo đức là nói đến “những phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức mà có”1. Tùy theo hướng tiếp cận nghiên cứu, đạo đức Phật giáo được khảo sát qua nhiều tiêu chí khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chuẨn mực đạo đức chung của người tại gia lẫn xuất gia theo Phật giáo được xác định qua ba nguyên tắc cơ bản đó là: Ngũ giới, Thập thiện và Từ bi.
-
-
Thạc sĩ, Việt Tân và nhóm cộng tác (2013), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 200.
-
-
- Ngũ giới
Ngũ giới là năm giới căn bản của Phật giáo. Nhằm mục đích giáo dục nhân cách đạo đức cho đệ tử, đức Phật tùy nghi chế định các loại giới luật như: Giới Sa-di, giới Tỳ-kheo, giới Tỳ-kheo-ni v.v.. Mỗi chúng đệ tử của Phật sẽ lãnh thọ số lượng giới điều khác nhau, nhưng suy cho cùng, tất cả hàng Tăng Ni và Phật tử đều phải vâng giữ năm điều căn bản để hoàn thiện nhân cách, làm lợi ích cho mình và mọi người xung quanh, đó là:
Không sát sanh: Không được cố ý giết hại chúng sanh, từ con người cho đến tất cả các loài động vật dù lớn như trâu, bò… hay nhỏ như côn trùng, sâu bọ v.v.. Chẳng những không được tự mình giết hoặc xúi giục người khác giết mà còn khởi tâm thương xót bảo vệ mạng sống của tất cả các loài hữu tình. Trọng tâm của giới không sát sanh là nhằm mục đích nuôi dưỡng và phát triển lòng Từ bi.
Không trộm cắp: Không được cố ý lấy bất cứ tài vật nào khi chưa được sự đồng ý của chủ nhân. Thậm chí trong kinh doanh, không được cân non, đo thiếu, trốn thuế, không trung thực, dối gạt người v.v.. Chẳng những không được trộm cắp, mà còn phải biết bố thí, đem tài sản của mình chia sẻ cho người khác.
Không tà dâm: Không quan hệ bất chính với người khác ngoài hôn phối, chỉ sống chung thủy một vợ một chồng. Giữ giới không tà dâm để gia đình được hạnh phúc, được con cháu kính mến, xã hội tin dùng. Nếu mọi người đều giữ giới không tà dâm thì xã hội có luân thường đạo lý, không có những sự thù hằn chết chóc, ly tán gia đình.
Không vọng ngữ: Không được nói lời sai quấy, không tạo khẨu nghiệp bất thiện qua bốn trường hợp: nói dối, nói lời gây chia rẽ, nói lời thêu dệt, nói lời ác độc. Ngược lại, phải luôn luôn trao dồi bốn loại khẨu nghiệp lành, đó là: nói lời chân thật, nói lời hòa nhã, nói lời có ý nghĩa, nói lời tốt đẹp.
Không uống rượu: Không được uống các thứ gây say xỉn như rượu, bia; không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, thuốc phiện... Vì các thứ ấy làm tổn hại sức khỏe, khiến cho trí óc con người không còn sáng suốt, kéo theo nhiều tội lỗi, tán gia bại sản, thậm chí mất mạng.
Như vậy, năm giới là năm nguyên tắc sống rất thiết thực đối với người Phật tử nói riêng và mọi người trong xã hội nói chung. Người nào tuân thủ trọn vẹn năm giới, tất nhiên sẽ gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống. Bởi người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người, tiếng tốt được đồn xa, được mọi người yêu thương, tôn trọng, kính nể. Mục đích của đạo Phật là hướng dẫn con người đi đến an lạc hạnh phúc, do đó, đức Phật dạy Ngũ giới để giúp con người giữ tròn nhân cách đạo đức, đem lại an lạc hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.
-
-
- Thập Thiện
Trong Kinh Pháp cú, đức Phật dạy rằng: “Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành, Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy” (PC 183).
Vậy, theo lời Phật dạy, những gì là ác (bất thiện) và những gì được gọi là lành (thiện)? Trong Đại kinh Vacchagotta, đức Phật trình bày rất rõ về pháp thiện và bất thiện: “Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện. Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện. … Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện. Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy, này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện”2. Tóm lại, 10 việc: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói ác khẨu, nói lời phù phiếm, xan
tham, sân, tà kiến, là 10 điều bất thiện, ngược lại là Thập thiện (十
善), tức là 10 điều lành. Đó chính là mười việc lành do ba nghiệp
tạo nên, gồm có:
- Không sát sinh: Nghĩa là không giết hại, không cướp mất mạng sống của con người và các loài động vật khác.
- Không trộm cắp: Nghĩa là không tước đoạt quyền sở hữu của người khác một cách phi pháp.
2. Thích Minh Châu dịch (2012), “Đại Kinh Vacchagotta”, Kinh Trung bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 599-600.
- Không tà dâm: Nghĩa là không có những hành vi quan hệ tình dục với người không phải là vợ hay chồng của mình.
- Không nói dối: Nghĩa là nghĩ thế nào nói thế ấy, lòng nghĩ và miệng nói không trái nhau, việc phải thì nói phải, việc quấy thì nói quấy, việc có thì nói có, chuyện không thì nói không.
- Không nói thêu dệt: Nghĩa là không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không nói lời ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ người làm điều sái quấy.
- Không nói lời hai chiều: Nghĩa là không nói lời đâm thọc hai chiều, không đến bên này nói xấu bên kia, không đến bên kia nói xấu bên này khiến cho hai bên hận thù nhau.
- Không nói lời hung ác: Nghĩa là không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn, thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, khổ đau.
- Không tham lam: Nghĩa là không ham muốn năm thứ dục lạc (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) ràng buộc chúng sanh luân hồi sanh tử trầm luân.
- Không sân hận: Nghĩa là không nóng nảy, giận hờn, vẫn giữ sự bình tĩnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý nghịch lòng.
- Không si mê: Nghĩa là phải có sự hiểu biết đúng đắn, phán đoán rành rẽ, nhận định rõ ràng, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin theo tà kiến trái với chơn lý, nhất là không mê tín dị đoan.
Pháp Thập thiện này có công năng rất lớn, như trong “Kinh Thế ký” thuộc Trường A-hàm, đức Phật dạy: Ở thế gian vào thời kiếp giảm, con người sống đến 84 ngàn tuổi, sau đó giảm dần còn 7 vạn, 6 vạn ... cho đến 200, và ngày nay, con người sống khoảng 100 tuổi. Sở dĩ tuổi thọ và phước báo con người suy giảm là do không tu pháp Thập thiện mà ngược lại còn làm Thập ác. Qua kiếp tăng, con người làm ác cùng cực, chợt thức tỉnh tu thiện, từ 1 cho đến 10 điều thiện, thì phước báo và tuổi thọ tăng dần lên đến 84 ngàn tuổi, và thế giới trở thành an lạc, hạnh phúc vô cùng3.
3. Xem thêm: “Kinh Thế ký”, Kinh Trường A-hàm, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập I, tr. 144-145.
Đó chính là lý do tại sao khi đề cập đến lợi ích của pháp Thập thiện, Hòa thượng Thích Thanh Từ nói rằng: “Người tu từ cư sĩ tại gia cho đến xuất gia lẫn người thế gian, nếu biết áp dụng pháp tu Thập thiện trong cuộc sống thì được bình an hạnh phúc. Người tu thì mau tiến đến quả giải thoát. Người đời thì phước báu ngày càng lớn, tuổi thọ ngày càng tăng trưởng”4. Đặc biệt, trong Phật học phổ thông, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã nêu lên bốn lợi ích của Thập thiện nghiệp hết sức cụ thể như sau: 1. Thập thiện nghiệp có thể giúp con người cải tạo thân tâm; 2. Thập thiện nghiệp giúp cho con người có thể cải tạo hoàn cảnh; 3. Thập thiện nghiệp là chánh nhân thiên giới; 4. Thập thiện nghiệp là căn bản Phật quả5.
Nói chung, bất kể tại gia hay xuất gia, nếu ai giữ tròn Thập thiện thì trong đời hiện tại thân tâm được cải thiện tốt đẹp, hoàn cảnh sống được sáng sủa tươi vui; tương lai tránh khỏi đọa lạc chốn tam đồ, lại được hưởng phước báo cõi nhân thiên và chứng đắc Phật quả. Thiết nghĩ, mỗi một công dân sống trong cộng đồng xã hội biết thực hành Thập thiện, bản thân cũng như gia đình của họ sẽ được an lành, hạnh phúc; đồng thời có thể góp phần xây dựng và phát triển nền đạo đức, văn hóa, kinh tế v.v. cho đất nước được yên bình, thịnh vượng. Có thể nói giáo lý Thập thiện là mười nguyên tắc chuẨn mực để hoàn thiện nhân cách đạo đức cá nhân, là nền tảng căn bản để thiết lập nền đạo đức văn hóa cho xã hội lý tưởng.
-
-
- Từ bi
Chúng ta thường nghe nói: “Đạo Phật là đạo Từ bi”, “người tu hành phải có tâm Từ bi”; đặc biệt, trong bài diễn văn khai mạc “Hội thảo Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại”, Hòa thượng Thích Minh Châu nhấn mạnh: “Những đức tính chủ yếu được đề cao trong đạo đức học Phật giáo, nổi bật là lòng Từ bi vô lượng”6. Vậy Từ bi nghĩa là gì?
Thông thường, Từ bi được hiểu một cách đơn giản là lòng thương
-
Thích Thanh Từ (1993), Kinh Thập thiện giảng giải, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, tr. 7.
- Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 324-325.
- Nhiều tác giả (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 16.
người, nhưng thật ra, Từ bi vốn do hai chữ ‘Từ’ (慈, S: Maitrya) và ‘Bi’ (悲, S: Karuṇa) ghép chung lại và được định nghĩa một cách rõ
ràng như sau:
Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ.
Nghĩa là: Từ là mang niềm vui đến cho tất cả chúng sanh, Bi là thường dứt trừ đau khổ cho tất cả chúng sanh. Như vậy, lòng Từ bi của Bồ-tát không chỉ giới hạn trong phạm vi bà con quyến thuộc, bạn bè, mà còn trải rộng khắp tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới”7. Với tâm Từ bi rộng lớn vô biên, các Ngài ban bố tình thương cho tất cả chúng sanh bằng những giọt nước cam lồ diệu pháp. Những tâm hồn khổ đau phiền não luôn được xoa dịu trong dòng suối mát lành tràn đầy hạnh phúc và yêu thương.
Trong Tứ Vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), hai chữ Từ và Bi đứng đầu, là điều kiện tất yếu cần phải có trước tiên đối với bất cứ ai tu tập Bồ-tát hạnh theo tinh thần Phật giáo Đại thừa. Chính tâm Từ bi dẫn dắt chúng ta trên lộ trình hành Bồ-tát đạo, đi vào cuộc đời để hóa độ chúng sanh. Thực tế nhất là trải lòng Từ bi yêu thương, quan tâm, giúp đỡ những người chung quanh cũng như bất cứ sinh linh nào cần sự cứu giúp của các vị Bồ-tát hóa thân đang hiện hữu trên cuộc đời này. Xưa kia, đức Bổn Sư chúng ta đã vì lòng Từ bi rộng lớn đối với mọi loài chúng sanh, Ngài đã không quản ngại gian nguy ra đi tìm đạo cứu đời. Chính vì lòng Từ bi mà 49 năm Ngài thuyết pháp không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta chưa có được lòng Từ bi bao la cao thượng như đức Phật, thì chúng ta nên thể hiện lòng Từ bi trước hết là đối với con người và các loài động vật chung quanh ta. Đối với con người, không chỉ những người trong lục thân quyến thuộc như cha mẹ, thầy bạn, anh em v.v. mà ngay cả những người xung quanh, chúng ta đều nên thể hiện lòng thương yêu họ. Còn đối với các loài động vật, chúng cũng ham sống sợ chết như loài người, do đó, chúng ta không nên nhẫn tâm giết hại chúng.
Tóm lại, theo quan điểm Phật giáo, Từ bi không đơn thuần là
-
Nguyên tác: “(Bodhisattva’s) Compassion is not merely concerned with a few sentient beings such as friends and relatives, but extends up to the limits of the cosmos, in all directions and towards all beings throughout space” (Paul Williams (2009), Mahāyana Buddhism: The Doctrinal Foundations, Routledge, London, p.196).
lòng thương người với tình cảm luyến ái phàm tục của thế gian mà luôn vượt qua giới hạn tình cảm riêng tư, xoá tan mọi rào chắn của đẳng cấp, giới tính, địa vị, chủng tộc… Khi một người thật sự có tâm Từ bi thì người ấy không những chỉ thương yêu bà con quyến thuộc thân thích mà còn chan rải tình thương đến với mọi người, thậm chí cả kẻ thù của chính mình. Với giáo lý Từ bi, Phật giáo đã khẳng định rằng hận thù hay bạo lực không thể dập tắt mọi xung đột hay mâu thuẫn trong cuộc sống, chỉ có tình thương mới có thể xoa dịu những trái tim thù hận và tàn bạo.
- CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CĂN BẢN CỦA NHO GIÁO
Theo luân lý đạo đức của Nho giáo, con người sống trong xã hội cần phải thực hiện tốt năm mối quan hệ giữa vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em và bạn bè. Để có thể xử lý tốt năm mối quan hệ đó, trên căn bản con người cần phải có Ngũ đức và giữ tròn đạo Trung hiếu.
2.1 Ngũ đức
Ngũ đức hay còn gọi là Ngũ thường. Đó là năm phẨm chất đạo đức thông thường của con người, nói đúng hơn là năm yếu tố hình thành nhân cách một con người theo quan niệm của Nho giáo, gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân (仁): Là nhân ái, nhân từ, là cách đối nhân xử thế trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội. Hay nói cách khác, “Nhân là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người, nên Nhân chính là đạo làm người”8. Trong Luận ngữ, Nhân được nhắc đến nhiều lần và trở thành yếu tố cốt lõi về đạo đức của Nho giáo. Khổng Tử nói: “Muốn tu thân phải tuân theo đạo lý. Muốn tuân theo đạo lý, phải thực hiện Nhân. Nhân tức là tính người, là kính yêu người trong thân tộc, yêu nhân dân của mình. Đó là điều lớn nhất trong chữ Nhân”9.
Nghĩa (義): Là lẽ phải, là những gì hợp với đạo làm người. Cụ thể hơn, Nghĩa là thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với
-
-
Doãn Chính chủ biên (2012), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 259.
- Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (chủ dịch) (2003), Tứ thư, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr. 74.
người, với cuộc đời và xã hội. Con người ở đời cần phải sống có nghĩa có tình, nghĩa là sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, gia đình, anh em, bè bạn. Tinh thần trọng nghĩa của Nho giáo được thể hiện qua câu nói của Khổng Tử: “Người quân tử chỉ biết điều ng- hĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi”10.
Lễ (禮): Là phép tắc, nguyên tắc đạo đức. Chữ Lễ ở đây không chỉ là lễ phép, đức độ kính trên nhường dưới trong mối quan hệ luân thường đạo lý của con người, mà còn thể hiện qua những hình thức lễ nghi theo truyền thống, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. Khổng Tử nói: “Cung kính mà thiếu lễ thì làm thân mình lao nhọc. Cẩn thận mà thiếu lễ thì trở thành nhút nhát. Dũng cảm mà thiếu lễ sẽ trở thành loạn nghịch. Ngay thẳng mà thiếu lễ sẽ trở nên thô lỗ”11.
Trí (智): Là trí tuệ, kiến thức, năng lực hiểu biết, sự sáng suốt, minh mẫn. Nhờ có trí, con người mới hiểu được đạo lý, xét đoán được sự vật, phân biệt được chánh tà, chuyển hóa việc dở thành hay, điều ác thành điều thiện, có thể thực hiện các việc nhân nghĩa. Khổng Tử nói: “Người có trí lực bậc trung trở lên có thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu. Người có trí lực từ bậc trung trở xuống không thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu”12.
Tín (信): Là tin tưởng, tin cậy. Dù là người tài ba nhưng lại không có uy tín đối với người khác, không được người khác tin cậy thì cũng chẳng được ai tôn trọng. Để giữ được chữ tín thì phải thận trọng lời nói, không hứa hẹn những điều vượt quá khả năng của mình, như Khổng Tử từng nói: “Người xưa không để khinh suất khi nói ra, bởi sợ xấu hổ vì không thực hiện được lời mình đã nói”13.
Trong năm đức tính trên, Nhân được xem là nguồn gốc căn bản của đạo làm người. “Nhân vừa là tu thân vừa là ái nhân, vừa là xử kỷ vừa là tiếp vật. Nó là trung tâm của đạo đức theo Khổng Tử, từ đó mà phát ra các đức khác, và các đức khác tụ cả về nó”14. Người có đức Nhân ắt sẽ sống có Nghĩa, ứng xử hợp với Lễ, có Trí hiểu biết và tạo được uy Tín với người khác. Nói rộng hơn, theo Nguyễn Hiến Lê,
-
-
Dương Hồng…, Sđd, tr. 174.
- Dương Hồng…, Sđd, tr. 259-260.
- Dương Hồng…, Sđd, tr. 222.
- Dương Hồng…, Sđd, tr. 177.
- Nguyễn Hiến Lê (2006), Khổng Tử, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 221.
Nhân bao gồm cả Trung và Hiếu15.
2.2 Trung hiếu
Trung và Hiếu là hai phạm trù đặc biệt quan trong trong tư tưởng Nho giáo. Khi bàn về luân lý đạo đức của Nho giáo có liên quan đến chế độ phong kiến Trung Quốc, chúng ta thường nghe nhắc đến câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”; nghĩa là: vua ra lệnh bề tôi chết, nếu bề tôi không chết là không trung thành với vua; cha khiến con chết, nếu con không chết thì trở thành con bất hiếu. Mặc dù câu nói này còn gây ra nhiều vấn đề tranh cãi nhưng qua đó cho thấy Nho giáo rất chú trọng đạo Trung và Hiếu.
Trước hết nói về đạo Trung. Khổng Tử từng nói: “Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua”, tuy nhiên, bậc trượng phu quân tử cần phải biết: “Trung với vua mà không khuyên can vua theo đường chính ư?”16. Nghĩa là bề tôi phải trung thành với vua, nhưng vị vua ấy phải là bậc minh quân sáng suốt chứ không phải là hôn quân. Trung với vua là một lòng trung thành, tận tụy phục tùng vua, hết lòng giúp vua trong sự nghiệp trị quốc - bình thiên hạ, phải hỗ trợ, tán dương vua làm những việc đạo đức nhân nghĩa, đồng thời phải can gián khi vua làm những việc trái với đạo lý. Qua đó cho thấy, theo Nho giáo nguyên thủy, đạo Trung được nhấn mạnh ở phương diện “trung quân”, về sau mở rộng thành tinh thần “trung quân ái quốc”.
Kế đến là đạo Hiếu. Quan điểm hiếu đạo của Nho giáo được Khổng Tử trình bày rất rõ trong chương đầu “Khai tông minh ng- hĩa” của Hiếu kinh: “Thân thể, tóc da, đều nhận từ mẹ cha, không được để bị hủy hoại, tổn thương, đó là khởi đầu của chữ Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh cho hậu thế, để hiển vinh mẹ cha, đó là tột cùng của Hiếu”. Đồng thời: “Cha mẹ còn sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ”17. Như vậy, theo Nho giáo, người con phải thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ bằng cách:
- Quý trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra; 2. Lập thân dương danh ở đời để vinh hiển mẹ cha; 3. Đối với cha mẹ, phải phụng dưỡng khi còn sống và lo hậu sự cho hợp lễ.
-
-
Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr. 221.
- Dương Hồng…, Sđd, tr. 396.
- Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ, “Thiên II. Vi Chính”, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.40.
Có thể nói học thuyết luân lý, đạo đức của Nho giáo tuy phản ánh năm mối quan hệ phổ biến trong xã hội, nhưng tựu trung lại, cũng chỉ nhắm đến hai mối quan hệ chính, đó là mối quan hệ trong gia đình (cha - con; vợ - chồng; anh - em) và mối quan hệ ngoài xã hội (vua - tôi; bạn bè). Trong gia đình thì mối quan hệ cha - con là lớn nhất và được thể hiện bằng đạo Hiếu. Ngoài xã hội thì mối quan hệ vua - tôi là quan trọng nhất và được thể hiện bằng đạo Trung. Từ đó cho thấy, theo quan niệm của Nho giáo, nhà yên thì nước sẽ yên, nếu trong gia đình có những người con có hiếu thì ngoài xã hội sẽ có các bề tôi trung thành.
-
-
- QUAN ĐIỂM ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
3.1 Quan điểm đạo đức dung hòa giữa Phật giáo và Nho giáo của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Qua các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Mông Nguyên, vua Trần Nhân Tông tin tưởng rằng, dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, từ vua quan đến nhân dân đều quyết tâm đánh giặc, giữ gìn bờ cõi, thì quân giặc dù mạnh và hung hãn mấy cũng phải thua. Vua nhận thấy trong đạo Phật có nhiều yếu tố tích cực, có thể tăng cường sự đoàn kết dân tộc và củng cố nền đạo đức xã hội để giúp cho đất nước được phát triển lành mạnh, phồn thịnh, bởi “Phật giáo đã đem đến triết lý về đời người, về giải thoát, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu sắc vấn đề nhân sinh. Về phương diện văn hóa và đạo đức, trong Phật giáo chứa nhiều luận điểm phù hợp với các giá trị và chuẩn mực đạo đức”18. Do đó, sau khi xuất gia, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã “đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện”19.
Ở đây, vấn đề được đặt ra là tại sao Phật hoàng Trần Nhân Tông lại chọn giáo lý Thập thiện để truyền dạy cho dân chúng?
Trở về cội nguồn lịch sử Phật giáo cách đây hơn 2500 năm, trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã từng di huấn rằng: “Này các Tỳ-kheo,
-
-
-
-
Trương Văn Chung, Doãn Chính (đồng chủ biên) (2008), Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 414.
- Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 20.
hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn”20.
Thông qua đoạn kinh này, đức Phật khuyên các đệ tử Tỳ-kheo hãy du hóa khắp nơi để giúp cho quần chúng được an lạc hạnh phúc bằng pháp “sơ thiện, trung thiện, hậu thiện”. Kế thừa tư tưởng Phật giáo Nguyên thuỷ, Sơ Tổ Trúc Lâm đã đi khắp vạn nẻo thôn quê để dạy dân chúng thực hành giáo lý Thập thiện. Qua phần giải thích về pháp Thập thiện ở trên, chúng ta thấy mười điều này rất đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành, có thể mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực cho con người và xã hội. Có thể nói Thập thiện chính là giáo lý nhập thế căn bản của đạo Phật, đem giáo lý Thập thiện để giảng dạy cho dân chúng, Phật hoàng Trần Nhân Tông có ý muốn xây dựng một xã hội lý tưởng trên nền tảng đạo đức Phật giáo.
Mặt khác, Phật hoàng Trần Nhân Tông tuy chú trọng việc hướng con người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ của Phật giáo, nhưng cũng không xem nhẹ các giá trị đạo đức nhân văn của Nho giáo. Bởi vì: “Thông qua Nho giáo, hệ thống các phong tục và tập quán, phép ứng xử và lễ nghi, quy phạm về đạo đức và định chế của pháp luật… không phải là tất cả đều không hề có một chút tác dụng tích cực tốt đẹp nào”21. Tu dưỡng theo Nho giáo, không chỉ nhằm mục đích hoàn thiện nhân cách đạo đức cho mỗi cá nhân mà còn có thể giúp cho đấng trượng phu quân tử vững tiến trên lộ trình công danh sự nghiệp, đó là: tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ. Sơ Tổ Trúc Lâm cho rằng:
“Tích nhân nghì, tu đạo đức, Ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn xan tham, Chỉn thực ấy là Di Lặc”.
(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 4)
-
Thích Minh Châu dịch (2013), “Kinh Đại bát Niết-bàn”, Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 178.
- Nguyễn Khắc Thuần (2010), Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 136.
Điểm nổi bật ở đây là khẳng định rằng tu nhân tích đức theo quan điểm Nho giáo cũng không khác gì so với việc giữ giới hạnh, bỏ xan tham của Phật giáo, tất cả đều là những việc làm mà chư Phật đã thực hành, đều hướng đến mục tiêu giác ngộ thành Phật. Mục đích của việc tu hành là giải thoát, thành Phật, nhưng thành Phật bằng cả con đường tích nhân nghĩa và tu đạo đức trên tinh thần dung hợp Nho - Phật, đây quả thật là nét độc đáo, sáng tạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Có lẽ đó chính là lý do tại sao Nguyễn Kim Sơn cho rằng Cư trần lạc đạo phú là bài phú thể hiện kim chỉ nam của việc tu hành để chứng ngộ giải thoát, nhưng nó cũng mang dáng dấp một bài Thánh huấn của Nho gia, dạy dỗ giáo hóa đệ tử, chúng dân22. Liên quan đến vấn đề này, trong Cư trần lạc đạo phú đề cập:
“Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay”.
(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 7)
Qua đó cho chúng ta thấy rõ vai trò và mối quan hệ song hành giữa Phật giáo và Nho giáo trong xã hội thời bấy giờ: “Tư tưởng của đức Thánh cần thiết cho sự duy trì trật tự xã hội cũng như giáo lý của đức Phật cần thiết cho sự giải thoát tâm linh con người”23. Theo quan điểm của một bậc Hoàng đế lại là đấng Phật hoàng của quốc gia Đại Việt, dù trong một đất nước mà Phật giáo được xem là quốc giáo, nền tảng tư tưởng để xây dựng mẫu người lý tưởng không chỉ dựa trên chuẨn mực đạo đức theo tinh thần Phật giáo mà còn kết hợp cả tinh thần Nho giáo. Vấn đề này thể hiện rất rõ trong Cư trần lạc đạo phú khi tác giả trình bày quan điểm của mình về mẫu người lý tưởng:
“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm; Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”. (Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 6)
Ý đoạn này muốn nói, Bồ-tát trong tâm giới đức thanh tịnh, bên
-
Nguyễn Kim Sơn (2009), “Cội nguồn triết học của tinh thần Thiền nhập thế Trần Nhân Tông”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.
- Nguyễn Công Lý (2002), “Tinh thần dung hợp tư tưởng Phật - Lão - Nho trong văn học Phật giáo thời Lý - Trần”, Tạp chí Hán Nôm số 2 (51), tr. 4.
ngoài thực hành các công hạnh trang nghiêm là mẫu người lý tưởng của Phật giáo, còn bậc trượng phu quân tử giữ trọn lòng trung hiếu là mẫu người lý tưởng của Nho giáo. Một con người hội đủ hai đặc tính này sẽ trở thành mẫu người lý tưởng của dân tộc Việt Nam. Thực tế đã minh chứng, phần lớn các nhà lãnh đạo đời Trần vừa có tư cách của một đấng trượng phu quân tử, vừa mang phong cách của một vị Bồ-tát tại gia, một bậc Thiền sư tu hành ngộ đạo, siêu trần thoát tục. Nhìn chung, “họ là những Bồ-tát trang nghiêm nên đối với bản thân họ giữ gìn kỷ luật và sống cuộc sống có lý tưởng, đồng thời họ cũng là những bậc trượng phu trung hiếu, nên họ trung thành với Tổ quốc, sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà”24.
Đặc biệt đối với vua Trần Nhân Tông, có thể nói quan điểm tư tưởng và văn hóa ứng xử của vua luôn thể hiện đầy đủ phẨm chất của đấng trượng phu trung hiếu và bậc Bồ-tát trang nghiêm. Lòng trung hiếu của vua Trần Nhân Tông được thể hiện rất rõ qua các bài biểu tấu trình lên vua Nguyên: “Thế tử An Nam là cô thần
… tuân theo chức nghiệp của cha thần, chẳng dám để rơi mất lời giáo huấn dùng lòng trung để dạy con”25; “Cô từ sau khi cha mất đi, đã ăn chay, tụng kinh, phóng sanh vật mạng, còn lo không đủ để báo ơn cha trong muôn một”26. Và hình ảnh Bồ-tát trang nghiêm được mô tả như trong Cư trần lạc đạo phú đã đề cập, không chỉ “sạch giới lòng, chùi giới tướng” mà còn:
“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc”.
(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 8)
Đây chính là những công hạnh của một vị Bồ-tát. Theo tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại thừa, người tu hành không chỉ chuyên tâm vào việc tu tập, đọc tụng kinh sách, mà cần phải dấn thân vào những việc giúp ích cho người khác như xây dựng cầu đò, tu sửa chùa tháp, bố thí cúng dường, giảng kinh thuyết pháp… Những ai
-
Lê Mạnh Thát (2006), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr. 227.
- Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 396.
- Lê Mạnh Thát , Sđd, tr. 417.
sẵn sàng thực hiện bất cứ việc gì mang đến lợi ích an lạc cho chúng sanh một cách hoan hỷ, không chấp trước dính mắc (săn Hỷ xả), với tâm Từ bi vô lượng (nhuyễn Từ bi), mới xứng đáng là bậc Bồ-tát theo đúng tinh thần Phật giáo. Có thể nói vua Trần Nhân Tông đã hoàn thiện tư cách của một bậc Bồ-tát. Với tấm lòng Từ bi bao la, sau khi xuất gia tu hành chứng đạo, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ lập giảng đường, xây cất tu viện để tiếp độ tăng chúng, mà còn đi khắp đông tây để truyền bá chánh pháp cho dân chúng, chăm lo đời sống người nghèo, cụ thể như: “Quý Mão năm thứ 11 (1303) … Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô Lượng ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp cho người nghèo trong nước và giảng kinh giới thí”27.
Nhìn chung, tất cả quan điểm, hành động, cách ứng xử và những gì được đề cập trong thơ văn Trần Nhân Tông là những vấn đề đạo đức rất gần gũi với cuộc sống thực tiễn chứ không phải lý luận cao siêu. Vua Trần Nhân Tông đi xuất gia không chỉ vì thỏa mãn nhu cầu tâm linh để tìm sự giải thoát cho riêng mình mà còn nghĩ đến sứ mệnh của quốc gia dân tộc. Sau khi xuất gia tu hành ngộ đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tích cực hoằng dương Phật pháp, thành lập Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm nhằm quản lý Tăng-già, đồng thời phục vụ đắc lực cho sự nghiệp hộ quốc an dân, củng cố khối đoàn kết dân tộc, cố kết nhân tâm thông qua việc giáo hóa dân bằng tư tưởng Phật giáo. Bên cạnh đó, tư tưởng đạo đức của Nho giáo cũng được xem trọng. Có thể nói quan điểm đạo đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông là bức thông điệp nhắn gởi chúng ta cần phải kế thừa, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam được kết tinh từ các giá trị đạo đức nhân văn của Phật giáo và Nho giáo.
Vận dụng quan điểm của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào việc giáo dục đạo đức cá nhân và xây dựng nền đạo đức xã hội
Hiện nay, không riêng gì Việt Nam, mà ngay cả các quốc gia, dân tộc văn minh tiến bộ trên thế giới nói chung, đạo đức luôn được xem là “một hình thái ý thức xã hội bao gồm những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho
-
Ngô Sĩ Liên (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính) (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 561.
phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ người và người”28. Do đó, việc giáo dục đạo đức cá nhân và xây dựng nền đạo đức xã hội là vấn đề vô cùng thiết yếu.
Thiết nghĩ, trong thời đại ngày nay, khi xã hội hướng tới an lạc và hòa bình, việc xiển dương và phổ biến tư tưởng Phật giáo là điều hết sức cần thiết, bởi lẽ tư tưởng Phật giáo là tư tưởng hòa bình, quan điểm Phật giáo là quan điểm nhân bản. Quan điểm nhân bản của đạo Phật được biểu hiện cụ thể qua việc giáo dục nhân cách đạo đức và xây dựng đời sống tâm linh cho con người. Đạo Phật lấy con người làm trung tâm giáo dục, giúp con người chuyển hóa từ mê lầm đến giác ngộ, hướng đến cuộc sống chân - thiện - mỹ. Nếu xưa kia Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng đi khắp vạn nẻo thôn quê để phát huy vai trò chủ đạo của tư tưởng Phật giáo trong đời sống tinh thần xã hội Đại Việt thì ngày nay, hàng Tăng Ni cũng nên đi khắp nơi từ thành thị cho đến nông thôn, vùng sâu vùng xa để giảng kinh thuyết pháp, giảng dạy giáo lý cho Phật tử. Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, điển hình là các trung tâm văn hóa Phật giáo, các cơ sở tự viện, thiền viện…, cần có những đóng góp tích cực để xây dựng nền đạo đức xã hội bằng những hoạt động cụ thể như:
Mở các lớp giảng dạy giáo lý hàng tuần cho Phật tử.
Tổ chức các khóa tu định kỳ, truyền Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện, giảng pháp cho Phật tử vào những ngày sóc vọng, các dịp lễ vía.
Tổ chức các khóa tu học ngắn hạn vào mùa hè dành cho học sinh, sinh viên.
Thông qua các khóa tu học đó, chúng ta có thể giảng dạy Phật pháp, giáo dục đạo đức cho Phật tử và đặc biệt quan tâm đến việc hướng đạo đời sống tinh thần cho tầng lớp thanh thiếu niên, giúp trẻ em hư hỏng trở thành người tốt, người công dân có ích cho xã hội. Ngoài việc truyền trao cho các em những giới điều căn bản để hình thành nhân cách đạo đức và sống đúng luân thường đạo lý, còn phải dạy các em về lòng Từ bi nhân ái, biết thương yêu giúp đỡ mọi
-
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự (2006), ChuẨn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr. 9.
người, làm những việc phước thiện, sống nhân nghĩa đạo đức, và nhất là phải có lòng trung hiếu, bởi đó không chỉ là chuẨn mực đạo đức theo tinh thần Nho giáo hay Phật giáo mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ở đây, vấn đề cần lưu ý là, lòng trung hiếu là yếu tố đạo đức mà ai ai cũng cần phải có, dù giới lãnh đạo hay thường dân đều nên thể hiện tốt cả trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu trong thời đại quân chủ chuyên chế đặc biệt chú trọng tinh thần “trung quân ái quốc” thì ngày nay, trong thời đại dân chủ, các nhà lãnh đạo nên ứng xử theo tinh thần “thân dân”, “trung với nước hiếu với dân” như vua Trần Nhân Tông xưa kia trước sau như một vẫn hết lòng bảo vệ quê hương Tổ quốc và luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân trên tinh thần “dĩ dân vi bản”. Riêng đối với người dân, dĩ nhiên là phải trung thành với Tổ quốc, đem hết tài năng và sức lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đó là nói về phương diện xã hội, còn trong phạm vi gia đình, một người công dân tốt tất nhiên trước hết phải là người con hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Để giữ tròn hiếu đạo với cha mẹ, trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt đức Phật dạy người con chí hiếu phải:
-
- Cung kính và vâng lời cha mẹ; 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu; 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình; 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời29. Hơn nữa, theo tinh thần Phật giáo, lúc cha mẹ còn sống, người con hiếu thảo không chỉ chăm lo phụng dưỡng cha mẹ về phương diện vật chất mà còn phải giúp cho cha mẹ được kiện toàn về phương diện tâm linh. Người con chí hiếu phải biết khuyên cha mẹ tin kính Tam Bảo, ăn chay niệm Phật, làm lành lánh dữ. Sau khi cha mẹ qua đời, phải tụng kinh bái sám, bố thí cúng dường, tu tạo công đức để hồi hướng cho cha mẹ thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau, sanh về cảnh giới an vui.
Nói tóm lại, với chủ trương dung hợp hài hòa trong chính sách trị nước an dân, vua Trần Nhân Tông đã chọn tư tưởng Phật giáo làm cương lĩnh để hướng đạo đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời cũng khá xem trọng vai trò của Nho giáo trong việc xây
29. Thích Minh Châu dịch (2013), “Giáo thọ Thi-ca-la-việt”, Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 628.
dựng hệ thống thể chế chính trị quốc gia. Về phương diện tư tưởng đạo đức, cả hai tôn giáo Phật và Nho đều hướng con người đạt đến giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, đều có những nguyên tắc chuẨn mực để hoàn thiện nhân cách đạo đức cá nhân và thiết lập nền đạo đức văn hóa xã hội.
Phật hoàng Trần Nhân Tông vốn là bậc minh quân lãnh đạo đất nước lại xuất gia tu hành ngộ đạo khai sáng dòng thiền nước Việt nên có một vị trí hết sức quan trọng không những đối với Phật giáo Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quốc gia dân tộc. Vì vậy, quan điểm đạo đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, góp phần vào việc hình thành nhân cách, xây dựng mẫu người đạo đức lý tưởng. Đó là bài học đạo đức không chỉ dành riêng cho hàng Tăng Ni Phật tử hay Nho gia, mà nói chung cho mọi người dân trong xã hội. Có thể khẳng định năm giới, năm đức, mười điều thiện, tấm lòng Từ bi, tinh thần Trung hiếu, là những yếu tố đạo đức cần và đủ để cho nhân loại được sống an lành, hạnh phúc trong một xã hội tốt đẹp, thanh bình và thịnh vượng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Doãn Chính chủ biên (2012), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (chủ dịch) (2003), Tứ thư, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
Lê Mạnh Thát (2006), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
Ngô Sĩ Liên (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính) (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Công Lý (2002), “Tinh thần dung hợp tư tưởng Phật - Lão - Nho trong văn học Phật giáo thời Lý - Trần”, Tạp chí Hán Nôm số 2 (51), tr. 3-11.
Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ, “Thiên II. Vi Chính”, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Hiến Lê (2006), Khổng Tử, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Kim Sơn (2009), “Cội nguồn triết học của tinh thần Thiền nhập thế Trần Nhân Tông”, http://khoavan- hocngonngu.edu.vn/home/index .php?option=com_con- tent&view=article&id=4815%3Aci-ngun-trit-hc-ca-tinh-thn- thin-nhp-th-trn-nhan-tong-&catid=100%3Avn-hoa-lch-s-trit- hc&Itemid=161&lang=vi, truy cập ngày 01/01/2019.
Nguyễn Khắc Thuần (2010), Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Paul Williams (2009), Mahāyana Buddhism: The Doctrinal Foun- dations, Routledge, London.
Thích Minh Châu dịch (2012), “Đại Kinh Vacchagotta”, Kinh Trung bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2013), “Giáo thọ Thi-ca-la-việt”, Kinh
Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Ng- hiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
Thích Thanh Từ (1993), Kinh Thập thiện giảng giải, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành.
Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Trương Văn Chung, Doãn Chính (đồng chủ biên) (2008), Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự (2006), Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
Việt Tân và nhóm cộng tác (2013), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
456