417
ĐẶC ĐIỂM TÍCH HỢP CỦA CHƯƠNG TRÌNH TRẢI NGHIỆM Ở CHÙA (TEM- PLESTAY) TRONG BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO TẠI HÀN QUỐC
Phan Thị Thu Hiền*
TÓM TẮT
Bài viết này của chúng tôi tập trung vào đặc điểm tích hợp của chương trình Templestay như một trong những bí quyết giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo ở Hàn Quốc. Bài viết góp phần nghiên cứu một hình thức du lịch gắn với chùa chiền từ các phương diện đa dạng của tiếp biến văn hóa, biến đổi văn hóa, quan hệ giữa văn hóa tôn giáo và văn hóa dân tộc trong thời đại văn hóa đại chúng và toàn cầu hóa. Liên hệ với một số chương trình ở Việt Nam có thể xem là tương đương với Templestay ở Hàn Quốc, chúng tôi hy vọng rút ra một số gợi ý có ý nghĩa thực tiễn.
MỞ ĐẦU
Qua gần 20 năm, chương trình Trải nghiệm ở chùa (Templestay) đã ngày càng phát triển thuần thục, tạo được ảnh hưởng tích cực đối với nhiều phương diện văn hóa, kinh tế của Hàn Quốc, gợi ra nhiều vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Tuy nhiên, trong phạm vi tư liệu mà chúng tôi bao quát được, sự quan tâm của giới học thuật, cả thế tục lẫn tu sĩ, ở Hàn Quốc cũng như quốc tế, đối với đề tài này vẫn còn khá khiêm tốn.
*. GS.TS., Trường ĐHKHXH&NV - ĐH Quốc gia TP. HCM, Việt Nam.
Giới thiệu khái quát về chương trình có thể tìm thấy trong cuốn sách Journey to Korean temples and Templestay (Hành trình tới những ngôi chùa Hàn Quốc và Templestay) của Jang Eunhwa 2009; chương 8: “Temple Stay Programme” (Chương trình Temple Stay) trong tập tài liệu The Impact of Culture on Tourism (Tác động của văn hóa đối với du lịch, 2009) do OECD1 thực hiện; An Encyclopedia of Korean Buddhism (Bách khoa thư về Phật giáo Hàn Quốc, 2013) do Hòa thượng Heywon và David A. Mason biên soạn; phần viết “Contemporary Korean Buddhist Traditions” (Những truyền thống Phật giáo Hàn Quốc đương đại”, 2017) của Mark A. Nathan trong bộ sách Oxford Handbook of Contemporary Buddhism (Sách chỉ dẫn về Phật giáo đương đại của Oxford). Nghiên cứu chuyên sâu hơn mới chỉ có một số bài báo khoa học: Uri Kaplan 2010 nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình Templestay trong việc tái xây dựng thương hiệu những ngôi chùa như bảo tàng sống quảng bá văn hóa Phật giáo và văn hóa truyền thống Hàn Quốc; Wei Wang 2011 chủ yếu tìm hiểu Temple Stay với tư cách một sản phẨm du lịch thành công; John Lee 2015 khẳng định ý thức toàn cầu hóa hình ảnh dân tộc qua chương trình Templestay chính là tiếp nối truyền thống Phật giáo hộ quốc từ thời Silla của xứ sở này; Achim Bayer 2016 xem Templestay là cách biến chuyển và thích ứng văn hóa của Phật giáo Hàn Quốc để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Kế thừa các học giả đi trước, bài viết này của chúng tôi tập trung vào đặc điểm tích hợp của chương trình Templestay, góp phần giải quyết tranh luận giữa các học giả xoay quanh câu hỏi sự bùng nổ loại hình du lịch Templestay như một hình thức văn hóa đại chúng có tác động tích cực hay tiêu cực trong bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo Hàn Quốc. Vận dụng các lý thuyết Chức năng luận, Cấu trúc luận, Quá trình luận (Giao dịch luận), với các phương pháp hệ thống, liên ngành, dựa trên kết quả điền dã của chúng tôi từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2018, bài viết này hy vọng có những đóng góp mới khi tìm hiểu chương trình Templestay từ các phương diện đa
1. OECD là chữ viết tắt của Organization for Economic Co-operation and Development, Hiệp hội Hợp tác và Phát triển Kinh tế của các nước Úc, Áo, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Netherlands, New Zealand, Na Uy, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovak, Tây Ban Nha, Sweden, Switzerland, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ).
dạng của tiếp biến văn hóa, biến đổi văn hóa, quan hệ giữa văn hóa tôn giáo và văn hóa dân tộc trong thời đại văn hóa đại chúng và toàn cầu hóa. Liên hệ với một số chương trình ở Việt Nam có thể xem là tương đương với Templestay ở Hàn Quốc, chúng tôi hy vọng rút ra một số gợi ý có ý nghĩa thực tiễn.
- BỐI CẢNH PHẬT GIÁO HÀN QUỐC
Chính thức du nhập vương quốc Goguryeo ở phía Bắc bán đảo vào năm 372, cho đến nay, Phật giáo đã thâm nhập đời sống dân tộc Hàn hơn 17 thế kỷ và để lại một di sản những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú.
Dưới thời Silla thống nhất (668-935), Phật giáo trở thành quốc giáo và giữ vững địa vị thống lĩnh đến hết thời Goryeo (918-1392). Từ thời Joseon (1392-1897), Nho giáo nắm địa vị độc tôn, chèn ép, đàn áp Phật giáo ngày càng khắc nghiệt, đuổi Tăng chúng ra khỏi kinh đô, cuối cùng trên toàn bán đảo chỉ còn 36 ngôi chùa được triều đình công nhận, phần lớn chùa chiền phải lui về nơi núi thẳm rừng sâu. Sự tích hợp vốn có với Nho giáo bị đánh mất, trong khi đó, sự hòa đồng của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa Shaman giáo và Đạo giáo dân gian khiến Phật giáo càng bị văn hóa dòng chủ lưu xem thường. Địa vị Phật giáo sa sút nghiêm trọng vào cuối thời Trung đại.
Phật giáo phần nào được vực dậy trong giai đoạn 35 năm Nhật thuộc (1910-1945) dù sự ủng hộ Phật giáo của thực dân Nhật nằm trong âm mưu đồng hóa văn hóa tinh thần của Korea. Quy định về bảo tồn di sản của Korea do Nhật Bản ban hành đã mở đầu cho cuộc tổng kiểm kê, bảo trì, phục dựng các di sản quốc gia của Korea mà kết quả là danh sách lập năm 1945 bao gồm 591 di sản trong đó đa số là các di sản Phật giáo. Kế tiếp công cuộc đó, chính quyền Tổng thống Park Chung Hee tiếp tục mở rộng sưu tầm, điều tra, bổ sung danh sách di sản, và năm 1962 đã ban hành Luật bảo quản di sản văn hóa (Munhwajae Pohobop), và Luật quản lý di sản Phật giáo (Pulgyojaesan Kwallibop), quan tâm tái thiết các ngôi chùa ở các đô thị, cấp chứng chỉ quốc gia cho những ngôi chùa di sản, nâng dần uy tín của Phật giáo. Qua ba thập niên 60, 70, 80, hệ thống thu vé ở những ngôi chùa di sản được chính phủ cho phép đã tạo nguồn kinh phí quan trọng tu bổ chùa chiền. Hệ thống công viên quốc gia
được xây dựng bắt đầu từ 1967 khiến nhiều ngôi chùa di sản được bao quanh bởi những công viên có hạ tầng giao thông được cải thiện tạo thuận lợi cho khách tham quan. Liên kết giữa Nhà nước và Phật giáo bắt đầu gắn bó lại sau gần 600 năm đứt đoạn.
Hiện nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong khi Tin Lành nắm vai trò thống lĩnh thì Phật giáo chủ yếu là tôn giáo ngoại vi, bên lề, tôn giáo của nông thôn, người già, phụ nữ, đến mức được gọi là Phật giáo Váy (Chima Bulgyo), Phật giáo Bà già (Halmeoni Bulgyo). Không phải đã không có những giai đoạn người ta cảnh báo về những nỗ lực biến Hàn Quốc thành đất nước của đạo Tin Lành, và theo đó là những chèn ép đối với Phật giáo, đe dọa hòa bình tôn giáo ở Hàn Quốc.
Từ khi du nhập, Thiền tông được người Hàn xem như ánh sáng hoàng kim của Phật giáo, thậm chí, tông phái duy nhất xứng đáng gọi là Phật giáo2. Quan điểm này vẫn duy trì đến tận ngày nay. Dòng Thiền Jogye (Tào Khê) có lịch sử hơn 1.200 năm, với hơn 2.500 ngôi chùa và khoảng 18.000 Tăng, Ni, hiện nay giữ địa vị thống lĩnh gần như tuyệt đối. Từ những năm 1980, Jogye đã chính thức công bố sự thay đổi chiến lược từ quan điểm nhấn mạnh tu thiền chính thống, nghiêm ngặt tới các phương tiện mềm dẻo hơn để tương tác với cộng đồng xã hội, tăng cường quan hệ với Phật tử, tín đồ. Từ đó, chùa chiền mở cửa, chào đón Phật tử, tín đồ, khách tham quan, các buổi thuyết pháp cho công chúng được phát triển rộng rãi.
Như vậy, dù tương đồng với Phật giáo Việt Nam về lịch sử lâu dài, Phật giáo Korea cũng có những khác biệt quan trọng. Ở Việt Nam, ngay cả những thời kỳ Nho giáo nắm uy quyền, tinh thần tam giáo đồng nguyên vẫn tiếp tục gắn bó hòa hợp Phật giáo với Nho giáo, Đạo giáo; Phật giáo ra khỏi cung đình trở về với dân gian vẫn phát triển sâu rộng, mạnh mẽ “Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông”; và ngày nay, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất, thống lĩnh nhất. Trong khi đó, Phật giáo ở Korea tiêu trầm gần 600 năm trước thời hiện đại, muốn phục hưng truyền thống của mình, phải nỗ lực rất nhiều để nối lại những gắn bó với các nguồn mạch văn hóa truyền thống khác; phải tìm liên kết, hỗ trợ từ chính
2. Roger Leverrier 1972: “Buddhism and Ancestral Religious Beliefs in Korea”. Korea Journal Vol. 12, No, 5, May 1972, tr. 40.
quyền; và nhất là, phải xây dựng, mở rộng quan hệ với dân chúng.
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH TEMPLESTAY VÀ NHẬN THỨC VỀ ĐẶC ĐIỂM TÍCH HỢP CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình Templestay ra đời năm 2002 khi Hàn Quốc đồng tổ chức (cùng Nhật Bản) FIFA World Cup, khoảng 1,2 triệu du khách có nhu cầu lưu trú trong hơn 1 tháng giải đấu dẫn đến sự thiếu hụt nguồn khách sạn, nhà nghỉ các loại. Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị sự hợp tác của tông phái Jogye (lúc đó cai quản đến 840 ngôi chùa trong số 870 ngôi chùa thuộc quản lý nhà nước) mở cửa các ngôi chùa đáp ứng nhu cầu du khách. Ban đầu cũng có những phản đối, tuy nhiên sau đó, Jogye đồng tình và còn sáng kiến cung cấp không chỉ chỗ ở mà cả cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống ở chùa. Mục tiêu kép quảng bá văn hóa Phật giáo Hàn Quốc đồng thời quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc được thể hiện rất rõ qua thông điệp của Hòa thượng Do Young, lãnh đạo tông phái Jogye:
“Phật giáo Hàn Quốc mở cửa những ngôi chùa gìn giữ 1.700 năm lịch sử và truyền thống cho những du khách khắp nơi trên thế giới… Chúng tôi mời các bạn đến với nơi chốn cổ kính hướng tới hòa điệu giữa thiên nhiên và đến với nguyên lý Duyên khởi của Đức Phật về thiên nhiên, ta cùng tha nhân không biện biệt mà tương thông nhất như. Ở nơi đây, các bạn có thể chiêm nghiệm nội tâm chân thực của chính mình và có thể trải nghiệm thấm thía một lát mỏng văn hóa Hàn Quốc.”3
33 ngôi chùa tham gia đề án này, trong 42 ngày từ 20/5 đến 30/6/2002 đã đón 991 người nước ngoài, phần lớn đến từ Âu Mỹ, tham gia cả các nghi thức tụng kinh và lạy Phật.
Phản ứng tích cực của du khách khiến đề án được tiếp tục với Asian Games trong cùng năm đó được tổ chức tại thành phố Busan. 14 ngôi chùa, trong 36 ngày, từ 26/9 đến 30/10 đã tiếp đón 1.567 du khách, trong đó, 268 người nước ngoài, lần này chủ yếu đến từ các nước châu Á, chỉ chiếm 17,1 %, còn người Hàn (1.299 người) chiếm tới 81,9%. Niềm tin được củng cố rằng những giá trị văn hóa
-
The Committee for Buddhist Temple Stay, Temple Stay Guide Book (Seoul: The Chogye Order, 2004), tr 1.
Phật giáo Hàn Quốc nói riêng, những giá trị văn hóa truyền thống Hàn Quốc nói chung trong chương trình Templestay có sức thu hút Phương Tây thì cũng hấp dẫn du khách Phương Đông và ngay chính những người dân Hàn Quốc.
Sự kiện thứ ba là chương trình Thế vận hội sinh viên quốc tế World University Games diễn ra tại “thành phố đại học” Daegu ngay trong năm sau, 2003. 16 ngôi chùa, trong thời gian tháng 7 đến tháng 12, đã tiếp đón 3.755 du khách, từ khắp nơi trên thế giới cũng như từ các địa phương của Hàn Quốc. Daegu Universiad cho thấy Templestay hoàn toàn có thể chinh phục những người trẻ tuổi, có học vấn cao.
Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc - thuộc tông phái Phật giáo Jogye, nhận được tài trợ một phần của Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch Hàn Quốc - được thành lập năm 2004 đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong chương trình Templestay. Từ 2004, Templestay không chỉ gắn với một sự kiện lớn đột xuất nào đó mà được tổ chức quanh năm.
Đi vào vận hành thường kỳ, chương trình Templestay đôi khi vẫn tiếp tục bị phản đối bởi một số trong giới tu sĩ rằng du khách làm mất đi sự tĩnh lặng cần thiết cho tu tập ở các ngôi chùa, và việc tăng chúng tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch làm suy giảm chất lượng tinh thần của tôn giáo. Điển hình gay gắt như ý kiến của Hòa thượng Song Chol, tông trưởng thứ bảy của tông phái Jogye, trong trả lời phỏng vấn năm 1980:
“Chùa là mandala của Phật để trui rèn những cột trụ chân lý và vì vậy, chúng tôi phản đối tư tưởng phát triển những ngôi chùa thành những công viên giải trí công chúng. Chúng tôi phản đối những kế hoạch phát triển có tính hủy diệt của chính phủ”.4
Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là nỗ lực tìm được tiếng nói chung, sự hợp tác giữa hai bên. Trong tài liệu truyền thông cập nhật nhất (tháng 8/2018), Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc xác định Templestay là “chương trình trải nghiệm cuộc sống ở chùa tại những
-
Yong-eui Park, trans., ‘‘A Reply To Professor Bieder’s Questions,’’ Lotus Lantern, 30 (Summer 2007), tr. 27.
ngôi chùa có lịch sử và văn hóa lâu đời của Hàn Quốc”5 thể hiện rõ cái nhìn về chủ thể ngôi chùa, cuộc sống tu viện như một thành tố của văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Việc Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc tự xác định vị thế “là cơ quan đi đầu quảng bá văn hóa truyền thống của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực đa dạng như hành hương, ẩm thực chay, Templestay… trên nền tảng tài nguyên văn hóa phong phú của lịch sử Phật giáo Hàn Quốc 1.700 năm”6 cũng cho thấy quan điểm vận dụng tài nguyên văn hóa Phật giáo để quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sự nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc như vậy, quả thực, đã tiếp nối truyền thống Phật giáo hộ quốc (Hogukpulgyo) từ thời Silla của Phật giáo xứ sở Kimchi. Thêm nữa, thời hiện đại, trong tương quan với thế mạnh của Kito giáo, đạo Tin Lành ở Hàn Quốc do liên kết với ảnh hưởng phương Tây, liên kết với phát triển, văn minh và bối cảnh toàn cầu thì nỗ lực của Phật giáo Hàn Quốc gắn bó cùng những giá trị phương Đông, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc là một quan điểm chiến lược sắc bén, hiệu quả.
Năm 2009 đánh dấu giai đoạn phát triển cao hơn nữa của chương trình Templestay. Chính phủ Hàn Quốc chính thức phê duyệt và thực hiện kế hoạch tài trợ khoảng 250 tỷ won (hơn 230 triệu dollar Mỹ) trong 10 năm từ 2009 đến 2019 cho Templestay để phát triển du lịch Hàn Quốc. Cũng từ 2009, Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc xây dựng tạp chí Templestay phát hành hàng quý và một website chuyên nghiệp truyền thông, quản lý, tiếp thị chương trình trên toàn quốc. Và chương trình Templestay ngày càng phát triển. Lượng du khách không ngừng tăng qua các năm, bao gồm cả du khách nội địa lẫn quốc tế, trong đó, thị phần nội địa luôn luôn chiếm hơn 85% (xem bảng 1).
-
Templestay, Chuyến du hành vì hạnh phúc của mình. Phật giáo Hàn Quốc Tào Khê tông. Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc, 8/2018, tr. 11.
- Templestay, Chuyến du hành vì hạnh phúc của mình. Sđd, tr. 4.

Bảng 1. Số người tham gia Templestay theo năm (từ 2005 đến 2017) [Biểu đồ do Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc lập7]
Năm 2017, tổng số du khách tham gia lên đến gần 500.000 người; chương trình được thực hiện tại 130 ngôi chùa trên toàn quốc, với 26 ngôi chùa có chương trình chuyên dành cho người nước ngoài.
Có thể nói, Templestay từ một giải pháp về cơ sở lưu trú có tính tình thế đã dần trở thành một loại hình du lịch đại chúng được tông phái Phật giáo Jogye và Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch Hàn Quốc đầu tư chiến lược phát triển. Dù cuộc tranh luận giữa các quan điểm trái ngược nhau về ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực của Templestay trong quan hệ với bảo tồn tính nguyên gốc của Phật giáo vẫn chưa đến hồi kết thúc, nhìn chung, mục tiêu quảng bá văn hóa Phật giáo Hàn Quốc gắn bó làm một với, hợp nhất với văn hóa dân tộc Hàn Quốc nhằm nâng cao hình ảnh Phật giáo Hàn Quốc trong nước cũng như nâng cao hình ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế vẫn được nhận thức một cách tự giác ngày càng sâu sắc và nỗ lực triển khai ngày càng hiệu quả.
Ở Việt Nam, một số chương trình có điểm tương đồng nhất định phần nào có thể so sánh với Templestay Hàn Quốc bao gồm những “khóa tu một ngày”, “khóa tu mùa hè”. Các chương trình này đều trải nghiệm ở chùa, và đều hướng tới không chỉ Phật tử, tín đồ mà cả những đối tượng không / chưa theo Phật giáo. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, như chính tên gọi của chúng, các chương trình này, về cơ bản, là “khóa tu”, chủ yếu thuộc về hoạt động hoằng pháp, nên chỉ do các tổ chức Phật giáo, các ngôi chùa triển khai.
-
Templestay, Chuyến du hành vì hạnh phúc của mình. Sđd, tr. 12.
- ĐẶC ĐIỂM TÍCH HỢP TRONG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH TEMPLESTAY
-
- Chương trình tiêu chuẩn và những biến thể đa dạng
Chương trình Templestay có 3 kiểu thức khác nhau.
Phổ biến nhất là kiểu thức Trải nghiệm (Experience-oriented Templestay) 2 ngày 1 đêm, thường check-in lúc 2 hoặc 3 giờ chiều và check out lúc 11:00 hoặc 12:00 giờ trưa hôm sau. Nội dung được sắp xếp theo thời gian biểu bao gồm các hoạt động chính: (1) tham quan chùa, (2) lễ Phật, (3) 108 lạy, (4) trải nghiệm 4 pháp khí thiền môn, (5) thực hành một hình thức nghệ thuật thủ công truyền thống [làm chuỗi hạt hoặc làm đèn lồng hoa sen…], (6) ăn cơm theo cách của nhà sư, (7) trà đàm cùng nhà sư, (8) tham thiền.
Tương đối thống nhất trong một khung chung như vậy, các ngôi chùa được khuyến khích đa dạng hóa chương trình với nhiều sắc thái tạo nên thương hiệu riêng của từng ngôi chùa. Qua nghiên cứu điền dã Templestay nửa cuối năm 2007 ở hơn 20 ngôi chùa, Uri Kaplan 2010 đã ghi nhận khá phong phú các hoạt động như vậy, đặc biệt là về trải nghiệm nghề thủ công truyền thống [trải nghiệm làm gốm sứ ở Kapsa, làm giấy truyền thống ở Chondungsa, làm bản khắc gỗ ở Taehungsa, làm phong bì truyền thống ở Samunsa, làm xà phòng truyền thống ở Popchusa, nhuộm truyền thống với chất liệu tự nhiên ở Kuryongsa, làm diều ở Hongbopsa, làm bánh gạo ở Jinkwansa] và nghệ thuật biểu diễn truyền thống [múa trống, múa mặt nạ ở Hongbopsa]… Chính chúng tôi, qua nghiên cứu điền dã từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2018 thì ấn tượng với các hình thức thiền phong phú bên cạnh tọa thiền tương dối quen thuộc, như thiền hành qua các lớp thành cổ ở Jeondeungsa; thiền rừng, thiền suối ở Baekdamsa, Jinkwansa, Geumsunsa; thiền võ đạo (Sunmu- do) ở Golgulsa…
Chương trình trải nghiệm tiêu chuẨn như trên thường được bổ sung những hoạt động đặc biệt trong những lễ hội của chùa, những sự kiện đặc biệt theo lịch Phật giáo hoặc những thời điểm đặc biệt trong năm. Chẳng hạn, Uri Kaplan 2010 đã đề cập Templestay với hoạt động trải nghiệm làm kimchi trong tháng 12 ở nhiều chùa, trải nghiệm làm bánh bao dịp Tết ở Golgulsa, Templestay dịp Lễ hội Tam tạng kinh ở Haeinsa. Bản thân chúng tôi đã tham dự
Templestay tại Trung tâm Thiền Quốc tế Seoul dịp Yeon Deung Hoe (Nhiên đăng hội) đón mừng Phật đản 2018 với sự thêm vào của hoạt động rước đèn lồng hoa sen; Templestay tại chùa Golgulsa dịp lễ Phật đản 2018 với sự thêm vào các nghi lễ Phật đản, các thời kinh và Pháp thoại đặc biệt cho dịp này, lễ rước đèn lồng hoa sen, ca vũ dân gian với chủ đề Phật giáo, và riêng về Thiền võ đạo, bên cạnh các hoạt động thường nhật như võ thuật, cung tên còn có biểu diễn cưỡi ngựa…
Kiểu thức thứ hai là Templestay trong ngày, không nghỉ đêm tại chùa (One-day Templestay), kéo dài khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, rút gọn chương trình trải nghiệm tiêu chuẨn, dành cho những du khách bận rộn đến ngôi chùa gần nơi cư trú của mình. Chương trình gồm 3 hoạt động chính: (1) viếng chùa, (2) ngồi thiền, (3) trà đạo. Chúng tôi đã tham dự chương trình Templestay “A scent of Millennium” (Một làn hương thiên niên kỷ) từ 9:00 đến 12:00 sáng ở Bulguksa với các hoạt động tour viếng chùa, trà đàm với sư, làm chuỗi hạt cầu nguyện; và đã tham dự Daily Templesaty with Night View (Templestay thường nhật - Ngắm cảnh chùa ban đêm) tổ chức vài ngày hàng tháng ở Jogyesa, từ 7:00 đến 10:00 tối, bao gồm viếng chùa, lễ Phật, viết thẻ nguyện cầu treo lên cây trong chùa, trà đạo, trải nghiệm làm và thưởng thức bánh đậu, làm đèn lồng hoa sen, xem biểu diễn văn nghệ.
Kiểu thức thứ ba là Templestay Thư giãn (Rest-oriented) linh hoạt, mở rộng về thời gian tùy theo du khách. Ngôi chùa trở thành nơi nghỉ ngơi cho thân tâm mệt mỏi của du khách để anh ta / cô ta có cơ hội rời xa sinh hoạt hàng ngày bận rộn, hít thở thiên nhiên và khôi phục sinh lực qua các nghi lễ Phật giáo, thiền định, trải nghiệm cuộc sống thường nhật trong chùa mà mình tự ý lựa chọn tham gia.
Các chương trình thiền chính thống, theo kỷ luật nghiêm ngặt tại chùa thuộc về tu tập, nhìn chung không được xếp loại như một kiểu thức Templestay.
Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các khóa tu một ngày. Trường hợp điển hình có thể kể là chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh với khóa tu Một ngày an lạc (6 tiếng buổi sáng chủ nhật, 2 lần/tháng) chủ yếu dành cho đối tượng trung và lão niên; khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật (5 tiếng buổi
chiều chủ nhật, 2 lần/tháng) dành cho thanh thiếu niên, sinh viên; khóa tu Búp sen từ bi (4 tiếng buổi chiều, thứ Bảy hàng tuần) cho thiếu nhi (6-12 tuổi)8. Nội dung chương trình cơ bản thường bao gồm tụng kinh, pháp thoại, tọa thiền, ăn cơm chánh niệm. Chương trình cho thanh thiếu niên có thêm talk show với khách mời là những nhân vật phấn đấu thành công, những nhân vật của show biz là Phật tử hoặc cảm tình với Phật giáo, một số tiết mục văn nghệ, game show tìm hiểu Phật pháp.
Khóa tu mùa hè được bắt đầu với chùa Hoằng Pháp, Tân Hiệp, Hóc Môn, TP.HCM năm 2006, tiếp nối liên tục đến nay và được những ngôi chùa có cơ sở tương đối rộng học theo tổ chức. Chẳng hạn khóa tu mùa hè 2018 diễn ra trong 7 ngày, bao gồm lưu trú tại chùa, nghe pháp thoại, tọa đàm, các cuộc thi học thuộc kinh, tìm hiểu Phật pháp, giao lưu khách mời, văn nghệ, những hình thức vui chơi, thi tài năng.
-
- Sự tích hợp các loại hình du lịch trong nội dung chương trình Templestay
Tiếp cận từ góc độ du lịch, có thể nói Templestay là một thành công trong đóng gói sản phẨm có tính spectacle, kết hợp khéo léo các loại hình cơ bản thu hút đông đảo công chúng: du lịch sinh thái, du lịch Ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng / du lịch homestay.
Thứ nhất, về du lịch sinh thái. Chùa truyền thống thường ngụ nơi đất lành được chọn, xây dựng theo phong thủy, với phong cảnh thiên nhiên xung quanh tươi đẹp, nhiều ngôi chùa ở giữa núi rừng xa cách chốn đô thị đông đúc, ồn ào, hối hả theo nhịp điệu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, mạnh có tính nén ép của Hàn Quốc, do đó, rất thu hút đối với những du khách muốn tìm về thiên nhiên. Trong nội dung, chương trình Templestay có tour viếng cảnh chùa, lại có các hoạt động trải nghiệm hòa đồng, thân thiện với thiên nhiên như làm xà phòng, nhuộm vải, làm giấy, làm diều, làm bánh, nấu ăn theo kiểu truyền thống, sử dụng các chất liệu tự nhiên. Chương trình Templestay cũng dễ dàng tiếp nối,
8. Chùa Giác Ngộ còn có khóa tu Thiền Vipassana (6:00 sáng đến 5:00 chiều), tương đương với chương trinh thiền chính thống, theo kỷ luật nghiêm ngặt mà chính Hàn Quốc không xếp loại như một kiểu thức Templestay nên chúng tôi không liên hệ so sánh ở đây. Khóa tu 7 ngày Xuất gia giao duyên cũng vậy.
hòa nhập với truyền thống tôn kính núi, sở thích leo núi và đi bộ đường dài của đông đảo người Hàn, bất kể sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng giữa họ.
Thứ hai, về du lịch ẩm thực. Chốn thiền môn lưu giữ di sản Ẩm thực chay phong phú của Hàn Quốc lành mạnh, nhiều thực phẨm đồng thời có tính năng dược phẨm tự nhiên bổ dưỡng đáp ứng nhu cầu của khá đông các tín đồ Ẩm thực đương đại vốn bị bao vây bởi thực phẨm công nghiệp fast food tiềm Ẩn những tác hại đối với sức khỏe. Bữa ăn trong chùa theo cách của các nhà sư còn là dịp để du khách trải nghiệm phong cách Ẩm thực chậm rãi, sâu lắng, tương phản với trào lưu ăn uống hiện đại take and go.
Thứ ba, về du lịch văn hóa. Trong khoảng 1.800 di sản văn hóa của Hàn Quốc có đến 1.100 di sản Phật giáo. Những ngôi chùa triển khai chương trình Templestay phần lớn đều là những ngôi chùa có truyền thống lâu đời, những di tích lịch sử, những di sản kiến trúc, điêu khắc, hội họa Phật giáo. Bên cạnh đó là những di sản văn hóa phi vật thể, những giá trị văn hóa tinh thần kết đọng trong tôn giáo, triết học, mỹ học, nghi lễ, phong tục Phật giáo. Không chỉ dựa trên văn hóa Phật giáo như trụ cột trung tâm, chương trình Templestay còn quy tụ những giá trị văn hóa dân gian Hàn Quốc (sự thờ phụng một số vị thần Shaman giáo, các nghề thủ công truyền thống, các phong tục đời sống cổ truyền…) cũng như sự kết hợp Phật giáo với các thành tố văn hóa Nho giáo (Phật giáo hộ quốc…), Đạo giáo (tranh thủy mặc với đề tài sơn thủy…).
Thứ tư, về du lịch cộng đồng / du lịch homestay. Một mặt, cùng với Hanokstay (ở nhà cổ), Templestay (ở chùa) thuộc loại hình cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống tạo nên dòng sản phẨm độc đáo của du lịch Hàn Quốc. Phòng ở trong chùa xưa cũng như nhà cổ đều là những kiến trúc gỗ độc đáo, sưởi sàn, có cơ chế giữ ấm và làm mát hài hòa với tự nhiên. Mặt khác, Templestay mở cơ hội cho du khách chia sẻ cuộc sống tu viện cùng cộng đồng tu sĩ có vị thế xã hội đặc biệt, phong cách đời sống tuân thủ những lề luật tôn giáo, với những thực hành tôn giáo đặc thù trong không - thời gian thiêng.
Không phải một phép cộng có tính cơ giới, chương trình Templestay thực sự đã tích hợp những giá trị riêng có của các ngôi chùa Phật giáo, xây dựng trong một tour đơn nhất những sản phẨm đặc trưng đầy thu hút cho các loại hình du lịch thuộc nhóm dẫn đầu
xu hướng hiện nay, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Riêng với du khách quốc tế, Templestay ngày càng tăng sức hấp dẫn, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch độc đáo của Hàn Quốc, một Hàn Quốc không chỉ là đất nước phát triển kinh tế và đất nước của Hallyu9.
Liên hệ với Việt Nam, chùa chiền cũng có phong phú những giá trị có thể trở thành tài nguyên hấp dẫn cho du lịch văn hóa. Tuy nhiên, các chương trình khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè chưa tích hợp được bao nhiêu những giá trị này.
-
- Sự tích hợp tôn giáo và văn hóa trong nội dung chương trình Templestay
Tiếp cận từ góc độ tôn giáo, có thể thấy qua chương trình Templestay, du khách có thể có hiểu biết sơ bộ và được trực tiếp trải nghiệm chút ít tất cả các thành tố cơ bản của Phật giáo với tư cách một tôn giáo.
Thứ nhất, về cơ sở tôn giáo. Với sự hướng dẫn của một tu sĩ hoặc một chuyên viên, tour tham quan chùa mở đầu chương trình Templestay dẫn dắt du khách qua ba lớp cổng: Iljumun (Nhất trụ môn), Cheonwangmun (Thiên vương môn), Bulimun (Bất nhị môn), nhận ra tổ chức không gian ngôi chùa ngày càng mở ra cảnh giới thanh sạch hơn, giác ngộ chân lý cao sâu hơn. Gác chuông với bốn pháp khí vang lời thúc giục cứu khổ chúng sinh khắp cả bốn cõi.
Thứ hai, về thần phả. Qua giới thiệu các hình tượng điêu khắc cũng như các bức bích họa, tour tham quan chùa giới thiệu với du khách các vị Phật, các vị Bồ tát biểu hiện cho lý tưởng giác ngộ, biểu hiện cho Phật pháp.
Thứ ba, về nghi lễ, nghi thức, luật lệ, thực hành. Chương trình Templestay trình bày các nghi thức, nghi lễ Phật giáo trong ý nghĩa giản dị, dễ tiếp nhận với cả những du khách không tôn giáo hoặc theo một tôn giáo khác. Chẳng hạn, kinh Hồng Danh (niệm danh các vị Phật) trong pháp môn 108 lạy được chuyển thành 108 câu đúc kết nhân sinh quan, lẽ sống theo lý tưởng mỗi vị Phật khiến cho mỗi lạy trở thành một cơ hội chiêm nghiệm giúp ánh sáng trong tự
-
Hallyu (Hàn lưu), tức Korean wave, chỉ “làn sóng Hàn Quốc”, với K-drama (phim truyện truyền hình), K-pop (âm nhạc đại chúng), K-fashion (thời trang), K-food (Ẩm thực)… từ giữa những năm 1990 lan truyền khắp châu Á.
tâm tỏa rạng. Pháp môn tham thiền không cao xa, chỉ hướng sự chú tâm vào hơi thở, tỉnh giác nhận biết vọng niệm để trở lại chú tâm. Tọa thiền, thiền hành, ngọa thiền. Thiền rừng, thiền suối, thiền hoa, thiền thanh âm tứ pháp khí... Nghi thức ăn trong chánh niệm chỉ là đặt tròn vẹn tâm ý vào giây phút hiện tại để tiếp nhận năng lượng tốt lành từ thức ăn và quan hệ hòa ái với những người cùng ăn. Ẩm thực chay đồng thời vun bồi từ bi, tôn trọng sự sống muôn loài. Các thực hành được phân tích hiệu quả đối với cả thân lẫn tâm, sức khỏe vật chất lẫn tinh tiến tinh thần.
Thứ tư, về giáo lý. Templestay không có những giờ thuyết giảng giáo lý. Bản chất cứu khổ chúng sinh của Phật giáo được thể hiện qua bộ tranh tám cảnh cuộc đời Đức Phật trên tường bên ngoài chánh điện hoặc trong Bát tướng điện (Palsangjeon). Tinh hoa tư tưởng Thiền được khơi gợi qua bộ mười bức tranh Tầm ngưu đồ (Shim-oo-do) trên tường phía bên ngoài chánh điện của nhiều ngôi chùa tông phái Jogye. Thời gian trà đạo với nhà sư thường đồng thời là pháp đàm, pháp thoại, trong đó, các phạm trù Vô thường, Vô ngã, Duyên khởi, Nghiệp báo Luân hồi, Trung đạo… được nhà sư lồng vào câu chuyện trao đổi với du khách về ứng xử của con người trong những tình thế thường nhật, thời sự của đời sống đương đại. Trong chương trình dành cho du khách nội địa ở một số ngôi chùa có trải nghiệm chép kinh bằng tay, vừa giúp dễ nhớ, thâm nhập giáo lý sâu xa hơn vừa giúp chú tâm, buông xả những áp lực cuộc sống.
Thứ năm, về Tăng đoàn. Những câu chuyện cuộc đời các vị tổ, các vị danh tăng thường được kể trong tour viếng chùa. Vai trò của tu sĩ với tư cách đạo sư dẫn dắt chúng sinh giác ngộ chân lý, nêu tấm gương đạo đức, tư vấn giúp vượt qua đau khổ, trở ngại trong đời sống được thể hiện cụ thể qua hình ảnh những nhà sư trực tiếp hướng dẫn chương trình Templestay cũng như những nhà sư mà du khách tiếp xúc trong chùa.
Uri Kaplan và khá nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng thành công của Templestay là ở cách “sân khấu hóa / “dàn dựng” (staging) cuộc sống tu viện để hấp dẫn du khách10.
Theo chúng tôi, chương trình Templestay đã cố gắng duy trì tính
-
Uri Kaplan 2009, tr 2010.
nguyên gốc của Phật giáo trong khi tìm những phương tiện phong phú để tôn giáo này, trong bản chất cốt lõi, trong ý nghĩa chân thực của nó, có thể đến với đông đảo công chúng, kể cả những người không phải, chưa phải Phật tử, tín đồ. Khai mở ý nghĩa văn hóa của tất cả các thành tố tôn giáo, chương trình Templestay khiến Phật, Pháp, Tăng không còn cao siêu, trừu tượng mà được biểu hiện cụ thể sống động qua cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ; và tôn giáo vượt trên ý nghĩa chật hẹp, giáo điều để trở thành cách nghĩ và cách sống trong giác ngộ, tỉnh thức. Templestay có thể quảng bá hiệu quả tất cả những thành tố thần phả, giáo lý, nghi lễ, tổ chức tăng đoàn, cơ sở chùa chiền, tu viện của Phật giáo dưới nhãn hiệu văn hóa hơn là tôn giáo.
Có nhiều nhất trong hàm ý của chương trình Templestay là thông điệp rằng mọi hoạt động được thực hiện trong tinh thần tỉnh giác đều có thể là Thiền. Slogan của Templestay thay đổi chút ít qua thời gian, song, luôn nhấn mạnh tuyệt đích trở về chính mình. Slo- gan trên tài liệu truyền thông tháng 8/2018 của Ban Văn hóa Phật giáo là “Templestay, Journey for Your Happiness” (Hành trình vì Hạnh phúc của bạn), còn trên trang web https://eng.templestay.com/ hiện nay là “Finding Your True-Self” (Tìm lại Tự ngã Chân thật của bạn). Chương trình Templestay không kêu gọi người ta “Hãy đến để tin!” mà khích lệ “Hãy đến để thấy, biết Chân lý và thực hiện nó!”. Tính nguyên gốc Phật giáo có lẽ cần được nhìn nhận từ điểm này.
Chúng ta nhớ rằng cho đến thời Goryeo (918-1392), hai con đường hành trì Phật giáo chủ yếu ở Korea là Gyo (Giáo) và Seon (Thiền). Giáo nhấn mạnh nghiên cứu, giảng dạy, học hành kinh kệ còn Thiền chủ trương “Bất lập văn tự / Giáo ngoại biệt truyền / Trực chỉ nhân tâm / Kiến tính thành Phật”, không lệ thuộc vào kinh kệ mà dựa trên trực giác nội tâm, tu tâm kiến tính. Bước sang thời Joseon trước sự đàn áp của triều đình phong kiến, chùa chiền lui về núi rừng, con đường học thuật kinh điển Phật giáo dần sa sút, chỉ còn con đường Thiền có thể thành tựu những giá trị tinh tấn ngoài phạm vi học thuật khoa cử phong kiến và có thể nói chính Thiền đã gìn giữ Phật giáo sống sót qua hơn 500 năm bị bức hại để rồi được hồi sinh.
Chúng ta cũng nhớ rằng một đặc trưng quan trọng của Phật giáo Korea truyền thống là Tong Bulgyo (Thông Phật giáo), nghĩa là Phật giáo hội thông, không phân biệt tông phái một cách quá cứng nhắc mà kết hợp các trường pháp, các pháp môn tu tập. Chính
Jogye là như vậy, trên cơ sở dung hợp Thiền và Giáo, đốn ngộ và tiệm tu, dùng pháp tu Hwadu (Thoại đầu)11 hành trì công án để gột rửa trí năng, thấy biết sai lầm. Tuy nhiên, với người bắt đầu mà dùng pháp tu này thì quá khó khăn. Chương trình Templestay, vì vậy, chỉ dùng thiền quán hơi thở, lại kết hợp các thực hành Tịnh độ để dần dà dẫn dắt không chỉ các tín đồ mà những du khách đại chúng.
Liên hệ với Việt Nam, chương trình các khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè với chủ thể trọng tâm là tu tập, cũng đã cố gắng kết hợp thêm một số yếu tố văn nghệ, giao lưu, game show cho tăng độ thu hút, phù hợp đối tượng tuổi trẻ. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai loại hoạt động này vẫn là quan hệ chủ - khách, chưa có nhiều hình thức tìm được sự thống nhất, thâm nhập lẫn nhau trong chiều sâu, khai mở chính giá trị Chân - Thiện - Mỹ của Phật giáo qua các hoạt động sáng tạo, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, thậm chí, qua các sinh hoạt giản dị thường nhật.
- ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM TÍCH HỢP CỦA CHƯƠNG TRÌNH TEMPLESTAY VÀ NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM
Kết quả khảo sát 360 du khách nước ngoài tham gia Templestay từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2007 do OECD thực hiện cho thấy sức hấp dẫn của chương trình vượt qua phân biệt tôn giáo: 84 người Công giáo - Catholic (23,3%), 60 người Kito giáo - Christian (16,7%), 22 người theo Phật giáo (6,1%), 3 người theo Hồi giáo
(0,8%), 79 người theo các tôn giáo khác (21,9%), 71 người không
-
-
“Tọa thiền khán công án hay thoại đầu: Đây là lối tu do các Thiền sư dòng Lâm Tế đời Tống lập ra. Khán công án hay khán thoại đầu, lối dụng công cũng như nhau, chỉ khác ở điểm công án là một câu của người xưa để lại, thoại đầu tùy thời biến chế. Phương pháp tu này gọi là “lấy độc trừ độc”. Vì có một nghi vấn đặt trong đầu thì mọi vọng tưởng đều lặng mất. Cho nên người khán công án hay thoại đầu phải tin tưởng tuyệt đối vị thầy mình đến thọ giáo. Ông dạy một câu như: “trước khi cha mẹ chưa sanh, mình là gì” v.v… liền phải sống chết với câu ấy, cho đến ngày ngộ đạo mới thôi. Khi khán thoại đầu, nên đề khởi câu thoại đầu lên, sau chữ “gì” có một sức mạnh nghi kéo dài im lặng, khi sức nghi yếu dần, liền đề khởi nữa, cứ thế mãi. Câu nói đặt thành nghi vấn là thoại, cái nghi kéo dài im lặng là đầu. Hay nói khác hơn, trước khi chưa đặt nghi vấn là đầu, nghi vấn dấy lên là thoại. Chủ yếu dùng cái nghi đập chết mọi vọng tưởng. Khi cái nghi đã thành khối, khỏi cần đề khởi mà lúc nào cũng nghi, gọi là “nghi tình”. Một khi cái nghi tan vỡ ra là ngộ đạo. Thế nên nói “đa nghi đa ngộ”. Song tu khán thoại đầu phải gan dạ, chết sống với câu mình nhận nơi thầy, cho đến ngộ đạo, không được học kinh sách hay lý luận gì cả. Tu khán thoại đầu, khi tọa thiền khán thoại đầu, lúc ra ngoài hoặc làm công tác cũng vẫn khán thoại đầu, không đổi thay pháp nào khác. [“Yếu chỉ Thiền tông”. http://www.thuongchieu.org/uni/KinhSachThiKe/Thien/ ThienTongVietNamCuoiTheKy20/Html/0 htm
theo tôn giáo nào (19.7%)12.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tác động của chương trình đối với du khách đáp ứng tốt mục tiêu của Phật giáo Jogye cũng như chính phủ Hàn Quốc. Đánh giá lợi ích quan trọng nhất khi tham gia chương trình Templestay, 54% du khách hài lòng vì được trải ng- hiệm văn hóa mới (Phật giáo), chiếm tỉ lệ cao nhất; tiếp theo là 9,2
% du khách hài lòng vì hiểu biết văn hóa Hàn Quốc truyền thống; rồi đến 7,5% du khách tăng mối quan tâm, hứng thú với Phật giáo. Đánh giá lợi ích quan trọng thứ hai khi tham gia chương trình Tem- plestay, 28,6% du khách hài lòng vì hiểu biết văn hóa Hàn Quốc truyền thống, chiếm tỉ lệ cao nhất; tiếp theo là 13,9% du khách tăng mối quan tâm, hứng thú với Phật giáo; rồi đến 13,6% du khách hài lòng vì có cơ hội để chiêm nghiệm bản thân.
|
Lợi ích quan trọng nhất |
Lợi ích quan trọng thứ hai |
Trải nghiệm văn hóa mới (Phật giáo) |
54.2 |
8.3 |
Hiểu biết văn hóa Hàn Quốc truyền thống |
9.2 |
28.6 |
Tăng mối quan tâm, hứng thú với Phật giáo |
7.5 |
13.9 |
Hiểu biết những điểm du lịch quanh chùa |
- |
1.1 |
Thời gian nghỉ ngơi để giải tỏa căng thẳng |
1.1 |
5.8 |
Cơ hội để tự chiêm nghiệm bản thân |
7.8 |
13.6 |
Thưởng thức phong cảnh đẹp |
2.8 |
8.1 |
Khác |
4.3 |
2.8 |
Không trả lời |
13.1 |
17.8 |
Tổng cộng |
100 |
100 |
Bảng 1. Du khách nước ngoài đánh giá lợi ích của việc tham gia chương trình Templestay [Bảng thể hiện kết quả khảo sát 2007 của OECD13]
-
-
OECD 2009, tr 117.
- OECD 2009, tr 120.
Thành công của chương trình Templestay rõ ràng là rất thuyết phục. Điểm hạn chế mà một số học giả và tu sĩ thường chỉ trích như Templestay có thể ảnh hưởng đến sự an tĩnh của chốn thiền môn, thì nhìn chung, lại không mấy xác đáng. Bởi vì du khách Templestay được thông báo, được học quy tắc đời sống chùa chiền từ trước khi đăng ký chương trình và ngay sau khi check-in, thêm nữa, chính họ chọn để trải nghiệm không khí đặc biệt của đời sống ấy nên đều tự nguyện tuân thủ các quy tắc trong niềm an lạc. Các ngôi chùa có chương trình Templestay đều luôn tách biệt khu lưu trú cho du khách Templestay, thiền đường cho tu thiền chính thống, nghiêm ngặt và nhà tăng vẫn luôn là những không gian riêng tư, hạn chế sự xâm nhập của du khách.
Gợi ý của Templestay Hàn Quốc cho các chương trình gần tương đương với nó ở Việt Nam không phải là những mẫu hình, những format xác định nào đó. Bởi vì hành trình lịch sử cũng như vị thế hôm nay của Phật giáo Hàn Quốc và Việt Nam khá khác nhau, bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hiện đại của hai dân tộc cũng khác nhau khá nhiều. Quan trọng nhất, Templestay Hàn Quốc có thể truyền nguồn cảm hứng mới mẻ và say sưa cho những nẻo đường sáng tạo không cùng để bảo tồn, phát huy những giá trị Phật giáo, mà cốt lõi nhất chính là lưu giữ và trao truyền những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của văn hóa Phật giáo đã gần 2.000 năm hòa nhập cùng văn hóa truyền thống của dân tộc tới các thế hệ tương lai.
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Achim Bayer 2016: “The Templestay Program of the Korean Jogye Order - Cultural Transformations and Adaptations”. Kanazawa Seiryo University Bulletin of the Humanities Vol.1 No.1, 71-86, 2016.
Jang Eunhwa 2009: Journey to Korean temples and Templestay. Her One Media.
John Lee 2015: “Understanding Modern Korean Buddhism via Collective-Consciousness, Multiculturalism and the Temple Stay Program”. Irish Journal of Asian Studies 1/1 (2015).
Mark A. Nathan 2017: “Contemporary Korean Buddhist Traditions”. Trong sách Oxford Handbook of Contemporary Buddhism (credited by Michael Jeeryson). Oxford Handbook.
OECD 2009: Chapter 8: “Temple Stay Programme”. Trong sách
The Impact of Culture on Tourism. OECD Publishing.
Uri Kaplan 2010: “Images of Monasticism: The Temple Stay Pro- gram and the re-branding of Korean Buddhist Temples”. Korean Studies, Volume 34, 2010, pp. 127-146. University of Hawai’i Press.
Ven. Heywon and David A. Mason 2013: “Templestay”. In An Ency- clopedia of Korean Buddhism. Unjusa.
Wei Wang 2011: Explore the Phenomenon of Buddhist Temple Stay in South Korea for Tourists. University Libraries. University of Nevada, Las Vegas.
436