323
QUÁTRÌNHCÁCHTÂNPHẬTGIÁONHẬTBẢN THỜI MINH TRỊ VÀ CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM (CUỐI THẾ KỶ XIX – ĐẦU THẾ KỶ XX):
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT
Tống Thị Quỳnh Hương*
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân là cuộc cải cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, là bước chuyển quan trọng cho Nhật Bản vươn lên vị thế một cường quốc. Trong những cải cách đó thì cải cách trên lĩnh vực tôn giáo được coi là một điểm nhấn quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội Nhật Bản với cuộc cách tân về Phật giáo. Theo đó, Phật giáo truyền thống Nhật Bản biến đổi dần sang hướng thế tục hóa và xã hội hóa sâu rộng, thích nghi với xã hội hiện tại để tồn tại và phát triển lên một tầm cao mới. Tiếp nối ngay sau cuộc cách tân Phật giáo Nhật Bản, công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam được bắt đầu vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX với nhiều hoạt động nhằm tìm lại sự hưng thịnh từng có của Phật giáo trong bối cảnh nhiều biến động của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Từ những thập niên đầu thế kỷ XX trở đi, nhiều cao tăng trong cả nước đã tích cực đứng lên kêu gọi việc nghiên cứu, lý giải kinh điển và giáo lý Phật giáo; đổi mới nội dung, hình thức và quy mô đào tạo Tăng tài, đổi mới cách thức tổ chức Giáo hội… Việc xuất hiện và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo từ những năm 20
*. TS., Khoa Lịch Sử - Đại học Sư Phạm Hà Nội, Việt Nam.
của thế kỷ XX có thể coi là một dấu ấn rõ nét trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh chung của toàn khu vực châu Á trước nguy cơ của chủ nghĩa thực dân, hai phong trào cách tân và chấn hưng Phật giáo này dù xuất hiện ở hai nước khác nhau, cách xa nhau về địa lý và ở hai thời điểm khá gần nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng thú vị và cũng không ít những khác biệt do ứng xử với thời đại mang lại.
- NỘI DUNG
-
- Khái quát về quá trình cách tân Phật giáo Nhật Bản thời Minh Trị (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam (đầu thế kỷ XX)
- Về quá trình cách tân Phật giáo Nhật Bản thời Minh Trị (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX)
Cuộc Minh Trị Duy Tân không chỉ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực chính trị lịch sử mà nó còn là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Phật giáo ở Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo thì Nho giáo, Phật giáo và Thần đạo cùng tồn tại một cách hòa hợp với nhau ở Nhật Bản. Phật giáo được các Shogun bảo vệ và gần như giữ địa vị quốc giáo tại quốc gia này. Nhưng đến thời Minh Trị Duy Tân thì sự gắn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo này cũng chấm dứt1.
Sau một thời gian dài giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần ở Nhật Bản, ảnh hưởng của đạo Phật ở Nhật Bản đã bị thu hẹp dần, đặc biệt là sau cuộc Duy Tân năm 1868. Khi Thiên Hoàng Minh Trị lên nắm quyền, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước được hình thành và phát triển. Trong những năm đầu của thời Minh Trị, chính quyền chủ trương lấy Thần đạo làm quốc giáo, Phật giáo bị coi là ngoại lai nên có phần bị lãng quên và chèn ép. Ngay sau khi lên ngôi, tháng 3 năm Khánh Ưng, Thiên hoàng Minh Trị đã công bố lệnh “tách Thần Phật” (Thần Phật phân ly) với nội dung: Khôi phục việc bổ nhiệm quan thần kỳ, tách Phật giáo ra khỏi hệ thống quốc giáo. Các Tăng lữ phải ăn mặc theo Thần đạo, cấm thờ Phật và dùng các vật dụng thường có trong chùa như mõ,
-
Kenji Matsuo, A history of Japanese Buddhism, Global Oriental, UK, p.225
chuông, v.v..., cấm không được dùng thuật ngữ của nhà Phật để gọi tên các Thần2.
Tại một số nơi, tượng Phật, pháp khí, kinh điển của đạo Phật bị vứt bỏ rất nhiều, chùa chiền bị phá bỏ, tăng sĩ bị bắt hoàn tục. Những biện pháp này đưa đến những phản ứng quyết liệt của dân chúng địa phương tại một số vùng chịu ảnh hưởng mạnh của các tông phái Phật giáo Chân Tông (trong các năm thứ 4,5,6 của thời Minh Trị xuất hiện bạo động tại nhiều địa phương như Tam Hà Đại Tân, Tín Việt, Việt Tiền, Kim Lập…)3.
Lo sợ sự phản kháng của các tín đồ đạo Phật có thể đi đến cao trào, chính quyền Minh Trị phải lên tiếng rằng việc cấm Thần đạo và Phật giáo hỗn dung không có nghĩa là xóa bỏ Phật giáo. Năm thứ 27 Minh Trị Duy Tân đã diễn ra cuộc chiến tranh Trung - Nhật, chủ nghĩa đế quốc ngày càng phát triển ở Nhật. Để tiếp tục tồn tại, Phật giáo đã có sự biến chuyển, phải thể hiện tinh thần yêu nước trong xu thế chung, vì thế Phật giáo đã trở thành một trong những công cụ cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ này.
Từ năm 1897, các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản đã triển khai việc nghiên cứu nội dung của Phật giáo mới. Mục đích của việc nghiên cứu đó là khuyến khích tiếp thu những nền văn minh của xã hội bên ngoài nước Nhật. Không khí học thuật mới này còn kéo dài mãi đến thời Taisho (Đại Chính) trong những năm 1912 - 1925 và đã thu được những thành tựu đáng kể, nhiều tịnh xá được xây dựng, việc giáo dục Phật giáo được đẩy mạnh. Nhiều trường đại học chuyên khoa của các tông phái Phật giáo Nhật Bản cũng đã xuất hiện vào các thập niên đầu thế kỷ XX. Các trường này đã đào tạo ra được một hệ thống nhân tài về lĩnh vực Phật học, các học giả Nhật Bản đã áp dụng các phuơng pháp nghiên cứu mới tiếp thu từ các nước Âu - Mỹ.
Theo cải cách Phật giáo Nhật Bản, các giáo phái mới được tách ra khỏi hình thái cũ. Nguyên tắc chung của Phật giáo mới Nhật Bản
-
Bùi Thanh Phương, Nhật Vương (2005), Về con đường hội nhập và phát triển của Phật giáo Nhật Bản, Tạp chí Triết học, số 3 (166), tháng 3.
- Dẫn theo Lại Như Bằng, Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, đăng trên: https://toasang-ugvf.org/2016/12/01/phong-trao-chan- hung-phat-giao-tai-viet-nam-va-tai-cac-nuoc-trung-quoc-nhat-ban-ky-2/
là coi trọng việc tổ chức và phát triển các công việc của tôn giáo, đặc biệt đề cao sức mạnh của tinh thần đoàn kết chặt chẽ và kiên cường và do vậy, số tín đồ của nó ngày một tăng. Nhìn chung, sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản sau cải cách chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự giao thoa văn hóa Đông – Tây.
2.2.2. Về công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam (đầu thế kỷ XX)
Sau những thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo Đại Việt dưới các triều đại Lý, Trần, đến cuối thế kỷ XIX thì tôn giáo này bắt đầu bị suy yếu. Tình hình xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX xảy ra nhiều biến động lớn. Bắt đầu là sự khủng hoảng và suy vong của triều Nguyễn, sau đó là sự việc Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta vào giữa thế kỷ XIX. Quá trình Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ ở nước ta diễn ra trong khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Với các hiệp ước mà triều Nguyễn ký với Pháp vào các năm 1883, 1884, nước ta đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Phật giáo Việt Nam có nhiều biến đổi, xuất hiện nhiều nhận thức sai lầm về Phật giáo, nhiều người đã cho rằng Phật giáo đồng nhất với một loại thần giáo. Đa số chùa chiền chỉ còn hình thức thờ cúng lễ bái, nhiễm đầy mê tín dị đoan.
Vì thế, Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đứng trước yêu cầu phải canh tân đổi mới. Nguyên nhân là do tình trạng suy yếu kéo dài từ các thập kỷ trước đó đã đe dọa đến vấn đề tồn vong của Phật giáo trước bối cảnh mới của lịch sử dân tộc. Thêm vào đó, quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp đã có những tác động không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của nhiều tăng ni, Phật tử Việt Nam. Đó là thực trạng nhiều tăng ni, Phật tử sa vào con đường cờ bạc, rượu chè, đàm trước thanh sắc; là phần đông tăng già chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, trụ trì, sắc tứ… Mọi phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đạo, phù chú, làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền4.
Trước tình hình đó, nhiều tăng sĩ trong cả nước đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra song song với các phong trào yêu nước chống Pháp nổ ra
-
Dương Thanh Mừng, Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, 2015, Nguồn: http://phatgiao.org.vn
trên khắp cả nước. Hòa thượng Khánh Hòa – một trong những người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ từng nói: “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết. Cho nên, muốn chấn hưng Phật giáo phải thực hành 3 việc: chỉnh đốn Tăng già; kiến lập Phật học đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ”5.
Thực hiện phương châm đó, từ những thập niên đầu thế kỷ XX trở đi, nhiều cao tăng trong cả nước đã tích cực đứng lên kêu gọi việc nghiên cứu, lý giải kinh điển và giáo lý Phật giáo; đổi mới nội dung, hình thức và quy mô đào tạo Tăng tài, đổi mới cách thức tổ chức Giáo hội… Từ đây, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu được khởi xướng và phát triển ở Việt Nam. Việc xuất hiện và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo từ những năm 20 của thế kỷ XX có thể coi là một dấu ấn rõ nét trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
- NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT
-
- Những điểm tương đồng
Trước hết, có thể nhận thấy công cuộc canh tân Phật giáo Nhật Bản và công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam được tiến hành trong một bối cảnh lịch sử và thời gian rất tương đồng:
Bước vào thế kỷ XIX, Phật giáo ở hai nước đều bị mất vị thế, gặp nhiều khó khăn. Phật giáo Nhật Bản mất dần vị trí quan trọng trên cả phương diện chính trị và tinh thần, cũng như ảnh hưởng xã hội, thậm chí bị chèn ép, đàn áp. Còn Phật giáo Việt Nam bị suy thoái từ bên trong tăng đoàn và tăng sĩ, cũng như chịu tác động từ sự du nhập của tôn giáo mới và chính sách của chính quyền thuộc địa.
Ở Nhật Bản, một trong những khẩu hiệu của Minh Trị Duy Tân là “Osei Fukko” (nghĩa là: Restore Monarchy – Khôi phục chính thể quân chủ). Mục đích của khẩu hiệu này là khuyến khích nhân dân thủ tiêu những thói quen, phong tục văn hóa cũ có từ thời Tokugawa, theo đó thì Phật giáo cũng không phải là ngoại lệ. Sau 5 năm kể từ khi công cuộc Minh Trị Duy Tân được bắt đầu, một phong trào bài trừ Phật giáo đã bắt đầu tại Nhật Bản khiến cho rất nhiều ngôi chùa Phật giáo đã bị phá hủy, hàng nghìn Tăng Ni đã phải hoàn tục. Phong trào này có tên là “Haibutsu Kishaku”, “Hai” là
-
https://quangduc.com/a5562/hoa-thuong-khanh-hoa
“ném đi” (Throw away), “butsu” có nghĩa là “Buddha” (Phật), “Ki” nghĩa là “bãi bỏ” (aboilish), “Shaku” là từ thay thế cho “Shakamuni” (Gautama Buddha) – xét về ngữ nghĩa thì “Haibutsu Kishaku” có nghĩa là “throw away Buddha and aboilish Shakamuni” (tạm dịch: Phế Phật hủy Thích). Phong trào này có ảnh hưởng rất sâu sắc tới Phật giáo Nhật Bản, nó tác động rất tiêu cực tới các tín đồ cũng như các cơ sở thờ tự của đạo Phật, loại bỏ cả những cố gắng duy trì truyền thống Phật giáo trước đây6. Với phong trào này, có thể thấy rằng, sau hàng nghìn năm kể khi Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản, người đứng đầu chính quyền Minh Trị đã lần đầu tuyên bố Phật giáo là một trở ngại cho quá trình hiện đại hóa nước Nhật, coi đó là một sự mê tín của quá khứ, một tín ngưỡng ngoại lai, một gánh nặng với nền kinh tế7. Các hoạt động này đã khởi xướng cho những hoạt động bài trừ Phật giáo trên khắp nước Nhật vào thời điểm đó.
Việt Nam dưới thời kỳ cai trị của vương triều Nguyễn trong khoảng nửa sau thế kỷ XIX, đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện trên tất cả các mặt. Các giáo sĩ phương Tây đã mang đến nước ta một tôn giáo mới là Thiên Chúa giáo, lúc đầu tôn giáo này gặp rất nhiều khó khăn do chính sách “đóng cửa cấm đạo” của triều đình Nguyễn. Tuy nhiên, sau khi bình định xong Việt Nam, chính sách tôn giáo của chính quyền thuộc địa có nhiều thay đổi. Theo đó, Phật giáo dần đi vào suy thoái, mất dần vị thế, bị chèn ép.
Trong bối cảnh cả hai nước vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đều đang đứng trước những khó khăn chung do chủ nghĩa thực dân mang đến. Bối cảnh chung của toàn châu Á khi đó là hầu hết các nước đều đã trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Nhật Bản thời Minh Trị cũng phải đối mặt với nguy cơ của chủ nghĩa thực dân xâm lược. Còn Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là quá trình thực dân Pháp xâm lược, bình định và tiến hành khai thác thuộc địa. Cả hai công cuộc canh tân và chấn hưng Phật giáo ở hai quốc gia đều được đặt trong một không gian chung của toàn châu Á khi đó là quá trình thực dân hóa các nước ở khu vực này.
-
Gudo Wafu Nishijima (1997), Japanese Buddhism and Meiji Restoration,Windbell Publications Ltd., P.15
- George Lazopoulos (2013), Buddhism and Ideology in Japan 1868 – 1931, University of California, Berkeley, p.7
Thứ hai, được tiến hành trong bối cảnh nhiều phức tạp như vậy nên mục tiêu canh tân và chấn hưng Phật giáo ở hai quốc gia cũng rất tương đồng đó là khôi phục, thay đổi và làm hưng thịnh lại vị thế của Phật giáo trong đời sống xã hội phù hợp với bối cảnh lịch sử mới.
Trong khi Phật giáo Nhật Bản canh tân để thay đổi theo xu hướng mới, đơn giản hơn, thế tục hơn để gần gũi hơn với nhân dân và tìm lại vị thế vốn có một cách chính thức từ chính quyền Nhật, thì Phật giáo Việt Nam chấn hưng cũng để thay đổi, chấn chỉnh từ những nhân tố khiến Phật giáo suy thoái, làm hưng thịnh lại Phật giáo từ sự áp bức của chính quyền thuộc địa.
Thứ ba, tương đồng trong các biện pháp cải cách Phật giáo. Cả hai quốc gia đều tiến hành cải cách các tổ chức tôn giáo, nghiên cứu kinh kệ, phổ biến tinh thần Phật giáo trong quần chúng, dân tộc hóa Phật giáo, hình thành các trường phái Phật giáo mới, thế tục hóa, xã hội hóa Phật giáo..
Như đã đề cập ở trên, tại Nhật Bản đã xuất hiện phong trào nghiên cứu Phật giáo trong các trường đại học mới. Sau Minh Trị Duy Tân, chính quyền mới hăng hái trong việc học theo văn minh phương Tây. Năm 1878, trường Đại học Tokyo được thành lập, theo sau là nhiều trường đại học khác. Trong nghiên cứu Phật giáo, nhiều dòng phái đã xuất hiện, với mục tiêu nghiên cứu Phật giáo theo phương pháp và khoa học phương Tây. Nhiều học giả như Bun
– Ju Nan – Jo (1849 - 1927), Junjiro Takakusu (1866 - 1945), Kai- kyoku Wantanabe (1872 - 1895), Unrai Ugiwara (1869 - 1937)...đã đến các nước Anh, Pháp, Đức để nghiên cứu Phật giáo dựa trên nền tảng tư tưởng phương Tây8.
Thời kỳ này cũng xuất hiện một học thuyết quan trọng là “Daijo
– Hi – Bussetsu – Ron”. Trong đó, “Daijo” có nghĩa là “Mahayana
Buddhism” (Phật giáo Đại thừa), “Hi” nghĩa là “không”, “Bussetsu”
nghĩa là “Các lời dạy của đức Phật”, “Ron” nghĩa là “học thuyết”.
Theo đó thì “Daijo – Hi- Bussetsu -Ron” có nghĩa là “Thuyết về
Phật giáo Đại thừa không phải là Phật giáo đích thực” (Mahayana
Buddhism is not [true] Buddhism). Học thuyết này do một số học
giả nghiên cứu Phật giáo như Sensho Murakami (1851 - 1929)
-
Gudo Wafu Nishijima, sđd, p.16.
và Masaharu Anezaki (1873 - 1949) đưa ra. Các ông tin rằng, các học giả chỉ hiểu được lời dạy của đức Phật có liên quan trực tiếp đến cuộc đời của Ngài, còn lại rất nhiều các thuyết phức tạp khác xuất hiện sau khi đức Phật mất thì đều không phải là Phật giáo đích thực. Các học giả này cho rằng những lời dạy của Phật giáo đại thừa không thực tế, người ta đã thêm vào những lời dạy nguyên thủy của đức Phật, vì thế nó gây ra sự hiểu lầm về đạo Phật9.
Với những ảnh hưởng rộng rãi của đạo Phật sau những biến động của Minh Trị Duy Tân, đặc biệt là hệ lụy của hai phong trào “Haibutsu Kishaku” và “Daijo – Hi – Bussetsu – Ron”, các học giả đã đề xuất các thay đổi quan trọng của Phật giáo như sau:
-
- Xóa bỏ sự phân biệt giữa Paramartha và Samvrtti. Paramartha có nghĩa là “cao nhất hay chân lý tri thức đúng đắn”, thường được dịch là “ultimate truth” (chân lý cuối cùng), còn Samvrtti có nghĩa là “nghề nghiệp chung; được; hiện có; trở thành; xảy ra”, thường được dịch là “relative truth” (chân lý liên quan, bổ sung)10. Trong hàng nghìn năm, Phật giáo đã phân định rất rõ ràng giữa hai khái niệm này. Giờ đây từ sự nghiên cứu của các học giả, các kinh điển Phật giáo nói chung và các triết lý nói riêng được đơn giản hơn, phổ biến ngày càng rộng rãi. Nhiều kinh điển cổ được ấn hành.
-
- Hướng tới việc thực hành Phật giáo, nên việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục là xu thế tất yếu. Xuất hiện nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành Phật giáo. Dưới ảnh hưởng của triết học phương Tây và các hệ tư tưởng mới, Phật giáo Nhật Bản đã hoàn toàn thoát ly khỏi Phật giáo Trung Quốc. Ví dụ, việc ẩn tu hay tu sĩ sống nhờ sự bố thí hay độ chúng của tín đồ, Phật tử đã bị xã hội đào thải.
-
- Từ Phật giáo thực hành bắt nguồn từ Phật giáo trí tuệ (học thuật), các nhà canh tân Phật giáo Nhật Bản chủ trương không xây dựng chùa cao trên núi cao, lãng phí mà nhân dân không thể lên núi lễ Phật được. Các khóa tu ngắn gọn, đơn giản, nhẹ nhàng được tổ chức nhiều hơn để tín đồ có thể thường xuyên tham dự, không mất nhiều thời gian. Các hình thức sinh hoạt tôn giáo cộng đồng cũng được đơn giản hóa..
-
Gudo Wafu Nishijima, sđd, p.16.
- Gudo Wafu Nishijima, sdd, p.17.
Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng chủ trương đi vào nghiên cứu kinh điển Phật giáo, biên dịch và diễn giải nhiều bộ kinh quan trọng của đạo Phật. Trên cơ sở đó xuất bản các ấn phẩm để trao đổi học thuật, tuyên truyền sâu rộng các lời dạy của đức Phật trong quần chúng. Các tạp chí này chủ yếu viết bằng chữ quốc ngữ, làm cơ quan hoằng pháp. Phật giáo Việt Nam cũng hướng tới việc giáo dục, đào tạo bằng cách mở các trường giảng dạy Phật học khắp ba miền, tập trung tại các chùa lớn, đào tạo nhiều Tăng Ni sinh.
-
- Những điểm khác biệt
Bên cạnh những điểm tương đồng, quá trình canh tân Phật giáo Nhật Bản thời Minh Trị và công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt. Những khác biệt này xuất phát từ nền tảng văn hóa truyền thống và bối cảnh lịch sử cụ thể của hai nước, cũng như cách ứng xử của những người chủ trương tiến hành canh tân Phật giáo trước thời cuộc.
Sự khác biệt trước hết là ở tính chất canh tân, chấn hưng Phật giáo:
Đối với Nhật Bản, cuộc canh tân Phật giáo là sự tự thân, tự đổi mới, tự thích nghi trước bối cảnh xã hội, chính sách của chính quyền và sự lấn át của Thần đạo. Cuộc canh tân này được sự ủng hộ của đông đảo Tăng sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học và đông đảo tín đồ đạo Phật trong bối cảnh Nhật Bản vẫn giữ được độc lập trong khi hầu hết các nước châu Á đã trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây.
Đối với Việt Nam, đứng trước bối cảnh thất thế của đạo Phật, nhiều Tăng sĩ có tư tưởng tiến bộ đã khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo này. Vì vậy, công cuộc chấn hưng Phật giáo không chỉ đơn thuần là về tôn giáo mà nó còn là chủ trương mang tính dân tộc, song hành cùng các phong trào yêu nước của nhân dân ta trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến, bị thực dân Pháp thống trị.
Thứ hai, điểm khác biệt giữa hai quốc gia còn ở mục tiêu canh tân, chấn hưng Phật giáo. Dù mục tiêu chung là cơ bản giống nhau, nhưng cụ thể ở từng nước thì lại có sự khác biệt do đặc trưng nền tảng văn hóa mang lại.
Phật giáo Nhật Bản cần canh tân trong bối cảnh chung của cuộc
canh tân đất nước Nhật Bản, đặc biệt là khi Thần đạo đã trở thành quốc giáo tại Nhật Bản. Hơn nữa, trước yêu cầu cấp thiết phải cảnh tân đất nước để phát triển, thoát khỏi ách xâm lược, trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ của văn hóa Á – Âu, Phật giáo không thể đứng ngoài những xu thế chung đó nếu không muốn bị đào thải. Bởi vậy, công cuộc canh tân Phật giáo Nhật Bản không phải là đi tìm lại những hào quang cũ hay khôi phục lại Phật giáo với hình thái cũ đã từng tồn tại, mà chính là đổi mới Phật giáo theo tư duy mới, mang hơi hướng văn hóa phương Tây giống như các cuộc duy tân trên các lĩnh vực khác tại Nhật Bản.
Còn các Tăng sĩ Việt Nam tiến hành phong trào chấn hưng Phật giáo khi nước ta đã là một nước thuộc địa, với mong muốn chấn chỉnh những truyền thống đã bị suy đồi, khôi phục lại vị thế vốn có trong bối cảnh mới đầy khó khăn, trước sự cạnh tranh từ tôn giáo mới và những chính sách chèn ép của chính quyền Pháp thuộc. Vì vậy, việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam vừa là đổi mới, vừa là duy trì những tinh hoa của truyền thống cũ.
Thứ ba, những khác biệt còn ở cách thức, phương pháp tiến hành
Để tồn tại trong bối cảnh mới, Phật giáo Nhật Bản đã tự thích nghi và đổi mới, nhiều sư tăng đã du học châu Âu, đem về nước một phương pháp học thuật mới, cải cách giáo dục Phật giáo và hướng hoạt động Phật giáo vào hoạt động thế tục hóa, xã hội hóa. Tình hình đó đã hình thành ở Nhật một phong trào nhập thế chưa từng có, làm tiền đề cho những hoạt động tham chính về sau của một số tổ chức Phật giáo, tiêu biểu là Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội). Thời kỳ Taisho (1912- 1926), do quá trình tiếp xúc văn hóa Đông- Tây, xuất hiện hàng loạt tông phái, hội đoàn mới, các tông phái này khá chú trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức. Phật giáo Nhật Bản lần đầu tiên đã có tổ chức thống nhất lấy tên là “Hội Liên hiệp Phật giáo” (1915). Cũng từ thời kỳ này, Phật giáo Nhật Bản bắt đầu truyền bá ra nước ngoài, ở Trung Hoa, Triều Tiên, Đài Loan, Mỹ…11
Phái Sáng giá học hội được xem là một trong những tôn giáo mới ra đời ở Nhật (Tân tôn giáo), được thành lập vào năm 1930,
-
Nguyễn Minh Nguyên, Trần Thị Thúy Ngọc (2015), Một số biến đổi của Phật giáo Nhật Bản từ thời Minh Trị, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 (143), tr.63
xuất phát từ một tông phái Nhật Liên giáo của Phật giáo. Sáng giá học hội hoàn toàn do các cư sĩ tại gia lãnh đạo, lấy kinh Pháp Hoa làm tư tưởng trung tâm, có sức mạnh tổ chức vững chắc, tinh thần truyền giáo sôi nổi, số tín đồ tương đối đông, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống chính trị - xã hội trong nước Nhật và có nhiều hoạt động, nhất là về văn hóa giáo dục ở nước ngoài (đặc biệt ở Mỹ). Tuy vậy, trong nước Nhật cũng có rất nhiều sự phản đối đối với Sáng giá học hội, và khả năng thống nhất với toàn bộ các tông phái của Phật giáo là không có vì các tông phái cũ có khoảng cách lớn về tư tưởng với nó12.
Có thể nhận thấy chính sự hồi sinh của Thần đạo cũng như sự du nhập của văn minh phương Tây đã làm cho Phật giáo suy thoái nghiêm trọng. Nhiều Tăng Ni phẩm hạnh sa sút, đi vào con đường ăn chơi hưởng lạc. Phật giáo mang tính “giáo điều” xa rời những nhu cầu của con người và xã hội. Vì vậy, trước tình hình đó cùng với những yêu cầu bức bách đặt ra là phải nhanh chóng canh tân, phát triển đất nước cho kịp sự phát triển của phương Tây, Phật giáo buộc phải phát triển theo hướng tăng tính thế tục. Nhiều tăng lữ tham gia vào đời sống chính trị. Phật giáo dần dần hướng về hoạt động xã hội.
Trong khi đó, các Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tiến hành vận động thành lập nhiều các tổ chức Hội như Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, Hội An nam Phật học, Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm các cơ quan lãnh đạo phong trào chấn hưng và cơ sở tập hợp tín đồ. Hướng tới việc thành lập một tổ chức duy nhất đoàn kết, hòa hợp cùng lo Phật sự.
Cuối cùng là những kết quả và ảnh hưởng của công cuộc canh tân hay chấn hưng Phật giáo tại hai quốc gia:
Ở Nhật Bản, Hiến pháp Nhật năm 1889, điều 28 quy định tự do tôn giáo. Phật giáo cuối thời Minh Trị đều nằm trong tay Mật Tông và Nhật Liên Tông13. Phật giáo sau cải cách được phân định như sau: Tăng có 2 nhóm là Tân tăng và Thanh tịnh tăng. Tân tăng sinh hoạt theo mọi công tác xã hội, Thanh tịnh tăng tu trì tại các Tu viện, Thiền viện, Tự viện…Vì quá trình xã hội hóa Phật giáo, nên số
-
Nguyễn Thị Thúy Anh, Một vài suy nghĩ về vai trò của Phật giáo trong nền văn hóa Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/mobile/ phatgiao-qt/dat-nuoc/11371-Mot-vai-suy-nghi-ve-vai-tro-cua-Phat-giao-trong-nen-van-hoa- Nhat-Ban.html
- Nguyễn Minh Nguyên, Trần Thị Thúy Ngọc (2015), sđd, tr. 63.
lượng người xuất gia đi tu ngày càng ít, trong khi các chùa vẫn cần người trông nom, quản lý, vì vậy hình thành nhóm Tân tăng, tức là các nhà sư được lập gia đình, sinh con để có người nối dõi, thừa kế việc quản lý chùa. Chùa không còn là nơi tu học, mà đơn thuần là nơi cúng bái, hành lễ, và cũng là chỗ mưu sinh của Tăng sĩ. Vì vậy, vị thế của Phật giáo trong lòng dân chúng cũng có nhiều thay đổi. Truyền thống “Kính Phật Trọng Tăng” đã mai một đi nhiều.
Phật pháp Nhật Bản được phát triển qua các tông chính: Thiền, Tịnh và Pháp Hoa tông. Quá trình canh tân Phật giáo Nhật Bản đã dẫn tới việc hình thành nhiều trường phái Phật giáo mới. Trước Chiến tranh Thế giới II, các tông phái Phật giáo chính thức được công nhận bao gồm 13 tông 56 phái. Sau chiến tranh, Hiến pháp công bố năm 1947 của Nhật Bản đã quy định rõ tự do tín ngưỡng và tách biệt chính trị với tôn giáo. Song điều này cũng gây ra những khó khăn không chỉ cho Thần đạo, mà cả cho Phật giáo và các tôn giáo khác, do trước đó họ đều được sự bảo trợ của chính phủ. Những đặc quyền đặc lợi của một số tông phái đã bị xoá bỏ. Mặc dù vậy, các tổ chức Phật giáo dần dần hồi phục được vị trí vốn có của mình, từ 13 tông 56 phái phân phái thành 28 tông phái14. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là tinh thần canh tân Phật giáo thích hợp với xã hội công nghiệp nên được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Ví dụ, “Sáng giá học hội” có số lượng tín đồ tăng nhanh chóng, trong vòng 20 năm đã có 20 triệu tín đồ đi theo15.
Đối với Việt Nam, quá trình chấn hưng Phật giáo đã đưa tới nhiều tổ chức Hội để đoàn kết Phật giáo. Năm 1920, tại chùa Giác Hải – Chợ Lớn, Hội Lục hòa liên hiệp đã được thành lập với mục đích đoàn kết hòa hợp cùng tu học, hành trì pháp luật. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập năm 1931, Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải - Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Hai vị cố vấn là Thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và Thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Năm 1932, Hội An Nam Phật học (Trung kỳ) thành lập cùng Tạp chí Viên Âm ra đời. Hội này còn thành lập các trường Phật học Tây Thiên, Báo Quốc
-
Dẫn theo Nguyễn Ngọc Phương Trang (Viện nghiên cứu Đông Bắc Á), Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, Nguồn: http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=886
- Nguyễn Minh Nguyên, Trần Thị Thúy Ngọc (2015), sđd, tr. 66.
Huế. Năm 1934, Hội Phật học Bắc Kỳ thành lập và ra đời báo Đuốc Tuệ, trụ sở tại chùa Quán Sứ Hà Nội16. Bên cạnh đó, nhiều lớp học cao đẳng Phật học, Trung đẳng Phật học hoặc trường học Phật giáo cũng ra đời như các Thích học đường, Phật học Quán sứ, Bồ Đề, Cao Phong…
Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh Pháp – Việt leo thang và những chính sách của chính quyền Pháp, các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam gặp nhiều khó khăn, các trường học, hội, tạp chí Phật học đều không hoạt động được lâu dài, và nhanh chóng bị đàn áp hoặc đóng cửa.
Tuy nhiên, phong trào chấn hưng Phật giáo còn kéo dài, lúc thịnh lúc suy nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: việc học chữ quốc ngữ được đẩy mạnh do các tạp chí Phật học đều ấn hành bằng chữ quốc ngữ, văn học quốc ngữ vì thế cũng phát triển. Việc chú trọng chỉnh lý Tăng già và đào tạo Tăng tài dù không đạt được mục tiêu nhưng đã góp phần đầy lùi những quan niệm mê tín dị đoan vốn bám rễ sâu trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ dân chúng một thời gian dài. Nhiều tu sĩ trẻ tuổi, có học thức được đào tạo, trở thành các bậc cao tăng có đóng góp xứng đáng cho Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn sau. Hoạt động giáo dục Phật học dần đi vào quy củ, có chương trình đào tạo cụ thể, hình thành hệ thống từ thấp đến cao…
Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng giống Nhật Bản là nhiều hoạt động hoằng dương Phật pháp đã được làm mới, giáo lý của đạo Phật được đông đảo nhân dân tiếp nhận. Thay vì những buổi thuyết pháp, các buổi hành lễ long trọng, cả hai nước đều có điểm chung là hướng tới việc tiếp nhận Phật giáo của nhân dân thông qua các ấn phẩm nghiên cứu Phật giáo một cách dễ hiểu. Ở Nhật Bản, nhiều tu sĩ còn viết lại các kinh điển và chú giải bằng tiếng Nhật, ở Việt Nam là chữ quốc ngữ.
- MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ BÀI HỌC VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng luôn phải vận động
16. TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT.TS Thích Đồng Bổn (CB), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, NXB Hồng Đức, tr.318 - 319.
trong sự phát triển, luôn có những điều chỉnh, thay đổi để thích nghi với bối cảnh lịch sử luôn luôn vận động không ngừng.
Phật giáo Nhật Bản đã chứng minh sự cách tân, đổi mới là phù hợp và đúng đắn trước yêu cầu của thời đại. Xu hướng và con đường canh tân của Phật giáo Nhật Bản đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa Phật giáo trở lại vị thế xứng đáng, bước ngang hàng với các tôn giáo dân tộc, bản địa Nhật trong một bối cảnh đất nước phồn thịnh.
Trong khi đó tình trạng suy thoái toàn diện của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX- đầu XX đòi hỏi những đổi thay trong Phật giáo cũng như trong tư tưởng của các Tăng sĩ, phải xây dựng một tôn giáo mang màu sắc dân tộc. Chính điều này đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ, nơi xuất phát của phong trào đầu tiên trong cả nước. Thực tế lịch sử cũng chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo có ảnh hưởng quan trọng cả về chính trị và đời sống xã hội.
Nhìn từ hai cuộc canh tân và chấn hưng Phật giáo đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với sự nghiệp đổi mới nước ta như sau:
Một là, từ sau năm 1986, khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, tự do tôn giáo tín ngưỡng và coi trọng đời sống tinh thần là một thành tựu quan trọng. Ở Nhật Bản cũng vậy, tự do tôn giáo chính là một trong các động lực tinh thần cho mọi thay đổi ở đất nước này. Điều này đã được hiến pháp các hai nước Việt Nam và Nhật Bản công nhận.
Hai là, Phật giáo cần có được sự ủng hộ của chính quyền đương thời để xây dựng một nền Phật giáo thực sự, có tính dân tộc, đại chúng, phù hợp với giáo pháp nhưng lại thích ứng được với thời đại.
Ba là, Phật giáo cần giữ được sự tin cậy của quần chúng. Điều này đã được chứng minh ở cả Việt Nam và Nhật Bản, dù gặp rất nhiều khó khăn, thất thất, chèn ép, nhưng bằng sức mạnh tự thân và chính sự ủng hộ, tin tưởng của quần chúng thì Phật giáo mới có thể vận động để thay đổi và thích nghi. Cũng chính sự tin cậy của quần chúng mới khiến cho những triết lý, tư tưởng Phật giáo mới được truyền bá rộng rãi và dễ dàng được đón nhận.
Bốn là, Phật giáo cần bắt nhịp được với những biến chuyển và đời sống thời đại, không chỉ trong nước mà còn cả khu vực và thế giới. Phật giáo cần được phát triển trong sự giao lưu văn hóa nhiều chiều và không ngừng hòa nhập với thời cuộc. Đó chính là tinh thần hành động có sẵn trong đạo Phật. Trong đó, tiếp nhận và học hỏi từ các nền văn minh phương Tây và khu vực (Phật giáo Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) trong phương pháp nghiên cứu Phật học sẽ là một hướng tiếp cận cần thiết cho Phật giáo Việt Nam hiện đại để hội nhập và cùng phát triển.
Năm là, tăng tính xã hội hóa, thế tục hóa Phật giáo. Phật giáo cần tham gia nhiều hơn vào đời sống xã hội, đi vào đời sống nhân dân một cách gần gũi nhất. Trong công cuộc đổi mới, tầng lớp Tăng Ni có trí thức và được đào tạo cần được trọng dụng vào phụng sự đời sống xã hội.
Cuối cùng, bên cạnh thế tục hóa thì cần duy trì những tinh hoa của truyền thống Phật giáo lâu đời, Phật giáo cần phát huy vai trò đồng hành của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra ngày một cấp thiết.
- KẾT LUẬN
Phật giáo Nhật Bản sau cuộc canh tân đã biến chuyển trở thành một tôn giáo hiện đại, văn minh và khoa học hơn. Tuy nhiều giá trị truyền thống đã bị mất đi hoặc thay đổi nhưng Phật giáo Nhật Bản vẫn đủ sức tạo nên một nền tảng đạo đức chuẩn mực cho con người nơi đây. Phật giáo Việt Nam sau công cuộc chấn hưng cũng từng chứng kiến sự thăng trầm qua nhiều giai đoạn do hoàn cảnh chiến tranh và những biến động xã hội mang lại. Nhưng sức sống và ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật trong dòng chảy văn hóa dân tộc vẫn là xu thế tất yếu. Phật giáo sau thời kỳ chấn hưng đã dần dần tìm lại chỗ đứng trong đời sống tinh thần của nhân dân, luôn đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp hưng thịnh đạo pháp, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tài liệu tham khảo
Bùi Thanh Phương, Nhật Vương (2005), Về con đường hội nhập và phát triển của Phật giáo Nhật Bản, Tạp chí Triết học, số 3 (166), tháng 3.
George Lazopoulos (2013), Buddhism and Ideology in Japan 1868 – 1931, University of California, Berkeley.
Gudo Wafu Nishijima (1997), Japanese Buddhism and Meiji Resto- ration,Windbell Publications Ltd.
Kenji Matsuo (2007), A history of Japanese Buddhism, Global Ori- ental, UK.
Lại Như Bằng, Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, đăng trên: https://toasang-ugvf. org/2016/12/01/phong-trao-chan-hung-phat-giao-tai-viet- nam-va-tai-cac-nuoc-trung-quoc-nhat-ban-ky-2/
Nguyễn Minh Nguyên, Trần Thị Thúy Ngọc (2015), Một số biến đổi của Phật giáo Nhật Bản từ thời Minh Trị, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 (143).
Nguyễn Ngọc Phương Trang (Viện nghiên cứu Đông Bắc Á), Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, Nguồn: http://cjs.inas.gov.vn/index. php?newsid=886
Nguyễn Thị Thúy Anh, Một vài suy nghĩ về vai trò của Phật giáo trong nền văn hóa Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/mobile/phatgiao-qt/ dat-nuoc/11371-Mot-vai-suy-nghi-ve-vai-tro-cua-Phat-giao- trong-nen-van-hoa-Nhat-Ban.html
Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải (1968), Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Khoa học xã hội.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT.TS Thích Đồng Bổn (CB), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, NXB Hồng Đức.