307
THỐNG NHẤT CÁC TỔ CHỨC GIÁO HỘI, HỘI, HỆ PHÁI TRONG MỘT TỔ CHỨC CHUNG MỘT NGUỒN LỰC ĐỂ GHPGVN PHỤNG HÀNH GIÁO LÝ ĐỨC PHẬT, THAMGIAPHÁTTRIỂNBỀNVỮNGĐẤTNƯỚC
Nguyễn Hồng Dương*
TÓM TẮT
Hoằng truyền Phật pháp trong một dân tộc có truyền thống đoàn kết, hòa hợp các tộc người trong một lãnh thổ thống nhất, Phật giáo Việt Nam vì vậy từ rất sớm có ý thức cần thiết xây dựng Phật giáo thành một tổ chức chung. Công việc được bắt đầu từ thời Trần với việc thống nhất ba Thiền phái (Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) thành lập nên Phật giáo Trúc Lâm. Kể từ khi Phật giáo Việt Nam khởi xướng Phong trào Chấn hưng, Phật giáo Việt Nam đã trải qua 5 lần thống nhất, nhưng phải đến lần thống nhất thứ 5 với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tháng 11 năm 1981) sự thống nhất mới trọn vẹn. Sự thống nhất thành một tổ chức, tạo cho Phật giáo Việt Nam thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đó chính là tạo nguồn lực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam phụng hành Giáo lý Đức Phật, tham gia phát triển bền vững đất nước, thực hành lý tưởng “Giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của Giáo lý Đức Phật nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh”.
*. PGS.TS. Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Việt Nam.
- NHỮNG TIỀN ĐỀ
Phật giáo hiện diện ở Việt Nam đầu Công nguyên. Truyền thừa và phát triển ở Việt Nam, tổ chức Phật giáo (Tăng già/Tăng đoàn/ Sangha) Việt Nam một thời gian dài tồn tại dưới hình thức hệ phái, sơn môn.
Những Thiền phái nào có mặt ở Việt Nam buổi đầu cho đến thế kỷ thứ VI hiện vẫn chưa có nguồn tư liệu để trả lời. Chỉ đến cuối thế kỷ VI, Phật sử Việt Nam mới ghi nhận sự hiện diện ở Việt Nam Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi (Vi ni ta ru ci). Thiền phái mang tên người sáng lập. Thiền phái truyền thừa ở Việt Nam đến thế hệ thứ 19.
Thiền phái Vô Ngôn Thông, truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam năm 820. Thiền phái mang tên người sáng lập, 17 thế hệ của Thiền phái truyền thừa ở Việt Nam.
Thiền phái Thảo Đường có mặt ở Việt Nam năm 1069, năm này Vua Lý Thánh Tông đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, trong số tù binh bắt được có một thiền sư Trung Hoa tên là Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường được đưa về Thăng Long, trụ trì tại chùa Khai Quốc, ngay ở kinh thành Thăng Long, lập nên một thiền phái mới
- Thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường tồn tại ở Việt Nam 6 thế hệ, với 19 thiền sư kể cả thiền sư Thảo Đường.
Ba thiền phái trên cùng tồn tại, truyền thừa trên đất nước Việt Nam. Với Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi và Thiền phái Vô Ngôn Thông là quãng thời gian Bắc thuộc, trải đến Đinh, Tiền Lê, Lý và đầu thời Trần. Với Thiền phái Thảo Đường là từ thời Vua Lý Thánh Tông đến đầu thời Trần.
Thời Trần (1225 - 1400) là triều đại của Võ Công, Văn Trị với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông hiển hách. Phật giáo thời Trần đạt đến đỉnh cao của thời kỳ Đại Việt. Các vua Trần như Trần Thái Tông, đặc biệt là Trần Nhân Tông, đều là những Phật tử thuần thành, thông tuệ Phật pháp. Đó là những nhân tố quan trọng tạo nên bước đột phá của Phật giáo Việt Nam dưới thời Trần, một Phật giáo nhất tông qua việc thống nhất ba Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Phật giáo nhất tông thời Trần được gọi là Phật giáo Trúc Lâm. Tiến trình hình thành Phật giáo Trúc Lâm trước hết phải kể đến vai trò của Vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tiếp đến là vị tổ khai sơn phái Yên Tử, Thiền
sư Hiện Quang (mất năm 1220). Sau Hiện Quang là Đạo Viên hay còn gọi là Viên Chứng, ông được Vua Trần Thái Tông gọi là Trúc Lâm đại sa môn tôn xưng làm Quốc sư. Trúc Lâm Quốc sư có ảnh hưởng rất lớn đến sự tu học của Trần Thái Tông. Giữa ông và Trần Thái Tông có quan hệ thầy trò. Thế hệ thứ ba của truyền thống Yên Tử là Đại Đăng Quốc sư, anh em đồng sư với Trần Thái Tông. Học trò của Đại Đăng là thiền sư Tiêu Diêu, thuộc thế hệ thứ tư của truyền thống Yên Tử. Thuộc thế hệ thứ 5 là thiền sư Huệ Tuệ.
Vua Trần Nhân Tông thuộc thế hệ thứ 6 phái Yên Tử. Vua xuất gia năm 1299 lấy hiệu là Hương Vân Đầu đà (sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà). Vì vậy vua là tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm (Nguyễn Lang, 2012). Năm 1299 được lấy làm niên điểm ra đời Giáo hội Trúc Lâm (Thích Thiện Nhơn, 2015, 15). Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm tạo cho Phật giáo Việt Nam thời Trần có một tổ chức vững mạnh. Trúc Lâm luôn tâm niệm xây dựng một Giáo hội Phật giáo mới. Ở đó không chỉ là hoằng truyền giáo lý Phật Đà mà còn là phát triển tư tưởng Thiền học qua những tác phẩm do Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… trước tác. Chẳng hạn với Trần Nhân Tông là các tác phẩm: Thiền Lâm Thuyết Chủy Ngữ Lục; Trúc Lâm Hậu Lục; Thạch Thất Mỵ Ngữ; Đại Hương Hải Ấn Thi Tập; Tăng Già Toái Sự. Ngoài ra còn là một bài phú, một bài ca bằng chữ Nôm (Cư trần lạc đạo phú và Đắc phú lâm truyền thành đạo ca) và một số trước tác khác (Nguyễn Lang, 2012, 231). Thông nhất trong một tổ chức, tạo cho Phật giáo Trúc Lâm “một nền Phật giáo nhập thế, liên hệ mật thiết tới chính trị, văn hóa, xã hội” (Nguyễn Lang, 2012, 228). Chính vì vậy mà “Phật giáo Trúc lâm là nền Phật giáo độc lập; Uy tín, tinh thần của nó là uy tín, tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình. Đứng về phương diện tư tưởng, tổ chức, cũng như hành đạo, Giáo hội Trúc Lâm có những nét độc đáo, khiến cho nó chỉ có thể là một Giáo hội Việt Nam, phục vụ cho người Việt, duy trì và bồi đắp cá tính Việt” (Nguyễn Lang, 2012, 298).
Sự thống nhất các hệ phái thành một tổ chức giáo hội chung
- Phật giáo Trúc Lâm đặt nền tảng cho các lần thống nhất Phật
giáo bắt đầu từ thời cận đại để rồi đến lần thống nhất thứ 5 (tháng
11/1981) với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (vấn đề sẽ được trình bày tiếp ngay sau đây).
Cuối thời Trần, Phật giáo suy vi. Sự phát triển của Nho giáo; Một triều đại mới - Triều đại Hậu Lê căn bản dựa trên nền tảng Nho giáo, đã là những nguyên nhân chính để từ đây Phật giáo trở về với các hệ phái sơn môn, tổ đình duy trì đạo pháp, tông phong, tổ ấn.
Từ nửa đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam tiếp thu Phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở nhiều nước châu Á, Đặc biệt là tư tưởng của Hòa thượng Thái Hư (1890 - 1947) người Trung Quốc. Hòa thượng đưa ra quan điểm cải cách gồm ba điểm: (1) Cách mạng giáo lý; (2) Cách mạng giáo chế; (3) Cách mạng giáo sản. Trong ba nội dung trên, theo Thái Hư, Cách mạng giáo chế là căn bản nhất và quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào có được tăng già chân chính, xây dựng một tổ chức nghiêm trang lúc đó mới bảo đảm cho hai cách mạng còn lại.
Tiếp thu những tư tưởng chấn hưng, đặc biệt là ba quan điểm “cách mạng” của Hòa thượng Thái Hư, một trong công việc đầu tiên của Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam là “cách mạng giáo chế”. Sở dĩ như vậy là vì một số tăng sĩ và cư sĩ cho rằng “Tăng già Việt Nam chỉ còn cái xác sơn môn mà hồn sơn môn mất hẳn”. Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha nhận xét: “Sở dĩ có cảnh suy (của Phật giáo) như ngày nay, nói cho thật đúng thì suy riêng một giới Giáo Tự Tăng thôi… Tăng đồ, kém đường tu tiến, làm sai chính pháp của Phật cho nên quần chúng mất lòng tín ngưỡng” (Thiều Chửu, 2012, 29).
Cách mạng giáo chế mở đầu cho việc thống nhất các tổ chức, hệ phái… Phật giáo ở Việt Nam. Theo HT.TS. Thích Trí Quảng, kể từ Phong trào chấn hưng đến năm 1981, Phật giáo Việt Nam trải qua 5 lần thống nhất (HT. Thích Trí Quảng, 2016, 1-3).
Như vậy, đến thời kỳ này, một trong những nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho Phật giáo Việt Nam là củng cố tăng già, thành lập một tổ chức thống nhất để thực hiện cách mạng giáo sản đặc biệt là cách mạng giáo lý.
Mở đầu bằng việc ngày 06/9/1951 tại chùa Từ Đàm, thành phố Huế, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo ba miền Bắc, Trung, Nam thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây là lần thống nhất Phật
giáo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cận đại. Một năm sau, ngày 07/9/1952, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam ra đời. Đó là lần thống nhất thứ 2. Lần thống nhất thứ ba, thành lập Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tháng 3 - 1958 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ngày 31/12/1963, 13 tổ chức Phật giáo ở miền Nam được vận động, gia nhập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tạo nên lần thống nhất thức 4.
Bốn lần thống nhất với bốn tổ chức được hình thành. Thời gian tồn tại của 4 tổ chức dài, ngắn khác nhau, địa bàn khác nhau nhưng tựu chung tạo nên sự hợp lực, đoàn kết, hòa hợp tăng già trong một khối thống nhất. Đó còn là sự “cộng trụ” trí tuệ của một tập thể chư tôn túc trong việc phụng hành giáo lý Phật Đà. Mặt khác nhờ có một tổ chức chung, sức mạnh của Phật giáo Việt Nam được nâng lên gấp bội, tạo cho Phật giáo Việt Nam có điều kiện tốt hơn nhập thế, gắn bó đạo, đời. Đơn cử, việc thành Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam (tháng 3/1958) đã hợp nhất các giáo hội ở miền Bắc trong một tổ chức thống nhất với 300 chi hội và hơn 1 triệu thành viên. Cho đến thời điểm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam trải qua 4 kỳ Đại hội, từng bước hoàn thiện hệ thống, cơ cấu tổ chức, tạo nên mô hình: Ban Chứng minh Đạo sự, Ban Trị sự Trung ương, các tiểu ban làm tiền đề mô hình tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này.
Nhờ có tổ chức thống nhất, Hội có điều kiện thống nhất trên các lĩnh vực Hoằng pháp, nghi lễ, hoạt động từ thiện. Đặc biệt là Hội có điều kiện đào tạo tăng tài. Vào các năm 1969 và 1970, Hội tổ chức hai lớp tu học Phật pháp tại chùa Quảng Ba, Hà Nội. Số Tăng, Ni theo học gần 120. Phát huy kết quả hai khóa trên, Hội mở tiếp lớp thứ ba, thời gian học từ 1972 -1974, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Các Tăng, Ni được đào tạo sau này nhiều người trở thành thạch trụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong suốt thời kỳ tồn tại, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam luôn phấn đấu vì mục tiêu mà Hội đặt ra: “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, tích cực góp phần cùng toàn dân đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chế độ mới ở miền Bắc” (Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng, 2012, 298 - 331).
Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm, bốn lần thống nhất Phật giáo
kể từ phong trào chấn hưng đã là tiền đề cho Phật giáo Việt Nam thành lập một Giáo hội thống nhất - Giáo hội Phật giáo Việt Nam (11/1981). Một tổ chức giáo hội thống nhất là nguồn lực để Phật giáo Việt Nam phụng hành Giáo lý Đức Phật, là nhân tố quan trọng để Phật giáo Việt Nam tham gia phát triển bền vững đất nước.
- MỘT NGUỒN LỰC PHỤNG HÀNH GIÁO LÝ ĐỨC PHẬT
Từ ngày 4 - 7/11/1981 Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất - Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), Lời nói đầu có đoạn: “Nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã thực hiện từ lâu, nhưng chưa được trọn vẹn. Nay trong bối cảnh dân tộc được độc lập, Tổ quốc thống nhất, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phật giáo Việt Nam có đủ cơ duyên thống nhất thật sự để duy trì chính pháp, góp phần tích cực cùng toàn dân đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình an lạc cho dân tộc và nhân loại”. Điều 4 (Hiến chương 1981) khẳng định lại: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa, hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì và hoằng dương Phật pháp, phục vụ dân tộc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần Hòa bình an lạc cho thế giới”.
Để hoàn thành sứ mạng cao cả trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các kỳ Đại hội từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức, đề ra nhiệm vụ cụ thể, sát thực.
-
- Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức
Đến thời điểm tháng 11/2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 8 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước được hoàn thiện. Nhìn một cách toát yếu, hệ thống tổ chức gồm Trung ương Giáo hội và tổ chức Giáo hội địa phương. Tổ chức Trung ương có hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Tổ chức địa phương hình theo mô hình tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam. Qua các kỳ Đại hội, mô hình cấp Trung ương không thay đổi, riêng các ban, viện trực thuộc Hội đồng trị sự Trung ương có những thay đổi. Đại hội I: 06 ban; Đại hội II: 07 ban và Viện Nghiên cứu Phật học; Đại hội III: 09 ban và Viện: Đại hội IV đến Đại hộ VI: 10 ban, Viện; Đại hội VII: 13 ban, Viện và duy trì đến Đại hội VIII; Đại hội VIII, Ban Giáo dục
Tăng, Ni đổi thành Ban Giáo dục Phật giáo. Đó là các ban: Tăng sự; Giáo dục Phật giáo; Hoằng Pháp; Văn hóa; Nghi lễ; Hướng dẫn phật tử; Kinh Tế Tài chính; Từ Thiện xã hội; Phật giáo Quốc tế; Thông tin Truyền thông; Pháp chế; Kiểm Soát; Viện Nghiên cứu Phật học.
Cấp Địa phương, là cấp có nhiều biến động. Đại hội I: chỉ có một cấp là Tỉnh, Thành hội, được điều hành bởi Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội. Ở Tỉnh, Thành hội mà huyện, quận có Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, có thể bổ nhiệm một Ban Đại diện. Những xã nếu có tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường (từ đây gọi tắt là tự, viện), có Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, có thể bổ nhiệm Đại diện địa phương (Điều 26). Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tự Viện (Điều 27). Hệ thống trên về cơ bản vẫn giữ nguyên cho đến hết Đại hội VI. Đại hội VII, thông qua Hiến Chương ban hành ngày 30 - 1 - 2013, nâng Ban Đại diện Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (từ đây gọi tắt là Ban Đại diện Quận, huyện) thành một cấp trong hệ thống tổ chức hành chính (các Điều 37, 38, 39, 40, 41). Bản Hiến chương đổi tên gọi Tỉnh, Thành hội thành Giáo hội Phật hội Việt Nam tỉnh, thành phố. Tương tự, cấp Quận, huyện đổi tên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận, huyện. Đại hội VIII, thông qua Hiến chương (tu chỉnh lần thứ VI), theo đó mô hình tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên như mô hình Đại hội
VII. Tuy nhiên, kể từ Đại hội VIII cấp Tỉnh, thành phố và cấp Quận, huyện có thêm Ban chứng minh.
Trên đây là toát yếu tiến trình hoàn thiện hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiến trình hoàn thiện dựa trên đòi hỏi thực tại của Giáo hội, đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như trên trường Quốc tế.
-
- Điều hòa, hợp nhất các hệ phái
Sự kiện thống nhất 9 Giáo hội, tổ chức, hệ phái thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tháng 11/1981) dựa trên nguyên tắc được khẳng định tại Lời Nói đầu (Hiến chương 1981): “Sự thống nhất này xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng, duy trì”. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ Đại hội I đến nay và về sau.
Phật giáo và Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại là sự đồng hành của hệ phái, sơn môn cũng như các phương tiện tu hành. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện thời đang tồn tại các tông phái, hệ phái như: Bắc tông (Bắc truyền), Nam tông (Khmer và Kinh), khất sĩ, Phật giáo của người Hoa. Bước thời kỳ Việt Nam đổi mới, mở cửa, một số hệ phái Phật giáo nước ngoài đã và đang truyền bá vào Việt Nam, chẳng hạn như Kruppa.
Với tinh thần “Lục hòa cộng trụ”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay luôn duy trì, điều hòa, hòa hợp giữa các tông phái, hệ phái. Tinh thần lục hòa cộng trụ thể hiện trên nhiều lĩnh vực:
Về phương diện nhân sự: Từ hệ thống Trung ương đến cấp Tỉnh, thành, cấp Quận, huyện có cơ cấu hài hòa nhân sự. Các tông phái, hệ phái đều có đại diện tham gia điều hành và có tiếng nói ở từng cấp. Ngay từ Đại hội I, chương trình hành động đề ra ở Điều 1 có đoạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam “lấy tinh thần hòa hợp làm yếu tố quyết định thành công mọi Phật sự. Có tinh thần hòa hợp thì mọi Phật sự thành tựu. Không có tinh thần hòa hợp thì Phật sự không thành”.
Về phương diện tu tập: Ngoài việc duy trì các giới, luật chung một cách thống nhất cho toàn Giáo hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra nguyên tắc tôn trọng, duy trì các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp. Đó chính là nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng”.
Thống nhất trong đa dạng còn thể hiện ở các lĩnh vực nghi lễ, văn hóa Phật giáo. Tính biệt truyền của một số hệ phái được tôn trọng về lễ hội, về kiến trúc, về sử dụng tam tạng, về cách tụng niệm thời khóa công phu, khoa nghi, về y phục, về bài trí Phật điện… Vì vậy các tông phái, hệ phái về tổ chức đứng chung trong một ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng vẫn giữ được đặc thù của pháp phái, sơn môn. Thống nhất trong đa dạng còn để tránh sự kỳ thì thậm chí là xung đột có thể xảy ra giữa các pháp phái.
Đoàn kết hòa hợp trong xây dựng Giáo hội luôn là nội dung hành động và mục tiêu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nội dung và mục tiêu này luôn được đặt ở vị trí đầu tiêu. Với Đại hội I là: “Thực hiện tinh thần Hòa hợp đại chúng của Đức Phật điều hợp cấc hệ
phái Phật giáo Việt Nam tăng trưởng tình đồng bào, đoàn kết nội bộ Phật giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2012, 35). Đại hội VIII là: “Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng Đạo pháp, Dân tộc, chủ nghĩa xã hội” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2017, 61). Ở mục tiêu đầu tiêu của Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) với 5 nội dung nhỏ, đáng chú ý là nội dung
1.1. Theo đó hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ trước hết là: “Nêu cao kỷ cương, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước, trong quản lý Tăng, Ni, tự viện. Lấy nguyên tắc lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp trong điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội”.
-
- Một thế hệ Tăng, Ni mới
Gần hai nghìn năm tồn tại dưới dạng sơn môn, pháp phái việc truyền đăng tục diệm, duy trì mạng mạch Phật pháp đặc biệt là việc đào tạo Tăng, Ni của Phật giáo Việt Nam đều thuộc về sơn môn, pháp phái. Bước vào thời kỳ chấn hưng với sự ra đời của các tổ chức, một số tổ chức có điều kiện bước đầu mở trường, lớp đào tạo tăng tài. Một chương trình giáo dục đã được xây dựng. Phong trào chấn hưng phát động mỗi chùa một trường nhằm đào tạo cho Tăng, Ni những nội dung cơ bản Phật học. Tuy nhiên thành quả mà phong trào chấn hưng đem lại chưa được nhiều bởi sau đó đất nước tạm chia làm hai miền. Với việc thành lập Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Phật giáo miền Bắc đã đào tạo được những lớp Tăng, Ni đảm đương vai trò duy trì Phật pháp, phụng hành giáo lý Đức Phật trong điều kiện khó khăn thiếu thốn. Ở miền Nam, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh. Các phân khoa của Viện như Phật học, Văn học và khoa học nhân văn. Trong tổng số 3.213 sinh viên có số lượng đáng kể Tăng, Ni, cư sĩ và Phật tử. Chương trình đào tạo của Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam và của Viện Đại học Vạn Hạnh đã là nền tảng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa, xây dựng một chương trình đào tạo mới hợp lý.
Một sự kiện đáng lưu ý, khi được suy tôn làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đề nghị toàn
thể Đại hội chấp thuận đưa những đề đạt của Ngài lên Chính phủ, cho phép Giáo hội được thực hiện 3 vấn đề cơ bản, đó là công nhận người thừa kế ở chùa, tín đồ Phật giáo được tự do đến chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý và mở các trường phật học. Các đề đạt của Hòa thượng đều được Chính phủ chấp nhận và đáp ứng kịp thời sau đó ít lâu.
Theo thời gian hệ thống trường lớp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam dần được hoàn thiện theo các cấp học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học. Chương trình đào tạo theo từng cấp được hoàn chỉnh. Chương trình đào tạo có tính đến đặc thù của một số hệ phái chẳng hạn như Nam tông Khmer. Đến thời điểm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 4 Học viện Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học, 32 trường trung cấp Phật học. Các tỉnh có đông tín đồ đều mở lớp sơ cấp Phật học. Hiện có 2.000 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp và khoảng 3.000 Tăng, Ni sinh đang theo học chương trình sơ cấp Phật học. Được sự chấp thuận của Chính phủ, Trung ương Giáo hộ Phật giáo Việt Nam mở thí điểm đào tạo Thạc sĩ (MA) chuyên ngành Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Học viện chính thức khai giảng khóa I (2012 - 2014), khóa II (2107 - 2019). Kết quả đạt được là khả quan, đã có 19 Tăng, Ni sinh bảo vệ thành công luận văn (MA) và 45 Tăng, Ni sinh đang chuẩn bị bảo vệ. Hiện tại các Bộ, Ban ngành của Chính phủ đã chấp nhận chủ trương cho Giáo hội chính thức đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại 04 học viện Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2017, 22-26). Có được thành tựu như trên ngay từ Đại hội I, trong chương trình hành động, Hội đồng Trị sự Trung ương đã đề ra: “Thiết lập chương trình đào tạo và giáo dục Tăng, Ni, Phật tử, xây dựng thế hệ Tăng, Ni mới có trình độ Phật học và tri thức nhập thế cơ bản, đào tạo lớp Tăng, Ni trí thức đủ tài năng gánh vác sự nghiệp hoằng dương chính pháp, đảm đương các ngành hoạt động của Giáo hội, chấn chỉnh mô phạm tùng lâm” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2012, 38). Các kỳ Đại hội tiếp theo, chương trình hành động đều có nội dung đào tạo, giáo dục Tăng, Ni.
Đại hội VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, chương trình hành động đối với đào tạo, giáo dục Tăng, Ni được đề ra ở nội dung thứ 3: “Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo
Việt Nam”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, có 8 phần việc phải được tiến hành đồng bộ, bao gồm: Thống nhất chương trình giáo dục; Đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học; Hoàn thành bộ sách giáo khoa cho tất cả các trường; Sắp xếp lại các trường; Xây dựng cơ sở vật chất; Tổ chức các buổi khoa học về giáo dục Phật giáo.
Một tổ chức Giáo hội mạnh đủ sức đảm đương phụng hành Giáo lý Đức Phật không chỉ hoàn thiện về tổ chức, về cơ cấu, về năng lực điều hành mà còn phải có được một đội ngũ Tăng tài. Đội ngũ ấy được đào tạo đáp ứng yêu cầu mới của Giáo hội và thời đại. Tinh thần Xây dựng một thế hệ Tăng, Ni mới, đào tạo lớp Tăng, Ni trí thức mà Đại hội I đề ra luôn được các Đại hội sau kế thừa, đề ra những nhiệm vụ sát hợp. Tại Đại hội VIII HT. Giáo Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài viết “Những điều cốt lõi của giáo dục Phật giáo”, nhấn mạnh đến ba trụ cột của giáo dục Phật giáo, gồm: Giáo dục đạo đức; giáo dục thiền định và giáo dục Trí tuệ. Theo đó giáo dục đạo đức người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha. Giáo dục thiền định người học Phật ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân, làm chủ cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức, hành vi và ứng xử trong các hành vi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh; thức và ngủ. Giáo dục trí tuệ, người học Phật sở hữu được chìa khóa mở tung ngục tù khổ đau, chặt đứt xiềng xích bất hạnh, giúp con người cởi trói mình khỏi tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ và tiến xa hơn là giải phóng mình khỏi khổ đau của sinh tử và luân hồi. Để rồi hướng tới đích: Các Tăng, Ni tốt nghiệp cử nhân và Thạc sĩ Phật học phải đủ các khả năng bao quát gồm dịch thuật, sáng tác, giảng dạy, hoằng pháp, hướng dẫn khóa tu, nhập thế phụng sự đạo và đời bằng sự hiểu biết và hành động cụ thể.
-
- Đảm đương sứ mạng truyền thừa chính pháp của Đức Phật
Trên cơ sở một tổ chức thống nhất, một đội ngũ Tăng, Ni mới được đào luyện hài hòa giữa ba trụ cột, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các kỳ Đại hội đã và đang “đủ sức” đảm đương sứ mạng truyền thừa chính pháp của Đức Phật. Nhiệm vụ này được Đại hội I đề ra ở nội dung thứ 2: Làm nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực trong nền giáo lý Đức Phật, pháp
huy tính sáng tạo trong sự nghiệp hoằng pháp, khế hợp với tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học thời đại.
Truyền thừa chính pháp của Đức Phật ở Việt Nam vừa dựa trên tinh thần “khế lý, khế cơ” vừa dựa trên nguyên tắc “Tùy duyên, bất biến”. Bài Diễn văn khai mạc Đại hội của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong lễ khai mạc nhiệm kỳ II khẳng định: “Tinh thần “khế lý” dạy chúng ta phải nắm vững chân lý, quy luật muôn đời của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần “khế cơ” dạy chúng ta phải biết vận dụng chân lý cho thích hợp với tâm lý, căn cơ hoàn cảnh thời đại đang sống” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2012, 84). Nguyên tắc tùy duyên, bất biến thể hiện ở chỗ việc phụng hành giáo lý Đức Phật, Giáo hội Phật giáo tùy theo đối tượng, tùy theo văn hóa, truyền thống của mỗi tộc người mà có sự khế hợp. Tùy duyên nhưng không được xa rời chính pháp. Thông qua nhiệm vụ thứ 2 (đã trích toàn văn ở trên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Công cuộc hoằng dương chính pháp, cần phải phát huy chính kiến, chính lý để có thể khế hợp được thời cơ, đáp ứng được yêu cầu lịch sử, làm phong phú các tư tưởng giải thoát và hiện thực của đạo Phật. Trong mục đích hoằng pháp độ sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể tồn tại các tư tưởng và thái độ chính trị, đạo đức mơ hồ không phân biệt thiện, ác, phải trái, chính, tà… không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, cương quyết đẩy lùi những ảnh hưởng tà giáo, mê tín, dị đoan đã xâm nhập vào nền tín ngưỡng đạo Phật. Giáo hội cần động viên tài năng và trí tuệ trong Tăng, Ni, Phật tử, phát huy tính chất văn hóa tư tưởng của đạo Phật, chỉnh đốn nghi lễ, nếp sống thiền môn để xây dựng nền văn hóa hệ tư tưởng và tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam, góp phần bồi đắp nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam mang tính dân tộc, đại chúng, nhân bản, và hiện đại”.
Cùng với việc nêu ra nguyên tắc hoằng dương, truyền thừa chính pháp là việc Giáo hội nêu ra nhiệm vụ: “Nhiệm vụ truyền thừa chính pháp không phải chỉ là lặp lại những tư tưởng đã có, mà phải là công việc có kế thừa, có chọn học và sáng tạo trong các công tác phiên dịch đại tạng kinh điển, trước thuật, sáng tác, biên khảo, nghiên cứu, diễn giảng đều cần chú ý đến mục đích chấn hưng các tư tưởng trong sáng và tích cực (khế hợp) trong nền giáo lý Đức Phật”.
Có thể khẳng định rằng nguyên tắc và nhiệm vụ truyền thừa
chính pháp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra từ Đại hội I, các Đại hội tiếp theo một mặt kế thừa, mặt khác tùy theo điều kiện cụ thể đặt ra mà bổ sung làm phong phú cũng như theo đà phát triển. Đến nay (2018) một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hướng tới là dịch thuật và ấn hành tam tạng kinh điển Phật giáo. Các vị cao tăng, thạc đức luôn là lực lượng nòng cốt trong trước thuật, sáng tác, biên khảo các lĩnh vực khác nhau của Giáo hội Phật giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình thành được một đội ngũ giảng sư có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu ngày một cao trong giảng dạy ở các cơ sở giáo dục nhất là bậc giáo dục cử nhân và trên đại học.
Một số cao tăng đã và đang góp phần vào việc chấn hưng các tư tưởng của Phật giáo Việt Nam. Đáng kể là Hòa thượng Thích Thanh Từ, hơn một phần tư thế kỷ nay Hòa thượng cùng với một số chư tôn túc chủ trương chấn hưng Phật giáo Trúc Lâm, lập nên hàng loạt Thiền viện Trúc Lâm, khởi xướng hình thức tu thiền (Thiền - Giáo song hành), Tri vọng… Ban Văn hóa của Hội đồng Trị sự, với Đại hội VII là Hòa thượng Trung Hậu, với Đại hội VIII là Thượng tọa Thọ Lạc một mặt chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo, mặt khác là chủ trương chấn hưng, thống nhất văn hóa Phật giáo trong đa dạng trên các lĩnh vực kiến trúc, y phục, ngôn ngữ đã và đang thu được những kết quả bước đầu.
Công việc hoằng pháp của Giáo hội ngày một đa dạng với nhiều hình thức của thời đại truyền thông với công nghiệp 4.0. Đối tượng hoằng pháp mở rộng đến các tộc người thiểu số. Địa bàn được mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2017, 63 tỉnh thành trên cả nước đều thành lập Ban Trị sự. Ở những tỉnh mới thành Ban Trị sự, hệ thống tổ chức và cơ cấu nhân sự luôn được quan tâm, hoàn thiện để có điều kiện tốt nhất truyền thừa chính pháp. Theo thời gian các đạo tràng ngày một đông đảo. Hầu hết các chùa đều đã và đang hình thành đạo tràng. Có những chùa lớn ở thành thị, ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, có chùa hình thành cả chục đạo tràng. Riêng chùa Quán Sứ, Hà Nội có tới trên 60 đạo tràng. Đạo tràng phát triển, tín đồ qua đó tìm hiểu, học tập giáo lý. Các tự, viện tổ chức tu một ngày an lạc cho Phật tử để họ ngày một trở nên tín đồ “thuần thành” giữ gìn chính pháp.
- MỘT NHÂN TỐ QUAN TRỌNG THAM GIA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC
Phật giáo Việt Nam là Phật giáo nhập thế. Đó chính là dựa trên tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa” hay “Dù xây chín bậc phù đồ/không bằng làm phúc cứu cho một người”. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), Lời Mở Đầu khẳng định: “Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ngày nay do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Trong 8 kỳ Đại hội, bao giờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có một nhiệm vụ “phát huy truyền thống yêu nước trong Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, đặt sự tồn tại của đạo pháp trong sự tồn tại của dân tộc, rèn luyện tinh thần hộ quốc an dân, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đường hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là ĐẠO PHÁP - DÂN TỘC - CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. Để thực hiện nguyên tắc trên, về phương diện tổ chức, hệ thống tổ chức của Giáo hội “bám” theo hệ thống tổ chức hành chính quốc gia. Cách thức tổ chức này giúp cho Giáo hội tiện liên hệ với các cấp chính quyền cũng như có những đóng góp thiết thực cho từng cấp. Phật giáo luôn cử các đại biểu ưu tú tham gia vào các cơ quan quyền lực cũng như các tổ chức chính trị xã hội như Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, một số đoàn thể chính trị xã hội, kể cả Hội Cựu chiến binh. Các phong trào do Nhà nước, do Mặt trận Tổ chức và các đoàn thể phát động đều có sự hưởng ứng của các cấp tổ chức Giáo hội như phong trào xây dựng nông thôn mới; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Phong trào an toàn giao thông…
Một trong thế mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là công tác từ thiện xã hội. Đây là hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Khi đất nước xảy ra thiên tai, bão lụt, Giáo hội kịp thời ban hành thông bạch vận động tài chính, phẩm vật cứu trợ kịp thời. Hiện toàn giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường
và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Trong phạm vi cả nước có 1.000 lớp học tình thương, 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi khuyết tật; có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Ban Trị sự một số tỉnh, thành có cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, hoặc lập văn phòng tư vấn cho bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này. Tổng cộng công tác cứu trợ nhiệm kỳ VII là 6.838.199.841.000 đồng.
Những đóng góp trên có được trước hết bởi Giáo hội Phật giáo từ cấp Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện, cơ sở luôn quán triệt tinh thần “hộ quốc, an dân”. Tinh thần đó được sự chỉ đạo nhất quán và sát sao từ Hội đồng Trị sự Trung ương. Kế thừa thành tựu của các kỳ Đại hội, Đại hội VIII đề ra 9 nội dung hành động, trong đó có nội dung 8: “Đẩy mạnh truyền thống Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội. Nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
KẾT LUẬN
Thống nhất các giáo hội, tổ chức, hệ phái thành lập một tố chức chung - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là đòi hỏi nội tại của Phật giáo Việt Nam và cũng là nhu cầu của dân tộc Việt Nam.
Từ thời Đức Phật tại thế, ngay sau khi đắc đạo, trên đường vận chuyển bánh xe pháp, cuộc giáo hóa 5 người bạn đồng tu tại vườn Lộc uyển của Đức Phật đã đặt nền móng cho xây dựng Tăng già/ tăng đoàn/Sangha, một trong ba tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cho đến khi nhập diệt Đức Thế tôn luôn chăm lo xây dựng một tổ chức Tăng già vững mạnh với những giới luật, để tăng già được trang nghiêm, vững mạnh. Phật giáo phát triển ra bên ngoài Ấn Độ đến quốc gia nào cũng chăm lo xây dựng Tăng già và truyền bá chính pháp. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia mà Tăng già xây dựng khác nhau. Việc xây dựng, quy tụ các hệ phái, sơn môn trong một tổ chức Giáo hội thống nhất là đặc thù về tổ chức Tăng già/Tăng đoàn Việt Nam. Thống nhất về tổ chức tạo điều kiện cho giáo hội Việt Nam thống nhất về ý chí và hành động đã là một nguồn lực để Phật giáo Việt Nam phụng hành Giáo lý Đức Phật, hoằng dương chính pháp.
Tài liệu tham khảo
Thiều Chửu, 2012, Con đường học Phật ở thế kỷ XX, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng, 2012, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Văn học, Hà Nội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Trị sự, 2012, Giáo hộ Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012), Nxb Tôn giáo, HN.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, 2016, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm
hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự, 2013, Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2012 - 2017, Nxb Tôn giáo, HN.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2017, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự, 2018, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu chỉnh lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, HN.
Nguyễn Lang, 2012, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông. Thích Thiện Nhơn, 2015, Phật giáo tiểu vùng Mê kông, du nhập, phát
triển và hội nhập, trong Phật giáo Mê kông: Lịch sử và hội nhập
Nxb Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
HT. Thích Trí Quảng, 2016, Phát biểu khai mạc hội thảo trong: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức.