265
TẤM GƯƠNG HỌC PHẬT, TRỊ NƯỚC VÀ HÒA HỢP GIA ĐÌNH CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Nguyễn Ngọc Phượng* Phan Xuân Cường**
TÓM TẮT
Trong vườn Thiền Việt Nam, vua Trần Thái Tông là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của Phật giáo đời Trần vào thế kỷ XIII. Bài viết tập trung phân tích Trần Thái Tông đã tiếp thu và vận dụng nhuần nhuyễn trí tuệ và hạnh từ bi Phật giáo ra sao vào con đường tu học, hoằng pháp độ chúng và đặc biệt trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước và hòa hợp gia đình của ông.
- VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ, THÂN THẾ VÀ TRƯỚC TÁC
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, tên tuổi của Trần Thái Tông được biết đến như một vị hoàng đế anh minh đã có công khai mở đầu triều đại nhà Trần (1225-1400). Là nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử, Trần Thái Tông không chỉ là một ông vua văn võ song toàn, một nhà quân sự có tài thao lược, mà còn là một trong những nhà Phật học xuất sắc nhất của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIII.
Về tiểu sử, thân thế và cuộc đời của vua Trần Thái Tông đã được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần như sau:
*. TS., Khoa triết học, Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc.
**. NCS.TS., Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, Việt Nam.
“Vua họ Trần, húy là Cảnh, trước húy là Bồ; làm Chi hậu chính triều Lý, được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho. Ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218-1277) băng hà ở cung Vạn Thọ, chôn ở Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt giường giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp.
Đời trước của vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ là họ Lê, sinh vua vào năm Mậu Dần Kiến Gia thứ 8 triều Lý, tháng 6 ngày 16. Vua mũi cao, mặt rồng, giống như Hán Cao Tổ. Khi mới lên 8 tuổi làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý, nhân có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, nên vua được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng trông thấy thì yêu. Năm Ất Dậu [1225], mùa đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung”[1, tr.264].
Triều đại nhà Lý trong lịch sử, do vua Lý Cao Tông không có con trai nên lập trưởng nữ là công chúa Chiêu Thánh mới 7 tuổi lên làm vua, lấy hiệu là Chiêu Hoàng. Theo sự dàn xếp của người chú họ là Trần Thủ Độ, Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh và xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Như vậy, ngôi báu đã chuyển từ họ Lý sang họ Trần thông qua con đường hôn nhân hòa bình. Trần Cảnh lên ngôi khi mới 8 tuổi, nên mấy năm đầu thực chất mọi quyền hành đều do người chú là Trần Thủ Độ thao túng, chỉ khi đến tuổi trưởng thành vua mới tự mình định đoạt.
Trong quyển Thơ văn Lý-Trần, các nhà nghiên cứu đã có nhận định khách quan về Trần Thái Tông như sau: “Là một ông vua đầu tiên của nhà Trần, Trần Cảnh có công trong việc ổn định và đưa xã hội Việt Nam bước dần vào giai đoạn thịnh vượng sau thời kỳ lộn xộn cuối nhà Lý. Đặc biệt ông đã đặt vấn đề xây dựng chế độ thi cử, góp phần mở mang việc học ở Việt Nam và cũng là người lãnh đạo thắng lợi cuộc đọ sức lần thứ nhất với quân xâm lược Mông Cổ năm 1257. Trong cuộc đọ sức này, Trần Cảnh đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả những nơi nguy hiểm, đem lại niềm tin tưởng cho quân sĩ, và niềm tự hào cho dân tộc”[2, tr.19].
Về mặt trước tác, sinh thời Trần Thái Tông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ văn, song một số đã bị mất hoặc thất lạc, có thể kể ra những trước tác còn lưu giữ đến ngày nay như sau: Bài thơ Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong, Bài thơ Tiễn sứ Bắc Trương Hiển Khanh, Bài tựa Thiền tông chỉ nam, Bài tựa Kinh Kim Cương tam muội, Bài tựa Bình đẳng Lễ sám văn (Ba quyển sách này nội dung đã mất, chỉ còn bài tựa). Bên cạnh đó, Trần Thái Tông còn có hai tác phẩm được lưu giữ gần như trọn vẹn là cuốn Khóa hư lục và cuốn Lục thì sám hối khoa nghi. Đáng lưu ý là các trước tác còn được lưu lại đến ngày nay của Trần Thái Tông đã được người đời sau tập hợp lại và ghép chung vào sách đặt tên là “Thái Tông hoàng đế ngự chế Khóa hư lục”, gọi tắt là “Khóa hư lục”. Những tác phẩm này được viết bằng chữ Hán, lời văn sáng đẹp, ý tứ sâu sắc, tập hợp những bài giảng về Phật giáo của Trần Thái Tông đề cập đến những chủ đề quan trọng như quan điểm về tính không, sắc thân, vô thường, phát tâm Bồ đề, nhân quả nghiệp báo, luân hồi, và cả những khía cạnh pháp môn tu hành thực tiễn có tác dụng khai mở đối với người tu Phật như: Văn răn ngũ giới, Luận về giới định tuệ, Luận về thụ giới, Luận về niệm Phật, Luận về tọa thiền, Lễ sám khoa nghi v.v... Nhìn chung, những tác phẩm của Trần Thái Tông không chỉ có giá trị đặc biệt quan trọng, đóng góp vào nền Phật học nước nhà, mà còn hàm chứa nhiều giá trị sâu sắc khác cả về góc độ văn học, ngôn ngữ, tư tưởng, nghệ thuật...
- CON ĐƯỜNG TU HỌC, CHỨNG NGỘ VÀ HÀNH THIỀN
Trong bài Tựa Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông đã tự thuật lại việc từng để tâm học Phật từ tuổi niên thiếu như sau: “Vả thuở trẫm còn niên thiếu, hiểu biết mới võ vẽ, được nghe loáng thoáng lời dạy bảo của thiền sư đã dập tắt ngay mọi điều vương vấn; lòng thốt nhiên trong lặng, để tâm vào nội giáo, tham cứu đạo Thiền, dốc lòng tìm thầy, thành khẩn mộ đạo. Tuy nhiên, cái ý hồi tâm hướng đạo đã nảy mầm mà cái cơ cảm xúc còn chưa thấu. Vừa mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi trần; trẫm nằm rơm gối đất, huyết lệ nát lòng; ngoài nỗi ưu phiền, nghĩ đâu việc khác. Thế rồi mới vài năm sau, Thái Tổ hoàng đế lại bỏ ngôi trời. Niềm nhớ mẹ chưa nguôi, tình thương cha càng nặng. Ngổn ngang đau xót, khó nỗi khuây lòng”[2, tr.28].
Tuy nhiên nhìn nhận lại cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thái
Tông có thể thấy, cơ duyên học Phật, tu thiền của ông thật sự bắt nguồn từ sự kiện diễn ra vào đêm mồng ba tháng 4 năm Bính Thân 1237 khi ông buồn phiền chuyện gia đình do bị chú là Trần Thủ Độ ép phải từ bỏ Chiêu Thánh đang là hoàng hậu, giáng xuống làm công chúa, và buộc Trần Thái Tông phải lập vợ của anh ruột là Trần Liễu, tức Thuận Thiên công chúa đang có mang ba tháng lên làm hoàng hậu, định mạo nhận đứa con để làm chỗ dựa về sau. Bi kịch này xuất phát từ nguyên nhân do sau hơn mười năm nên vợ chồng với Trần Thái Tông mà Chiêu Thánh vẫn chưa có con. Trần Thủ Độ vì lo ngại cho nền trị vì của nhà Trần không có người nối dõi nên đã dùng đến biện pháp độc đoán này. Về phía Trần Thái Tông do bị dằn vặt vì mang tiếng “lấy tranh vợ của anh ruột”, khiến cho ông mang tâm lý u uất đau khổ, bèn đang đêm cải trang ra khỏi hoàng cung, bỏ trốn tìm đường lên núi Yên Tử mong cầu thành Phật để tự mình hóa giải những nỗi đau khổ trong đời sống. Ông không quản ngại đường đi hiểm trở, trèo đèo lội suối lên thẳng đỉnh núi vào yết kiến vị Quốc sư là Đại sa môn phái Trúc Lâm. Khi được Quốc sư hỏi nguyên nhân nào khiến cho Trần Thái Tông từ bỏ ngôi nhân chủ, muốn cầu điều gì mà tìm đến chốn núi rừng nghèo hèn. Trần Thái Tông rơi lệ bộc bạch: “Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương; lại nghĩ sự nghiệp các đế vương thuở trước, thay đổi bất thường, cho nên tìm đến núi này chỉ muốn được thành Phật, chứ không cầu gì khác”[2, tr.28]. Nghe vị vua trẻ thổ lộ tâm nguyện đi tu mong thành Phật, Quốc sư Trúc Lâm ân cần khai thị chỉ bảo cho Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”[2, tr.28].
Khi hay tin Trần Thái Tông trốn khỏi hoàng cung, Trần Thủ Độ đã kéo quần thần và các vị quốc lão tìm đến núi yêu cầu vị vua trẻ phải hồi cung, tiếp tục làm vua. Trần Thái Tông trong dạ băn khoăn không muốn về, bèn tỏ bày với Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư ân cần cầm tay vua nói: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”[2, tr.29].
Nghe theo lời khuyên của Quốc sư Trúc Lâm, Trần Thái Tông bèn cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Song song với việc gánh vác trọng trách đứng đầu lãnh đạo đất nước, Trần Thái Tông vẫn luôn ghi khắc lời nhắn nhủ của Quốc sư khuyên ông để tâm nghiên cứu nội điển. Việc nghiên cứu học Phật và chứng ngộ của Trần Thái Tông được ông thuật lại như sau: “Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo Thiền. Còn như kinh điển của đại giáo thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc Kinh Kim cương, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” vừa gấp sách lại ngân nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được làm bài ca này, đặt tên là Thiền tông chỉ nam”[2, tr. 29].
Thái độ chuyên cần học Phật, nghiên cứu chư giáo kinh điển của Trần Thái Tông còn thể hiện ở chỗ, ông không chỉ chú tâm đến con đường tự học, tự tu, tự chứng, mà cao cả hơn, ông còn phát tâm đem sự khổ học, hiểu biết sâu rộng về Phật pháp của mình biên soạn trước tác, giảng giải lại pháp môn và yếu chỉ tu tập của nhà Phật cho chúng sinh. Một đoạn tự thuật trong bài Tựa Kinh Kim cương tam muội chú giải, Trần Thái Tông đã thể hiện rõ tâm nguyện “hoằng pháp độ chúng” này của ông như sau: “Trẫm lượng đức chủ trì ngôi báu; rồi trước sau chăn dắt muôn dân. Từng lo vất vả; chẳng ngại sớm hôm. Tuy một ngày trăm việc; cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ; học càng tăng tiến. Một chữ đinh lo chưa biết đến; đêm canh hai còn gắng tìm xem. Đã duyệt phần điển Khổng Khâu; lại xét sách kinh đạo Thích. Kinh này vừa gặp, trăm cảm đã sinh; sâu kín mối manh, suy đi nghĩ lại. Nhấm nháp mùi nghĩa lý; thu thập vẻ văn hoa. Làm rỡ ràng lời nói thánh nhân; để giúp ích ít nhiều hậu học. Lạm đem chút kiến thức “vằn báo” hẹp hòi; hầu mở mang tâm trí “vượn đàn” giận ngốc. Do đó rộng tỏ cõi lòng; tự thân chú giải. Dò nghĩa thẳng ở Long cung; tìm lời hay nơi Thứu lĩnh. Khơi giọt nước ở tận nguồn chính giác; đắp bụi sa nơi cửa ngỏ chân như. Phát huy ý chỉ; rộng mở chân tông. Khiến cho vừa thoáng xem văn; đã hiểu rõ ràng nghĩa lý. Phá giậu phên bền vững của bọn tà; làm mẫu mực lễ nghi cho môn đệ. Vọng kiến mênh mang, dần biết ngôi cao hướng Bắc; đường mê quấn quýt, tạm hay đường thẳng về Nam. Xin làm chỗ dựa cho người sau; để thấy lòng ta không tiếc. Cho nên làm bài tựa này”[2, tr.34].
Trần Thái Tông chú trọng các pháp môn tu thiền, ông dành
nhiều công sức và tâm huyết viết ra các bài luận đề cập đến những phương pháp hướng dẫn tu Thiền, đồng thời chỉ ra ý nghĩa đích thực và giá trị của việc thực hành theo những phương thức tu hành này, nhằm mục đích khai thị cho người học, kết hợp giữa Phật pháp và thực tiễn tu hành. Những tác phẩm tiêu biểu của Trần Thái Tông về lĩnh vực này có thể kể ra như: Luận về giới định tuệ, Luận về gương tuệ giáo, Nói rộng về khuyên mọi người mở lòng Bồ đề, Luận về thụ giới, Luận về niệm Phật, Luận về tọa thiền v.v… Ngoài những pháp môn tu tập này ra, Trần Thái Tông còn chú trọng đến những phương pháp khác như chọn lọc và giảng giải 43 công án Thiền tông cô đọng lại thông qua những bài kệ khai thị để người hậu học đọc tụng và chiêm nghiệm ý nghĩa toát yếu của nó, giúp ích cho việc tu tập hành thiền.
Bên cạnh đó, là một vị hoàng đế đứng đầu trị vì một nước, đồng thời là một Phật tử kiêm nhà Phật học uyên bác, để thức tỉnh khuyên bảo người đời hành thiện tránh ác, Trần Thái Tông còn tự mình sáng tác nên một tác phẩm lấy tên là Lục thì sám hối khoa nghi. Đây là một tác phẩm hướng dẫn các trình tự, nghi thức và nội dung, ý nghĩa của pháp môn sám hối, lấy đó như phương tiện tu tập, xóa bỏ những vọng kiến, vô minh, tham chấp ái dục của người đời. Lục thì sám hối khoa nghi được Trần Thái Tông phỏng theo ý lấy ngày đêm chia thành sáu thì, tương ứng với sáu căn, mỗi thì sám hối tội lỗi do một căn tạo nên. Có thể thấy, bao quát toàn bộ khoa nghi này là nhu yếu tỉnh thức, Trần Thái Tông viết nên tác phẩm này hướng đến ý nghĩa “tự lợi, lợi tha” (lợi cho bản thân và lợi cho người khác), tức là một mặt làm phương tiện hỗ trợ mình tu thiền, giữ thân tâm trong sạch, dù đang ở ngôi cao tột đỉnh cũng không bị vật dục, danh lợi, quyền thế chi phối, đồng thời chỉ bảo cho chúng sinh theo đó tu trì để đạt được sự tinh tiến. Trong bài Tựa Lục thì sám hối khoa nghi, Trần Thái Tông đã tự thuật lại mục đích và ý nghĩa của việc trước tác nên khoa nghi này như sau: “Trẫm nhờ lòng trời yêu mến, ở ngôi chí tôn. Việc dân vất vả; việc nước bộn bề. Phồn hoa cám dỗ bên ngoài; thị dục xé vò trong dạ. Miệng chán cao lương; mình đầy vàng ngọc. Mắt tai tôi tớ sắc thanh; ăn ở yên trong đài tạ. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, kẻ theo học thì bướng gàn mù quáng, khinh rẻ thiện căn. Ngày thì bụi căn va chạm, lưới nghiệp vấn vương; tối thì màn ngủ lấp che, dây lười trói buộc. Ngày đêm bám víu, đó chẳng phải là cái lỗi gây ra tai họa và chuốc lấy hiềm khích hay sao? Trẫm lấy điều đó ghi
nhớ trong lòng. Thương cảm ngổn ngang; quên ăn mất ngủ. Nhàn lúc việc triều rảnh rỗi, xem hết các kinh luận và mọi nghi văn, biên soạn ra phép “tự làm lợi cho mình để làm lợi cho người” chỉ bảo chúng sinh. Sau đó lại nghĩ rằng: phàm những nghiệp chướng tích tụ đều do sáu căn tạo thành, cho nên Thích Ca Văn Phật khi chưa thành đạo trước tiên phải vào Tuyết Sơn tu hành khổ hạnh trong sáu năm, cũng là vì sáu căn đó. Vậy trẫm phỏng theo ý ấy, chia sáu căn làm sáu thì, mỗi thì sám hối một căn. Trẫm tự tay viết ra lời lễ sám, gọi là Lục thì lễ Phật sám hối khoa nghi. Văn thì lời rườm rà; nói thì ý xa xôi. Nhưng văn rườm rà thì lười sám hối; ý xa xôi thì lòng nảy nghi ngờ. Cho nên không dùng những lời phù phiếm nhét cho đầy quyển, mà khiến người đọc đều vui, người nghe dễ hiểu. May chi những kẻ có lòng tin ngày đêm nảy sinh lòng chí thành, dùng khoa nghi này làm phương tiện lễ sám. Thế là không phụ cái ý nguyện “tự làm lợi mình để làm lợi người” của trẫm”[2, tr.157-158].
Sau khi nhường ngôi cho con vào năm 1258, Trần Thái Tông ở lại triều làm cố vấn cho vị vua trẻ vài năm rồi lui về quê cũ, lập chùa cạnh nơi ngự cung để chuyên tâm tu hành và nghiên cứu Phật học. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại việc này: “Nhâm Tuất, năm thứ 8 (1262). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng [Trần Thái Tông] ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc to. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên mỗi người cho tước hai tư, đàn bà cho hai tấm lụa. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại làm cung riêng cho vua nối đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa thờ Phật ở phía Tây cung Trùng Quang, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đấy về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này”[1, tr. 288-289].
- LÃNH ĐẠO QUỐC GIA BẰNG TRÍ TUỆ VÀ HẠNH TỪ BI CỦA PHẬT GIÁO
Trần Thái Tông không chỉ là nhà Phật học nổi tiếng trong suốt chiều dài của Phật giáo dân tộc, mà điều làm người khác càng thêm kính phục, tôn vinh ông chính là ở chỗ ông là người đã “đem đạo vào đời”, đã vận dụng nhuần nhuyễn những triết lý sâu sắc thể hiện trí tuệ và hạnh từ bi cao cả của Phật giáo vào việc trị nước an dân, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay đó là việc lãnh đạo đất nước.
Về mặt thể chế chính trị, Trần Thái Tông đã có nhiều cống hiến trong việc thiết lập thể chế chính trị của triều Trần theo mô hình vua cha nhường ngôi cho con rồi lên làm Thái thượng hoàng, cố
vấn cho cho vua trẻ vài năm rồi lui về. Đây là thể chế hiếm có khác với mô hình vua băng hà con mới lên kế vị trong lịch sử các triều đại phong kiến của Trung Quốc. Có thể thấy, việc thiết lập thể chế chính trị này của Trần Thái Tông chịu ảnh hưởng rõ rệt từ tư tưởng “vô thường” và “tri túc” trong Phật giáo. Khi nghiên cứu về Trần Thái Tông, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát đã chỉ ra cho chúng ta thấy được mô hình cha nhường ngôi cho con chịu ảnh hưởng rõ nét từ câu chuyện cổ Phật giáo kể về vua Ma Điều trong tác phẩm Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội dịch như sau: “Đầu ta tóc bạc, mà tóc bạc là chứng tín của vô thường, không nên tán niệm về cuộc đời vô ích này. Nay lập con làm vua, cai trị bốn thiên hạ, thần dân giao mạng cho con, con phải thương họ, làm như ta làm thì có thể thoát khỏi đường ác. Khi tóc bạc thì hãy bỏ nước làm sa môn, lập thái tử, dạy lòng bốn đẳng, năm giới, mười lành làm đầu. Khi dạy con mình xong, vua liền bỏ nước, đến lều tranh dưới gốc cây này, cạo bỏ râu tóc, làm sa môn”[3, tr.126- 127]. Điểm khác biệt giữa mô hình nhường ngôi của vua Trần Thái Tông với mô hình nhường ngôi của vua Ma Điều là ở chỗ, sau khi nhường ngôi cho con, vua Ma Điều lập tức đi tu, không tham gia vào công việc triều chính nữa mà để cho vị vua trẻ tự cai quản; còn Trần Thái Tông thì vẫn tiếp tục nắm vai trò làm Thái thượng hoàng cố vấn chính trị, hỗ trợ cho vị vua trẻ vài năm quen với việc lãnh đạo quốc gia rồi mới chuyên tâm đi tu. Sự khác biệt này được nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát nhận định sâu sắc sau: “Phải chăng đây là một cải biên mô hình của Ma Điều cho phù hợp với thực tiễn chính trị nước ta? Rõ ràng, một cải biên như thế đã xảy ra. Điều này chứng tỏ việc vận dụng tư tưởng Phật giáo một cách khá linh động của giới Phật giáo Đại Việt. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ bản lĩnh sáng tạo của dân tộc trong việc sử dụng và kế thừa tinh hoa nhân loại”[3, tr.128]. Bên cạnh đó tinh thần “tri túc” của Phật giáo cũng được thể hiện rõ qua việc vua Trần Thái Tông thiết lập chế độ gia pháp nhà Trần thông qua việc dâng biểu trần tình về việc nhường ngôi cho con được Lê Tắc ghi chép trong sách An Nam chí lược như sau: “Năm Bảo Hựu thứ 6 (1258), vua An Nam họ Trần dâng biểu xin nhường ngôi cho con.
Tôi nghe nói:
Làm người phải tri túc, nên thoái lui không đợi tuổi già; Sanh con có khả năng, thì giao phó nối theo nghiệp trước. Đó là lẽ thường thiên đạo;
Lại thêm thuận cả nhân tình. Nay tôi truyền vị cho con thơ;
Kính cẩn tâu bày lên chúa thánh”[4, tr.62-63].
Bên cạnh đó, Trần Thái Tông đã thấm nhuần tư tưởng từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo trong việc trị nước, trong thời gian trị vì từng nhiều lần ban chiếu đại xá, miễn giảm tô thuế cho nhân dân như vào năm 1240, 1242…
Trong đường lối trị nước của vua Trần Thái Tông có thể thấy rõ, mọi chủ trương, chính sách, hành động của ông đều dựa trên nền tảng “lấy dân làm gốc”, tức đặt lợi ích, mong muốn của nhân dân, đất nước lên hàng đầu. Nhìn lại cuộc đời của ông có thể thấy, quan điểm này có mối liên hệ sâu sắc với lời căn dặn, gửi gắm của Quốc sư Trúc Lâm khi khuyên bảo vị vua trẻ mang ý định bỏ ngôi vua đi tu mong cầu thành Phật vào năm 1237: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”[2, tr.29]. Lời khai thị của vị Quốc sư cao niên đã chỉ ra cho vị vua trẻ hiểu được triết lý vô ngã, vị tha, bao dung của Phật giáo hướng đến trách nhiệm của bậc làm vua đối với bách tính, đồng thời hàm chứa trong đó cả tư tưởng nhập thế hành động của Phật giáo Việt. Nếu làm được một vị vua có tấm lòng từ bi quảng đại, tế thế an dân, tạo phúc cho muôn dân thì công đức đó không khác gì với vị Phật sống hay Bồ tát tại thế độ chúng sinh cả. Trong bài Nói rộng về một con đường tiến lên, chính Trần Thái Tông đã nói lên tâm nguyện của mình khi là một vị Phật tử chân tu kiêm người đứng đầu một nước như sau: “Đạp đổ cung điện ma vương; mở toang tâm can ngoại đạo. Biến đất lớn thành quốc gia vàng quý; kéo sông dài làm sữa ngọt cho người”[2, tr.74].
Về mặt kinh tế, cuối triều Lý do sự xung đột tranh giành quyền lực giữa các thế lực cát cứ, kinh tế sa sút, cùng với nạn thiên tai mất mùa đã khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ sở, dân nghèo phải bán mình làm nô, sống phiêu tán tha hương cầu thực. Sang đến đầu thời Trần, để khắc phục tình trạng trên và tạo đà cho kinh tế phát triển, Trần Thái Tông đã xuất phát từ lời dặn “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình” thông qua một số biện pháp hữu hiệu như xuống chiếu khuyến khích vương hầu, tôn thất khai khẩn các vùng đất hoang, bãi bồi ven biển, lập ấp lập làng, chiêu tập dân
nghèo phiêu tán về lập điền trang, phát triển sản xuất nông nghiệp, cho phép người dân được quyền mua ruộng công làm ruộng tư, kích thích sản xuất phát triển, đặc biệt chú trọng công tác đê điều ngăn chặn tác hại của lũ lụt và cho xây dựng những công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặt chức quan phụ trách trông coi việc hộ đê v.v... Những chính sách kinh tế này đã có tác dụng tích cực, hình thành nên những điền trang lớn, tạo nền tảng vững chắc cho phương thức sản xuất phong kiến vào thời nhà Trần đạt đến sự phát triển hưng thịnh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như năm 1248 “tháng 3, sai các lộ đắp đê giữ nước sông, gọi là đê đỉnh nhĩ, đắp suốt từ đầu nguồn cho đến bờ biển để giữ nước lụt tràn ngập. Đặt chức hà đê chánh phó sứ để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê đỉnh nhĩ bắt đầu từ đấy”[1, tr.278]; năm 1254 “tháng 6, bán ruộng công, mỗi một diện là 5 quan tiền (bấy giờ gọi mẫu là diện), cho nhân dân mua làm của tư”[1, tr.281]; hay như năm 1266 “mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang lập làm điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy”[1,tr.291] v.v...
Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục-khoa cử, bang giao và hòa hợp xã hội, Trần Thái Tông đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng tư tưởng hòa mục, viên dung của Phật giáo thể hiện ở chỗ ban hành nhiều chủ trương tiến bộ như ông đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình chùa tháp, tạc tượng Phật, đúc chuông làm nơi thờ Phật và hoằng pháp, độ chúng. Bên cạnh đó với tư tưởng hòa đồng Tam giáo Phật
- Nho - Đạo, ông còn cho lập Quốc học viện, khuyến học và định lệ mở các khoa thi Tiến sĩ nhằm tuyển chọn nhân tài bổ nhiệm vào bộ máy triều chính, lập Giảng võ đường để rèn luyện thể chất, xây dựng quan hệ bang giao hòa hợp với nhà Tống, nhà Nguyên ở Trung Quốc và Chiêm Thành, thắt chặt mối quan hệ với các tù trưởng người dân tộc cai trị ở những vùng biên giới v.v... Sách sử ghi lại những sự kiện tiêu biểu như năm 1231 “mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, làm lễ hưởng ở Tiên Miếu, ban yến cho các bô lão trong hương, và cho lụa theo thứ bậc khác nhau”[1, tr.269]; năm 1246 “mùa thu, tháng 7, định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm một khoa” [1, tr.277]; năm 1247 “mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông Tam giáo”[1, tr.278]; năm 1253 “tháng 6, lập Quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công, và Á Thánh, vẽ tượng 72 người hiền để thờ. Mùa thu, tháng
8, lập Giảng võ đường. Tháng 9, xuống chiếu cho các Nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng học tứ thư lục kinh”[1, tr. 281]; năm 1256 “tháng 3 nhuận, đúc 330 quả chuông”[1, tr.283]; năm 1258 “Sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống”[1, tr.286] v.v…
Trên lĩnh vực quân sự chống ngoại xâm và đối đãi với bề tôi, Trần Thái Tông còn là một vị vua anh hùng và rất mực từ bi, khoan dung. Tinh thần này là sự tiếp thu quan điểm nhập thế, “vô ngã”, “vị tha” của Phật giáo được ông vận dụng linh hoạt trong lãnh đạo đất nước. Điều này được thể hiện rõ trong sự kiện vào năm 1257 khi nước Đại Việt phải đối mặt với cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Mông Cổ. Trước sự sống còn tồn vong của một dân tộc, với tư cách là người đứng đầu cả nước, vua Trần Thái Tông đã không chút nao núng sợ hãi, mà dũng cảm tài trí đích thân thống lĩnh sáu quân đi chống giặc, lãnh đạo toàn quân, toàn dân đoàn kết tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại trước một đội quân xâm lược lớn mạnh và hung hãn bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Tấm gương anh dũng, xả thân vì xã tắc, nhân dân của ông đã hàm chứa trong đó triết lý nhập thế và vô ngã của Phật giáo dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc dù có phải vào ra sinh tử nơi chiến trường nguy hiểm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại với lời lẽ trân trọng sau: “Tháng 12, ngày 12, tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Đài xâm lấn đồng Bình Lệ. Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông hai bên, chỉ có Lê Phụ Trần (tức là Lê Tần) cưỡi ngựa một mình ra vào trận giặc, sắc mặt như thường. Lúc ấy có người khuyên vua đóng lại để trông coi chiến đấu. Phụ Trần cố sức can rằng: Như nay chỉ là bệ hạ dốc túi đánh nước cuối cùng thôi. Nên lánh đi, chớ nên nhẹ tin lời người ta. Bấy giờ vua mới lui quân đóng ở sông Lô, Phụ Trần đi giữ ở sau; quân giặc bắn tới tắp, Phụ Trần lấy ván thuyền để che được thoát nạn”, “ngày 24, vua và thái tử ngự thuyền lầu tiến quân đến bến Đông đón đánh, phá được quân giặc”[1, tr. 284-285].
Là một vị hoàng đế uy quyền tột đỉnh nắm quyền sinh sát trong tay, tuy nhiên Trần Thái Tông đã thấm nhuần tư tưởng từ bi, khoan dung cao đẹp của Phật giáo. Điều này không chỉ thể hiện trong những trước tác về Phật học của ông, mà còn trong cả việc đối xử nhân từ, độ lượng của ông đối với bề tôi phạm tội. Tiêu biểu như sự kiện năm 1257, sau kháng chiến chống quân Mông Cổ giành thắng lợi, ông đã tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà. Sử cũ chép lại
sự việc này như sau: “Trước là vua cho các quan hầu cận ăn quả xoài, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Đến Hoàng Giang, gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên. Cự Đà tránh sang bờ sông bên kia, thế thuyền đi rất gấp. Quan quân hô to lên hỏi: Quân Nguyên ở đâu? Cự trả lời: Không biết. Các ngươi nên hỏi những người ăn xoài đấy. Đến đây, thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta; tha cho tội chết, cho đánh giặc chuộc tội”[1, tr. 285]. Qua đó cho thấy, Trần Thái Tông đã thấm nhuần tư tưởng từ bi, hiếu sinh, khoan dung của Phật giáo mà tha tội cho Cự Đà, nhận lỗi về phía mình. Đây quả là cách cư xử hiếm thấy ở bậc vua chúa, đối với người khoan dung, đối với mình nghiêm cẩn.
- TINH THẦN HÒA MỤC, VIÊN DUNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG HÒA HỢP GIA ĐÌNH
Trần Thái Tông không chỉ tiếp thu, vận dụng tư tưởng Phật giáo trong vấn đề lãnh đạo đất nước, mà cả trong việc hòa hợp gia đình cũng đã trở thành một tấm gương sáng cho người đời sau học tập. Đó là thái độ từ bi, vị tha, hòa mục, bao dung của Trần Thái Tông trong mối quan hệ với người anh ruột Trần Liễu, với người vợ cũ Chiêu Thánh và cả với việc dạy bảo các con của ông.
Nhìn lại sự kiện xảy ra năm 1237 đối với Trần Thái Tông khi ông bị chú họ là Trần Thủ Độ ép phải từ bỏ Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên công chúa - đang là vợ của anh ruột tên Trần Liễu và đang có mang Quốc Khang ba tháng - lên làm hoàng hậu. Sự việc này khiến Trần Liễu tức giận, bèn họp quân làm loạn ở sông Cái, còn về phía Trần Thái Tông khiến ông áy náy đau khổ bèn bỏ kinh thành trốn lên núi Yên Tử tìm gặp quốc sư Trúc Lâm, mong muốn đi tu. Hôm sau, sự việc bị Trần Thủ Độ phát hiện bèn kéo quần thần lên núi tìm và buộc vua về kinh, lại được quốc sư khuyên bảo nên Trần Thái Tông bèn hồi kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Về phía Trần Liễu làm loạn, Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại như sau: “Được hai tuần, Liễu tự biết thế cô, khó lòng đối lập được, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Khi ấy vua đương ở thuyền lớn, nhìn nhau khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm
thét to rằng: Giết chết tên giặc Liễu. Vua giấu Liễu ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ rằng: Phụng Càn Vương (Phụng Càn là hiệu cũ của Liễu về thời nhà Lý) đến hàng đó thôi, và lấy mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em nhà ngươi thuận nghịch thế nào? Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về. Lấy đất các xã Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc và phong làm Yên Sinh Vương, ở đất ấy”[1, tr.273]. Qua đó cho thấy Trần Thái Tông là một vị vua coi trọng tình nghĩa anh em ruột thịt, dù bị rơi vào nghịch cảnh dễ dẫn đến tình trạng huynh đệ tương tàn chém giết lẫn nhau, song với cái tâm từ bi độ lượng và tinh thần hòa mục của nhà Phật, ông đã nhìn thấu vào gốc rễ, bản chất của vấn đề mà bỏ qua cho hành động bộc phát “họp quân làm loạn” bị coi là “giặc” của người anh ruột. Càng cao cả hơn khi Trần Thái Tông dám lấy thân mình ra che chở cho Trần Liễu khi bị Trần Thủ Độ kéo quân đến truy sát và đứng ra hòa giải mâu thuẫn, phong vương và ban cấp thái ấp cho Trần Liễu. Lịch sử các triều đại phong kiến của Việt Nam và Trung Quốc không thiếu những sự biến vì tranh giành quyền lực đã dẫn đến cảnh huynh đệ “nồi da xáo thịt”, hãm hại giết chóc lẫn nhau. Thậm chí để củng cố và bảo vệ địa vị của mình, không hiếm những kẻ đã nhẫn tâm hi sinh đi tình cảm ruột thịt để đạt được mục đích. Do vậy, cách cư xử của Trần Thái Tông không chỉ khiến người đời cảm phục khi dùng tình nghĩa chân thành để đối xử với nhau, mà còn chứa đựng cả tấm lòng từ bi, vị tha của Phật giáo. Ông đã dạy cho chúng ta thấy rằng, không phải sức mạnh của bá quyền hay hình luật pháp chế hà khắc hoặc lễ giáo phong kiến chiếm địa vị hàng đầu, mà để thu phục lòng người phải xuất phát từ cái tâm từ bi và trí tuệ của nhà Phật, cụ thể ở đây chính là triết lý “vô ngã”, tinh thần “phá chấp” vượt lên mọi quan niệm chấp trước thông thường.
Tư tưởng hòa mục, viên dung của Trần Thái Tông còn được thể hiện ở chỗ ông hết mực quan tâm đến việc tạo nên sự hòa hợp gia đình êm thấm. Tuy đảm nhận cương vị là người lãnh đạo một nước, bận trăm công nghìn việc, lại chăm chỉ học Phật tu thiền và thông qua trước tác để khai tâm chỉ bảo cho người mê, Trần Thái Tông còn là một người cha hiền từ rất quan tâm chú trọng việc dạy bảo đạo đức cho con cái như năm 1251 “Vua thân làm bài minh cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm”[1, tr.279]. Theo
Trần Thái Tông, đây chính là những đức tính quan trọng, cần phải học tập để nên người, sống có ích cho đất nước.
Trong quan hệ phụ tử, Trần Thái Tông còn lấy tư tưởng viên dung để yêu thương các con như nhau, không phân biệt đối xử giữa con riêng (Quốc Khang, tức con của Trần Liễu và Thuận Thiên) và con chung. Sử cũ ghi lại như sau, năm 1268, “Mùa đông, tháng 10, vua (tức thái tử Hoảng) cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang cùng đùa ở trước mặt thượng hoàng (tức Trần Thái Tông). Thượng hoàng bấy giờ mặc áo vải bông trắng, Tĩnh Quốc múa kiểu người Hồ. Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa kiểu người Hồ để xin áo ấy. Quốc Khang nói: “Quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần không dám tranh với chú hai, nay đức chí tôn cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai muốn cướp lấy chăng? Thượng hoàng cả cười nói: Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này không hơn kém gì nhau. Khen ngợi hồi lâu, rồi cho Tĩnh Quốc cái áo ấy. Trong chỗ cha con anh em hòa thuận vui vẻ như thế đấy”[1, tr. 293].
Một điểm nổi bật khác thể hiện nhân sinh quan Phật giáo mà ông tiếp thu, đó là quan niệm phá trừ “ngã chấp” triệt để, đạt đến thông suốt, “viên dung vô ngại” để tạo phúc cho người khác. Đó là hành động sau bao năm khi cuộc hôn nhân đầu với Chiêu Thánh bị chia cắt, đứt đoạn, đã để lại trong ông niềm day dứt khắc khoải khôn nguôi. Nỗi niềm bi kịch hôn nhân gia đình mà Trần Thái Tông phải sớm nếm trải đó mà ông xem như “nghiệp chướng” tạo nên. Có điều với cái tâm hướng thiện, mong muốn xóa bỏ những nỗi khổ đau nhân thế, mang lại hạnh phúc cho những người từng thân cận với mình, mà sau khi chiến thắng quân Mông Cổ năm 1258, Trần Thái Tông đã đứng ra tác hợp cho Chiêu Thánh và tướng tài công thần Lê Phụ Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, vua ngự chính điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ. Định công phong tước; cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu và đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: Trẫm không có khanh thì làm gì được có ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này”[1, tr. 285]. Chủ kiến và hành động của Trần Thái Tông tác hợp se duyên cho người vợ trước là Chiêu Thánh và vị tướng từng lập nhiều công trận, cùng vào ra sinh tử Lê Phụ Trần bảo vệ cho ông trên chiến trận là điều bị các các nhà sử học theo quan điểm Nho gia phê phán. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa
trên quan niệm đời thường và hệ thống luân lý đạo đức Nho gia sẽ không thể nào lý giải thấu suốt được nguyên cớ gì mà Trần Thái Tông lại có chủ ý như vậy. Chỉ có bậc đã chứng ngộ trí tuệ cao cả và từ bi của Phật pháp mới có thể hoan hỷ, buông xả, vượt lên cái “ngã chấp” đời thường để tạo phúc cho chúng sinh bằng cách xử sự như thế. Đó là lúc Trần Thái Tông đã thấu triệt bản tâm và lấy câu nói nổi tiếng trong Kinh Kim Cương:“Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” để quán xuyến hết mọi tư tưởng và hành động của mình. Đó là nét đẹp “đem đạo vào đời” mà không phải ai đi tu, học Phật đều có thể thực hiện viên mãn được.
KẾT LUẬN
Trong thời đại ngày nay, nghiên cứu về Trần Thái Tông với tư cách một bậc chân tu đắc đạo, một nhà Phật học nổi tiếng của dân tộc, kiêm vị hoàng đế có công khai mở đầu triều đại nhà Trần giúp chúng ta thêm hiểu sâu sắc về cuộc đời, con đường học Phật tu thiền, chứng ngộ và đặc biệt là sự vận dụng tài tình, nhuần nhuyễn những tư tưởng chủ đạo toát lên từ trí tuệ và hạnh từ bi của Phật giáo trong việc lãnh đạo đất nước nói chung, cũng như trong việc xây dựng gia đình hòa hợp. Dù từ góc độ tu học cá nhân giữ gìn sự trong sạch của thân tâm, hay việc vun đắp sự hòa hợp trong phạm vi gia đình, gia tộc, cho đến thậm chí gánh vác những trọng trách lớn lao như bảo vệ nền hòa bình, độc lập tự chủ cho đất nước, xây dựng quốc gia phát triển thịnh vượng v.v... đều đáng để chúng ta suy ngẫm và soi rọi bản thân, “gắn đạo với đời” tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của Phật giáo Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của Phật giáo khu vực và thế giới, vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển của nhân loại.
***
Tài liệu tham khảo
Lê Mạnh Thát: Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
Lê Tắc: An Nam chí lược, Quyển đệ lục, 1335. (Bản dịch của Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam năm 1961).
Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tôn giáo, 2004.
Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư (Cao Huy Giu dịch), Nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2013.
Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Trần Thái Tông, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1996.
Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Long An, 1996.
Nguyễn Duy Hinh: Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
Nguyễn Hùng Hậu chủ biên: Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
Thích Hạnh Thành: Biên niên sử Thiền tông Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
Viện văn học: Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.