3
TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO TRONG XÂY DỰNG NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG
Ngô Thị Phương Lan*
TÓM TẮT
Phật giáo với chủ thuyết đề cao lòng từ bi giúp con người nuôi dưỡng thiện tâm, duy trì lương tri cao đẹp trong đời sống thế tục. Đối với các chương trình giáo học đường bên cạnh việc đào tạo chuyên môn để sinh viên tìm cho mình việc làm đầu ra, việc giáo dục trí đức để họ sống tốt, sống thiện được xem là một trong những khâu công tác quan trọng của các trường đại học. Đạo Phật là tôn giáo gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam, vì vậy hướng tiếp cận của Phật giáo trong giáo dưỡng học đường có nhiều cách thức phù hợp với tâm lý của sinh viên và nguyện vọng của các bậc phụ huynh.
Bài viết này thể hiện quan điểm nghiên cứu của chúng tôi về hướng tiếp cận của Phật giáo trong hệ thống giáo dục đại học. Tất cả nhằm trả lời cho câu hỏi nghiên cứu là việc xây dựng nền tảng đạo đức học đường có cần đến vai trò của Phật giáo hay không.
DẪN NHẬP
Xây dựng nền tảng đạo đức học đường là một chiến lược quan trọng trong công tác đào tạo bậc đại học ở các trường đại học. Khi rời xa gia đình để chuyển đến một môi trường học tập mới, cuộc sống có vẻ tự do hơn đồng thời điều kiện sống tại các đô thị lớn đã giúp cho sinh viên mở rộng nhiều mối quan hệ hơn thời học trung học. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống mới với các mối quan hệ xã hội
*PGS. TS. Hiệu trưởng Trường ĐH. KHXHNV-ĐHQG TP.HCM, Việt Nam
luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực sẽ có tác động đến nhận thức của sinh viên theo nhiều chiều hướng khác nhau. Vì vậy, việc định hướng cho sinh viên sống lối sống, nhận thức và hành động tốt ở bậc đại học là vô cùng cần thiết. Ở những ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được đào tạo các môn học về Phật giáo cũng như hoạt động khoa học liên quan đến Phật giáo. Điều này góp phần nâng cao sự hiểu biết của sinh viên về Phật giáo, đồng thời cũng mở ra hướng tiếp cận thiết thực để sinh viên vun đắp lòng từ bi của mình. Gắn kết với các môn học của nhà trường là hoạt động khoa học mang tính vận dụng kiến thức với thực tiễn cuộc sống như tổ chức thực địa tại các ngôi chùa Việt, Hoa và Khmer, tổ chức các sự kiện khoa học về Phật giáo như nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế. Tham luận này, chúng tôi lấy sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn làm đối tượng nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu được vận dụng để hoàn thiện bài viết như phân tích tư liệu, khảo sát thực tế để làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu.
- GIỚI TRẺ - ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ, QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN
Đối tượng mà bài viết chúng tôi quan tâm chính là giới trẻ. Giới trẻ mà nhiều nghiên cứu đề cập đến thường nằm trong độ tuổi từ 14 đến 25 tuổi, vì đây là độ tuổi rất quan trọng, nếu ở các giai đoạn trước trẻ được phát triển tốt, thì giai đoạn này chính là giai đoạn then chốt để giới trẻ phát huy sức mạnh tinh thần của mình. Tuy nhiên trong Luật Thanh niên được ban hành bởi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qui định “Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”, trong độ tuổi này, quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã được pháp luật qui định và công nhận. Vì vậy, đối tượng giới trẻ chúng tôi nghiên cứu tiếp cận là giới trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi, đây là giai đoạn tính độc lập, trưởng thành đã hình thành và phát triển, có ý thức trách nhiệm về hành vi của mình, rèn luyện hoàn thiện nhân cách trở thành người có ích cho xã hội với ý thức đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao.
Đặc điểm tâm lý giới trẻ ở lứa tuổi này khá đặc biệt, tư duy trừu tượng và tư duy logic đã phát triển ở mức độ cao, có khả năng lĩnh
hội vấn đề một cách nhạy bén, linh hoạt1. Bên cạnh đó tâm lý lứa tuổi này thường ít thỏa mãn với những gì đã biết mà muốn đi sâu, tìm tòi, khám phá trên bình diện tư duy, do đó thường hướng đến cái mới và hành trình đi tìm cái mới cũng rất quyết liệt. Ở độ tuổi này đã có sự hình thành thế giới quan, hình thành những chuẨn mực, qui tắc ứng xử, hành vi xã hội trong hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội; lứa tuổi này óc hoài nghi khoa học cũng đặc biệt phát triển về chất, vì vậy khả năng phản biện, khả năng lật ngược vấn đề cũng xuất hiện một cách thường trực.
Khi tiếp cận, đánh giá giới trẻ, chúng ta thường dựa trên hệ qui chiếu giá trị của thế hệ trước được gọi là những “giá trị truyền thống” đối với thế hệ trẻ; từ nhãn quan chính trị của tầng lớp đóng vai trò chủ đạo, đưa ra những giá trị, những tiêu chí chuẨn mực … để đánh giá giới trẻ. Liệu cách tiếp cận này, quan điểm này có khách quan không? Những giá trị gọi là chuẨn mực mà chúng ta đưa ra theo quan niệm sống của thế hệ đi trước có còn phù hợp với lứa tuổi này không? Tất cả mọi vấn đề đều phải xem xét lại, bởi vì xã hội hiện nay là xã hội mở, xã hội của công nghệ, với nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn cá nhân, vì vậy những cái gì còn giá trị thì chúng ta duy trì, bổ sung thêm cho phù hợp với yêu cầu hoàn cảnh, cái gì không còn phù hợp chúng ta cũng cần mạnh dạn thay đổi.
Khi nghiên cứu về giới trẻ trong mối quan hệ cộng đồng, một số nhà nghiên cứu ở nước ta thường nhấn mạnh đến tính cộng đồng như một giá trị, một đặc trưng mang tính bản sắc của văn hóa Việt Nam mà không đặt trong quan hệ quy chiếu với tính cá nhân, chủ nghĩa cá nhân trong xã hội hiện đại. Do đó, vô hình trung góp phần kiềm chế sự phát triển của cá nhân, nhất là với những người thuộc thế hệ trẻ đang rất cần tiếp nhận những giá trị mới, hiện đại để phát triển năng lực của mình. Trong bối cảnh thế giới mở hiện nay, giới trẻ sẽ có những cách nhìn, những thái độ ứng xử như thế nào đối với các giá trị xã hội truyền thống mà đặc điểm chính là thúc ép và kiềm tỏa tự do cá nhân cũng như đối với các giá trị mới phù hợp với thời đại của họ? Đây là điều quan trọng nhất thiết phải đặt ra trong bối cảnh văn hóa – xã hội Việt Nam hiện nay, nhất là với các trí thức trẻ.
Giới trẻ Việt Nam hiện nay vừa tha thiết với các giá trị truyền
-
-
Nguyễn Thạc (chủ biên), Phạm Thành Nghị 2015: Tâm lý học sư phạm đại học, tr. 57
thống vừa thức thời trước sự phát triển của văn minh hiện đại, do đó cái cốt lõi là giáo dục và tổ chức xã hội cần có góc nhìn tương tác biện chứng để biến các giá trị truyền thống văn hóa thành mục tiêu và là động lực cho sự phát triển. Người trẻ đang cần sống trong không gian văn hóa có sự tương tác liên cá thể song ở mỗi có thể có một bản sắc riêng của sự đa dạng văn hóa – một nguồn lực sáng tạo và cảm xúc cho sự phát triển xã hội của một dân tộc.
- HIỆN TRẠNG VỀ LỐI SỐNG, VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay cơ cấu xã hội cũng đang trong quá trình biến đổi; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra phức tạp. Tình hình tội phạm, an ninh quốc gia, tội phạm ma tuý, tội phạm có tổ chức ngày càng tăng. Nạn tham nhũng, buôn lậu, bạo hành, tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến và phát triển. Trong lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức cho giới trẻ vẫn còn nhiều bất cập. Bạo lực học đường cũng xuất hiện và phát triển, v.v… Tình hình trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến những giá trị văn hoá, đặc biệt là đã và đang tác động, đến thanh niên – lực lượng trẻ, người chủ tương lai của đất nước về ý thức chính trị, tâm trạng, đạo đức, lối sống v.v…
Trong bối cảnh xã hội mở như vậy, đa số lực lượng thanh niên vẫn vững vàng, phát huy nội lực của mình. Là những người tiên phong trong mọi công cuộc cải cách, đổi mới về kinh tế, giáo dục. Bên cạnh đó, kế thừa những truyền thống văn hóa, giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, thanh niên Việt Nam có tinh thần hiếu học, cầu tiến, có lối sống lành mạnh, đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái cao, sẵn sàng tham gia những hoạt động công ích vì lợi ích của cộng đồng…
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập kinh tế cũng đã tác động mạnh mẽ đến một bộ phận thanh niên, sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức trách nhiệm, hình thành lối sống sùng bái vật chất, vị kỷ, thực dụng, thích dùng bạo lực…, có biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống. Tình trạng thanh niên vướng vào tội phạm, tệ nạn xã hội, quan hệ tình dục bừa bãi đang có chiều hướng gia tăng.
Sự tác động từ những vấn đề đương đại như làn sóng văn hóa đại chúng đã góp phần định hướng giới trẻ cổ súy cho sự dễ dãi trong
quan niệm tình yêu và hôn nhân – gia đình; trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông một mặt giải phóng vai trò cá nhân của giới trẻ so với truyền thống tập thể thuần túy, mặt khác dẫn dắt giới trẻ đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan và sự chai sạn dần cảm xúc; trò chơi điện tử thay thế các trò chơi dân gian, smart- phone thay thế những người bạn thiếu thời, ngôn ngữ tuổi teen với Sát thủ đầu mưng mủ, các loại thời trang “sành điệu” với áo hai dây, mốt đầu trọc, hình xăm trổ … phần nào đã gióng lên hồi chuông báo động về sự ích kỷ, đánh mất hình ảnh, lòng tự trọng, thái độ vô cảm, thờ ơ, thiếu ý thức trách nhiệm…
Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xung đột giá trị là điều có tính tất yếu trong tiến trình lịch sử văn hóa, đặc biệt đối với giới trẻ, tính năng động, sáng tạo, rất nhạy bén với cái mới nên nhiều giá trị truyền thống dễ trở nên lạc hậu và trở thành sức cản đối với sự phát triển của giới trẻ. Nếu không có những nhận thức văn hóa căn bản, giới trẻ rất dễ cực đoan trong việc phê phán hoặc phá vỡ các chuẨn mực của xã hội truyền thống, dẫn đến xu hướng hoài nghi, mất định hướng, hiện tượng lệch chuẨn…
Trước tình hình những giá trị đạo đức, lối sống của sinh viên đang có chiều hướng xuống dốc, suy giảm, chúng ta cần có sự quan tâm đặc biệt, sự nhìn nhận nghiêm túc trong việc xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh cho sinh viên, định hướng cho việc hình thành phát triển nhân cách con người mới, đáp ứng điều kiện mới.
- TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO QUA CÁC MÔN HỌC Ở ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn mới của sự nghiệp phát triển giáo dục, trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn là một yêu cầu cấp thiết góp phần đổi mới căn bản giáo dục đào tạo. Trong mục tiêu Nghị quyết Hội nghị TW 8 (Khóa XI) đã nêu rõ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng mục tiêu về giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất khả năng tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân. “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là
trong thế hệ trẻ”2.
Quán triệt tinh thần nghị quyết của Đảng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường đại học nghiên cứu trong hệ thống Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lớn ở khu vực phía Nam đã xác định rõ trong triết lý giáo dục của nhà trường, giá trị đầu tiên hướng đến đó là giáo dục con người toàn diện.
“Nhà trường xác định việc đào tạo là để giới thiệu cho đất nước những sản phẩm giáo dục chất lượng cao và toàn diện, không thiên lệch về một tiêu chí nào, phải đào tạo được những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có đầy đủ các yếu tố Đức – Trí – Thể - Mỹ. Bốn yếu tố này được xác định trong mối quan hệ nội tại, biện chứng hết sức sâu sắc. Nếu chỉ thiên lệch một yếu tố sẽ dẫn đến sự lệch lạc nguy hiểm trong giáo dục và tất nhiên sẽ là sự thất bại trong đào tạo những tri thức về khoa học xã hội và nhân văn. Đạo đức là gốc, tri thức, sức khoẻ là phương tiện và “cái đẹp - sự tiếp nhận cái đẹp” sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt.”3.
Trong tất cả các hoạt động giáo dục chính khoá, giáo dục ngoại khoá, các chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục của Nhà trường hướng đến giáo dục con người toàn diện đều quán triệt sâu sắc cả 4 yếu tố Đức – Trí – Thể - Mỹ.
Giá trị cốt lõi trong truyền thống sư phạm của người Việt Nam là việc giáo dục con người luôn được đánh giá theo hai tiêu chuẨn cơ bản là trí và đức. Như vậy, để một sinh viên khi rời ghế nhà trường đạt được nhân cách của một người toàn vẹn cả trí và đức, thì công tác giáo dục đạo đức học đường luôn phải đặt lên hàng đầu. Đối với xã hội ngày nay, quan điểm về trí và đức được hiểu là một người có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Để đạt được điều này, chương trình giáo dục về đạo đức học đường cần xây dựng hết sức khoa học và linh hoạt nhằm thích ứng cao với điều kiện xã hội. Đặc biệt, trong hoàn cảnh xã hội mà con người đang chạy theo những giá trị thực thực dụng nhất của nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng nền tảng giá trị đạo đức trong chương trình đào tạo sinh viên là một công việc hết sức vấn đề khó khăn. Các chương trình đạo đức học đường phải luôn được cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu nhận
-
-
Đảng cộng sản Việt Nam 2011: tr. 126, 128
- Triết lý giáo dục của Trường ĐHKHXH&NV
thức cuộc sống của giới trẻ. Thực tế với diễn biến xã hội luôn thay đổi như hiện nay, chương trình thúc đẨy và nâng cao giá trị đạo đức học đường phải mang tính ứng dụng và thiết thực với cuộc sống.
Với đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Phật giáo được giảng dạy phổ biến trong rất nhiều chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Việc thiết kế các chương trình học như vậy, cho thấy Phật giáo là một tôn giáo đóng vai trò quan trọng nền tảng văn hóa xã hội và đạo đức học đường của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Sinh viên được học và tìm hiểu về Phật giáo cũng như triết lý, nhân sinh quan của Phật qua các môn học: triết học Phật giáo, văn hóa Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo, cơ sở văn hóa Việt Nam, văn hóa các tộc người (Việt, Hoa, Khmer), các vùng văn hóa ở Việt Nam, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Đông Bắc Á … Nguyên nhân Phật giáo chiếm một dung lượng và thời lượng lớn trong thiết kế các môn học không xuất phát từ quan điểm dành ưu tiên cho Phật giáo mà là vì xét dưới góc độ khoa học, Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn đến văn hóa, văn minh của nhiều quốc gia, tộc người ở Á châu, trong đó có Việt Nam. Các môn học về Phật giáo hoặc liên quan đến Phật giáo đã và đang mang đến cho sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn những hiểu biết nhất định về văn hóa, lịch sử và giá trị đạo đức của nhân loại. Minh triết của Phật giáo về lòng từ bi, tình thương yêu và sự chân thật trong quan hệ đối nhân xử thế là những nét văn hóa gần gũi với tâm lý của người Việt Nam. Vì vậy, Phật giáo luôn tìm được con đường hài hòa với xã hội Việt Nam cũng như thích ứng với hoàn cảnh sống của mỗi con người trong mọi thời đại. Con đường tiếp cập với Phật giáo qua các môn học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn có thể gọi là con đường đến với tri thức. Ở đây tồn tại hai xu hướng phát triển liên quan mật thiết với nhau, có thể gọi là mối quan hệ hai chiều giữa Phật giáo và trường đại học. Trong phạm vi đào tạo đại học, sinh viên sẽ tiếp cận với Phật giáo qua các môn học mang đến cho họ sự hiểu biết về Phật giáo dưới góc độ khoa học; và ngược lại Phật giáo cũng tiếp cận được với sinh viên qua các môn học, nền tảng đạo đức của Phật giáo sẽ dẫn dắt sinh viên tìm đến minh triết của Phật giáo hoặc chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của Phật giáo trong suy nghĩ và hành động của mình. Mặc dù các môn học ở bậc đại học chỉ nhằm mang đến
sự hiểu biết cơ bản về Phật giáo cho sinh viên nhưng tính ứng dụng của mỗi môn học luôn được nhà trường yêu cầu giảng viên phải thực hiện làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, ngoài những giờ giảng lý thuyết trên lớp, nhiều giảng viên đã tổ chức chuyến tham quan thực tế các ngôi tự viện, đặc biệt là những danh lam cổ tự để sinh viên tiếp cận một cách thực tiễn với Phật giáo. Từ đó, sinh viên có thể nhận thức nhiều hơn về vai trò của Phật giáo trong quá trình hình thành và phát của đất nước trên nhiều phương diện khác. Ở một số môn học, giảng viên còn linh động trong sáng tạo ra những hình thức nghiên cứu và kiểm tra thái độ làm việc của nhưng sinh viên như yêu cầu họ phải đến một ngôi tự viện khảo sát giá trị nghệ thuật, lịch sử, tổ chức và hoạt động của ngôi tự viện đó, rồi hoàn thành một báo cáo nghiên cứu. Kết quả báo cáo phải có sự xác nhận của người phụ trách tự viện. Xét dưới góc độ khoa học và ích lợi của người học, các môn không đặt mục đích là biến sinh viên thành những tín đồ Phật giáo thuần thành nhưng nó mang đến một sự hiểu biết, một phương thức tiếp cận với Phật giáo bằng nhãn quan khoa học và kết quả của mỗi môn học đã có phần nào ảnh hưởng đến lối sống cũng như nhân cách của sinh viên sau khi rời ghế nhà trường. Tầm ảnh hưởng từ các môn học cũng như các chuyến thực địa theo yêu cầu là tác nhân gắn kết nhiều sinh viên với Phật giáo. Nhiều sinh viên đã trở nên lạc quan trong cuộc sống khi vận dụng minh triết của Phật giáo giải thích cho các vấn đề xã hội đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Họ có một lối tư duy giải thích các hiện tượng xã hội một cách linh hoạt hơn là cái nhìn tiêu cực của những người theo xu hướng tranh đấu. Một số sinh viên gắn kết với Phật giáo bằng hành động tham gia vào các hoạt động từ thiện, phát triển các chương trình an sinh xã hội cho những người dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống theo lời kêu gọi của các tổ chức thiện nguyện Phật giáo.
3. TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO QUA CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC Ở ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN.
Bên cạnh các môn học về Phật giáo giúp cho sinh viên đạt được những tri thức nhất định về mặt khoa học, các chương trình về nguồn hay tham quan học tập kiến thức tại chỗ của các tổ chức đoàn hội, chi hội và câu lạc bộ sinh viên vẫn được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động này luôn được nhà trường khuyến khích,
hoạch định và hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó ngôi chùa luôn nằm danh sách những địa điểm tham quan của chương trình về nguồn. Hoạt động gắn kết giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm qua đã được tiến hành, hiện nay đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhà trường và Giáo hội thông qua Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế về Phật giáo Việt Nam, Phật giáo khu vực Đông Nam Á và thế giới Phật giáo nói chung. Cũng từ đó, nhà trường và Giáo hội đã cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án nghiên cứu phối hợp giữa hai đơn vị khảo cứu về Phật giáo Việt Nam trong xu thế hội nhập, Phật giáo và vấn đề văn hóa tộc người, Phật giáo trong mối quan hệ xuyên văn hóa, Phật giáo và đạo đức học đường. Trong số các hoạt động khoa học mang tính liên kết, nhà trường còn mời các vị lãnh đạo Phật giáo, các học giả Phật giáo hiện đang tu sĩ giàng sư đến trường thuyết trình các đề tài nghiên cứu của họ về Phật giáo, phần nhiều các buổi thuyết trình đều có liên quan đến nội dung tiếp cận của Phật giáo trong duy trì nền đạo đức học đường cho sinh viên Việt Nam hiện nay.
Các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thuyết trình và tổ chức các sự kiện liên quan Phật giáo của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã mang lại một hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo trí – đức cho sinh viên đang theo học các chuyên ngành của nhà trường. Bên cạnh đó, Phật giáo cũng đã phối hợp với nhà trường tổ chức nhiều đợt trao tặng học bổng trong các năm học cho sinh viên nghèo hiếu học. Những việc làm của Phật giáo là hành động thiết thực giúp đỡ cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn trong điều kiện kinh tế gia đình nhưng có ý chí, nghị lực vươn lên bằng con đường học tập. Phật giáo không những giúp đỡ họ về mặt tài chính mà còn tạo nên sức ảnh hưởng tinh thần to lớn trong nhận thức của sinh viên, giúp cho họ hướng đến nền tảng đạo đức cũng như tâm hồn lương thiện của con người khi suy nghĩ và hành động. Công tác phối hợp đạt được những thành quả đáng kế trong thời gian qua đã chứng minh rằng nhà trường và Giáo hội đã cùng chung ý tưởng, cùng chung một mục tiêu hành động trong sự nghiệp trồng người. Chung tay xây dựng nền tảng đạo đức cho giới trẻ, tức là các thế hệ sinh viên đang theo học tại trường, đây cũng là phương hướng
mở ra cho giới trẻ cách tiếp cận với nền tảng đạo đức của Phật giáo trong phạm vi văn hóa học đường.
Trong thế kỷ 21, mục tiêu hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng hướng đến những giá trị minh triết của Phật giáo Việt Nam đến với thanh thiếu niên đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng niềm tin trong cuộc sống đầy bận rộn. Điều này đã chứng minh cho thấy trong những năm qua đã xuất hiện nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều bài viết và lời kêu gọi của các vị lãnh đạo Phật giáo, tu sĩ Phật giáo về vấn đề giáo dục đạo đức học đường trong thời đại mới. Trong số các cuộc hội thảo đó, phần nhiều hội thảo do Giáo hội phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn tổ chức. Điểm qua một vài tham luận của các tu sĩ Phật giáo, cụ thể như bài viết của tỳ kheo Thích Quang Thạch mang tên “Phương thức Giáo dục Tuổi trẻ Phật Giáo trong thời hội nhập” đã cho rằng giáo dục đạo đức Phật giáo không phải là hướng tiếp cận lạc hậu, mà sẽ mở ra một chân trời mới, để trợ giúp cho thanh – thiếu - niên luôn có một trái tim đầy nhiệt huyết, thấm đượm được giá trị tài - đức - trí của một người hoàn thiện (Thích Quang Thạch 2011). Xét dưới góc độ giáo dục học đường, nhà nghiên cứu giáo dục, Peter Senge nhấn mạnh rằng sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức (Senge 2000). Tiếp cận nền tảng đạo đức Phật giáo giúp sinh viên xây dựng cuộc sống, phấn đấu vì bản thân, gia đình và một xã hội văn minh, phát triển tư duy nhận thức tích cực của họ trong cuốc sống, phát triển tôn chỉ cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất. Nhà nghiên cứu Phật học Trần Trung Đạo đã từng cho rằng: “Mình phải chuyển đổi các em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi”, v.v... thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”. Dạy các em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha. Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.”4
Sinh viên thuộc thế hệ tuổi trẻ mang trong mình lối suy nghĩ và hành động đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, lứa tuổi này cần một triết lý sống và một hành động thiết thực làm chỗ dựa nâng đỡ tinh thần trong môi trường xã hội thường xuyên biến đổi. Vì vậy, Phật giáo có đầy đủ những giá trị đạo đức và hành động thiết thực trong quá
-
Trần Trung Đạo 2005, tr. 11
trình ổn định xã hội nên minh triết Phật giáo rất cần thiết cho giáo dục học đường. Phương hướng tiếp cận và thực hành đạo đức Phật giáo đã được tỳ khoe Thích Quang Thạch gọi là ba hạt giống. Đó là: (1) Xây dựng - phải đặt một nền tảng giáo dục Phật giáo vững chắc và thực hành những giá trị cốt lõi; (2) Chuyển hoá - thay đổi nhận thức của mình để hướng thiện và (3) Thực hành - đặt ý tưởng vào hành động thực tiễn là những phương pháp cụ thể để triển khai những giá trị giáo dục trong Phật giáo5.
KẾT LUẬN
Việt Nam đang có được sức mạnh phát triển toàn diện về mọi mặt trong đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị của một quốc gia. Đứng trước sức phát triển đó, giáo dục đại học cần phải xây dựng một chiến lược đào tạo hiệu quả, thích ứng với đà phát triển của quốc gia và quốc tế. Trong xu thế cải tổ, hiện đại hóa các chuyên ngành đào tạo của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng nền tảng đạo đức để phát huy giá trị tinh thần cho các thế hệ sinh cũng luôn được lãnh đạo nhà trường quan tâm sâu sát. Nền tảng đạo đức và minh triết của Phật giáo trong hơn 2.000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam luôn phát triển theo chiều hướng gần gủi, thích ứng với đặc điểm văn hóa, tâm lỳ và tình cảm của người Việt Nam. Cho nên, xây dựng hướng tiếp cận và duy trì nền tảng đạo đức Phật giáo trong học đường là một chiến lược cần thiết trong xu hướng đào tạo trí – đức song hành cho các thế hệ sinh viên. Kết quả của chiến lược đào tạo này sẽ đào tạo ra những con người tài đức, vừa có được khả năng chuyên môn cao trong công việc vừa có đạo đức nghề nghiệp và lối ứng xử nhân bản trong cuộc sống.
-
Thích Quang Thạch 2011
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Huyền (2012), Đạo đức, lối sống sinh viên đang tụt dốc: http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102531/dao-duc--loi- song-sinh-vien-dang-tut-doc.html
Đỗ Văn Biên (2013), Thực trạng đời sống văn hóa và lối sống của thanh niên, học sinh – sinh viên ở Tp. HCM: http://www.vnuhcm. edu.vn/?ArticleId=9df5b580-639a-427e-9745-7d598132bcf8
Lai Thế Luyện (2015), Sổ tay kỹ năng mềm của sinh viên, Tp. HCM: Nxb Thời đại.
Nguyễn Thạc (chủ biên), Phạm Thành Nghị (2015), Tâm lý học sư phạm đại học, Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm.
Nguyễn Thế Đăng (2013), Đạo đức trong thế giới ngày nay, http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/dao-duc-trong-gioi-ngay- nay-nguyen-dang
Peter M. Senge (2000), “Give Me A Lever Long Enough…. And Single-handed I Can Move the World.” (Page 13-25.) The Jossey- Bass Reader on Educational Leadership, Jossey-Bass, San Francisco.
Thích Quang Thạnh (2012). “Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo trong Thời Hội Nhập”, http://www.daophatngaynay. com/vn/giao-duc/9444-Phuong-thuc-giao-duc-tuoi-tre-Phat- giao-trong-thoi-ky-hoi-nhap.html
Trần Trung Đạo 2005, Tâm Bút Trần Trung Đạo, NXB. Cổ Loa.