297
VAI TRÒ CỦA NGŨ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Ngô Văn Hà*

![]()
TÓM TẮT
Ngũ giới là năm điều mà Phật dạy Phật tử không được làm với mong muốn cho họ được vui khỏe, sống lâu, hưởng quả báo tốt đẹp. Ngũ giới bao gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và dùng chất kích thích. Giữ gìn ngũ giới không chỉ áp dụng riêng cho Phật tử, mà còn hữu ích cho tất cả mọi người, nội dung của nó thể hiện tư tưởng dân chủ, công bằng, bình đẳng, từ bi, bác ái, mang nhiều giá trị của cuộc sống giúp con người phát triển mọi mặt: trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, khả năng thẩm mỹ để hướng thiện, ứng xử đúng đắn trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với giới tự nhiên, con người với thế giới tâm linh.
Nếu phạm ngũ giới thì Phật tử sẽ phải chịu quả báo xấu và xã hội xuất hiện nhiều tệ nạn, gây bất ổn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, nền an ninh, hòa bình thế giới. Vì vậy, việc tìm hiểu Ngũ giới trong tư tưởng của Đạo Phật, truyền bá cho chúng sinh hiểu hết giá trị của nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại.
- NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGŨ GIỚI
Đạo Phật ra đời vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và đã trở thành một trong những tôn giáo vĩ đại nhất thế giới. Giáo lý cơ bản của đạo Phật là Tứ diệu đế bao gồm: Khổ đế,

![]()
*. PGS. TS., Phó trưởng khoa, kiêm trưởng bộ môn Đại học Đà Nẵng.
Nhân đế - Tập đế, Diệt đế, Đạo đế, thuyết Luân hồi - Nhân quả với nội dung chủ yếu là nêu ra chân lý về nỗi khổ và sự giải thoát nỗi khổ, “cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt” ( Dẫn theo Vũ Dương Ninh và cộng sự, 1998, tr 91).
Năm giới là những tiêu chuẩn về đạo đức của Phật tử tại gia và xuất gia, nên phạm vi thọ giới rất rộng và ảnh hưởng lớn đến xã hội. Sau khi Quy y là phát nguyện thọ giới để sống đời sống trong sạch. Thọ giới có nhiều lớp, trong đó Ngũ giới làm lớp đầu tiên mang tính nền tảng, nội dung của nó gần với đời thường trần tục, va chạm trong cuộc sống hàng ngày nên rất dễ vi phạm, vì vậy có thể nói: Pháp ngũ giới là cha của ba đời chư Phật, y ngũ giới mà sinh ra thập phương tam thế tất cả chư Phật.
Ngũ giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và dùng chất kích thích. Nội dung của từng giới được khái quát như sau:
-
- Không sát sinh
Không sát sinh là không giết người và sát hại các loại súc vật từ lớn đến nhỏ. Người Phật tử không làm tổn thương đau đớn đến con người và các loài; không ra lệnh, bày mưu tính kế cho người khác hành hạ, giết hại chúng sinh, đồng thời khi chứng kiến con người và súc vật bị đánh đập, sát hại thì phải thương xót và khuyên can.
Nguyên nhân của sát sinh là tham, sân, si mà trực tiếp là sân, hận (thù hận, căm ghét) với si mê, ngu đốt đi kèm. Tu tưởng tốt đẹp của đạo Phật là không giết người, hãm hại hay trả thù cả những kẻ chống phá tôn giáo mình. Vì vậy “Đạo Phật là một con đường bất bạo động, không dựa vào những quan điểm sai lạc, tà kiến”(Chan Khoon San, 2013, tr 298).
Sự giữ giới không sát sinh là bảo vệ công bằng, bình đẳng của mọi mạng sống và nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh được nhân quả báo ứng. Việc quả báo về giới sát sinh nặng hay nhẹ, nhiều hay ít phụ thuộc vào hoàn cảnh, mục đích của việc sát sinh; tổ chức, hành vi và phương tiện sát sinh. Giết người tội sẽ nặng hơn giết động vật. Tội nặng nhất là giết hại cha mẹ hoặc A-la-hán, giết những người có phẩm chất cao đẹp về tâm sinh, bậc thánh nhân chân tu, những làm việc từ thiện. Sự sát sinh mà cộng thêm bản chất tàn bạo hay tra tấn,
nhục hình làm đau đớn hay để thỏa mãn những khoái lạc bạo hành, bạo dâm thì quả báo là rất lớn.
Người giữ giới không sát sinh luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa, nhân từ. Kiếp sau sẽ được phúc báo khỏe mạnh, trường thọ, giàu sang.
-
- Không trộm cướp
Không trộm cướp là không lấy tài sản người khác và của công làm của riêng. Tài sản bao gồm tài sản vật chất và tinh thần, từ lớn đến nhỏ. Người Phật tử không được bày mưu kế cho người khác trộm cướp, khi thấy người khác có hành vi trộm cướp thì phải khuyên bảo can gián.
Tài sản có được là kết quả lao động về mồ hôi, nước mắt của mỗi cá nhân, tài sản chung quốc gia là sự đóng góp của mỗi cá nhân. Ai cũng chân quí tài sản của mình làm ra để nuôi dưỡng bản thân, gia đình, dành dụm phòng khi đau yếu, tuổi già, khi bị mất của sẽ xót xa, tuyệt vọng, vì vậy, những hành vi tư lợi, trộm cắp đều là bất chính, gian tham, có trường hợp dẫn đến tội ác “cướp của, giết người”. Vì vậy, phạm giới trộm cướp sẽ bị pháp luật trừng trị và quả báo kiếp sau. Không trộm cướp là thể hiện lòng từ bi, sống yên ổn, được tin cậy, đời sau được phúc báo giàu sang; xã hội được bình yên và phát triển.
Mức độ nặng, nhẹ của hành động trộm cướp được qui định bởi tính chất đạo đức của nạn nhân và giá trị của thứ bị lấy cắp: trộm cướp tài sản của những người đức hạnh hay những người làm từ thiện thì tội càng nặng; tài sản có giá trị nhiều thì sẽ nặng hơn tài sản giá trị ít. Nguyên nhân của trộm cướp là lòng tham.
-
- Không tà dâm
Đối với người xuất gia thì tránh hẳn việc quan hệ tình dục. Đối với quan hệ vợ chồng cũng phải giữ lẽ, điều độ để thân thể được khỏe mạnh, tâm được trong sạch, nhẹ nhàng.
Không tà dâm là không dụ dỗ, ép buộc người khác để thỏa mãn tình dục với mình. Người Phật tử không được bày mưu cho người khác làm việc tà dâm và phải khuyên can, lên án khi thấy người khác làm điều này.
Mức độ nghiêm trọng, nặng hay nhẹ của tội tà dâm tùy thuộc
vào mức độ nhục dục, động cơ gây ra hành động tà dâm và tính chất của người bị xâm hại tình dục. Khi nhục dục trở nên lớn mạnh không kiểm soát được thì xảy ra chuyện loạn luân. Theo đạo Phật, tội cưỡng ép một phụ nữ A-la-hán là tội tà dâm nặng nhất. Nguyên nhân của tà dâm là ham muốn về nhục dục kèm với si mê, mù quáng.
Không tà dâm để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người, tránh được oán thù do lừa dối tình hay phụ tình gây ra. Nếu mọi người đều giữ giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, xã hội giữ được luân thường đạo lý, không có sự thù hằn chết chóc vì tà dâm, nạn mua bán dâm và bệnh tật lây qua đường tình dục sẽ không còn tồn tại.
-
- Không nói dối
Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có, đặt điều, thêu dệt, thêm bớt lời nói, trước mặt nói một đằng sau lưng nói một nẻo làm cho người nghe hiểu lầm, gây thù oán, nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Người Phật tử không được xui bảo người khác nói dối, khi thấy lời nói dối phải khuyên can và phê phán.
Nói dối là rất dễ bị phạm phải vì câu nói cửa miệng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mức độ nghiêm trọng, nặng hay nhẹ của tội nói dối là tùy thuộc vào mức độ quyền lợi bị thiệt hại, mức độ, động cơ của nói dối và tinh thần của người nghe, người bị lừa gạt. Những trường hợp nói dối, nói sai sự thật nặng nhất trong đạo Phật là phỉ báng, bôi nhọ Phật, Bồ tát và những bậc A-la-hán. Tỳ kheo, sư thầy nói sai sự thật sẽ bị trục khỏi tăng đoàn. Nguyên nhân của nói dối là tham, sân, si.
-
- Không uống rượu và dùng chất kích thích
Uống rượu say có thể dẫn tới phạm giới sát sinh, cướp của, nói dối, hiếp dâm. Phật tử cũng không được ép người khác uống rượu say và khi thấy người khác nghiện rượu, nên tùy lúc mà khuyên can. Giới cấm uống rượu còn bao gồm cả việc dùng các thứ ma túy, cần sa, vì đó là những thứ làm cho tinh thần con người mê dại, hoảng loạn, nhiều trường hợp gây ra tội ác man rợ tày trời.
Người không uống rượu còn tránh được sự hao tốn tiền bạc, thân ít bệnh tật, trí tuệ minh mẫn, tuổi thọ cao, con cái khỏe mạnh
và gia đình yên vui. So với các tôn giáo khác, giới luật của đạo Phật có nội dung cấm không được uống rượu, vì Phật giáo trọng trí huệ, uống rượu khiến cho người ta say sưa hôn mê dễ đi vào mê muội, bạc nhược không sáng tạo.
Việc giữ gìn ngũ giới là ở mỗi người, vì chính mình chứ không phải vì Phật và Phật cũng không áp đặt, ép buộc. Người giữ giới sẽ được bình an, vui khỏe, kiếp sau được lên cõi Thiên, nếu trở lại cõi người thì ở nơi tốt lành, có địa vị giàu sang, ít bệnh, sống lâu, không hoạn nạn, gia đình đầm ấm, yên vui, v.v…
Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật còn lưu ý người Phật tử tại gia giữ ngũ giới không được làm các nghề như:
- Không làm nghề nuôi, buôn bán súc vật. Nếu có nuôi súc vật, sau khi thụ Ngũ giới thì được bán nhưng không được bán cho nhà đồ tể giết thịt.
- Không làm nghề chế tạo, buôn bán các thứ dùng vào việc giết người, khủng bố, chiến tranh.
- Không làm nghề sản xuất, buôn bán các loại rượu và các loại ma túy.
- Không làm nghề sản xuất hoặc buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa có nguồn gốc không lương thiện và tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.
- GIÁ TRỊ CỦA NGŨ GIỚI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phát triển bền vững là sự phát triển của hiện tại không ảnh hưởng đến tương lai, dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Các yếu tố đó tác động qua lại tương hỗ nhau, sự phát triển của yếu tố này không làm tổn hại đến yếu tố kia. Xã hội phát triển bền vững là không tồn tại chiến tranh, xung đột, các tệ nạn xã hội và sự phân hóa giàu nghèo quá mức. Động lực cơ bản của sự phát triển bền vững là nguồn lực con người. Người Phật tử không hành trì ngũ giới thì sẽ gây ra những hậu quả xấu cho bản thân và xã hội. Theo lời Phật, hậu quả của việc sát sinh là: Thân thể bị khuyết tật, dị dạng, xấu xí, yếu ớt, chết yểu hoặc bị sát hại. Hậu quả của việc trộm cắp là: Nghèo khó, đói khát, tài sản bị hỏa hoạn, mất cắp, tịch thu, không thực hiện được các ước nguyện, cơ đồ bị đổ bể, chịu nhiều đau khổ về tâm và thân. Hậu quả của việc tà dâm là: Bị khinh rẻ, có nhiều
kẻ thù, hạnh phúc gia đình tan vỡ, sinh ra là người có giới tính lệch lạc, bị ghét bỏ, phải xa cách người mình thương yêu, không được giầu có thịnh vượng. Hậu quả của việc nói dối là: Bị nói ngọng, răng không đều, hôi miệng, dáng vóc yếu ớt, chức năng mắt và tai kém, không có ảnh hưởng đối với người khác, khó định tâm. Hậu quả của việc dùng đồ kích thích là: Kém thông minh, thiếu khả năng tập trung, là người vô ơn, bị điên loạn, có xu hướng làm điều bất thiện. Con người là hạt nhân của xã hội, gia đình là nền tảng xã hội, xã hội muốn phát triển phải được xây dựng từ con người và gia đình. Phạm vào Ngũ giới là triệt tiêu động lực của việc phát triển bền vững.
Nội dung của ngũ giới là thể hiện tư tưởng dân chủ, công bằng, bình đẳng, từ bi, bác ái. Tính mạng của mình không muốn bị người khác sát hại, thì cũng không được sát hại sự sống khác, nên có giới không sát sinh; tài sản của mình không muốn bị mất, nên có giới không trộm cướp v.v... Kinh Phật gọi ngũ giới là ngũ đại thí, giữ gìn ngũ giới còn có ý nghĩa là hành thiện. Không sát sinh mà còn phải hộ sinh, phóng sinh, cứu sự sống; không trộm cướp mà còn phải bố thí, san sẻ cho những người khó khăn, bất hạnh. Người Phật tử phải lấy việc đại thí, hành thiện là niềm vui và hạnh phúc.
Ý nghĩa của ngũ giới còn tạo nên những giá trị của cuộc sống. Nhân loại không sát sinh thì sẽ không có chiến tranh, các loài động vật quí hiếm không bị tuyệt chủng bởi nạn săn bắt. Không tà dâm giữ gìn được hạnh phúc gia đình mình và gia đình người, giữ được tôn nghiêm luân thường, đạo lý của xã hội; loạn luân, bại lý sẽ bị tiêu tan. Không nói dối sẽ xây dựng được một xã hội tôn trọng sự thực, giá trị đúng sẽ được bảo vệ, con người dễ thông cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, mọi người đồng thuận đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp chung tay xây dựng xã hội. Không nói dối nhân loại sẽ xây dựng được niềm tin chiến lược để giải quyết các vấn đề toàn cầu biến “đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”. Không uống rượu và sử dụng chất kích thích thì xã hội sẽ giảm thiểu được vô vàn tội phạm, trật tự xã hội được ổn định.
Như vậy, giữ gìn ngũ giới sẽ giúp con người phát triển mọi mặt: trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, khả năng thẩm mỹ để hướng thiện, ứng xử đúng đắn trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với giới tự nhiên, con người với thế giới tâm linh. Vì vậy, đạo Phật được coi là tôn giáo “tâm linh sâu sắc nhất
và hiểu biết nhất được biết đến trong lịch sử tinh thần của nhân loại” (Lương Duy Thứ và cộng sự, 1996, tr 169), có giá trị to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại.
- NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA NHÂN LOẠI CÓ QUAN HỆ ĐẾN NỘI DUNG CỦA NGŨ GIỚI
Trong quá khứ và hiện tại, chúng ta đã và đang chứng kiến sự bất ổn của xã hội do con người gây ra. Nguyên nhân của nó là tham, sân si và phạm vào giới sát sinh; sử dụng rượu, ma túy, chất kích thích; nói dối; tà dâm; trộm cắp; vi phạm các giá trị dân chủ, công bằng, bình đẳng.
Do tham lam muốn xâm chiếm, cướp bóc đất đai, tài nguyên của các dân tộc khác, áp bức chà đạp lên quyền dân tộc, quyền con người và thảo mãn những dục vọng thấp hèn, nên dẫn đến các cuộc chiến tranh đẫm máu cướp đi không biết bao sinh mạng con người, đem đến cảnh đau thương chồng chất không thể đong đến được. Chiến tranh thế giới thứ nhất từ năm 1914 đến năm 1918 cướp đi sinh mạng của 13,8 triệu người, làm bị thương và tàn tật 20 triệu người; chiến tranh thế giới thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945 cướp đi sinh mạng của 60 triệu người, làm bị thương và tàn tật 90 triệu người (Nguyễn Anh Thái và cộng sự, 2000, tr. 217). Chiến tranh đã tiêu hủy không biết bao nhiêu tài sản của nhân loại, tàn phá hàng vạn di sản văn hóa, các công trình văn minh, thành phố, nhà máy, xí nghiệp; di chứng của nó để lại hết sức nặng nề phải mất nhiều năm mới hàn gắn, khôi phục lại được.
Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa, thách thức nền hòa bình của thế giới, hoàn hành ở Trung Đông, trỗi dậy ở châu Âu với những hành động dã man, tàn bạo như: đánh bom khủng bố ở các trung tâm thành phố, nhà thờ, nơi tập trung đông người cướp đi sinh mạng hàng ngàn người dân vô tội. Trung Đông đang diễn ra cuộc chiến hết sức phức tạp giữa các phe phái và sự can thiệt bằng bạo lực của các cường quốc gây nên cảnh chết chóc thảm khốc, đẩy hàng vạn người dân vào cảnh mất nhà cửa, mất việc làm. Hậu quả của chiến tranh đè nặng lên người dân vô tội, các em nhỏ, người già tàn tật không nơi nương tựa.
Nguyên nhân của cuộc chiến ở Trung Đông là sự tranh giành quyền lực của các phe phái, không tôn trọng các giá trị nhân bản là
quyền con người, quyền dân tộc, dân chủ, bình đẳng, phương pháp giải quyết xung đột không dựa trên cơ sở tình thương, lòng nhân ái, mà dựa vào bạo lực. Sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử không công bằng, không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, sự can thiệp bằng vũ lực, “bạo lực đã sinh ra bạo lực” đã biến Trung Đông thành cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm mà chưa có hồi kết.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về các vụ việc đau lòng, nhức nhối. Cha ấu dâm với con ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cảnh đâm chém, cướp của giết người, sát phạt lẫn nhau diễn ra như cơm bữa. Có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng và dã man thể hiện sự toàn bạo đến vô nhân tính của kẻ sát nhân, như vụ Nguyễn Hải Dương tàn sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước năm 2015. Vụ 5 tên tội phạm giữ người trái phép, hiếp dâm, cướp của, giết người ngày 8/2/2019 (30 tết) ở Điện Biên gây căm phẫn trong xã hội. Năm 2018, nước Mỹ xảy ra 94 vụ xả súng tại các trường học làm hàng trăm người chết, tăng 60% so với năm 2006. Nguyên nhân trực tiếp của những vụ thảm sát này là sự hận thù, sân giận không kiềm chế được bản thân. Ở Việt Nam một năm có khoảng 8 đến 9 ngàn người chết tai nạn giao thông. Con số này trên thế giới có khoảng 1,24 triệu người, trong đó khoảng “40% tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia”(Minh Trang, cập nhật 29/01/2018)
Vì tham lam, có người làm những việc bất nhân như trộn bột pin vào hạt tiêu và cà phê, làm hàng giả, thuốc giả mà hậu quả của nó là khôn lường, gây nên những căn bệnh vô phương cứu chữa. Không ít người có địa vị trong xã hội, thậm chí là có chức, có quyền ở cấp cao cũng tha hóa, biến chất, tham nhũng mà thực chất là ăn trộm, ăn cắp của công làm nghèo đất nước, gây mất niềm tin trong xã hội.
Bức tranh ảm đảm nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, hòa bình của thế giới, hủy hoại đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người, đến sự phát triển bền vững của nhân loại, đi ngược lại giá trị mà Đức Phật đã nêu lên.
- MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐƯA TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT VÀ NỘI DUNG NGŨ GIỚI VÀO ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
- Một là, làm tốt công tác truyền thông để quảng bá tư tưởng của đạo Phật và ý nghĩa của Ngũ giới
Trong thời đại công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển và toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu thì vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng. Tổ chức nào làm chủ được không gian mạng là thành công, vì vậy, cần khai thác không gian mạng để đưa tư tưởng của đạo Phật lan tỏa đến quần chúng, đến mọi nơi trên thế giới, mọi miền đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, Phật tử, các tổ chức Giáo hội trong sự nghiệp hành đạo để quần chúng hiểu đúng về con đường cứu vớt của Đức Phật, ý nghĩa của Ngũ giới đối với mỗi người và sự phát triển bền vững của nhân loại.
Ngoài việc truyền bá bằng báo chí, đặc san cần tận dụng websites, tivi, DVDs, youtube, live stream để đưa Phật pháp đến quần chúng. Các phương tiện truyền thông còn có tác dụng ngăn chặn các phần tử xấu xuyên tạc nội dung của ngũ giới, chống phá Phật giáo hay sự lợi dụng danh nghĩa đạo Phật để trục lợi, mưu đồ chính trị làm ảnh hưởng đến thanh danh của đạo Phật.
-
- Hai là, đẩy mạnh hoạt động liên kết các tổ chức Phật giáo trên thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững
Trong quá trình phát triển, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào xây dựng nền văn hóa của nhân loại và nhiều tổ chức Phật giáo ra đời như: Hội Phật tử thế giới, Trung tâm quốc tế Phật tử châu Á vì hòa bình (ABCP). Nhật Bản, Nga, Mông Cổ, Sri Lanka cũng thành lập Trung tâm Quốc gia Phật tử châu Á vì hòa bình. Năm 1998, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới được thành lập tại Kyoto Nhật Bản, do Hòa thượng Tiến sĩ Kyuse Enshijoh sáng lập. Thành viên gồm: Áo, Úc, Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Miến Điện, Nepal, Nga, Singapore, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Thái Lan và Việt Nam. Việc thành lập các tổ chức Phật giáo ở cấp quốc tế và tổ chức Phật giáo trong từng quốc gia là rất cần thiết, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đạo Phật. Bởi vì công tác tổ chức là một trong những khâu quyết định đến sự lớn mạnh của một học thuyết, một tôn giáo. Cần xây dựng một hệ thống tổ chức Phật giáo thống nhất, chặt chẽ theo hệ thống dọc mang tầm thế giới để đưa tư tưởng đạo Phật đến mọi miền của trái đất, giúp nhân loại xây dựng một thế hòa bình, không có chiến tranh, xóa bỏ nghèo đói, bất công, phát triển bền vững.
Thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, Đại lễ Vesak của Liên hợp quốc để tăng cường hợp tác, trao đổi, giao lưu quốc tế về Phật giáo. Mục đích của diễn đàn quốc tế là chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục hoằng pháp, nghiên cứu đưa giáo pháp của đức Phật vào xã hội, góp phần xây dựng một xã hội an lạc, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây cũng là dịp để các trường phái Phật giáo, các giáo hội các nước có điều kiện hội ngộ thống nhất vượt qua những khác biệt trở ngại về địa lý, văn hóa, truyền thống, sắc tộc, quốc tịch, phương cách tu hành để hợp tác phát triển vì mục tiêu chung.
Ngoài việc các hội nghị, hội thảo, đại lễ, cần đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo quốc tế về Phật giáo. Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ sở đào tạo Phật giáo trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần tăng cường trao đổi về chương trình đào tạo, đào tạo liên kết, gửi học viên đi học các cơ sở uy tín, trao đổi tài liệu nghiên cứu, mời các các vị tu sĩ, nhà nghiên cứu, giáo sư tên tuổi về Phật giáo đến cơ sở đào tạo Phật giáo thỉnh giảng, trao đổi học thuật. Hoạt động giao lưu quốc tế sẽ đưa tổ chức Phật giáo của mỗi quốc gia trở thành thành viên tích cực của Phật giáo toàn cầu với mục tiêu chung là lợi lạc thế giới và chúng sanh, hướng đến giải thoát, phát triển bền vững.
-
- Ba là, gắn hoạt động đạo Phật và nội dung của ngũ giới với thực tiễn cuộc sống
Trước những vấn đề phức tạp của thế giới như chiến tranh, khủng bố, các tệ nạn xã hội, bệnh tật, đạo đức suy đồi, thiên tai địch họa, môi trường ô nhiễm, tổ chức Giáo hội cần có chính kiến rõ ràng. Thông qua các kênh khác nhau, phân tích sâu sắc nguồn gốc sinh ra các vấn nạn trên, đánh giá hậu quả, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để giải quyết nó theo quan điểm của đạo Phật. Nếu mọi người, các tổ chức chính trị - xã hội, chính sách của các Chính phủ mà thấm nhuyền tư tưởng đạo Phật và nội dung của ngũ giới thì sẽ hóa giải các xung đột, mâu thuẫn trong xã hội, thế giới sẽ không còn chiến tranh, hận thù và các tệ nạn xã hội. Qua đó làm nổi bật lên giá trị nhân văn của đạo Phật và ngũ giới trong việc kiến tạo xã hội phát triển bền vững vì con người và tiến bộ của nhân loại.
Giáo lý đạo Phật và nội dung ngũ giới phải được áp dụng vào cuộc sống hiện tại. Giáo hội Phật giáo cần đề ra tôn chỉ, mục tiêu,
tầm nhìn, sứ mạng và đặc biệt phải có cơ chế phối hợp hiệu quả để cùng với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các mục tiêu của thiên nhiên kỷ, tham gia vào xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới; bảo vệ quyền con người, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Từ khi vào Việt Nam, đạo Phật đã gắn bó với dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú. Ngày nay, đạo Phật cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với phương châm hành động dân tộc, đạo pháp và xã hội chủ nghĩa.
Để hoạt động của đạo Phật gắn với thực tiễn, một số giáo lý của đạo Phật và nội dung của Ngũ giới cũng phải ứng dụng cho phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn.
Tư tưởng của đạo Phật và nội dung của ngũ giới ra đời các đây trên 2.500 năm và được xây dựng trên cơ sở thực tiễn lúc đó. Thực tiễn của thế kỷ XXI có nhiều điểm vượt xa thực tiễn cách đây hơn
2.500 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh mà đương thời Đức Phật sống chưa xuất hiện. Ngày nay, quan hệ cuộc sống có nhiều tình tiết, tình huống mới, quan niệm về chuẩn giá trị đạo đức có những điểm khác trước đây theo sự phát triển về trình độ nhận thức của con người, vì vậy nên sửa lại một số nội dung trong giới luật theo hướng đơn giản, mền hóa để người tu tập, Phật tử dễ theo, sẽ giảm bớt được tình trạng vi phạm giới luật, giúp cho việc thực hiện ngũ giới và tu hành được dễ dàng, thuận lợi.
Đạo Phật tỏa ra khắp thế giới, thâm nhập vào các quốc gia, lãnh thổ thì bị khúc xạ bởi phong tục, tập quán, văn hóa của các quốc gia đó. Tư tưởng của đạo Phật và nội dung của ngũ giới cần có sự thay đổi thích ứng, kết hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của bản địa để bám sâu vào đời sống tinh thần của quần chúng. Thích ứng và phát triển là mang tính qui luật, miễn sao sự biến đổi đó không làm mất bản chất trong sáng của đạo Phật. Sự thích ứng sẽ làm cho đạo Phật phát triển ở các quốc gia có nền văn hóa khác nhau, số người giữ gìn Ngũ giới theo đó tăng lên, tạo được một xã hội có nội dung Phật chất rộng rãi trong đó có được nhiều người hơn biết ăn chay
niệm Phật, thương người, thương vật bằng tâm từ bi hỉ xả, sống theo tinh thần hướng thiện, nhận thức được luật vô thường và nhân quả. Lúc đó sẽ có nhiều người chung tay vào xây dựng xã hội theo tinh thần Phật pháp và như vậy, đạo Phật sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Bên cạnh chấp nhận sự biến đổi, cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, qui định rõ ràng để không cho các chùa, các cơ sở lợi dụng Phật giáo thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan để trục lợi làm ảnh hưởng đến uy tín, bản chất trong sáng của đạo Phật. Ví dụ: một số chùa ở Việt Nam thực hiện quá nhiều việc tế lễ, cúng cầu an giải hạn, đốt vàng mã, bói toán, phong thủy dưới hình thức dịch vụ đem lại nhiều tỷ đồng. Hành vi mê tín, dị đoan với cách làm dịch vụ, trục lợi là không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại giáo lý luật nhân quả của đạo Phật.
-
- Bốn là, xây dựng, đào tạo đội ngũ tu sĩ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghệ 4.0 để đưa nội dung ngũ giới đến với chúng sinh
Đội ngũ tu sĩ có vai trò rất lớn trong việc đưa tư tưởng đạo Phật và nội dung ngũ giới đi vào thực tiễn cuộc sống. Nội dung và ý nghĩa của Ngũ giới được quần chúng hiểu như thế nào phần rất lớn thông qua đội ngũ tu sĩ. Vì vậy việc đào tạo, xây dựng đội ngũ tu sĩ tài - đức có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của Phật giáo trong thời kỳ mới.
Trong thời đại công nghệ 4.0, người tu sĩ phải thông hiểu Phật học, nắm vững Hiến chương Giáo hội, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, sử dụng được công nghệ thông tin, khả năng ứng xử giao tiếp tốt với mọi thành phần trong xã hội. Đối với một số vị trí phải có kỹ năng làm việc văn phòng. Những kiến thức trên sẽ giúp người tu sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Để có đội ngũ tu sĩ vừa có tài, vừa có đức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng có vai trò rất quan trọng. Hệ thống đào tạo của Phật giáo cần được đổi mới để phù hợp với thời kỳ cách mạng 4.0. Mục tiêu đào tạo đi đúng với tôn chỉ của Đức Phật là giải thích chân lý về nỗi khổ và con đường giải thoát. Trong giai đoạn hiện nay, cần xác thêm định mục tiêu hướng thiện, xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển bền vững, sống hiền thiện, không tranh đoạt, không cướp bóc, từng bước tiến
đến việc nhận thức được bản chất của cuộc sống và hướng đến mục đích giải thoát. Từ mục tiêu đó, xác định chuẩn đầu ra (sau khi học xong chương trình môn học người tu sĩ học được nội dung gì), xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá. Các nội dung trên phải thống nhất chặt chẽ và lo gích với nhau để tu sĩ được đào tạo tốt kiến thức về đạo Phật, kiến thức mang tính thế tục và những kỹ năng mền trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh việc bồi dưỡng, đào tạo cũng cần đưa ra khỏi tăng đoàn những tu sĩ không đủ phẩm hạnh, sống giãi đãi, buông lung theo dục lạc, toan tính cho bản ngã, đặc biệt là một số phần tử xấu cố ý lợi dụng lớp áo nhà tu để trục lợi, mượn đạo tạo đời.
-
- Năm là, đưa tư tưởng của đạo Phật và nội dung Ngũ giới đến vùng sâu, vùng xa nơi còn khó khăn về vật chất – tinh thần
Ở những vùng sâu, vùng xa thiếu thốn về vật chất và tinh thần, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, nên tồn tại nhiều tệ nạn xã hội như: hiếp dâm, cướp của giết người, buôn bán ma túy, hút trích, rượu chè, cờ bạc. Những tệ nạn đó làm cho cuộc sống con người nơi đây luẩn quẩn trong nghèo đói, không thể vươn lên được. Đạo Phật cần được đưa tới đó giúp người dân giác ngộ trên con đường chính đạo, giữ gìn Ngũ giới, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, an lạc, từng bước xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền để thực hiện tư tưởng công bằng, bình đẳng của Đức Phật.
Đưa đạo Phật đến vùng sâu, vùng xa phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, cơ sở, kinh sách. Vì vậy, tổ chức Giáo hội phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt cần đến sự dấn thân cống hiến của các tu sĩ chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ để cho ánh sáng Phật pháp lan tỏa đến khắp mọi người, tận mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống.
Ngũ giới là chuẩn mực đạo đức cho các tu sĩ và Phật tại gia, rất gần với sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, nó mang nhiều giá trị phổ quát mà nhân loại đang hướng tới. Phát triển đạo Phật trở thành tôn giáo toàn cầu và giữ gìn ngũ giới là đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời đang xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc, phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
Chan Khoon San, (biên dịch, Lê Kim Kha)(2013) Giáo trình Phật học, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguồn https://vi.wikipedia.org/wiki/.
Ngô Văn Hà (2011), Về phát triển nhanh và bền vững, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 5 (108), tr 11-14.
Thích Thông Lạc (2003), Văn hóa Phật giáo - Giới đức làm người, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Vũ Dương Ninh, Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo (1998), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục.
Phật học cơ bản, nguồn https://thuvienhoasen.org/
Nguyễn Anh Thái, Đỗ Thanh Bình, Nguyễn Quốc Hùng, Vũ Ngọc Oanh, Đặng Thanh Toán, Trần Thị Vinh (2000), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục.
Lương Duy Thứ, Phan Thu Hiền, Phan Nhất Chiểu (1996), Đại cương văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục.
Minh Trang, Tình hình tai nạn giao thông trên thế giới trong những năm gần đây, cập nhật ngày 29/01/2018, nguồn: http://www. nhandan.com.vn/xahoi/item/35423702-khoang-40-tai-nan- giao-thong-do-lai-xe-uong-ruou-bia-gay-ra.html.
Thích Nhật Từ và Thích Đức Thiện (2014), Phật giáo vì phát triển bền vững và thay đổi xã hội, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Nhật Từ và Thích Đức Thiện (2014), Phật giáo xây dựng hòa bình thế giới, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.