TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG TRONG XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC HIẾU NGHĨA CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ
Phan Anh Tú*
TÓM TẮT
Phật giáo Nguyên thủy (Theravada Buddhism) hay Phật giáo Nam tông là một hệ phái gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tộc người Khmer Nam Bộ cũng như các dân tộc cư trú trên bán đảo Đông Nam Á lục địa. Duy trì đường lối hành đạo hòa nhập vào truyền thống gia đình và cơ cấu tổ chức cộng đồng của người Khmer, Phật giáo Nam tông đã trở một mẫu hình quan trọng trong việc củng cố nền tảng đạo đức của người Khmer đối với gia đình và xã hội của họ. Luật bất thành văn của cộng đồng quy định bổn phận của một người thanh niên Khmer trưởng thành là phải ít nhất một lần đến chùa làm sư, nhằm tu báo hiếu cho cha mẹ. Đây được xem là chuẨn mực đạo đức quan trọng đối với hôn nhân của người Khmer. Song nghi thức quan trọng nhất thể hiện cho lòng hiếu thảo của người Khmer đối với ông bà, cha mẹ là phải dâng cúng vật phẨm và tham gia cầu kinh trong các ngôi chùa nhân ngày Sel Dolta, tức lễ Vu Lan của người Khmer.
Mục đích nghiên cứu của chúng tôi trong tham luận này là hướng tiếp cận của Phật giáo Nam tông trong phạm vi văn hóa truyền thống và hiện đại. Truyền thống là nghiên cứu hướng tiếp cận của Phật giáo trong không gian văn hóa phum sóc qua mối quan hệ
*. TS., Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Phó trưởng Khoa Văn hóa học, Phó phân viện trưởng Phân viên nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, Đại học KHXHNV, TP.HCM, Việt Nam.
kết nối giữa nhà sư và người nông dân Khmer. Hiện đại là nghiên cứu hướng tiếp cận của Phật giáo trong biến đổi xã hội, di dân lao động cũng như vấn đề biến đổi văn hóa, niềm tin, nhận thức và suy nghĩ của người Khmer. Nghiên cứu này cũng nhằm đề xuất các giải pháp để Phật giáo Nam tông Khmer cần thay đổi chiến lược hoằng pháp, kết hợp với công nghệ 4.0 trong duy trì nền tảng đạo đức cho những cộng đồng người Khmer không sinh sống trong không gian của một ngôi chùa Nam tông. Nội dung của tham luận này được chứng minh bằng những luận thuyết và luận cứ khoa học qua quá trình nghiên cứu thực địa (field work studies) và nghiên cứu định tính (quantity research method) tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, Trà Vinh và Sóc Trăng, tất cả sẽ được tác giả trình bày bằng nhãn quan của một nhà nghiên cứu.
- DẪN NHẬP
Khmer là tên gọi của một tộc người bản địa cư trú tập trung tại một số tỉnh thành của vùng đất Nam Bộ. Với dân số hơn một triệu người, người Khmer sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó Trà Vinh và Sóc Trăng được xem là hai tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tuy nhiên, ở các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, người Khmer cũng cư trú rải rác tại một số huyện và thị xã như huyện Lộc Ninh, thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), huyện Châu Thành, Tân Biên và Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Xét dưới góc độ tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer có thể thấy rằng Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nguyên Thủy đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổ chức xã hội và đời sống tinh thần của cộng đồng. Minh triết Phật giáo Nam tông luôn đề cao lòng hiếu thảo của con cái đối với các bậc sinh thành. Tiếp cận của Phật giáo Nam tông Khmer đối với cộng đồng bằng việc duy trì đạo hiếu của người Khmer ngoài việc yêu cầu người con phải thực hiện bổn phận chăm sóc cho cha mẹ già, giá trị tinh thần được xem như một nghĩa vụ bắt buộc trong tiêu chí đạo hiếu của họ là người con trai ít nhất trong đời phải vào chùa tu học một lần. Hình thức tu ngắn hạn như vậy nhằm mục đích báo đáp công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành nên còn gọi là tu báo hiếu.
- QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU CỦA NGƯỜI KHMER
Người Khmer chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, nhất là ở lĩnh
vực tôn giáo. Đạo Bà La Môn là lớp tôn giáo cổ xưa nhưng đã suy tàn từ sau thế kỷ XIV. Phật giáo Nam tông chiếm lĩnh vai trò dẫn dắt tinh thần, trở thành tôn giáo chủ đạo của người Khmer Nam Bộ trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, di tồn của Bà La Môn giáo và văn hóa bản địa vẫn hiện diện trong cộng đồng người Khmer được biết đến qua một số loại hình văn hóa dân gian mang tính phổ quát. Dạng tín ngưỡng sùng bái Arak (bà bóng), thờ cúng Neakta (ông Tà) hoặc hình thức sử dụng huyền thuật như bùa chú, thần chú và thần quyền có liên quan đến đạo Bà La Môn vẫn tồn tại trong cộng đồng người Khmer, xuất hiện trong cả nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và hiện đang có xu hướng xâm nhập mạnh mẽ vào cộng đồng người Việt, người Hoa. Điều đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Khmer, những loại hình tín ngưỡng dân gian hoàn toàn không chống lại Phật giáo. Người Khmer đã đặt chúng vào trong hệ thống thần điện của Phật giáo và tự xem như một thành tố không thể tách rời Phật giáo Phật giáo Nam tông. Neakta hay các vị thần Bà La Môn giáo được xem như chư thiên hộ trì cho Phật giáo và tu hành theo chánh pháp của Đức Thích Ca.
Chữ hiếu, đạo hiếu hay hiếu nghĩa luôn được đề cao trong xã hội Khmer. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về hiếu nghĩa của họ không nằm trong phạm vi của triết học và tư tưởng Khổng giáo. Hiếu nghĩa được cho là phải gắn liền với triết lý của Phật giáo và là trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của con cái cũng như thực hành các nghi lễ khi cha mẹ đã khuất. Quan niệm của người Khmer thường xem đạo hiếu là nhằm báo đáp lại công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ bằng giá trị tinh thần, vật chất và hành động cụ thể của con cái. Do Phật giáo thấm nhuần sâu sắc vào đời sống của người Khmer, văn hóa tộc người và văn hóa Phật giáo hòa quyện, đan xen vào nhau đến mức không thể nhận ra đâu là yếu tố Phật giáo, đâu là yếu tố văn hóa tộc người trên phương diện nghi lễ và thực hành đạo hiếu. Đạo hiếu đòi hỏi trách nhiệm cho cả nam lẫn nữ bao gồm cả trách nhiệm tinh thần và vật chất. Trách nhiệm vật chất có phần giống nhau cho cả nam và nữ như vấn đề nuôi dưỡng cha mẹ già, xây tháp cốt cho cha mẹ đã qua đời, tổ chức đám giỗ… những vấn đề này có liên quan đến khả năng tài chính của con cái. Tuy nhiên, người Khmer tin rằng khi con gái làm được những điều này thì họ đã thể hiện được hành động tốt đẹp của một con người hiếu nghĩa, có đạo đức tốt và họ sẽ nhận được những hồi báo tốt đẹp trong kiếp đời
hiện tại và tương lai, nhất là họ luôn gặp được một cuộc sống an vui và phước báu vô tận trong cuộc sống hiện tại.
Vấn đề tinh thần trong cách nhìn nhận hiếu nghĩa theo quan điểm tôn giáo của người Khmer thì việc xuất gia đi tu là trách nhiệm của người con trai. Việc làm này được tin là mang đến phước báu vô lượng cho cha mẹ, gia đình và dòng họ một khi người con trai Khmer xuất gia đầu Phật một cách tự nguyện và suốt đời giữ giới tu hành. Song cũng có người xuất gia đi tu ngắn hạn vì tâm nguyện báo hiếu cho cha mẹ như tu để cầu an cho cha mẹ khỏi bệnh, cầu siêu cho cha mẹ đã qua đời và gieo duyên lành cho bản thân để hoàn tục kết hôn với những người con gái ngoan đạo. Trách nhiệm đi tu hay tự nguyện đi tu đều mang đến phước báu ít nhiều cho cha mẹ. Tuy nhiên, Phật giáo Nam tông Khmer chưa cho phép phụ nữ xuất gia làm tỳ kheo ni, những người con gái Khmer có thể đi chùa làm lễ cầu an và cầu siêu cho cha mẹ hoặc những cụ bà người Khmer có thể vào chùa tu thiếp (lược – thơ) nhằm xây dựng cho mình một đời sống tinh thần an vui lúc tuổi già nhưng các hoạt động này không liên quan đến việc xuất gia để làm một người tu nữ. Phải chăng điều này là bằng chứng di tồn của quan điểm tôn giáo trong nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa còn hiện diện trong cộng đồng Khmer hiện nay, khi đạo Bà La Môn xác nhận rằng, chỉ có con trai mới được làm tu sĩ và con trai mới cứu rỗi được linh hồn của cha mẹ và dòng họ của mình.
Xét dưới góc độ giới tính, thì người con gái lại có đặc điểm tâm lý hướng nội, thường phù hợp với việc chăm sóc, nuôi nấng cha mẹ già hơn là người nam. Hơn nữa, đặc điểm của xã hội Khmer cổ truyền thường xem trọng chế độ mẫu hệ. Trong phạm vi gia đình, người con gái có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn con trai trong việc thừa kế tài sản và chăm sóc cha mẹ, đặc biệt là con gái út. Khảo sát của chúng tôi tại huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho thấy cha mẹ già thường chọn sống chung với người con gái út, đặc biệt là những hộ gia đình Khmer sở hữu nhiều tài sản (nhà cửa, ruộng đất và gia súc) thì người con gái út thường được cha mẹ cho thừa kế nhiều tài sản hơn những anh chị khác nhưng ngược lại cô ta sẽ lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già và thờ phụng tổ tiên. Trong cuộc sống, quan điểm hạnh phúc của người Khmer đôi khi không tuyệt đối hóa giá trị vật chất, mà niềm hạnh phúc của một gia đình được cho là khi cha mẹ sinh ra được
một người con gái út ngoan hiền. Ở đây tính cách ngoan hiền trong nhãn quan của người Khmer cũng đồng nghĩa với ngoan đạo (tức là tín đồ Phật giáo thuần thành). Nếu sinh được một người con gái như vậy, cha mẹ sẽ có chỗ dựa tinh thần và vật chất khi tuổi già. Bên cạnh đó, khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy phần nhiều các cô gái út người Khmer khi lập gia đình thường chọn kết hôn với những người thanh niên Khmer đã từng xuất gia làm sư trong các ngôi chùa ở địa phương. Quan điểm sống của người Khmer không bị chi phối bởi yếu tố phụ hệ và tuổi tác trong hôn nhân như cộng đồng người Việt. Cha mẹ sống với con gái được xem là thích hợp hơn con trai, trong hôn nhân việc người vợ lớn hơn chồng nhiều tuổi được nhìn nhận như một hiện tượng bình thường trong cộng đồng, nó hoàn toàn không bị thế gian “nâng cấp” lên thành một vấn đề “’dị biệt”. Quan điểm này đã tạo cho người phụ nữ Khmer có nhiều quyền lựa chọn hôn phu và cha mẹ hai bên cũng dễ dàng tác hợp họ lại với nhau. Nếu người con gái út lấy chồng là một thanh niên đã hoàn tục thì thường được cha mẹ khuyến khích. Vì xét trên phương diện quan hệ xã hội và gia đình, việc một thanh niên Khmer đi tu rồi hoàn tục lấy vợ là đã đạt được những giá trị cần thiết trong cuộc sống. Thứ nhất, đối với gia đình bên vợ, anh ta được xem là một người có tư cách đạo đức nên sẽ cùng với con gái họ phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già; thứ hai, đối với gia đình của anh ta, thời gian đi tu đã góp phần báo hiếu cho cha mẹ của mình; thứ ba, đối với nhà chùa nơi anh ta đã được đào tạo các giá trị đạo đức về cuộc sống và có thể là bằng cấp chuyên môn trong quá trình tu học. Nay xuất gia anh ta sẽ luôn nhớ đến những ân đức này mà báo đáp mỗi khi nhà chùa cần đến. Như vậy, một người xuất gia rồi hoàn tục được người Khmer xem như đạt được giá trị hiếu nghĩa trong tư cách làm người cùa anh ta.
- TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG VỀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC HIẾU NGHĨA CỦA NGƯỜI KHMER TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG
Xã hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ gắn liền với không gian ảnh hưởng của những ngôi chùa Nam tông. Mối quan hệ giữa ngôi chùa và cuộc sống của người dân là không thể tách rời trong bối cảnh của một xã hội nông nghiệp. Người Khmer thường thực hiện theo nguyên tắt cư trú là nhà cừa tập trung vây quanh một ngôi chùa, các yếu tố cấu thành này được gọi là sóc/xóm (srok). Bên
ngoài sóc là ruộng lúa, xa hơn nữa là địa bàn cư trú của một sóc khác và người dân ở đó cũng chịu ảnh hưởng bởi một ngôi chùa Khmer.
Người Khmer không chú trọng phát triển khác hoạt động thương mại như người Việt, người Hoa. Hơn nữa, sống trong không gian khép kín, họ không có nhu cầu đi khỏi sóc để tìm kiếm các giải pháp mưu sinh khác. Trong sóc, họ có đất đai để sản xuất nông nghiệp hay chăn nuôi, có ngôi chùa để nuôi dưỡng một đời sống tinh thần cao đẹp và có thể nói người Khmer chấp nhận một đời sống an bần lạc đạo. Theo quan điểm truyền thống của người Khmer, việc vượt ra khỏi phạm vi không gia ảnh hưởng của một ngôi chùa là điều mà các bậc phụ huynh không khuyến khích con em của họ thực hiện. Với cơ cấu tổ chức xã hội như vậy, Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều điểu kiện thuận lợi để tiếp cận trực tiếp đến từng gia đình người Khmer. Thông qua các cụ cao niên, người già có uy tín trong cộng đồng, các vị sư có thể gọi trực tiếp những đứa trẻ hay thanh thiếu niên hư hỏng, ngỗ nghịch với cha mẹ lên chùa giáo huấn. Một hình thức giáo dục khác là cha mẹ cũng có thể gửi con trai vào chùa nhờ chư tăng giám quản, hòng tránh cho trẻ em tiếp xúc với bạn xấu. Nếu không có một cơ cấu tổ chức phù hợp và mối quan hệ mật thiết giữa nhà chùa và gia đình thì nhà sư không thể thực hiện được những phương thức giáo huấn trực tiếp như vậy. Điều này góp phần tạo dựng nên một truyền thống duy trì đạo hiếu của người Khmer, hạn chế tối đa những dấu hiệu rạn nức trong cơ cấu tổ chức gia đình của họ. Bên cạnh đó, các lễ hội Phật giáo và lễ hội tộc người cũng chính là những khoảng thời gian mà Phật giáo Nam tông Khmer tiếp cận với người dân một cách hiệu quả nhất. Do có đông người Khmer tập trung về chùa trong các dịp lễ hội, chư tăng sẽ tổ chức thuyết pháp với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó đạo hiếu luôn được nhắc đến như một chủ đề cần thiết trong đời sống thực tại của người dân.
Tính linh hoạt của chư tăng Khmer trong công tác hoằng pháp là họ thường chọn cách tiếp cận phù hợp nhất với đặc điểm dân trí của người Khmer. Việc sử dụng điển tích Phật giáo và điển tích dân gian Khmer để lý giải cho những hành động nhân quả là cách thức mà chư tăng Khmer thường áp dụng nhằm dẫn dắt người dân đến mục tiêu cao nhất trong đạo lý hiếu nghĩa đối với ông bà và cha mẹ của họ. Triết học Phật giáo thường ít được trình bày trong các buổi thuyết pháp vì vấn đề này có thể tạo cho người tham dự một sự hiểu
biết viên mãn nhưng đối tượng lãnh hội phải là người có năng lực học vấn. Những câu chuyện mà chư tăng thuyết giảng luôn gắn liền với hành động thực tiễn trong thực hành tôn giáo hay nghi lễ của người Khmer. Với hình thức thực hiện và một niềm tin đơn giản là ai làm lễ như vậy thì ông bà, cha mẹ họ sẽ được hưởng phước báu trên cõi trời. Cụ thể như đối với những người Khmer nghèo khó, không có khả năng tổ chức lễ giỗ cho cha mẹ đã khuất, thì chọn cách làm đơn giản về báo hiếu là cúng dường một bát cơm cho chư tăng khi họ hóa duyên qua nhà. Người Khmer tin rằng việc cúng dường thực phẨm như vậy sẽ tạo phước lành cho ông bà, cha mẹ của họ ở cõi trời.
Thông qua các lễ hội, người Khmer thực hiện nghi lễ báo hiếu cho cha mẹ bằng bằng niềm tin và những giá trị tinh thần khác nhau. Cụ thể như trong lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay), họ sẽ vào chùa đắp núi cát với niềm tin rằng một hạt cát dâng lên cho Đức Phật sẽ là một công đức hồi hướng cho cha mẹ nên với số lượng cát đắp thành núi thì công đức sẽ vô lượng, vô biên. Cũng trong lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) lại có phong tục con cháu tắm cho ông bà, cha mẹ tại nhà. Các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình sẽ được con cháu mời ra sân nhà, ngồi trang trọng trên những chiếc ghế, con cháu dùng nước nấu với hương liệu, chậm rải xối từng gáo nước nhẹ nhàn lên thân thể ông bà, cha mẹ. Nghi lễ này nhằm chúc phúc cho ông bà, cha mẹ được sống thọ cùng hưởng phước an vui với gia đình, nó cũng nhằm thể hiện hành động hiếu nghĩa với các bậc sinh thành đã dày công nuôi nấng, dạy dỗ con cháu khi còn tấm bé.
Đối với người Khmer, việc báo hiếu của con cháu dành cho ông bà cha mẹ quan trọng nhất là dịp lễ hội Sel Dolta (29/09-01/09 AL), được tổ chức sau Vu Lan của người Việt khoảng một tháng. Luôn có một chuỗi nghi lễ diễn ra trong phạm vi gia đình như tổ chức lễ hồi hướng công đức cho những người thân đã mất và cả những người đã mất mà không phải họ hàng của gia chủ. Các lễ cúng cho ông bà với các loại thực phẨm và nghi lễ cầu siêu được thực hiện tại chùa cùng với sự tham gia của đông đảo người dân.
- TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG VỀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC HIẾU NGHĨA CỦA NGƯỜI KHMER TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Xã hội người Khmer hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn do sự thay đổi cơ cấu tổ chức và phương thức mưu sinh
mới trong nền kinh tế thị trường. Người Khmer mở rộng không gian sinh tồn, việc cư trú hòa nhập vào các cộng đồng tộc người láng giềng đã làm cho không gian sống của họ luôn chịu nhiều tác động của vấn đề biến đổi kinh tế và xã hội đương đại. Nhiều người Khmer hiện không có đất canh tác đã chọn giải pháp di dân lao động lên các đô thị lớn của miền Đông Nam Bộ. Cuộc sống tách rời khỏi phạm vi ảnh hưởng của những ngôi chùa Khmer. Công việc mưu sinh của họ phải tuân theo quy định thời gian của công ty và gần như họ không có điều kiện để tham gia các lễ hội truyền thống, cũng như thực hành các nghi lễ liên quan đến tôn giáo. Với trình độ dân trí thấp và cuộc sống tách rời ngôi chùa, người Khmer di dân lao động đã trở thành những đối tượng truyền giáo của các tôn giáo mới. Hệ quả này làm thay đổi quan điểm sống, nhận thức về đạo hiếu của một số người Khmer và đồng thời cũng tạo nên sự xung đột tôn giáo giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa người cha và con trai.
Những người Khmer di dân lao động khi đã có gia đình thường chọn giải pháp gửi con trẻ cho cha mẹ chăm sóc, hàng tháng họ gửi một số tiền về cho cha mẹ chi tiêu và trang trải cho việc nuôi dưỡng con cái của họ. Đây cũng được đánh giá như một hành động hiếu thảo trong hoàn cảnh sống xa nhà của họ. Tất nhiên là các nghi lễ báo hiếu mang giá trị tinh thần truyền thống của người Khmer thì họ gần như không thể thực hiện được, vì không thể thu xếp được thời gian rỗi. Thượng tọa Kim Rune cho biết: “Phần nhiều người Khmer làm những công việc nặng nhọc, họ không có chuyên môn để làm việc trong văn phòng, công ty hay nghề kỹ thuật. Mỗi khi tổ chức làm đám cúng cho cha mẹ, họ lại về quê đón chư tăng qua nhà tụng kinh. Xong rồi họ mau chóng về lại thành phố vì sợ mất công ăn việc làm”. (Trích ghi chép điền dã: Thông tín viên Thượng tọa Kim Rune, người Khmer, 50 tuổi, sư cả trụ trì chùa Ba Cụm, ngày 20/8/2017, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú).
Xu hướng tuân theo tập quán tộc người đã ảnh hưởng chi phối đến nếp sinh hoạt của người Khmer di dân lao động. Các trường hợp nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi không tìm được ngôi chùa Khmer tại nơi tạm trú, người Khmer cũng không kết nối với các ngôi chùa Việt theo hệ phái Phật giáo Bắc tông. Giải pháp cho việc thực hiện nghi lễ báo hiếu cho cha mẹ đã khuất là quay về ngôi chùa Khmer tại bàn quán của họ như lời mô tả của Thượng tọa
Kim Rune. Chị Thạch Thị Ngoan (30 tuổi), quê quán ấp Nô Đùng, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, hiện làm công nhân may túi xách cho Công ty Thái Bình. Chị cùng chồng tạm trú trong một khu nhà trọ dành cho người Khmer tại khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chị cho biết: “Ở đây không có chùa (Khmer) nên chúng tôi không thể đi chùa, mà có chùa thì chùa ở đây khác với chùa của người Khmer. Chùa Việt, người Khmer không đi được do chùa Việt cúng kiến, tụng kinh khác xa với chùa Khmer nên người Khmer thấy xa lạ quá. Tôi rất muốn đi chùa nhưng không đi được vì ở chỗ này không có chùa Khmer để đi. Người Việt đi chùa của người Khmer rất nhiều nhưng người Khmer không thể đi chùa Việt”. (Trích ghi chép điền dã: Thông tín viên chị Thạch Thị Ngoan, sinh năm 1987, người Khmer, nghề nghiệp công nhân, ngày 12/03/2017, nguyên quán ấp Nô Đùng, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).
Tại các làng quê của người Khmer, số lượng trẻ em hư hỏng cũng gia tăng theo thời gian. Nhiều thiếu niên không thích bị cha mẹ gửi đến chùa “tu báo hiếu”’ mà chỉ thích chọn cuộc sống tự do và hành động theo sở thích của mình. Đất đai đã trở thành một loại hình tài sản lớn khiến cho nhận thức của người nông dân Khmer cũng thay đổi, tranh chấp chủ quyền đất đai thường xuyên xảy ra, ngay cả giữa con cái với cha mẹ. Nhiều sự kiện diễn ra nằm ngoài khả năng khuyên răn của chư tăng đã dẫn đến việc người Khmer thưa kiện với nhau đến cơ quan chính quyền.
Internet là một loại hình phương tiện kỹ thuật cao, gây hiệu ứng hai mặt cho đời sống của con người, tiện ích và nguy hại. Ngày nay, internet đã được phủ sóng đến tận các sóc xa xuôi nhất của người Khmer. Các loại hình quán nước và quán cà phê trong các sóc Khmer hiện nay đều được trang bị wifi để thu hút khách hàng, nhất là những thanh thiếu niên người Khmer. Với một chiếc điện thoại di động thông minh, họ có thể tiếp cận không biết cơ man nào về thông tin, dịch vụ giải trí, game online ... Tác nhân này dẫn đến việc nhiều thanh thiếu niên Khmer nghiện online và nghiện game.
Trong tình hình có nhiều biến đổi về mặt xã hội của người Khmer, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những thay đổi hướng tiếp cận Phật pháp và đạo đức con người, mặc dù những thay đổi này chưa phải là nhanh chóng. Trước hết, giải pháp nâng cao năng lực học vấn là một chiến lược quan trọng để duy trì vai trò dẫn dắt
tinh thần của chư tăng đối với người Khmer. Các buổi thuyết giảng phải mang tính thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh mưu sinh của các nhóm người Khmer khác nhau, đặc biệt là phải tìm giải pháp tiếp cận những Phật tử là người Khmer di dân lao động. Chư tăng cần giúp đỡ những người Khmer này lựa chọn một phương hướng báo hiếu cho cha mẹ phù hợp nhất với hoàn cảnh sống của họ. Đặc biệt việc sử dụng công nghệ internet đã gần như mang tính phổ quát đối với chư tăng Khmer qua hệ thống Blog, Website và Facebook của cá nhân hoặc nhà chùa, có thể xem như những trung tâm mạng nhằm rút ngắn khoảng cách không gian giữa người Khmer di dân lao động và Phật giáo. Khảo sát các trang Facebook của chư tăng Khmer và nhà chùa, chúng tôi nhận thấy rằng những trao đổi về hoạt động Phật sự, hoằng pháp, giải thích các điển tích Phật giáo, điển tích dân gian, vấn đề nghi lễ, đời sống tinh thần và kết bạn là vấn đề chủ yếu thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của chúng tôi với những người Khmer di dân lao động như trường hợp khảo sát tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì phần nhiều họ bị mù chữ hoặc biết đọc, biết viết rất ít chữ Khmer và chữ Việt. Họ có sử dụng điện thoại thông minh nhưng phần nhiều là dùng để liên lạc, chứ không thể viết trên Facabook, một phần vì lo ngại vấn đề hạn chế trong học vấn của mình. Chính vì vậy, họ không thể trao đổi với chư tăng trên Facebook hay Messenger, trong khi đó cuộc sống xa nhà khiến cho họ luôn gặp nhiều trắc trở, lo toan, bao gồm cả nổi lo về cha mẹ già yếu ở quê nhà không ai chăm sóc hay việc họ chưa thể tổ chức một đám phước cầu siêu cho cha mẹ đã khuất trong khi những người Khmer khác ở trong sóc đã thực hiện rồi. Nổi lo kéo dài thường tạo ra tâm lý bất ổn cho những người Khmer di dân lao động, khủng khoảng tâm lý thường xuyên xảy ra đã khiến cho họ có xu hướng quay về lại quê nhà khi họ thấy số tiền lương dành dụm có thể đủ để mua một đôi bò hay một công đất.
Việc xây dựng các hội đoàn Phật tử hay nhóm Phật tử nhằm kết nối giữa cộng đồng Khmer và nhà chùa cũng là một giải pháp được các chùa Khmer thực hiện trong thời gian gần đây. Phương thức thực hiện là chư tăng nhờ một người Khmer thường xuyên đến chùa làm đầu mối để kết nối với những người Khmer khác trong khu vực cư trú của anh ta. Giải pháp này đạt được hiệu quả cao như
nhà chùa có thể thông báo đến các nhóm Phật tử những sự kiện diễn ra theo định kỳ. Đồng thời các nhóm Phật tử Khmer cũng tự tìm đến chùa lễ Phật, xin vấn an từ chư tăng mỗi khi họ thu xếp được thời gian. Tuy nhiên, phương thức này chỉ có hiệu quả ở thành phố Hồ Chí Minh, vì những người Khmer di dân lao động ở đây có thể đến chùa Chantarangsey ở quận 03 hay chùa Pôthivông ở quận Tân Bình. Song ở Bình Dương và Đồng Nai, người Khmer không thể đến thành phố Hồ Chí Minh được vì khoảng cách tương đối xa, còn tại các địa phương này thì không có chùa Khmer. Tuy nhiên, nhà chùa cũng có những thay đổi linh hoạt như trường hợp lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ trong những ngày Sel Dolta thì tổ chức thuyết pháp và cúng lễ vào cả ban ngày và ban đêm để có thể đón nhận số đông người Khmer đến dự sau khi họ tan ca. Những người Khmer làm việc tại Bình Dương và Đồng Nai có thể đến tham dự lễ hội Sel Dolta quan trọng nhất về thực hành phong tục báo hiếu với ông bà cha mẹ họ. Quảng đường đến thành phố Hồ Chí Minh dù sao đi nữa cũng gần hơn hành trình trở về miền Tây của họ.
- KẾT LUẬN
Hiếu thảo ông bà, cha mẹ được xem là tiêu chuẨn đạo đức hàng đầu của người Khmer. Cơ cấu tổ chức của xã hội Khmer truyền thống đã trở thành một quy chuẨn để Phật giáo Nam tông Khmer tiếp cận trực tiếp với từng hộ gia đình người Khmer trong việc duy trì và phát huy giá trị đạo đức hiếu nghĩa của họ. Trách nhiệm báo hiếu cho cha mẹ thường được ca ngợi ở người con trai qua tục tu báo hiếu theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer và phong tục chỉ có con trai mới được làm sư của người Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên, trên phương diện đời sống gia đình thì vai trò trực tiếp chăm sóc cha mẹ già thường được ủy thác cho người con gái út theo tục mẫu hệ của người Khmer. Trước tác động của nền kinh tế thị trường, những giá trị hiếu nghĩa của người Khmer cũng bị mai một do sự thay đổi của môi trường sống, di dân lao động và thay đổi nhận thức. Phật giáo Nam tông Khmer đã thể hiện những nổ lực đáng kể trong công tác Phật sự, hoằng pháp nhằm duy trì nền tảng đạo đức hiếu nghĩa của người Khmer đối với ông bà, cha mẹ của họ. Những nổ lực nhằm kết nối người Khmer di dân lao động đến với ngôi chùa tuy đạt được những kết quả khiêm tốn nhưng nó cũng đã thể hiện tính năng động của chư tăng Khmer trong công tác hoằng pháp của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Anh Vũ (2016), “Hành trình mưu sinh trên đất khách: sinh kế và bản sắc”, trong Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 2), Những người thiểu số ở đô thị: lực chọn, trở thành, khác biệt, NXB Tri thức.
Phan Anh Tú (2014), “Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở Nam Bộ: Nhìn từ sinh thái học Phật giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 05 (131), tr. 61- 69.
Phan Thị Yến Tuyết (2010), “Tâm thức ứng xử với nước của người Khmer qua lễ hội Ok Angbok – tiếp cận sinh thái văn hóa”, Tờ tin khoa học – Đại học Trà Vinh, số 07, tháng 02 năm 2010.
UBND huyện Trà Cú (2001), Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
UBND huyện Trà Cú (2011), Phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
UBND tỉnh Trà Vinh (2015), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Trà Vinh 5 năm (2011-2015).
Ủy ban Nhân dân huyện, Huyện ủy Trà Cú (2016), Báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015.
Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Biên (2015), Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015.
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Chính sách xã hội: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Khoa học Xã hội.
Viện Văn hóa (1993), Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Văn hóa Dân tộc.