167
KINH BỔN SANH VÀ KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Nguyễn Thị Minh Phát (SC. Thích Nữ Tuệ An)*
TÓM TẮT
Không ai phủ nhận vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng. Một gia đình hạnh phúc hay không được hạnh phúc, một tổ chức của một đoàn thể nào đó bình an hưng thịnh hay không, môt đất nước an ninh hòa bình thịnh vượng hay không v.v… đều do người lãnh đao có yếu tố quyết định tất cả. Đức Phật với trí tuệ siêu phàm và lòng từ bi vô phân biệt đã lãnh đạo Phật giáo thời ấy rất an bình và hưng thịnh. Là người lãnh đạo trong xã hội phức tạp hiện nay, chúng ta sẽ học được kĩ năng lãnh đạo tài ba của Ngài qua kinh Bổn Sanh.
***
Kinh Bổn Sanh là tập hợp những mẩu chuyện kể về những sự việc hiện tại là tiền đề để Đức Phật liên hệ đến câu chuyện tiền thân mang tính phức hợp. Những sự việc xảy ra trong hiện tại dưới sự chứng kiến của Đức Phật, Đức Phật người lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ đã lấy tình thương và sự hiểu biết để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp. Không những giải quyết những vấn đề trong hiện tại mà với con mắt tuệ giác của Ngài đã thấy biết bao đời quá khứ của mọi người, Ngài liên hệ đến câu chuyện tiền thân. Tiền thân của Đức Phật là quá trình tu tập thực hành hạnh Bồ tát của Ngài. Đức Phật ngay trong đời hiện tại hay trong câu chuyện tiền thân đều là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Trong những tình tiết xử lý vấn đề của những câu chuyện, chúng ta học hỏi được sự khéo léo tài ba của Đức Phật. Đặc biệt vì sự hòa bình thịnh vượng của một một
*. NCS. TS, Ngành Ngôn ngữ Văn học Tôn giáo, Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc.
gia đình, của một tập thể, của một tổ chức, của một quốc gia, của một thế giới, những người lãnh đạo cần được quan tâm và ứng dụng nó. Những câu chuyện kinh Bổn Sanh nằm trong kinh điển Nikaya do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Tiểu Bộ từ tập 4 đến tập 10. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ chọn những câu chuyện thuộc phẩm Apanaka tập 4 để trình bày và dẫn chứng.
- XÁC ĐỊNH VAI TRÒ LÃNH ĐẠO VÀ KIÊN ĐỊNH TÍN NIỆM
Là một người lãnh đạo cần thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của mình để điều hành, giải quyết sự việc một cách thông suốt, nhịp nhàng và tốt đẹp. Như Đức Phật Ngài đã khẳng định vai trò vị trí lãnh đạo của mình qua câu chuyện Chuyện Tiểu Triệu Phú (Tiền thân Cul- lakasetthì). Câu chuyện kể về người em sau khi bị người anh đuổi ra khỏi tinh xá trỏ về đời sống thế tục, Thế Tôn biết việc này và hỏi người em duyên cớ sự việc, người em trình bày xong, Đức Phật khẳng định vai trò của mình bằng cách nói và hỏi người em rằng “Này Cullapanthaka, con xuất gia với Ta. Khi anh con đuổi, sao con không đến gặp Ta? Con sống tại gia để làm gì? Hãy đến sống gần Ta”. Người lãnh đạo cần khẳng định rõ vai trò của mình và hướng dẫn mọi người theo sự chỉ đạo của mình.
Người lãnh đạo cần hướng dẫn người dưới sự lãnh đạo của mình tuân theo chủ trương, phương hướng hoạt động đã đề ra, và điều cần lưu ý là kiên định với niềm tin mình đã theo. Niềm tin ở đây là niềm tin chánh tín, có khoa học, có mục đích đạt đến. Niềm tin của một người xuất gia là tu học giải thoát; niềm tin của một thương gia là làm giàu chân chính, niềm tin của một giáo viên là học trò có thể tiếp thu kiến thức mình truyền trao và không ngừng nỗ lực truyền trao kiến thức cho họ v.v… Người lãnh đạo luôn hướng tới mục đích đã vạch ra để khuyên tấn người khác dưới sự lãnh đạo của mình. Đức Phật luôn hướng các vị tỳ kheo đến sự giác ngộ giải thoát. Như câu chuyện “Chuyện Bãi Sa Mạc (Tiền thân Vannupatha)” Đức Thế Tôn đã răn nhắc một vị Tỳ kheo đã không cố gắng thực hành giáo pháp để đạt mục đích tối hậu, Ngài dạy “Này Tỷ-kheo, vì sao sau khi xuất gia trong Giáo pháp như vậy, ông lại không biết sống ít dục, tri túc, viễn ly hay tinh tấn, nhưng lại là người từ bỏ tinh tấn?”. Do vậy, người lãnh đạo hãy là tín đồ trung thành với niềm tin của mình.
- THẨM ĐỊNH VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHƯ SỰ THẬT
Một người lãnh đạo khi giải quyết một sự việc gì, cần phải thẩm định lại sự thật của sự việc. Từ ngàn xưa biết bao trung thần bị oan khi một vị vua không anh minh nghe lời sàm tấu của nịnh thần mà phán xét trung thần vô tội. Và trong bối cảnh xã hội toàn cầu hiện nay, áp lực công việc, áp lực kinh tế, áp lực nhân sự thì sự tranh chấp, kiện tụng, vu khống, hãm hại lẫn nhau, thậm chí tranh đoạt sát hại lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Người lãnh đạo khi giải quyết vụ việc cần phải xác minh lại sự thật và phán xét đúng với sự thật. Đức Phật nhân danh là bậc đạo sư tối thượng, Ngài luôn nói lên sự thật chân lý mầu nhiệm và hướng dẫn người có duyên với ngài đi theo con đường chân lý nhiệm mầu ấy. Như câu chuyện 500 vị tiểu triệu phú bạn của ông Cấp Cô Độc trong Chuyện Pháp Tối Thượng sau khi quy y Tam bảo và trong thời gian Đức Phật đi vắng đã phá vỡ pháp Tam quy y rồi quay trở lại quy y ngoại đạo mà trước đây họ đã quy y. Sự việc này được ông Cấp Cô Độc trình lên Đức Phật khi Đức Phật quay trở về Tinh Xá. Sau khi nghe xong Đức Phật đã hỏi lại những người đó rằng: “Này các nam cư sĩ, có thật chăng các ông đã phá vỡ Tam quy y, và đi theo quy y ngoại đạo?” Sau khi đã thẩm định xong sự việc, Đức Phật đã phán quyết bằng lời dạy rất rõ ràng hợp chân lý, Ngài dạy 500 vị tiểu triệu phú rằng “Với sự phá vỡ quy y như vậy, các ông đã làm một việc sai lạc” và giảng cho họ nghe về pháp tối thượng. Sự việc này là tiền đề để Đức Phật liên hệ đến câu chuyện tiền thân, vào thờ quá khứ Ngài là vị Bồ tát sanh trong gia đình thương gia, làm chủ đoàn lữ hành đi buôn, khi đi qua con đường hiểm dữ nhiều sa mạc, bị loài phi nhân trá hình dụ dỗ đổ hết nước dự trữ, họ nói rằng “Từ chỗ khởi hành cho đến chỗ này, bạn đã mang nước là tốt. Nhưng từ chỗ này trở đi, không cần phải mang nước nữa. Từ phía trước mặt có nhiều nước. Hãy đập vỡ các ghè nước, để đi cho thoải mái”. Bồ tát là người có đầy đủ trí tuệ phương tiện thiện xảo, biết chúng là phi nhân muốn hại người, nhưng đoàn tùy tùng tin tưởng lời nói của quỷ Dạ Xoa là thật, nói với Bồ tát rằng “Thưa ông chủ, những người này chỉ cho thấy đằng kia là dãy rừng xanh. Phía ngoài xa khu rừng ấy, trời luôn luôn mưa. Họ đội trên đầu những vòng hoa sen xanh và hoa súng; họ cầm những bó hoa sen đỏ và trắng; họ hái các củ sen và cọng sen; áo bị ướt, đầu bị ướt; họ đi với những giọt nước rơi chảy. Vậy chúng ta hãy đổ nước đi, khiến cho các cỗ xe được nhẹ, chúng
ta đi mau hơn”. Bồ tát nghe họ nói như vậy, liền cho dừng các cỗ xe, họp tất cả bọn người lại và hỏi những câu hỏi để thẩm định chúng không phải là người mà là Dạ xoa, Bồ tát phán quyết “Chúng không phải là người. Chúng là quỷ Dạ-xoa. Dạ-xoa đến và nghĩ: Chúng ta xúi đoàn người đổ nước, và khi đoàn người yếu sức, chúng ta sẽ ăn thịt họ! Vì người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ tuổi đi trước không có thiện xảo phương tiện, chắc chắn bị chúng xui đổ nước đi và khi mệt nhọc, họ đã bị quỷ Dạ-xoa ăn. Còn năm trăm cỗ xe được để lại đựng đầy hàng hóa như trước. Hôm nay, chúng ta sẽ thấy chúng nó. Ðừng đổ đi, ngay cả một bụm nước cũng phải gìn giữ. Hãy đi tới, càng mau càng tốt”.
Ngày nay đời sống văn minh, kỹ thuật hiện đại, mạng lưới xã hội dày đặc, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão v.v… làm cho chất lượng sống con người được nâng cao, quan hệ xã hội con người được rộng hơn, gần gũi hơn nhờ phương tiện mạng xã hội. Bên cạnh đó, đời sống tâm linh, đời sống đạo đức của con người vẫn là vấn đề đang được cảnh báo phòng ngừa. bởi kĩ thuật tinh vi, hành vi đạo đức không được tu dưỡng, nạn lừa đảo ngày càng tăng, nạn hại nhau cũng lắm. Do vậy, người lãnh đạo cần có con mắt tuệ giác để bảo vệ người khác không bị các nạn và cũng phòng ngừa cao độ để thuộc hạ của mình không bị hàm oan bởi kẻ xấu.
Liên quan đến câu chuyện của một vị Tỳ kheo sau khi nhận đề tài thiền quán từ bậc đạo sư rồi vào rừng sâu quán chiếu tu tập nhưng không đạt kết quả như mong đợi, vị Tỳ kheo này đã từ bỏ chốn rừng sâu và trở về với ý nghĩ là chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn sẽ tốt hơn. Biết được sự việc này, các vị đồng tu dẫn vị Tỳ kheo ấy gặp Đức Thế Tôn trình bày sự việc. Đức Phật nghe xong liền hỏi lại vị Tỳ kheo ấy rằng: “Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đã từ bỏ tinh tấn?”. Sau khi thẩm định sự việc Đức Phật dạy vị Tỳ kheo ấy rằng: “Này Tỷ-kheo, vì sao sau khi xuất gia trong Giáo pháp như vậy, ông lại không biết sống ít dục, tri túc, viễn ly hay tinh tấn, nhưng lại là người từ bỏ tinh tấn?”. Rồi Đức Phật liên hệ đến sự việc đời quá khứ cũng liên quan đến hạnh tinh tấn, Ngài nói: “Do sự tinh tấn của một mình ông, mà trong bãi sa mạc toàn cát, đoàn người và đàn bò của năm trăm cỗ xe đã được nước uống, đã sống an lạc. Nay vì sao ông lại từ bỏ tinh tấn?”. Chúng ta thấy Đức Phật khi nghe một sự việc gì ở người khác nói về một người khác, Đức Phật đều ghi nhận và thẩm định giải quyết vấn đề với chính người đương sự, Ngài không khi nào không thẩm
định sự thật với đương sự trước khi giải quyết vấn đề. Học theo kĩ năng của Đức Phật, người lãnh đạo nên thẩm định lại sự việc với đương sự trước khi giải quyết vấn đề. Làm được điều này chúng ta giải quyết vấn đề được công minh. Người lãnh đạo hãy như vị thẩm phán công minh, vì sự công bằng cho mọi người.
- BIẾT RÕ NĂNG LỰC VÀ ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC
Khi chúng ta điều hành một sự kiện gì, cần có phương pháp tổ chức và điều hành nhân sự. Người lãnh đạo cần biết rõ khả năng và tiềm năng của người được chỉ đạo. Năng lực biết khả năng của người khác là điểm chốt yếu để điều hành nhân sự, thấy được tiềm năng của người khác là nhân chính để phát triển sự nghiệp. Đức Phật bậc chánh đẳng giác, thấy biết rõ như thật khả năng và tiềm năng của người khác, nên Ngài rất thành công trên con đường hóa độ nhân thế. Ngài thấy rõ khả năng của Cullapanthaka trong giáo pháp của Ngài mà người anh của Cullapanthaka không biết khả năng em mình và do không thấy được khả năng tiềm ẩn của người em nên đã đuổi người em ra khỏi tịnh xá trở về đời sống thế tục vì cho rằng người em học chỉ một bài kệ còn không thuộc thì không thể chứng được quả Thánh. Duyên lành thay được Đức Phật quán chiếu thấy rõ việc này và hướng dẫn người em tu tập, và người em đạt quả A La Hán. Liên hệ đến đời quá khứ, tiền thân của Cullapanthaka là vị đệ tử của ông Tiểu Triệu Phú cũng nhờ mắt tuệ của ông mà vị đệ tử này có được món tài sản lớn. Học đức trí của bậc đạo sư trong Chuyện Tiểu Triệu Phú có khả năng nhìn thấu nhìn suốt tâm can của người khác và có chức năng khơi dậy tiềm năng của họ để họ có thể tiến xa hơn có thể, Người lãnh đạo cần con mắt tuệ để chiếu soi năng lực của người khác.
Bên cạnh người có khả năng lãnh đạo, ở đây chúng ta liên tưởng đến việc người không có khả năng lãnh đạo lại muốn lãnh đạo. Những người lãnh đạo như vậy chỉ làm cho công việc thêm rối ren, trì trệ, khập khiễng, không đem đến lợi ích chung, làm cho vấn đề xấu hơn thêm. Như câu chuyện Chuyện Đấu Gạo trong kinh Bổn Sanh, cả đời này và đời trước Udayi là người thiếu hiểu biết, thích làm rộn lên trong chúng khi phân chia lúa gạo, người này không biết cách phân chia người như thế nào thì được gạo tốt, người như thế nào thì được gạo xấu. Khi người này làm rộn lên trong phòng và
người đang có trách nhiệm phân chia lúa gạo đưa người này phân chia. Do không hiểu cách thức phân chia nên đã phân chia không đúng theo hạ lạp của từng vị tỳ kheo và họ đã bị hao tổn bởi sự phân chia không đúng đó. Đời trước người này cũng là một người ngu si thiếu hiểu biết, nhận trách nhiệm định giá mặt hàng cho nhà vua, người này định giá chỉ một đấu gạo bình thường không đáng giá mà bằng cả thành Ba La Nại vô giá, vì sự định giá một cách ngu si thiếu hiểu biết này đã làm cho quần thần chê cười. Trong cuộc sống xã hội ngày nay, nếu một cá nhân nào lâm vào hoàn cảnh như trên thì tốt nhất ta hãy vì lợi ích chung của số đông, ta không nên nhận trách nhiệm lãnh đạo. Do vậy, người lãnh đạo không thể không có sự hiểu biết.
- BẢO VỆ SỰ AN TOÀN VÀ BỐ THÍ SỰ KHÔNG SỢ HÃI
Có rất nhiều đe dọa đến từ cuộc sống của chúng ta, mối đe dọa về sự an ninh, mối đe dọa từ kinh tế, mối đe dọa về sự lợi ích cá nhân, mối đe dọa từ thiên tai v.v… những mối đe dọa ấy không đâu là không có, khắp nơi trên quả địa cầu mà loài người sinh sống đều đã xảy ra, đang xảy ra, sẽ xảy ra và chúng làm nên sự bất an, lo lắng, sợ hãi đến với mỗi người. Là người lãnh đạo, cần phải bảo vệ sự an toàn cho mọi người, có những lời kêu gọi, những hành động thiết thực để giữ an toàn cho mọi người, đem sự vô úy thí đến với quần chúng vì sự an tâm của họ. Như vị Bồ tát trong Chuyện Pháp Tối Thượng đã lãnh đạo đoàn lữ hành rất tài ba khiến cho cả đoàn được an toàn khi đi qua con đường dài đầy hiểm nạn, đi qua các bãi sa mạc, sa mạc trộm cướp, sa mạc thú dữ, sa mạc không có nước, sa mạc phi nhân và sa mạc không có đồ ăn. Vì bảo vệ sự an toàn cho mọi người khi đi qua chỗ lạ nhiều nguy hiểm, Bồ Tát dặn đoàn tùy tùng: “Nếu không hỏi ta, thì một bụm nước cũng không được dùng. Có nhiều cây độc trong bãi sa mạc, không một ai trong các chú được ăn lá, hoa, hay quả chưa ăn từ trước, mà không hỏi ta”. Khi đi đến chỗ lạ chúng ta thường rất cẩn trọng trong mọi việc, vì sợ có nhiều nguy hại có thể xảy ra. Ngày nay chúng ta có đầy đủ phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đi đâu đến đâu, chúng ta tìm hiểu văn hóa đất đai phong tục ở đó dễ dàng, nên sự an toàn có phần được chuẩn bị trước. Ngày xưa thì cần dựa vào người thông tinh kim cổ, học rộng uyên bác hướng dẫn. Và Bồ tát tiền thân Đức Phật đã rất cẩn trọng vì sự an toàn cho mọi người mà dặn dò kĩ lưỡng đoàn tùy tùng phải
hỏi ngài trước khi ăn hoa lá quả lạ trong rừng. Và đến khi gặp loài phi nhân dụ dỗ hãy đổ nước dự trữ cho nhẹ, phía trước toàn rừng xanh có nhiều nước, Bồ Tát thật tài trí biết đó không phải là người và khéo léo trả lời để đảm bảo mạng sống cho cả đoàn, Ngài nói: “Ông hãy đi đi, chúng tôi là người lái buôn. Chưa thấy được nước khác, chúng tôi không đổ nước đã được dự trữ. Chỗ nào thấy nước, chúng tôi mới yên lòng đổ nước đi, làm cho nhẹ các cỗ xe”. Dạ Xoa có ác tâm muốn ăn thịt loài người và giả làm người lương thiện dụ dỗ làm cho hỏng việc và có cơ hội cấu xé thân người để ăn. Nhưng Bồ tát biết rõ điều đó và bảo vệ mạng sống của người một cách an toàn. Ở đây chúng ta liên hệ đến sự bố thí điều không sợ hãi. Bố thí Sự không sợ hãi là cách thức bảo vệ sự an toàn cho mọi người. Thuật ngữ Phật giáo gọi là vô úy thí. Khi một nơi nào đó xảy ra điều bất an do thiên tai hay do tai nạn v.v… thì người lãnh đạo cần có trách nhiệm trấn an mọi người. Qua đó chúng ta thấy Đức Phật trong thân tiền kiếp đã làm những việc lợi ích an toàn cho mọi người, ngày nay vai trò của người lãnh đạo cũng rất quan trọng, có sức ảnh hưởng và có tính quyết định rất cao đến mọi người. Cho nên người lãnh đạo hãy như vị Bồ Tát vào đời độ sanh, hãy đem điều không sợ hãi và an toàn đến với mọi người, vì mọi người cần được bảo hộ từ người lãnh đạo.
5. PHONG CÁCH VÀ PHƯƠNG PHÁP XỬ SỰ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Đức Phật, người lãnh đạo Phật giáo đương thời, Ngài luôn có một phong thái ung dung từ hòa. Ngài luôn tỉnh thức và chánh niệm. Hành động, ý nghĩ, lời nói của Ngài luôn mang đến điều an vui lợi ích cho người khác. Trong kinh thường miêu tả oai thế của Đức Phật giống như dáng oai hùng của con sư tử, một phong cách thật uy hùng. Lời nói của Ngài thì êm dịu làm cho thích thú người nghe. Câu Chuyện Pháp Tối Thượng đã miêu tả: “Rồi giống con sư tử trẻ rống như sấm động ở thung lũng Ðỏ, như mây bão tố trong mùa mưa, như sông Hằng thiên giới (dãi Thiên Hà) ào ào đổ xuống, và như đan dệt một chuỗi châu báu, tuy vậy, với một Phạm âm đầy đủ tám phần tuyệt hảo, kỳ diệu làm tai thích thú, Ngài thuyết pháp cho họ, một pháp thoại dịu ngọt và chói sáng với nhiều vẻ đẹp khác nhau”. Và Ngài cũng rất hiền hòa điềm đạm khi nghe những người bạn ông Cấp Cô Độc đã làm một việc sai lạc là phá vỡ pháp tam quy y và trở lại quy y ngoại đạo, Ngài vẫn phát ra âm thanh dịu ngọt từ tâm từ bi của Ngài, trong kinh ghi lại rằng: “Mở miệng hoa sen của Ngài, như mở
hộp châu báu, đầy những hương thơm sai biệt, thơm với hương thơm chư Thiên, do uy lực nói lời chơn thực, trải vô lượng ức kiếp không gián đoạn, Thế Tôn phát ra âm thanh dịu ngọt và hỏi…”. Chúng ta thấy Đức Phật không hề giận dữ, trách mắng khi người khác làm sai, mà lời Ngài dạy bảo chất chứa tình thương, tình thương này có tác dụng làm cho con người trở về với chánh đạo. Trong kinh Bổn Sanh rất nhiều câu chuyện đề cập đến ngôn hạnh của ngài, trong phạm vi bài viết này người viết chỉ trích dẫn câu chuyện Chuyện Pháp Tối Thượng để minh chứng. Thực tế tâm lý học cho thấy lời nói hiền dịu, lời nói dễ nghe, lời nói ái ngữ có tác dụng hiệu quả hơn bao lần so lần lời nói cộc cằn, lời nói chỉ trích, lời nói ra lệnh. Học theo đức tánh hiền thiện của Đấng đạo sư, người lãnh đạo không cao tiếng lớn lời đề cao bản ngã của mình, mà khi nói ra lời gì hãy quán xét từ tâm và dùng lời hòa nhã từ ái với mọi người.
Văn hóa ứng xử luôn luôn được đề cao trong cuộc sống, nó được treo giải thưởng cao nhất là huy chương vàng cho tiêu chí ứng xử. Đức Phật trong tiền kiếp có một câu chuyện về cách xử sự mà chúng ta, đặc biệt là những người lãnh đạo nên đọc và học tập. Xưa kia có vị vua hứa cho vị hoàng hậu thứ hai sau khi sanh hoàng tử một điều ước, và hoàng hậu đã xin cho hoàng tử này được làm vua. Thế nhưng vua cha không chấp nhận vì vua có hai vị hoàng tử sáng chói với hoàng hậu thứ nhất. Vì tránh sự nguy hại có thể xảy ra cho hai vị hoàng tử này, vua bảo hai vị hoàng tử này vào rừng trú ở, sau này vua cha mất rồi về làm vua. Hoàng tử thứ ba biết được sự việc ấy nên cũng đi theo hai anh của mình và vào rừng bị đại nạn con quỷ Dạ Xoa bắt hoàng tử thứ hai và hoàng tử thứ ba vì không hai vị hoàng tử này không biết thiên pháp. Đến lúc hoàng tử thứ nhất đã khuất phục được quỷ Dạ Xoa bởi bài kệ Thiên Pháp. Và quỷ Dạ Xoa bày tỏ tâm tịnh tín muốn trả lại cho hoàng tử một người em, nó hỏi hoàng tử muốn người nào. Hoàng tử nói hãy đem đứa trẻ nhất. Ở đây chúng ta thấy cách ứng xử của vị hoàng tử thứ nhất rất cao thượng, mà quỷ Dạ Xoa còn phải khen ngợi hoàng tử: “Không những biết thiên pháp mà còn xử sự đúng thiên pháp”. Bởi lẽ ra hoàng tử thứ nhất nên cứu hoàng tử thứ hai vì đây là hai anh em ruột, và hoàng tử thứ hai cũng lớn hơn hoàng tử thứ ba thì nên tôn trọng người tuổi lớn hơn, hoàng tử không cứu hoàng tử thứ hai là em ruột mình, mà cứu người em cùng cha khác mẹ với mình, vì hoàng tử nghĩ: “Chính vì
đứa em ấy mà chúng ta đi vào rừng này. Chính vì hạnh phúc cho đứa em ấy mà mẹ nó xin vua cha quốc độ. Và phụ vương chúng ta từ chối, không chấp nhận lời yêu cầu, bằng lòng cho chúng ta sống ở trong rừng với mục đích bảo vệ chúng ta. Ðứa trẻ ấy không nghĩ đến trở về, đã đi theo chúng ta. Nếu như ai nghe được rằng trong rừng, một Dạ-xoa đã ăn nó rồi thì không ai có thể tin được. Chính vì sợ bị quở trách mà ta bảo ngươi đem nó cho ta”. Chúng ta thấy được ở câu chuyện này cách ứng xử rất cao thượng vị tha của vị hoàng tử thứ nhất, đã hi sinh tình cảm thiêng liêng để đổi mạng sống cho điều chính nghĩa. Yếu tố cao thượng này thường sẽ đi kèm với sự hi sinh một cái gì đó. Cách ứng xử của lãnh đạo sẽ rất đẹp và cảm động lòng người khi biết hi sinh một phần riêng tư cho lợi ích chung.
Qua những câu chuyện kinh Bổn Sanh phẩm Apanaka, chúng ta thấy được sự tương tục trong bao đời quá khứ đã tu dưỡng nhân cách đạo đức và vun trồng hạt giống trí tuệ qua sự thực hành hạnh Bồ tát của Đức Phật. Và Đức Phật bậc thầy lãnh đạo Phật giáo tài tình làm cho Phật giáo cực kì hưng thịnh và phát triển vào thời bấy giờ. Sự hưng thịnh và phát triển của Phật giáo trong thời kì đầu dưới sự lãnh đạo của Đức Phật không chỉ thể hiện tri thức mà còn là kỹ năng nghệ thuật tinh tế của Đức Phật. Ngày nay, trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa, người lãnh đạo cần nhận thức giá trị của sự phát triển bền vững, vì sự hiểu biết chung của cộng đồng, vì an vui hạnh phúc của mỗi người mà nêu cao tinh thần học Phật, hành Phật. Và hơn ai hết, người lãnh đạo là người tiên phong trong lĩnh vực này.
***
Tài liệu tham khảo
Thích Minh Châu. (dịch) (1993). Kinh Tiểu Bộ, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Minh Châu, Giới Thiệu Kinh Bổn Sanh (Jàtaka), xem 22.11.2018
https://archive.org/details/Chuyentienthan1.
Nguyễn Hữu Nghĩa. (2016). Tính Chất Phức Hợp Của Chỉnh Thể Văn Bản Chuyện Tiền Thân Đức Phật, Tạp Chí Khoa Học Đại Học Văn Hiến Số 11, tháng 5/2016.