PHẬT GIÁO VÀ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0
Dr. Princy Merlin Peiris*
- DẪN NHẬP
Nhờ sự lan toả kiến thức khoa học rộng khắp, công nghệ ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc. Ngày nay thế giới như một ngôi làng toàn cầu. Người ta có thể dễ dàng quan sát bất kỳ sự kiện nào xảy ra trên thế giới, hoặc nhận được tin tức từ các quốc gia xa xôi trong vòng vài phút. Sự phát triển đáng kinh ngạc đó có thể thấy ở mọi lãnh vực như y học, khoa học và nông nghiệp. Y học đã tiến bộ tuyệt vời với các cuộc phẫu thuật thần sầu để cứu lấy mạng sống con người. Sản xuất nông nghiệp đã gia tăng nhờ phân bón, thuốc trừ sâu, và thuốc diệt cỏ. Công nghệ phát triển đã giúp các bà nội trợ có nhiều công cụ làm việc nhà hơn. Tuy nhiên, hiện nay với đà phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều vấn đề nghiêm trọng đã được đặt ra không chỉ tại các nước đang phát triển mà cả những quốc gia phát triển. Đó là những tác dụng phụ của việc phát triển công nghệ quá nhanh chóng. Tài nguyên thiên nhiên như không khí, nước và đất bị ô nhiễm đã đặt ra vấn đề về sự tồn vong của con người. Động vật và thực vật cũng đang bị đe doạ ở mức độ nghiêm trọng, có nhiều loài đã tuyệt chủng, và nhiều loài khác đang biến đi nhanh chóng. Đó là hậu quả của nạn phá rừng quy mô lớn, khiến cho lớp đất màu mỡ bên trên bị xói mòn lộ ra lớp đá trần trụi bên dưới. Việc sử dụng bừa bãi phân bón hoá học, thuốc trừ sâu và diệt cỏ đã phá huỷ sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn có trong đất, khiến đất canh tác gần như không thể lấy lại được tình trạng ban đầu. Thời
* Người dịch: Nguyễn Thị Kim Nhung
tiết đã thay đổi đến mức báo động với nhiều sự bất thường. Các nhà khoa học dự báo sự nóng lên toàn cầu có khả năng nhấn chìm nhiều nền văn minh biển đảo do sự tan chảy của các tảng băng ở hai cực. Tầng ôzôn đang mỏng dần với những lỗ hổng ngày càng lớn sẽ dẫn đến mối hiểm hoạ cho con người do phải tiếp xúc với các tia bức xạ có hại của mặt trời. Tất cả các tác hại này đều xuất phát từ hoạt động phát triển công nghệ của con người.
Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu. Mọi thách thức đang ở phía trước. Về cơ bản cuộc cách mạng công nghiệp lần
4.0 này khác với 3.0, do đặc trưng có nhiều công nghệ mới đã ra đời. Trong buổi bình minh của cuộc cách mạng này, thế giới đang chào đón các robot và máy móc thế hệ mới. Khi robot được toàn cầu hoá, chúng sẽ tiếp quản những công việc mà con người đang làm. Con người sẽ phải đối mặt với sự thay đổi lớn về xã hội, kinh tế và chính trị. Đó sẽ là những chiếc xe hơi và taxi không người lái, hay những robot làm công việc hàng ngày của công nhân trên dây chuyền sản xuất. Năng suất sẽ gia tăng, nhưng khi đó việc phân bổ thu nhập sẽ trở nên khó khăn do ai cũng muốn có công việc lương cao. Robot sẽ cắt giảm chi phí lao động tại những nước giàu, làm giảm hoặc xoá đi lợi thế lao động rẻ hiện đang có. Ngay những mô hình sản xuất công nghiệp như ngành may mặc có thể cũng sẽ thay đổi, chúng ta có thể mất đi thị trường và công việc. Còn những ngành dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như thiết kế và quảng cáo sẽ có cơ hội phát triển.
Trước những diễn biến này chúng ta cần có kiến thức vững vàng về những thay đổi sẽ xảy ra và điều chỉnh chính sách để khai thác tối đa cơ hội đón đầu. Trong công cuộc công nghiệp hoá ngành dệt vào thế kỷ 18, người ta đã lo ngại rằng sự đổi mới và những tiến bộ công nghệ sẽ gây ra hỗn loạn, nhưng điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại sự giàu có lại có nhiều hơn sự phá rối. Theo báo cáo, năm 2019 này sẽ có tổng cộng 2,6 triệu robot công nghiệp được sử dụng. Lợi ích của robot được cho là bỏ xa lao động con người, vì chúng không biết nghỉ phép, không biết đi trễ, không bị trượt ngã, cũng chẳng cần phân biệt đối xử về tuổi tác, giới tính hoặc chủng tộc.
Do thế giới đã thay đổi nhanh chóng, chúng ta cần phải thay đổi tư duy để có thể chú trọng đến việc phát triển kỹ năng. Với những thay đổi về công nghệ, hệ thống y tế, vận chuyển, thông tin, sản
xuất, phân phối, và năng lượng cũng sẽ thay đổi theo. Giáo dục sẽ thay đổi theo chiều hướng nhấn mạnh đến kỹ năng. Do vậy cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0 này sẽ mang đến những thay đổi to lớn với tốc độ chưa từng có. Hứa hẹn lớn nhất của cuộc cách mạng này là cải thiện chất lượng sống của con người và nâng cao mức thu nhập của mọi người, làm thay đổi bộ mặt xã hội và cách thức kinh doanh trên quy mô toàn cầu. Ở mặt khác chúng ta có thể giả định rằng nền công nghệ mới này sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn trong việc phòng chống thiên tai và xoá đi một số thiệt hại do cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba để lại. Với mục đích đó chúng ta hết sức mong mỏi sẽ có một sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ mới với việc phát triển môi trường bền vững, nhằm mang đến sự hài hoà, hạnh phúc và lành mạnh cho con người.
Những xu hướng mới trong việc phát triển công nghệ cần được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng để nâng cao tổng sản lượng nội địa. Trong phát triển chúng ta phải có năng lượng để vận hành máy móc, có lực lượng lao động để làm việc, có các cơ sở hạ tầng như điện, nước và thiết bị thông tin đầy đủ. Việc đầu tư nước ngoài, các định chế cho vay và nhu cầu về quỹ đất phải được tính toán. Việc phát triển quan hệ với nước ngoài cũng nhất thiết phải được thực hiện. Hơn nữa, còn cần phải có những biện pháp để phòng tránh các yếu tố rủi ro. Sự an toàn của những địa điểm khảo cổ học, động thực vật hoang dã và trữ lượng rừng phải được các cơ quan có thẩm quyền chăm sóc và bảo vệ.
- THÁI ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO
Phẩm tính đạo đức của Phật Giáo sẽ rất hữu ích trong việc làm cho cuộc cách mạng công nghiệp có ích hơn cho con người. Hầu hết các khám phá khoa học đã được Đức Phật phát hiện từ rất lâu, trước khi con người phát minh ra. Đức Phật phát hiện ra các khám phá này không phải bằng kính viễn vọng hay bằng vệ tinh nhân tạo mà bằng chính tuệ giác của Ngài. Nếu cần thiết, Ngài sẽ khám phá ra tất cả những gì mà các nhà khoa học sẽ tự hào nói rằng tôi đã tìm ra bằng những nỗ lực phi thường. Những điều mà Đức Phật không nói ra không phải vì Ngài không biết, mà chỉ vì Ngài không muốn nói những điều không lợi ích cho con người trong việc đi tìm kiếm con đường chấm dứt khổ đau.
Trong một lần Đức Phật và các vị Tỳ kheo đi qua khu rừng Simsapa, Đức Phật cầm một nắm lá lên và hỏi các vị Tỳ kheo: “Các ông thấy nắm lá trong tay ta nhiều, hay lá trong rừng nhiều?”. Các vị Tỳ Kheo trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn lá trong rừng nhiều hơn”. Sau đó Đức Phật nói: “Cũng vậy, này các Tỳ kheo, những gì mà Như Lai biết được nhiều như lá trong rừng, những gì mà Như Lai nói cho các ông ít như lá trong nắm tay. Này các Tỳ kheo, những gì Như Lai biết mà không giảng dạy là do không có lợi ích cho con người. Khi các ông hiểu tường tận những gì ta nói thì tự khắc các ông sẽ hiểu được bản chất của mọi thứ trên đời.”
Có lần Ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggallāna) đã dùng thần thông thực hiện một nỗ lực vô ích để đi tìm đường biên của vũ trụ. Người ta nói tốc độ di chuyển của Ngài lớn hơn nhiều so với tốc độ ánh sáng. Ngài là vị Tỳ kheo đã đạt được thần thông nhờ tu bốn giai đoạn phát triển định lực (iddhipāda) (SN iii PST, trang.288 ). Đức Phật có mặt trên trái đất này đã hơn 2500 năm nhưng Ngài vẫn có thể dẫn dắt chúng ta trong thế giới tốc độ cao hiện nay. Những lời dạy của Đức Phật về xã hội, kinh tế và đạo đức được mô tả trong Tam Tạng kinh điển có thể được áp dụng thành công trong tiến trình làm giảm thiểu những tác hại của công nghệ ngày nay.
- CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA PHẬT GIÁO
Mục tiêu các chính sách kinh tế của Phật Giáo là để xoá đi những cách biệt của khu vực sản xuất, phân phối và tiêu thụ, cũng như để giảm bớt những tác động của nền kinh tế lên đời sống con người, nhằm giúp con người ít bị lệ thuộc hơn. Những sức mạnh kinh tế phải được dùng để phục vụ cho lợi ích chính đáng của con người và cuối cùng mang đến sự giàu có và phúc lợi cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Hệ thống kinh tế của Phật Giáo dựa trên Chánh Mạng, một trong tám chi của Bát Chánh Đạo (Rahula, 1996 P.46). Chánh mạng có mục tiêu nâng sự phát triển con người lên mức cao nhất, dựa trên sự tiêu thụ ở mức thấp nhất. Chánh Mạng đòi hỏi con người lựa chọn một nghề nghiệp không gây tổn hại và không đi ngược lại những giá trị đạo đức, cũng như không làm tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho những chúng sinh khác. Trong thời đại hiện nay, nhiều dự án kinh doanh thành công vượt bậc trong lãnh vực khoa học và công nghệ đã bị đạo Phật lên án là phi đạo đức. Đó là những thương vụ buôn bán rượu bia, vũ khí, ma tuý, hoá chất độc hại và những thứ tồi tệ khác. Kinh doanh những mặt hàng này ngày càng phát đạt và đã đem đến những khoản tiền thuế dồi dào cho những quốc gia phát triển. Những loại hình buôn bán này đã làm lu mờ tâm trí con người khiến họ trở nên vô cảm với những giá trị đạo đức và tâm linh. Thế giới đã chứng kiến những thảm hoạ về sinh thái như Hiroshima, Bopal và nhiều nơi khác, do việc sử dụng vũ khí nguyên tử và các hoá chất nguy hại do chính con người đã tạo ra trong quá trình phát triển. Với lần cách mạng công nghiệp thứ tư này, những thảm hoạ trên đây đã dấy lên nỗi lo ngại về hậu quả nguy hại hơn hẳn những gì chúng ta được biết. Những ngành nghề bất thiện này đã ảnh hưởng xấu lên tâm lý chung của cả hành tinh. Các tôn giáo đã phải dùng mọi cách để làm cho con người thức tỉnh trở lại để có được sự an ổn trong thế giới điên đảo ngày nay. Phật Giáo kêu gọi mọi người đi theo con đường trung đạo trong mọi trường hợp, cố gắng tránh xa những cực đoan trong tư tưởng và hành động, vì đó là những chất xúc tác đem đến đau khổ và bất hạnh. Con người ngày nay với lòng tham không đáy đã khai thác kiệt quệ thiên nhiên khiến cho thiên nhiên trở nên khắc nghiệt với con người. Con người đã không hiểu được thiên nhiên là một hệ sinh thái tổng hợp, tương tác mật thiết với biển cả, không khí, gió và mưa, và được kết nối với nhau bởi luật nhân quả (Paticca Samuppāda3) (Sn. PTS P.123) như Đức Phật đã giảng dạy. Do đó những phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này phải kết hợp với thiên nhiên để xây dựng nên những nền văn minh nhân loại. Phật Giáo đề cao những phẩm hạnh của con đường trung đạo trong tất cả mọi phát triển để làm lợi ích cho con người.
Phật Giáo là một tôn giáo khoa học, trí tuệ và hiện đại của thế kỷ 21 làm cho con người trở nên nhân đạo, yêu thích hoà bình, không ích kỷ và tiến bộ. Đức Phật đã chỉ ra bốn loại hạnh phúc mà con người có thể đạt được khi tham gia kinh tế một cách chân chính (AN ii P. TS. trang 69 ).
- Atthi sukha - Hạnh phúc khi tạo được của cải bằng những phương tiện lương thiện.
- Bhoga sukha - Hạnh phúc khi hưởng những của cải mình làm ra với gia đình và bạn bè trong khi vẫn không quên Phật sự và đóng
thuế đầy đủ.
- Anana sukha - Hạnh phúc khi sống mà không mang nợ ai.
- Anavajja sukha - Hạnh phúc có được từ những hoạt động kinh tế trong sạch, không làm giàu một cách bất công.
Thật vậy, Phật Giáo khuyến khích con người làm giàu bằng các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp hay bất kỳ hoạt động nào đi theo con đường chân chính và hưởng thụ những thứ do mình tạo ra một cách phù hợp.
Theo Phật Giáo con người không nên chấp nhận sự nghèo khổ của mình và đổ lỗi cho kamma hay số phận. Chúng ta nên biết rằng trong tính cách con người có những yếu tố gọi là ārabbha dhātu (yếu tố ban đầu) và parakkama dhātu (yếu tố nghị lực), bằng sự hiểu biết đó chúng ta phải dùng đầu óc của mình cũng như mọi nguồn lực có được để vượt qua nghèo khó. Đức Phật dạy nếu con người có bốn thứ sau đây thì sẽ thành công (AN iv PTS - trang 281).
- Siêng năng làm việc (utthāna sampadā)
- Bảo vệ tài sản một cách đúng đắn (ārakkha sampadā)
- Có được bạn bè tốt (kalyāna mittatā)
- Chi tiêu cân đối (samajīvikatā)
Đầu tiên là siêng năng, đây là điều kiện cần thiết để phát triển bất kỳ công việc nào. Đức Phật dạy dù làm công việc gì từ trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, đến mỹ nghệ, công nhân, quân nhân, nhân viên nhà nước, v.v.. đều cần phải năng động, chăm chỉ, lanh lợi và tháo vát. Người đó phải tự mình là một quản lý tốt, thực hiện công việc của mình một cách kiên trì và trách nhiệm. Điều thứ hai là phải biết giữ gìn những tài sản mà mình đã vất vả tạo ra bằng mồ hôi nước mắt một cách chân chính. Tài sản thường bị mất mát bởi những yếu tố như bị chính quyền tịch thu, bị trộm cướp, bị hoả hoạn, bị lũ lụt hay bị người thân không tốt chiếm đoạt. Điều thứ ba là có được bạn bè tốt. Bạn bè là người ta có thể trò chuyện thân mật, có thể xin ý kiến, hoặc học hỏi từ sự trải nghiệm, sự thông minh, và đời sống tinh thần đáng kính cuả họ. Điều thứ tư là chi tiêu một cách cân đối, điều này đòi hỏi sự nhận biết về năng lực tài chính của mình để có thể liệu cơm gắp mắm, không vung tay quá trán cũng không keo kiệt, bủn xỉn. Người biết chi tiêu cân đối không sa đà vào các cảnh trác táng, nghiện ngập hay cờ bạc. Cần kiệm có thể được xem là một triết lý kinh tế tích cực cho mọi người dù là làm việc công nông hay ngành nghề xã hội khác. Người nào làm được bốn điều kể trên thì việc tích luỹ tài sản sẽ không khó khăn, như người xưa có nói “kiến tha lâu đầy tổ”.
- HIỆU QUẢ THÔNG QUA SỰ NỖ LỰC
Hiểu rõ việc gì cần làm và làm như thế nào thông qua sự nỗ lực là rất cần thiết để phát triển và thành công trong công việc. Phật Giáo không tán thành các nỗ lực ngoài chính mình. Phật Giáo nói về những công việc hay nghề nghiệp chân chánh. Kinh Lời Khuyên Dạy Vyagghapajja (Vyagghapajja sutta) (ANIV PTS. P. 288) dạy về những điều kiện cần thiết để duy trì và tăng cao phúc lợi vật chất và tinh thần của người tại gia sống bằng các nghề như nông nghiệp, buôn bán, chăn nuôi, mỹ nghệ hay công chức nhà nước; nếu họ tài giỏi, không lười biếng và có khả năng tổ chức thì có phước báu làm giàu hay “phước báu nỗ lực”. Đức Phật dạy cần có năm điều sau đây để phát triển nghề nghiệp là:
-
- Chuyên nghiệp và sáng tạo.
- Không lười biếng.
- Sử dụng phương tiện và cách làm hợp lý.
- Nâng cao năng lực bản thân.
- Biết cách tổ chức.
Trong Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Singalovāda Sutta) (DN iii. PTS P.184), Đức Phật đã thuyết giảng về sự nguy hiểm của sáu thói quen lười biếng, viện cớ “lạnh quá”, “nóng quá”, “no quá”, “đói quá”, “sớm quá”, “trễ quá” để không làm những việc phải làm.
Đức Phật đã nỗ lực, tinh cần mới đạt đến giác ngộ. Ngài dạy rằng tất cả khổ đau của chúng sanh đều có thể được chuyển hoá bằng chính nỗ lực của tự thân. Nỗ lực là điều kiện thiết yếu cho sự thành công của mỗi cá nhân và xã hội; thiếu nỗ lực sẽ là một cản trở lớn cho việc tích luỹ tài sản và đạt đến mục tiêu. Đạo Phật không chấp nhận suy nghĩ cho rằng thành công của một người là dựa vào những tác động bên ngoài. Đức Phật dạy sự thành công của cá nhân hay xã hội đều tuỳ thuộc vào nhân quả. Do đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này cũng phải dựa trên nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra để phục vụ lợi ích và phúc lợi của nhân loại.
- SỰ PHÁT TRIỂN NHỮNG PHẨM CHẤT TÍCH CỰC
Phật Giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự thân trong việc đạt đến mục tiêu hay lui sụt. “Tự thân ta vừa ô nhiễm vừa trong sạch. Trong sạch hay ô nhiễm đều tuỳ thuộc nơi ta. Không ai làm cho người khác trong sạch được” (Dhp. trang181 - 82 ). Đức Phật dạy rằng các đấng Như Lai (Tathāgatas) chỉ là người thày chỉ đường, chúng ta phải tự mình bước đi. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm của mình, tuỳ thuộc vào chính mình để giải thoát. Theo Kinh Attakara Sutta (AN iii PTS, trang 338 ) chúng ta cần vượt qua biếng nhác bằng cách vận dụng tinh tấn theo nhiều giai đoạn như tinh tấn khởi động (ārabbha dhātu), tinh tấn triển khai (nikkamma dhāthu), tinh tấn hoàn thành (parakkama dhātu) và kiên trì thực hiện (thāmadhātu thitidhātu) để đạt được mục tiêu đã đề ra. Mặt khác phải nhớ rằng những gì chúng ta làm phải luôn đem đến lợi ích cho bản thân và những người chung quanh.
Trước hết bản thân chúng ta phải thiết lập cho mình hướng đi đúng đắn và sau đó hướng dẫn người khác. Một người khôn ngoan như thế sẽ không bị ô nhiễm. Chúng ta phải nuôi dưỡng, trau giồi những phẩm hạnh tốt, trước khi khuyên người khác làm điều này. Trong Kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta) (MN PTS, trang 43) Đức Phật dạy một người bị sa lầy trong vũng bùn không thể giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. Do vậy, một người có tầm ảnh hưởng trong xã hội phải định hướng con đường đúng đắn cho mình trước, sau đó mới hướng dẫn người khác. Như thế mọi người mới có thể cùng tận hưởng những lợi ích của sự phát triển.
- SỰ HÀI HOÀ GIỮA GIÁ TRỊ TÂM LINH VÀ VẬT CHẤT
Phật Giáo chú trọng đến sự phát triển toàn diện con người về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Kinh Dvicakkhu sutta (AN i PT.S 128-
129) chỉ ra ba hạng người trên thế gian là:
- Người mù mắt
- Người chột mắt
- Người hai mắt
“Người hai mắt” là người vừa có con mắt về tài chính vừa có con mắt về đạo đức, biết cách phát triển cả hai phương diện vật chất và tinh thần trong cuộc sống. “Người chột mắt” là người chỉ có một con mắt hoặc về tiền tài hoặc về đạo đức. Và “người mù mắt” là người mù tịt về cả hai phương diện này. Bài kinh ca ngợi người có hai mắt, và xác định rằng nếu người mù hay người chột thì không thể là người hạnh phúc được. Kinh Vaddhi sutta (ANv. PTS, trang
137) có đề cập đến 10 điều để thành công. Đó là ruộng đất, gia súc, tài sản, vợ con, người phục vụ, sự tự tin, phẩm hạnh, học hỏi, từ tâm và trí tuệ. Trong đó có năm điều thuộc về vật chất và năm điều thuộc về tinh thần. Như vậy Đức Phật đã xem cả hai phương diện vật chất và tinh thần đều quan trọng như nhau trong việc phát triển con người.
Khi nói đến lịch sử các nền văn minh Phật Giáo, chúng ta có thể thấy được sự hài hoà giữa vật chất và tinh thần tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại đất nước Sri Lanka trong thời kỳ đầu, những di tích về mạng lưới thuỷ lợi phức tạp và các kiến trúc của tu viện, bảo tháp, cho thấy sự phát triển vượt bậc về kinh tế của người Sinhalese ở đảo quốc này. Đồng thời nhiều nguồn tư liệu về văn hoá ở trong và ngoài nước cũng cho thấy người Sinhalese ở đây đạt chuẩn mực cao về đời sống tinh thần. Một dòng chữ còn tồn tại cho đến ngày nay tại một ngôi cổ tự tên là “Hetadāgeya” tại Polonnaruwa cho thấy sự yên bình và an lạc của người dân khi hưởng được sự lợi ích do mạng lưới thuỷ lợi lớn nhất nhì thế giới này đem lại. Hệ thống này đã hoạt động một cách hiệu quả khoảng 2.000 năm mà không gặp vấn đề nào về phù sa hoặc nhiễm mặn. Một số kênh có độ dốc chỉ 1 inch trên một dặm đã làm kinh ngạc nhiều chuyên gia thuỷ lợi ngày nay. Đảo quốc này đã tồn tại trong một thời gian dài và có một nền văn minh rất cao do biết sử dụng những giá trị Phật Giáo về quản lý tài nguyên một cách hợp lý và thận trọng. Dòng chữ trên viết rằng vương quốc này rất an ninh, không tội ác và tham nhũng, ngay đến một phụ nữ cũng có thể đi ra đường mang theo cả một rương đá quý mà không chút lo sợ. (Hettiarachchi - 2001, trang 43)
Từ các ghi chép lịch sử, người ta biết được các hoạt động của Vua Asoka (Rahula, 1996 – trang 88) trong việc thúc đẩy tiến bộ về vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân trong nước. Những vị vua Phật Giáo sau đó cũng đi theo con đường mà vua Asoka đã vạch ra. Những hồ nước mênh mông và những hồ trữ nước đồ sộ tại Sri Lankalà những chứng cớ của sự phát triển này. Các quốc gia Phật Giáo như Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản cũng được biết đến với những phát triển tương tự. Điều này cho thấy không hề có xung đột giữa những giá trị tôn giáo và tiến bộ vật chất. Con người có thể dung hoà những giá trị về tinh thần và vật chất, với sự giúp sức của khoa học hiện đại. Do đó nếu dựa trên những mục tiêu đã đề ra cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này chúng ta có thể mang lại sự phát triển đa dạng cho thế giới.
- QUẢN LÝ HIỆU QUẢ
Muốn thành công trong công việc, chúng ta cần đặt tính hiệu quả trong quản lý lên hàng đầu. Người muốn thành công phải có khả năng sắp xếp công việc, và triển khai công việc một cách hiệu quả. Người đó cần có năng lực dựa trên sự học hỏi và kinh nghiệm bản thân, hoặc có một nghề nghiệp giỏi. Trong Kinh Điềm Lành Lớn (Mahā Mangala sutta) (Sn PTS trang 47), việc được học hỏi và có nhiều hiểu biết (bāhusacca) là một điềm lành, một hạnh phúc lớn. Do đó, nếu không học hỏi, người ta khó có thể thành công. Trong kinh này từ “sippa” được hiểu là có nghề nghiệp tốt. Đức Phật dạy rằng những ai làm những ngành nghề không tổn hại chúng sanh là một phước báu. Một phước báu khác là anākula kammanta, tức có công việc không gây xung đột với người khác. Khi có xung đột với người khác thì công việc đó không thể mang lại sự toại nguyện và hạnh phúc, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất và kết quả công việc.
Trong Kinh Từ Bi (Metta sutta) (Sn PTS trang 25), chữ sakko (khả năng) là bước cơ bản của sự phát triển tính cách. Phật giáo cho rằng dù là việc đời hay đạo, một người cần phải có kiến thức và chuyên môn cao, để hoàn thành công việc được giao phó. Khả năng này rất quan trọng ở cả mức độ cá nhân cũng như quản lý. Trong Kinh Singalovada (DN iii PTS.trang 191) có đề cập đến” yathā balam kammanta samvidhānena”, tức “phân công tuỳ theo sức lực người”. Ở đây từ bala (lực) không chỉ hiểu là sức mạnh thể chất, mà còn có ý nghĩa rộng hơn bao gồm các kỹ năng học tập, kinh nghiệm nghề nghiệp, v.v.. Chúng ta không nên để chanda (chấp trước), dosa (sân hận), bhaya (sợ hãi), moha (si mê) (AN i P.TS trang 18) ảnh hưởng đến công việc mình làm, phải luôn biết cách chọn thời điểm thích hợp để tiến thoái một cách khôn khéo. Kinh Suy Đồi (Parābhava) dạy rằng một người nam hay nữ có thái độ ngông nghênh, sẽ không thích hợp để nắm giữ những trách nhiệm về quản lý (Sn PTS. trang 20). Trong mọi ngành nghề những điều nêu trên rất cần thiết để tạo hiệu quả của công tác quản lý.
Tập trung tinh thần là điều kiện cần thiết cho bất kỳ công việc nào. Thực hành thiền định chánh niệm (MN i PTS, trang 55-56) giúp con người tránh được sự trì trệ và lười biếng, mang đến sự tỉnh thức liên tục và rèn luyện được sự nhạy bén. Con người thường không sống trong giây phút hiện tại, mà hay nghĩ về quá khứ, hoặc ước vọng về tương lai với những giấc mơ huyễn ảo. Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna) là một phép quán niệm giữ cho con người sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, ý thức được những gì mình đang làm trong thời điểm hiện tại, tránh rơi vào vòng xoáy vô thức dẫn đến phiền não. Do đó, sự tỉnh thức hay sống trong chánh niệm là điều cần thiết mà mọi người nên thực hành. Sống trong chánh niệm đồng nghĩa với sống không buông thả, không lười biếng, ý thức được trách nhiệm, giữ đúng giờ, và tập trung cao độ để hoàn thành mọi việc một cách hệ thống. Rõ ràng thực hành thiền định sẽ tạo ra những cá nhân năng động cho xã hội, dẫn đến sự tiến bộ của bản thân và cộng đồng.
- CHÂN GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG
Chân giá trị lao động là khái niệm phổ quát được nhiều người biết đến hiện nay. Phật Giáo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lao động trên cơ sở triết học. Vào thời điểm hiện nay lao động tay chân vẫn còn bị coi là thấp kém hơn lao động trí óc. Quan niệm này thường thấy ở những xã hội phân chia giai cấp và từng bị đô hộ. Trong kinh điển Phật Giáo chúng ta từng thấy hình ảnh Đức Phật tự tay tắm rửa và giặt giũ y cho những vị Tỳ Kheo bị bệnh. Các Tỳ Kheo sống tại tinh xá cũng phải vất vả lao động để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, và còn phải tham gia vào nhiều công việc khác như xây dựng và bảo trì tinh xá (Rahula 1993, trang 185). Do đó sự vất vả của lao động tay chân không phải là điều xấu hổ, mà trái lại đó là điều đáng tự hào. Trong
Tam Tạng kinh điển có thể kể ra ba loại lao động:
-
- Lao động tay chân.
- Lao động trí óc.
- Lao động tâm linh.
Lao động tay chân được dùng để làm ra của cải vật chất. Người nông dân trên cánh đồng, người nghệ nhân trong tạo tác là những người dùng đến lao động tay chân. Doanh nhân tổ chức công việc hay nhân viên hành chánh là những người dùng đến lao động trí óc. Hai loại lao động này làm ra của cải phục vụ cho chính mình và mọi người. Riêng lao động tâm linh là loại lao động tự mình kiểm soát những ý nghĩ phát sinh trong tâm để loại bỏ những tư tưởng bất thiện, và nuôi dưỡng tư tưởng thiện. Đây là loại lao động mang lại sự an lạc cho chính bản thân người thực hành cũng như người chung quanh.
Phật Giáo không quan niệm công nhân chỉ là một món hàng để mua bán. Để nói về lực lượng lao động, kinh điển Phật Giáo dùng cụm từ “dāsakammakara porisa”, tức “người thợ” bao gồm công nhân, người phục vụ và người làm công. Trong kinh Attakamma sutta những người thợ này được gộp chung với vợ và con của người chủ. Kinh dạy rằng bổn phận của người chủ là phải đối xử với người thợ như đối xử với vợ con mình. Kinh Singalovāda sutta dạy chi tiết hơn về mối quan hệ giữa chủ và thợ. Người chủ có 5 bổn phận đối với người thợ như sau:
- Giao việc đúng khả năng.
- Trả lương và cung cấp thức ăn.
- Chăm sóc y tế khi đau bệnh.
- Chia sẻ những món ăn ngon.
- Tuỳ thời cho nghỉ phép.
Người chủ phải biết khả năng của người thợ. Không chỉ về mặt thể chất mà cả về mặt trình độ, kinh nghiệm, những điểm mạnh yếu, sự trung thực, khả năng gánh vác công việc, cùng những đặc điểm về tâm lý hay tính cách. Nếu giao cho người thợ một việc quá nặng nhọc, hay bắt họ làm việc quá sức hoặc những công việc không phù hợp với khả năng thì có thể xem như là bóc lột sức lao động. Một bổn phận khác của người chủ là phải cung cấp thức ăn và trả lương đầy đủ. Kinh điển Phật Giáo có nhắc nhở người chủ không được bắt thợ làm việc quá sức và phải linh hoạt sắp xếp ca làm việc và cho họ được nghỉ phép khi cần thiết. Nếu những nguyên tắc này được tuân thủ thì sẽ không còn tệ nạn bóc lột sức lao động và người thợ sẽ hết lòng làm việc. Ở chiều ngược lại, Kinh Singalovāda sutta cũng liệt kê 5 bổn phận của người thợ đối với chủ:
- Thức dậy sớm làm việc.
- Đi ngủ trễ hơn chủ.
- Không ăn cắp.
- Chu toàn nhiệm vụ.
- Giữ thanh danh cho chủ.
Thật vậy, khi người chủ và người thợ cùng làm tốt bổn phận của mình thì hai bên đều hài lòng nhau và người thợ sẽ làm việc cật lực. Tuy nhiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này có thể người thợ sẽ được thay thế bởi các robot. Nhưng ngay cả khi làm được việc đó thì vẫn cần đến sức người.
- THÀNH CÔNG CỦA SỰ NỖ LỰC
- Biện pháp bảo vệ
Khi bắt tay vào một dự án mới người ta cần có các biện pháp bảo vệ để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Ví dụ khi nông dân lên phương án trồng trọt họ cần phải có một hệ thống cấp và thoát nước. Rồi phải dự đoán mưa lũ và các biện pháp khắc phục trước khi bắt tay vào hoạt động. Người làm việc với các thiết bị và vật liệu dễ cháy nổ phải chuẩn bị đối mặt với mọi tình huống liên quan đến hoả hoạn. Mọi quy trình hoạt động phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không được làm qua loa, dối trá vì những cung cách làm việc này là vi phạm luật pháp. Mọi người cần tránh xa những hành động phạm pháp. Theo Kinh Vyagghapajja sutta, làm như thế là ārakkha sampadā, tức là “bảo vệ”. Trong mọi dự án dù là công nghiệp hay nông nghiệp tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do đó Đạo Phật dạy rằng những biện pháp bảo vệ là tối cần thiết.
-
- Vị thế đặc biệt của con người
Con người có một vị thế đặc biệt so với các loài sinh vật khác, đó là khả năng có thể thành Phật. Con người có thể tự chấm dứt mọi khổ đau để đạt đến giải thoát. Theo Phật Giáo không có sinh vật nào sánh được với con người về mặt trí tuệ và tiềm năng giác ngộ. Do có vị thế đặc biệt, con người nhận thức được tiềm năng vô hạn của mình, nên cần phải có lòng khiêm cung và ý thức trách nhiệm trong mọi hành xử của mình. Do có khả năng nhận biết giữa thiện và bất thiện, con người phải sống đạo đức, phải biết tiết chế trong các hoạt động kinh tế, nghĩa là phải tránh xa mọi sự bóc lột từ vật đến người và ngay cả đến môi trường.
Trong Kinh Giáo Giới La Hầu La Ở Rừng Ambala (Ambalatthika Rāhulovāda sutta) (MN i. P. 415 -16) Đức Phật dạy con người nên làm những điều đem lại lợi ích cho bản thân và những chúng sanh khác và không nên làm những việc bất thiện. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) cũng nêu ra những tiêu chí tương tự. “Mọi người sợ hình phạt. Mọi người sợ tử vong. Lấy mình làm ví dụ. Không giết, không bảo giết”. Tương tự như thế khi sử dụng khoa học hiện đại, điều cần thiết là con người không nên làm những việc gì có ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên hay ô nhiễm môi trường.
- KẾT LUẬN
Phật giáo khuyến cáo khuynh hướng tham dục của con người. Con người do không biết đủ nên bị chìm đắm trong đau khổ. Phật Giáo gửi một thông điệp quan trọng đến con người đương đại, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, nơi mà các phát minh khoa học được sử dụng như một công cụ để thoả mãn những đòi hỏi bất tận của con người, trong khi ở mặt ngược lại nguồn tài nguyên thiên nhiên thì có hạn. Rõ ràng là khoa học và công nghệ đã không đủ sức để thúc đẩy một trật tự xã hội ổn định và hài hoà, có thể làm cho con người có cảm giác an toàn. Chỉ khi nào con người nhổ được tam độc tham sân si và thay bằng không tham, không sân, không si, hay thể hiện chúng dưới dạng tích cực hơn bằng lòng từ bi và trí tuệ thì xã hội mới được yên bình và hài hoà. Khi đó những phát minh hiện đại mới thật sự đem lại lợi ích cho con người.
***
TƯ LIỆU THAM KHẢO:
Nguồn tư liệu gốc
- Anguttara Nikāya i edited by A.K. Warder, P.T.S 1961
- Anguttara Nikāya ii edited by Richard Moris, P.T.S 1955
- Anguttara Nikāya iii edited by E.Hardy, P.T.S 1976
- Anguttara Nikāya iv edited by E. Hardy, P.T.S 1979
- Dhammapada edited by A. Hewamadduma and rest, central cultural fund 1997.
- Dīgha Nikāya iii edited by J.E. Carpenter P.T.S. 1976
- Majjhima Nikāya i edited by V. Trenckner P.T.S.1979
- Samyutta Nikāya v. edited by M. Lean Feer P.T.S.1976
- Sutta Nipāta - edited by Anderson and Smith P.T.S.1979.
Nguồn tư liệu thứ cấp
- Hettiarachchi, D. (2001) Buddhist Economic Philosophy 1st Edition, Education Publications Department, Battaramulla.
- Rahula, W. (1993) History of Buddhism in Ceylon, 3rd Edition, Buddhist Cultural Centre, Nadimala, Sri Lanka.
- (1996) What the Buddha Taught, 3rd eEdition, Buddhist Cultural Centre, Nadimala, Sri Lanka