129
PHẬT GIÁO TRONG VAI TRÒ CHỦ ĐẠO HƯỚNG ĐẾN SỰ LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU NHẰM CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM VÌ MỘT XÃ HỘI BỀN VỮNG
HT. Thích Huệ Thông*
Cách đây hơn 25 thế kỷ, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thuộc vùng Népal của Ấn Độ cổ đại xuất hiện một bậc vĩ nhân, đó là Thái tử Tất Đạt Đa (Sidhatta) con vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và Hoàng hậu Ma Gia (Maya), ngài là hậu thân của Bồ tát Hộ Minh, ngay trong đời ngài đã tu hành thành Phật dưới cội Bồ đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni; cuộc đời của ngài từ lúc đản sanh cho đến khi nhập niết bàn đều mang ý nghĩa tỉnh thức và giác ngộ, ngài đã biểu hiện nhân cách tuyệt vời bằng sự nỗ lực tu hành giải thoát và lợi ích chúng sanh.
Hôm nay, ngày trăng tròn tháng Tư năm Kỷ Hợi Pl. 2563, Dl. 2019 Tăng Ni Phật tử Việt Nam cùng những người con Phật trên toàn thế giới hân hoan đón mừng Đại lễ kỷ niệm ngày Khánh đản, ngày xuất hiện trên đời của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đấng Điều Ngự Đại Pháp Vương đem ánh đạo vàng cứu độ chúng sanh tìm về bến giác.
Trong mười danh hiệu cao quý tột bậc của đấng Điều Ngự Đại Pháp Vương, “Điều ngự trượng phu” là khả năng điều phục và chế ngự của bậc đại trượng phu, Đức Phật không chỉ tự điều phục và chế ngự tâm mình mà ngài còn khéo điều phục được tất cả chúng
sinh, ngài giúp con người xả ly tham ái phiền trượt, tỉnh thức thế nhân hướng đến chân trời giác ngộ, mang nguồn sống chân hạnh phúc đến cho nhân loại.
Trong ý nghĩa thiêng liêng và tích cực từ thông điệp tình thương và tuệ giác của Đức Phật, trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của ngày Đại lễ Phật đản, trước hết chúng ta hãy cùng nhau hướng về Thánh địa Lâm Tỳ Ni lắng lòng đón nhận suối nguồn đại bi và ánh sáng tuệ giác mà bậc chí tôn đã thị hiện nơi đời, chan hòa trong niềm hỷ lạc vô biên đó, chúng ta hãy cùng nhau thành tâm nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Mục đích ra đời của Đấng Từ Phụ là khai thị tri kiến Phật luôn hiện hữu nơi mỗi con người, trên phương diện rộng, giáo pháp của Đức Phật mang ý nghĩa khai sáng nhân sinh, đây là cơ hội vô cùng quý báu để tất cả chúng ta nắm bắt đạo lý giải thoát và ứng dụng vào đời sống hiện tại, ngõ hầu kiến tạo nguồn an lạc nơi mỗi tâm hồn, thiết lập nền văn minh đạo đức, ổn định, phát triển, làm nền móng xây dựng một thế giới hòa bình thịnh vượng. Sự thị hiện của Đức Phật cách nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng giáo pháp của ngài vẫn luôn thiết thực, sống động, thích ứng mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, làm lợi ích chúng sanh trong muôn một, chính vì vậy mà sự kiện Đại lễ Phật đản từ năm 1999 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày “Lễ hội Văn hóa Tôn giáo” thiêng liêng, trọng đại nhất của loài người trên hành tinh.
Năm nay, được sự đồng thuận của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak và sự cho phép, ủng hộ của Nhà nước, Chính Phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 – Phật lịch 2563, tại chùa Tam Chúc, thuộc quần thể du lịch Tam Chúc trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đây là niềm vinh dự của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, khi một lần nữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, một sự kiện trọng đại thiêng liêng bậc nhất của Phật giáo toàn cầu; đặc biệt, nội dung chủ đề chính của Hội thảo quốc tế nhân Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Việt Nam lần này đã nói lên tính cấp thiết về sự có mặt đầy trách nhiệm của Phật giáo trước những yêu cầu thúc bách thời đại. Hòa trong niềm hân hoan phấn khởi đón mừng
ngày Đức Phật đản sanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm của người con Phật, chúng tôi mạo muội đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Phật giáo trong vai trò chủ đạo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững”.
Đức Phật ra đời mang theo thông điệp tình thương và tuệ giác, đến nay đã hơn 25 thế kỷ, những giá trị đạo lý nhân sinh và con đường giải thoát khổ đau vẫn không ngừng được hàng tứ chúng đệ tử của ngài kiên trì vận dụng vào đời sống tu hành và nỗ lực tuyên dương hoằng hóa như lời ngài ân cần chỉ dạy “Cánh cửa giải thoát đã mở toang cho hết thảy những người nào muốn nghe và đón nhận giáo pháp của Như Lai”1. Và trên 2500 năm qua, những giá trị cao quý đó ngày càng tỏa sáng, ngày càng được phát huy và kết tinh thành chuỗi giá trị chất liệu chuyển hóa nghiệp lực, được biểu hiện qua những nhân cách sống trong sáng thuần thiện của hàng trăm triệu Tăng, Ni, tín đồ Phật tử trên toàn thế giới, những nhân cách sống đó đã thấm sâu vào nền văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền lãnh thổ, tạo nên nguồn năng lượng tràn đầy sinh khí, có công năng thúc đẩy quân bình hệ sinh thái môi trường cũng như kiến tạo một thế giới hòa bình an lạc, góp phần to lớn cho công cuộc phục hồi nền đạo đức nhân bản và tái tạo đời sống chân thiện mỹ của loài người trên khắp hành tinh, những giá trị tuyệt vời đó xuất phát từ giáo pháp của Như Lai, từ niềm tin, trách nhiệm và việc làm cụ thể của những người con Phật luôn hướng về một tương lai tươi sáng, nhất là những giá trị tối ưu bất diệt đó khởi nguồn từ sự ra đời của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, đây là điểm nhấn quan trọng mà mỗi người con Phật hiện diện tại Đại lễ hôm nay cần phải tạc ghi trong thời khắc thiêng liêng của ngày khánh đản.
Chủ đề Hội thảo Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 – Phật lịch 2563 do ngài Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất, được Liên Hiệp Quốc và Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo toàn cầu tán thành, nội dung chủ đề chính và năm chủ đề phụ đều cùng hướng đến cách tiếp cận của Phật giáo đối với giới lãnh đạo trên toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững, điều này cho thấy ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước hiện tình thế giới hàm tàng nhiều nguy cơ bất ổn và biến động tiêu
cực trên nhiều phương diện đời sống, tính thời sự và cấp thiết mà chủ đề Hội thảo đặt ra đã nói lên thái độ sống tích cực cũng như khẳng định niềm tin về khả năng hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo, trong phạm vi tham luận này, trước hết chúng tôi xin nêu lên ba đặc tính ưu việt của Phật giáo có mối quan hệ sâu sắc với công cuộc hoạch định một chiến lược thống nhất và phát trển của Phật giáo để đóng góp hiệu quả hơn nữa cho tiến trình phụng sự nhân sinh, bởi đây là tiền đề quan trọng để Phật giáo có thể tiếp cận giới lãnh đạo toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững.
Nhìn lại cuộc đời của Đức Phật, từ khi ngài ra đời cho đến khi ngài giác ngộ thành Phật và nhập niết bàn, trong quảng đời 80 năm thị hiện đó, ngài luôn thể hiện trọn vẹn những đức tính ưu việt, nhân bản và cao quý.
Đức tính ưu việt đầu tiên đó là đức tính hướng thượng, đây là đức tính luôn gắn chặt với bản chất giác ngộ giải thoát, tinh thần hướng thượng được thể hiện sinh động trên bước đường tầm cầu đạo giải thoát của đấng Từ Phụ, nhờ đức tính hướng thượng mà ngài đã nỗ lực tu hành đạt đến cảnh giới cứu cánh viên mãn làm lợi lạc chúng sinh, như lời ngài dạy trong kinh Pháp Cú: “Từ vũng bùn ô uế vất bỏ bên lề đường, một đóa sen xuất hiện làm đẹp ý mọi người; Từ vũng bùn sanh tử phiền não của thế gian, xuất hiện một bậc Thánh với trí tuệ siêu phàm làm lợi lạc quần sanh”2. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rất rõ: “Bồ tát gieo trồng hạt giống Bồ đề, không thể gieo ở hư không; trái lại phải gieo trên đất chúng sanh. Lấy nước từ bi để tưới, cây Bồ đề sẽ đơm hoa kết trái, hoa là hoa trí tuệ, trái là quả Bồ đề, tức Phật quả. Cũng vậy, từ sa mạc hoang vắng, sinh tử trần lao, Bồ tát hóa độ chúng sanh, khuyên chúng sanh nỗ lực tu tập, chứng quả Bồ đề trong sanh tử phiền não của thế gian, không thể ngoài cảnh giới ấy mà có quả Bồ đề, Niết bàn riêng”3. Như vậy, tinh thần hướng thượng đã hình thành nhận thức bản chất giác ngộ vốn không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, giai cấp hay vị trí xã hội, bởi bản lai chúng sanh đều là Phật, Phật trong mỗi chúng ta, nhờ đó những người con Phật luôn tự tin với khả năng tuệ giác, năng lực tu hành và các
-
Pháp cú 58, 59.
- Kinh Hoa Ngiêm, phẩm Phổ Hiền.
khả năng tốt đẹp khác vốn tiềm tàng nơi mỗi con người. Tinh thần hướng thượng giúp người con Phật dù ở nơi nào, rơi vào hoàn cảnh nào cũng đều giữ gìn Giới - Luật của Phật, nhờ đó chế ngự được cám dỗ, loại trừ phiền trược, vươn cao đến ánh sáng giác ngộ giải thoát, cũng chính nhờ đức tính hướng thượng mà Tăng Ni Phật tử khắp năm châu suốt hơn 25 thế kỷ qua đã tạo cho mình một vành đai bảo vệ rất hữu hiệu trong sự nghiệp tu hành giải thoát, cũng như đóng góp đáng kể vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp; với đức tính hướng thượng của Phật giáo, người con Phật trên toàn thế giới sẽ tự tin cùng nhau chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội đạo đức văn minh và phát triển bền vững.
Đức tính ưu việt thứ hai của Phật giáo là tinh thần tự giác, nhờ đức tính tự giác mà người con Phật luôn tỉnh thức chánh niệm, luôn thực hành lời Phật dạy không làm điều xấu ác, thực hành việc thiện lành, chế ngự sáu căn, đoạn trừ thất tình lục dục, tu tập bốn chân lý, thành tựu Giới - Định - Huệ thanh tịnh vô nhiễm, nhờ đức tính tự giác mà mỗi vị Tăng Ni Phật tử sẽ kiến tạo cho bản thân một tâm hồn an tịnh, đóng góp cho đời sống nhân loại những viên gạch quý báu để xây dựng nên một thế giới hòa bình thịnh vượng. Có thể nói rằng, với đức tính tự giác của Phật giáo, người con Phật trên toàn thế giới có thể dễ dàng thành tựu những thiện pháp trên bước đường phụng sự nhân sinh, sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thiết lập một xã hội đạo đức, nhân văn và thánh thiện.
Đức tính ưu việt thứ ba của Phật giáo là đức tính trách nhiệm, như chúng ta đã biết, sự hình thành Tăng già là nhằm thành tựu hai mục tiêu quan trọng, đó là giúp cho tất cả thành viên của Tăng già đều đạt Thánh quả, thành tựu lý tưởng giác ngộ giải thoát, hai là truyền bá Phật pháp cứu độ chúng sinh, giúp con người có được một đời sống an lạc hạnh phúc, tiến tới giải thoát, chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. Với sứ mạng cao cả tập trung vào hai mục tiêu cụ thể này, đã cho thấy, sinh hoạt của Tăng già được thể hiện bởi tính thống nhất của tập thể trên tinh thần hòa hợp, kỷ cương và tự giác, đồng thời lại vừa mang tính dấn thân và tinh thần trách nhiệm rất cao không chỉ đối với từng thành viên trong hệ thống Tăng già mà còn đối với cả đời sống nhân loại. Theo đó, trách nhiệm của Tăng Ni Phật tử, dù ở bất kỳ trú xứ nào trên thế giới này cũng đều phải thực hành theo Pháp và Luật của Như Lai, luôn xác định việc
cần làm và phải làm của mình, việc cần làm và phải làm này không ra ngoài mục tiêu thăng tiến trên con đường tu hành giải thoát và dấn thân cứu độ chúng sanh thông qua các ngã đường giáo dục, hoằng pháp và công ích xã hội. Tinh thần trách nhiệm của người con Phật thường được thể hiện qua việc làm cụ thể trong đời sống sinh hoạt, tu hành và công tác Phật sự, chính ý thức trách nhiệm đã thúc đẩy sự dấn thân của Phật giáo trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Như lời Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú: “Ai dùng các hạnh lành, xóa mờ các nghiệp ác, chiếu sáng rực đời nầy, như trăng thoát mây che”4. Như vậy, với đức tính trách nhiệm cao cả của Phật giáo, người con Phật trên toàn thế giới sẽ tự giác và tích cực, không quản ngại khó khăn gian khổ trên bước đường cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình thịnh vượng.
Bản chất Phật giáo là giáo dục tâm linh, hướng con người đến chân trời giác ngộ giải thoát, Phật giáo cũng là nền giáo dục đa văn hóa không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào, Phật giáo cũng thích ứng và mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Người con Phật ở bất kỳ trú xứ nào trên thế giới này cũng đều tu hành trên căn bản Giới và Luật, luôn tỉnh thức bốn lẽ thật (Tứ Diệu Đế) và ứng dụng Bát Chánh Đạo vào đời sống, nhờ đó nhận ra nguyên nhân gây nên luân hồi sanh tử, thấu tỏ nhân sinh quan (sanh, lão, bệnh, tử) và vũ trụ quan (thành, trụ, hoại, không) nhận thức về đời sống vô thường, bình an trước sự hoại diệt và những biến động trong đời sống thế gian, người con Phật luôn tỉnh thức chánh niệm trong sinh hoạt để khống chế bản năng, vô hiệu những thói quen không tốt, xây dựng nếp sống lành mạnh, thuần hòa, thanh tịnh, nâng cao chất lượng tu hành và phụng sự.
Hệ thống giáo lý đạo Phật vô cùng phong phú với nguồn tuệ giác tràn đầy tinh thần khai sáng, cùng với muôn ngàn đức tính ưu việt của Phật giáo, nhất là với ba đức tính hướng thượng, tự giác và trách nhiệm rất ưu việt trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh như chúng tôi đã trình bày, chắc hẵn sẽ góp phần đáng kể trong việc chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững, song công tâm mà nói, nguồn năng lượng và những hiệu quả cống hiến của Phật giáo cho
-
Pháp Cú 173.
đời sống con người vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì mà Phật giáo sở hữu, minh chứng cho điều này, đó chính là thực trạng đời sống nhân loại vẫn còn nhiều biến động tiêu cực và bất ổn, vấn nạn khổ đau của nhân sinh ngày càng gia tăng, những cuộc khủng bố man rợ đầy thú tính vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh vũ trang, chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn tại một số quốc gia có mâu thuẩn và tranh chấp quyền lợi, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh nan y, bệnh lạ mà khoa học chưa có thuốc men chữa trị, khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng sinh thái, thực chất vốn là khủng hoảng tu tưởng, khủng hoảng văn hóa và khủng hoảng tâm linh, tất cả đều phát sinh bởi tâm tham lam, sân hận và si mê của con người, đáng lưu ý là những vấn nạn do biến đổi khí hậu gây nên tại một số quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong số những quốc gia gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật kèm theo sự phong phú đa dạng tiện nghi vật chất đang tỷ lệ thuận với sự tụt hậu của các nền tảng đạo đức truyền thống, những vấn nạn này làm cho guồng quay của những bất an, xung đột ngày càng gia tăng, đặc biệt là chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông kỹ thuật số và trong giai đoạn khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nhân loại ngày càng phát triển mạnh mẽ ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực, ở chiều tiêu cực, nó đã tạo ra quá nhiều sự thay đổi trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, tài chánh toàn cầu và mọi phương diện khác trong cuộc sống, cùng với hệ lụy phát sinh vô số căn bệnh thời đại như trầm cảm, bi quan, chán chường, âu lo, bế tắc, đau khổ, tuyệt vọng; từ đó tạo ra chuỗi hiệu ứng tiêu cực rất đáng lo ngại cho đời sống nhân loại. Trước tình hình thực tế nhức nhối này, một mệnh đề được đặt ra cho Phật giáo thời đại ngày nay, đó chính là việc Phật giáo cần phải tiếp cận lãnh đạo toàn cầu để cùng đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gở và giải quyết rốt ráo những vấn nạn thời đại một cách an toàn và bền vững như chủ đề Hội thảo lần này khởi xướng.
Có thể nói, Phật giáo sở hữu nguồn năng lượng quý báu phát sinh từ công phu tu hành của hàng trăm triệu Tăng Ni tín đồ Phật tử trên toàn thế giới, đây là nhịp cầu và là chất xúc tác quan trọng để nguồn tuệ giác được khơi dẫn vào đời sống nhân gian; đặc biệt
Phật giáo có cả một hệ thống giáo lý Phật giáo rất đa dạng và phong phú, mà ở đó mỗi lời kinh đều có công năng chuyển hóa nghiệp lực thành nguyện lực cho mỗi con người, mỗi ý kinh đều có thể hóa giải những vấn nạn thời đại khi chúng ta ứng dụng đúng pháp. Ngoài ra, Phật giáo còn có truyền thống đoàn kết, hòa hợp, kỷ cương và ý thức trách nhiệm cao cả của hệ thống Tăng già, chắc chắn sẽ tạo nên những lợi thế rất lớn trên bước đường phụng sự nhân sinh. Về thuận lợi mang tính khách quan, kể từ khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận Phật giáo là tôn giáo toàn cầu vào ngày15 tháng 12 năm 1999 và tổ chức Đại lễ Phật đản (còn gọi là Đại lễ Tam hợp, kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết bàn) vào tháng 5 năm 2000 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia, từ mốc thời gian đó trở đi, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức 16 lần, chủ đề hội thảo Đại lễ Vesak mỗi năm đều gắn kết với mối quan tâm hàng đầu của Liên Hiệp Quốc về các vấn nạn thời đại, lãnh đạo Phật giáo toàn cầu được Liên Hiệp Quốc dành cho sự quan tâm đặc biệt, nhất là sự kỳ vọng của Liên Hiệp Quốc đối với những đóng góp trí tuệ của Phật giáo trên bước đường hóa giải những vấn nạn, chính nhờ đó mà trong suốt hai thập niên qua lãnh đạo Phật giáo trên thế giới có cơ hội trực tiếp tham gia vào các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, các sự kiện Phật giáo quốc tế và các chương trình văn hóa, giáo dục do Liên Hiệp Quốc khởi xướng, từ suy nghĩ này chúng tôi mạo muội nêu lên một vài quan điểm về vai trò chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững.
- Vai trò của Phật giáo rất quan trọng trong việc kiến tạo một đời sống ổn định và phát triển, tuy nhiên để chu toàn trách nhiệm này, chúng tôi chủ quan cho rằng, trước hết Phật giáo nơi mỗi quốc gia cần phải thống nhất thành một tổ chức và nhất quán trong tư tưởng và hành động xuyên suốt từ trên xuống dưới mới có thể ổn định và tập trung được nguồn lực dồi dào của mình vào sự nghiệp phát triển và công cuộc phụng sự đất nước.
Nhìn lại lịch sử Phật giáo, thời Đức Phật tại thế, Tăng già là một đoàn thể thống nhất nên Phật giáo rất phát triển dù lúc đó Bà La Môn giáo đã có mặt từ rất sớm, đồng thời đất nước Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ rất hưng thịnh, dù xã hội có phân chia thành bốn giai
cấp, nhưng Phật giáo đã dần dần xóa tan những định kiến cổ hủ này, nhất là trong tổ chức Tăng đoàn hoàn toàn triệt tiêu tư tưởng phân chia giai cấp, riêng đối với Phật giáo Việt Nam, vào thời nhà Trần, kể từ khi Phật giáo ở nước Đại Việt được Phật hoàng Trần Nhân Tông thống nhất thành một tổ chức Giáo hội duy nhất là Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo lúc bấy giờ được triều đình ủng hộ, vua quan và dân chúng đa phần theo đạo Phật cho nên Phật giáo trở nên cực kỳ hưng thịnh, đồng thời đường lối trị nước theo giáo lý nhà Phật cũng đã được áp dựng nên nhờ đó đất nước thái bình thịnh trị. Nói về Phật giáo Việt Nam thời đại ngày nay, nhờ sự hợp nhất các tổ chức, hệ phái thành một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi hoạt động của Giáo hội nhất quán xuyên suốt từ trên xuống dưới nên đã phát triển rực rỡ, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp để đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như góp phần ổn định xã hội.
Trên thế giới hiện nay, ngoài một số quốc gia như Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia được xem là những quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, bên cạnh đó Phật giáo tại nhiều quốc gia khác trên khắp các châu lục cũng đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên công tâm mà nói, nhìn chung Phật giáo tại các quốc gia chưa có một tổ chức thống nhất lãnh đạo điều hành, cho nên sự đóng góp của Phật giáo vẫn còn mang tính rời rác và tự phát, chưa thật sự khẳng định vai trò của mình và tạo sức thu hút đối với giới lãnh đạo, bằng những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, nhất là trong gần bốn thập niên trở lại đây; chúng tôi chủ quan cho rằng, Phật giáo tại các quốc gia cần phải gắn kết các tổ chức hệ phái thành một tổ chức Giáo hội thống nhất như kinh nghiệm của Phật giáo Việt Nam mà chúng tôi vừa chia sẻ.
- Đức Phật ra đời với bổn hoài cứu khổ chúng sanh, giáo pháp của Đức Phật là nguồn minh triết ưu việt và tối thượng để khai sáng vô minh của con người, hơn 25 thế kỷ qua, những người con Phật trên khắp hành tinh chưa hề ngưng nghỉ trách nhệm vì một thế giới ổn định, hòa bình, hạnh phúc, thế nhưng đời sống xã hội vẫn ngỗn ngang những điều bất toại, thế giới loài người vẫn triền miên đau khổ, và dường như sự bất ổn vẫn phảng phất đâu đó ngay trong lòng
Phật giáo khi sự gắn kết và sự điều hòa chưa thể bắt nhịp với những yêu cầu và thách thức của thời đại, chính vì vậy mà Đại lễ Vesak năm nay với Hội thảo quốc tế chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ xã hội bền vững”, có thể nói đây là một chủ đề hợp thời và liên quan mật thiết với xã hội nhằm hướng đến một viễn cảnh tươi sáng cho tương lai nhân loại.
Chúng ta cần lưu ý, khái niệm “sự lãnh đạo toàn cầu” trong bối cảnh toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, theo đó các quốc gia trên thế giới ngày càng gia tăng mối liên kết và sự hiểu biết lẫn nhau, ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự tác động của những tiến bộ trong lĩnh vực tin học và viễn thông, thường xuyên trao đổi về thương mại, kinh tế, tài chánh, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, đáng lưu ý là sự thông thương trao đổi và ảnh hưởng lẫn nhau không chỉ xảy ra trong đời sống xã hội mà còn lan tỏa đến trong đời sống sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử trên toàn thế giới, chính vì vậy, trước khi nói đến vai trò của giới lãnh đạo toàn cầu, chúng ta cần nêu lên tầm quan trọng về vai trò chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu, trong ý tưởng này, trước tiên, Phật giáo các quốc gia trên toàn thế giới cần hợp nhất thành một tổ chức thống nhất và duy nhất, đó là “Đại Hội Đồng Điều Hành Phật Giáo Thế Giới”, đây được xem ngôi nhà chung của Phật giáo toàn cầu, khi đó các nhà lãnh đạo Phật giáo toàn cầu sẽ có đều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy và truyền cảm hứng cho tổ chức Phật giáo tại các quốc gia thành viên tích cực tham gia Phật sự và cụ thể hóa tầm nhìn về tương lai đã được định hướng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu sẽ không còn đóng khung trong không gian riêng biệt của Phật giáo mà còn mở ra hướng tích cực dấn thân trên khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khi đó Phật giáo sẽ có cơ hội và điều kiện nhiều hơn trong việc can thiệp và giải quyết các vấn nạn thời đại.
Phật giáo thời cận hiện đại đã có nhiều tổ chức khá quy mô, chẳng hạn như Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới thành lập vào năm 1924; Hội Đồng Tăng Già Phật Giáo Thế Giới được thành lập vào tháng 5 năm 1966 tại Thủ đô Colombo, Tích Lan; Liên minh Phật giáo Thế giới được thành lập vào tháng 11 năm 2011 tại New Delhi (Ấn Độ); Tổng Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế và Hiệp hội Tăng
già Phật giáo Thế giới cũng được thành lập vào đầu thời kỳ hiện đại nhằm thể hiện sự quan tâm của Phật giáo đối với các vấn đề đương đại mang tính toàn cầu, góp phần chia sẻ trí tuệ và trách nhiệm phổ quát của Phật giáo, giải quyết xung đột, mang lại hòa bình thế giới; bên cạnh đó, các sự kiện của Phật giáo mang tầm quốc tế cũng đã được một số quốc gia tổ chức như Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới do Phật giáo Nhật Bản khởi xướng và Diễn đàn Phật giáo Thế giới do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đứng ra tổ chức nhằm kết nối tất cả các tổ chức, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu học giả, các nhà hoạt động thực tiễn trên toàn thế giới, hay sự kiện Đại lễ Phật đản Vesak hằng năm do Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak của Phật giáo Thái Lan đảm trách… Thực tế hiện nay, toàn cầu có khá nhiều tổ chức Phật giáo mang tầm quốc tế, song hiệu quả đóng góp cho xã hội vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt chưa khẳng định vị trí cũng như vai trò chủ đạo, điều này dẫn đến việc Phật giáo đã gặp phải không ít khó khăn trong việc chia sẻ trách nhiệm đối với cộng đồng một cách hiệu quả, do vậy chúng tôi thiết nghĩ, để Phật giáo có điều kiện thuận lợi và tập trung được nguồn lực dồi dào của mình vào mục đích phụng sự nhân sinh, thì Phật giáo tại các quốc gia trên toàn thế giới nên gắn kết lại thành một tổ chức thống nhất “Đại Hội Đồng Điều Hành Phật Giáo Thế Giới” để lãnh đạo điều hành Phật sự toàn cầu.
Đời sống con người trên thế giới vẫn luôn đối mặt với những cuộc khủng hoảng trầm trọng, những bất bình đẳng trở nên sâu sắc, mâu thuẩn ngày càng gia tăng, thù hận, chiến tranh, bạo lực, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự mất cân bằng của môi trường sống, sự nghèo đói, thiên tai, tật bệnh, nhất là vấn đề đạo đức đang suy đồi trong một bộ phận quần chúng thể hiện đầy dãy qua những sự việc làm trái với luân thường đạo lý vẫn đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, trong bối cảnh này, nếu chúng ta kết hợp và thống nhất các tổ chức Phật giáo dù mang tầm quốc tế nhưng hoạt động mang tính riêng lẻ như hiện nay thống nhất thành một tổ chức Phật giáo toàn cầu thì đây không chỉ là mong ước của Tăng Ni Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phụng sự, góp phần giải quyết những vấn nạn thời đại mà Phật giáo vốn không tách rời đời sống cùng với hoài bão của mình.
- Vào tháng 9 năm 2012, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki Moon, đã đưa ra chương trình “Sáng kiến đầu tiên của giáo dục toàn cầu” với mục đích bồi dưỡng công dân toàn cầu giữ vị trí trung tâm trong các hoạt động giáo dục, thúc đẩy giáo dục cho sự phát triển bền vững vì nền hòa bình nhân loại, chương trình này được UNESCO thực hiện đã tạo sự liên kết các quốc gia lại với nhau trong mọi hoạt động giáo dục; liên hệ đến hoạt động này, nếu Phật giáo cũng đưa ra chương trình “Sáng kiến đầu tiên về liên kết Phật sự toàn cầu” nhằm làm tiền đề cho sự gắn kết Phật giáo các quốc gia trên toàn thế giới trong công tác Phật sự, đồng thời tập trung sức mạnh tổng hợp vào một mục tiêu cấp bách nào đó thì sự đóng góp của Phật giáo sẽ trở nên hiệu quả, sẽ tạo sự chú ý cũng như niềm tin của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhiều hơn vào vai trò trách nhiệm của Phật giáo, chúng tôi cho rằng, đây cũng là một trong những phương cách thể hiện vai trò chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững. Thiết nghĩ, điều này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của Phật giáo trong bối cảnh thời đại, và nếu chương trình “Sáng kiến đầu tiên về liên kết Phật sự toàn cầu” được Phật giáo các quốc gia đồng tình đón nhận, cùng nhau triển khai thực hiện, chúng tôi chủ quan cho rằng, đây sẽ là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ Phật giáo trên toàn thế giới và là tiền đề để Phật giáo phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu một cách khả thi và thực tiễn.
- Hiện nay viêc ký kết Hiệp định Thương mại giữa các quốc gia với các Liên minh Kinh tế trên thế giới luôn kèm theo các điều kiện nhân bản, nhân văn; chúng tôi thiết nghĩ, khi một tổ chức Phật giáo với quy mô thống nhất toàn cầu ra đời, khi đó “Đại Hội Đồng Điều Hành Phật Giáo Thế Giới” trên cương vị lãnh đạo Phật giáo toàn cầu, sẽ làm việc với các tổ chức liên minh kinh tế tài chánh trên toàn thế giới nhằm đề xuất việc buộc các quốc gia thành viên của tổ chức hay các quốc gia là đối tác của tổ chức liên minh kinh tế cần phải thực hiện bộ quy tắc ứng xử chung bao gồm chất lượng môi trường, sản phẩm hàng hóa, văn hóa thương mại, an toàn lao động (được ứng dụng từ những phương pháp chuyển hóa nghiệp lực trong hệ thống giáo lý đạo Phật), chúng tôi cho rằng, cách tiếp
cận này sẽ nâng cao vị thế cũng như vai trò chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu, cùng chia sẻ trách nhiệm vì một xã hội bền vững.
Hội thảo khoa học “Cách tiếp cận của Phật giáo với lãnh đạo toàn cầu vì xã hội bền vững”, cùng với năm chủ đề phụ “Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu”; “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Phật giáo”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” cho thấy tinh thần trách nhiệm của Phật giáo trước những diễn biến thực tế đáng quan ngại trong xã hội thời đại, tuy nhiên, nhìn nhận một cách công tâm và sâu sắc thì các nội dung Hội thảo hướng đến đều là những mục tiêu căn bản mà Phật giáo đã đề cập bàng bạc trong hệ thống các tác phẩm kinh điển, đã được chư tôn đức tiền bối từng thực hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử trên tiến trình phụng sự nhân sinh, nếu có khác chăng, đó là ở mức độ, phạm vi và phương cách thực hiện trong hoàn cảnh mỗi thời kỳ, nêu lên như vậy để chúng ta có niềm tin tuyệt đối vào vai trò chủ động và chủ đạo của Phật giáo trong việc ứng dụng hệ thống giáo lý Phật Đà một cách khế cơ khế lý vào tiến trình hội nhập toàn cầu nhằm chia sẻ trách nhiệm đối với cộng đồng.
Để thực hiện tốt vai trò chủ đạo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu, cụ thể là chủ động đưa tư tưởng Phật học và ứng dụng nguồn tuệ giác vào đời sống một cách hiệu quả, điều kiện tiên quyết, các nhà lãnh đạo Phật giáo cần phải thể hiện tinh thần “tri hành hợp nhất”, khi chúng ta nói đến “Tứ Vô Lượng Tâm” thì tâm hồn mỗi chúng ta phải thật sự “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, từ đó các đặc tính khác cũng vậy, vì Tâm làm chủ các pháp như lời Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác! Nếu nói năng hoặc hành động với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”5 và “Tâm an - Thế giới an”, cho nên mỗi người con Phật trên thế giới này cần phải thường xuyên tỉnh giác chánh niệm để kiến tạo tâm thái an hòa, chân thiện; hiệu ứng tích cực này sẽ tạo nên nguồn năng lượng vô biên, kiến tạo nên một xã hội bền vững, một thế giới hòa bình thịnh vượng.
5. Pháp Cú số 2.
Nhìn nhận những mặt hạn chế của Phật giáo toàn cầu trong quá trình phụng sự nhân sinh, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tổ chức Hội thảo quốc tế “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ xã hội bền vững” là xuất phát từ hoài bão “Cứu khổ chúng sanh là cúng dường chư Phật”, đồng thời cũng xuất phát từ những yêu cầu thúc bách của xã hội, cho nên khái niệm “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu” cần được hiểu đó là một quan niệm về vai trò chủ động và chủ đạo của Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu, do đó, trước hết bản thân Phật giáo cần phải hoạch định một chương trình hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, tiến đến việc hình thành một cơ quan lãnh đạo điều hành Phật giáo gắn kết với sự lãnh đạo trên toàn thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại, đây là định hướng mang tầm nhìn chiến lược của Phật giáo thời đại trong sứ mạng độ sanh, mục tiêu này, sứ mạng này sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự đồng tâm nhất trí của tất cả quý vị đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế quan trọng lần này.
Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, thời đại ngày nay, mỗi cá thể trong chúng ta đều đang phải gánh chịu những hệ lụy bởi cộng nghiệp chung của toàn nhân loại, trong tình hình cấp bách hiện nay, đòi hỏi Phật giáo đồ trên toàn thế giới phải gắn kết thành một cơ thể thống nhất, đem hết trí tuệ tâm huyết dấn thân phụng sự đạo đời, chúng tôi tin tưởng sự hình thành một kế hoạch cụ thể, trong đó có những nội dung chúng tôi mạo muội nêu lên trong tham luận này sẽ là việc làm thiết thực ý nghĩa để chúng ta cùng nhau dâng lên những nén tâm hương cúng dường đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhân Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 –PL.2563.
***