LỜI CHÀO MỪNG
Vào ngày 15-12-1999, ngaỳ lic̣ h sử khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết, ngày lễ tam hợp Vesak được tổ chức trên toàn cầu vào rằm tháng 4 âm lịch nhằm tưởng niệm sự đản sinh, sự thành đạo và nhập Niết- bàn của đức Phật Thích Ca.
Đại lễ Phật đản LHQ lần đầu tiên được tổ chức tại trụ sở LHQ (New York) và các văn phòng LHQ trên toàn cầu vào năm 2000. Đến năm 2019, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ gồm 12 lần tại Thái Lan, 1 lần tại Tích Lan và 3 lần tại Việt Nam.
Năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Đại lễ Vesak LHQ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, thỉnh mời 1500 đại biểu quốc tế đến từ 75 quốc gia. Năm 2014, Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 2 được tổ chức thành công tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Bái Đính, thỉnh mời được 89 quốc gia tham dự.
Thật vinh dự lớn lao khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) một lần nữa đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2019 và hội thảo quốc tế, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Việt Nam vào ngày 12-14/05/2019. Phá kỷ lục những lần trước, Vesak LHQ 2019 đón nhận sự tham dự của 115 quốc gia, vùng lãnh thổ và 1.600 đại biểu quốc tế gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, lãnh đạo các tổ chức Phật giáo, lãnh đạo các quốc gia, vùng lãnh thổ và các học giả quốc tế cũng như khoảng 20.000 đại biểu Việt Nam.
Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ đã được Ủy ban Xã hội và Kinh tế LHQ thừa nhận vai trò tư vấn của LHQ từ năm 2013. Nhằm tôn vinh cam kết này, chủ đề của Vesak LHQ 2019 là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” (Buddhist Approach to Global Leadership and Shared Responsibilities for Sustainable Societies). Năm diễn dàn của hội thảo quốc tế bằng song ngữ Việt - Anh bao gồm:
- Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững (Mindful Leadership for Sustainable Peace);
- Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững (Buddhist Approach to Harmonious Families, Healthcare and Sustainable Societies);
- Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu (Buddhist Approach to Global Education in Ethics);
- Phật giáo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Buddhism and the Fourth Industrial Revolution)
- Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững (Buddhist Approach to Responsible Consumption and Sustainable Development).
Hội thảo quốc tế này nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với các vấn nạn toàn cầu. Đây là sự kỳ vọng của Liên Hiệp Quốc đối với những đóng góp trí tuệ của Phật giáo trên bước đường hóa giải những vấn nạn xã hội, điều này cho thấy ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ sống tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định.
Chủ đề của hội thảo không chỉ cung cấp các thông tin mà còn chỉ ra các con đường dẫn đến sự kêu gọi hành động nhập thế. Đó là lời kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các bất hạnh xã hội trong thời đại của chúng ta. Tôi tin chắc rằng 5 diễn đàn tiếng Anh và 5 diễn đàn tiếng Việt trong hội thảo quốc tế này mở ra các trao đổi học thuật và tư tươn̉ g lành mạnh, cổ vũ các hành động hướng đến sự

thành tựu các mục đích hoàn thiện của Phật giáo.
Thay mặt GHPGVN, tôi trân trọng đón tiếp Phó Tổng thư ký LHQ, Tổng thống Miến Điện, Phó Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Thủ tướng Bhutan, các Đại sứ, các ngài Tăng
vương, Tăng thống, Chủ tịch các Giáo hội Phật giáo và 1600 đại biểu quốc tế đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự Đại lễ Vesak LHQ 2019. Tôi chân thành tri ân Đảng và Chính phủ Việt Nam, Tổ công tác Chính phủ hỗ trợ Đại lễ Vesak LHQ, Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak LHQ, Ủy ban tổ chức quốc gia Vesak LHQ, các thành viên Ủy Ban hội thảo cũng như chư tôn đức Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự các tỉnh, thành, quý đại biểu trong và ngoài nước.
Ấn bản sách này không thể hoàn thành, nếu không có sự đóng góp công sức của Ủy ban Hội thảo gồm Thượng tọa Thích Đức Thiện, Giáo sư Lê Mạnh Thát và đặc biệt là Thượng tọa Thích Nhật Từ trong vai trò tổng điều phối hội thảo và biên tập gần 30 đầu sách phục vụ Vesak LHQ.
Đại lễ Vesak LHQ 2019 sẽ mang lại tâm thiện lành, trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất của Phật giáo thế giới, gây cảm hứng và hướng tới sự nhập thế xã hội, phụng sự nhân sinh, giải phóng khổ đau, mang lại an vui, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Tôi cầu chúc và tin tưởng Đại lễ và hội thảo quốc tế Vesak LHQ 2019 sẽ là niềm cảm hứng cho tất cả chúng ta trong sứ mệnh nhập thế hành động vì phúc lợi và an lạc cho nhân loại trên hành tinh này.
Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2019