SUY NGHĨ VỀ HOẰNG PHÁP
ĐĐ. Thích Chánh Đức *
- MỞ ĐỀ
Đức Phật là bậc thầy của trời, người. Giá trị đích thực của Ngài biểu hiện qua sự tu tập, chứng ngộ và hoằng dương chánh pháp suốt 45 năm. Đạo Phật là đạo giác ngộ, ngộ từ nơi cái thấy, thực nghiệm và đạt đến quả vị Niết bàn. Đức Thế Tôn tu chứng bằng thực nghiệm tự thân qua giáo lý Duyên sinh Vô ngã. Giáo lý ấy minh định rõ hành trình Hoằng pháp độ sinh đem lại hạnh phúc cho chúng sanh qua hệ thống tam tạng giáo điển được lưu truyền rộng rãi đến với con người.
Khi nói đến Hoằng pháp người ta thường nhắc đến phương ngôn “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Gia vụ là nền tảng thiết yếu hiển nhiên cần trau dồi, sự nghiệp là lý tưởng cao đẹp và thiêng liêng mà người xuất gia phải hướng đến. Người xuất gia, tại gia nói chung phải có bổn phận chuyển vận bánh xe chánh pháp để hóa độ chúng sanh, qua di huấn tối hậu của Ngài “Hỡi các Tỷ kheo! Hãy đi vì lợi ích cho nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Chúng ta đang sống trong một xã hội đa chiều, tương tác văn hóa và các yếu tố xã hội đa dạng. Vậy, người đóng vai trò trong cuộc hoằng pháp cần uyển chuyển linh động nhằm đưa quốc độ hoằng pháp thích ứng hoàn cảnh nhân tâm con người. Mở ra một phương trời mới trên hai phương diện, con người làm hoằng pháp và nội dung giáo lý được chuyển tải đến hàng thính chúng.
--------------------------------------------------------
* Phó Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
NỘI DUNG
- Hoằng pháp của Đức Phật
Sau khi Đức Thế Tôn giác ngộ dưới cội Bồ đề với giáo lý giải thoát thì tế nhị thâm sâu, nhiệm mầu cho nên thính chúng không thể lĩnh hội giáo nghĩa được. Duy chỉ một số ít trong hội chúng hiểu được là những vị Bồ tát thượng căn thượng trí. Liền sau đó, Phạm thiên Sahampati liền nghĩ rằng: “Nếu Đức Thế Tôn nhập Niết bàn thì thế gian này sẽ bị bóng đêm che phủ, chúng sanh sẽ bị trầm luân và chìm đắm mãi trong vòng sanh diệt và tái sanh”. Sau khi nghĩ như vậy, Phạm thiên liền bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy vì lòng từ bi thương xót tất cả các loài hữu tình đang bị trầm luân sanh tử; vì lợi ích cho đời, vì an lạc cho chư Thiên, vì lợi ích và an lạc cho cả chư Thiên và loài người, xin Ngài hãy vận chuyển bánh xe chánh pháp, để ánh sáng chánh pháp được chiếu tỏa khắp, chúng sanh nhờ đó mà có thể thoát khỏi biển khổ trầm luân sanh tử”. Ba lần thưa thỉnh, Đức Thế Tôn hứa khả, từ đó chánh pháp có mặt giữa cuộc đời.
Đức Thế Tôn giáo hóa bằng nhân cách và trí tuệ quán chiếu ba thời và căn tánh của chúng sanh. Ngài dùng năng lượng từ bi và trí tuệ cảm hóa được tất cả mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ đều quy ngưỡng Ngài. Theo lịch sử ghi lại, khi Ngài thành đạo liền nghĩ đến ân đức của hai vị thầy, nhưng hai vị thầy đó qua đời. Ngài nghĩ đến năm vị đồng tu khổ hạnh Ngài liền đến Ba La Nại (Vàrànasi-Chỗ chư tiên đọa xứ) hóa độ cho năm anh em bạn đồng tu với bài kinh Chuyển Pháp Luân (Damma cakka pavatana sutta) xiển dương giáo nghĩa Trung đạo. Sau bài pháp, Tam bảo được hình thành (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo).
Trên đường hoằng pháp độ sanh ngày đi đêm nghỉ, Ngài tiếp tục hóa độ cho ông Ya Xá (Yásà) cùng với thân quyến 55 vị. Đức Thế Tôn tiếp tục đến Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) hóa độ cho ba anh em Ca Diếp (Mahàkà syapa) đạo thờ lửa, với 1000 đệ tử của họ đều quy ngưỡng Đức Phật. Sau Thế Tôn và chư Tăng trú ở Vương Xá, trong thời gian này Đức Phật hóa độ cho hai người bạn chí thân Xá Lợi Phất (sàriputtra) và Mục Kiền Liên (Maudagalyàyana), cả hai vị này hơn 500 đệ tử, tất cả đều quy y Đức Thế Tôn. Với hội chúng số lượng
1.250 con số ước lệ trong kinh thường đề cập, những năm dấn thân du
phương hóa đạo, Đức Phật đều tùy hoàn cảnh, địa xứ thông qua năng lực từ tâm, đạo nhãn quán chiếu và thân chứng thực nghiệm làm cho đối tượng nghe pháp liền tỏ ngộ.
- Sự kế thừa hoằng pháp
Đức Phật xây dựng và để lại nền tảng hoằng pháp. Vậy hành giả tu sĩ phải kế thừa và phát huy. Kế thừa một gia tài mà không phát huy thì gia tài đó hao mòn và tiêu mất. Sự nghiệp hoằng pháp của chư Phật chư vị Tổ sư qua bao thế hệ bằng mọi phương tiện gầy dựng công cuộc hoằng pháp được xán lạng đến ngày hôm nay. Giáo pháp kinh điển Đại thừa cho phép hành giả phát huy tinh thần dấn thân bằng những phương tiện khác nhau, mà chư Tổ đã thành công trong việc truyền bá hóa đạo lợi ích cho đất nước, dân tộc, cho sự sống đạo pháp mãi còn. Do vậy, một vị giảng sư cần nhận chân rõ về mối quan hệ tương tác giữa các bộ phái Phật giáo, các nền triết học và tư tưởng của chư vị Tổ sư. Đây là những yêu cầu tất yếu cần và đủ của một vị giảng sư.
Ở Trung Quốc tổ Huệ Năng xuất thân từ giai cấp nghèo, nhưng đầy đủ y báo chánh báo túc duyên tiền kiếp, duy chỉ nghe câu kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Chỉ giã gạo, gánh nước, bửa củi mà phát sinh trí tuệ vô lậu, trở thành vị tổ kế thừa của Ngài Hoằng Nhẫn để truyền bá chánh pháp.
Đạo Phật mới vào Việt Nam ban đầu tiếp biến và hòa nhập dần dần vào các lĩnh vực văn hóa chính trị và giáo dục. Vai trò chư Tăng xuất hiện ban đầu như là vị cứu tinh, mong ước có một vị Phật quyền năng để cứu những linh hồn và dân tộc của họ. Tính chất “Tùy duyên bất biến” nên khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa bản địa, vẫn giữ tinh thần tôn trọng tín ngưỡng dân gian đồng thời vẫn giữ bản sắc của một tôn giáo lớn có nền giáo lý minh triết, trí tuệ, gắn liền tên tuổi của các vị Thiền sư Lý
– Trần làm nên trang sử hào hùng đất nước thịnh trị, hạnh phúc.
Từ tông phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông đến Thiền phái Trúc Lâm đậm nét truyền thống của Phật giáo Việt Nam trên tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp “Cư trần lạc đạo” (sống ở đời mà vui với đạo). Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1380) đưa nền văn hóa giáo dục và hoằng pháp dấn thân phụng sự từ đất nước Đại Việt sang đất nước Chăm Pa, là vùng đất miền Trung ngày nay.
-
Người Hoằng pháp
Đến với đạo Phật ngoài việc tôn kính Phật bảo, Pháp bảo còn đặt sự kính ngưỡng Tăng bảo lên một vị trí linh thiêng hơn, vì Tăng sĩ là cầu nối, là kho tàng sống của chánh pháp để truyền trao giáo lý đến mọi người nhằm chuyển mê khai ngộ.
- Nền tảng
Bài tham luận này người viết chọn mục một trong mười danh mục mà Ban Tổ chức Hội thảo Hoằng pháp đưa ra nên bài này nhấn mạnh bản chất Tăng sĩ, ý nghĩa và giá trị đóng góp trong vai trò hoằng pháp. Bởi khi nói đến nhân sự hoằng pháp là nói đến hàng ngũ Tăng Ni, đệ tử Phật. Sự hưng thịnh của Phật giáo trong quá khứ, hiện tại và mai sau diễn tiến như thế nào đều phụ thuộc vào hàng ngũ Tăng sĩ trong lối sống và cung cách hành đạo của mỗi cá nhân. Bởi lẽ hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân là hoàn thiện đội ngũ tập thể.
Tăng Ni là điểm tựa tinh thần của tín đồ. Sống đúng danh nghĩa Tăng sĩ-Bhikkhu thì được gọi là chính thức phải đầy đủ giới hạnh (Sīla) và trí tuệ (Panñā). Một vị tu sĩ chân chính, vị ấy không những xa rời tham dục và những tâm lý bất thiện từ thân khẩu ý, mà còn có thể hòa nhập vào trạng thái của thiền định (Jhàna), thăng hoa sự sống thánh thượng. Người tu sĩ như thế đáng được kính trọng, đảnh lễ. Trong kinh Tăng Chi Đức Phật cũng nhấn mạnh “Một đời sống đạo đức là một đời sống hạnh phúc”. “Thành tựu năm pháp, vị Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi mạng chung chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Tỷ kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần, tinh tấn và có trí tuệ” (Tăng Chi Bộ kinh II). Như vậy, để có một đội ngũ Tăng đoàn vững mạnh, có khả năng chuyển tải tinh thần nhập thế qua giáo lý từ bi, vô ngã vị tha của đạo Phật đến với mọi tầng lớp nhân dân, xứng danh là “Sứ giả Như Lai”. Khi bản chất của Tăng được kiện toàn, thì sống trong cộng đồng Tăng lữ không bị tụt hậu so với thời đại nhưng cũng không vì vậy mà mất phẩm chất Tỷ kheo. Chúng ta suy ngẫm và thấy rằng trong một tổ chức, cộng đồng đoàn thể luôn phụ thuộc vào phẩm chất của mỗi thành viên. Không thể có một xã hội lành mạnh trong khi những thành viên sống thiếu ý thức. Và như thế không thể trong tập đoàn giảng sư xem nhẹ giới đức thiếu ý thức hoằng pháp lợi sanh, báo ân Phật Tổ chỉ chú trọng hình thức, thiếu phần tu tập tự
thân, phẩm chất. Xã hội ngày nay người ta tìm đến sự hành trì chân thực, con người biết chia sẻ pháp lạc của tự thân để tháo gỡ những rối rắm trong cuộc sống đời thường, đem đến phút giây an lạc trong xã hội đầy biến động và sức ép mọi mặt. Bài giảng này yêu cầu cần và đủ cuả người làm hoằng pháp hội đủ các yếu tố cơ bản sau đây:
- Ba phương diện hoằng pháp
*Thân giáo
Đức Phật biểu hiện thân tướng trang nghiêm lưu xuất từ giới đức vẹn toàn, hội chúng thân cận cảm thấy an lạc giải thoát. Thân giáo tác động mạnh mẽ đến từ trường tâm linh, cảm hóa trực tiếp đến tâm khảm của thính chúng. Một vị Tăng Ni thực tu thực học tâm nguyện thiết tha “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” luôn thường trực trong tâm, với những tác phong đĩnh đạc, thoát tục mới có thể tạo nên năng lượng từ bi trí tuệ sẽ làm tăng trưởng niềm tin, xóa sạch tâm tham, sân, si. Thân giáo của người làm hoằng pháp là chất liệu xây dựng đời sống thanh cao, là thềm thang phát sanh phước đức và trí tuệ.
Ngày xưa hình ảnh Đức Phật hành đạo thật tuyệt vời, thiêng liêng và cảm động. Mọi người thấy Tăng đoàn của Ngài phát khởi lòng tín thành và quy y theo Ngài. Khất thực là hình thức nhập thế của Phật giáo. Chứng tỏ người tu sĩ có hoạt động và tạo duyên cho chúng sanh gieo duyên lành với chánh pháp. Nó nói lên được sự thể hiện hạnh từ bi, tinh tấn, hỉ xả và đức nhẫn nhục.
*Khẩu giáo
Đức Thế Tôn thường dạy “Im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp”, im lặng và nói năng là tính năng biểu hiện của nội tâm. Người làm hoằng pháp là hành pháp như thế nào biểu hiện qua ngôn ngữ như thế ấy. Ngoài việc trao truyền kiến thức, thừa đương Phật sự biên soạn viết lách để truyền bá chánh pháp họ còn sử dụng ngôn từ, khẩu thuyết để hóa độ chúng sanh. Ngôn ngữ thuyết giảng hòa cùng âm hưởng giọng điệu, nội tâm tu tập của giảng sư tạo nên sự hấp lực, chú ý; đồng thời cần có tính chọn lọc, phân biệt vùng miền để thích ứng văn hóa, phong tục, lứa tuổi, tạo nên sự tương ứng ngôn ngữ dễ thâu nạp, đi vào lòng người. Trong kinh điển Đại thừa có đưa ra bốn tiêu chuẩn của một vị giảng sư khi hoằng pháp, đó là: “Từ vô ngại biện tài, Nghĩa
vô ngại biện tài, Từ và nghĩa vô ngại biện tài và Pháp vô ngại biện tài”. Thông hiểu, giáo lý, những chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc pháp thế gian là thuận duyên hỗ trợ cho thuyết giảng được suôn sẻ, hanh thông.
* Ý giáo
Thân giáo, khẩu giáo là mặt tướng của giảng sư, ý giáo là thật tánh nội tâm “Nội ư trung, tức hình ư ngoại”. Nó vô tướng nhưng có công năng diệu dụng cho một vị giảng sư tâm lý khi giáo hóa. Tâm nguyện hoằng pháp của một vị giảng sư thiết tha, hy sinh cái riêng để phụng sự tha nhân, đồng loại. Tâm lực và đạo lực trở thành pháp nhũ lưu xuất từ huyết mạch thân chứng và pháp lạc mà vị giảng sư đó sống.
Ngày xưa ở cội Linh Sơn, Ngài Ca Diếp được Đức Thế Tôn truyền trao chánh pháp nhãn tạng cũng trên yếu chỉ tâm truyền này, trở thành vị Tổ thứ nhất. Thời nay chúng ta sống vận dụng phương pháp giáo hóa với nhiều hình thức khác nhau, có lúc chúng ta dùng lời nói, biện pháp, kỷ luật nhắc nhở, phân tích, dẫn chứng và im lặng để phù hợp căn cơ đối tượng trong việc hoằng pháp được hiệu quả tốt hơn.
Như vậy thân, khẩu và ý giáo là yếu tố căn bản cần có của một vị giảng sư khi hóa đạo, thiếu một trong ba yếu tố ấy hoằng pháp sẽ giảm đi sự thành công.
Hội đủ ba yếu tố hoằng pháp trên công đức của một vị giảng sư rất lớn. Như trong kinh Tăng Chi, tập II, chương 5, phẩm Diệu pháp, Đức Phật nói về năm đức của vị pháp sư: “Này Ananda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác này Ananda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm? Ta sẽ thuyết pháp tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình cho người. Này Ananda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy”.
- Những yếu tố hoằng pháp
Hoằng pháp đưa đến thành công là phải vận dụng ba yếu tố chính. Muốn hoằng pháp có hiệu lực thì chúng ta có phương tiện lực để hỗ trợ cho mục đích cứu cánh, đó là: Khế cơ, khế lý, khế thời. Cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, chư Tổ và quý Hòa thượng đi trước đều thành công từ ba yếu tố này:
-
-
Khế cơ: Xã hội ngày nay sống trong thế kỷ văn minh, khoa học và tâm linh, hướng tới hội nhập toàn cầu hóa. Vậy muốn hoằng pháp đạt được kết quả thì không thể không quán chiếu căn cơ trình độ, kiến thức lứa tuổi, quốc độ vùng miền của thính chúng để truyền bá với những chuẩn mực khác nhau.
- Khế lý: Khi hiểu rõ căn cơ trình độ chúng sanh trong hội chúng thì việc quán chiếu và sử dụng ngôn ngữ biểu đạt, diệu dụng của mỗi pháp môn để đưa giáo lý muốn truyền trao đến cuộc sống nhân sinh, xã hội chúng ta đang sống.
Tinh thần này được minh họa cụ thể trong kinh Tương Ưng, tập 4 chương 4, kinh vị thuyết pháp. Đề cập đến một du sĩ ngoại đạo về mục tiêu tinh thần hoằng pháp:
“Thưa hiền giả, những ai là những vị thuyết pháp ở đời? Những ai là những vị khéo thực hành ở đời? Những ai là những vị khéo đến ở đời?””
Tôn giả Sàriputra (Xá Lợi Phất) đáp lời du sĩ ngoại đạo:
“Này Hiền giả, những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, những ai thuyết pháp để đoạn tận sân, những ai thuyết pháp để đoạn tận si; những vị ấy là những vị thuyết thuận pháp ở đời.
“Này Hiền giả, những ai thực hành đoạn tận tham, thực hành đoạn tận sân, thực hành đoạn tận si; những vị ấy khéo thực hành ở đời.
“Này Hiền giả, những ai đoạn tận tham, sân, si cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây Sa La, làm cho không thể tái sanh, làm không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy là những vị Tỷ kheo đến ở đời”.
-
- Khế thời:
Yếu tố tâm lý thính chúng tác động một phần nhờ vào hoàn cảnh không gian, thời gian. Học hạnh của Phật ngày xưa chưa đúng thời, chưa đủ duyên Ngài không thuyết pháp. Thời gian lịch trình sinh hoạt trong ngày của Đức Phật được chia ra rõ ràng vào canh khuya Ngài quán chiếu nhân duyên, nghiệp quả của chúng sanh rồi Ngài mới bắt đầu khất thực du hành giáo hóa. Ngài tu Bồ đề biết mình không đủ duyên nên không khất thực dù phải nhịn đói. Tổ Huệ Năng lại dạy
“Không đồng kiến không đồng hành…”, thì tuyệt im lặng không nói pháp mặc sống nhàn cư trong rừng già với đám thợ săn, chờ cơ duyên hội đủ mới hoằng pháp. Người hoằng pháp dù hoàn cảnh, địa vị nào phải biết tùy duyên dấn thân mới lợi ích chúng sanh và dân tộc “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trú” là vậy.
-
- Vận dụng vài kỹ năng
Một vị giảng sư hoằng pháp phải biết kiên trì xây dựng niềm tin cho thính chúng. Ai cũng biết rằng quần chúng thường tin tưởng một người có danh tiếng, một người có thẩm quyền, một người đáng tin cậy, và một người có thái độ gần gũi. Vậy kỹ năng khéo của giảng sư là vận dụng tối ưu nhất các mặt như: diễn giảng, cách trình bày, nhấn nhá ngôn ngữ, giọng điệu để đưa thính chúng hiểu vấn đề mình muốn trình bày.
Vị giảng sư cần hiểu biết về hội chúng của mình, nắm được tâm tư nguyện vọng của số đông trong chúng, từ đó có những lời lẽ thể hiện sự quan tâm đến đời sống của hội chúng, nhờ vậy mà tạo được sự gần gũi về phương diện tâm lý. Đồng thời giảng sư sống trong thời đại công nghệ kỹ thuật số 4.0 thì vận dụng các công nghệ như vi tính, chiếu slide và biết một vài ngôn ngữ để vận dụng khi cần.
- Hoằng pháp thời hội nhập
Thành quả của sự phát triển xã hội cho ta thấy kinh tế đóng vai trò quan trọng và quyết định nhiều lĩnh vực. Các nhà truyền giáo thấy mục tiêu này, họ sử dụng nhiều phương tiện và khai thác đẩy mạnh yếu tố kinh tế trong việc phát triển sinh hoạt tôn giáo của họ.
Trong xu thế của thời đại cần áp dụng phương tiện tùy duyên, nhưng tùy duyên mà bất biến. Bởi sự năng động và hấp lực ngoại cảnh rất lớn nên dấn thân hoằng pháp cần phải kiên chí, khẳng định vai trò người xuất gia “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới chân trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật…” Phật giáo chúng ta không thể tồn tại với tâm hồn yếu ớt, đời sống xa hoa, dần xa chân lý và hoài bão phụng sự.
Trong tinh thần nhập thế giáo lý Ngũ minh cho phép dấn thân hành đạo, các Ngài đã sử dụng giáo lý này để giảng dạy, cảm hóa người, giúp mở mang cánh cửa tri thức đi vào nẻo đạo hướng đến chân, thiện, mỹ.
Hội nhập và phát triển trong cộng đồng Tăng sĩ có những ý kiến từ thực tế, cái gì cần bảo lưu điều gì cần bỏ qua và nên bổ sung điều gì? Giáo lý Phật giáo truyền thống, những truyền thống Phật giáo phát triển ít nhiều tác động tín ngưỡng, truyền thống văn hóa bản địa và tư tưởng bây giờ.
Hoằng pháp là một trong các Ban quan trọng của Hiến chương GHPGVN hiện giờ. Nó có tính hoằng truyền chiều rộng của các địa bàn và chiều sâu tu tập của đội ngũ Tăng Ni khi dấn thân phụng sự. Nhìn thực tế ở Việt Nam ngoài các đạo tràng tu tập cho các đạo hữu Phật tử còn có những chương trình tu tập sinh hoạt cho tuổi thanh thiếu niên và những chương trình khác. Nhưng tựu trung cần hiểu thêm những nhiệm vụ như sau:
-
- Củng cố lòng tin vào chánh pháp và nhận thức chánh kiến cho Phật tử.
- Nâng cao trình độ Phật học và lý tưởng giải thoát cho Phật tử.
-
- Tạo sự năng động, thu hút làm tăng trưởng tín đồ và mở rộng ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội.
- Đối tượng tu tập như đạo tràng tu bát quán trai…các khóa giảng định kỳ ở đơn vị Niệm Phật Đường, hay cơ sở Giáo hội.
- Có những đối tượng chưa hẳn là Phật tử và Phật tử ít có cơ hội nghe pháp, tạo thuận duyên đưa họ đến với đạo Phật. Đồng thời có những chương trình sinh hoạt, dã ngoại đến tầng lớp thanh thiếu niên. Cung cấp kỹ năng, phương tiện, rèn luyện nghệ thuật sống, cũng như hiểu giá trị cuộc đời theo giới điều và đạo đức Phật giáo.
- Biết sử dụng vi tính và các hình thức công nghệ khoa học cũng như ngôn ngữ để vận dụng khi thuyết giảng đến quần chúng trong nước và ngoài nước.
- KẾT LUẬN
Tóm lại, chúng ta phải ý thức sâu sắc công cuộc hoằng pháp, trong đó vai trò Tăng sĩ là chủ đạo. Thành công hay thất bại, Phật giáo thịnh hay suy cũng tùy thuộc vào đội ngũ giảng sư trong việc “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” mà Đức Phật, chư vị Tổ sư khai sáng trong việc duy trì và tiếp nối mạng mạch hoằng dương chánh pháp đến ngày hôm nay.
Chúng ta hãy kiện toàn chính mình, phát huy thể lực, trí lực và nghị lực thể hiện nếp sống đạo đức, cứu độ chúng sanh. Giải thoát con người là trên hết. Đức Phật còn tuyên bố rằng: “Này các Tỷ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (Kinh Trung Bộ I). Đặt niềm tin và vững bước trên lộ trình hoằng pháp của Đức Thích Ca và chư Tổ như vậy, chúng ta xứng danh trưởng tử Như Lai hiện hữu trên cuộc đời được mọi người quy kính và đảnh lễ. Đến đây xin tạm kết đến với người làm hoằng pháp luôn tâm niệm lời dạy cao quý của Đức Thế Tôn “Hỡi các Tỷ kheo! Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người mỗi ngả, hãy truyền bá Chánh pháp. Này các Tỷ kheo, Chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh…Chính Như Lai cũng đi, Như Lai cũng sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) ở Sanànigàna để hoằng dương Chánh pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ” (Mahavaga-Đại phẩm 19,20)./.