HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI GÓC NHÌN CỦA DU HỌC NI VỀ HOẰNG PHÁP TẠI NHẬT
SC. Thích Nữ Hiền Nhiên *
DẪN NHẬP
Trước hết, chúng con xin cảm ơn Ban Tổ chức đã tin tưởng, cho chúng con cơ hội để trình bày một số suy nghĩ về vấn đề hoằng pháp tại hải ngoại.
Đề tài mà chúng con xin được trình bày hôm nay là “Góc nhìn của du học Ni về Hoằng pháp tại Nhật”.
Nói đến hoằng pháp thì phải nói đến người hoằng pháp, đối tượng được hoằng pháp và cách thức hoằng pháp. Sau đây, con xin phép đề cập đến ba phương diện để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Thứ nhất là “bối cảnh chung của người Việt Nam tại Nhật Bản”, thứ hai là “Tình hình thực tế về hoằng pháp tại Nhật Bản” và cuối cùng là “Mối liên hệ chặt chẽ giữa môi trường học tập và người hoằng pháp”.
Sở dĩ chúng con muốn nói đề tài trên vì chúng con muốn thu hẹp phạm vi phù hợp với trú xứ nơi chúng con đang học tập và sinh sống. Qua đó đưa ra những vấn đề thực tế nhất thể hiện được mặt ưu cũng như mặt khuyết trong quá trình hoằng pháp tại Nhật Bản.
Như chúng ta đều biết được, hoằng pháp là một sứ mệnh cao cả của những người con Phật. Dù bất cứ nơi đâu, sứ mệnh ấy vẫn được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Mặc dù mục đích giáo hóa là như nhau, nhưng vì vùng miền, văn hoá khác nhau nên sẽ hình thành những phương tiện giáo hoá khác nhau. Vì thế, sau đây chúng con xin đề cập đến bối cảnh chung của người Việt Nam tại Nhật Bản để có thể thấy rõ nét hơn về tình hình hoằng pháp tại nơi này.
--------------------------------------------------------
-
-
BỐI CẢNH CHUNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN
Việt Nam và Nhật Bản hiện đang có mối quan hệ ngoại giao bền chặt trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị cũng như giao lưu văn hoá ngày càng mở rộng. Trước tình hình đó, số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản sinh sống, làm việc ngày một tăng trưởng. Theo sự thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản năm 2018, số người Việt Nam sinh sống tại đây là 350.000 người, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ dân số được báo cáo trong năm 2016. Trong đó, số lượng du học sinh và thực tập sinh chiếm tỷ lệ đa số. Phần còn lại là những người đã đến đây trước và sau năm 1975 để định cư và sinh sống. Trước con số ồ ạt như vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được thì có nhiều bất cập xảy ra.Vấn đề tồn tại thì có nhiều mặt, để tiện cho việc trình bày, con xin được chia ra làm hai nhóm chính: Đó là lớp người định cư lâu năm ở đây và thế hệ trẻ sau này.
Đối với những bạn du học sinh, thực tập sinh; đây là nhóm thế hệ trẻ chiếm số lượng lớn, các bạn trẻ đã dốc hết sức để lao động với mong muốn thay đổi cuộc đời. Do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, hay thiếu kiến thức về những kỹ năng mềm trong cuộc sống, những nỗ lực thiếu hiểu biết đó đã vô tình phản tác dụng và kéo theo những hệ lụy sau đó. Vì muốn kiếm tiền càng nhiều càng tốt, các bạn đã đi làm suốt ngày đêm, giấc ngủ thiếu, ăn uống không đầy đủ, dẫn đến việc chết do đột tử khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài ra, những tệ nạn như trộm cắp, phá thai, gây rối trật tự đang xảy ra ngày một nhiều. Đây là mặt trái sự thật đằng sau sự hào nhoáng đi du học, lao động ở một đất nước tân tiến, văn minh, kỷ luật. Thậm chí, vì áp lực trong cuộc sống xa quê hương, lại tự một mình chống chọi với mọi khó khăn, cũng như là nạn nhân của một lối sống thực dụng, không ít các bạn trẻ phải trả giá bằng mạng sống quý giá của mình, để lại sự bàng hoàng xót xa cho gia đình, cộng đồng. Thiết nghĩ, những lúc như vậy, nếu hình ảnh Phật giáo kịp thời xuất hiện làm chỗ dựa tinh thần cho những con người đang bị bế tắc, tuyệt vọng thì có lẽ nhiều sanh linh đã không nằm lại trên đất khách quê người.
Bên cạnh những thế hệ trẻ nhiều biến động đó, còn có những thế hệ người Việt Nam đã sang Nhật sinh sống, làm việc và định cư lâu dài tại Nhật Bản. Họ là những người đã ổn định về mặt tài chính, và đóng góp rất nhiều giá trị tinh thần cũng như vật chất cho đất nước Nhật
Bản. Hơn ai hết, họ chính là những người Phật tử thuần thành luôn mong mỏi có được những mái chùa của người Việt Nam để có thể duy trì tín ngưỡng truyền thống Phật giáo cũng như văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, vì sự khác biệt văn hoá giữa họ và con cái, nên nhu cầu đưa con của họ đến nghe giảng pháp bằng tiếng Việt, học tiếng Việt hay học văn hoá Việt Nam cũng là một nhu cầu rất lớn tại đây. Đối với họ, hình ảnh ngôi chùa Việt Nam luôn có giá trị bao hàm trong câu nói “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. [Mãn Giác Thiền Sư].
-
- TÌNH HÌNH THỰC TẾ VỀ SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP TẠI NHẬT
Trước tình hình đã được nêu ra ở trên, những ngôi chùa Việt Nam tại Nhật Bản gần như là trung tâm giải quyết mọi vấn đề rắc rối cho các bạn trẻ cũng như cộng đồng. Từ việc ma chay cho người chết, hỗ trợ thủ tục giấy tờ cho người bệnh, nhận thai nhi về thờ, giúp đỡ kêu gọi những trường hợp khó khăn, tư vấn tâm lý… Ngoài ra, chùa còn là nơi đào tạo, định hướng về phạm trù đạo đức, nhắm đến việc đào luyện nhận thức và phẩm chất trong xã hội, để giúp các bạn trẻ sống đúng kỷ cương, luật pháp ở đất nước sở tại. Thông qua những khoá tu định kỳ, các bạn trẻ dần định hình được mục đích sống, có ý thức bảo vệ sức khoẻ và giữ gìn cuộc sống lành mạnh theo lời đức Phật dạy qua con đường bát chánh đạo. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua những buổi lễ truyền thống Phật giáo, việc giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như giới thiệu cho nước bạn biết về văn hoá, tinh hoa của đất nước Việt Nam cũng được chú trọng một cách đặc thể. Với tính chất công việc Phật sự như vậy, đòi hỏi người làm hoằng pháp phải chu toàn giữa nội hàm tu tập lẫn kiến thức căn bản về đạo đức, xã hội và điều không thể thiếu đó chính là ngoại ngữ.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều bất cập khiến cho người làm Đạo nơi đây không khỏi trăn trở. Có thể nói, Nhật Bản là một đất nước rất ít Tăng Ni Việt Nam định cư cũng như sang du học. Vì kinh tế đắt đỏ hay nếp sống khắc nghiệt, hối hả, đã cản trở không ít đến nguyện vọng của những vị tu sĩ muốn sang Nhật du học, hoằng pháp. Tính đến thời điểm bây giờ, số lượng Tăng Ni sinh sống tại đây khoảng hơn 20 vị. Đây là con số khá khiêm tốn so với các nước khác, cũng như chênh lệch khá nhiều so với lượng công việc Phật sự cần làm nơi đây.
Giai đoạn đầu với số lượng tu sĩ Việt Nam chưa nhiều, mọi người có xu hướng hoạt động riêng biệt, không có tính hợp tác nên chư Tăng Ni không hề liên hệ với nhau. Điều này gây ra một số khó khăn khi hoằng pháp. Hơn thế, nó còn khiến những vị tu sĩ trẻ mới qua gặp một số trở ngại với cuộc sống bên này. Như đã nói, đặc thù cuộc sống tại đây đều cần thiết hai vấn đề: “tài chính và tư cách lưu trú”. Ngoài những vị có tư cách hoạt động tôn giáo đa phần mọi người đang lưu trú với tư cách là du học. Vì thế, khi sống bên này, họ phải tự lực rất nhiều so với những gì họ đã nghĩ. Để tiếp tục được học tập, những vị tu sĩ trẻ phải nỗ lực rất nhiều; hoặc là học thật tốt để có học bổng, hoặc là luôn phải chật vật với những vấn đề về tài chính. Từ những thực trạng đó, có thể nói những du học Tăng, Ni tại Nhật Bản phải thật sự có bản lĩnh cũng như sự nỗ lực nhất định để có thể sinh hoạt bên này. Nói như vậy để chúng ta hiểu trong khó khăn mới luôn thấy được dũng khí của con người, và khi được hoằng pháp trong môi trường ấy, đó là điều hạnh phúc.
Với sự bỡ ngỡ ban đầu, những người tu sĩ trẻ luôn mong mỏi có được sự chở che, hướng dẫn của những bậc tiền bối có kinh nghiệm lâu năm. May mắn thay, sự mong ước đó đã dần trở thành hiện thực khi chư Tăng Ni tại Nhật Bản đã cùng nhau ngồi lại, xây dựng tinh thần hòa hợp để cùng nhau hoằng pháp. Sự hòa hợp ở đây là cùng tôn trọng từng cá thể trong Tăng đoàn, xây dựng cái chung trên những cái đã có nền tảng.
Mặc dù ban đầu, từ việc thu xếp thời gian ổn thoả cho Tăng Ni cả nước có thể tập trung đông đủ, cũng như sự lấn cấn do chưa có tiếng nói chung bao giờ, còn rất nhiều điều chưa thuận lợi. Mãi đến năm 2018, khoá An cư Kiết hạ đầu tiên được tổ chức, sau đó là những kỳ Bố tát định kỳ. Vì những ngôi chùa Việt Nam nằm rải rác khắp cả nước Nhật, nên các kỳ Bố tát đã được tổ chức luân phiên ba tháng một lần trong mỗi tự viện của người Việt Nam…Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng mà còn là một sự hoan hỷ, hạnh phúc cho Tăng Ni khi được sống trong tình thân của Tăng già hoà hợp. Từ đó, những vị tu sĩ trẻ cũng mạnh dạn hơn trong việc xây dựng, đóng góp ý kiến cũng như cống hiến sức trẻ của mình cho vấn đề hoằng pháp.
Để đạt được thành quả này, chư Tăng Ni đã dõng mãnh xúc tiến,
đưa ra vấn đề cụ thể, lắng nghe và cảm thông nhau. Đây không những là hình ảnh biểu hiện về tính quan trọng cốt lõi của sự thanh tịnh, hoà hợp trong hoằng pháp mà còn mang dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản. Với sự biến chuyển như vậy, chư Tăng Ni đã đưa ra mục đích hoằng pháp như sau:
-Với cộng đồng thì luôn lấy lợi sanh làm đầu, hướng thành một cộng đồng sống tự giác, văn minh, hoà thuận, biết làm việc lợi ích cho mình, cho người và xã hội.
-Với hậu bối thì quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn tận tình trong mọi tình huống khó khăn. Định hướng cho việc học tập, nghiên cứu tại Nhật một cách cụ thể.
-Đối với Phật sự từng vùng, thì có sự quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau, duy trì việc Bố tát, An cư định kỳ, đẩy mạnh việc hoằng pháp thông qua kênh truyền thông, tập san.
-Đối với các tông phái Phật giáo tại Nhật Bản thì giới thiệu, giao lưu Phật giáo qua hình ảnh Tăng đoàn hoà hợp. Điều này cho thấy, dưới sự hoà hợp của Tăng già thì luôn là dinh dưỡng của hạt giống bồ đề, được nuôi dưỡng trong môi trường từ bi và trí tuệ. Hơn thế nữa, chính sự hoà hợp ấy đã kết nối lại được những sức trẻ biết cống hiến, thay vì chỉ hoàn toàn tập trung vào việc học và không gian riêng mình. Mặc dù cho đến nay, quá trình mới bắt đầu gần được một năm, nhưng những thành tựu đạt được cũng là đòn bẩy giúp chư Tăng Ni tại Nhật phát triển cũng như xây dựng sự nghiệp hoằng pháp ngày càng lớn mạnh.
-
- MỐI LIÊN HỆ CHẶT CHẼ GIỮA MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP VÀ NGƯỜI HOẰNG PHÁP
Để chuẩn bị cho hành trình va chạm thực tế, đi ra hoằng pháp trong nước hay hải ngoại, chúng ta cũng cần có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Dù là đi đến nước nào, thì những vị tu sĩ Việt Nam đang hoằng pháp tại Hải ngoại đều có xuất thân từ Việt Nam. Họ được giáo dục và dạy dỗ trong môi trường Phật giáo Việt Nam theo từng cấp bậc từ sơ cấp đến đại học, cao học. Sau đó, mới bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của mình thông qua việc du học, định cư, hoặc hoạt động tôn giáo. Họ truyền bá Phật giáo qua văn hoá Việt Nam, xiển dương giáo
pháp qua hình ảnh Tăng thân Việt Nam. Nên, những gì được học, được tu tại Việt Nam là kim chỉ nam để họ đem ra hoằng pháp. Nói vậy để thấy, môi trường hoằng pháp cũng như sinh hoạt tại Việt Nam là nền tảng căn bản để tạo nên tinh thần cho những vị tu sĩ ra nước ngoài hoằng đạo. Vậy nên, việc chuẩn bị cho sự nghiệp hoằng pháp phải được định hướng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cần có những kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho những Tăng Ni có nguyện vọng hoằng pháp trong tương lai. Từ đó, giúp bản thân họ nhận ra ý nghĩa cao cả cũng như những thử thách mà họ phải đối mặt trong quá trình hoằng pháp.Hoằng pháp đối với họ chính là việc làm hằng ngày về thân giáo, khẩu giáo, và ý giáo và được tiếp nhận sự truyền trao ấy chính từ những người thầy dạy mình. Nếu thật sự có được môi trường như vậy, Phật giáo Việt Nam sẽ lan toả xa hơn và có dấu ấn hơn trong Phật giáo thế giới. Hệ thống giáo dục như chiếc đèn sáng giúp người thấy được lối đi, biết được điểm đến. Khi người thầy nắm được ánh sáng, trao truyền ánh sáng đấy cho người trò, người trò ấy tiếp tục đem ánh sáng đi ra chiếu những nơi tăm tối, để ánh sáng không bị tắt đi. Nên nếu môi trường giáo dục về tâm lý hoằng pháp được quan tâm nhiều hơn, khơi dậy được mục đích sống xứng đáng với hạnh nguyện xuất gia, tạo môi trường thực tập về đời sống hoằng pháp cho chư Tăng Ni trẻ, chắc hẳn sự nghiệp hoằng pháp hiện tại và mai sau sẽ đem lại được nhiều lợi ích lớn cho Phật giáo cũng như xã hội.
Một phương diện quan trọng khác, đó chính là sự thực tu trong những người hoằng pháp. Bất cứ ai cũng vậy, nếu đứng trên bục giảng nói ra chuyên môn của mình, họ phải thực sự am hiểu về điều đó. Họ cần nắm chắc được nguyên lý cấu tạo hay sự hình thành về điều đang nói. Hoằng pháp trong Phật giáo cũng vậy, người hoằng pháp chính là đem lời đức Phật dạy ra giáo hoá chúng sanh. Vì vậy, người này cũng cần có đủ tư chất về sự thực nghiệm pháp học, pháp hành từ trong chính đời sống sinh hoạt hằng ngày. Để đáp ứng được điều kiện này, người tu sĩ trẻ cần có ý thức trách nhiệm của bản thân qua ba nghiệp, vì chính đời sống hằng ngày của chúng ta là những bài pháp sống cho nhân sinh hiểu về đời sống an lạc của người thực hành pháp. Sự chuẩn bị này cần lấy “văn, tư, tu” làm tôn chỉ, đây là khẩu hiệu mà các trường học Phật giáo Việt Nam đều đưa ra.
Sau cùng, thông qua việc hoằng pháp, trải nghiệm thực tế, người hoằng pháp cũng sẽ rút ra được nhiều bài pháp thực hành vô giá. Giá trị ở đây là người nhận được hiểu giáo lý Phật đà, áp dụng vào cuộc sống để được bình an. Còn người trao truyền điều đó lại có cơ hội kiểm chứng lại sự tu hành của mình trước những lời khen chê, danh lợi của dòng đời. Vậy, có thể xem hoằng pháp là cuộc sống, hơi thở và trí tuệ của người làm đạo.
-
- KIẾN NGHỊ
Để cụ thể hoá những gì đã được nêu trên, chúng con xin được mạo muội đưa ra những kiến nghị sau:
- Đề nghị TƯ Giáo hội quan tâm, hỗ trợ hơn về mặt pháp lý cũng như tinh thần cho những vị hoằng pháp tại Hải ngoại.
- Đề nghị Ban Hoằng pháp kết hợp với Ban Giáo dục TƯ tạo điều kiện cho những vị tu sĩ trẻ có cơ hội thực nghiệm việc hoằng pháp theo Tăng đoàn.
- Đề nghị Ban Giáo dục TƯ chú trọng, quan tâm thêm về việc định hướng, hướng dẫn những vị tu sĩ trẻ về việc hoằng pháp.
- KẾT LUẬN
Mặc dù chúng con chỉ là những người còn trẻ tuổi, vẫn còn non nớt trong vấn đề va chạm thực tế khi dấn thân phụng sự. Nhưng với tinh thần đặt sự hoằng pháp lên làm đầu, thì chúng con xin nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho đạo pháp. Với tầm nhìn, thao thức của một thế hệ trẻ, chúng con rất mong nhận được sự chỉ dạy thêm từ những bậc cao Tăng thạc Đức.
Quang lâm tham dự trong Hội thảo này có Chư Tôn Trưởng lão, Chư Tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Tăng, Ni, là những Bậc Tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hoằng pháp, chúng con xin thỉnh nguyện quý Ngài về hạnh nguyện hoằng pháp mà chỉ dạy, hướng dẫn, cũng như đề ra những phương pháp khả thi để sứ mệnh hoằng pháp được hoàn thiện và phát triển hơn. Kính mong quý đại biểu hết lòng góp ý cho Phật sự trọng đại này.
Trân trọng tri ân Quý Ngài và kính chào Quý liệt vị.