NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TT.TS. Thích Đức Thiện *
Hoằng pháp là nghĩa vụ, đồng thời là sứ mệnh thiêng liêng của Tăng Ni. Sự nghiệp hoằng pháp là sự nghiệp trọng yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với phương châm: hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài, hoạt động hoằng pháp trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hơn 8 nhiệm kỳ trưởng thành và phát triển. Sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự phản ánh tính kế thừa, tiếp nối, phát huy những tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam mà chư vị lịch đại Tổ sư đã lưu truyền mạng mạch Phật pháp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Tầm quan trọng của sự nghiệp hoằng pháp thể hiện ngay trong lịch sử cuộc đời của đức Phật. Ngài xuất hiện ở đời là vì một đại sự nhân duyên là: khai thị ngộ nhập Phật tri kiến. Suốt cuộc đời của Ngài đã không ngừng nghỉ đi khắp mọi nơi để trao truyền thông điệp giải thoát, giác ngộ cho chúng sinh. Sự kiện nhập Niết bàn của Ngài cũng chính là một bài pháp vĩ đại mà Ngài đã chỉ dạy cho nhân loại về triết lý nhân sinh.
Đạo Phật hình thành và phát triển căn bản trên ba ngôi báu là Tam Bảo: Phật bảo – Pháp bảo – Tăng bảo. Trong đó, Tăng bảo hay đội ngũ Tăng già, Tăng Ni với sứ mệnh là ‘Sứ giả của Như Lai’, đồng thời có sứ mệnh phải trau dồi giới, định, tuệ để có đủ khả năng, và có trách nhiệm chuyển tải giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của đức Phật đi vào đời sống xã hội, đến với quảng đại quần chúng. Đó chính là sự nghiệp hoằng pháp. Từ đó chúng ta thấy rõ hai mệnh đề cần và đủ
--------------------------------------------------------
* Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯ
GHPGVN.
cho sự thành công của sự nghiệp hoằng pháp đó là: phương thức, nội dung, sự khế lý, khế cơ trong hoằng pháp và đội ngũ Tăng Ni thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sinh là những nhân tố quyết định để chính pháp của đức Phật ăn sâu vào đời sống xã hội ở mọi thời đại, mọi vùng miền, mọi quốc gia, quốc độ.
Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, thời đại phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật công nghệ số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó đã tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức. Những cơ hội để tăng cường sự lan tỏa giá trị của Phật giáo thông qua các công cụ công nghệ như internet, mạng xã hội, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data)
-
- …, đồng thời nó cũng đòi hỏi chúng ta phải vận dụng các giá trị cốt lõi của Phật giáo, các qui tắc, triết lý, đạo đức và tư tưởng của Phật giáo vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh, các hệ lụy sinh ra từ quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới ảo và phải giải quyết các vấn nạn toàn cầu theo những giải pháp từ giáo lý Phật giáo.
Vậy những giải pháp đặt ra ở đây là trước hết công tác hoằng pháp cần phải đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, đa dạng hóa trong phương thức truyền bá, chuyển tải giáo lý Phật giáo theo tinh thần tùy duyên, phương tiện, khế lý, khế cơ đến với từng nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, qua đó, công tác hoằng pháp đưa được những giá trị nhân văn của Phật giáo đi vào sâu rộng hơn trong đời sống xã hội.
Nhìn về thời quá khứ, khi chưa có thiết bị công nghệ hiện đại, phương tiện và phương thức hoằng pháp như ở thời của đức Phật và cha ông của chúng ta là truyền bá giáo lý bằng hình thức truyền miệng. đức Phật và các thánh đệ tử của Ngài phải đi khắp các vùng miền để giáo hóa, chỉ dạy cho mọi người bằng kim khẩu của Ngài. Nhìn chung thì phương thức truyền miệng khó nhớ, và đã tạo ra nhiều dị bản khi lưu lại đời sau, và để truyền đi xa là rất khó, vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức.
Sau này, tiến bộ hơn đã có chữ viết, khắc chữ vào bản gỗ để in, viết vào lá bối, sau thì giấy mực ra đời thì việc truyền bá được viết bằng chữ viết có thể lưu lại nhiều đời cho hậu thế về sau. Tuy nhiên, hình thức này cũng vẫn dễ bị mai một, bản khắc di chuyển nặng nề, giấy bị mục nát, chữ viết nhòe theo thời gian, muốn sao chép thành
nhiều bản rất tốn công sức, mất nhiều thời gian.
Nhưng khi có những thiết bị CNTT hiện đại chúng ta có thể dễ dàng xem, lưu trữ, tìm kiếm… Chẳng hạn như những bộ Tam tạng kinh điển, các trước tác quý giá được soạn thảo, lưu trữ dưới dạng file word và pdf có thể sao chép thành rất nhiều bản trong thời gian ngắn, không tốn nhiều công sức và đặc biệt khi những bộ kinh điển đó được đăng tải trên các trang mạng thì sẽ được lưu trữ, bảo quản lâu dài, rất khó mai một, có vô số người được tiếp cận, được đọc. Đó là lợi ích, ưu điểm đầu tiên của việc áp dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp mà chúng ta dễ dàng thấy được.
Bên cạnh đó, việc đăng tải các video, bài pháp thoại của Chư tôn đức, các vị giảng sư, các hoằng pháp viên trên mạng xã hội hay đơn giản chỉ là những bài chia sẻ kinh nghiệm tu tập của các vị tôn túc trên kênh Youtube, website.... khi đăng tải như vậy sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem với mỗi video và như thế số người được xem, được tiếp cận, được mở rộng mà không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, địa điểm, mà ở khắp nơi trên thế giới. Hay như việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải những dòng trạng thái tích cực, truyền năng lượng bình an đến với những người hữu duyên, cũng có thể là việc chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đại chúng tu tập, chia sẻ một bài kinh ý nghĩa trên trang facebook...
Hoằng pháp trong thời đại ngày nay cũng có thể nghĩ tới những phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo, big data… Những phần mềm hay ứng dụng này có thể thu nạp những thông tin, sau đó đưa ra những kết luận về tâm trạng, tinh thần hoặc định hướng về một phương thức, loại hình chuyển tải giáo lý, học tập và sinh hoạt Phật pháp, những khóa tu tập theo các pháp môn thiền, tịnh độ, kim cang thừa, các sinh hoạt nghi lễ Phật giáo v.v… Bên cạnh đó, các thư viện, lớp học, khoá tu trên không gian mạng là hoàn toàn khả thi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của con người về thông tin được đòi hỏi ngày càng cao. Do đó, ngôn ngữ truyền đạt trong hoằng pháp của Phật giáo cũng cần nghiên cứu thay đổi để người nghe có thể hiểu rõ nội dung, suy ngẫm và vận dụng. Việc giảng dạy giáo lí sẽ gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo sức lôi cuốn hơn khi vị giảng sư biết sử dụng máy chiếu, soạn các bài giảng PowerPoint ấn tượng để trình bày bài giảng với những hình ảnh, âm thanh, video sống động, gần gũi, chân
thực để từ đó mọi người không bị nhàm chán, trái lại có thể dễ dàng áp dụng vào đời sống thường nhật. Khi đó những giáo lí siêu việt, chân thật của Đức Phật sẽ đi sâu vào lòng người và khi đó mọi khoảng cách về không gian, và thời gian đều được xóa nhòa.
Như vậy, chúng ta có thể thấy những thành tựu của khoa học CNTT đã và đang mang đến rất nhiều ích lợi, giá trị to lớn và đang được cộng đồng xã hội hưởng ứng hết sức nhiệt tình và được ứng dụng rộng rãi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang quản lý và vận hành nhiều trang báo điện tử online của Giáo hội Trung ương và Giáo hội các địa phương, các Ban viện, các chùa, tự viện. Đó là những kênh hoằng pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, một số Chư tôn đức đã vận dụng một cách hữu hiệu và triệt để công nghệ thông tin trong hoằng pháp với các website, các trang facebook, You- tube, Zalo…, đặc biệt hữu hiệu là kênh trang tin Phật sự Online và mạng xã hội Phật giáo đầu tiên: butta.vn
Bên cạnh những ưu điểm tích cực nêu trên, một số vấn đề đáng lo ngại của việc ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của đức Phật cũng đòi hỏi Giáo hội và mỗi Tăng Ni cần quán triệt. Đó là:
Thứ nhất, đối với mạng xã hội là không gian mở, không dành cho riêng một ai, mà ai cũng có quyền đăng tải, truy cập, và xem bất cứ cái gì trên đó khi được để chế độ công khai (public) vì thế mà có một số kẻ xấu, ngoại đạo đã lợi dụng để trà trộn vào, lồng ghép vào những tà thuyết sai trái, truyền bá tư tưởng xấu làm sai lệch đi chính pháp, chân lý giải thoát, tư tưởng của kinh điển. Còn xuất hiện và tồn tại một số những bài giảng, quan điểm mang tính cá nhân nhưng thiếu về sự trải nghiệm trong tu tập, chưa hiểu thấu đáo giáo lý phương tiện của đức Phật, diễn giải sai về giáo lý, quy chụp đó là lời dạy của đức Phật làm cho xã hội có cái nhìn sai lệch về bản chất giáo lý trong sáng của Đạo Phật. Từ đó khiến những người mới học đạo hay mới tìm hiểu về giáo lí giác ngộ của Đức Phật bị mơ hồ, nghi hoặc, chao đảo, thậm chí làm thối lui tâm bồ đề ban đầu của Phật tử bởi thật giả lẫn lộn hay dẫn đến những tư tưởng lệch lạc cho rất nhiều người vì họ chưa đủ sức để phân biệt đâu là chính pháp, đâu là tà pháp và tất cả những video đó tràn lan không có sự xác nhận đâu là chính pháp, đâu là tà pháp.
Thứ hai, đối tượng của kênh hoằng pháp sử dụng internet, mạng xã hội phần lớn là những người trẻ, là học sinh, sinh viên. Đây là đối tượng những người hay cả tin, luôn tò mò muốn biết mọi thứ nhưng
họ chưa có kinh nghiệm sống, kiến thức Phật pháp còn non nớt, thiếu chín chắn, luôn quyết định và hành động nhanh, hấp tấp, vội vàng vì thế mà rất dễ bị lợi dụng niềm tin tôn giáo, lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà giáo, mê tín dị đoan.
Thứ ba, là sự giả mạo các trang facebook mang danh các chùa, của Chư tôn đức có uy tín để lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người khác nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân ích kỉ như phá hoại thanh danh, lợi dụng để chiếm đoạt, lừa đảo vụ lợi từ những người hảo tâm...
Thứ tư, bất cập tiếp theo của việc ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp là việc bị các hãng quảng cáo tự ý chèn video, hình ảnh quảng cáo không phù hợp vào bài thuyết pháp cần sự tôn nghiêm hoặc các bài quảng cáo làm gián đoạn video thuyết pháp, gián đoạn dòng suy nghĩ của người thính pháp. Đó là vấn đề hết sức nan giải và chưa có cách giải quyết triệt để.
Từ những vấn đề nêu trên, đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp trung ương cần phải chú trọng đến đội ngũ lực lượng nhân sự Tăng Ni làm công tác hoằng pháp, các giảng sư có đầy đủ đạo hạnh, năng lực, trình độ Phật pháp, sự trải nghiệm nội tâm tu tập, tâm huyết với sự nghiệp hoằng pháp, trong đó có sự nghiệp hoằng pháp hải ngoại.
Xã hội hiện nay có nhu cầu đòi hỏi một đội ngũ Tăng Ni với đạo hạnh, thân giáo mô phạm, có sự trải nghiệm nội tâm tu tập để có thể chia sẻ những kinh nghiệm hành trì, giúp cho những người thực hành Đạo Phật có sự an lạc thực sự trong tâm hồn họ, vơi đi những phiền não nội tâm trong một xã hội đầy biến động và áp lực, thỏa mãn các nhu cầu mà không bao giờ được thỏa mãn. Và tất yếu, một người làm công tác hoằng pháp phải có đầy đủ kiến thức về Phật pháp, song ở đó phải có tư tưởng và cái nhìn xuyên suốt về hệ thống giáo lý Phật giáo trên tinh thần thấu hiểu học thuyết phương tiện của đức Phật, thấu đáo tinh thần khế lý, khế cơ để thấy được tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo ở các tất cả các giai đoạn của một tiến trình giải thoát mà không có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các hệ phái, các pháp môn. Một yêu cầu nữa là người làm công tác hoằng pháp cần phải có sự tìm hiểu rộng rãi kiến thức xã hội, về các tôn giáo, các khoa học liên ngành khác nhau như toán học, vật lý, vũ trụ, y học, công nghệ IT… trên phương diện Phật giáo là một khoa học, phù hợp với các hoàn cảnh xã hội.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm qua đã thành lập nhiều tổ chức Giáo hội của mình tại nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau với tên gọi Ban Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Phật tử Việt Nam như: Ban Điều hành GHPGVN tại Lào, tại Campuchia, tại Mozambique, Angola châu Phi…và các Hội Phật tử Việt Nam tại châu Âu: CH.Pháp, LB.Nga, Ucraina, Ba Lan, CH.Séc, Hungary, CHLB. Đức, Slovakia…tại khu vực Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc…Công tác chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những Phật sự quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Hoằng pháp. Với số lượng gần 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại khoảng 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó Giáo hội rất chú trọng tới công tác hoằng pháp hải ngoại. Từ những phân tích ở trên, trong công tác hoằng pháp hải ngoại cũng đòi hỏi phải có một đội ngũ Tăng Ni đào tạo dành riêng cho việc đi thuyết giảng, hoằng pháp, đảm trách công tác Phật sự tại các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, tại các chùa Việt Nam ở các nước trên thế giới. Nhu cầu về đội ngũ Tăng Ni hoằng pháp hải ngoại đang là một nhu cầu thực tế cấp bách từ những yêu cầu của các Hội Phật tử Việt Nam ở hải ngoại.
Tại Hội thảo này, Ban Hoằng pháp Trung ương tập trung phân tích và đưa ra những giải pháp để cho công tác hoằng pháp hải ngoại được đáp ứng theo nhu cầu của các Hội Phật tử Việt Nam tại hải ngoại. Qua đó, chúng ta cùng nhau thực hiện thành công các phương hướng mục tiêu mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã đề ra nhằm xiển dương Phật giáo Việt Nam khắp 5 châu và thực hiện hữu hiệu sự nghiệp chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
-
-
- Narada M.T, Đức Phật và Phật pháp, Nxb. TP. HCM.
- Hòa thượng Thích Tuệ Hải, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. TP. HCM.
- Ban Hoằng pháp TƯ, Kỷ yếu Hội thảo hoằng pháp toàn quốc tại Bình Dương, 2011.
- Ban Hoằng pháp TƯ, Kỷ yếu Hội thảo hoằng pháp các tỉnh Tây Nguyên tại Nha Trang, 2018.
- Hội đồng Trị sự GHPGVN, Văn kiện Đại hội VIII, 2017.
- UBNNVNVNONN, Tạp chí Quê hương, 2018.