VAI TRÒ, SỨ MỆNH CỦA NHÀ HOẰNG PHÁP
NS.TS. Thích Nữ Hạnh Giải *
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, ở xứ Ấn Độ đức Phật ra đời với mục đích “Khai ngộ chúng sanh nhập Phật tri kiến”, tức là khơi nguồn tuệ giác cho tất cả chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi sanh tử khổ đau. Nguồn sống tuệ giác đó không gì khác chính là nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ. Với giáo lý từ bi hỷ xả, luật nhân quả, lý duyên sinh, tinh thần vị tha vô ngã, cùng vô số phương tiện thiện xảo khác, nguồn sống tuệ giác từng bước dần dần thấm sâu vào tâm hồn mỗi người con Phật, gieo vào tạng thức mỗi người hạt giống từ bi và trí tuệ, để từ đó đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát. Vì mục đích đó mà trong 49 năm Ngài đã đi khắp nơi, không hang cùng ngõ hẽm nào mà Ngài không đặt chân đến. Vì mục đích hoằng hóa, Ngài đã đưa giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ vào mọi ngõ ngách đời sống, đến với từng con người, hầu giúp mọi người nhận ra chân lý giác ngộ giải thoát.
Đức Phật là nhà hoằng pháp đầu tiên, mẫu mực nhất. Ngài thuyết pháp không phân biệt giai cấp sang hèn, nghèo giàu, ý thức hệ tư tưởng, lãnh vực ngành nghề, giới tính tuổi tác… Ngài linh động uyển chuyển tùy thuận nhân duyên với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh, để mang lại hiệu quả cao nhất, nhằm giúp tất cả mọi người được giải thoát an lạc, đạt đến nguồn sống hạnh phúc chân thật.
“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa”.
Thật vậy, bất kỳ một học thuyết hay một tôn giáo nào muốn tồn tại thì phải truyền thừa. Mà người truyền thừa và tư cách của người truyền thừa ấy là quyết định phần lớn sự thịnh suy của Tôn giáo học
--------------------------------------------------------
* Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
thuyết ấy. Đạo Phật cũng vậy, trải qua mấy ngàn năm kể từ nơi Ấn Độ xa xôi ấy, chánh pháp vẫn rạng chiếu với nhiều sắc màu rực rỡ khắp năm châu. Đó là nhờ công lao không ít của các “sứ giả Như Lai”, những người đã biết tự trang nghiêm giới thân, trau dồi đức hạnh, huân tập giới đức của chính mình. Từ đó, người con Phật đã hoằng truyền chánh pháp không những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo, đem lại lợi ích lớn lao cho tất cả chúng sanh.
Thời đức Phật còn tại thế, các vị Tỳ kheo sau khi tìm nơi yên tĩnh như dưới gốc cây hay trong các khu rừng vắng để tọa thiền quán tưởng đạt đến sự an tịnh của tự thân xong thì đức Phật mới dạy các vị Tỳ kheo “Hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”. Khi đó chư Tăng đã đem giáo lý của Phật truyền bá vào đời sống, từ đây mở ra con đường nhập thế và nhập thế trở thành một nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp lợi sanh. Mỗi giai đoạn lịch sử, thuận theo trào lưu tiến hóa và nhu cầu xã hội, định hướng hoằng pháp cũng được thể hiện qua nhiều phương cách, tùy theo yếu tố con người và bối cảnh thời đại. Mỗi thời đại khác nhau, quốc độ khác nhau đòi hỏi vai trò và kỹ năng của vị “sứ giả Như Lai” cũng khác nhau. Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi xin trình bày ba mẫu người hoằng pháp với ba thời đại khác nhau: Thời Phật giáo nguyên thủy; Phật giáo Đại thừa và thời đại công nghệ 4.0.
1. Người hoằng pháp trong thời Phật giáo Nguyên thủy
Trong “Kinh Thiện Pháp”, đức Phật dạy: “Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì ? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người” 1.
Chúng ta thấy rằng 7 điều kiện này đức Phật dạy không ngoài hai mục đích: Tự lợi và lợi tha. Nghĩa là người xuất gia muốn lợi tha trước phải tự lợi. Điều kiện tiên quyết trong con đường giác ngộ là tự lợi sau mới lợi tha. Tự mình phải hiểu rõ Phật pháp, hiểu được Phật pháp có lợi ích gì đến đời sống của con người không, có giúp con người liễu sinh thoát tử không? Từ hiểu rõ Phật pháp mới hành pháp và hoằng pháp, đó là tiến lên cấp độ “lợi tha”, cứu giúp chúng sanh. Như vậy, ý
-
-
Thích Tuệ Sỹ dịch và chú, “Kinh Trung A hàm I”, Nxb. Phương Đông, 2012, tr.5.
nghĩa nhiệm vụ “lợi tha” hay công việc hoằng dương chánh pháp phải được xây dựng trên cơ sở là người hiểu rõ, thực hành Phật pháp chứ không phải không hiểu không thực hành Phật pháp. Có thể nói đây là 7 điều kiện này, cơ bản định hướng cho việc tu tập cũng như việc hoằng truyền Phật pháp.
-
- Biết pháp:
“…Biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp”. 2
Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa là 12 phần giáo. Nghĩa là Đức Thế Tôn đã trình bày pháp qua 12 hình thức khác nhau. Một người xuất gia trước hết phải Biết pháp. Tức cần phải hiểu rõ về các loại hình thức mô tả về pháp này, ngang qua những hình thức đó, để có thể hiểu rõ nắm được cái gì là Phật pháp, hiểu rõ cái gì là chánh pháp, cái gì là tà pháp…Từ đó tu tập đúng đắn để hoàn thiện tự mình và truyền dạy tha nhân.
-
- Biết nghĩa:
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa. 3
Chúng ta biết rằng trong 49 năm hoằng pháp, đối tượng nghe đức Phật thuyết giảng rất phong phú, gồm cả tu sĩ, cư sĩ, ngoại đạo, … Đối tượng khác nhau thì chắc chắn nội dung và ý nghĩa mà Ngài giảng dạy cũng khác nhau. Sự khác nhau đó biểu thị căn cơ và trình độ, phong tục tập quán của con người không đồng, nhưng tất cả lời giảng dạy đó đều có chung một mục đích là giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, dù lời dạy của Ngài như thế này, hay như thế kia, một vị Tỳ-kheo cũng nên biết ý nghĩa của lời dạy đó.
-
- Biết thời:
“…Biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo biết thời.” 4
-
-
Sđd.
- Sđd.
Đây là nói vị Tỳ-kheo nên biết thời nào nên áp dụng phương pháp nào? Hay thời nào để giảng thuyết; thời nào để chất vấn; thời nào để tu tập, thời nào để thiền định... biết tùy thời tùy lúc để làm những việc thích hợp. Nói cách khác đó là khế thời. Nói năng hay im lặng, hành động hay ngồi yên đều hợp thời, đúng chánh pháp.
- Biết tiết độ:
“…Biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ.”5
Tiết độ là tinh thần thiểu dục, tinh thần trung đạo của đạo Phật. Đối với mọi sinh hoạt của thân và tâm, vị Tỳ kheo phải biết chọn trung đạo làm phương châm thì đó là biết tiết độ. Tiết độ không mang ý nghĩa khổ hạnh ép xác. Phật giáo chủ trương với thân thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn là phương tiện tốt nhất cho tiến trình tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, do vậy việc ăn uống rất cần thiết để duy trì mạng sống con người. Như vậy, biết tiết độ là việc cần phải làm của người xuất gia, đây là con đường trung đạo không những giúp cho hành giả thuận duyên trong việc đi tìm giác ngộ mà còn giúp cho hành giả thể hiện tinh thần độ tha một cách tốt đẹp.
- Biết mình:
“…Biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là biết mình.”6
Đức Phật dạy biết mình là biết mức độ của niềm tin Phật pháp, sự gìn giữ giới luật, sự bố thí, khả năng của trí tuệ, sự am tường hiểu biết về A hàm và sự chứng đắc của mình như thế nào?
Tín, giới, thí và tuệ là những pháp căn bản cho vị xuất gia muốn thành đạt mục đích giác ngộ giải thoát cũng như hoằng dương Phật pháp. A hàm là những bản kinh đầu tiên và cơ bản của Phật giáo, trong đó có nội dung và ý nghĩa của tín, giới, thí, tuệ, …Như vậy người xuất gia dù cho tu tập theo pháp môn nào điều trước tiên phải hiểu rõ nội dung và ý nghĩa Kinh A hàm. Đó là quan niệm biết mình mà đức Phật đã dạy.
- Biết chúng hội:
“…Biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như
5. Sđd.
vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội.”7
Theo Đức Thế Tôn, Biết chúng hội là biết mình đang ở đâu, đang nói chuyện với ai, thuộc hạng người nào trong xã hội, nên nói lời nói gì với hội chúng đó. Nói theo cách khác là biết căn cơ của đối tượng nghe pháp.
Trong cuộc sống những tầng lớp có đời sống sinh họat khác nhau, kinh tế khác nhau, và hẳn nhiên cách suy tư, quan tâm vấn đề và quan niệm sống cũng khác nhau. Khi ra hoằng hóa vị giảng sư phải tìm hiểu rõ từng hội chúng một, tìm hiểu phong tục tập quán và cách suy tư của con người trong xã hội đó, để tránh bớt sự đụng chạm xung đột không hay xảy ra. Biết chúng hội có mục đích trang bị cho vị xuất gia có đầy đủ tư cách và biết cách ứng xử khi tiếp xúc với các thành phần khác nhau trong xã hội. Biết chúng hội giúp cho vị Tỳ kheo có phương pháp thích hợp để ứng xử khi ra hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh.
7. Biết sự hơn kém của người:
“Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người ? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: 1.Có tín và bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: 2.Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ- kheo lại có hai hạng: 3. Có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: 4. Có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: 5. nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: 6. Nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém. Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: 7. nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: 8. biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ
pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: 9. Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác…; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người… Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian…Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.”8
Qua đoạn kinh văn trên chúng ta thấy rằng, Biết sự hơn kém của người là sự so sánh phân biệt giữa pháp cao và pháp thấp, giữa pháp có lợi lạc và pháp không lợi lạc, pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Mỗi hành giả cần phải phân biệt rõ ràng các pháp ấy, pháp nào là pháp đưa đến sự giác ngộ và giải thoát, pháp ấy cần phải chọn lựa và thực tập, pháp nào làm cản trở cho sự tu tập, phát triển tuệ giác, pháp ấy cần phải xả bỏ.
Như vậy, thông qua bài kinh này chúng ta thấy rằng, bảy điều kiện cần và đủ không ngoài hai mục đích “tự lợi” và “lợi tha” mà đức Phật đã dạy. Hai mục đích này đan xen qua lại tạo nên một người giảng sư chuẩn mực.
- Người hoằng pháp trong Phật giáo Đại thừa
Trong kinh Pháp Hoa phẩm Pháp Sư (phẩm 10), đức Phật dạy rằng nếu có người nào muốn giảng kinh, phải đủ 3 điều kiện, đó là: 1. Vào nhà Như Lai; 2. Mặc áo Như Lai; 3. Ngồi tòa Như Lai. Như vậy, thế nào là nhà Như Lai? Thế nào áo Như Lai? Thế nào tòa Như Lai?
-
Nhà Như Lai ở đây là tâm Từ Bi. “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ” nghĩa Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Cho vui khi thấy chúng sanh yên lành, cứu khổ khi thấy chúng sanh đau khổ. Người giảng sư với Từ tâm đến với người, mang niềm vui cho họ, với Bi tâm giúp họ thoát khỏi khổ đau ràng buộc. Chính vì muốn ban vui cứu khổ, nên từ
tâm Từ Bi nảy sinh ra vô số phương tiện độ người, chính khi ấy tức là vị giảng sư bước vào nhà Như Lai.
- Áo của Như Lai là hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Với phương châm “Nhẫn nhục đệ nhất đạo” mà đức Phật và chư Tổ đã áp dụng cho việc hoằng pháp từ xưa đến nay.
Đức Phật là tấm gương sáng vĩ đại nhất trong tinh thần nhẫn nhục. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có câu chuyện: Trên đường giáo hóa, một hôm vào buổi sáng, đức Phật một mình mang bát đi khất thực trong thôn. Tại thôn ấy có một người Bà-la-môn, vì đệ tử của ông đã theo Phật quy y quá đông, nên khi thấy Phật ôm bát đi khất thực, ông liền đi theo sau Phật và gọi tên Phật chửi mãi. Đức Phật vẫn im lặng đi, Phật im lặng chừng nào ông càng tức chừng nấy. Đến đầu đường ông chạy đến trước chặn Phật lại, ông hỏi: - Sa-môn Cù-đàm, Ngài có điếc không? Đức Phật trả lời: - Không. - Ông không điếc tại sao ông không nghe tôi chửi? - Có nghe. - Nghe sao ông không trả lời? Đức Phật dùng thí dụ nói: - Giả như nhà ông có lễ lớn, sau buổi lễ thân nhân ra về, ông đem quà tặng, nếu những người ấy không nhận thì quà đó thuộc về ai? Người Bà-la-môn đáp:- Tôi tặng, người ta không nhận thì về tôi chớ về ai.
Phật bảo:- Cũng thế, ông chửi mà ta không nhận thì lời chửi đó đâu có dính dáng gì đến ta. Ta không nhận thì những lời ấy hẳn trở về ngươi. Vậy Ta khuyên ngươi đối với ai cũng không nên dùng lời thô bỉ mà nên dùng lời hòa nhã. Nhờ nhu hòa nhẫn nhục mà Phật đã khai hóa cho người ấy.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện đức Phật và A-nan đi hoằng hóa xứ Kosambi gặp những ngoại đạo xúi người ném đá, mắng chửi. Ngài A-nan thấy vậy thưa đức Phật hãy đi nơi khác. Đức Phật liền hỏi A-nan rằng: Nếu đi nơi khác họ vẫn mắng chửi như vậy thì sao? A -nan thưa: Lại đi nơi khác. Đức Phật liền bảo: Có vị bác sĩ giỏi nào treo bảng rằng: Đây chỉ chữa bệnh nhẹ và không bệnh, còn ai bệnh nặng xin mời đi nơi khác không? - Bạch Thế Tôn, không. -Tại sao? - Vì bác sĩ giỏi cần trị cho những người bệnh nặng, nếu bác sĩ có lương tâm mà bệnh nặng không trị giùm, chỉ trị bệnh nhẹ và không bệnh thì thật là vô lý. - Này A-nan vì sao dân chúng ở xứ này lại đối đãi tệ bạc với chúng ta như vậy? - Bạch Thế Tôn, vì ở đây họ chưa từng nghe Phật thuyết pháp, họ không biết hành động nào là thiện, hành
động nào là ác, nên họ mới xử tệ với chúng ta. - A-nan, Như Lai ra đời vì làm lợi ích cho mọi người, vì cứu khổ chúng sanh, cũng như người thầy thuốc hay là cốt để trị những người đang đau khổ vì bệnh trầm trọng. Dân chúng ở đây như những người bệnh nặng, Như Lai cần phải có mặt để giáo hoá họ, còn dân chúng ở thành Tỳ-xá-ly hay Vương Xá giống như những người bệnh nhẹ không cần đến Thế Tôn, thì đến để làm gì? Những người đó nghe như vậy liền đến đảnh lễ quy y với Thế Tôn. Nhiều câu chuyện như vậy về hạnh nhẫn nhục của đức Phật giúp chúng ta thấy rằng, Đức Thế Tôn nhẫn nhục với tất cả, với lòng từ bi chứ không như nhẫn của thế gian là nhẫn chịu nhưng ôm hận trong lòng.
Mỗi vị giảng sư cần trang bị tâm nhẫn nhục, nhẫn nhục để mang quyền lợi cho người, chứ không phải nhẫn chịu để mang lợi về mình; có như vậy, nhẫn nhục mới có ý nghĩa cao quý. Được như vậy thì vị giảng sư đã và đang mặc áo Như Lai rồi. Khi đã khoác áo giáp nhẫn nhục của Như Lai, vị giảng sư sẽ đi vào cuộc đời một cách an bình, không sợ bất kỳ phong ba bão táp nào dù là “bát phong”9.
- Tòa Như Lai là tòa pháp không. Không đây có nghĩa là vô tự tánh của các pháp. Tất cả các pháp đều vô tự tánh, vì vô tự tánh nên bất khả đắc chứ không phải hoàn toàn là trống không. Ngồi tòa Như Lai, tức phải biết các pháp trong thế giới sinh diệt như mộng huyễn, bọt nước. Không có một hình thể cố định, xoay vần chuyển biến qua lại. Biết được như vậy để không chấp trước, vướng kẹt, thì sẽ khỏi khổ đau.
Thành tựu được ba đức tánh quan trọng: Tâm đại từ bi, tâm nhu hòa nhẫn nhục và an trụ pháp không thì dù trong hoàn cảnh nào, quốc độ nào, vị giảng sư cũng sẽ thành công trong bước đường hoằng pháp.
- Nhà hoằng pháp thời đại công nghệ 4.0
Công nghiệp 4.0, một khái niệm được nhắc tới nhiều trên truyền thông trong thời gian qua với thông điệp đây là cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế. Vậy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì? 10
-
-
Bát phong là Tám ngọn gió: lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc, là lợi dưỡng - suy hao, hủy báng - tán thán, tôn kính - chê bai, đau khổ - vui mừng, hay còn gọi là được - mất, khen - chê, tốt - xấu, khổ đau - hạnh phúc.
- Công nghệ 4.0 là gì? Tác động của công nghệ 4.0 với nhân loại. http://congng- hehanoi.edu.vn/cong-nghe-4-0-la-gi.html.
Các cuộc cách mạng công nghiệp con người đã trải qua gồm:
-
- Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên xuất phát từ năm 1784, xảy ra khi người ta biết dùng hơi nước và máy móc để thay cho sức người mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại.
- Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 2 xảy ra từ năm 1870, khi con người tạo ra điện - dây chuyền sản xuất và các mô hình sản xuất quy mô lớn tăng năng suất lao động.
- Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 xảy ra khi máy tính ra đời vào những năm 1970, bắt đầu cho một loạt thay đổi về cách người ta xử lý thông tin và tự động hóa bằng robot.
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng này diễn ra từ những năm 2000 nhờ sự kết hợp giữa các công nghệ lại với nhau, xóa đi ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật và sinh học. Khi đó, máy tính, tự động hóa và con người sẽ cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Nhờ thuật toán machine learning, những hệ thống máy tính sẽ học hỏi và điều khiển máy móc mà cần rất ít, thậm chí không cần tới sự can thiệp của con người.
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bước nhảy vọt trong các ngành nông nghiệp, thủy sản, hóa học, vật liệu, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường…Tăng năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm tăng cao, giá thành giảm. Con người không phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, không phải làm những công việc nhàm chán vì đã có máy móc thay thế. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo do kiểm soát được từ khâu nguyên vật liệu cho đến khi thành hình và chuyển đến tay người tiêu dùng.
Nói tóm lại công nghệ 4.0 là thời đại công nghệ thông tin chiếm ưu thế, mọi công việc phần lớn được máy móc thay thế. Sự phát triển tột bậc của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi toàn diện xã hội hiện đại, việc nắm bắt thông tin quan trọng của thế giới, quốc gia, đại chúng không còn khó khăn, chỉ cần mở tivi, radio, vi tính, Ipad, hoặc một chiếc điện thoại thông minh là có thể nghe, thấy, theo dõi nắm bắt những gì đang xảy ra trên khắp thế giới. Sức ảnh hưởng và chi phối của truyền thông trong đời sống xã hội vô cùng mạnh mẽ, đối với các vấn đề trong xã hội: như kinh tế, quân sự, chính trị xã hội, văn hóa, giáo dục, và ngay cả lĩnh vực tôn giáo…. Thế nên Phật tử chỉ cần lên
Youtube tìm chủ đề mình muốn nghe thì sẽ có nhiều vô vàn, các băng đĩa giảng pháp được bày bán cũng rất nhiều, thông tin báo chí truyền thông ngày càng rộng, chính vì thế nên các vị Phật tử bây giờ đã có một kiến thức nhất định về giáo lý, họ có kiến thức về sư phạm nên khi tham học giáo lý thì họ nắm bắt rất nhanh và chắc chắn.
Trong thời đại như vậy thì nhà hoằng pháp phải có vai trò và kỹ năng như thế nào? Thiết nghĩ, một xã hội như vậy đòi hỏi người hoằng pháp ngoài những kỹ năng, đức hạnh cần và có ở hai mẫu người trên thì cần trang bị cho mình một kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin, để dễ dàng kịp thời theo kịp thời đại và dễ dàng đưa giáo lý của đức Phật vào đại chúng. Chúng tôi mạo muội đưa ra tư cách của người hoằng pháp cần phải có như sau:
-Thứ nhất, người sứ giả Như Lai phải hội đủ được những phẩm chất căn bản của một người xuất gia. Song song với việc trau dồi kiến thức Phật pháp, cần phải có sự nỗ lực của tự thân tu tập, thực hành tứ oai nghi. Nói cách khác phải có đạo hạnh, giới đức trang nghiêm.
- Thứ hai, phải có kiến thức vững chắc về nội điển và Ngoại điển, luôn luôn cập nhật và nâng cấp kiến thức của mình hàng ngày.
- Thứ ba, vị giảng sư ngoài việc trau dồi kiến thức Phật học, kỹ năng thuyết giảng còn phải trang bị cho mình một khả năng nhất định về công nghệ thông tin và tiếp tục bổ sung, nâng cấp trình độ công nghệ để đáp ứng được tính linh hoạt, cấp bách của nền công nghệ mới. Để từ đó đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng các trang mạng Online để hoằng pháp.
- Thứ tư, nâng cao trình độ ngoại ngữ: Trong việc lĩnh hội kiến thức ứng dụng công nghệ mới, đòi hỏi nhà Hoằng pháp phải có trình độ ngoại ngữ cơ bản, có như vậy mới dễ dàng thâm nhập được vào các môi trường hoằng pháp ở hải ngoại.
Tóm lại, nói đến công tác hoằng pháp thời hiện đại, tức là chúng ta tùy duyên vận dụng những phương tiện tiện ích của thời hiện đại để trợ duyên cho công tác hoằng pháp. Thời đại càng văn minh, công nghệ càng phát triển thì yêu cầu đối với người hoằng pháp lại càng cao. Hội đủ 7 điều kiện “biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người” như thời nguyên thủy chưa đủ, hội đủ 3 đức tính “Vào nhà Như Lai, mặc áo
Như Lai, ngồi tòa Như Lai” như trong kinh Pháp Hoa cũng chưa đủ mà hơn thế nữa phải hội nhập thời công nghệ 4.0, phải nắm bắt những phương tiện truyền thông hiện đại, dùng đó làm phương tiện hoằng pháp để không bị tụt hậu với văn minh thế giới.
Tuy nhiên điều cốt lõi của công tác hoằng pháp vẫn luôn lấy oai nghi tư cách, giới hạnh đạo đức làm chuẩn mực. Vì vậy, ngoài việc hội đủ những điều kiện cần của một giảng sư về kiến thức giáo lý, kỹ năng diễn giảng, công nghệ truyền thông ra, đòi hỏi ở người hoằng pháp phải có nền tảng đạo đức tâm linh vượt trội. Nói cách khác người hoằng pháp phải có một căn bản công phu tu hành nghiêm túc, phải giữ giới nghiêm minh, như thế mới đạt được bản hoài tự độ, độ tha. Chúng ta cũng cần lưu ý là không nên quá lạm dụng phương tiện của nền văn minh hiện đại. Một người hoằng pháp trong thời đại công nghệ hiện đại chúng ta hòa nhập với thời đại, nhưng không có nghĩa là hòa tan mình trong dòng chảy thời đại, vì vậy cũng không đánh mất oai nghi cử chỉ của một người xuất gia.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Thích Viên Giác dịch và giảng, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 7. Thái độ của Đức Phật trước lời khiển trách.
- Công nghệ 4.0 là gì? Tác động của công nghệ 4.0 với nhân loại http:// congnghehanoi.edu.vn/cong-nghe-4-0-la-gi.html
- Thích Tuệ Sỹ dịch và chú, Kinh Trung A hàm I, Nxb. Phương Đông, 2012.
- HT. Thích Trí Tịnh dịch Kinh Pháp Hoa.
-
-
-
-