- Dẫn nhập
Người Khmer ở Nam Bộ chủ yếu theo Phật giáo Theravada, một trong hai dòng Phật giáo lớn của thế giới được truyền thừa từ Sri Lanka đến các quốc gia Đông Nam Á lục địa. Cũng bởi hướng truyền bá này, nên Theravada còn có tên gọi khác là Phật giáo Nam tông để phân biệt với dòng Phật giáo Bắc tông được truyền thừa từ phía bắc đến. Không gian văn hóa của một ngôi chùa Phật giáo Theravada được cấu thành từ ba yếu tố chủ đạo: cảnh quan môi trường tức khuôn viên của nhà chùa, quần thể kiến trúc và nghệ thuật tạo hình chủ yếu tập ở ngôi chánh điện (Vihara). Theo thế giới quan của Phật giáo Theravada, chánh điện là biểu tượng của ngọn núi Tudi, nơi Đức Phật cư ngụ, bên ngoài là thế giới của chư thần và các loài linh vật. Từ quan niệm này, nên ngôi chùa Theravada luôn được trang trí bằng một hệ thống thần tượng và linh vật từ ngoài cổng đến chánh điện, thể hiện theo từng cấp độ từ thấp đến cao. Mỗi biểu tượng đều được lý giải bằng Phật thoại hay truyền thuyết, tạo nên một màu sắc tâm linh bao quanh ngôi chùa. Phần nhiều các biểu tượng và hình tượng này có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo (Brahmanism).
* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kinnari trong Phật thoại
Kinnari có nguồn gốc trong thần thoại Ấn Độ được người Khmer ở Nam Bộ gọi là Kày No, tên gọi này nhằm chỉ một sinh vật huyền thoại nửa người nửa chim. Thần phả và điêu khắc mô tả Kinnari với hình dáng của một nữ nhân xinh đẹp, mặc y phục thiên thần ở nửa phần trên của cơ thể, nửa phần dưới thuộc giống chim nên được trang trí bằng đôi cánh và chiếc đuôi. Với hình dáng này, các nàng Kinnari được tin là có thể sống dưới hạ giới, nhưng khi cần có thể vỗ cánh bay về Trời. Truyền thuyết của các dân tộc Shan, Thái, Lào và Khmer kể rằng, Kinnari luôn sống theo từng cặp, con mái gọi là Kinnari, con trống gọi là Kinnara. Chúng là đôi chim biểu trưng cho tình yêu thủy chung và lòng mộ Phật pháp. Những cặp đôi Kinnari và Kinnara sống trong khu rừng thần Himaphan tọa lạc trên sườn núi Himalaya, nhưng chúng thường xuyên bay xuống trần gian để hành thiện cứu người. Mặc dù trong thần thoại có nói đến chim trống (Kinnara), nhưng người Khmer ở Nam Bộ cũng như các dân tộc khác đều yêu quý và sùng bái Kinnari hơn. Đây cũng có thể xuất phát từ dấu ấn của chế độ mẫu hệ và tục sùng bái nữ thần của cư dân bản địa.
Kinnari xuất hiện sớm nhất trong thần thoại Bà La Môn giáo với vai trò của thần linh cấp thấp. Các nàng được mô tả là những nữ nhân chuyên ca hát, vốn gốc là loài chim nên thường có giọng hát mượt mà làm say đắm lòng người. Cùng với nhạc công Gaudhava và vũ công Apsara, Kinnari hợp thành bộ ba chuyên múa hát và dâng rượu cho các đại thần linh trên Thiên giới. Theo quan niệm của Bà La Môn giáo, Kinnari là một trong ba sinh vật biểu tượng cho cuộc sống vĩnh hằng, hoan lạc và bất
tử của các đại thần linh Bà La Môn giáo như Brahma, Vishnu, Shiva và Indra.
Trong Phật giáo Bắc tông (Mahayana Buddhism), Kinnari xuất hiện trong Diệu pháp Liên Hoa kinh (Lotus Sutra) với tên gọi là Càn Thát Bà. Trong thờ cúng bàn chân Phật (Budhapad) ở Đông Nam Á, Kinnari được mô tả là một trong số 108 biểu tượng trên bàn chân Phật. Trong tác phẩm Pannasa Jataka (Bổn Sanh Kinh) bằng tiếng Pali của Phật giáo Theravada do một nhà sư Thái Lan ở Chiang Mai sưu tầm và phóng tác khoảng từ năm 1450 đến năm 1470, đã quy tụ khoảng 50 câu chuyện kể về những cuộc đời tiền kiếp của Đức Phật. Trong câu chuyện Sudhana Jataka, tiền kiếp của một nàng Kinnari có tên là Manora, lấy chồng là hoàng tử Sudha, nguyên là tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hình hài của loài chim. Cặp vợ chồng chim đang sống hạnh phúc thì một cơn lũ thần cuốn trôi Sudha đi xa, nàng Manora phải chờ chồng đến 7.000 đêm mới gặp lại nhau. Nhiều học giả tin rằng, câu chuyện nàng Manora được kể tại các quốc gia Đông Nam Á có thể liên quan phần nào đến câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ phổ biến trong văn hóa của cộng đồng người Việt. Từ Phật thoại này, nên Kinnari được các dân tộc Đông Nam Á xem là biểu tượng cho tình yêu và lòng thủy chung son sắt, và cũng là cách lý giải tại sao nữ nhân xinh đẹp này lại xuất hiện gần với Đức Phật.
- Kinnari trong điêu khắc
Trong các chùa Khmer ở Nam Bộ, Kinnari được trang trí thành những dãy dài xung quanh cổng chào và chánh điện với hình dáng của những nữ nhân xinh đẹp nửa người nửa chim, hai tay trong tư thế giơ cao đỡ lấy mái chùa. Ở những ngôi chùa cổ,
tượng Kinnara được tạo tác bằng gỗ sơn màu sặc sỡ; còn ở các chùa mới xây, tượng Kinnari thường được đổ khuôn bằng xi măng. Nhìn chung, tượng Kinnari trong các ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ đều có màu sắc sặc sỡ, khuôn mặt thanh thóat, đôi chân đứng trên một cái bệ dính vào tường, hai tay giơ cao đỡ mái cổng hay chánh điện. Ở các góc chùa có thêm hình tượng Krut (đại bàng Garuda) cũng được thể hiện trong tư thế giống như Kinnari. Tại một số ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh, chiếc bệ mà Kinnari đứng trên đó được thể hiện theo hình đài sen, hình vuông nhưng cũng có nơi chiếc bệ là một chiếc đầu người đẫm máu.
Hình tượng Kinnari với đôi tay đỡ mái chùa vốn có nguồn gốc từ nghệ thuật Bayon thế kỷ thứ XIII ở Siêm Riệp. Phong cách Bayon thường thể hiện những hàng dài Garuda hay sư tử (Simha) dùng đôi tay đỡ lấy bệ tháp hay mái tháp. Phong cách này ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và vương quốc cổ Champa, nhất là điêu khắc tại tháp Dương Long, tỉnh Bình Định ngày nay. Người Khmer ở Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Bayon, nhưng họ chỉ thể hiện các Kinnari đỡ mái chùa, chứ không thể hiện các Kinnari đỡ bệ tháp hay nhà chùa. Hình tượng Kinnari và Krut đỡ mái chánh điện biểu hiện cho thuyết vũ trụ luận của Phật giáo Theravada là ngọn núi Tudi của Đức Phật luôn bay lơ lửng trên thiên giới. Người Khmer tin rằng, ngôi đền bay trong không trung là do sức mạnh kinh hồn từ những đôi tay và đôi cánh của loài chim thần. Chiếc đầu lâu đẫm máu mà các nàng Kinnari dẫm lên ảnh hưởng từ yếu tố Phật giáo Mật tông khi diễn tả nữ thần Kali chiến thắng Ma vương Ravana bằng cách đoạn lấy chiếc đầu của y. Hình tượng trong các ngôi chùa
223
Khmer ở Nam Bộ lại mang ý nghĩa khác là sự chiến thắng của tâm hồn thánh thiện đối với sự u minh của con người được gọi là chiến thắng Mara. Mara trong Phật giáo Theravada được mô tả là quỷ vương hay đến quấy phá Đức Phật tu hành, nhưng nó không giống như quỷ Satan trong Công giáo. Mara nghĩa là ảo ảnh hay sự u minh của con người, nên hình tượng Kinnari dẫm chân lên Mara là biểu hiện cho cái thiện luôn chiến thắng cái ác trong cách hành xử của Phật tử khi đến chùa. Một ý nghĩa khác là, Kinnari có mối quan hệ tiền kiếp với Đức Phật, nên ở cạnh Đức Phật để canh gác cho ngài tu hành, ca hát trong khu rừng Himaphan để tăng thêm niềm vui cho các linh vật khác như rồng Naga, sư tử, thiên nga, voi và khỉ… Kinnari cũng là những thần hộ pháp canh giữ nhà chùa. Họ rất xinh đẹp nhưng cũng rất dũng mãnh tấn công yêu ma theo kiểu của loài chim là chộp lấy đầu rồi bay lên cao nếu chúng dám đến quấy phá nơi tôn nghiêm.
- Văn hóa sùng bái Kinnari
Người Khmer ở Nam Bộ xem Kinnari là biểu tượng cho nét đẹp thánh thiện, hoàn mỹ và biểu tượng cho tình yêu thủy chung trong đời sống hôn nhân. Vì quan niệm Kinnari chỉ là những linh thần bình thường trong cõi Tam giới, nên chúng vẫn có đời sống vợ chồng. Các ngôi chùa ở Thái Lan còn thể hiện hình tượng những cặp Kinnara và Kinnari cùng đứng bên cạnh con cái của chúng. Đó cũng là cách giáo dục về hình ảnh gia đình và tình yêu trong hôn nhân dành cho Phật tử khi viếng chùa. Song trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Thái Lan, Kinnari thường được thể hiện bằng những pho tượng lớn dựng trong sân chùa. Cách thể hiện Kinnari với đôi tay đỡ lấy mái chùa phần nhiều chỉ xuất hiện ở các ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ, nhưng điều khác
với Thái Lan là người Khmer ở Nam Bộ lại không thể hiện các cặp Kinnara và Kinnari cùng với con cái.
Câu chuyện Sudhana Jataka được các nghệ nhân Thái Lan sáng tác thành điệu múa Manorah Buchayan, một trong những điệu múa cổ truyền nổi tiếng nhất của Thái Lan. Tại miền nam Thái Lan, nó được gọi bằng tên khác là Norah. Còn tạp chí của Hãng Hàng không Thái Lan (Thai Airways) lấy tên là Kinnari (Kinnaree). Ở Myanmar, loài chim huyền thoại Kinnari đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của cư dân. Giải thưởng học thuật dành cho những người có đóng góp to lớn cho quốc gia là một pho tượng nhỏ bằng vàng hình Kinnari. Người Myanmar tin rằng, kiếp hóa thân thứ tư trong số 136 tiền kiếp động vật của Đức Phật là một Kinnara. Quan điểm này rất giống với câu chuyện Sudhana Jataka của Thái Lan có lẽ do giao lưu văn hóa giữa vùng Chiang Mai và Myanmar. Lá cờ của bang Kayah ở Myanmar có ba màu xanh, trắng, vàng với hình Kinnara ở trung tâm. Người Myanmar cũng cho rằng, Kinnari là biểu tượng cho sắc đẹp nữ giới, sự hoàn hảo, thơ văn, nghệ thuật ca hát và nhảy múa khác với quan niệm của người Ấn Độ là những lĩnh vực này thường đặt dưới quyền cai quản của nữ thần Sarawati. Trong vũ điệu Kinnari, người vũ công thường thể hiện điệu múa kể lại câu chuyện tình yêu thủy chung của đôi chim huyền thoại này. Các động tác thường thể hiện qua cách uốn lượn của thân thể và sự chuyển động của đôi tay diễn tả một đôi chim đang đùa nghịch nhau. Trang phục truyền thống của vũ công luôn thể hiện có chiếc đuôi chim phía sau. Các vũ công thường trình diễn trong các nghi lễ truyền thống cũng như các vũ điệu cổ điển của bang Shan.
- Kết luận
Cùng với nữ thần Mẹ đất Phra Thorni, Kinnari là nhân vật nữ nhân thứ hai xuất hiện trong thần điện Phật giáo Theravada của người Khmer ở Nam Bộ. Nét đẹp lộng lẫy của những nàng Kinnari không biểu tượng cho nhục thể, mà thể hiện cho nét đẹp thánh thiện, quý phái của những nữ nhân Phật tử nhưng mang trong lòng tâm hồn thánh thiện và tình yêu thủy chung trong hôn nhân gia đình.
Linh vật Kinnari là một phần quan trọng không thể thiếu trong các ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xua đuổi tà ma bảo vệ Phật pháp; là biểu tượng cho môi trường thiên nhiên của khuôn viên nhà chùa (khu rừng Himaphan) nơi những loài chim muôn sinh sống. Sự xuất hiện của hình tượng Kinnari trong các ngôi chùa thể hiện cho tình yêu thiên nhiên, quan điểm tôn trọng tình yêu của con người và sự sống của muôn loài trong Phật giáo Theravada.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách (1999), Tự điển Phật học, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
- Châu Đạt Quan (Lê Hương dịch, 1973), Chân Lạp phong thổ ký, Nxb. Nguyên Thiều, Sài Gòn.
- Jean Chevalier (1997), Tự điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng.
- Will Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch, 2002), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Văn hóa Thông tin.
- E. Fisher Robert (Huỳnh Ngọc Trảng dịch, 2002), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật.
- Geetesh Sharma (Thích Minh Trí dịch, 2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
- Lê Hương (1974), Người Việt gốc Miên, Nxb. Thanh niên, Sài Gòn.
- Lê Hương (1974), Sử liệu Phù Nam, Nxb. Thanh niên, Sài Gòn.
- Lương Duy Thứ chủ biên (1996), Đại cương văn hóa Phương Đông, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Pamela York Taylor (1994). Beasts, Birds, and Blossoms in Thai Art, Oxford University Press.
- Phan Anh Tú (2004), “Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa Khmer”, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 71, tháng 10, tr. 02 - 04.
- Phan Anh Tú (2005), “Hình tượng rắn Naga trong văn hóa Ấn Độ giáo”, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 80 (2), tháng 7, tr. 13 - 16.
- Phan Anh Tú (2005), “Nghệ thuật điêu khắc cổ Đông Dương”, Tạp chí Xưa & Nay, số 238, tháng 06, tr. 55 - 60.
- Phan Anh Tú (2006), “Quan hệ giữa sử thi Phả Đeng Nang Ay và truyền thuyết Pháya khăn khác (chúa Cóc) với lễ hội Bun Băng Phay của người Lào”, trong Kỷ yếu Hội thảo văn học Lào, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr 36 - 42.
- Phan Anh Tú (2013), “Điêu khắc Hộ thế Bát phương thiên (Dikpalaka) từ Ấn Độ đến Đông Nam Á”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 10 (180).
- Reid Anthony (Ngô Bắc dịch, 2008), Các vùng đất bên dưới luồng gió thổi, website: Gio O. org.
- Tanistha Dansilp and Michael Freeman (2000), Things Thai Craft and Collectibles, Asia Books
- Trần Kỳ Phương (2001), “Phù điêu Hộ thế bát phương thiên của đế chóp tháp Vân Trạch Hòa và hình tượng Hộ thế bát phương thiên trong điêu khắc Champa”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 3 (33), tr. 84 - 98, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.