Khi nói đến Phật giáo thời Nguyễn, nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây là thời kỳ khủng hoảng, suy vi của Phật giáo Việt Nam, là một trong những căn nguyên đưa đến công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Nhận định này còn nhiều điều cần xem xét thấu đáo hơn. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng rằng, đội ngũ tăng sĩ giai đoạn này dưới tác động của các chính sách triều Nguyễn ngày càng biến chuyển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu phải nhìn nhận lại truyền thống giáo dục tăng sĩ tại các tự viện. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích những ưu điểm và hạn chế của đội ngũ Tăng sĩ dưới tác động của chính sách triều Nguyễn, những yêu cầu phải đổi mới giáo dục Phật giáo. Qua đó, bài viết góp phần khắc họa diện mạo của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIX, cũng như lí giải cho sự khởi nguồn của phong trào chấn hưng Phật giáo thời cận đại.
- ĐỘI NGŨ TĂNG SĨ DƯỚI THỜI NGUYỄN
Triều Nguyễn được thành lập sau hơn hai thế kỷ đất nước nội chiến, chia cắt. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa quân Tây Sơn với lực lượng Nguyễn Ánh trong suốt thế kỷ XVIII đã làm cho đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng sa sút nghiêm trọng, phần lớn chùa chiền bị hư hại, tăng sĩ tản mát khắp nơi. Trong lúc loạn lạc, không ít kẻ hung đồ tìm đến cửa chùa làm nơi trú ngụ. Nhằm nhanh chóng ổn định tình hình đất nước sau chiến tranh, chấn chỉnh lại hoạt động của Phật giáo – một trong những tôn giáo chính lúc bấy giờ, triều Nguyễn đã dành nhiều quan tâm cho đội ngũ tăng sĩ – lực lượng có vai trò quyết định trong truyền bá và phát triển Phật giáo.
Cũng như các giai đoạn trước, dưới triều Nguyễn, độ điệp vẫn là công cụ chính để nhà nước quản lý lực lượng tu sĩ1. Ngay khi lên ngôi, Gia Long đã quy định rõ trong Hoàng Việt luật lệ: “Nếu tăng đạo không được cấp độ điệp, tự ý cạo tóc thì phạt 100 trượng, nếu do gia trưởng thì gia trưởng phải chịu tội, nếu do trụ trì ở tự quán và thầy dạy riêng độ thì đồng tội, buộc hồi tục, vào sổ đương sai”1. Tuy nhiên, lúc này triều đình chưa tổ chức sát hạch sư tăng. Đến thời Minh Mạng, điều luật trên vẫn được thực hiện, nhưng muốn được cấp độ điệp, sư tăng phải vân tập đến kinh đô, được Bộ Lễ sát hạch và ghi nhận là bậc chơn tu, giữ gìn giới luật, am hiểu đạo pháp. Sau khi nhận được độ điệp, sư tăng được tự do hành đạo, được miễn hoàn toàn các thứ thuế và lao dịch, cử làm tăng cang, trụ trì. Nhưng, nếu sư tăng không chuyên tâm trì giới, phạm tội sẽ bị triều đình tịch thu lại độ điệp đã cấp, buộc phải hoàn tục. Độ điệp mà Bộ Lễ cấp cho thiền sư Tánh Thiên Nhất Định đã ghi rõ: “Lâu nay tăng sĩ đến kinh đô, Bộ phải xét ai là người chơn tu, giữ đúng giới luật, am tường khoa phạm, thời cấp một Độ điệp để được yên tâm tu trì, hầu chứng đạo thiền, còn như binh nhiêu, thuế thân hết thảy đều tha hết. Nếu sau khi nhận điệp rồi mà nợ trần chưa dứt sạch, nghiệp chướng vẫn còn, có tỳ tích xấu, các quan lại hay dân quân ta bắt được, giải ngay cho quan địa phương chiếu luật trừng trị, bắt phải về tục, thâu lại độ điệp để Bộ tiêu hủy”2. Cùng với việc được cấp độ điệp, các tăng sĩ còn được triều đình ban Giới đao. Đó là “con dao nhỏ hình bán nguyệt dùng để cắt áo, cạo tóc, cắt móng tay, là 1 trong 18 vật thường dùng của Tỳ kheo”3. Ngoài ra, Giới đao còn có hàm ý là để cắt hết mọi dục vọng mà an tâm trì giáo.
Riêng dưới thời Minh Mạng, trong 20 năm triều đình đã 3 lần tổ chức sát hạch cấp độ điệp cho tăng sĩ. Số lượng tăng sĩ được cấp độ điệp với số lượng tăng sĩ thực tế chắc chắn còn khá khiêm tốn. Điều đó cho thấy điều luật người xuất gia phải có độ điệp của Hoàng Việt luật lệ khó lòng thực hiện được triệt để. Nhưng dù sao nó cũng đã góp phần chấn chỉnh lại lực lượng này, loại trừ những người núp bóng Phật với mưu tính “trốn việc quan đi ở chùa”, quy củ lại việc tu tập, nâng cao trình độ của giới xuất gia, tác động tích cực đến sinh hoạt Phật giáo lúc bấy giờ.
Không chỉ yêu cầu khắt khe về phẩm hạnh và trình độ đối với các chức sắc Phật giáo (tăng cang, trụ trì), mà đạo đức, lối sống của tăng ni cũng rất được triều đình chú ý. Trong Hoàng Việt luật lệ có hẳn những điều luật quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về lối sống của các tu sĩ, tuy được ban hành dưới thời Gia Long nhưng những quy định này vẫn được thực hiện đối với các triều vua sau. Về y phục của sư tăng, “Y phục của tăng, đạo chỉ cho phép dùng lụa thô, vải, không được dùng lụa là thứ láng mịn đẹp, thêu bông hoa. Ai trái lệnh phạt 50 roi, buộc hồi tục, y phục gom về nhà quan. Cà sa, đạo phục thì không ở trong luật lệ này”4. Không chấp nhận việc sư tăng có vợ con, hoặc sư tăng đoạn tuyệt hoàn toàn với cha mẹ, luật pháp quy định rõ “Phàm tăng, đạo cưới thê thiếp thì phạt 80 trượng, hồi tục… Trụ trì chùa chiền biết mà không báo lên thì cùng tội, liên lụy vì người, không buộc hồi tục”5 và “tăng ni, đạo sĩ, nữ quan đều ra lệnh họ phải cúng tế cha mẹ, tổ tiên và thứ lớp để tang… làm giống như bao nhiêu người. Ai trái lệnh, phạt 100 trượng, buộc hồi tục”6. Đối với trường hợp sư tăng vi phạm đạo đức, lối sống của người xuất gia, luật Gia Long xử nặng: “Tăng đạo quan, tăng nhân, đạo sĩ phạm vào kĩ nữ (gái điếm), rượu thịt thì đều phạt trăm trượng, trả về làm dân”7. Khi sư tăng phạm tội, triều đình xử tội nặng hơn dân thường. Hoàng Việt luật lệ quy định “Phàm để tang cha mẹ và chồng chết, nếu tăng, đạo sĩ, nữ quan phạm gian thì tăng hai bực tội người thường phạm gian, xử tội ấy theo người thường phạm gian”8. Những quy định này đã thể hiện rõ yêu cầu của triều Nguyễn đối với tăng sĩ, không chỉ thông hiểu Phật pháp mà họ phải là những người có phẩm hạnh hơn người, có lối sống thanh bạch, giản dị, chấp nhận từ bỏ những ham muốn trần tục để làm gương cho người đời, từ đó mới cảm hóa được giáo chúng.
Bên cạnh những đòi hỏi dành cho giới xuất gia thì triều đình cũng ban cho đội ngũ này nhiều hậu đãi. Chức sắc và tăng chúng các chùa công đều được cấp lương bổng hằng tháng để chi dùng, cấp pháp phục, gạo muối… Theo từng cấp bậc mà sự phân chia cũng có nhiều ít khác nhau. Sư tăng trong mỗi chùa được phân cấp thành 3 bậc: sư trưởng là cao nhất, đó có thể là tăng cang hoặc trụ trì chùa, tiếp đến là các sư nam, sư nữ (các sư tăng đã thọ Tỳ Kheo), và nhỏ nhất là các chú tiểu - những người mới vào chùa. Lệ phân cấp như sau: “phàm tăng cang ở đền chùa của nhà nước, mỗi người tháng cấp cho 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng, tăng chúng mỗi người 1 quan tiền, 1 phương gạo trắng, đạo đồng mỗi người 6 tiền, 1 phương gạo”9. Theo lệ này, Bộ Hộ tùy theo số lượng chư tăng của mỗi chùa mà cấp phát số tiền và lương thực tương ứng. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Minh Mạng năm thứ 3 (1822) có chỉ rằng các sư ở chùa Thiên Mụ mỗi tháng cấp cho tiền 60 quan, gạo 55 phương, gạo trắng 5 phương, muối 6 thưng. Lại có chỉ rằng: chùa Long Quang mỗi tháng cấp tiền 15 quan, gạo 21 phương. Năm thứ 15 (1835), chuẩn y lời tâu đền chùa Linh Hựu, một sư trưởng cấp cho mỗi tháng tiền 2 quan, gạo trắng 01 phương. Các sư khác mỗi người mỗi tháng tiền 1 quan gạo 1 phương. Năm thứ 17 (1836), có chỉ rằng: sư trưởng chùa Thánh Duyên, mỗi tháng cấp cho tiền 2 quan, gạo trắng 01 phương. Các sư nam và sư nữ, mỗi người mỗi tháng đều tiền 01 quan, gạo 01 phương, chú tiểu mỗi tháng tiền 5 tiền, gạo 15 đấu. Năm thứ 20 (1839), có chỉ rằng: Sư trưởng chùa Giác Hoàng mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo trắng 1 phương, các sư đều mỗi tháng mỗi người tiền 1 quan, gạo 1 phương”.10
- TỪ TÌNH HÌNH TĂNG SĨ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN ĐÃ ĐẶT RA YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHẬT GIÁO ĐẦU THẾ KỶ XX
Có nhiều ý kiến cho rằng chính sách đối với sư tăng, đặc biệt là việc cấp độ điệp và sát hạch tăng sĩ của triều Nguyễn là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo của triều đại này nhưng theo chúng tôi, việc làm này không hề làm cho Phật giáo suy giảm mà chính sự tham gia quản lý của triều đình đã giúp khôi phục được một đội ngũ sư tăng có tổ chức, có trình độ giáo lý và đức độ, hạn chế được những kẻ trốn tránh lao dịch, lợi dụng cửa thiền làm nơi chống đối triều đình, góp phần đưa sinh hoạt Phật giáo đi vào nề nếp. Đây là một việc làm hữu ích đối với Phật giáo, giúp cho tôn giáo này ngày càng phát triển vững chắc hơn. Chính nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên cũng khẳng định “Trong một bối cảnh xã hội đầy rẫy phức tạp, đạo đức suy đồi, tăng chúng sa sút về giáo lý, một số người trốn bắt lính, trốn lao dịch mà vào chùa… Nắm lại số chân tu (thi sư tăng, kiểm tra giáo lý), tạo điều kiện cho số này – dù ít ỏi tiếp tục con đường đạo pháp là việc làm hợp lý và điều đó phần nào làm sáng tỏ chánh pháp nhà Phật, chứ không phải là hành động bài xích”11. Tuy nhiên, việc tổ chức sát hạch tăng sĩ do bộ Lễ chủ trì theo lối từ chương của Nho giáo cũng chỉ những người hay chữ mới được công nhận là tu hành chân chính, còn những người khác, dù mộ đạo và tâm thành đến mấy mà không diễn tả được đức tin và kiến thức của mình bằng văn chương thì cho là không phải tu hành chân chính, điều này khiến cho nhiều sư tăng tài đức khó lòng được triều đình công nhận. Đồng thời, từ hoạt động sát hạch tăng sĩ của triều đình cũng cho thấy điểm hạn chế trong phương cách giáo dục đào tạo của Phật giáo. Trước thế kỷ XX, việc đào tạo tăng sĩ phần lớn được thực hiện theo phương pháp truyền tâm ấn, bất lập văn tự, “thầy” dạy “trò” trong phạm vi của từng chùa, không có một cơ sở chứng nhận nào cho trình độ của sư tăng nên rất khó kiểm soát được chất lượng, số lượng tăng sĩ được đào tạo cũng khá khiêm tốn, nhiều tăng sĩ thông hiểu Phật Pháp nhưng không diễn đạt được bằng văn tự cũng không được nhà nước thừa nhận…
Cùng với việc sát hạch trình độ Phật học, những quy định chặt chẽ của triều Nguyễn về đạo đức, lối sống của người xuất gia cũng đã phần nào phản ảnh một thực tế đáng buồn của đội ngũ tăng sĩ đương thời. Đồng thời, những hậu đãi mà triều đình ưu ái dành cho các chức sắc Phật giáo tại các chùa quốc tự cũng đã làm cho giới thiền môn không ít xáo trộn, gây chia rẽ trong hàng ngũ tăng sĩ, có không ít chư tăng vẫn chưa bỏ được lòng tham tìm cách chạy theo chức vị, danh tước để được hưởng bổng lộc của triều đình mà quên đi cốt cách của người xuất gia. Nhận xét của Thượng tọa Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược tuy có chỗ còn phải luận bàn thêm nhưng nó cũng phần nào phản ảnh thực tế về sự suy đồi của một bộ phận tăng sĩ lúc bấy giờ: “Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dù ông thầy ấy thiếu học thiếu tu… phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng chức tước: xin bằng Tăng Cang, Trú trì, Sắc tứ…”
Trong bối cảnh đất nước bị thực dân xâm lược và thống trị thì những khiếm khuyết của đội ngũ tăng sĩ ngày càng bị khoét sâu làm mục ruỗng Phật giáo từ bên trong, khiến cho nguy cơ tự đánh mất mình ngày càng hiện hữu. Chính điều này là một trong những động lực thôi thúc các bậc cao tăng thực hiện phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX nhằm đưa đến những thay đổi rất căn bản trong cách thức giáo dục đào tạo nhân tài cho đạo pháp.
***
Tài liệu tham khảo
Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb.
Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặng Vinh Dự (2011), “Chuyện quốc tự ở Huế”, tạp chí Huế Xưa
& Nay, số 103.
Hòa thượng Phúc Điền (1859), Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, Bản khắc in chữ Hán, lưu tại thư viện Hán Nôm, ký hiệu Vhv.9, tờ 45.
Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, Nxb.
Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Trần Hồng Liên (1992), “Vài nét về Phật giáo thời Nguyễn” in trong
Những vấn đề văn hoá xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học Xã hội.
Nội các triều Nguyễn (2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,
Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 3, 4,5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn lục, lưu tại chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Thích Mật Thể (1961), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng.