GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
HT. Thích Minh Thiện
Hôm nay trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đoàn kết hòa hợp của Hội thảo kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp HCM, chủ đề: “Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển”. Thay mặt Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Ban Giám hiệu Trường Trung Cấp Phật học Long An, chúng tôi xin gửi đến chư Chư Tôn Giáo Phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, Chư Tôn Giáo Phẩm Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Chư Tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni các tỉnh thành: Pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành; kính chúc chư vị khách quý, quý học giả, quý vị đại biểu lời cầu chúc: Vô lượng an lạc, vô lượng kiết tướng. Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Trong hội thảo này, tôi xin chia sẻ tham luận chủ đề: “Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh: Vài suy nghĩ về giáo dục Phật giáo trong thời đại hội nhập và phát triển”.
*. Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Phật học Long An.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 7 tháng 11 năm 1981. Từ khi thành lập cho đến nay, Giáo hội không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thực hiện theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Giáo hội Phật giáo Việt nam gồm có 13 Ban (ngành), viện trung ương; trong đó Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã góp phần không nhỏ cho thành tựu chung của Giáo hội.
Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương giữ vai trò lãnh đạo trong việc quản lý, điều hành các Ban Giáo dục Phật giáo cấp tỉnh thành và các hoạt động giáo dục Phật giáo trong các trường Phật học trên toàn quốc, bao gồm các lớp Sơ cấp, các trường Trung cấp Phật học, lớp Cao đẳng Phật học, các Học viện Phật giáo Việt Nam. Mục đích của Ban là quản lý và đào tạo các thế hệ Tăng Ni toàn diện kiến thức về Phật học, khoa học và xã hội; có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và sức khoẻ để tinh tấn trong tu học và phục vụ lợi ích nhân sinh. Đồng thời, đào tạo Tăng Ni có khả năng đáp ứng các yêu cầu nhập thế của Phật giáo, nhằm đáp ứng sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có bốn Học Viện Phật giáo, tám lớp Cao Đẳng Phật học; trên 30 Trường Trung cấp Phật học và rất nhiều lớp Sơ cấp Phật học, tạo thành một hệ thống các cấp học khá hoàn thiện, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có trình độ Phật học và thế học.
Góp phần quan trọng trong công tác giáo dục Phật giáo là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh). Trường được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấp phép hoạt động vào ngày 17 tháng 10 năm 1983 và chính thức khai giảng vào năm 1984. Từ một Trường chuyên đào tạo cử nhân Phật học cho Tăng Ni mỗi khóa bốn năm, nay Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố đào tạo các cấp học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, tuyển sinh hằng năm gồm khoa triết học Phật giáo, khoa Pali, khoa Sanskrit Phật giáo, khoa hoằng pháp, khoa lịch sử Phật giáo, khoa Phật giáo Việt Nam, khoa Phật giáo Trung Quốc, khoa công tác xã hội, khoa sư phạm mầm non, khoa tiếng Anh, khoa tiếng Trung và hệ đào tạo từ xa. Từ khi thành lập cho đến nay, trải qua 35 năm đào tạo, Học viện đã đào tạo được rất nhiều Tăng Ni tài đức cho Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị trong đó đã và đang đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong các cấp Giáo hội.
Để công tác giáo dục Phật giáo tại Học viện đáp ứng yêu cầu trong thời đại hội nhập và phát triển của Đất nước, theo thiển ý của chúng tôi cần phải quan tâm những vấn đề sau:
- QUAN TÂM VỀ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC VÀ GIỚI LUẬT
Trong xã hội hiện nay, giáo dục đạo đức được cả thế giới quan tâm. Thời gian gần đây, một số Tăng Ni xuống cấp về đạo đức, vi phạm giới luật làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo. Vì thế, giáo dục đạo đức và giới luật tại môi trường Học viện là vô cùng cần thiết và cấp bách.Đạo đức có thể nói là giới luật. Giới luật giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người xuất gia. Đức Phật dạy: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn Phật pháp còn”. Hơn nữa, Ngài dạy “nhân giới sanh định, nhân định phát huệ”. Giới là nền tảng căn bản đưa đến sự phát triển thiền định và trí huệ.
Giới luật là lộ trình sống chân thật, là kết tinh và tạo thành nhân cách phẩm chất đạo đức, nuôi dưỡng công hạnh tự lợi, lợi tha, là cơ năng nòng cốt để xây dựng trật tự kỷ cương, xây dựng một con người toàn diện trong sáng, nâng cao trí thức, phát triển trí huệ, là giềng mối giữ gìn Phật pháp mãi mãi bền lâu, là nền tảng căn bản cho người sơ cơ mới phát tâm vào đạo. Chúng tôi thiết nghĩ, xã hội phát triển vượt bậc với đủ sắc màu, quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy, sức mạnh truyền thông như hiện nay, tất cả những người xuất gia trẻ cần lắm sự bảo hộ của giới luật.Chính vì thế, chúng tôi rất mong muốn Học viện đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa về việc học tập và thực hành oai nghi tế hạnh (giới luật) trong sinh hoạt hằng ngày, nhằm duy trì bền vững nét đẹp thanh cao, thanh tịnh của người xuất gia.
Về việc tuyển sinh chúng tôi xin đề nghị cần quan tâm đưa môn “Luật căn bản của người xuất gia” vào phần đề thi, và xuyên suốt trong chương trình đào tạo cử nhân Phật học để Tăng Ni sinh viên học tập, hoàn thiện nhân cách đạo đức, phẩm hạnh của người xuất gia.
- QUAN TÂM VỀ “CHẤT LƯỢNG HƠN LÀ SỐ LƯỢNG”
Theo các nguồn sử liệu cho thấy, Trường Đại học Nalanda (Trường đại học đầu tiên của Phật giáo) quan tâm về chất lượng đào tạo, 8/10 sinh viên thi trượt, và rất nhiều sinh viên thi lại nhiều lần. Trường đã đào tạo ra những vị luận sư nổi tiếng cho Phật giáo và thu hút rất nhiều sinh viên từ các nước trên thế giới. Thiết nghĩ, Học viện Phật giáo là cấp đào tạo cao nhất của Phật giáo, Hội đồng Điều hành cần quan tâm đến chất lượng giáo dục hơn là số lượng, nhất là chú trọng đến công tác tuyển sinh. Thời gian gần đây Học viện mỗi năm tuyển sinh một lần. Đây là tín hiệu phát triển cho cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghiêm túc trong việc tuyển sinh. Có nhiều năm số lượng thí sinh đăng ký không đủ cho chỉ tiêu đào tạo, thi tuyển đầu vào rồi nhưng chưa đủ chỉ tiêu, sau đó hạ điểm cho số đông sinh viên vào học.
Trong xu hướng xã hội hiện nay, người xuất gia ngày càng ít. Trong khoảng 10 năm hay 20 năm, số lượng Tăng Ni có đủ đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Học viện hay không?
Bên cạnh đó, có những Tăng Ni, không qua các cấp đào tạo Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng mà thi tuyển thẳng vào học viện, làm cho hệ thống các Trường Sơ cấp, Trung cấp Phật học ít còn giá trị đối với Tăng Ni sơ cơ vào đạo. Ngày nay, học viện giáo dục theo hệ hống học tín chỉ, chỉ khoảng 3 năm Tăng Ni sinh ra trường, tốt nghiệp cử nhân Phật học. Đào tạo như thế, có đáp ứng được yêu cầu trong thời đại hội nhập và phát triển hay không? Hay chỉ đào tạo Tăng Ni có được bằng cấp, có trang bị cho các Tăng Ni đầy đủ về mặt giới hạnh, đạo đức và sự tu tập?
Trên thực tế chúng tôi biết có nhiều Tăng Ni sau khi tốt nghiệp cử nhân trở về địa phương nhiệt tình học hỏi thêm rất nhiều nơi thầy bạn hoặc các phần chuyên môn khác mới đủ khả năng hướng dẫn khóa tu dành cho Phật tử hay thuyết giảng, viết bài nghiên cứu, tham luận, về kỹ năng trụ trì và hành chánh giáo hội…..
Về các khoa tại học viện cần phải quan tâm đến tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và Phật giáo. Có như thế, khi ra trường, Tăng Ni sinh viên mới có đủ kiến thức, kỹ năng, sự tu tập để phụng sự cho Đạo pháp - Dân tộc và hội nhập với thế giới.
- QUAN TÂM ĐÀO TẠO “HÀNH GIẢ HƠN LÀ HỌC GIẢ”
Giáo dục Phật giáo không những cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức Phật học và thế học mà còn phải giúp sinh viên thực tập, ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống để chuyển hóa những phiền não khổ đau, sống an vui hạnh phúc, tự tại giữa cuộc đời đầy cám dỗ. Phần lớn các trường Phật học trên cả nước nói chung, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng chưa quan tâm đúng mức đến việc tu tập của Tăng Ni. Học viện đa số Tăng Ni sinh viên nội trú, là điều kiện thuận lợi để hướng dẫn thực tập giáo pháp, ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống. Đức Phật khẳng định “Này các Tỳ-kheo, ta không nói rằng việc chứng đạt trí tuệ sâu thẳm đến ngay lập tức, mà nó đến bằng một sự tu tập tuần tự”. Như vậy, có thể nói giáo dục Phật giáo là một quá trình tiệm tiến. Nghe giảng dạy, ghi nhớ, suy nghiệm và thực tập (Văn- Tư-Tu) được xem như là một tiến trình giáo dục, không phải chỉ xảy ra trong chốc lát mà là một quá trình diễn tiến thứ bậc. Học viện có thể trong mỗi học kỳ hoặc hằng năm mở khóa chuyên tu một tuần hoặc hai tuần cho tất cả Tăng Ni sinh để giúp Tăng Ni thực tập và rèn luyện kỹ năng để sau khi ra trường có thể hướng dẫn các khóa tu cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Chính nhờ sự tu tập, Tăng Ni sẽ tự hoàn thiện nhân cách đạo đức, có phẩm hạnh, đầy đủ những đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả, sống có lý tưởng, có tâm phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc.
- QUAN TÂM ĐẾN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN
Đào tạo được Tăng Ni tài đức, đội ngũ giảng viên giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác giáo dục. Học viện cần xây dựng đội ngũ giảng viên không chỉ có bằng cấp, kiến thức Phật học, thế học uyên thâm mà còn phải là người có đạo hạnh, tài đức vẹn toàn và kinh nghiệm tu tập. Giảng viên có đầy đủ tài đức, phẩm hạnh là một tấm gương sáng và có tác dụng giáo dục rất lớn đối với Tăng Ni sinh viên. Trong hơn thập kỷ trở lại đây, nhiều Tăng Ni được đào tạo ở nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, đầy đủ học vị, học hàm, đã tích cự tham gia vào sự nghiệp giáo dục Phật giáo, nhất là tại học viện. Chúng tôi cũng được biết hiện nay có hơn 200 hồ sơ Tăng Ni tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ xin được cộng tác, giảng dạy tại học viện. Đây là điều kiện thuận lợi để tìm ra đội ngũ giảng viên “chất lượng”. Mạnh dạn y cứ những chuẩn mực cần thiết cho vị giảng viên về mặt kiến thức và phẩm hạnh đạo đức kể cả những vị đã cộng tác lâu năm. Khi có được đội ngũ giảng viên tài đức thì mới có thể đào tạo ra được thế hệ kế thừa có đức, có tài truyền trì mạng mạch phật pháp.
Nhằm để nâng cao chất lượng đào tạo, hằng năm học viện nên tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Năm 2019, học viện đã tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 8 ngày cho Hội đồng Điều hành và giảng viên. Đây là nhu cầu hết sức cần thiết và hữu ích cho đội ngũ giảng viên. Có thể được, học viện hằng năm đều mở khóa tập huấn bồi dưỡng dài ngày, nội trú để giảng viên có thể trao đổi, chia sẻ, hội thảo, tu tập… nhằm tìm ra phương pháp giảng dạy hữu hiệu, thiết thực cho Tăng Ni sinh viên trong thời đại hội nhập và phát triển.
THAY LỜI KẾT
Một nền giáo dục có giá trị thật sự là tự thân nó phải đóng góp tích cực cho sự văn minh và tiến bộ của con người, nhằm đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi loài. Herbert George Wells nhà cải cách xã hội, Sử gia triết học người Anh đã nhận định: “Phật giáo mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong tiến trình nhân loại”. Và bởi Phật giáo “sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa”, Đức Phật là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống và một nhà giáo dục thiên tài.
Hòa thượng Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, trong buổi lễ khai giảng năm học mới đã phát biểu, Ngài dạy:
“...Là sinh viên Phật giáo trong thời kỳ xã hội hóa, hiện đại hóa, tiến lên văn minh toàn cầu hóa. Với tinh thần Duy Tuệ Thị Nghiệp, sống bằng pháp hạnh vô ngã vị tha, bổn phận và trách vụ của chúng ta phải luôn luôn tinh cần phát huy toàn triệt khả năng ‘Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức’ phải tập trung hơn nữa, nỗ lực chuyên sâu hơn nữa các môn Phật học lẫn thế học. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời nêu cao gương hạnh Phật trong sứ mệnh lịch sử giao phó là ‘truyền trì mạng mạch - tiếp dẫn hậu lai - hoằng pháp lợi sanh - Báo Phật ân đức’ ngay trong cuộc đời này”. Đây cũng là tâm huyết và định hướng giáo dục của Hòa thượng Viện trưởng - Người suốt đời tận tụy cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo.
Trong thời đại khoa học, công nghệ như hiện nay, giáo dục Phật giáo là Phật sự quan trọng của người con Phật. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau tìm ra giải pháp hữu hiệu để đào tạo thế hệ Tăng Ni “thật học, thật tu”, trang bị những kỹ năng cần thiết để Tăng Ni ra trường có thể đáp ứng nhu cầu “hoằng dương Phật pháp” trong thời đại hội nhập phát triển và góp phần mang lại sự văn minh, tiến bộ cho toàn thế giới.