MỘT HƯỚNG ĐI CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TS.TT. Thích Giác Hoàng
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong bốn học viện có uy tín và tầm cỡ của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Suốt 35 năm qua (1984 – 2019), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (Học viện) đã đào tạo rất nhiều chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo trong cả nước, trong đó có Khoa Đào tạo từ xa. Hiện nay, Học viện có đủ các cấp học cho mọi giới với học viên đến từ khắp các tỉnh/ thành, trong đó, Khoa Đào tạo từ xa là một bộ phận không thể tách rời.
TÊN GỌI VÀ NHÂN DUYÊN HÌNH THÀNH KHOA
Khoa Đào tạo từ xa, là một trong mười hai khoa của Học viện, gọi đủ là Khoa Triết học Phật giáo Hệ Đào tạo từ xa, vì nội dung đào tạo của khoa hoàn toàn theo định hướng của Khoa Triết học Phật giáo Hệ Chính quy nhưng phương thức đào tạo là “từ xa” nên gọi tắt là Khoa Đào tạo từ xa. Tên tiếng Anh của khoa là Department of Distance Learning in Buddhist Philosophy. Với 10 năm hình thành và phát triển (2009 – 2019), khoa đã đào tạo được 4 khóa, trên 600 học viên đã tốt nghiệp. Hiện nay, khóa V đang học năm 3 và khóa VI học năm 1.
Việc hình thành khoa như một nhân duyên đến thời điểm chín muồi. Trước năm 2009, Học viện đã đa khoa hóa, nhận sinh viên cư sĩ từ khóa VII (2007-2011), nhưng do vài yếu tố khách quan, việc nhận cư sĩ không được thực hiện trong những khóa tiếp theo.
Năm 2008, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được Giáo hội suy cử vai trò Viện trưởng, kế thừa sự nghiệp đào tạo Tăng Ni tài đức của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, nhận thấy đây là một chiến lược đào tạo nguồn nhân sự cho Giáo hội nên Ngài đã chỉ đạo mở Khoa Đào tạo từ xa để tiếp nhận số lượng học viên học hàm thụ Phật học từ báo Giác Ngộ để đào tạo một cách bài bản, hệ thống như chương trình Chính quy mà Học viện đang tổ chức.
Theo nhân duyên này, từ năm 2009, Khoa Đào tạo từ xa được hình thành. Trưởng khoa là chúng tôi. Phó khoa là TT. Thiện Minh. Đến khóa II, Ni sư Hương Nhũ được bổ nhiệm thay vai trò của TT. Thiện Minh.
CHẾ ĐỘ TUYỂN SINH VÀ NĂNG LỰC THỰC TIỄN CỦA HỌC VIÊN
Khác với hệ thống Chính quy, học viên đầu vào chỉ cần tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Trong khi đó, hệ Chính quy lại cần bằng Trung cấp Phật học 3 năm (và một số trường muốn học Trung cấp phải có bằng Sơ cấp 2 năm), hoặc bằng Đại học (Cao đẳng). Xét về mặt bằng kiến thức đầu vào của học viên có nhiều bất cập. Nhiều vị đã có 2-3 bằng Đại học, hiện đang giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, Đại học và thậm chí có bằng tiến sĩ, học hàm Giáo sư; có vị vừa tốt nghiệp Phổ thông hoặc Bổ túc văn hóa; có vị tuổi đời trên 80 và có em chỉ vừa đôi mươi; Tăng tục đều có, đủ mọi ngành nghề trong xã hội.
Do đó, việc triển khai kiến thức đồng bộ cho tất cả học viên gặp rất nhiều trở ngại trong năm đầu, vì nhiều học viên chưa nắm bắt được cách thức học tập ở cấp Đại học. Một số trường hợp choáng ngợp với khối kiến thức đại học mà Học viện triển khai. Do đó, tình trạng “học kỹ” để thi lại lần sau khá nhiều so với hệ Chính quy. Chưa nói đến các vị chuyển từ khóa trước sang khóa sau, thành một khóa học kéo dài 8 năm (theo quy định tối đa của Học viện), và nhiều vị đành dở dang việc học vì khối lượng kiến thức quá lớn trong điều kiện không cho phép của học viên.
Từ 2 khóa trở lại đây, Học viện đã đưa ra quy định, đối với Tăng Ni phải từ 35 tuổi trở lên. Nếu Tăng Ni nhỏ tuổi hơn phải là những vị đang làm công tác Phật sự tại Ban Trị sự tỉnh/ thành/ huyện; hoặc các vị ở các tỉnh/ thành vùng sâu vùng xa đang cần đào tạo người; hoặc trong các tông môn như Thiền phái Trúc Lâm không cho Tăng Ni ra ngoài học.
Sau đây là bảng thống kê để thấy xác suất học và ra trường của khoa theo báo cáo của văn phòng:
THỐNG KÊ KHOA ĐÀO TẠO TỪ XA ĐẦU VÔ VÀ ĐẦU RA
KHÓA |
ĐĂNG KÝ |
TRÌNH ĐỘ |
TỐT NGHIỆP |
SL |
TĂNG |
NI |
CƯ SĨ |
I |
432 |
156 |
134 |
142 |
ThS: 8
CN: 58
CĐ: 11 |
162 |
II |
554 |
151 |
143 |
260 |
ThS: 5
CN: 60
CĐ: 20 |
161 |
III |
732 |
213 |
175 |
344 |
ThS: 18
CN: 172
CĐ: 13 |
162 |
IV |
489 |
152 |
98 |
239 |
GS.TS: 1
ThS: 6
CN: 66 |
130
(dự đoán) |
V |
539 |
118 |
110 |
311 |
ThS: 2
CN: 76
CĐ: 11 |
|
VI |
564 |
131 |
130 |
303 |
TS: 1
ThS: 30
CN: 155
CĐ: 20 |
|
Cũng cần nói thêm, các học viên tốt nghiệp năm đầu tiên không đạt được con số như thế. Số liệu ban đầu năm 2013 tốt nghiệp, chỉ hơn 110. Nhưng với sự quyết tâm tiếp tục học của các vị, số lượng tốt nghiệp được tăng dần, do đó khóa I tính đến thời điểm năm 2017 mới được con số là 162 học viên.
ĐỘNG CƠ CỦA CÁC HỌC VIÊN ĐẾN VỚI KHOA
Mỗi người đến với khoa đều có động cơ riêng. Đối với học viên tu sĩ, động cơ chính là để tiếp cận nền Phật học minh triết, để biết rõ học thuyết và nắm vững cách hành trì, để đảm bảo kiến thức mình tiếp thu là chơn chánh và hy vọng là sau khi tốt nghiệp sẽ hướng dẫn lại cho các Phật tử. Bên cạnh đó, một số vị tham gia chương trình theo định hướng của Giáo hội, mới đủ khả năng gánh vác Phật sự khi được trụ trì.
Đối với cư sĩ thì nhiều lý do khác nhau, nhưng căn bản là để học hỏi và hành trì cho đúng phương pháp. Thực tế cho thấy, các đạo tràng tại các tỉnh/ thành/ huyện tuy có mở các lớp để giảng dạy giáo lý, nhưng không thể nào bằng hoặc có một chương trình học tương đối đầy đủ, thứ lớp như ở Học viện. Do đó, các cư sĩ đến với lớp phần lớn đều có tâm thành nghiên cứu Phật pháp, không vì bằng cấp, không vì nghề nghiệp mà đến để học hỏi, để tìm hiểu nghĩa lý cho thấu đáo. Bên cạnh đó, các vị cónguyệnvọng xuất gia đến với lớp để học hỏi, để tìm hiểu kinh, luật trước khi chính thức bước vào cửa Phật.
Cũng có nhiều vị Tăng Ni, sau nhiều năm tu học và phụng sự, tự xét lại mình nhận thức về Phật pháp còn mơ hồ, nên đã xin phép Bổn sư được học chương trình này như là sự bổ túc kiến thức về Phật pháp. Đây là một khuynh hướng và tầm nhìn rất tích cực của các học viên Tăng Ni. Từ đó, các vị đã tạo nên chất xúc tác trong việc điều hành và làm tấm gương tốt đẹp về học tập trong lớp.
HÌNH THỨC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Hình thức đào tạo của khoa là mỗi tuần đến lớp vào 2 ngày: thứ Bảy và Chủ nhật. Tổng số tiết căn bản của mỗi môn học tại trường là 16/45 tiết. Tuy nhiên, môn Pāli, Hán cổ, Anh văn Phật pháp nếu bố trí được thời gian thì tạo điều kiện để học viên học thêm giờ tại lớp, có thể lên đến 24/45 tiết. Đối với những môn khác, các giảng viên khi lên lớp chỉ ôn tập những gì đã giảng ở lớp Chính quy và định hướng, khích lệ, thắp sáng tinh thần học tập cho các học viên là chính.
Trong bối cảnh chung, Học viện đã nâng tầm, tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh toàn trường có sự lựa chọn các môn học, chọn giảng viên và giờ giảng, với định hướng đa khoa hóa, nhằm hỗ trợ cho các học viên học đúng theo sở trường của mình. Song, đối với Khoa Đào tạo từ xa thì hình thức học và thi cử như chế độ niên chế. Vì việc học từ xa với thời lượng khiêm tốn trên giảng đường, bắt buộc khoa phải đi theo hướng “niên chế”. Hiện nay với chế độ học tín chỉ Học viện, Tăng Ni sinh Chính quy của trường phần lớn học 6-7 học kỳ đã tốt nghiệp. Riêng khoa Đào tạo từ xa vẫn 8 học kỳ / 4 năm và có chế độ thi lại sau vài học kỳ hoặc cuối khóa.
Để đảm bảo cho chương trình học, Học viện bố trí nhân viên văn phòng thu âm và đưa lên mạng các bài giảng Mp3 và các tài liệu học bằng file Word. Nhờ đó, các học viên ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc và đi công tác nước ngoài vẫn có thể theo dõi và bắt kịp tình hình của khoa để học tập.
Trong các cổ ngữ, Học viện tạo điều kiện cho khoa học 2 cổ ngữ: Pāli và Hán cổ. Số lượng nghiêng về Hán cổ, lúc nào cũng đông hơn, vì phần lớn các Tăng Ni đã học Hán cổ ở các trường Trung cấp Phật học. Nhiều cư sĩ lại chọn phương án học Pāli trước, Hán cổ sau, tìm kiếm cơ hội học tận nguồn gốc kinh điển Thượng Tọa bộ.
Vì đáp ứng cho những vị lớn tuổi, muốn chuyên tâm học Phật pháp, nên Học viện tạo điều kiện cho các học viên có thể chọn môn Kinh Trung Bộ hoặc môn Anh văn Phật pháp (Dhamma English).
Số lượng các học viên đăng ký học Kinh Trung Bộ thường chiếm 3/4 tổng số lớp.
Khác với hệ Chính quy, các Tăng Ni có thể chọn một số môn để học theo hệ thống tín chỉ, Khoa Đào tạo từ xa sắp xếp một số môn học cố định. Ví dụ, môn Tâm lý học đại cương bắt buộc học, không như Chính quy được chọn môn Xã hội học đại cương; Văn học Pāli (thay vì Tăng Ni sinh Chính quy có thể chọn Văn học Sanskrit, Văn học Hán tạng). Tất cả điều này vì nhắm đến tính ổn định cho Học viện, tiện lợi trong công tác quản lý và tiết kiệm tài chánh cho trường.
CHẾ ĐỘ THI CỬ VÀ QUY CỦ TRONG KHI THI
Để đảm bảo chất lượng trong thi cử, học viên Đào tạo từ xa mỗi học kỳ được thi 2 lần hoặc làm tiểu luận theo quy định của Học viện. Riêng khóa VI (2019 – 2023), mỗi học kỳ chỉ thi cuối kỳ cho tất cả các môn tư tưởng và buộc phải làm tiểu luận một môn tư tưởng giữa kỳ và thi cuối kỳ; các môn cổ ngữ và sinh ngữ phải thi giữa kỳ và cuối kỳ như quy định chung của Học viện
Việc thi của Học viện khá gắt gao, thể hiện sự nghiêm túc gần như tuyệt đối. Các học viên vi phạm nội quy thi bị hủy kết quả toàn môn học.
Trường hợp không tham gia các kỳ thi (vì lý do tai nạn, tang chế, công việc của công ty… bất khả kháng), học viên phải viết đơn báo trình để được xin phép vắng với lý do chính đáng ấy, học viên được dự thi một lần nữa do Học viện tổ chức.
Trong trường hợp đã qua khóa, học viên phải học và thi với khóa sau, được xem như học tín chỉ và chỉ được thi một lần duy nhất. Nếu không đạt kết quả thì phải học theo điều lệ của tín chỉ.
Để giúp cho các học viên Đào tạo từ xa miền Bắc đỡ bớt chi phí trong việc di chuyển và sắp xếp việc thi cử, trước đây Học viện đã nối kết chùa Bằng (quận Hoàng Mai – Hà Nội) do HT. Thích Bảo Nghiêm trụ trì và hiện nay là Tổ đình chùa Trung Hậu (quận Mê Linh – Hà Nội) do TT. Thích Chiếu Tạng trụ trì làm vệ tinh. Nhân đây xin thành kính niệm ơn chư Tôn đức đã trợ duyên cho sự thành tựu chung của việc đào tạo có ý nghĩa này.
THÀNH QUẢ ĐÀO TẠO
Như hệ Chính quy, các học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã đóng góp rất nhiều trong mọi lĩnh vực xã hội và Giáo hội. Điều này như một hệ quả tất yếu của một nền giáo dục chân chính. Tuy nhiên, để khích lệ đối với các học viên đang học, chúng tôi nêu vài trường hợp:
Một vài Sư cô học khóa I, hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Pune - Ấn Độ. Với tiềm năng của giảng viên văn học (tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn trước khi xuất gia), các Sư cô đang tích cực học Pāli, với hy vọng sẽ tham gia dịch những tác phẩm có giá trị liên hệ đến kinh điển Pāli. Một số khác đang học Thạc sĩ tại Việt Nam và các trường Phật học quốc tế.
Một vị cư sĩ vốn xuất thân từ một truyền thống tôn giáo khác, sau khi học giáopháp từ trường, đãcó cách tiếp cận và nhận thức mới trong niềm tin tôn giáo và tiếp tục học Thạc sĩ từ xa, hiện giờ đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ xa tại một trường Phật học ở Thái Lan.
Với tâm huyết “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc chúng sanh”, nhiều Tăng Ni đã tham gia các Phật sự tại tỉnh/ thành/ huyện hoặc tại tự viện. Vốn đã có nền tảng tích cực dấn thân làm công tác Phật sự tại các Ban Trị sự trước khi đến với Học viện, nay có thêm vốn liếng Phật pháp, các vị đã làm rất tốt công tác của mình được giao.
Có một số vị làm việc trong các cơ quan Nhà nước đã tham gia các khóa đã phát biểu rằng, giá như học được giáo pháp sớm hơn, đặc biệt là học thuyết vô ngã trong nhà Phật thì cuộc sống trong gia đình, nơi làm việc, và với vai trò quản lý ắt hẳn sẽ tốt hơn nhiều.
Với lời tri ân sâu sắc trong các buổi chia tay hay là những lời tâm sự từ đáy lòng của các học viên Tăng Ni và cư sĩ các khóa, Khoa Đào tạo từ xa quả thật là một khoa vô cùng hữu ích và giá trị trong bối cảnh ngày nay. Mỗi một học viên, là một cánh tay nối dài trong việc truyền bá, công bố chân lý đến với người thân, đến với từng gia đình và từng ngóc ngách của xã hội.
KẾT LUẬN
Việc tận dụng kỹ thuật công nghệ thông tin để duy trì và phát triển giáo dục qua kênh Đào tạo từ xa là một chiến lược đúng đắn, nhằm phổ cập hóa giáo dục Phật giáo đến với Tăng Ni và cư sĩ Phật tử, góp phần xóa mù Phật pháp, là một việc làm vô cùng cần kíp. Thiết nghĩ, nền minh triết Phật giáo không chỉ được giới thiệu và học tập trong phạm vi chốn thiền môn mà nên được phổ biến rộng khắp đến với mọi đối tượng. Các Tăng Ni ngày nay không thể không có kiến thức Phật học mà hành đạo tốt. Các cư sĩ không thể không hiểu đạo mà làm tròn sứ mạng hộ pháp một cách tốt nhất. Đức Phật thường ca ngợi, tán thán những vị Tăng Ni và cư sĩ đa văn dù ở trường hợp nào. Nhờ học rộng hiểu nhiều, vị ấy có thể hóa giải những kiến chấp, những nghi hoặc có gốc rễ từ vô minh, đưa đến những nhận thức sâu sắc, tốt đẹp để cất bước trên con đường cao rộng tự độ và đồng thời nhờ có sự hiểu biết tốt nhất về Phật pháp, Tăng Ni và cư sĩ có thể chia sẻ, truyền bá chân lý đúng cách và hiệu quả nhất.
Hy vọng Khoa Triết học Phật giáo hệ Đào tạo từ xa tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng góp một phầnnào đó cho hướng đixánlạncủa nền giáo dục Phậtgiáo Việt Nam.
***