HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TẠITHÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 4 ĐỀ NGHỊ CỤTHỂ
TS. Đỗ Hữu Tâm
Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày Học viện Phật giáo Việt Nam được thành lập và phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh. Với một tôn giáo nhấn mạnh đến Trí huệ như Phật giáo, và vai trò của nó trong tiến trình giải thoát, thì sự hiện hữu của các học viện Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc, trong đó có Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh phải là một bước đầu đại “vạn hạnh”!
Quả thật như vậy vì, lùi lại quá khứ xa hơn một chút nữa, khoảng 20 năm, niềm hân hoan vô lượng này trước đây đã bùng nở khi Hoà thượng Thích Minh Châu thiết lập Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964, cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên (và duy nhất) của Phật giáo Việt Nam, với tôn chỉ “Duy tuệ thị nghiệp” viết rõ trên giảng đường và để lại dấu ấn đậm nét trong tâm khảm của ban giảng huấn và hàng vạn sinh viên / Tăng Ni sinh thời đó.
Là một Phật tử Việt Nam sống ở nước ngoài suốt từ giữa thập kỷ 1970 đến nay, tôi đón nhận kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh với niềm vui

![]()
*. Irvine, California.
rộn ràng khó tả. Đó là vì ngày Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoạt động (1986) cũng là ngày chấm dứt 10 năm đứt đoạn đầy xót xa và tiếc nuối khi Đại học Vạn Hạnh bị đóng cửa vào năm 1976.
Xin cúi đầu đảnh lễ, tán thán công đức của Giáo hội cùng quý tôn túc chư Tăng Ni đã từng bước thăng trầm vượt qua muôn vàn khó khăn để gầy dựng nên Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh với nội dung giáo dục phong phú, cả nội điển lẫn ngoại điển, cùng cơ ngơi hạ tầng cơ sở như hôm nay để vực dậy và tiếp tục sự nghiệp phát triển trí tuệ của Phật giáo Việt Nam.
Truy cập trang tin của Học viện (vbu.edu.vn) mới thấy được tâm huyết và công sức của quý Tăng Ni cùng cư sĩ tiền bối lớn lao đến dường nào đối với tiền đồ của Phật giáo và đối với thế hệ kế thừa, dù là Tăng Ni hay cư sĩ, dù là Phật tử hay người chưa có duyên biết đến Phật pháp. Thật đáng để cảm tạ và tán thán!
Tâm huyết và công sức về giáo dục này lại càng phải được trân trọng hơn nữa khi chúng ta bình tâm đánh giá toàn diện thời đại hiện nay với biết bao đổi thay tận gốc rễ các giá trị và trật tự cũ cũng như với vô vàn thách thức sâu sắc và triệt để về mọi phương diện nhân văn, tâm lý, chính trị, kinh tế, xã hội, kỹ thuật/công nghệ, và môi trường… mà sau khi cân đo đong đếm thì mẫu số chung vẫn là nỗi quan tâm về một tương lai nhiều bất trắc và khó lường.
Đối diện với các vấn đề nan giải đó, Phật giáo càng lúc càng lộ rõ là tôn giáo chứa đựng tiềm năng đưa ra được những giải đáp và giải pháp cho xã hội với bản chất và vai trò tôn giáo nhập thế tích cực của mình qua triết lý và hoạt động giáo dục như chiếc cầu vồng ngũ sắc xoá tan đi đám mây đen u ám cuối chân trời.
Mười ba năm trước, vào tháng 7 năm 2006, tôi đã có duyên may được trang trải tâm tư và đóng góp kiến thức giới hạn của mình trong một bài tham luận chi tiết về giáo dục (“Thơm ngát hương sen - Vài suy nghĩ về một đại học Phật giáo”) của lần hội thảo khoa học với đề tài Phật giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức, do Viện Nghiên cứu Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Lần này, với cuộc hội thảo nhấn mạnh vào chủ đề Phật học Việt Nam thời hiện đại: cơ hội và thách thức do Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tôi cũng mạo muội xin chia sẻ thêm vài suy nghĩ và nhấn mạnh lại một vài đề nghị thực tế và cụ thể để đóng góp vào sự lớn mạnh hơn nữa của trường đại học Phật giáo này với tất cả niềm kính trọng và lòng tán dương.
Hiện nay, tuy trên mặt pháp lý, trường được định danh là một “Học viện” (Institute) nhưng qua nội dung giáo dục, cách tổ chức quản lý, và tư cách pháp nhân được cấp phát các văn bằng Cử nhân, Thạc sĩ, và Tiến sĩ, thì rõ ràng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh lại đang mang bản chất và đóng vai trò một Đại học (University) mà nhiệm vụ và chức năng chính là đào tạo. Và, vì là một đại học Phật giáo nên, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh chắc hẳn đã và đang mang thêm trách nhiệm ứng dụng nội dung Phật pháp vào giáo dục để hướng dẫn và cải thiện xã hội.
Hơn nữa, tuy mang danh nghĩa một “Học viện Phật giáo” nhưng trường lại có nhiều ngành học không mang tính tôn giáo, không giới hạn chỉ liên hệ đến Phật học, như các khoa Trung văn, khoa Công tác xã hội, và khoa Sư phạm mầm non. Ngoài các ý nghĩa khác, sự hiện hữu của các khoa này đánh dấu quá trình phát triển và chuyển mình của một học viện tôn giáo thành một định chế giáo dục (insti- tution) ngang tầm với và mang kích thước của một đại học quy mô và hoàn chỉnh như mọi đại học khác.
Có lẽ các điều này cũng là lý do Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã được phiên dịch chính thức ra Anh ngữ là Vietnamese Buddhist University!
Nhưng nếu đã là một đại học, và là một đại học đang lớn mạnh, đang vươn lên thì quý vị trong Hội đồng Điều hành của trường chắc cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc thành lập một hay nhiều viện/trung tâm nghiên cứu. Đề nghị thành lập viện nghiên cứu này không đến từ lý do “vì đại học khác (ngoại quốc) có viện nghiên cứu thì mình cũng phải có viện nghiên cứu” mà đến từ những lợi ích thực tế và lâu dài mà một viện/trung tâm nghiên cứu sẽ mang đến cho chính đại học và sinh viên.
Thông thường, chức năng nghiên cứu này là một trong hai nhiệm vụ chính của đại học (nhiệm vụ kia là đào tạo). Nhưng trong trường hợp một đại học Phật giáo và hoàn cảnh đặc thù của nó như Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thì một cơ chế riêng biệt, chuyên về nghiên cứu lại “khế lý khế cơ” hơn trong hoàn cảnh hiện nay dù vẫn nằm dưới sự quản lý của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (Ngoài yếu tố tổ chức, một lý do cụ thể cho sự tách bạch này là vấn đề gây quỹ hoạt động và vấn đề quản lý tài chánh sẽ minh bạch, đơn giản, và có hiệu quả hơn).
-
- Những nước tiên tiến có nền giáo dục đại học đứng đầu thế giới là nhờ hai chức năng nghiên cứu và đào tạo của đại học thường song hành và bổ túc cho nhau. Nhờ vậy tiến trình đào tạo luôn có hiệu quả và phẩm chất cao vì lý thuyết và kiến thức trừu tượng luôn được thử thách, phản biện một cách cụ thể để trở thành những phát minh/phát kiến thực tế, những khám phá mới lạ, và những ứng dụng có cơ sở thực nghiệm.
- Điều này bao gồm nhiều ngành học, kể cả khoa học nhân văn (Humanities) và khoa học xã hội (Social Sciences) chứ không nhất thiết chỉ khoa học thực nghiệm hay khoa học tự nhiên (Physical và Natural Sciences).
- Đối với Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, các viện được thành lập không hẳn chỉ để nghiên cứu các chuyên đề liên hệ đến Phật giáo mà nên mở rộng để bao gồm các ngành khác. Ví dụ như với các ngành/khoa
đang hiện hữu là Công tác xã hội hoặc Sư phạm mầm non, sự thành lập các viện nghiên cứu về Khoa học Xã hội hoặc viện nghiên cứu về Giáo dục (bao gồm giáo dục mầm non) sẽ mang đến nhiều lợi ích thực tế. Một vài ví dụ là viện này có thể thực hiện những cuộc khảo sát quy mô để thiết lập thông tin nền (baseline data) về thuộc tính (demographic data) của một cộng đồng dân cư, hay để thực hiện các nghiên cứu thí điểm (pilot study) nhằm thử áp dụng các lý thuyết về tâm lý học vào xã hội, hoặc để tìm cách áp dụng Phật pháp vào môi trường giáo dục mầm non…
- Nếu những viện nghiên cứu này được lãnh đạo bởi nhân sự có uy tín và có tầm nhìn lại được vận hành một cách hợp lý và hiệu quả thì khả năng thu hút chất xám từ nước ngoài (gồm cả Việt kiều lẫn người ngoại quốc) sẽ rất cao. Đó là chưa kể những liên hệ trong tương lai có thể hình thành giữa viện nghiên cứu này với các viện nghiên cứu khác, trong và ngoài nước, tạo nên hiệu ứng tổng hợp (synergy) trong quá trình nghiên cứu chung.
- Sự hiện hữu (và uy tín) của viện nghiên cứu cũng sẽ là một điểm nhấn hữu ích nữa trong nỗ lực gầy dựng chủ trương và cơ chế liên thông (sẽ đề cập dưới đây) để nối liền đại học Phật giáo với những cao đẳng và đại học khác, cả trong và ngoài nước, mang đến nhiều lợi ích cụ thể khác cho sinh viên và cho chính Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Trong cơ chế thị trường Việt Nam cũng như thế giới hiện nay, một viện nghiên cứu còn là một công cụ tài chánh để đón nhận các nguồn tài trợ, cũng như biến sản phẩm trí tuệ của mình (thông qua các thành quả nghiên cứu và các giải thưởng…) thành nguồn tài chánh độc lập cho viện.
- Cuối cùng, các viện nghiên cứu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đắc lực cho bản thân các sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí
Minh trong quá trình xác định chủ đề, tìm kiếm dữ liệu, cấu thành giả thuyết mở ra những chân trời kiến thức mới lạ, và thực hiện những nghiên cứu có bề sâu để hoàn tất luận án tốt nghiệp của họ, dù có theo học các ngành liên hệ đến Phật giáo hay không.
-
- Hy vọng chức năng nghiên cứu của viện cũng sẽ là một trong những động lực giúp thay đổi tư duy của học Tăng và học Ni để không chỉ thu góp mà còn vận dụng kiến thức trở thành những nhà hoạt động (activist) mang tinh thần “Phật pháp bất ly Thế gian pháp” và nhiệm vụ độ sinh tích cực, đưa đạo vào đời, áp dụng Phật pháp vào mọi phương diện của cuộc sống nhằm giảm bớt nỗi khổ niềm đau của nhân sinh.
Tuy viện nghiên cứu mang đến nhiều lợi lạc như vậy nhưng thành lập nó đương nhiên không phải đơn giản vì nỗ lực này đòi hỏi một tầm nhìn phát triển có tính chiến lược, một khả năng liên hệ rộng rãi để gây quỹ xây dựng và thu hút nhân tài, và một cơ chế quản lý sâu sát có chất lượng và hiệu quả cao.
Nhưng dù lắm phức tạp và nhiều thách thức, thành lập một hay nhiều viện nghiên cứu vẫn phải là một mục tiêu rất đáng được xếp vào hạng ưu tiên cao nhất trong kế hoạch phát triển dài hạn của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
- THỨ HAI
Thông tin trên trang web “vbu.edu.vn” đã cho thấy rõ rệt ý muốn và chủ trương liên thông của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm liên kết với những định chế đại học và cao đẳng trong nước cũng như ở nước ngoài (ví dụ “Chương trình liên kết đào tạo” được ghi rõ trên trang chủ).
Ở đây, từ góc nhìn quản lý giáo dục, cần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của liên thông trong sinh hoạt của một đại học, vốn được coi là tiến trình phát triển tự nhiên trong mọi hệ thống đại học của các nước tiên tiến:
- Một cách đơn giản, liên thông được hiểu là tiến trình giúp học phần (hay môn học) được hoàn tất trước đây ở một đại học hay cao đẳng, cùng giá trị tín chỉ của nó, không bị lãng phí khi sinh viên vì hoàn cảnh phải thay đổi đại học nữa chừng.
Đối với hoàn cảnh và điều kiện thực tế hiện nay của sinh viên, kể cả và nhất là học Tăng và học Ni, tiến trình liên thông chắc chắn sẽ giúp cắt bớt phí tổn tài chánh và thời gian tốt nghiệp (“completion”, vốn được coi là chủ trương “mũi nhọn” hiện nay của các hệ thống đại học lớn, ví dụ trong hệ thống đại học tại nước Mỹ).
Chính Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm bớt được nhiều chi phí giảng dạy với cách tổ chức môn học và tín chỉ hiện đang được áp dụng ở học viện vì đó cũng là những điều kiện phù hợp với tiến trình liên thông. Các học phần cần thiết để tốt nghiệp như “tự chọn”, “tiên quyết”, và “tương đương”, nếu không nói là ngay cả học phần “bắt buộc” (chuyên ngành), sẽ dễ dàng được xem xét vì cơ chế thẩm định đã có sẵn trong tiến trình liên thông.
- Ngoài ra, tiến trình liên thông cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên nước ngoài nếu muốn theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một điểm mạnh nữa của liên thông vì nó khơi nguồn cho rất nhiều lợi lạc cho sinh viên và cho chính Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh:
- Sinh viên trong nước được liên hệ và giao lưu trực tiếp với văn hoá và ngoại ngữ của sinh viên nước ngoài mà không phải tốn tiền du học;
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh gia tăng thu nhập tài chánh từ học phí cao của sinh viên nước ngoài để trang trải các chi phí cần thiết cho Học viện như tăng học bổng cho sinh viên trong nước, thuê thêm giảng
viên, trả phí vận hành phòng thí nghiệm, mua thêm đầu sách để phong phú hoá thư viện…; và
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh lại được thụ hưởng các thành quả đến từ chất xám của sinh viên nước ngoài khi họ thực hiện những nghiên cứu ngay tại Học viện hoặc tại Viện Nghiên cứu.
Bước đầu tiên dẫn đến tiến trình liên thông là dần dần theo thời gian nâng cao phẩm chất giáo dục đại học để bằng cấp của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh được một số nước trên thế giới công nhận. Cạnh đó, Hội đồng Điều hành cần nỗ lực làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thay đổi danh xưng Học viện thành Đại học. Tuy đây chỉ là vấn đề danh xưng, và dù đã phiên dịch ra Anh ngữ là Vietnamese Buddhist University như nói trên, nhưng cho mục tiêu liên thông với các đại học ngoại quốc (và có thể ngay với các đại học trong nước) thì một “đại học”, thay vì một “học viện”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận sẽ tránh được các trở ngại không đáng có sau này.
Sau đó, thiết lập liên thông không phải là một điều khó khăn trong trường hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vì, theo thông tin trên trang web “vbu.edu.vn”, các điều kiện tối thiểu để gầy dựng liên thông như học phần, tín chỉ, đề cương chi tiết… đã được thiết lập và đang hiện hữu. Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần khởi động liên hệ với các đại học/cao đẳng đối tác nhằm phát triển các thoả thuận chính thức xác nhận sự tương đương của một giáo trình, hay một chuỗi giáo trình, giữa một đại học/cao đẳng khác với Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài đề cương chi tiết, các điều kiện còn lại cũng cần được rà soát và kiện toàn như điểm tối thiểu hoàn tất môn học (ví dụ phải “C” hay 70%), học phần tiên quyết của môn học phải tương đương, phiên bản sách giáo khoa của học phần không được quá cũ (ví dụ 5 năm trở lại), mã số học phần phải đồng nhất qua thời gian, số lượng tín chỉ gán cho học phần phải hợp lý và cùng trình độ (Cử nhân theo Cử nhân, Thạc sĩ theo Thạc sĩ)…
Cuối cùng, để có thể liên thông với đại học/cao đẳng nước ngoài, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nên bắt đầu càng sớm càng tốt dự án khá mất thời gian là phiên dịch các đề cương chi tiết ra Anh ngữ (hay Pháp ngữ) để dễ dàng được các đại học khác xem xét và chấp thuận rộng rãi hơn.
Nói tóm lại, liên thông là một điều cần và nên thực hiện trong quá trình phát triển của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ tiến trình liên thông nên được thành lập đầu tiên như một chương trình thí điểm giữa bốn Học viện Phật giáo Việt Nam đang hiện hữu (Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) và chỉ chọn một số môn học liên hệ đến Phật học. Rút kinh nghiệm từ cách tổ chức và vận hành đó, trong tương lai, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có thể mở rộng tiến trình liên thông để liên kết với các đại học Phật giáo cũng như thế tục trong khu vực như Lào, Cam Bốt, Thái Lan… trước khi mở rộng ra Ấn Độ, Đài Loan, Miến Điện rồi xa hơn nữa như Nhật Bản, Hàn quốc, Mỹ, và Âu châu...
- THỨ BA
Sự kiện Sư phạm mầm Non là một trong những ngành/khoa đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh là một điều rất tâm đắc đối với những ai làm việc trong ngành giáo dục, dù ở trình độ nào.
Thông tin này phản ánh sự quan tâm của Phật giáo, vốn là tôn giáo vận dụng phần lớn các nguyên tắc luận lý học và tâm lý học, đến tầm mức quan trọng của lứa tuổi mầm non trong tiến trình phát triển và tăng trưởng của trẻ em, nhất là phát triển về nhân cách và tăng trưởng của não bộ liên hệ đến khả năng tiếp nhận và học hỏi.
Trên thế giới có rất nhiều mô hình đào tạo giáo viên mầm non và chỉ cần nhìn vào sinh hoạt của trẻ em trong một trường mầm non cùng nhân cách của chúng thì ta cũng có thể hiểu được triết lý giáo dục và đánh giá được phẩm chất đào tạo của mô hình đó như thế nào.
Ở đây, từ góc nhìn đào tạo, xin đóng góp thêm vài suy nghĩ:
-
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nên yêu cầu và thuyết phục Bộ Giáo dục và Đào tạo cho vào giáo trình đào tạo nếu không phải là những lời dạy trực tiếp và ý nghĩa cũng như thực hành của Ngũ Giới trong Phật giáo thì ít ra cũng nên bao gồm những sinh hoạt sư phạm phản ánh nội dung nhân văn và tích cực của Ngũ Giới (Năm Giới căn bản này có thể triển khai thành hàng trăm bài học sinh động, thực tiễn và hấp dẫn cho lứa tuổi đồng niên như đang thực hiện trong hệ thống Gia đình Phật tử). Đối diện với sự gia tăng tiêu cực ngày một nhiều những tệ nạn xã hội cùng sự băng hoại đến tận gốc rễ các mối liên hệ giữa con người ngày nay, Ngũ Giới là những nguyên tắc đức dục tối thiểu mà lại triệt để nhằm xây dựng nhân cách và vực dậy thiện căn trong mỗi cá nhân. Ngũ Giới chứa đựng tiềm năng triệt tiêu xu hướng xấu và ác như vô cảm và ích kỷ do vô minh về cái ngã và tham, sân, si gây nên.
Nếu không bắt đầu giới thiệu cho trẻ từ lứa tuổi mầm non các điều quan trọng này thì ta (và xã hội) chờ đến bao giờ?
Đại văn hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã nói: “Đừng giới hạn trẻ em với những kiến thức của mình vì chúng được sinh ra vào một thời kỳ khác” (Don’t limit a child to your own learning, for he/she was born in another time). Nên bớt đi những nhồi nhét kiến thức ở lứa tuổi mầm non và tiểu học mà, thay vào đó, nên chú trọng đến những phát triển về đạo đức và nhân cách. Đó là sự tử tế, lòng quan tâm, tính hy sinh, ý hướng bất bạo động, và tinh thần cộng đồng, tất cả những điều thiện lương này đều bàng bạc trong Ngũ Giới.
-
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cũng nên yêu cầu và thuyết phục Bộ Giáo dục và Đào tạo cho vào giáo trình đào tạo giáo viên mầm non một số học phần về dinh dưỡng:
Bệnh thiếu dinh dưỡng mãn tính dẫn đến thấp còi là một trong những thách đố đối với các nước đang phát triển. Theo báo cáo mới nhất năm nay, 2019, của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), và Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam thuộc một trong bảy vùng có tỷ lệ thấp còi cao nhất cho trẻ em dưới 5 tuổi (25%). Các tổ chức trên đã khuyến nghị những quốc gia nào có tỷ lệ thấp còi giữa 20% đến 29% và tỷ lệ suy dinh dưỡng 15% hay cao hơn phải dồn mọi nỗ lực để đối phó và giải quyết.
Tỷ lệ trung bình của Việt Nam về thấp còi hiện nay là 24,7% (cho trẻ em nghèo ở vùng cao nguyên thì tỷ lệ này cao đến 33%). Còn tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em người dân tộc ở vùng Tây Nguyên lên đến 50% hay 60% tại một số địa phương như Quảng Trị và A Lưới.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì nhà nước đã chủ trương không hợp lý khi chỉ hỗ trợ trẻ em từ 3 tuổi trở lên trong khi hầu hết các tổ chức quốc tế về sức khoẻ và y khoa đều khuyến nghị đến ảnh hưởng thiết yếu nhất của dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu tiên (gồm 9 tháng trong bụng mẹ và 2 năm sau khi chào đời) trên sự phát triển và tăng trưởng của trẻ em.
Do đó, trang bị kiến thức dinh dưỡng cho các sinh viên ngành Sư phạm mầm non là một đóng góp không thể thiếu của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh để giúp giáo viên mầm non truyền đạt lại cho phụ huynh những thông tin dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển thể chất hợp lý và đầy đủ của thế hệ mầm non để trẻ em có tiềm năng trở thành tương lai hùng mạnh của gia đình và đất nước.
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh
cũng có thể mở các khoá đào tạo cho giáo viên với chứng chỉ tốt nghiệp từ 6 đến 12 tín chỉ về dinh dưỡng nhằm giới thiệu thực phẩm chay mà giàu dinh dưỡng vào các trường mầm non.
Càng lúc càng có nhiều nghiên cứu đầy tính thuyết phục cho thấy việc ăn thịt động vật đã ảnh hưởng nặng nề và lâu dài một cách tiêu cực không những lên sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn lên môi trường sinh thái. Do đó, bớt ăn thịt cũng là một đóng góp tích cực và hiệu quả vào nỗ lực chung bảo vệ môi trường: Ví dụ đã có nghiên cứu cho thấy cứ 1 kg thịt bò cần tới 15 lít nước, 6,5 kg ngũ cốc, 330 mét vuông đất trồng trọt, mà lại tạo ra 16,4 kg carbon (là chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính nguy hại vì làm ấm nóng trái đất). Hoặc nghiên cứu cho thấy cùng số lượng mà gạo với thịt heo lại tạo ra ít chất đạm (vốn cần thiết cho cơ thể) hơn gạo với đậu xanh. Huống hồ cùng lúc với tiêu hoá đạm động vật (tuy hoàn hảo hơn đạm thực vật) chúng ta phải cho vào người vô số độc tố đến từ thịt gây ra các chứng cao mỡ, cao máu, khả năng đưa tới những bệnh mãn tính tai hại khác như bệnh tim, ung thư...
Nhưng quan trọng hơn cả, không ăn thịt (nghĩa là kềm chế sự ham muốn và chấm dứt quá trình giết hại, mổ xẻ gây đau đớn) phản ánh rõ rệt nhất tinh thần từ bi của Phật giáo, vốn là nền tảng của sự kính trọng mọi sinh linh và lòng thương yêu muôn loài.
- THỨ TƯ
Nếu tài chánh cho phép, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nên có một Trung tâm sinh hoạt gợi ý từ hình thức “giáo dục cộng đồng” (Community Education) khá phổ biến ở các nước tiên tiến, vốn là một phần của những đại học/cao đẳng ở đó.
Trung tâm này sẽ là nơi diễn ra các sinh hoạt được Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh bảo trợ gồm giới thiệu Phật giáo với tuổi trẻ và công chúng nói chung qua các sự kiện, sinh hoạt “trẻ trung” như các buổi trình diễn âm nhạc Phật giáo, phim ảnh, triển lãm nghệ thuật, các sinh hoạt giao lưu với những “club” của sinh viên, các buổi Thiền hành hoặc những buổi diễn thuyết, seminar, toạ đàm, ra mắt sách… cùng các diễn giả danh tiếng nhằm giới thiệu và cổ xuý khả năng ứng dụng Phật pháp để giải quyết một số vấn đề của xã hội cùng những bức xúc, trăn trở riêng của tuổi trẻ.
Những sinh hoạt giáo dục mang tính hoằng hoá này, nếu được tổ chức hợp lý và có nội dung phù hợp với tinh thần khai phá, học hỏi, và phản biện của đại học chắc chắn sẽ tạo được niềm thích thú và thu hút giới trẻ ngoài đời tham dự nhiều hơn. Điều này cũng tạo cơ hội để phong phú hoá đời sống người sinh viên, kể cả học Tăng và học Ni, trong thời gian theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lịch sử bao ngàn năm của nước nhà đã chứng minh Phật giáo Việt Nam, trái ngược với một vài tôn giáo khác, luôn đồng hành cùng dân tộc qua mọi nỗi thăng trầm của đất nước. Trong thời hoà bình như hiện nay, có lẽ không trách nhiệm nào của Phật giáo quan trọng hơn là đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp giáo dục giới trẻ, gầy dựng con người nhằm xây dựng quê hương.
Để khép lại bài viết, tôi xin được trích dẫn câu nói quan trọng của Diogenes, nhà hiền triết Hy Lạp đầu thế kỷ IV trước Công nguyên, “Nền tảng của mọi quốc gia chính là nền giáo dục giới trẻ của quốc gia đó” (The foundation of every state is the education of its youth).
Câu nói này của một hiền triết phương Tây có khác gì với nhắc nhở của nhà giáo dục kiệt xuất Thân Nhân Trung của Việt Nam ta giữa thế kỷ XV, “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là việc cần thiết…” Mong thay!
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường, kính chúc Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lớn mạnh và phát triển trong vai trò giáo dục thiết yếu của mình để phục vụ quê hương dân tộc.
***