HÒA THƯỢNG GIÁC TIÊN TIÊN PHONG TRONG GIÁO DỤC PHẬT HỌC TẠI TRUNG KỲ
- VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ HẠNH NGUYỆN CỦA HÒA THƯỢNG GIÁC TIÊN
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang viết: “Thiền sư Giác Tiên có thể gọi là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung”1. Thực vậy, cuộc đời của Ngài đã gắn kết với sự hưng thịnh của Phật giáo xứ Thuận Hóa.
Hòa thượng Giác Tiên (1880 - 1936), Ngài sinh năm Canh Thìn (1880), triều vua Tự Đức năm thứ 33. Hòa thượng vốn dòng dõi họ Nguyễn Duy, được sinh ra trong một gia đình thâm tín Phật pháp tại làng Dã Lê Thượng, Thuỷ Phương, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Song thân Hòa thượng mất sớm, được ông bà nội giáo dưỡng. Từ nhân duyên được tận mắt chứng kiến Đại giới đàn trang nghiêm tại chùa Báo Quốc năm 1894, từ đó ý chí xuất trần chớm nở và quyết chí xuất gia cầu thọ giáo với Tổ sư Tâm Tịnh một năm sau đó tại chùa Từ Hiếu.
Từ buổi sơ khai đồng chơn nhập đạo xuất gia theo hầu Tổ sư Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu, ngày đêm tinh cần Giới luật. Năm

![]()
*. Chùa Phúc Khánh.
-
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, tr. 815.
Canh Tý (1900), Ngài được Tổ sư thế độ xuất gia thọ Sa-di thập giới. Đến năm Nhâm Dần (1902), Tổ sư Tâm Tịnh về ấp Thuận Hoà lập am Thiếu Lâm, Hòa thượng được theo hầu Tổ sư. Ở nơi vùng đất mới kiến lập thảo am sớm hôm sương khói hầu Tổ. Nhưng trong tâm trí, Ngài luôn tâm nguyện muốn lập thảo am trên đồi Dương Xuân chuyên tâm tu hành. Duyên lành hội đủ đến năm Mậu Thân (1908), năm thứ hai đời vua Duy Tân, được Tổ sư hứa khả, Ngài lên đồi Dương Xuân chấn tích Khai sơn chùa Trúc Lâm theo sự cung thỉnh của Sư Diên Trường. Từ đây, mây lành kết tủa, chốn Trúc Lâm tỏa rạng đại hùng. Ngài đã vân du ra miền Bắc - Đất Phật Trúc Lâm Yên Tử để tham cứu giáo điển và lịch sử phát triển của Phật giáo Trúc Lâm thời nhà Trần, đặc biệt là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tư tưởng “nhập thế” và thành tựu của Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm thời Trần đã ảnh hưởng sâu sắc trong sự nghiệp hoằng hóa của Ngài.
Hòa thượng luôn mang trong mình một tâm cầu học. Năm 1920, Hòa thượng Huệ Pháp mở đạo tràng giảng kinh tại chùa Thiên Hưng, Ngài đã dẫn các vị đệ tử của mình đi đến cầu học và được Tổ Huệ Pháp khen ngợi là túc căn thâm hậu, sau này đủ sức xiển dương gánh vác cơ đồ của Phật giáo. Lời tán dương này như một sự tiên tri và thật ứng với sự nghiệp hoằng hóa của Ngài. Để chuẩn bị cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, Ngài đã gửi đệ tử tâm đắc của mình là Thiền sư Mật Khế vào Thập Tháp Bình Định để học đạo với Quốc sư Phước Huệ.
Năm Giáp Tý (1924), Ngài đứng ra mở Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, với sự hỗ trợ đắc lực của vua Khải Định. Bổn sư của Ngài là Tổ sư Tâm Tịnh làm Đàn đầu Hòa thượng, đệ tử của Ngài là Thiền sư Mật Khế được thọ Tam đàn cụ túc tại Giới đàn này. Năm Ất Sửu (1925), Ngài cung thỉnh Đại Tăng và tổ chức An cư ba tháng tại chùa Tường Vân. Mãn hạ cũng tức là phương thức lợi người, lợi mình phước huệ song tu một cách đầy đủ. Ngài đúng là rường cột chốn Thiền lâm, là sứ giả của Phật Tổ.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Trung Kỳ nói riêng có sự suy yếu về mọi mặt, chưa thành một thể thống nhất. Trước tình trạng đó, việc chỉnh lý đào tạo Tăng tài, thống nhất quy củ, phục hưng Phật giáo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hòa thượng Giác Tiên là ngọn cờ đầu của quá trình phục hưng đó. Ngài bắt đầu con đường hoằng hóa muôn vạn dặm.
Để bắt đầu cho công cuộc hoằng hóa muôn vạn dặm. Ngài tiếp nhận đệ tử truyền thừa nối pháp. Vị đệ tử trưởng là Thiền sư Mật Tín, kế đến là các vị Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể là những đệ tử xuất gia xuất sắc nhất của Ngài. Về hàng Ni chúng thì nổi bật hơn cả là Sư bà Diệu Không, một vị Ni trưởng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam cận đại. Trước đó, thì tại Trúc Lâm với Sư bà Diên Trường còn có các Ni trưởng Diệu Hương, Giác Hải… cùng nhau y chỉ tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài. Về hàng cư sĩ tại gia thì người xuất sắc nhất là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, một cư sĩ trí thức ưu tú Phật giáo của thế kỷ XX. Về sau, ông cùng với Thiền sư Mật Khế là hai vị đệ tử đắc lực nhất của Ngài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.
Năm 1931, Ngài sùng tu Phật điện và Tăng xá Trúc Lâm để chuẩn bị cơ sở cho các chương trình Phật học và Phật sự tại Thuận Hóa. Có thể nói rằng những dữ kiện trong cuộc đời Ngài chúng ta thấy được một tầm nhìn chiến lược, sự chuẩn bị vẹn toàn cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo mà trong đó trước hết là đào tạo Tăng tài, thấy được từng đường đi nước bước đều có một sự tính toán chu đáo để mở ra một con đường xán lạn cho Phật giáo.
2. THÀNH LẬP HỘI AN NAM PHẬT HỌC - CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TẠI TRUNG KỲ
Vào thời điểm này, ở Trung Quốc, ngài Thái Hư Đại sư đang phát động công cuộc chấn hưng Phật giáo nên đã tác động mạnh đến Phật giáo Việt Nam và thôi thúc các bậc Tôn túc và trí thức Phật học phải làm sao vực dậy Phật giáo nước nhà đang bị ngủ quên. Tại Nam kỳ Hòa thượng Khánh Hòa là vị tiên phong trong công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng đã tác động sâu sắc đến Trung kỳ. Việc thành lập Hội An Nam Phật học như là một điều kiện tất yếu để
phát huy công cuộc chấn hưng đó và ảnh hưởng sâu rộng trong cả ba miền đất nước. Để phát triển chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Giác Tiên đã đứng ra khởi xướng cùng với Chư Tôn túc là Quốc sư Phước Huệ, Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Tịnh Hạnh, Hòa thượng Tịnh Khiết sáng lập Hội An Nam Phật học. Ngài đã cử vị đệ tử tại gia xuất sắc của mình là Tâm Minh Lê Đình Thám đứng ra vận động các nhân sĩ hào kiệt đương thời như Nguyễn Đình Hoè, Nguyễn Khoa Tân, Trương Xướng,… và chính cư sĩ Tâm Minh đã biên khảo điều lệ thành lập Hội An Nam Phật học bằng tiếng Pháp với tiêu đề của Hội là “Société d’étude et excercice de la Religion Bouddhique de l’Annam” (viết tắt là SEERBA).
Năm 1932, dưới sự hỗ trợ của Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ Cung), và sự xuất sắc của cư sĩ Tâm Minh, Hội An Nam Phật học được ra đời đặt trụ sở ban đầu tại Trúc Lâm và xuất bản tờ báo Nguyệt san Viên Âm làm cơ quan ngôn luận truyền bá chánh pháp của Hội.
Việc thành lập An Nam Phật học Hội đã mở ra một mốc son chói lọi trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Từ đây thì phong trào chấn hưng được nở rộ ở Trung kỳ và lan rộng ra cả ba miền đất nước. Lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam hoạt động có quy củ tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Hội đã tích cực trong việc chỉnh lý Tăng giới với việc thành lập Hội đồng Giám luật ở cấp Trung ương cũng như địa phương để giám sát Giới hạnh của Tăng ni. Quy định nghi lễ Phật giáo. Mở thêm các chi nhánh và trường lớp ở các tỉnh với những quy chế rõ ràng. Thành lập các tổ chức Thanh thiếu niên Phật tử. Có thể nói Hội An Nam Phật học đã đạt những thành tựu rõ ràng và là một “dạng nguyên thuỷ”2 hình mẫu cho sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này.
- SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHẬT HỌC CỦA HÒA THƯỢNG GIÁC TIÊN
Một trong những sự nghiệp cao cả lớn lao của Hòa thượng Giác Tiên đó là đối với nền giáo dục Phật học tại Phú Xuân (Huế). Giáo

![]()
2. Chữ dùng của TS. Nguyên Quốc Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
dục Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung chủ yếu dừng lại ở các ngôi tự viện. Thời này, các bậc Tổ sư tinh thông kinh điển thường mở các lớp Phật pháp tại chùa và hướng dẫn cho môn đồ, những ai muốn tham vấn Phật pháp thì phải vân du cầu đạo, tham học. Như tại Phú Xuân (Huế), Hòa thượng Huệ Pháp mở đạo tràng giảng kinh tại chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Tâm Tịnh mở đạo tràng tại chùa Tây Thiên với số lượng học Tăng còn hạn chế, trường lớp quy mô chưa được mở vào giai đoạn này.
Vì vậy, Ngài đã có tham vọng muốn đổi mới, phát triển nền giáo dục Phật học. Ngài hiểu được rằng, muốn chấn hưng Phật giáo thì phải có nội hàm vững mạnh. Nội hàm đó không gì khác là hàng ngũ Tăng già tài đức vẹn toàn. Ngài đã tích cực vận động cung thỉnh các bậc Cao tăng thạc đức chứng minh, đứng lớp giảng dạy, tổ chức trường lớp đào tạo Tăng tài làm rường cột cho Phật giáo sau này. Cụ thể, năm 1931, Sơn môn học đường Trúc Lâm được Ngài mở tại Trúc Lâm, Ngài đích thân vào tận Tổ đình Thập Tháp - Bình Định để cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ ra Trúc Lâm chủ giảng. Đây là lớp Phật học đầu tiên tại miền Trung được tổ chức một cách quy củ từ các bậc Cao Tăng làm giảng sư, học Tăng các nơi tụ về tham học.
Năm 1933, Ngài ủy thác Giảng sư Mật Khế là vị đệ tử xuất sắc của Ngài mở trường An Nam Phật học sơ cấp tại chùa Vạn Phước (Huế). Từ đây, các lớp Phật học được mở liên tục tại Vạn Phước, Từ Quang, Báo Quốc, Tuý Vân,… Năm 1936, trường này được dời về chùa Túy Ba gần bờ biển và cuối năm ấy lại được dời về chùa Báo Quốc. Thiền sư Trí Độ bắt đầu đảm nhiệm trách vụ đốc giáo của trường này từ năm 1935. Tới năm 1938, học Tăng của trường còn đúng bốn mươi lăm vị. Trong số học Tăng của trường này, có nhiều vị từ các tỉnh Trung kỳ tới.
Chương trình đào tạo được hoạch định rõ ràng theo từng cấp học từ tiểu học đến đại học và nghiên cứu chuyên sâu. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận, chương trình Phật học đầu tiên của trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm được hoạch định làm hai cấp tiểu học và đại học, như sau:
Tiểu học (năm năm):
Năm thứ nhất: Quốc văn và hai buổi công phu.
Năm thứ hai: Sự tích Phật Thích Ca; Bốn phép Toán; Phật học giáo khoa toàn thư.
Năm thứ ba: Luật Sa di (trường hàng); Vô lượng Thọ Kinh; Địa tạng Kinh; Thủy sám pháp.
Năm thứ tư: Sa di luật giải (trường hàng); Vô lượng Thọ Kinh; Địa tạng Kinh; Thủy sám pháp.
Năm thứ năm: Di đà sớ sao; Pháp bảo đàn Kinh
Tốt nghiệp tiểu học thì học Tăng được thụ Sa di giới.
Đại học (năm năm):
Năm thứ nhất: Kim cương trực sớ; Tâm Kinh chú giải; Duy thức phương tiện đàm; Bát thức quy củ tụng; Trang sớ.
Nămthứhai: Lăngnghiêm Kinh; Viên giác Kinh; Nhân minh Luận. Năm thứ ba: Lăng già Kinh; Khởi tín Luận; Đại thừa chỉ quán. Nămthứtư: Thành duy thức Luận; Pháp hoa Kinh; Phạmvõng Kinh. Năm thứ năm: Đại bát Niết bàn; Tứ phần Luật.
Tốt nghiệp đại học thì học Tăng được thụ Tỳ khưu giới.
Sau khi tốt nghiệp có thể ở lại trường ghi tên vào lớp tham cứu (năm năm):
Năm thứ nhất: Lăng nghiêm trực chỉ; Viên giác lược sớ; Duy ma sớ; Tam Luận (Trung Luận, Bách Luận và Thập nhị môn Luận).
Năm thứ hai: Lăng già tâm ấn sớ; Giải thâm mật Kinh; Du già sư địa Luận.
Năm thứ ba: Pháp hoa Kinh huyền nghĩa; Pháp hoa văn cú; Ma ha chỉ quán.
Năm thứ tư: Hoa nghiêm Luận; Hoa nghiêm sớ sao.
Năm thứ năm: Đại trí độ Luận; Tông cảnh lục; Chỉ nguyệt lục; Hải Triều âm văn khố.
Chương trình nói trên được hoạch định vào năm 1934. Chương trình này có khuyết điểm là dài quá, nhất là hai năm đầu tiểu học không cần thiết. Kiến thức của hai năm này thực ra có thể được các chùa địa phương cung cấp trước khi học Tăng gửi về Phật học đường, và như vậy gánh nặng tài chính của trường sẽ được giảm bớt một phần. Chương trình lại còn những điểm không hợp lý, ví dụ năm thứ nhất cao đẳng: đã gồm có Lăng nghiêm trực chỉ, Viên giác lược sớ, Duy ma sớ mà còn thêm ba bộ luận lớn của không tôn (Tam Luận). Không ai có thể dạy và học tất cả những tác phẩm đó trong một năm. Đến năm 1944, một chương trình mới được hoạch định thiết thực hơn với tình hình đào tạo Phật học.
Năm Ất Hợi (1935), Ngài lựa chọn ra học Tăng ưu tú để khai giảng một lớp Đại học tại Trúc Lâm do Ngài làm Giám đốc và một lớp Trung học tại Tường Vân do Hòa thượng Tịnh Khiết trông nom. Quốc sư Phước Huệ được cung thỉnh làm đốc giáo cả hai lớp này. Trong nền giáo dục Phật giáo Việt Nam thời cận đại, đây là lớp Đại học Phật giáo đầu tiên được mở ra và đào tạo tại Trúc Lâm. Có thể nói rằng đây là một thành tựu vượt bậc, đánh dấu sự nghiệp giáo dục Phật giáo nước nhà. Đến năm 1936, lớp Đại học này được dời về chùa Tây Thiên, từ đây chùa Trúc Lâm kết thúc sứ mệnh của mình đối với giáo dục Phật học tại Huế.
Từ những ngôi Phật học đường này, đã đào tạo ra những bậc Tùng lâm Thạch trụ của Phật giáo Việt Nam sau này như: HT. Quảng Huệ, HT. Đôn Hậu, HT. Chánh Thống, HT. Trí Thủ, HT. Mật Hiển, HT. Mật Nguyện, HT. Mật Thể, HT. Hoằng Thơ, HT. Trọng Ân, HT. Trí Tịnh, HT. Trí Quang, HT. Thiện Siêu, HT. Thiện Minh, HT. Thiện Hoà, HT. Thiện Hoa, HT. Huyền Quang,… Giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ phục hưng đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng gớp lớn lao cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam sau này. Công lao đó là của các bậc tiền nhân như: Quốc sư Phước Huệ, HT. Tâm Tịnh, HT. Huệ Pháp, HT. Giác Nhiên, HT. Tịnh Hạnh, HT. Tịnh Khiết, Pháp sư Trí Độ, HT. Giác Tiên,… là những người đã dày công gây dựng, đặt nền móng ban đầu vững chắc.
Về Ni giới, năm 1932 Hòa thượng Giác Tiên khuyến khích và hỗ trợ Sư bà Diệu Hương trường Ni học được khai giảng lần đầu tại chùa Từ Đàm năm 1932 do Ni sư Diệu Hương giám đốc. Cuối năm ấy chùa Diệu Đức ở xã Thủy Xuân được tạo lập. Ni học đường được dời về chùa Diệu Đức và chùa Từ Đàm trở thành hội quan của Hội An Nam Phật học. Ngoài Ni sư giám đốc, còn có một sốhọc Tăng đại học của trường Sơn Môn Phật học tới giảng dạy, như Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển và Mật Nguyện.
Về hàng cư sĩ Phật tử, dưới sự tinh thông và hoạt bác của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, các lớp Phật học Đồng ấu được thành lập, kế đến là Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, chính là tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam sau này, đã tạo ra một đội ngũ trí thức Phật giáo trẻ với tinh thần nhiệt huyết hăng say vì Đạo.
Hòa thượng Giác Tiên với cương vị Chứng minh Đại đạo sư của Hội An Nam Phật học, hoạt động ngày càng lớn mạnh, phần nhiều cũng do nguyện lực của Ngài vậy. Đến mùa Đông năm Bính Tý (1936) Ngài quảy dép về Tây, để lại cho Phật giáo Việt Nam những di sản quý giá, trên cơ sở đó để gây dựng một Phật giáo Việt Nam vững mạnh. Những đệ tử xuất sắc của Ngài là quý Hòa thượng Mật Hiển, Hòa thượng Mật Nguyện, Hòa thượng Mật Thể, Cư sĩ Tâm Minh, Ni trưởng Diệu Không,… đã tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa muôn vạn dặm đó.
Nền giáo dục Phật học cho đến thời điểm này đã phát triển khá đầy đủ trên mọi lĩnh vực. Với những thành tựu bước đầu đạt được của quá trình phục hưng Phật giáo, đã đặt một nền móng vững chắc cho lâu đài Giáo hội sau này. Sự nghiệp giáo dục những thập niên 30 đã để lại một di sản quý giá, chúng ta biết được rằng từ những lớp đại học tại đây đã sản sinh ra những bậc Cao tăng đủ sức gồng gánh ngôi nhà giáo hội trong những thời kỳ gian truân, pháp nạn. Cho đến tận hôm nay, con đường giáo dục ấy vẫn được thế hệ nối tiếp và phát triển nâng lên một tầm cao mới, phù hợp với thời đại, khắp trong 3 miền đất nước các ngôi trường Trung cấp Phật học được mở ra đáp ứng nhu cầu đào tạo Tăng tài tại mỗi trú xứ, đặc biệt là sự thành tựu của 3 ngôi Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại Thành phố Huế và tại Thành phố Hà Nội, đào tạo hệ Đại học Cử nhân Phật học và bước đầu đào tạo hệ Thạc sĩ Phật học đã có những kết quả khả quan, đây là một thành tựu vượt bậc đủ để chứng minh hệ thống giáo dục Phật học trong nước sánh với các trường Phật học trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở nền tảng vững chắc đó để tiến tới đào tạo hệ Tiến sĩ Phật học trong nước, góp phần thành công cho công cuộc đổi mới phát triển giáo dục của đất nước nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Hơn hết đó là sự tiếp nối của quá khứ cho đến hiện tại và mai sau.
***
Tài liệu tham khảo
Thích Hải Ấn, Thích Trung Hậu (2011), Chư Tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, 2, 3, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
Thích Đổng Bổn, Danh Tăng Việt Nam.
Nguyễn Lang (2005), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Thích Giới Hương (1993), Văn bia chùa Huế, Nxb. Thuận Hóa. Nguyễn Quốc Tuấn, “Từ An Nam Phật học Hội đến Giáo hội
Phật giáo Việt Nam”. Nguồn https://giacngo.vn /lichsu/phat- giaovietnam
Thích Thành Trí (2019), Lịch sử chùa Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
Bi ký tại vườn tháp Tổ sư Giác Tiên, chùa Trúc Lâm, Huế.