GIÁO DỤC PHẬT GIÁO NHÌN TỪ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CỦA MÔ HÌNH CÂULẠC BỘ
ThS. Vũ Ngọc Định
ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ thời thượng cổ, ngay khi mới hình thành đời sống cộng đồng do bản năng sinh tồn loài người đã biết truyền dạy, học hỏi lẫn nhau về cách sống, cách lao động sản xuất, cách chinh phục và tồn tại trong môi trường tự nhiên. Truyền dạy và tự học để thích nghi, để phù hợp, để sinh tồn và phát triển, đó chính là mầm mống sơ khai của giáo dục.
Vậy, giáo dục là gì?
Giáo dục theo nghĩa chữ Hán có thể hiểu: giáo là giáo hóa, là dạy tri thức, là dẫn dắt về mặt tinh thần, đạo đức con người; dục nghĩa là nuôi dưỡng. Giáo dục bao hàm ba mặt nghĩa song song là: tri thức, đạo đức và thể chất. Như vậy, giáo dục là nhằm phát triển, bồi dưỡng con người trên ba phương diện gồm: trí tuệ, tinh thần và thể chất.
Về giáo dục Phật giáo, tác giả Trần Thị Hoài Thương cho rằng: Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo

![]()
*. Khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức.
lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về mặt trí thức và tâm thức, để trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và có đạo đức, trở thành những người tốt, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác, trở thành những con người có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội1.
Như vậy, tựu chung giáo dục là phương tiện nhằm đào tạo con người phát triển một cách toàn diện về tri thức, đạo đức và thể chất.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
- Lược sử giáo dục Phật giáo
Đức Thích Ca Mâu Ni từ khi thành đạo cho đến khi tịch diệt, ròng rã 45 năm không mệt mỏi đi khắp miền nam Ấn Độ truyền giảng tư tưởng của Ngài. Đối tượng mà Ngài giảng dạy từ vương hầu, tể tướng, Bà la môn, cư sĩ, thương nhân cho đến các hạng người đều được hóa độ không phân biệt riêng ai. Trong thời gian này, Ngài đã hóa độ và tiếp nhận trên 1.250 vị đệ tử xuất gia vào trong Giáo đoàn của Phật, đó là những học trò đầu tiên được Phật truyền dạy. Nếu lấy buổi thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế tôn tại vườn Lộc Uyển để hóa độ cho 5 anh em ông Kiều Trần Như làm cái mốc tính thì nền giáo dục của Đức Phật, của Phật giáo đến nay đã có 2.563 năm truyền thống.
Phật giáo từ Ấn Độ, truyền sang phương Bắc, trước tiên truyền vào Tây Tạng vào khoảng giữa thế kỷ III, rồi từ đó truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, trước khi truyền sang từ Trung Hoa, thuở ban sơ có nhiều vị sư Ấn Độ theo lái buôn, họ đi đường biển sang truyền đạo trực tiếp ở Việt Nam từ những năm đầu công nguyên. Đạo pháp của Phật được truyền bá một cách có hệ thống ra bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ từ đây.

-
-
- . Trần Thị Hoài Thương (2016), Giáo dục Phật giáo và ý nghĩa của nó đối với giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay (Luận văn Thạc sĩ Triết học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Giáo dục Phật giáo tại Việt Nam
Ở Việt Nam, ngay từ khi đất nước giành được quyền tự chủ, giai đoạn thời Lý - Trần, Phật giáo với địa vị là Quốc giáo, là hệ tư tưởng chủ đạo phục vụ cho mục đích đoàn kết dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước. Tăng đoàn được tổ chức dưới sự bảo hộ của chính quyền phong kiến, các ngôi chùa, tự viện được nhà vua cho phép xây dựng; được hoàng hậu, các vị trọng thần đương triều đứng ra hưng công xây dựng; tại địa phương, Tăng ni được phép phát triển tự viện. Các ngôi chùa trở thành giáo đường, trường học để truyền bá Phật pháp ra dân gian. Cũng trong giai đoạn này, các nhà sư đã tham gia vào các sự kiện chính trị trọng đại của quốc gia, tham gia vào công cuộc bảo vệ nền độc lập tự chủ cũng như xây dựng đất nước của dân tộc. Nhân dân ta từ đây ngoài các tri thức về vật chất, văn hóa vốn có đã được trang bị tri thức về mặt tinh thần, tư tưởng, trong đó tư tưởng từ bi, bác ái, vị tha của Phật giáo đã thấm nhuần và trở thành chân giá trị sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Khi ấy giáo dục Phật giáo có thể chưa trở thành khái niệm, nhưng sự truyền bá chân lí đã là duyên khởi cho sự nghiệp giáo dục của Phật giáo trên đất nước Việt Nam.
Trải qua các triều đại Lê, Nguyễn dù có lúc mất đi vai trò cũng như hệ tư tưởng chủ đạo trong chính quyền hành chính nhưng Phật giáo vẫn âm thầm phát triển mạnh mẽ ở các làng quê làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần cho người dân Đại Việt bên cạnh Nho giáo và Đạo giáo. Quan trọng hơn hết là mỗi khi đất nước gặp nguy nan, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, Phật giáo lại đi tiên phong trong việc xây dựng hệ tư tưởng và là sợi dây tinh thần để đoàn kết nhân dân vượt qua những gian khó của thời cuộc.
Những năm đầu thế kỷ XX, hệ thống giáo dục Phật giáo ở nước ta bao gồm các lớp học, nhóm học của các tổ đình, sơn môn, pháp phái lập ra. Các lớp, nhóm học được tổ chức cho các vị tu sĩ trẻ ở những ngôi chùa gần nhau trên cùng một địa phương tham gia học tập, các lớp này chủ yếu dạy về kinh sách, khoa cúng, chữ Hán,…
Đối tượng mới chỉ chú trọng vào các vị tu sĩ trẻ tuổi, chưa có sự hoằng pháp ra bên ngoài và cũng chưa thu hút được nhiều các đối tượng khác tham gia. Trong thời gian này, hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam được phát triển và duy trì dưới hình thức “đạo tràng” được đặt ở các ngôi chùa lớn do các Hòa thượng đàn đầu dẫn dắt và thuyết giảng, hoặc là các Hạ trường mỗi khi vào kỳ an cư kiết hạ, hoặc các lớp học trước các giới đàn cho các giới tử. Trong giai đoạn này phương thức giáo dục theo hình thức “đạo tràng” là phương thức giáo dục cơ bản, thịnh hành, phù hợp với điều kiện của thực tại, tiêu biểu như:
Tại miền Nam: Thiền sư Thích Từ Phong giảng dạy tại chùa Giác Hải; Thiền sư Khánh Hòa giảng dạy tại chùa Tiên Linh; Thiền sư Chí Thành giảng dạy tại chùa Phi Lai, chùa Giác Hoa; Thiền sư Huệ Quang giảng dạy tại chùa Long Hòa; Thiền sư Khánh Anh giảng dạy tại chùa Long An.
Tại miền Trung: Thiền sư Tuệ Pháp giảng dạy tại chùa Thiên Hưng; Thiền sư Thanh Thái giảng dạy tại chùa Từ Hiếu; Thiền sư Đắc Ân giảng dạy tại chùa Quốc Ân; Thiền sư Tâm Tịnh giảng dạy chùa Tây Thiên; Thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp; Thiền sư Diệu Giác giảng dạy tại chùa Đại Bi; thiền sư Thanh Định giảng dạy tại chùa Quảng Hóa.
Tại miền Bắc: Thiền sư Thanh Hanh giảng dạy tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bà Đá; Thiền sư Thanh Nhu giảng dạy tại chùa Cổ Loan; Thiền sư Thông Quang giảng dạy tại chùa Yên Vệ.
Từ năm 1927, những vận động đầu tiên nhằm chấn hưng Phật giáo được các Tăng sĩ và cư sĩ nêu lên. Phong trào chấn hưng được khởi xướng từ Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, thiền sư Phước Huệ tại miền Trung và thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Nhiệm vụ đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo là xây dựng hệ thống giáo dục Phật giáo mới để đào tạo các tu sĩ truyền giáo có phẩm hạnh và học thức. Kể từ đây hệ thống giáo dục Phật giáo đã mở sang một trang mới với sự tham gia của các hội Phật giáo như: Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học do thiền sư Từ Phong làm Hội trưởng; Hội An Nam Phật học do cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, Thiền sư Giác Tiên làm Chứng minh Đạo sư, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm; Hội Phật giáo Bắc Kỳ do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, Thiền sư Thích Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ; sau đó là các tổ chức Phật giáo như: Hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Việt Nam, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất… Các ấn phẩm Phật giáo như: Tạp chí Từ Bi Âm (1932), Tạp chí Viên Âm (1933), Tạp chí Đuốc Tuệ (1935), Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng chuông sớm, Duy tâm, Tiến hóa lần lượt ra đời. Một nhà xuất bản là Phật học Tùng thư do ông Đoàn Trung Còn thành lập năm 1932. Giai đoạn này nhiều kinh sách đã được xuất bản như: Phật giáo sơ học, Phật giáo vấn đáp, Phật giáo Giáo khoa thư, và những kinh bản bằng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm,… là minh chứng cho sự phát triển về mặt quy mô, tổ chức và chất lượng của giáo dục Phật giáo so với giai đoạn trước.
Tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, kể từ đây nền giáo dục Phật giáo Việt Nam bắt đầu được tổ chức vào một hệ thống thống nhất, toàn diện, quy củ từ Trung ương đến địa phương. Từ chỗ chỉ có một trường Phật học quy củ đầu tiên là Đại học Vạn Hạnh (1964) thì đến nay hệ thống giáo dục Phật giáo đã được hoàn chỉnh ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đào tạo các bậc học từ sơ cấp Phật học đến thạc sĩ, tiến sĩ Phật học, với nhiều chuyên ngành đào tạo chuyên sâu khác nhau. Hiện nay số cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Giáo hội bao gồm 32 trường Trung cấp Cao đẳng, 4 Học viện phân bố theo khu vực là Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Riêng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là trường đào tạo chuyên biệt cho hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, 3 học viện còn lại đào tạo Tăng ni sinh của Phật giáo Bắc tông2.
Như vậy, giáo dục Phật giáo từ chỗ là các lớp, nhóm học nhỏ,

2 . Xem thêm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương, Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển (2012), Nxb. Tôn giáo.
tự phát do các chùa, tự viện thành lập phát triển lên thành các lớp, nhóm, hạ trường do các tổ chức, hội Phật giáo thành lập có quy mô vùng miền, khu vực. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập và đến nay hệ thống trường lớp, cơ sở giáo dục, cơ quan quản lí giáo dục Phật giáo đã dần được kiện toàn và đầy đủ đáp ứng yêu cầu học tập của Tăng ni và tín đồ Phật tử.
- Bản chất, mục tiêu của giáo dục Phật giáo
- Bản chất của nền giáo dục Phật giáo
Trong Từ điển Tiếng Việt, khái niệm “giáo dục” được định nghĩa như sau: 1. (động từ). Hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra. 2. (danh từ). Hệ thống các biện pháp và cơ quan giảng dạy giáo dục của một nước” 3.
Thực tiễn giáo dục Phật giáo Việt Nam là minh chứng cụ thể, sinh động về hoạt động giáo dục Phật giáo theo hai cấp độ. Hoạt động tổ chức giáo dục Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp hiện nay được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất, do Trung ương Giáo hội tổ chức, bao gồm các học viện, đại học, các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
Thứ hai, do Ban Trị sự cấp tỉnh, huyện, các tự viện, thiền viện tổ chức, bao gồm các hình thức giáo dục như: Câu lạc bộ, khóa tu, khóa tu một ngày an lạc, lớp bồi dưỡng kiến thức Phật pháp, thuyết giảng Phật pháp cho tăng chúng và tín đồ Phật tử được tổ chức ở các Thiền viện, Tự viện. Ngoài ra hình thức giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa như: Hội trại, Câu lạc bộ thiện nguyện, nhân đạo,… cũng được tổ chức thường xuyên và thu hút đông đảo tín đồ Phật tử hưởng ứng thông qua. Tất cả những hình thức giáo dục Phật pháp này đều nhằm giúp những người tu học có được phẩm hạnh đạo đức, trí tuệ tốt đẹp nhất.
3. Hoàng Phê (chủ biên) (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, tr.379.
Vậy bản chất của giáo dục Phật giáo là gì?.
Phật giáo ra đời là phục vụ con người. Vì vậy bản chất của giáo dục Phật giáo chính là giáo dục con người có được một nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp dung hòa trong các mối quan hệ xã hội và tự nhiên; giúp con người giải thoát, vượt qua những tham sân si trong tư tưởng và hành động; giúp con người nhận thức, tiếp nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống và đạt được cái tâm từ bi, bác ái; phá bỏ được cái vô minh, cái vị kỷ, chấp ngã mà đạt được cái vô ngã, cái chân như.
Cũng như mọi nền giáo dục khác, giáo dục Phật giáo nhằm hoàn thiện con người. Theo quan niệm của Phật giáo: Con người là một chúng sinh có khả năng thành Phật. Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Trong kinh Đại bát Niết bàn - kinh Trường Bộ I, lúc sắp nhập Niết bàn, Đức Phật dạy ngài Ananda: “Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”. Cho nên phương pháp giáo dục của Phật có chỗ khác với giáo dục của các tôn giáo và hệ tư tưởng khác, đó là con người phát huy tính tự lực, tự thân, nỗ lực hoàn thiện mình trên lộ trình giải thoát.
Bên cạnh đó giáo dục Phật giáo không đặt nặng việc dạy, “cầm tay chỉ việc” mà giáo dục Phật giáo chú trọng hướng đến là định hướng, kiến tâm, kiến tính. Giáo dục Phật giáo định hướng cho tự mỗi cá nhân phải tự mình nỗ lực học tập, tu tập để tự giác ngộ, tự giải thoát bản thân khỏi mọi phiền não của cuộc đời. Tự giác ngộ thân tâm là cốt yếu của giáo dục Phật giáo. Bởi vì bản thân mình có tự giác ngộ, tự đốn ngộ thì mới mong có được kết quả kiên cố, vững bền.
Phương pháp giáo dục của Phật giáo đối với các hàng đệ tử, nhất là hàng đệ tử xuất gia và tại gia là Tùy duyên tiếp hóa, là Khế lý, Khế cơ. Khi đó người học là đối tượng, là trung tâm của sự giáo dục, giáo hóa để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường Đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ- kheo, ta không nói rằng việc chứng đạt trí tuệ sâu thẳm đến ngay lập tức, mà nó đến bằng một sự tu tập tuần tự”4. Như vậy có thể thấy rằng, phương pháp giáo dục Phật giáo là một quá trình giáo dục lâu dài, tuần tự, trong đó bao hàm sự tự chuyển hóa, sự thanh lọc, vun đắp.
Tóm lại, bản chất của giáo dục Phật giáo chính là giáo dục con người có được một nhân phẩm, chất đạo đức tốt đẹp, giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp; giúp con người phá bỏ được các dục vọng, ham muốn của thân tâm mà đạt đến Chân - Thiện - Mỹ. Để đạt được kết quả ấy, giáo dục Phật giáo yêu cầu tự mỗi cá nhân con người phải tự mình nỗ lực, tự tinh tấn tu tập để đạt đến một đời sống an lạc tự tại, giải thoát khỏi mọi phiền não đau khổ trong cõi đời hiện tại, chứ không phải ở cõi khác, kiếp khác5.
-
- Mục tiêu của giáo dục Phật giáo
Mục tiêu của giáo dục Phật giáo ngoài việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các hàng đệ tử, tu sĩ truyền giáo có phẩm hạnh, đạo đức và trí tuệ, để họ có thể “duy tuệ thị nghiệp” thì mục tiêu trọng tâm hướng đến của giáo dục Phật giáo trong giai đoạn hiện nay là nhằm góp phần cùng với nền giáo dục quốc dân phát triển toàn diện con người có tri thức, đạo đức, văn hóa, thể chất và nghề nghiệp; có phẩm chất và ý thức công dân; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Như vậy, giáo dục Phật giáo vốn là nền giáo dục của một tông phái đã từng bước hòa vào nền giáo dục quốc dân, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển con người, là góp phần đào tạo, bồi dưỡng những công dân có ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ

![]()
- Dẫn theo Th Nguyên Hiệp, “Vài nét về giáo dục Phật giáo”, Nguyệt san Giác Ngộ - 169.
- Tức là đạt đến sự giác ngộ, giải thoát trong cõi thực tại chứ không phải kiếp sau, hay kiếp nào khác.
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khi bàn về mục tiêu của giáo dục Phật giáo, HT. Thích Thiện Siêu trong bài viết: Bàn về mục tiêu của giáo dục Phật giáo đã nhận định rằng: “Mục tiêu của giáo dục vẫn là mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc, theo Phật giáo, chính là sự giải thoát tối hậu”. TT. Thích Chơn Thiện nói về mục tiêu giáo dục Phật giáo “một đường hướng giáo dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu đó là đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Nếu thiếu đi một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh”6.
Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đưa mọi người đến chỗ giải thoát mọi khổ đau; thân và tâm không bị ràng buộc bởi các tà kiến, tà nghiệp, tà niệm; các phiền não, khổ đau; giúp con người có niềm tin vững chãi, không sợ hãi, không thiên lệch; tin vào những chân lý tốt đẹp trong cuộc đời. Và cao cả hơn hết, mục tiêu của giáo dục Phật giáo còn là tạo nên những con người hữu ích cho gia đình, cho xã hội; những con người có nhân cách, đạo đức, trí tuệ tốt để những con người đó có thể góp phần xây dựng một nếp sống tốt đời đẹp đạo.
- GIÁO DỤC PHẬT GIÁO - NHÌN TỪ MÔ HÌNH GIÁO DỤC CẤP CÂU LẠC BỘ CHO THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ
Song song với việc giáo dục đào tạo tại các trường, học viện chính quy, chuyên nghiệp do Trung ương Giáo hội tổ chức, hiện nay tại địa phương, mô hình giáo dục dưới hình thức các câu lạc bộ Phật pháp đã và đang góp phần không nhỏ trong việc đào tạo bồi dưỡng cho thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đến gần hơn với Phật pháp, giúp các bạn trẻ hiểu và thực hành theo chính pháp, theo giáo lý của Đức Phật. Các mô hình câu lạc bộ này đã và đang trở thành những địa chỉ được các bạn trẻ hâm mộ Phật pháp tìm đến sinh hoạt và tu học. Cũng chính từ đây những mầm Phật, tâm Phật được ươm trồng, bồi dưỡng cho những người không có điều kiện xuất gia tu hành.

![]()
- Dẫn theo Trần Thị Hoài Thương (2016), Giáo dục Phật giáo và ý nghĩa của nó đối với giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay (Luận văn Thạc sĩ Triết học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Mục tiêu, chủ trương
Hiện nay trào lưu Thanh thiếu niên có tuổi đời từ 12 - 25 tuổi tham gia sinh hoạt trong đạo Phật ngày càng đông. Để tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh, phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi trong việc học, tu tập đạo Phật theo đúng chính pháp. Đại đa số các chùa, tự viện đều thành lập mô hình câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử7(2).
Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử được thành lập với mục đích giúp cho các bạn trẻ có được một sân chơi lành mạnh, có cơ hội được tiếp cận, học tập và thực hành giáo lý của Đức Phật. Để từ đó các Phật tử trẻ có thể tịnh hóa thân tâm theo giáo lý của Đức Phật, vận dụng lời dạy của Đức Phật để tự chuyển hóa bản thân, tránh xa những cám dỗ, mê hoặc, xa rời cái ác, trở về gốc thiện, lấy nhân từ, vị tha để đối xử với mọi người, khiến cho mọi người từ đó có thể tin vào Phật pháp, tin vào nhân quả, góp phần xây dựng đạo pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mô hình câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử là nơi quy tụ những Phật tử trẻ, đây là mô hình giáo dục Phật pháp được thành lập trên cơ sở Hiến chương của Giáo hội. Với chủ trương truyền dạy giáo lý nhà Phật thông qua các hình thức phù hợp với xã hội trong giai đoạn hiện nay. Mô hình này không chỉ đáp ứng được nhu cầu “đến với Phật pháp” mà còn thực sự hữu ích trong giáo dục nhân cách sống cho thế hệ trẻ hiện nay. Với chủ trương cùng nhau đoàn kết, thương yêu, cùng nhau tu tập, tu thân, giữ gìn Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, làm lành lánh dữ, biết làm những việc đem lại lợi ích cho mình và cho cộng đồng và sống “tốt đời đẹp đạo”. Tổ chức câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử đã từng bước thu hút được đông đảo các thanh thiếu niên tham gia. Đây chính là đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng có ý nghĩa, có giá trị thực tiễn mà mô hình giáo dục này đã đóng góp cho xã hội.

![]()
-
- Bao gồm các loại hình: Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử, Câu lạc bộ Phật pháp, gia đình Phật tử, lớp giáo lý, khóa tu,…
Mục tiêu cơ bản của giáo dục Phật giáo cũng như nền giáo dục quốc dân là giúp con người phát triển trí tuệ, tuy nhiên cái riêng của giáo dục Phật giáo là ở chỗ giáo dục Phật giáo đào tạo nên những con người có thể đem giáo pháp của Đức Phật truyền trao lại cho những người khác, để cho có nhiều người được hưởng lợi ích từ việc thực hành theo giáo pháp ấy và tôn chỉ “phục vụ” là cốt lõi của giáo dục Phật giáo8.
Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử là mô hình lành mạnh, gồm các chương trình tu học, sinh hoạt, phụng sự Tam bảo, phụng sự nhân sinh. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, hướng dẫn các bạn trẻ trở thành người có trí tuệ, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, có đạo đức tốt đẹp, phụng đạo và giúp đời. Các bạn trẻ khi gia nhập vào các câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử sẽ có cơ hội được bồi dưỡng kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách đạo đức, từ đó sống hữu ích, phát huy các giá trị của bản thân đồng thời giúp Phật pháp được ứng dụng một cách triệt để và hiệu quả vào cuộc sống9.
2. Hoạtđộngcủamôhìnhcâulạcbộtronghệthốnggiáodục Phậtgiáo
Xuất phát từ tình yêu Phật pháp, từ tinh thần tự nguyện, được sự ủng hộ và tổ chức của các thầy trụ xứ câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử đã được thành lập và đi vào hoạt động với tôn chỉ “tốt đời - đẹp đạo”. Quan sát hoạt động của các câu lạc bộ chúng ta nhận thấy đây là mô hình giáo dục mà các thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Mô hình này đã và đang có rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, trong đó hoạt động mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, đạo lý để lại nhiều ấn tượng đậm nét, cụ thể như:
Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử hiện nay đa phần tập trung vào 4 nội dung giáo dục cơ bản là: tu tập, kiến giải (lí giải), hoạt động hướng ngoại và chấp tác Phật sự. Đây là những nội dung cơ bản dựa trên tinh thần giáo lý Phật pháp vừa vận dụng phương pháp

![]()
-
- Sự “phục vụ” này mang hai nghĩa, trước là phục vụ bản thân, sau là phục vụ cộng đồng, xã hội, nhân sinh.
- Xem thêm: Tài liệu bồi dưỡng phân ban thanh thiếu nhi Phật tử Trung ương.
tu học của Phật giáo vừa kết hợp với phương pháp giáo dục thế gian. Lấy thế gian để kiến giải giáo lý và lấy giáo lý để thực hành, áp dụng ngoài thực tiễn nhân sinh10.
Khóa tu, lớp giáo lý, Câu lạc bộ Phật pháp với nhiều chủ đề, nội dung phong phú với mục đích giảng dạy đạo lý nhà Phật, rèn luyện đạo đức. Qua các hoạt động này giúp các bạn trẻ được học tập, trao đổi giáo lý Phật giáo; học tập các nghi lễ nhà Phật, qua đó hướng các bạn trẻ đến lối sống tốt đẹp, lành mạnh; có định hướng, suy nghĩa và lý tưởng sống đúng đắn.
Bên cạnh đó các thầy trụ xứ cùng với Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn tổ chức cho các thành viên tham gia nhiều hoạt động thiết thực, mang đậm nét nhân văn như: Thiện nguyện, tình nguyện, từ thiện nhân đạo, tri ân. Qua những hoạt động thực tiễn mang tính tập thể này giúp các bạn trẻ hiểu và thực hành về sự quan trọng của việc xây dựng tình đoàn kết huynh đệ bằng tinh thần hòa ái, khiêm cung, tôn trọng lẫn nhau, hướng đến cái chung mà loại bỏ cái vị kỷ cá nhân. Và quan trọng hơn cả các bạn trẻ được thực hành, suy ngẫm những điều đã được học trong giáo lý của Đức Phật. Từ đó mà tự nhận ra điều tốt đẹp, cao cả của chính pháp.
Từ những hoạt động giáo dục hiệu quả của mô hình Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử, có thể thấy rằng đây chính là vườn ươm để hạt giống từ bi, trí tuệ đơm hoa kết trái trong cuộc sống.
- Thực trạng và đề xuất
Hiện nay điều đáng mừng là thanh thiếu niên có trình độ tri thức, hiểu biết về khoa học, kỹ thuật cao; có sự tự tin về bản thân và sự hướng ngoại đa dạng. Tuy nhiên xuất phát từ sự hướng ngoại đa dạng, sự nhận thức chưa được thấu đáo cộng với sự tác động của các trào lưu xã hội và nền văn hóa ngoại lai dẫn đến những nhận thức, hành vi đi lệch khỏi phạm trù đạo đức, văn hóa xã hội truyền thống Việt Nam. Điều đó đem đến hệ quả nhận thức giá trị đạo đức của

![]()
-
- Xem thêm Vũ Ngọc Định, Giáo dục đạo đức Phật giáo cho Thanh thiếu niên trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Nxb. Tôn giáo (Hội thảo Học thuật quốc tế Vesak 2019).
một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay đang bị lung lạc bởi tính vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, coi trọng vật chất, chạy theo lối sống hưởng thụ, kích thích trước các hành vi bạo lực mà bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức là nền tảng cơ bản của con người, của xã hội11.
-
- Thực trạng
Sự ra đời của mô hình giáo dục câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm sâu sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, của thầy trụ xứ các chùa, tự viện đối với công tác hoằng dương Phật pháp, giáo hóa và giáo dục quần sinh, trong đó lấy thế hệ trẻ Việt Nam làm đối tượng trung tâm của sự giáo dục. Trong quá trình hoạt động của mình các hình thức câu lạc bộ đã thể hiện được vai trò là trung tâm thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia sinh hoạt, hoạt động và thực hành theo giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, hoạt động thực tiễn của mô hình câu lạc bộ này cũng đang còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể:
Mặc dù trong những năm qua Ban hoằng pháp cũng như Ban hướng dẫn Thanh thiếu niên Phật tử của các cấp Giáo hội đã có nhiều hướng dẫn, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ nhưng nhìn chung công việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn Thanh thiếu niên Phật tử vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa theo kịp sự thay đổi của tư duy, sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự thay đổi về quan điểm, tâm sinh lý lứa tuổi. Sự hạn chế, bất cập được thể hiện ở các mặt sau:
Chương trình học tập, bồi dưỡng và sinh hoạt của các câu lạc bộ chưa có được sự thống nhất và thẩm định về mặt chất lượng chuyên môn. Chương trình hoạt động thường mang tính tự phát, thời điểm, chưa phân loại được trình độ, đối tượng lứa tuổi dẫn đến các hoạt động mang tính đại trà, số lượng. Mặt khác hoạt động giáo

![]()
-
- Xem thêm Vũ Ngọc Định, “Truyền thống nhập thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội đương đại”, in trong Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, tr. 270-282.
dục hướng dẫn, đặc biệt là về mặt giáo lý, Phật pháp nhiều khi mang tính số lượng mà chưa phù hợp với trình độ, lứa tuổi của người tham gia sinh hoạt.
Nội dung sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ cũng chưa thật sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, chưa đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của thanh thiếu niên. Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày đều nặng về mặt lý luận, giảng giải mà thiếu ứng dụng, áp dụng thực tiễn.
Một số Giảng sư tại các câu lạc bộ, khóa tu chưa vững về nghiệp vụ sư phạm, chưa nắm được khả năng nhận thức của đối tượng giáo dục cho nên cách truyền đạt và khối lượng kiến thức chưa phù hợp, có khi quá cao với khả năng nhận thức của người nghe. Phương pháp giảng dạy còn thiếu linh hoạt, chú trọng ở việc nói và nghe dẫn đến không phát huy được tinh hoa, tinh thần khế lý khế cơ của giáo pháp.
Hiệu quả trong công tác giáo dục mô hình câu lạc bộ phụ thuộc nhiều vào mức độ quan tâm của thầy trụ xứ. Hiện nay tại các chùa, tự viện đều dành phần lớn sự quan tâm đến bộ phận người cao tuổi, còn lớp trẻ mặc dù cũng đã có nhiều hoạt động như: trại hè, khóa tu, lớp giáo lý… nhưng những hoạt động này chưa được thường xuyên và rộng khắp trong thế hệ trẻ.
Một thực tế nữa là số lượng thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt ở các hoạt động và câu lạc bộ Phật pháp chưa nhiều. Thực tế này phát xuất từ nhiều yếu tố khách quan, nhưng có 2 yếu tố cơ bản là: Thứ nhất, do các bậc phụ huynh chỉ chú trọng con mình vào việc học hành, chưa nhận thức đúng đắn về việc dẫn dắt và cho phép con cái đến với đạo pháp. Thứ hai, do áp lực học hành, thi cử trong xã hội hiện nay và cũng do các phương tiện, hình thức giải trí hiện nay quá đa dạng khiến cho các bạn trẻ sau mỗi giờ học tập là tham gia vào các hoạt động giải trí khác nhau. Bên cạnh đó, các bạn trẻ tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ đa phần đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên nên việc bố trí thời gian tham gia sinh hoạt đều đặn và đông đủ là rất khó khăn.
Thanh thiếu niên là lớp người có tâm lý “đám đông”, ham vui, ham hoạt động hướng ngoại dẫn đến tình trạng khi có các hoạt động vui chơi thì có nhiều bạn tham gia nhưng khi diễn ra các hoạt động Phật sự thì lại rất ít bạn tham gia. Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt, hoạt động của một số câu lạc bộ mang nặng nghi lễ, chấp tác không phong phú nên không hấp dẫn và lôi cuốn được thanh thiếu niên Phật tử tham gia.
Ở một số chùa, thầy trụ trì chưa có sự quan tâm đúng mức, sát sao đến hoạt động của câu lạc bộ, giao phó câu lạc bộ cho Ban chủ nhiệm dẫn đến tình trạng các buổi sinh hoạt, học tập giáo lý, Phật pháp chưa nghiêm, chưa hiệu quả.
Trên đây là những mặt hạn chế cơ bản tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và hiệu quả giáo dục của mô hình Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử hiện nay. Để mô hình giáo dục này đạt được hiệu quả tối ưu, nhất thiết phải khắc phục được những mặt hạn chế này.
-
- Giải pháp và đề xuất thực hiện
Trong giai đoạn hiện nay để hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử tiếp tục phát huy được hiệu quả giáo dục hơn nữa, tiếp tục thu hút được sự tham gia đông đảo các bạn trẻ và đạt hiệu quả giáo dục toàn diện hơn nữa cần thiết phải có sự cải thiện, đổi mới trong đường hướng hoạt động.
Thứ nhất, đối với các Phật tử trẻ họ tham gia các câu lạc bộ Phật pháp vì niềm yêu thích, và bên cạnh đó có những đối tượng tham gia là xuất phát từ sự “rủ rê” của bạn bè, nhưng khi không còn thích nữa thì họ sẽ bỏ và không tham gia nữa. Vì vậy thay vì giúp các bạn trẻ yêu thích Phật pháp hãy giúp các bạn ấy tín tâm với Phật pháp. Đây mới là cái gốc của đạo pháp, mới là tương lai của Phật pháp. Để thực hiện được việc này, các chùa, tự viện cần có người chuyên trách được đào tạo bài bản tại các trường chuyên nghiệp của Phật giáo.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục Phật giáo cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành để bồi dưỡng, đào tạo những giảng sư, người chuyên trách mô hình hoạt động này. Đồng thời các cấp Giáo hội nhất thiết phải xây dựng, soạn thảo được chương trình đào tạo, hướng dẫn thống nhất cho mô hình hoạt động này. Tránh hoạt động tự phát, duy ý chí ở các câu lạc bộ.
Thứ ba, nâng cao vai trò của thầy trụ trì, đặc biệt là về trình độ Phật học, trình độ thuyết giảng Phật pháp, phương pháp hướng dẫn tu học. Cá biệt hiện nay có những thầy trụ trì cùng lúc kiêm nhiệm vài ngôi chùa, tự viện. Dẫn đến các câu lạc bộ ở các chùa thầy kiêm nhiệm trụ trì hoạt động không có hiệu quả. Đối với trường hợp này thầy trụ trì phải tập hợp được, đào tạo được những người nòng cốt phụ giúp quản lý và hướng dẫn trực tiếp cho hoạt động giáo dục của các câu lạc bộ.
Thứ tư, các chùa, tự viện cần thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, giới thiệu để những người chưa biết, chưa hiểu về đạo được tiếp cận, lắng nghe và tham vấn từ đó khơi dậy tình yêu và ham muốn của họ đối với đạo pháp.
Thứ năm, đa dạng hóa hoạt động của các câu lạc bộ, gắn giáo lý, tư tưởng Phật giáo vào các sinh hoạt, hoạt động thực tiễn của đời sống. Gắn hoạt động giáo dục với trải nghiệm thực tế, bảo đảm sự tươi mới, không nhàm chán lặp lại và thụ động. Cần tiếp tục tập trung hơn nữa vào giới trẻ thay vì các Phật tử trung niên và người cao tuổi, để đào tạo nên tầng lớp kế cận đủ trí lực để hộ pháp Phật pháp trong tương lai.
Thứ sáu, thu hút, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ tịnh tài tịnh vật cho hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm của các câu lạc bộ. Đảm bảo được nguồn tài chính là đảm bảo được sự ổn định, đảm bảo cho các hoạt động mang tính cộng đồng, mang tính nhân sinh được thường xuyên diễn ra.
- THAY LỜI KẾT
Thiết nghĩ rằng, trong những năm qua mô hình giáo dục câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử đã từng bước khắc phục những khó khăn, cải thiện chất lượng hoạt động giáo dục, hoạt động tuyên truyền góp phần hoằng dương những giá trị nhân văn cao cả và tốt đẹp mà Đức Phật đã truyền lại để giáo dục hướng thiện cho thế hệ thanh thiếu niên. Đây thực sự là một công việc “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”. Mặc dù đây là công việc vô cùng khó khăn và không có hồi kết, nhưng chúng ta tin rằng bằng những nỗ lực của các cấp Giáo hội công tác giáo dục đạo đức, giáo dục hướng thiện cho thế hệ thanh thiếu niên sẽ đạt được những thành tựu viên mãn.
***
Tài liệu tham khảo
Hoàng Phê (chủ biên) (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội.
Vũ Ngọc Định, Nâng cao hiệu quả giáo dục hướng thiện cho thanh thiếu niên trong CLB Thanh thiếu niên Phật tử, Hội thảo “Kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Nxb. Thanh Hóa, 2009.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Dự thảo Quy chế Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Quy chế đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng và Đại học; Chương trình Trung cấp Phật học; Chương trình Cao đẳng Phật học; Chương trình Cử nhân Phật học; Chương trình Thạc sĩ Phật học, Hà Nội, tháng 5/2012.
Giáohội Phậtgiáo Việt Nam, Ban Giáodục Tăng ni Trung ương,Giáo dục Phật giáo Việt Nam - Định hướng và phát triển (2012), Nxb. Tôn giáo.
Nội quy phân ban gia đình Phật tử (Ban hành theo Quyết định số 257/2013/QĐ.HĐTS ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Thông tư số 170/TT/BHDPT ngày 17/10/2013 của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc Thành lập Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử cấp huyện và Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử cơ sở.
Nguyễn Công Lý, “Nghĩ về giáo dục Phật giáo ở Việt Nam”, Tạp chí
Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (149), 2015 (tr.46-64).
Trần Thị Hoài Thương (2016), Giáo dục Phật giáo và ý nghĩa của nó đối với giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Triết học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vũ Ngọc Định, “Truyền thống nhập thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội đương đại”, in trong Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.10. Vũ Ngọc Định, Giáo dục đạo đức Phật giáo cho Thanh thiếu niên trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Nxb. Tôn giáo (Hội thảo Học thuật quốc tế Vesak 2019).