32 - NNC. Phan Đăng - VỀ BẢN KINH THUỶ SÁM CHÉP TAY CỦA NGÀI LỆ HƯƠNGVỪA ĐƯỢC TÌM THẤY TẠI QUẢNG BÌNH
Thứ hai - 16/12/2019 04:07
VỀ BẢN KINH THUỶ SÁM CHÉP TAY CỦA NGÀI LỆ HƯƠNG VỪA ĐƯỢC TÌM THẤY TẠI QUẢNG BÌNH
NNC. Phan Đăng*
Trong đợt khảo sát tư liệu, mộc bản Phật giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gần đây, đoàn khảo sát của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế đã tìm thấy rất nhiều tư liệu quý hiếm còn lại trên đất Quảng Bình sau bao biến cố của lịch sử. Trong số đó có kinh điển, thư tịch Hán Nôm cổ được tìm thấy ở chùa Quan Âm (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) mà phần lớn do ngài Lệ Hương trước đây đã sưu lục và truyền lại. Đáng lưu ý nhất là bản kinh Thuỷ Sám (3 quyển) do chính ngài chép tay và vẽ hình minh họa truyện tích Ngộ Đạt Quốc sư, hình chư Phật, đồng thời lưu lại nhiều thông tin tư liệu quan trọng. Đây là một tư liệu Phật giáo rất quý, cần được sưu tầm, bổ sung và nghiên cứu một cách đầy đủ.
- Đôi nét về hành trạng ngài Lệ Hương
Ngài Lệ Hương vốn họ Trần, húy là Đình Phúc, sinh năm 1912 tại thôn Trung Đức, xã Quy Đức (nay là xã Đức Trạch), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình có truyền thống kính tín Tam bảo.
Trước chiến tranh chống Pháp, ngài từng giữ chức Chánh tổng tổng Hà Bạc, trông coi 5 xã gồm Đức Trạch, Đồng Trạch, Hải Trạch, Phú Trạch và Hoàn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Về sau, nhận thấy thế cuộc nhiễu nhương nên ngài từ chức rồi thế phát xuất gia, thọ giáo với ngài Nhật Tường tại chùa Hải Quang ở xã Hải Thành (nay là phường Hải Thành thuộc thành phố Đồng Hới).
Năm 40 tuổi, ngài được Bổn sư cho thọ Tam đàn Cụ túc tại Đại giới đàn được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy năm Nhâm Thìn [1952] nhân dịp mãn hạ của chư Tăng tại trường hạ chùa Phổ Minh - trụ sở Hội Phật học tỉnh Quảng Bình thời bấy giờ, do Hòa thượng Hồng Tuyên Chánh Giáo làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài được Bổn sư ban pháp danh là Lệ Hương, tự Quảng Thọ384.

- Nhà nghiên cứu Hán Nôm, Giảng viên Học viện PGVN tại Huế, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn - Đại học Khoa Học Huế
384 Những thông tin này chúng tôi căn cứ vào Điệp đàn Tỳ-kheo của ngài Lệ Hương hiện đang được lưu trữ tại chùa Quan Âm, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đây là một văn bản quý hiếm còn lại của Phật giáo Quảng Bình, tuy nhiên văn bản đang có dấu hiệu hư hoại, lại được bảo quản trong điều kiện rất thô sơ. Cần sớm có hướng bảo quản tốt hơn.
294
Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo Quảng Bình xưa và nay
Khoảng những năm 1957-1958, ngài trở lại quê nhà kiến lập phạm vũ, hoằng pháp lợi sanh. Ngôi chùa do ngài sáng lập có tên là Đức Quang tự trên địa phận thôn Trung Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch), thỉnh tượng Phật từ chùa Phổ Minh ra thờ.
Ngày mùng 05 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [1969], 67 tuổi, ngài được Bổn sư thọ ký, ban cho pháp hiệu là Vĩnh Hưng với bài kệ phú pháp385:
麗香生不滅
廣壽本非空 捨諸真性法 法界永興隆386.
Lệ Hương sanh bất diệt Quảng Thọ bổn phi không Xả chư chân tánh pháp Pháp giới Vĩnh Hưng long.
Ngài Lệ Hương viên tịch vào năm 1985, thọ tuế 83 tuổi, 43 hạ lạp. Tháp mộ ngài hiện nằm trong nghĩa trang họ Trần ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Di ảnh ngài hiện được thờ tại chùa Quan Âm xã Đức Trạch. Bài vị ghi: “Khai sơn Đức Quang tự thượng Lệ hạ Hương, húy Nhật Từ chi vị”.
Sau khi ngài viên tịch, đến khoảng năm 1986-1987, chùa Đức Quang vì không có người trông coi nên được chính quyền địa phương cho sáp nhập ba chùa lại một (gồm chùa Đức Quang, chùa Vĩnh Thanh và chùa Quan Âm), lấy tên chung là chùa Đức Linh nằm ở địa phận xã Đức Trạch. Về sau, chùa Đức Linh không có ai hương khói nên cũng dần suy tàn.
- Về bản kinh Thủy Sám chép tay của ngài Lệ Hương
Trong số các bảo vật như chuông, tượng, kinh điển và thư tịch chữ Hán vừa được tìm thấy tại chùa Quan Âm vừa qua, mà phần lớn được chuyển lại từ chùa Đức Quang của ngài Lệ Hương trước đây, đáng chú ý nhất là bộ kinh Thủy sám.

![]()
385 Những thông tin trên chúng tôi căn cứ vào bản “Chánh pháp nhãn tạng” vừa được tìm thấy tại gia đình thầy Hồ Đăng Hới (pháp danh Trung Cảnh, đệ tử của ngài Lệ Hương) ở thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch hiện đang gìn giữ.
386 Tạm dịch:
“Lệ Hương sinh không diệt Quảng Thọ vốn chẳng không Quyết vì chân tánh pháp Vĩnh Hưng pháp vô cùng”.
295
Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo Quảng Bình xưa và nay
Kinh Thủy Sám gọi đủ là Từ bi tam muội thuỷ sám pháp, một bộ kinh khá phổ biến với truyền thống Phật giáo nước ta.
Điểm đặc biệt của bộ Thủy Sám mà chúng tôi vừa phát hiện tại chùa Quan Âm chính là do ngài Lệ Hương chép tay và vẽ hình minh họa. Bộ kinh gồm ba quyển: Thượng, Trung, Hạ; được viết bằng chữ Hán trên giấy bổi có in chìm hình cánh hoa và chữ Thọ cách điệu hình tròn màu đỏ. Tất cả có 41 tờ (82 trang), mỗi trang chính văn được chép thành 6 dòng, mỗi dòng 17 chữ.
Trong quyển Thượng, bốn trang đầu dành vẽ hình minh hoạ truyện tích Ngộ Đạt Quốc sư; tiếp theo là bài “Từ bi đạo tràng thuỷ sám duyên khởi” (gồm 7 trang); và bài “Khải sám khoa nghi” (2 trang).
Từ trang 17b đến 19a (quyển Trung), mỗi đầu trang có vẽ hình minh hoạ hai vị Phật, tất cả tương ứng với hồng danh ghi ở dưới: Nam-mô Quá Khứ Tì Bà Thi Phật; Nam-mô Thi Khí Phật; Nam-mô Tì Xá Phù Phật; Nam-mô Câu Lưu Tôn Phật; Nam- mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật; Nam-mô Ca Diếp Phật; Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật; Nam-mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Cuối sách (quyển Hạ) ghi: “Đệ tử pháp danh Lệ Hương phụng sao”. Không thấy ghi thông tin thời gian sao bộ kinh được hoàn thành khi nào.
Kinh văn được chép tay bằng mực tàu, chấm câu bằng mực son, nét chữ đẹp, sắc sảo, rõ ràng, trình bày trang nhã. Đặc biệt, các tranh minh họa được vẽ bằng màu mực đen rất đẹp, nét bút mềm mại mà tinh tế, sắc sảo. Tổng cộng có 12 hình vẽ minh hoạ truyện tích và nội dung kinh, hình các vị Phật, hình hoa lá trang trí…
Bản kinh Thủy Sám chép tay của ngài Lệ Hương không chỉ cho thấy nét tài hoa của người thực hiện mà qua đó còn toát lên một sự tín tâm sâu xa, là sự “thọ trì” “pháp bảo” bằng tất cả tâm thành của bậc tu hành với một tinh thần vô cùng khoáng đạt.
Những gì ngài Lệ Hương để lại mà hôm nay chúng ta tìm thấy được không phải chỉ bằng một bài viết nhỏ này, số tư liệu ấy thật vô cùng quý giá, công việc nghiên cứu cần phải được tiếp tục một cách tỉ mỉ, cẩn trọng và đầy đủ. Bởi vì những kết quả ấy không chỉ giúp cho người đời sau có điều kiện để khẳng định những đóng góp to lớn và đầy ý nghĩa của ngài Lệ Hương đối với việc sưu tầm, bảo quản vốn cổ của Phật giáo nói chung, mà còn có thêm cứ liệu để nghiên cứu lịch sử phát triển Phật giáo trên đất Quảng Bình xưa và nay vậy.
296