SÁCH CỔ “PÔỘC NĂNG XỪ”
VÀ DẤU ẤN PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI BRU KHÙA Ở MINH HÓA
Nguyễn Văn Thịnh*
Trong một chuyến điền dã lên thượng nguồn sông Gianh vào thượng tuần tháng 11-2015, đoàn nghiên cứu của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cùng các nhà nghiên cứu thuộc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã có cơ duyên tiếp cận nhiều pho sách cổ của người Bru Khùa được viết bằng một loại tự dạng “ngoằn ngoèo” như chữ Thái hoặc chữ Lào cổ trên các phiến lá cọ có tên gọi là “Pôộc năng xừ”, với tuổi đời cả trăm năm. Xung quanh những bộ sách cổ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện hết sức thú vị liên quan đến nếp sống, sinh hoạt tâm linh mang đậm dấu ấn Phật giáo của người Bru Khùa ở huyện Minh Hóa do chính chủ nhân của các bộ sách cổ này kể lại.
- Hành trình đi tìm cuốn sách cổ “Pôộc năng xừ”
Để có được chuyến đi thú vị và bổ ích này, đoàn chúng tôi đã theo chân ông Đinh Thanh Dự, một nhà nghiên cứu văn hóa thâm niên người Nguồn hiện đang sinh sống tại thị trấn Quy Đạt, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa vào tận các bản làng của tộc người Bru Khùa - những nơi hiện vẫn còn lưu giữ các pho sách cổ viết trên lá cọ mà trước đây ông đã có lần được tiếp xúc.
Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi được đưa đến là nhà ông Hồ Đi - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa ở bản Ra Mai (thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa). Theo ông Đinh Thanh Dự, gia đình ông Hồ Đi trước đây có lưu giữ đến ba bộ sách cổ như thế, được truyền từ đời này sang đời khác như một gia bảo. Nhưng thật đáng tiếc, khi đoàn chúng tôi đến thì người nhà cho biết sau khi ông Hồ Đi qua đời, các bộ sách ấy đã được ông Hồ Văn Liêng, con trai ông đưa về cất giữ ở nhà mình tại bản Ka In.
Đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường tìm vào bản Ka In, cách đó khoảng chừng 5km. Đi hết một quãng đường trải nhựa dọc theo Quốc lộ 12A, ông Dự ra hiệu cho xe rẽ lối vào bản. Lối vào bản Ka In là một con đường đất đỏ men theo triền núi, chỉ hơn 1km nhưng lại chập chùng, quanh co, lòng đường vừa hẹp lại vừa dốc. Đỗ hết con dốc cuối cùng, mọi người thật ngỡ ngàng khi bản Ka In với những nóc nhà sàn đơn

- Phó Thư ký tập san Liễu Quán
sơ, nằm quây quần trong một thung lũng nhỏ đang dần hiện ra trước mắt, trông thật đầm ấm, thanh bình. Chúng tôi tìm hỏi nhà ông Hồ Văn Liêng, nhưng có vẻ ban ngày bản thật vắng người, thi thoảng mới thấy các em nhỏ đang lặng lẽ ngồi chơi ở cuối góc sân. Hình như sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi đã phá vỡ không gian yên bình nơi đây. Một người phụ nữ trẻ người Bru Khùa dắt tay em nhỏ đứng tần ngần dưới hiên nhà sàn ngước nhìn chúng tôi với vẻ lạ lẫm. Qua trao đổi (bằng tiếng Bru Khùa) với ông Đinh Thanh Dự, cô cho biết ông Liêng không có nhà, ông ấy đi vào rừng lấy củi từ sáng sớm, và hướng dẫn chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Khâm, em trai ông Liêng. Tiếp chúng tôi trên gác nhà sàn, ông Hồ Văn Khâm và con trai ông - anh Hồ Văn Sai, hiện đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Trọng Hóa cũng không hay biết gì về các bộ sách cổ. Vậy là một lần nữa chúng tôi đành lỗi nhịp, vẫn chưa đủ cơ duyên để mục sở thị các pho sách cổ. Tuy vậy, trên đường trở ra, hình ảnh bản Ka In thanh bình, thân thiện luôn hiện lên trong tâm trí chúng tôi với những ấn tượng thật đẹp, thật bất ngờ, nhất là cách ứng xử của anh Hồ Văn Sai khi gặp các nhà sư trong đoàn: chắp hai tay cúi chào hết sức thuần thành! Chúng tôi cứ ngỡ như vừa tiếp xúc với một Phật tử người Thái hay người Lào ở đâu đó, chứ không phải là một bạn trẻ người Bru Khùa tại bản làng xa xôi, hẻo lánh này.
Rời bản Ka In khi trời đã đứng bóng. Mặc dù ai nấy đều thấm mệt, bụng lại cồn cào nhưng với quyết tâm tìm bằng được bộ sách cổ nên ông Đinh Thanh Dự tiếp tục đưa đoàn hướng theo Quốc lộ 12A ngược lên xã Dân Hóa, nằm cách bản Ka In khoảng chừng 20km để tìm nhà ông Hồ Quý Bôn, vì ông tin ở đó vẫn đang lưu giữ bộ sách cổ quý giá này. Sau một hồi dò hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông Hồ Quý Bôn, nằm ở thôn Y Leeng, xã Dân Hóa - một xã cực Tây của huyện Minh Hóa, giáp ranh biên giới Lào. Ông Bôn nguyên là Chủ tịch xã Dân Hóa đã nghỉ hưu, nay đã 75 tuổi. Xe đỗ lại trước ngõ, mọi người đang lục tục bước xuống thì đã thấy ông Đinh Thanh Dự thoăn thoắt vào nhà ông Bôn từ khi nào trở ra thông báo: Đã tìm thấy sách “Pôộc năng xừ”! Thật không thể diễn tả hết niềm vui hiện lên trong ánh mắt của mỗi thành viên lúc đó như thế nào!
Nhà ông Bôn nằm ngay mặt tiền, không phải là nhà sàn mà một ngôi nhà 3 căn theo kiểu người Kinh. Vừa bước vào trong chúng tôi đã nhìn thấy một bức ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm (không giống ảnh thờ, có vẻ như được cắt ra từ cuốn lịch) treo trang trọng ngay căn giữa ngôi nhà. Sau vài câu chào hỏi, ông Bôn tỏ ra rất thân thiện, nhiệt tình mang chiếu trải ngay trước hiên mời chúng tôi ngồi, rồi quay vào trong mang các bộ sách cổ ra cho chúng tôi xem. Bao nhiêu mỏi mệt và cả cơn đói hầu như tan biến, mọi người xúm xít quanh những cuốn sách cổ mân mê, chụp hình, đo đạc, ghi chép.
Niềm mong ước bấy lâu không ngờ cuối cùng chúng tôi cũng được tận mắt chứng kiến, tận tay mân mê những trang sách cổ viết trên lá cọ đã ngả màu thời gian... mà trong lòng dâng lên bao niềm xúc cảm...
- “Pôộc năng xừ” – bảo vật truyền gia của người Bru Khùa ở Minh Hóa
“Pôộc năng xừ” không chỉ đơn thuần là cuốn sách, mà với người Bru Khùa, đó còn là gia bảo, là nơi lưu giữ truyền thống văn hóa, tâm linh của tộc người để truyền dạy cho con cháu.
Sách “Pôộc năng xừ” được làm từ những phiến lá cọ (hoặc lá thốt-nốt, thường được gọi là sách lá bối)277. Mỗi phiến lá có chiều dài 57cm, rộng 6cm, tổng cộng có 70 phiến lá như thế. Sách được tạo thành bằng cách xếp chồng các phiến lá lên nhau, tạo nên độ dày cuốn sách khoảng 10cm (kể cả bìa). Bìa sách được làm bằng hai tấm bìa gỗ có chạm trổ hoa văn dây lá; mỗi bìa dày 1mm, chiều dài và chiều rộng của bìa tương ứng với kích thước của các phiến lá. Để cố định các trang sách, người ta đục hai lỗ xuyên tâm cuốn sách (hai lỗ cách nhau 20cm, đục xuyên từ bìa bên này sang bìa bên kia), sau đó dùng dây cước hoặc dây mây luồn qua hai lỗ và xâu lại. Vòng dây không được thắt quá chặt, phải có độ giãn đủ rộng để có thể lật giở các trang sách mỗi khi sử dụng.
Các phiến lá tuy đã ngả màu vàng nâu theo thời gian nhưng nhìn chung bộ sách vẫn còn khá nguyên vẹn, mặc dù việc bảo quản có vẻ còn thô sơ, chỉ được bọc trong một tấm vải và cất giữ ở ngăn tủ. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật làm sách của người xưa rất công phu278, nên dù trải qua bao năm tháng mà nó vẫn tồn tại được trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới như thế.
Chữ viết của “Pôộc năng xừ” có tự dạng như chữ Thái hoặc chữ Lào cổ. Có phiến lá được viết chữ lên cả 2 mặt, có phiến lá chỉ viết trên một mặt. Mỗi mặt có 5 hàng chữ được phân bố cân đối, các chữ viết đều nhau như in. Người Bru Khùa hiện nay không còn ai có thể đọc hiểu được sách cổ này (nghe đâu tận cửa khẩu Cha-lo có một người có thể đọc hiểu được (?), nhưng chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng).

![]()
277 Khi chưa phát minh ra giấy, tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ I đã dùng lá bối để viết kinh sách, loại sách này phát triển nhiều nhất vào thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIV. Cây lá bối có tên khoa học là Corypha umbraculifera, tiếng Phạn là Pattra, Trung Quốc dịch là Bối-đa-la diệp, gọi tắt là Bối diệp hay Bối-đa. Họ cây này mọc nhiều ở vùng rừng nhiệt đới như khu vực Tây nam Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Campuchia, Việt Nam. Ở Việt Nam thường được gọi là cây cọ hay cây lá buông.
278 Thông thường để có một bộ sách đẹp với màu trắng ngà người ta phải chọn những búp lá cọ còn non, có lá đều nhau, to bản rồi cột lại trong vài ba tháng không cho tiếp xúc với ánh sáng để giữ lá non và mềm. Các lá cọ được cắt bằng nhau theo hai bìa sách là hai tấm gỗ đã được trang trí hoa văn làm chuẩn, sau đó phơi khô. Dùng một cây bút bằng sắt có mũi nhọn viết trên lá, sau đó dùng nước lá cau non chà lên để chữ nổi lên màu nâu đậm.
Ông Hồ Quý Bôn mang ra cho chúng tôi xem một cuốn sổ tay mà trong đó ông đã chép lại toàn bộ nội dung cuốn sách bằng chính loại tự dạng ấy, và cho biết ông có thể đọc được, viết được nhưng không hiểu! Ông cũng cho biết thêm, “Pôộc năng xừ” là cuốn sách của tổ tiên truyền lại, từ đời cụ thân sinh của ông trở về trước đều có thể đọc hiểu và truyền dạy cho con cháu, nhưng từ đời ông trở đi thì đã thất truyền. Về nội dung, theo lời cụ thân sinh ông truyền lại, “Pôộc năng xừ” là cuốn sách tập hợp những lời dạy, những mẩu chuyện (như kiểu truyện ngụ ngôn) nhằm mục đích răn dạy đạo đức làm người, ngoài ra còn có một phần là nghi thức “cột chỉ cổ tay” cầu bình an, và tất cả đều là ghi chép lại những lời dạy của Pah Phụth (Đức Phật). Chúng tôi chợt liên tưởng, phải chăng những mẩu chuyện trong “Pôộc năng xừ” của người Bru Khùa có khi nào chính là những mẩu chuyện tiền thân về Đức Phật được rút ra từ các tập Jataka (kinh Bản Sinh)?
Chúng tôi đã cho ghi hình toàn bộ các trang của cuốn sách cổ và lưu lại dưới dạng file ảnh, với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được người giải mã chúng. Trở lại Huế, chúng tôi có mang các bản chụp sách cổ này tìm đến Sư Tuệ Tâm (chùa Pháp Luân) và được Sư giới thiệu một vị có 10 năm tu học tại Thái Lan - Sư Tường Nhân, với hy vọng có thể giúp được việc này. Sau khi xem qua một lượt, Sư Tường Nhân cho biết đây là chữ Pali-Thái, một loại cổ ngữ mà hiện nay ít ai đọc được. Sư cũng cho biết thêm, một số chữ trong các trang sách này có thể đọc được, có hàm nghĩa như những lời cầu bình an (điều mà ông Hồ Quý Bôn có nói ở trên)279.
- Dấu ấn Phật giáo trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Bru Khùa
Tộc người Bru Khùa vốn sinh sống dọc theo biên giới Việt - Lào, có khi là bà con họ tộc của nhau. Ông Hồ Quý Bôn cho biết, từ xa xưa người Bru Khùa hai bên biên giới qua lại thăm thú nhau như người thân trong một bản làng. Không những thế, có không ít người Bru Khùa trước đây từng sang Lào xuất gia tu học (mà ông gọi là đi Sư), sau đó trở về bản làng lập chùa thờ Phật và truyền đạo trong cộng đồng của mình, tập trung con em để dạy dỗ. Cho đến những năm sau 1975 vẫn có những người Bru Khùa sang Lào xuất gia học đạo, như trường hợp ông Hồ Xiên Un, người Bru Khùa ở xã Trọng Hóa.

![]()
279Vào trung tuần tháng 11-2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho chúng tôi biết KTS. Nguyễn Ngọc Tùng - Giảng viên Đại học Khoa Học Huế đang tham dự Hội thảo tại Thái Lan, và giục chúng tôi gửi gấp bản chụp các trang sách cổ sang để anh Tùng có thể nhờ các giáo sư cổ ngữ giúp đỡ. Từ các file ảnh chúng tôi gửi, KTS. Nguyễn Ngọc Tùng đã liên hệ với TS. Nawit (Đại học Chiang Mai, Thailand) và được TS. Nawit giới thiệu một chuyên gia nghiên cứu về Văn hóa và Ngôn ngữ dân tộc Thái - PGS.TS Renu Vichasil - người có thể giải mã được loại cổ ngữ này. Tuy nhiên hiện chúng tôi vẫn chưa liên lạc được với PGS.TS Renu Vichasil vì chưa tìm được địa chỉ email. Nhân đây chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến KTS. Nguyễn Ngọc Tùng về sự giúp đỡ trên.
Về những cuốn sách cổ viết trên lá, ông Bôn cho biết, theo lời người xưa kể lại “Pôộc năng xừ” vốn do các nhà sư người Bru Khùa sang Lào học đạo mang về rồi truyền dạy, phổ biến trong cộng đồng. Ngoài những lời răn dạy về đạo đức, nghi thức “cột chỉ cổ tay” cầu bình an được ghi trong các sách cổ ấy cũng là một sinh hoạt văn hóa tâm linh rất được người Bru Khùa chú trọng và duy trì cho đến mãi sau này, mà trước đây ông Hồ Quý Bôn đã nhiều lần được tham dự.
Về các ngôi chùa của người Bru Khùa, ông Hồ Quý Bôn và nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự cho biết, từ thế kỷ XIX trở về trước ở huyện Minh Hóa có hai ngôi chùa, đó là chùa Ka Óoc ở xã Trọng Hóa và chùa Dộ ở xã Dân Hóa. Hai ngôi chùa này do các sư người Bru Khùa thuộc phái Nam tông sáng lập để tu tập, hành đạo. Về sau, khoảng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX, khi quân Pháp kéo lên đây đóng đồn Bảy Dinh và đồn Quy Đạt, họ đã cho triệt phá hai ngôi chùa này để lập vùng kiểm soát. Sau khi chùa bị triệt phá, các sư thỉnh Phật vào thờ trong các hang núi rồi sang Lào tu học.
Lời kết
Thực tế cho thấy, sách cổ viết trên lá được lưu giữ tại nhà ông Hồ Quý Bôn không phải là trường hợp duy nhất, mà trong cộng đồng Bru Khùa ở Minh Hóa hiện vẫn còn nhiều nơi lưu giữ những cuốn sách cổ như thế. Ngoài bản của ông Hồ Quý Bôn, cho đến thời điểm này tối thiểu chúng ta cũng biết được vẫn còn 5 bản tương tự hiện được lưu giữ tại các địa điểm khác nhau ở Minh Hóa. Trong đó có 2 bản thuộc sở hữu gia đình ông Hồ Phoòng (bản Ka Roong, xã Dân Hóa) mà báo chí đã nhiều lần đề cập; và 3 bản hiện được lưu giữ tại nhà ông Hồ Văn Liêng (bản Ka In, xã Trọng Hóa) mà chúng tôi chưa đủ cơ duyên tiếp cận trong đợt khảo sát này. Và theo nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự, loại sách lá này hiện được lưu giữ khá phổ biến tại nhiều nơi trong các cộng đồng Bru Khùa ở phía Tây tỉnh Hà Tĩnh và phía Tây Nghệ An.
Từ những dấu ấn đặc thù trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Bru Khùa ở Minh Hóa, đặc biệt là những cuốn sách cổ “Pôộc năng xừ” mà cộng đồng này đang lưu giữ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, trong quá khứ đã có một truyền thống Phật giáo mang màu sắc Nam truyền hiện diện tại khu vực phía Tây Quảng Bình, được truyền đến từ bên kia dãy Trường Sơn. Đó chính là những cứ liệu hết sức quan trọng, không chỉ mở ra cho chúng ta một hướng nghiên cứu: “Phải chăng có một dòng chảy Phật giáo mang màu sắc Nam truyền đã từng hiện diện dọc miền thượng đạo từ Quảng Bình đến Nghệ An?”, mà qua đó còn góp phần lý giải và làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến sự giao thoa giữa các truyền thống Phật giáo trên đất Quảng Bình, đặc biệt là sự xuất hiện của văn bản “Tân soạn Tiểu thừa sám pháp Phật môn công văn” mà chúng tôi vừa phát hiện tại chùa Quan Âm (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) trong các đợt khảo sát vừa qua.