Phật giáo Khất sĩ tuy mới hình thành vào những thập niên nửa đầu thế kỷ XX, nhưng sức sống cùng những tinh túy đặc trưng trong tu đạo và hành đạo đã phát triển lan rộng trên cả nước. Ở Thừa Thiên
- Huế, vốn ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo Bắc tông nhưng với sự nhu nhuyến của mình, Phật giáo Khất sĩ đã xây dựng được tịnh xá và sinh hoạt trên đất thần kinh xứ Huế trong những thập niên 50 và 60, đóng góp không ít cho tiến trình phát triển Phật giáo nói chung và Phật giáo Khất sĩ nói riêng ở vùng đất phía Bắc miền Trung.
Sự hình thành và phát triển Phật giáo Khất sĩ trên vùng đất này đã để lại những dấu ấn riêng biệt, điểm tô bức tranh Phật giáo với nhiều nét văn hóa đặc sắc trên tất cả các mặt thể hiện. Và đó cũng là sự hội nhập Phật giáo trong thời đại mới bằng cách riêng của chính mình trước những thử thách, thay đổi của thời cuộc, đáp ứng sự phát triển xã hội hiện đại và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh.
Từ những vấn đề trên, tham luận chú trọng đến các vấn đề: Từ những nhân duyên… đến sự hình thành và phát triển Phật giáo Khất sĩ ở Thừa Thiên - Huế, nhằm làm rõ bức tranh Phật giáo Khất sĩ ở Huế trong suốt chiều dài phát triển của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.
- Đặt vấn đề
Di sản văn hóa Phật giáo đã có ảnh hưởng nhất định trong văn
hóa tín ngưỡng của cư dân Việt và đã tạo nên một bản sắc văn hóa đặc sắc, hòa đồng, tinh tế với những chuyển biến tích cực trong đời sống hằng ngày đối với cộng đồng cư dân sinh sống trên dải đất miền Trung. Với Phật giáo Khất sĩ, mặc dù ra đời muộn trong nửa đầu thế kỷ XX nhưng đã có tác động, ảnh hưởng khá lớn đến các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trên vùng đất Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Huế nói riêng. Dấu ấn văn hóa Phật giáo Khất sĩ hiện diện trên vùng đất Huế có những nét tương đồng lẫn các dị biệt khi hòa nhập vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở đây. Tuy nhiên, với một tính chất linh hoạt, hòa hợp và tiếp biến, sự phát triển của Phật giáo Khất sĩ đã đóng góp một phần không nhỏ trong đời sống tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hóa Phật giáo ở Huế. Điều đó đã cho thấy, Phật giáo là tôn giáo dễ tìm được sự sống chung trong dòng chảy văn hóa dân gian của các quốc gia phương Đông, mặc dù sự lưu truyền của nền triết giáo Phật theo hướng chính thống luôn được bảo tồn và phát huy trong tầng lớp bác học. Patrick B. Muller đã từng có nhận xét: “Tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có thể tương đồng với nhau về mặt cấu trúc và chức năng, sự khác biệt là ở chỗ chúng được nhận thức bởi những nhóm người khác nhau”1. Chính vì thế, sự có mặt của Phật giáo Khất sĩ ở Huế cũng được người dân sinh sống trên vùng đất này thừa nhận như chính những gì mà Phật giáo đã có từ trước cho đến nay, dù vẫn còn nhiều điều khác biệt.
- Những nhân duyên…
Phật giáo Khất sĩ Việt Nam nói riêng và Phật giáo hay một tôn giáo khác nói chung, trong sự phát triển luôn có sự thích ứng xã hội bằng chính tự lực bản thân, khẳng định con đường chơn lý của mình trước những nhu cầu, tác động của xã hội. Mới hình thành năm 1944 nhưng Phật giáo Khất sĩ đã mang trong mình sự sáng tạo dung hòa tinh túy Phật giáo, mở ra con đường mới trong sự tu đạo, hành đạo và biểu hiện sức sống mãnh liệt của Phật giáo trong hoạt động tôn
-
- Frank Proschan – Ngô Đức Thịnh (2005), Folklore một số thuật ngữ đương đại, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 275.
giáo, tín ngưỡng của con người Việt Nam.
Trên con đường phát triển và hoằng hóa độ sanh, Phật giáo Khất sĩ với những đoàn Du tăng từ miền Nam tiến dần ra miền Trung trong hoàn cảnh đất nước đang còn trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Sau Tổ sư Minh Đăng Quang, các đệ tử của Ngài lần đầu tiên hành đạo đến Huế vào năm 1957, lần hai 1958, đã đặt những “viên đá” đầu tiên ở Huế, và mãi đến hai năm sau thực sự có mặt, tồn tại ở Huế với sự hình thành Tịnh xá Ngọc Hương và Tịnh xá Ngọc Kinh.
Sự có mặt của Phật giáo Khất sĩ ở Huế, chúng ta có thể thấy bởi từ những nhân duyên sau:
Thứ nhất: Huế vốn được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” Đàng Trong, tồn tại và phát triển mạnh từ thời các chúa Nguyễn cho đến hiện nay, vẫn lưu giữ những nét truyền thống, đặc trưng riêng biệt khi đối sánh hai miền Nam – Bắc. Đến trước những năm có mặt Hệ phái Khất sĩ, thì sự phát triển của Phật giáo Huế đã đạt được những thành tựu rất lớn với một hệ thống chùa chiền, Tăng sĩ cũng như tín đồ phát triển mạnh. Từ đó Phật giáo đã thấm sâu vào trong dân chúng, trở thành nơi trở về tâm linh của chính mỗi người dân. Họ dễ dàng dung nạp được những tinh túy của Phật giáo, coi Phật giáo như chính nguồn sống trong thời buổi loạn lạc, chiến tranh đau thương để rồi họ quay trở lại ủng hộ sự phát triển của đạo Phật, trở thành nguồn lực lớn mạnh trong công cuộc xây dựng Phật giáo ở Huế.
Thứ hai: Suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy sự hưng suy của Phật giáo luôn gắn với sự ủng hộ của chính quyền (hay vương quyền) mà Phật giáo có mặt lúc đó. Do vậy, khi Phật giáo Khất sĩ mới ra đời ở miền Nam đã được chính quyền miền Nam chấp thuận cho phép hành đạo bằng nhiều văn bản quy định truyền giáo nên khi các đoàn Du tăng Khất sĩ truyền đạo ra đến các tỉnh miền Trung nói chung và Huế nói riêng đã không gặp sự trở ngại về sự cấm đoán phát triển đạo Phật mà còn được chính quyền sở tại đồng ý. Với
những pháp lý đó, Hệ phái Khất sĩ đã đứng chân được trên đất Thần Kinh này.
Thứ ba: Bên cạnh sự cho phép hành đạo của chính quyền lúc đó, một điều quan trọng nữa là sự ủng hộ của Giáo hội Phật giáo Trung phần Thừa Thiên đối với Phật giáo Khất sĩ. Trong đó, các vị Trưởng lão và các vị Hòa thượng như: Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Siêu cũng như Ban Trị sự Giáo hội Trung phần đã khuyến khích ủng hộ sự phát triển của Phật giáo Khất sĩ khi bước đầu đặt chân đến miền Trung. Các chùa ở Huế như: chùa Phổ Quang, chùa Từ Đàm, Khuôn hội Vĩnh Nhơn… đã giúp các vị Tăng sư hành đạo và quý Phật tử giúp xây dựng các tịnh xá trong những năm 1960 ở phường Thuận Lộc.
Thứ tư: Mặc dù tư tưởng và cách hành đạo có phần khác Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông, nhưng hình ảnh vị sư đi khất thực trên các đường phố vốn đã quen thuộc trong mỗi người dân, bởi lúc này Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Huế cùng với sự phát triển của Hệ phái Bắc tông. Do vậy, Hệ phái Khất sĩ đã dung nạp được hai nền Phật giáo Nam - Bắc tông tạo nên sự tương đồng rất lớn trong sự nghiệp xây dựng phát triển đạo Phật, đặt nền tảng cho sự tin tưởng trong lòng người dân Huế.
Thứ năm: Đối với bên ngoài, Hệ phái Khất sĩ đã được nhiều sự thuận lợi như vậy, nhưng điểm cốt yếu quan trọng hơn hết là sự tự lực của Hệ phái trên con đường phát triển. Ngay từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập Hệ phái đã xây dựng mục đích “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” bằng tư tưởng chơn lý, được đúc kết từ sự chọn lọc tinh túy của hai Hệ phái Nam tông và Bắc tông mà hình thành. Do đó, càng về sau, các đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang đã phát huy được con đường chánh đạo, thực hành đúng giáo pháp với hình ảnh của Phật Tăng xưa, lấy Giới - Định - Tuệ đặt lên hàng đầu, làm căn bản đối với mỗi Tăng sĩ trong Hệ phái. Hơn nữa, khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, các đệ tử đã kế thừa và phát huy nội lực Hệ phái một cách triệt để. Các đoàn hành đạo ra đời với sự dẫn dắt, đứng đầu là các vị Trưởng lão có năng lực lãnh đạo và pháp hạnh
trang nghiêm, hàng Tăng sĩ thực hành đúng giới luật, khiêm cung cầu pháp hầu muốn đạt được sự an lạc tự thân, cứu độ chúng sanh thoát vòng khổ hải.
Với tất cả những nhân duyên đó đã làm cho Phật giáo Khất sĩ tồn tại và phát triển trên mảnh đất cố đô, nơi Phật giáo Bắc tông vốn đã ăn sâu và bám rễ từ hàng trăm năm trước.
- Sự hình thành và phát triển Phật giáo Khất sĩ ở Thừa Thiên - Huế
Với ba lần hành đạo ra miền Trung 1957, 1958 và 1961, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ do Trưởng lão Giác Tánh dẫn đầu đã ra đến miền Trung và đặt nền móng đầu tiên cho sự có mặt của Hệ phái Khất sĩ ở Huế. Các đoàn hành đạo ra Huế lần lượt được tiếp nhận và ở lại Hội Quảng Tri đường Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1957 và 1958, sau đó ở chùa Phổ Quang và chùa Từ Đàm (1961). Để rồi từ đây hình thành được Tịnh xá Ngọc Hương và Tịnh xá Ngọc Kinh, hòa nhập và phát triển trong dòng chảy của Phật giáo đất cố đô.
-
- Lịch sử hình thành và phát triển của Tịnh xá Ngọc Hương
Ban đầu, Giáo đoàn II do Trưởng lão Giác Tánh và Đức Thầy Giác Tịnh đã xin đất làm tịnh xá ở trên cồn Tàng Thơ trong kinh thành. Nhưng trước đó, cồn Tàng Thơ vốn là mảnh đất có vị thế đẹp nên Khuôn hội Vĩnh Nhơn và tổ chức Thiên Chúa giáo xin làm chùa và xây nhà thờ nhưng chưa được chấp thuận. Đến khi các Sư hội đủ nhân duyên, bằng phẩm hạnh, công đức tu hành cùng với sự ủng hộ của quý Trưởng lão, Hòa thượng ở Huế cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nên đã xin được đất và xây dựng tịnh xá bằng gỗ ở đây với tên gọi là Ngọc Hương2.
2. Theo lời kể của Hòa thượng Giác Cẩm – trụ trì Tịnh xá Ngọc Hương, cồn Tàng Thơ (hồ Tàng Thơ) nơi Tịnh xá Ngọc Hương tọa lạc là mảnh đất rất đẹp, nên Phật giáo và Công giáo đều xin đất để xây dựng cơ sở tôn giáo của mình. Nhưng bên Tỉnh hội Phật giáo xin trước nên đã được chính quyền đương thời chấp nhận. Khi có đất này, các khuôn hội Phật giáo xin làm, nhưng các Hòa thượng bên Tỉnh hội nói: “Bên Hệ phái Khất sĩ chưa có chùa thì mình giành làm chi? Để cho Khất sĩ họ làm chùa” nên mới nhường cho Khất sĩ xây tịnh xá.
Tịnh xá Ngọc Hương ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế vốn tọa lạc trên cồn Tàng Thơ, trong hệ thống của hồ Tịnh Tâm thuộc Thành nội. Tịnh xá được thành lập năm 1962 do Trưởng lão Giác Tánh và Đức Thầy Giác Tịnh kiến tạo. Buổi đầu, tịnh xá được xây dựng đơn sơ với vật liệu nhẹ như gỗ, tranh, lá, đến năm 1964 thì hoàn thành. Ngôi tịnh xá hình bát giác, giản dị nhưng trang nghiêm đã chính thức hòa nhập vào các sinh hoạt Phật sự xứ Huế. Hình thức thờ tự ở tịnh xá là chỉ thờ tượng Phật Thích-ca ở chính giữa ngôi nhà bát giác, phía sau lưng tượng Bổn sư thờ di ảnh của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Theo luật biến hoại vô thường của thời gian, ngôi tịnh xá đã hai lần được trùng tu vào năm 1970 và 2000. Vào năm 1970, khi tịnh xá bằng gỗ sau gần mười năm đã xuống cấp nên được quý sư tiến hành trùng tu lại bằng hệ thống cột bê tông, mái tôn. Các công trình phụ như nhà Cửu Huyền, nhà Tăng cũng được xây dựng lại và đến năm 1972 mới hoàn thành. Đặc biệt trong lần đại trùng tu năm 2000, công trình đã được xây dựng theo dạng kiên cố bằng các loại vật liệu có đủ sức chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung. Ngoài các hạng mục chính, tịnh xá còn xây dựng một thư viện nhỏ hình bát giác bên tay trái (ngoài vào), phía sau tịnh xá là nhà Cửu Huyền Thất Tổ, hai bên tịnh xá là Tăng xá và các am cốc tịnh tu của chư Tăng. Tất cả đều được bố trí hài hòa trên một ốc đảo hương sen ngào ngạt, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất Thần Kinh nổi tiếng.
Cũng như hầu hết các công trình khác đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống của Phật giáo Khất sĩ, nhưng Tịnh xá Ngọc Hương có nét đặc biệt riêng là toàn bộ tọa lạc trên khu đất hình chữ nhật bốn phía bao bọc bởi hồ sen quanh năm, đua hương khoe sắc. Tịnh xá được nối với đường Lê Văn Hưu bằng chiếc cầu gỗ (về sau xây dựng cầu bê tông năm 2000) dài hơn 60m. Cảnh trí ở đây luôn thoáng mát. Đến đây, chúng ta có thể thưởng thức cảnh sen nở trên hồ và nhìn ngắm mây trôi lung linh đáy nước, âu cũng là thú vui cao khiết.
Kế thế các đời trụ trì gồm có: Giác Tánh, Giác Tịnh, Giác Đoan, Giác Ninh, Giác Năng, Giác Đảnh. Đến nay, Thượng tọa đương nhiệm trụ trì Giác Cẩm cùng với chư Tăng trú xứ đang nỗ lực trau dồi giới đức, huân tu phạm hạnh, đưa các hoạt động Phật sự của tịnh xá hòa nhập vào dòng chảy luôn sinh động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại cố đô3.
Hồ nước Hồ nước
Cầu
Tăng đường
Chánh điện
Thất
Thư viện
Đường Đinh Tiên Hoàng
Nhà trù
Cửu Huyền
Thất
Hồ nước
Sơ đồ 1: Hệ thống cấu trúc và xây dựng Tịnh xá Ngọc Hương
-
- Lịch sử hình thành và phát triển của Tịnh xá Ngọc Kinh
Tịnh xá Ngọc Kinh tọa lạc tại số 10 kiệt 378 (số cũ 176/8) đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, Thành phố Huế. Với vị trí nằm giữa lòng cố đô Huế, bờ Bắc sông Hương, theo cửa Ngăn đi vào khoảng 2km. Tịnh xá nằm trong nội thành nhưng rất thanh tịnh, diện tích khoảng 800m2 đủ để xây dựng ngôi Tam Bảo thật khang trang, uy nghi thanh thoát.
Cố Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên dẫn đoàn Ni chúng du phương hành đạo khắp Nam - Trung đến kinh đô Huế. Với tâm nguyện có đạo tràng Hệ phái cho bá tánh tới lui chiêm bái, chư Ni có nơi lưu trú hành đạo, tại đây Ni trưởng đứng ra đảm trách xây dựng ngôi tịnh xá. Được sự phát tâm ủng hộ đắc lực của hai vị nữ cư sĩ Công Tằng Tôn Nữ Xuân Tứ, pháp danh Nguyên Chí và cô Tâm Ngọc (nay là Tỳ-kheo-ni Chí Liên và Tâm Liên) đã cúng dường cho Ni trưởng Huỳnh Liên xây dựng tịnh xá.
Năm 1961, Tịnh xá Ngọc Kinh kiến tạo ngôi chánh điện hình bát giác với vật liệu xây dựng bằng gỗ thô sơ gồm chánh điện với tháp Đức Bổn sư, phía sau thờ Tổ sư Minh Đăng Quang, hai bên là nhà dài, phía bên trái là tịnh thất bằng gỗ để Ni trưởng nghỉ ngơi. Đến năm 1963, tịnh xá tổ chức lễ khánh thành trọng thể, Ni trưởng đứng ra hướng dẫn đại chúng cung nghinh tượng Bổn sư từ chùa Từ Đàm về tôn trí tại tịnh xá.
Vạn vật theo thời gian thành - trụ - hoại - không, ngôi tịnh xá cũng không ngoại lệ. Sau mấy mươi năm tồn tại, đến năm 1996 tịnh xá bị xuống cấp trầm trọng, Sư trụ trì Giao Liên kính thỉnh Ni sư Phan Liên trụ trì Tịnh xá Ngọc Thành ở Buôn Ma Thuột, đứng ra đại trùng tu tịnh xá.
Bên cạnh đó, do nhu cầu sinh hoạt, tu tập của Ni chúng và thiện nam tín nữ, Ni sư nâng cấp tịnh xá thành hai tầng. Tầng trên ở giữa là chánh điện, bên trong chánh điện tôn trí tượng Bổn sư, sau Đức Bổn sư thờ Tổ sư Minh Đăng Quang và nhị vị Ni trưởng (Huỳnh Liên và Bạch Liên). Phía trước chánh điện có ba bức họa, giữa là Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, bên phải là Thái tử vượt thành xuất gia, bên trái là Đức Phật cùng chư đệ tử đi khất thực hóa duyên. Trước mặt chánh điện có tượng Quan Âm lộ thiên và bên phải ngoài chánh điện là phương trượng, bên trái thờ Cửu Huyền. Tầng dưới phía trước là phòng khách, sau là Tăng đường, hai nhà dài vẫn như cũ, chỉ lợp ngói lại. Việc trùng tu hoàn mãn và đã tổ chức lễ Khánh thành vào ngày 19 tháng 2 năm 1998.
Tịnh xá Ngọc Kinh tồn tại đến ngày nay đã trên 40 năm, là thắng
duyên của các bậc tiền bối và đã trải qua 9 đời trụ trì: Ni sư Phát Liên, Minh Liên, Thời Liên, Lập Liên, Uẩn Liên, Tứ Liên, Trân Liên, hiện nay là Ni sư Giao Liên cùng với Ni chúng đệ tử tu học4.
Tịnh xá Ngọc Kinh là tịnh xá Ni duy nhất ở kinh đô Huế, là nơi tu tập của chư Ni Khất sĩ tại trú xứ, đồng thời thuận tiện cho quý Ni trẻ ở các miền đến tu học tại trường Đại học Phật giáo và Trung cấp Phật học tại Huế, là nơi chiêm bái của Phật tử khắp nơi, cũng là chỗ dừng chân của các đoàn hành hương tham quan cố đô Huế - nơi được mệnh danh là “cái nôi của Phật giáo”. Tịnh xá là điểm sáng của Ni giới Phật giáo Khất sĩ trong lòng Phật giáo cố đô Huế.
Đường kiệt 378
Tam quan
Cây cổ thụ
Giếng nước
Nhà dân
Tăng xá
Chánh điện
Tăng xá
Nhà dân
Đường Đinh Tiên Hoàng
Tăng xá
Sơ đồ 2: Hệ thống cấu trúc và xây dựng Tịnh xá Ngọc Kinh
-
- Vai trò, vị trí của Phật giáo Khất sĩ trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Huế
Nếu như trên một bình diện rộng, Hệ phái Khất sĩ là một
thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với rất nhiều đóng góp cho Giáo hội, cho Đạo Phật Việt Nam ngày càng xương minh, nhưng đối với Phật giáo Huế thì những sự biểu hiện trong vai trò, vị trí của Hệ phái vẫn chưa rõ ràng và còn nhiều hạn chế.
Phật giáo Khất sĩ ở Huế có hai tịnh xá giống như ở Quảng Trị hay miền Bắc. Thừa Thiên - Huế chỉ là những phần ngọn của Hệ phái khi phát triển ra miền Trung. Từ Bắc đèo Hải Vân ra đến miền Bắc thì sự phát triển của Hệ phái không còn rầm rộ và hình thành một tiếng nói chung cùng với Giáo hội Phật giáo ở đó, mà ngược lại Hệ phái hầu như không tham gia (nếu không muốn nói là không có) vào trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Huế. Các vị sư trụ trì, các tịnh xá đều nằm trong hệ thống quản lý chung của Giáo hội Phật giáo Huế. Phật giáo Khất sĩ không có tiếng nói lớn trong chính hệ thống Giáo hội ở Huế, bởi vì sự phát triển rất nhỏ, Tăng chúng ít ỏi lại luân phiên đến đi theo quy định của Giáo đoàn, cứ ba tháng hoặc sáu tháng thay đổi trú xứ một lần nên không thể tham gia Phật sự cùng Giáo hội được, mặc dù sự đóng góp tịnh tài, tịnh vật của Hệ phái luôn đầy đủ. Các Tăng Ni của Hệ phái ở Huế đều tham gia các khóa học ở Trường Trung cấp Phật học Báo Quốc và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Như thế, chúng ta có thể thấy được vai trò cũng như vị trí của Hệ phái biểu hiện trong Phật giáo Huế là không có, bởi sự đơn điệu ít phát triển của Hệ phái ở Bắc, miền Trung trở ra và ngày nay đang được khắc phục dần.
-
- Phật giáo Khất sĩ trong mối quan hệ với tín đồ Phật tử ở Huế
Phật giáo tồn tại được là nhờ vào giới luật trang nghiêm với sự hiện diện đầy đủ bốn chúng: hai xuất gia và hai cư sĩ tại gia. Nằm trong quy luật đó, Phật giáo Huế đã tồn tại phát triển nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của hai chúng tại gia từ khi du nhập và cho đến ngày nay. Sự gắn liền gốc rễ ăn sâu trong quan hệ mật thiết giữa chùa với bổn đạo cư sĩ, hai chúng luôn luôn được phát triển rất
mạnh. Người dân coi Phật giáo là nguồn sống tâm linh nên Phật tử ở Huế vừa là tín đồ vừa là những người ủng hộ đạo pháp nhiệt thành, không vụ lợi.
Khi du nhập đến Huế (những năm 1960), Hệ phái đã hòa nhập trong lòng Phật giáo Huế cũng như trong lòng người dân Phật tử ở Huế. Mối quan hệ trên tinh thần người Phật tử được thể hiện rất mật thiết trong việc ngoại hộ cúng dường cho chư Tăng hành đạo. Và họ không phân biệt tông phái, hay bất cứ một điều gì cản trở họ đến với tịnh xá, đến với các vị sư khất thực mỗi sáng trên đường trang nghiêm và thanh thoát.
Ban đầu, khi mới du nhập đến Huế thì số lượng Phật tử không nhiều, sau 1975 đến nay thì ngày càng ít dần, âu cũng có thể do mặt này hay mặt khác bởi những đặc trưng riêng của Phật giáo Khất sĩ và đặc trưng của Phật giáo Huế, nên Phật giáo Khất sĩ chỉ ở trong lòng Phật tử khi họ chính là người con Phật và họ đến bằng tấm lòng tự nguyện mang niềm tin tâm linh sâu sắc. Mối quan hệ ở đây là mối quan hệ đa chiều giữa tín đồ với chư Tăng Khất sĩ trong hành đạo và tu đạo. Mặt khác, tín đồ Phật tử Huế chưa hiểu rõ và tường tận phương pháp tu hành, tôn chỉ, mục đích của Phật giáo Khất sĩ nên các tịnh xá ở đây không được phát triển mạnh như ở các chùa. Nhưng, họ là người kỉnh Phật trọng Tăng, càng về sau này càng gắn bó cùng tịnh xá, giúp các vị sư phát triển về chiều sâu lẫn chiều rộng trong việc phát triển Phật giáo Khất sĩ ở đây.
Tuy nhiên khi nhìn lại vấn đề đó, chúng ta thấy được sự phát triển với những biểu hiện của Phật giáo Khất sĩ ở Huế không mạnh và mang tính đơn lẻ, rời rạc. Tịnh xá ở đây là nơi nghỉ chân của các vị khi đi du hành, học đạo, hành đạo. Hơn nữa ở Huế, Phật giáo Đại thừa xuyên suốt trong quá trình tồn tại của Phật giáo Huế, thể hiện rõ trong những vấn đề cơ bản như tư tưởng giải thoát, quan niệm về thế giới, về nhân sinh, con đường giác ngộ, về phương cách sinh hoạt, nghi lễ, hành đạo cũng như về thờ cúng nghi lễ. Đồng thời, sự dung hợp trong Phật giáo Huế
là Thiền tông và Tịnh độ tông hình thành nên cái gọi là “Phật tại tâm”, lấy tinh thần cứu khổ cứu nạn chúng sanh nên rất gần gũi, ăn sâu trong mỗi con người gắn liền với chùa chiền hay tịnh xá. Từ đó lôi cuốn một lượng Tăng Ni, tín đồ theo rất đông, ảnh hưởng khá sâu đậm với các biểu hiện trên mọi mặt trong cuộc sống người dân Huế. Cho nên khi Hệ phái Khất sĩ du nhập đến Huế, hòa nhập trong Phật giáo Huế với tư cách là một thành viên nhưng sự phát triển đến nay vẫn còn hạn chế, dù đã góp phần làm Phật giáo Huế thêm nhiều màu sắc, đa dạng trong đời sống tâm linh của tín đồ Phật tử.
- Thay lời kết
Tôn giáo luôn gắn liền với con người trong đời sống cũng như tinh thần, nên để hiểu về một tôn giáo cần có sự nghiên cứu nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau trên mọi khía cạnh để làm nổi bật những giá trị chơn lý và cũng tìm thấy những hạn chế, thiếu sót nhằm thúc đẩy con người đến với chơn lý tôn giáo, niềm tin tôn giáo của họ. Đồng thời cũng khai mở con đường vươn đến giá trị trường tồn chân - thiện - mỹ, làm cho đời sống con người càng đạt đến một giá trị thiết thực cao hơn. Hơn nữa, niềm tin của con người về một tôn giáo nào đó đều tùy thuộc vào nhận thức của họ về tôn giáo đó trước những nhu cầu và sự đáp ứng tín ngưỡng trong bối cảnh hiện tại. Do vậy, không vì lý do này hay lý do khác để làm giảm sút đi niềm tin, ưu điểm hay nhạo báng, chê trách hay dở, mà ở đây chúng tôi muốn lột tả được tính năng ưu việt của Phật giáo Khất sĩ mang tư tưởng giáo lý trung dung Bắc tông và Nam tông mới được hình thành, lại đang trên đà phát triển mạnh, khẳng định mình bên cạnh hai Hệ phái Bắc - Nam tông vốn đã có cách đây hàng ngàn năm. Chính sự tinh túy, đặc sắc của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam khi ra đời đã phát triển mạnh ở miền Nam, nhưng vì những lý do khách quan cùng chủ quan nên ở miền Bắc (từ Bắc đèo Hải Vân trở ra) sự phát triển, ảnh hưởng của Hệ phái không lớn. Và, đó cũng là vấn đề cần được quan tâm lớn nhất khi nhìn nhận sự phát triển của Phật giáo Khất sĩ trong bối cảnh hiện nay cũng như
cho sự phát triển trong tương lai.
Nhìn nhận sự hình thành và phát triển Phật giáo Khất sĩ ở Huế trên mặt tổng quan là một sự nỗ lực của chính các vị sư trên bước đường hoằng hóa, xiển dương mối đạo mới trong suốt 60 năm qua với những thành tựu hiện tại. Tuy nhiên, sự phát triển của Phật giáo Khất sĩ trên đất cố đô Huế, đặc biệt là đối với các hoạt động Phật sự, tín đồ, lễ nghi hay hòa nhập một cách sâu rộng trong quần chúng người dân Huế cần được lưu tâm với các phương pháp riêng để góp phần đưa giáo pháp Khất sĩ đến mọi người, giúp họ hiểu hơn những gì Khất sĩ đã, đang làm trong cái đặc trưng riêng có của Phật giáo Huế.
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
- Thích Giác Trí (2001), Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ, Luận văn Tốt nghiệp cử nhân Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khoá IV (1997
- 2001).
-
- Tổ sư Minh Đăng Quang (2004), Chơn lý, (Tập I, II, III), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo.
-
- Hệ phái Khất sĩ (2004), Ánh Minh Quang, Nxb. Tổng hợp TP. HCM.
-
- Thích Giác Toàn (chủ biên), 2004, 64 Tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ, Nxb. Tổng hợp TP. HCM.
-
- Lê Thọ Quốc (2005), Hệ phái Khất sĩ Việt Nam và sự hiện diện của Hệ phái trong Phật giáo Huế, Luận văn tốt nghiệp cử nhân Sử học, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.
-
- Lê Thọ Quốc (2006), “Một số vấn đề về Hệ phái Khất sĩ Việt Nam”, trong Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa
Thông tin tại Huế, số tháng 3/2006, tr. 87-97.
-
- Lê Thọ Quốc (2012), “Phật giáo Khất sĩ trong mối quan hệ với Phật giáo Đại thừa – Tiểu thừa và những đóng góp cho sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo ở Đông Nam Bộ” trong Hội thảo Khoa học Khoa học xã hội và phát triển bền vững Đông Nam Bộ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ & Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, ngày 12-13 tháng 07 năm 2012.