Bên cạnh Phật giáo Khất sĩ Đại thừa và Phật giáo Khất sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ở miền Nam Việt Nam còn có phái Du tăng Khất sĩ. Sáng lập Hệ phái này là Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân. Thuở nhỏ, Ngài được gia đình cho học ở trường Tống Phước Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt), thị xã Vĩnh Long. Năm 1937 (14 tuổi), Ngài nghỉ học, chí muốn xuất gia tìm đạo nhưng gia đình không cho phép. Năm sau, Ngài sang Campuchia tìm học đạo pháp. Đến năm 1941, Ngài trở về Việt Nam làm việc ở Chợ Lớn và lận đận trong vòng trầm luân. Ít lâu sau vợ qua đời, Ngài phải gởi đứa con còn nằm nôi cho người chị nuôi dưỡng. Năm 1944, Ngài xuất gia tại Vĩnh Long, đến năm 1946 Ngài tìm học giáo lý Đại thừa và Tiểu thừa (của Việt Nam và Campuchia).
Năm 1946, Ngài phát nguyện thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, độ đệ tử xuất gia và mở đạo.
Đến năm 1947, Ngài độ được 20 đệ tử. Ở Sài Gòn, Ngài đến chùa Kỳ Viên - Bàn Cờ truyền đạo và làm lễ Tự tứ. Ánh đạo vàng Khất sĩ được khai mở và tiếp độ từ một Du Tăng Khất sĩ tiến tới thành một đoàn Du Tăng Khất sĩ. Từ đó, tổ chức được quy định:
- Một tiểu Giáo hội có 20 Tỳ-kheo.
- Một trung Giáo hội có 100 Tỳ-kheo.
- Một đại Giáo hội có 500 Tỳ-kheo.
Theo quyển “Minh Đăng Quang pháp giáo” của Hàn Ôn, từ năm 1946 đến năm 1953, Tổ sư Minh Đăng Quang thu nhận được 49 đệ tử Tăng như: Giác Chánh, Giác Tánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An, Giác Trụ, Giác Thần, Giác Thọ, v.v…
Theo quyển “Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ” của Đại đức Thích Giác Trí, từ năm 1946 đến 1953, Tổ sư Minh Đăng Quang thu nhận được 53 đệ tử Ni như: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên, Đức Liên, v.v...
Để mở rộng phạm vi hành đạo cũng như cơ sở hoằng pháp, khi đến nơi nào có điều kiện, Tổ sư đều cho dựng lên ngôi tịnh xá, mặc dù chỉ bằng gỗ lá. Trong 10 năm đầu, Tổ sư đã xây cất được 20 ngôi tịnh xá: Ngọc Huệ, Ngọc Thanh ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang); Pháp Vân, Trúc Viên, Ngọc Thuận, Ngọc Viên ở tỉnh Vĩnh Long; Ngọc Trung, Ngọc Ân, Ngọc Minh và Ngọc Liên ở tỉnh Cần Thơ; Ngọc Phước ở Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang; Ngọc Quang (Sa Đéc, Đồng Tháp); Ngọc Thọ và Ngọc Phú ở Châu Đốc; Ngọc Phước, Ngọc Long (Long Xuyên); Ngọc Vân (Trà Vinh); Ngọc Thành, Ngọc Thăng tỉnh Long An; Ngọc Thạnh (Tây Ninh); Ngọc Khánh (Sóc Trăng); Ngọc Bình và Ngọc An ở Thủ Dầu Một; Ngọc Bích (Vũng Tàu); Ngọc Lâm và Ngọc Sơn (Chợ Lớn), Ngọc Chánh (Sài Gòn); Ngọc Hải (Rạch Giá); Bửu Long và Ngọc Bửu ở Biên Hòa.
Ngày 21/1/1954, ông Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Diệu, Thủ hiến Nam Việt đã ký văn bản 194/6T cho phép đoàn Du tăng Khất sĩ đi hành đạo, khi đến địa phương nào, đoàn phải trình sổ, xin phép chính quyền địa phương. Nhưng sau đó trên đường hành đạo từ Vĩnh Long về Cần Thơ, Ngài bị ngoại đạo bắt tại Bắc Cái Vồn và mất tích đến nay.
Tổ sư Minh Đăng Quang để lại cho hậu thế bộ Chơn lý gồm 69 tiểu phẩm và quyển Bồ-tát giáo.
Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, với chí nguyện
hoằng pháp lợi sinh, vào năm 1956 - 1957 Trưởng lão Giác Chánh hướng dẫn đoàn Du tăng Khất sĩ đến các tỉnh miền Trung hành đạo. Có tỉnh được đoàn đến hai hoặc ba lần, do đó nhiều Trưởng lão phải ở lại hành đạo vì tín đồ Phật tử khẩn cầu. Từ đó hình thành 5 giáo đoàn Tăng:
- Giáo đoàn I: Trưởng lão Chánh Giác làm trưởng đoàn. Tổ đình là Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long). Từ năm 1954- 1975, Giáo đoàn I có khoảng 50 Tăng, xây dựng 21 tịnh xá, tịnh thất.
- Giáo đoàn II: Trưởng lão Giác Tánh làm trưởng đoàn. Giáo đoàn II ngày nay lấy Tịnh xá Ngọc Nhơn (Quy Nhơn) làm Tổ đình. Từ năm 1954-1975 có 65 vị (trong đó có 30 học Tăng) xây dựng 15 tịnh xá.
- Giáo đoàn III: Trưởng lão Giác An làm trưởng đoàn, lấy Tịnh xá Ngọc Tòng (Nha Trang) làm Tổ đình. Đến năm 1975 có 30 vị Tăng, xây dựng 41 tịnh xá, tịnh thất.
- Giáo đoàn IV: Hoà thượng Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng đoàn, lấy Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh, TP. HCM), nguyên trụ sở Hệ phái làm Tổ đình của Giáo đoàn. Đến năm 1974 có 171 Tăng, xây dựng 32 tịnh xá, tịnh thất.
- Giáo đoàn V: Trưởng đoàn là Trưởng lão Giác Lý, Tịnh xá Trung Tâm (Quận 6, TP.Hồ Chí Minh) là Tổ đình. Từ năm 1954-1975 có khoảng 70 vị Tăng, xây dựng được 23 tịnh xá, tịnh thất.
Năm 1963, Thượng tọa Giác Huệ thành lập một giáo đoàn nhưng đến tháng 8 năm 1983 mới hòa hợp trong Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Sư cả Từ Huệ (1910-1997) người Mỹ Tho, Sư trưởng Giác Bảo (1909-1992) người Vĩnh Long đều là đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang. Sư cả Từ Huệ được Tổ sư Minh Đăng Quang cho tách đoàn, lập Tịnh xá Mỹ Đức ở Mỹ Tho; hai Tịnh xá An Đức và Bồ Đề ở Bến Tre, tu theo hạnh Độc Giác nhưng Ngài đã độ được khoảng 100 đệ tử xuất gia và đào tạo nhiều đệ tử như Hòa thượng Giác Toàn, Thượng tọa Huệ Tâm, Thượng tọa Huệ Ngộ được tiếp nhận khi chư Tôn đức
còn niên thiếu... Ngài tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm nhiều công tác từ thiện xã hội. Hiện nay, chư Tôn đức đệ tử của Hòa thượng Từ Huệ đều hòa nhập vào Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, có 13 tịnh xá, 1 ngôi chùa, 30 Tăng Ni.
Trưởng lão Giác Bảo sau khi tách đoàn chỉ xây dựng được Tịnh xá Ngọc Vi 1, sau đó Ngài xây dựng thêm Tịnh xá Ngọc Vi 2. Mãi đến sau khi Ngài viên tịch (1992), các đệ tử của Ngài tiếp tục hành đạo hoằng hóa đến nhiều nơi. Đến nay xây dựng được 12 tịnh xá, Tăng Ni có 25 vị và cũng đã gia nhập Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Tôn chỉ của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam là hành trì Giới, Định và Huệ. Giới, Định, Huệ quyết định sự thành tựu Thánh quả. Ngài khẳng định: Giới như trái đất, Định như cây trồng, Huệ như trái cây. Ba yếu tố khắng khít nhau, không tách rời, nếu thiếu một trong ba yếu tố, Thánh quả sẽ không thành tựu.
Ngài nói chỉ có Định mới sinh Tuệ. Định Tuệ song tu.
Tổ sư Minh Đăng Quang viết quyển Chơn lý, tập hợp 69 bài giảng pháp của Ngài (xuất bản năm 1961) gồm các bài nói về nhân sinh quan Phật giáo, giáo lý Phật giáo, vũ trụ quan Phật giáo, các bài khuyến tu, giới thiệu Đạo Phật Khất Sĩ - một Hệ phái Phật giáo mới ra đời.
Các bài kinh viết bằng chữ Quốc ngữ, tụng đọc rõ ràng, không ngâm nga, không dùng các loại nhạc cụ như mõ, khánh, chiêng, trống. Nhưng gần đây do nhu cầu xã hội, Phật tử cũng tụng kinh A-di-đà, kinh Vu Lan, kinh Phổ Môn, kinh Pháp Hoa... nên qui luật không còn tuân thủ nghiêm ngặt.
Tịnh xá có chánh điện thờ Phật, nhà Cửu Huyền và cốc dành cho chư Tăng Ni. Tăng xá của phái Du tăng Khất sĩ đều cách biệt nhau, chánh điện tịnh xá có hai lớp mái: Đỉnh cao hình ngọn đuốc (đuốc Chơn lý). Tầng trên có 4 mái tượng trưng Tứ diệu đế, tầng dưới có 8 mái tượng trưng Bát chánh đạo. Trước đây, các tịnh xá đều thờ Phật Thích-ca tôn trí trên bảo tháp ba tầng giữa chánh điện, phía sau tôn tượng đức Bổn sư là thờ Tổ sư Minh Đăng Quang (theo quan niệm
tiền Phật hậu Tổ). Phía sau chánh điện là nhà Cửu huyền.
Tịnh xá thường làm bằng gỗ, lợp lá, nền gạch, trang trí đơn giản (tháp thờ Phật) không hoành phi câu đối.
Hiện nay có một số cơ sở do tín đồ đông, diện tích chật chội nên phải nâng lầu hai, ba tầng. Do nhu cầu tín ngưỡng phát triển nên tại nhà Cửu Huyền đã thờ tượng Bồ-tát Địa Tạng. Trước sân có thờ tượng Bồ-tát Bạch y Quan Âm, tượng Bồ-tát Di-lặc, tháp Tổ, trong tịnh xá có đại hồng chung, chuông mõ như một ngôi chùa Bắc tông.
Một số tịnh xá ngày nay không còn giữ nét đơn sơ, thờ phụng đơn giản mà thờ nhiều tượng Phật, Bồ-tát và thiện thần. Trong khi đó Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), Tịnh xá Ngọc Huệ (Cai Lậy) xây dựng vẫn theo mô hình cũ nhưng đồ sộ, mỹ thuật ít nơi nào sánh được.
Tăng Ni Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam vận pháp phục theo cách của tu sĩ Phật giáo Nam tông (ngoại trừ y bá nạp và y trung). Trong Tăng đoàn có Ni (khác Nam tông), giữ hạnh khất thực nhưng dùng phẩm vật chay.
Chương trình tu tập của Tăng Ni mỗi ngày như sau: Sáng: Từ 5 - 6 giờ thiền định. Từ 8 - 9 giờ khất thực. Trưa: Từ 11- 12 giờ cúng dường thọ thực.
Chiều: Từ 3 - 4 giờ thuyết pháp. Từ 6 - 7 giờ thiền định. Khuya: Từ 12 - 1 giờ thiền định.
Mỗi tháng có 4 ngày cúng hội: Mùng 8, 23, rằm và 30.
+ Tối ngày 14 và 30: sám hối.
+ Sáng rằm và mùng một: tụng giới.
Sau năm 1975, chư Tăng Ni phải thường trú theo hộ khẩu. Việc khất thực bị một số thành phần xấu lợi dụng, do đó chỉ khất thực vào ngày mùng một, ngày rằm và vào những dịp lễ. Chư Tăng Ni vừa tu học tại tịnh xá vừa hướng dẫn Phật tử cùng tu học và làm các công
tác từ thiện xã hội phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Hiện nay, Hệ phái Khất sĩ có hơn 500 tịnh xá hiện diện ở cả ba miền đất nước, đồng thời cũng lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Con số Tăng Ni Khất sĩ trên 3200 vị. Chư Tôn đức trong Hệ phái cũng khuyến khích chư Tăng Ni trẻ có đạo hạnh và khả năng theo học các chương trình Phật học, Tôn giáo học, Triết học… tại các trường đại học trong nước và quốc tế. Tuy cổ xúy việc mở rộng kiến giải Phật học nhưng chư Tôn đức vẫn luôn nhắc nhở chư Tăng Ni Hệ phái luôn lấy Giới hạnh làm đầu. Các khóa tu Truyền thống Khất sĩ, Giới Định Tuệ, Tâm Tĩnh Lặng… thường xuyên được tổ chức trong 6 giáo đoàn để chư Tăng Ni cùng câu hội về tu học trong tinh thần đại chúng hòa hợp và uốn nắn trau dồi pháp tu cho mỗi hành giả vững chãi hơn.
Tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đức Tôn sư vẫn luôn được chư Tăng Ni Hệ phái duy trì đúng mực, bên cạnh việc song hành cùng nhịp tiến của Giáo hội mang an lạc hạnh phúc đến cho mọi nhà, mọi người.