38. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO TRÊN VÙNG TÂY BẮC QUA CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO TRÊN VÙNG TÂY BẮC
QUA CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu
THAM LUAN 38 copy


1. Dẫn nhập
Hiện nay Việt Nam nói chung và các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng đang đồng hành với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình ứng dụng những thành tựu công nghệ mới vào việc nghiên cứu khoa học hiện đang diễn ra rất mạnh và đạt hiệu quả cao. Một trong những xu hướng đang được các tổ chức Phật giáo triển khai đó là công cuộc chuyển đổi số. Đây chính là nhân tố trọng tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sau cuộc bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua, nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đã và đang phải trải qua nhiều biến động. Covid-19 như là một cú huých bằng cả chục năm xã hội “kêu gào” chuyển đổi số, và đây thực sự là cơ hội vàng để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới. Đây chính là cơ hội để chuyển đổi số phát huy được thế mạnh của mình. Chuyển đổi số giúp số hoá các tài liệu, chuyển toàn bộ tài liệu từ dạng cứng sang dạng tài liệu mềm để thuận tiện cho việc chỉnh sửa. Giúp lưu trữ các kho tài liệu và tiết kiệm được diện tích lưu trữ lâu dài. Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ được áp dụng ở các cơ quan, văn phòng thuộc trung ương hoặc các thành phố lớn, mà chuyển đổi số đã được áp dụng tới các thiền viện, các Viện nghiên cứu Phật học, các tạp chí Phật giáo ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Các cơ sở tổ chức này đã ứng dụng vào việc lưu trữ và chia sẻ các bài viết, bài nghiên cứu của các Tăng Ni, các nhà nghiên cứu Phật học trong tỉnh và ngoài tỉnh. Những bài viết, bài nghiên cứu được truyền tải qua báo điện tử truyền hình, phát thanh và mạng xã hội. Nhờ chuyển đổi số, mà các kho dữ liệu đã được cập nhật đầy đủ trên mạng xã hội để phục vụ đời sống tinh thần của các Phật tử, việc tìm kiếm các thông tin cũng dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn giúp nâng cao hiệu quả truyền thông ngành du lịch của vùng. Ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá hình ảnh của địa phương, cung cấp thông tin chi tiết của địa danh tới du khách trong và ngoài nước. Tạo những những hình ảnh ảo mà như thật trên không gian mạng về kiến trúc, văn hoá, bản sắc, ẩm thực của vùng.
Như vậy, chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới và nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Đây chính là yếu tố làm lên sự phát triển của Phật giáo ở vùng Tây Bắc.
2. Chuyển đổi số là gì?
Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta  thường thấy nhắc nhiều tới cụm từ chuyển đổi số? Vậy chuyển đổi số là gì? Theo một số nghiên cứu, chuyển đổi số là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hoá, sau đó áp dụng công nghệ đó vào phục vụ công việc, vào việc phân tích và tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, nâng cao năng lực quản lý và tạo ra các giá trị mới. Theo Wikipedia, chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Theo FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc...
Như vậy có thể hiểu chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, nâng cao hiệu quả công việc, hiệu quả quản lý, và tạo ra các giá trị mới phục vụ đời sống.
3. Vì sao cần áp dụng công nghệ chuyển đổi số
Chuyển đổi số được cho là rất quan trọng và mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Chuyển đổi số đã góp phần làm thay đổi cách sống, cách làm việc, giúp gia tăng năng suất làm việc, giảm tải sức lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo nghiên cứu của Microsoft, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới việc tăng trưởng năng suất lao động là 15%, đến năm 2020, con số đã tăng lên là 21%.
Chuyển đổi số xuất hiện ở nước ta cũng khá lâu, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số mới khẳng định được vị thế của mình. Cụ thể do dãn cách xã hội, tình thế bắt buộc các cá nhân, tập thể, các tổ chức, doanh nghiệp phải làm việc tại nhà. Để công việc được xử lý kịp thời, họ phải tìm đến giải pháp chuyển đổi số để duy trì công việc, Phật giáo cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thông thường, các tổ chức Phật giáo làm việc theo phong cách thủ công, điều này gây mất nhiều thời gian, giảm hiệu suất làm việc. Ngoài ra, việc lưu trữ một khối lượng văn bản, giấy tờ khá lớn chiếm rất nhiều diện tích, chưa kể đến việc bị hư hỏng do tác động của ngoại cảnh, cùng với việc tra cứu cũng khá khó khăn, không hiệu quả, mất thời gian. Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ giúp số hoá tài liệu, chuyển toàn bộ tài liệu ở dạng bản cứng sang tài liệu ở dạng bản mềm, thuận tiện cho việc tìm kiếm, chia sẻ thông tin, lưu trữ được lâu dài và tiết kiệm được không gian lưu trữ. Việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình xử lý dữ liệu, sẽ giúp các tổ chức Phật giáo đơn giản hoá quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của tổ chức mình. Nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của thời đại 4.0. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số còn giúp phân loại và tìm kiếm những số liệu một cách hiệu quả, nhanh chóng và chính xác. Hiện nay, các tổ chức Phật giáo đang lưu trữ một khối lượng khá lớn các công trình nghiên cứu, các bài viết, sách, ấn phẩm liên quan đến Phật giáo, nếu theo cách thủ công thì việc tìm kiếm rất mất thời gian và đạt hiệu quả thấp. Trước vấn đề nhức nhối này, Giáo hội cần bắt tay ngay vào hành động để không bị các tôn giáo khác đẩy lùi lại phía sau.
Mục tiêu chính của chuyển đổi số là giúp gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm, tạo được độ phủ không giới hạn về phạm vi. Chuyển đổi số chính là việc khởi đầu, đi từ những bước nhỏ như số hoá tài liệu, bài viết, sách Phật giáo trong các cơ sở, tổ chức vùng Tây Bắc, để đạt được những lợi ích lớn trong tương lai. Mỗi tổ chức, cở sở Phật giáo đều có cách chuyển đổi số khác nhau, tuy nhiên, để thúc đẩy và nâng cao công cuộc chuyển đổi số, Phật giáo cần phổ cập kỹ năng số cho từng nhân sự hiện đang làm việc tại các cơ sở tổ chức Phật giáo. Trong cuốn Digital transformation, Tom Siebel phân tích: muốn chuyển đổi số thành công thì đội ngũ điều hành trong tổ chức cần được giao phó sứ mạng và phải có khả năng lãnh đạo, nói cách khác chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống. Theo nghiên cứu của một nhóm tác giả, để chuyển đổi số thành công, việc trước tiên phải hình thành tư duy số trong từng nhân sự, phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chi tiết, thông báo tới từng thành viên trong các cơ sở Phật giáo về lợi ích và hiệu quả của việc chuyển đổi số. Một cơ sở mà tất cả nhân sự đều có kỹ năng số cơ bản sẽ là điều kiện bảo đảm cho chuyển đổi số đạt được kết quả cao. Hiện nay, rất nhiều công việc thuộc các ngành, nghề cho phép làm việc tại nhà hoặc đang di chuyển trên đường. Các kỹ năng như tìm kiếm, phân tích dữ liệu, sử dụng email, soạn thảo văn bản trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… đang được coi là những kỹ năng số cơ bản mà mỗi nhân sự cần phải trang bị.
Lai Châu là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Trong đó điểm thu hút nhất phải kể đến là Bản Sin Suối Hồ. Đây là một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của đồng bào dân tộc tuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Hàng năm, lượng du khác đến Sin Suối Hồ khoảng 20.000 lượt người, đạt doanh thu khá cao. Nhưng trong đại dịch Covid-19, lượng khách tham quan giảm đáng kể. Đứng trước bối cảnh thiệt hại lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, Phật giáo đã bắt tay cùng chính quyền tỉnh nghiên cứu và đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Tìm ra phương thức mới để sẵn sàng đón du khách trở lại sau đại dịch. Việc đầu tiên, Phật giáo áp dụng công nghệ số vào công cuộc truyền thông du lịch, tạo ra những hình ảnh đẹp để quảng bá đến du khách, giúp họ biết được những thông tin một cách chi tiết về địa danh này. Xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn. Với hệ thống trợ lý du lịch ảo này, du khách có thể tham quan Sin Suối Hồ trên internet với những kiến trúc cổ, những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ, cho đến văn hóa ẩm thực… Du khách có thể trải nghiệm du lịch qua màn ảnh nhỏ bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tham quan, trải nghiệm tương tác 3D với các phong tục, bản sắc của đồng bào dân tộc Mông, xem mô hình kinh doanh homestay với các thiếu nữ mang trên mình bộ trang phục truyền thống. Nhờ những công nghệ số này, du khách có thể tìm hiểu một cách kỹ càng về địa danh nơi mình muốn đến trong môi trường ảo mà như thật.
Chuyển đổi số là sự lan toả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Là bước đầu đánh dấu sự phát triển của Phật giáo trên vùng Tây Bắc, vì thế Phật giáo cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc lan tỏa công cuộc chuyển đổi số, nhằm giúp bảo tồn các giá văn hoá dân tộc ở các vùng Tây Bắc. Nhưng để lan tỏa công nghệ số hoá này đến được với người dân ở các bản làng xa xôi, đòi hỏi cần có sự quan tâm, định hướng đúng đắn từ các cấp chính quyền địa phương, từ các đơn vị và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn. Cũng trong công trình Digital transformation: không có doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ nào có thể thoát khỏi xu thế này. Ở cấp độ quốc gia, mức độ các nước đón nhận và thúc đẩy chuyển đổi số hôm nay sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh cũng như sự thịnh vượng của họ trong nhiều thập niên tới.
4. Đề xuất và giải pháp.
Thế giới đang trải qua những biến động chưa từng có, vì thế sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn là một xu thế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Tác giả Thomas M. Siebel nhận định, việc chuyển đổi số gõ cửa tất cả các ngành chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì thế để không bị tụt lùi sau các tôn giáo, Phật giáo cần bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và phát triển để theo kịp với thời đại, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu xin đưa ra một số đề xuất và giải pháp sau:
4.1. Đề xuất:
Chuyển đổi số có tính chất toàn cầu nên Phật giáo ở vùng Tây Bắc phải có cách tiếp cận toàn cầu.
Chuyển đổi số tác động đến các tổ chức Phật giáo của các địa phương, do đó phải bắt tay vào làm, tạo hệ thống tổng thể và liên thông.
Chuyển đổi số tác động đến những người Phật tử, do đó phải lấy Phật tử là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển chuyển đổi số. Mọi chính sách, việc làm đều hướng đến chúng sinh và các tổ chức, nên Phật tử đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Phật giáo phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, hợp lý. Bám sát thực tiễn khách quan, điều kiện hoàn cảnh. Xây dựng chương trình, kế hoạch, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Phải đầu tư thích đáng, hợp lý, hiệu quả cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…
4.2. Giải pháp:
Cần nâng cao nhận thức, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả và khoa học. Tránh để dàn trải.
Cần tăng cường công tác truyền thông đến với mọi người, nhất là người Phật tử, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc cùng Giáo hội. Phát triển hài hòa hợp lý gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính; phát triển phải có kế thừa, đổi mới, sáng tạo.
Cần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện đang là điểm yếu. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác.
Giáo hội Phật giáo cần thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia.
Các Viện Phật giáo tập trung hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình giáo dục, đào tạo số với định hướng, chiến lược có tầm nhìn.
5. Kết luận
Công cuộc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Chuyển đổi số không chỉ đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, mà còn góp phần phục hồi nền kinh tế. Sau cơn đại dịch thế kỷ, chuyển đổi số đã không còn là sự lựa chọn, mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội Việt Nam nói chung và của các tổ chức Phật giáo nói riêng. Có thể nói, Phật giáo trong công cuộc chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn nhất, là bước đánh dấu cho sự phát triển của Phật giáo trên vùng Tây Bắc./.
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây