Dẫn nhập
Người Khmer tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ rất sớm. Theo những phát hiện khảo cổ mới nhất thì có thể tư tưởng Phật giáo ban đầu thâm nhập các vương triều Phù Nam, Chân Lạp và đế quốc Khmer là tư tưởng Đại thừa, chịu ảnh hưởng của vương triều Sailendra trong vùng Nam đảo (Indonesia); trong thời gian này, tư tưởng Phật giáo Theravada cũng đã có mặt nhưng chỉ có tác động trong dân chúng. Vào thế kỷ XII, một vị Tỳ kheo tên Tamalinda – được nhiều nhà nghiên cứu cho là con trai của vua Javavarman VII – đã tham gia đoàn hành hương do các tu sĩ Miến Điện tổ chức đến Sri Lanka và sau đó mang về xứ nhiều kinh điển thuộc giáo phái Theravada. Kể từ thế kỷ thứ XV, trong quá trình suy sụp của đế quốc Khmer, Phật giáo Theravada lần lần trở thành nền tảng tư tưởng của người Khmer và tiếp tục có ảnh hưởng mãi đến sau này.
Từ thế kỷ thứ XVI, những cọ xát giữa Đại Việt, Thái Lan và Cambodia, lúc ấy còn có các danh xưng Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp, đã dần dần làm cho lãnh địa của người Khmer ngày càng bị thu hẹp. Đến cuối thế kỷ thứ XVII thì toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành đất đai của người Việt. Với nền tảng tư tưởng là giáo lý Phật giáo theo truyền thống Theravada, những người Khmer còn tiếp tục ở lại trên vùng đất cũ từng bước hòa nhập vào cuộc sống mới dưới sự quản trị của người Việt và cũng đã có nhiều đóng góp để làm phong phú văn hóa Việt. Một trong những giá trị đó chính là giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer, đã được người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long gìn giữ theo kinh điển Pali, gồm trong các bộ kinh Nikaya. Bản tham luận dưới đây sẽ trình
* Phó trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
bày quan niệm về Hạnh phúc và Tự do theo giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer.
Quan điểm Hạnh phúc và Tự do
Sau khi đế quốc Angkor tan rã, người Khmer tiếp tục chịu những sức ép mạnh mẽ từ phía Xiêm La (Thái Lan ngày nay) và Đại Việt (Việt Nam ngày nay). Các thế lực cát cứ khi phải dựa vào Xiêm, lúc phải nhờ vào Việt để duy trì quyền thống trị khiến lãnh thổ Khmer dần dần bị thu hẹp.
Cuối thế kỷ XVIII, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành lãnh thổ Việt Nam. Những người Khmer còn tiếp tục định cư trong vùng đã trở thành công dân Việt Nam, cùng chịu đựng với người Việt Nam số phận dân bị trị khi hầu hết vùng Đông Nam Á trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Trong hoàn cảnh đó, người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gìn giữ truyền thống Phật giáo Theravada mà họ đã thấm nhuần từ vài trăm năm trước. Truyền thống ấy cũng được gìn giữ trong thời gian Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương hồi giữa thế kỷ XX và từ khi Việt Nam thực hiện được sự thống nhất đất nước vào năm 1975 cho đến nay, kể cả giai đoạn có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ. Theo từng thời kỳ, và tùy theo hoàn cảnh chính trị thực tế, đã có nhiều tổ chức quy tụ những nhà sư và các vị cư sĩ Phật giáo người Việt gốc Khmer được thành lập để thực hiện việc tu tập, học hỏi và truyền bá giáo pháp Theravada.
Sau năm 1981, mọi tổ chức Phật giáo của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long thống nhất gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới danh xưng Phật giáo Nam tông Khmer, xác định rõ một hệ phái Phật giáo lấy tư tưởng Theravada làm căn bản, thực hiện mọi hoạt động tu tập trên nền tảng các bộ kinh Nikaya và truyền thống của người Khmer, dẫn xuất từ kinh điển do ngài Tamalinda đem về từ Sri Lanka hồi thế kỷ XII. Như vậy, quan điểm về hạnh phúc và tự do trong giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer chính là những điều được đúc rút từ các bộ kinh Nikaya.
Vấn đề hạnh phúc
Có thể nói rằng mục đích của cuộc sống con người là mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Thông thường, người ta nghĩ rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, một điều rất rõ là những yêu cầu cần thỏa mãn về vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân lại khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, cá tính, thời đại… Có người thấy rằng những yêu cầu ấy là tiền bạc, sức khỏe, gia đình, tiện nghi… Lại có người nhấn mạnh đến việc được khen, được yêu, được thực hiện lý tưởng gần gũi với một đấng Thượng đế… Như vậy thì ý nghĩa của hạnh phúc vẫn chưa phải là ý niệm chung nhất của mọi người và như vậy, chưa có những tiêu chuẩn để đánh giá hạnh phúc. Như đã được ghi nhận bởi các nhà nghiên cứu về hạnh phúc, ngay từ thời cổ đại, triết gia Hy Lạp Aristotle đã rất quan tâm đến việc tìm hiểu những nguyên nhân mang lại hạnh phúc nhưng ông cũng cho rằng sự tiến bộ trong lãnh vực này khó mà đạt được.
Vấn đề tự do
Nói chung, các triết gia hiện sinh phương Tây, như Albert Camus, Simone De Beauvoir, Jean Paul Sartre…, đều đề cao tự do trong hành động. Tự do được quan niệm là tình trạng của một người được phép làm những gì mà người đó cảm thấy là tốt cho mình; tự do cũng là phẩm chất của một người có đủ kiến thức và phẩm hạnh để làm những gì phù hợp với quy tắc đạo đức; và mọi người đều được tự do ngang nhau. Từ những quan niệm trên đã dẫn đến nhận định cho rằng tự do thuộc về bản chất, khả năng của con người. Vấn đề đặt ra là không phải lúc nào con người cũng có thể làm bất kỳ điều mình muốn cho dù điều đó không phương hại đến tự do của người khác và sự tự do như thế có mang lại hạnh phúc cho mình hay cho người khác hay không.
Hạnh phúc và tự do theo quan điểm của Phật giáo
Với những quan điểm về hạnh phúc và tự do như trên, ta có thể thấy rằng con người tuy khao khát hạnh phúc, mơ ước tự do nhưng họ chỉ có thể đi đến bế tắc. Thật ra, từ trên 2.500 năm trước, quan điểm về hạnh phúc và tự do đã được Đức Phật nêu
lên một cách cụ thể, thực tiễn và hoàn toàn có thể đạt được. Những quan điểm đó hiện đang được Phật giáo Nam tông Khmer gìn giữ.
Hạnh phúc và tự do tối hậu theo Phật giáo là Giải thóat, Niết bàn, có nghĩa là thóat khổ, không còn bị mọi sự ràng buộc, là thanh thóat, an vui, vượt khỏi cái ngã hẹp hòi, giả ảo. Đức Phật dạy: “Nước của đại dương chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, Pháp và Luật của ta chỉ có một vị là vị giải thóat” (kinh Udana, Phật tự thuyết). Nói cách khác, hạnh phúc và tự do chính là trạng thái vô ngã. Trạng thái này ta có thể được trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày trên bước đường mưu cầu hạnh phúc và tự do tối hậu.
Khi tôi làm việc thiện, khi tôi đem tài vật của tôi, khi tôi chịu bỏ công lao để giúp người khác tức là tôi đã quên mình, quên cái ngã nhỏ nhen của tôi. Trong kinh Trung bộ, Đức Phật đã phân tích các yếu tố cấu thành một chúng sinh gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức và nêu rõ tất cả những thứ đó đều không phải là một thực thể cố định, không tùy thuộc vào ý muốn của chính nó, nghĩa là không có ngã; và Ngài khuyên các tỳ-kheo, “Do vậy, này các Tỳ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’”.
Phân tích sâu hơn, Đức Phật đặt câu hỏi để các Tỳ-kheo tự trả lời:
“Này các Tỳ kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
“- Là vô thường, bạch Thế Tôn!”
“- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?” “- Là khổ, bạch Thế Tôn”.
“- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’”
“- Thưa không, bạch Thế Tôn”.
Qua những dẫn dụ khéo léo của Đức Phật, các vị Tỳ kheo nhận biết cụ thể rằng cuộc đời là khổ. Và Ngài dạy, “Thấy vậy, này các Tỳ kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thóat. Trong sự giải thóat, trí khởi lên: ‘Ta đã được giải thóat’…”. Cái ngã được hình thành bằng ngũ uẩn. Ngũ uẩn là con người, là ngã, là khổ (Ngũ uẩn xí thạnh khổ). Thóat khỏi ngũ uẩn là thóat khỏi ngã, thóat khỏi khổ, thóat khỏi mọi ràng buộc, là hạnh phúc, tự do.
Thượng tọa Buddhadasa phát biểu trong cuốn Heartwood of the Bodhi tree (Wisdom Publications, 1994): “Để nói đến cốt tủy của Phật pháp, tôi muốn nêu ra một câu nói ngắn gọn: ‘Đừng để dính mắc vào bất cứ thứ gì’ (Sabba dhamma nalam abhinivesaya). Cũng vậy, Nhà Nghiên cứu Phật học Joseph Goldstein nói thêm: “Có nhiều diễn tả khác nhau về Giác ngộ, nhưng tất cả các truyền thống Phật giáo cùng gặp nhau ở một hiểu biết về những gì giải thóat tâm. Đức Phật đã bày tỏ điều đó một cách rõ ràng, cụ thể: ‘Đừng dính mắc vào bất cứ thứ gì như là ‘tôi’, ‘của tôi’”(One Dharma, Harper Collins Publishers, 2003).
Luân hồi, khổ đau là do nghiệp. Nghiệp được hình thành do những hành động có tác ý. Như vậy, giữ gìn ý thanh tịnh, thiện lành thì hành động sẽ thiện lành. Trong hai bài kệ đầu tiên của kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:“ Ý dẫn đầu các pháp; Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm; Nói lên hay hành động; Khổ não bước theo sau; Như xe, chân vật kéo” và “Ý dẫn đầu các pháp; Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý thanh tịnh; Nói lên hay hành động; An lạc bước theo sau; Như bóng không rời hình”.
Ý ở đây chính là tâm. Thực hành thiền định chính là tìm cách nhận biết tâm, tu sửa tâm và chứng ngộ cái tâm vô ngã. Căn bản cho thiền định chính là Tứ niệm xứ hay Minh sát tuệ (satipatthana sutta, số 10, kinh Trung bộ), quán sát bốn đề tài: thân bất tịnh, cảm thọ là khổ, tâm thì vô thường, pháp thì vô ngã. Chính thiền định đưa đến trí tuệ, trí tuệ xóa tan vô minh,
phiền não, ràng buộc. Vậy trí tuệ cũng chính là hạnh phúc, là tự do. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 khẳng định: Đức Phật thấy rằng mục đích của cuộc đời là hạnh phúc. Ngài cũng thấy rằng trong khi vô minh trói buộc chúng sinh trong khổ đau, sợ hãi thì trí tuệ là sự giải thóat.” (www.dalailama.com).
Hạnh phúc và tự do là trạng thái của một cái tâm vô ngã. Dĩ nhiên, trạng thái hạnh phúc và tự do gồm nhiều cấp độ, từ thấp đến cao, từ chốc lát đến lâu dài…cho đến khi đạt đến mức độ tối hậu: Giải thóat, Niết-bàn. Trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể tìm thấy hạnh phúc và tự do trong từng mức độ theo mức độ vô ngã của tâm ta. Đây cũng là nội dung của Phật sự hoằng pháp, của chư tôn đức trong cộng đồng Tăng-già qua việc giảng pháp, khuyến thiện, qua các nghi lễ, lễ lạc tại các tự viện.
Đó cũng chính là con đường mà những người Phật tử Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long chọn lựa khi họ thực hành Phật giáo Nam tông Khmer; vì lẽ, họ vẫn luôn khắc ghi lời Phật dạy là hãy hành động “vì lợi ích, vì hạnh phúc của Trời và Người”. (Mahavagga). Chúng ta có thể thấy được điều đó khi nhận định rằng người Phật tử Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, sống hài hòa với đồng bào các dân tộc khác, đóng góp vào những giá trị văn hóa Việt Nam bằng những giá trị văn hóa riêng mình qua các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội… những lễ hội đặc trưng như Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới, cầu hạnh phúc may mắn), Sel Donta (tương tự Lễ Vu-lan, nhớ ơn tổ tiên), Ook Om Book (lễ cúng trăng, cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân hạnh phúc)… Có khoảng 15 lễ hội lớn mang ý nghĩa Phật giáo thu hút hầu như toàn thể cộng đồng của đồng bào Khmer đều nhằm bày tỏ sự mong cầu hạnh phúc. Cần nhấn mạnh rằng ý nghĩa chủ yếu của tự do ở đây là thái độ của cái tâm vô ngã, là hiệu dụng của các hành động thiện. Do đó các nghi lễ cũng góp phần quan trọng trong việc mong cầu hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống, giải thóat, xa lìa các vướng mắc, phiền muộn.
Phật giáo Nam tông Khmer đã khéo léo gìn giữ và thực hiện những lời dạy về hạnh phúc và tự do trong giáo lý Theravada.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Kinh Trung bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành, 1992.
- Kinh Tương ưng bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn
hành, 1993.
- Kinh Pháp Cú, Tỳ kheo Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2006.
- Chánh pháp và Hạnh phúc, Thích Minh Châu, NXB. Tôn Giáo, 2001
- Đạo đức học của Giải thóat, Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, Tập văn Phật Đản, số 16, 1991.
6. Nghi lễ của Phật giáo Nam tông gắn liền với văn hóa dân tộc Khmer. www.phathoc.net
- Khái quát về ngày lễ Pchum ben. www.phatgiaovn.com
- Lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, ĐĐ. Thiện Minh. www.phatgiaonguyenthuy.com
- Giới thiệu sơ lược về Phật giáo Nam tông Khmer, Minh Nga. www.btgcp.gov.vn
- Freedom from Buddha Nature, Thanissaro Bikkhu. www.accesstoinsight.org
- Happiness and Freedom, Paolo Verne. www.ideas.repec.org
- Khmer Buddhist History, Preah Thera Bhikkhu Santi. www.cambodianview.com
- Buddhism and Democracy. www.dalailama.com
14. Heartwood of the Bodhi tree, Buddhadasa Bhikkhu, Wisdom
Publications, 1994.
15. One Dharma, Joseph Goldstein, Harper Collins Publishers, 2003.